Chương VIII: Con Đường Thành Phật

09 Tháng Hai 201508:30(Xem: 5534)

KINH THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO
Thích Giải Hiền soạn dịch


CHƯƠNG VIII: CON ĐƯỜNG THÀNH PHẬT

[Nhĩ thời Thế Tôn phục cáo Long vương ngôn: Nhược hữu Bồ-Tát y thử thiện nghiệp, ư tu đạo thời, năng ly sát hại nhi hành bố thí cố.Thường phú tài bảo, vô năng xâm đoạt, trường thọ vô yểu, bất vi nhất thiết oán tặc tổn hại. Ly bất dữ thủ nhi hành thí cố, thường phú tài bảo, vô năng xâm đoạt, tối thắng vô tỷ, tất năng bị tập chư Phật Pháp tạng.Ly phi phạm hạnh nhi hành thí cố, thường phú tài bảo, vô năng xâm đoạt, kỳ gia trinh thuận, mẫu cập thê tử, vô hữu năng dĩ dục tâm thị giả .... Ly hư cuống ngữ nhi hành thí cố,thường phú tài bảo, vô năng xâm đoạt, ly chúng hủy báng, nhiếp trì chánh pháp, như kỳ thệ nguyện, sở tác tất quả. Ly ly gián ngữ nhi hành thí cố, thường phú tài bảo, vô năng xâm đoạt, quyến thuộc hòa mục, đồng nhất chí lạc, hằng vô quai tránh. Ly thô ác ngữ nhi hành thí cố, thường phú tài bảo, vô năng xâm đoạt, nhất thiết chúng hội hoan hỷ quy y, ngôn giai tín thọ, vô vi cự giả. Ly vô nghĩa ngữ nhi hành thí cố, thường phú tài bảo, vô năng xâm đoạt, ngôn bất hư thiết, nhân giai kính thọ, năng thiện phương tiện, đoạn chư nghi hoặc. Ly tham cầu tâm nhi hành thí cố, thường phú tài bảo, vô năng xâm đoạt, nhất thiết sở hữu, tất dĩ huệ xả, tín giải kiên cố, cụ đại oai lực. Ly phẫn nộ tâm nhi hành thí cố, thường phú tài bảo, vô năng xâm đoạt, tốc tự thành tựu vô ngại tâm trí, chư căn nghiêm hảo kiến giai kính ái. Ly tà đảo tâm nhi hành thí cố, thường phú tài bảo, vô năng xâm đoạt, hằng sanh chánh kiến, kính tín chi gia, kiến Phật, văn pháp, cúng dường chúng tăng, thường bất vong thất đại Bồ-đề tâm.Thị vi đại sĩ tu Bồ-Tát đạo thời, hành Thập thiện nghiệp, dĩ thí trang nghiêm sở hoạch đại lợi].

Nếu muốn thành Phật phải thông qua con đường tu tập Bồ Tát đạo, đó chính là pháp môn Lục Độ. Nhìn từ thực tiễn của vạn hạnh Lục Độ thì thập thiện nghiệp đạo chính là nền tảng rất quan trọng.

  1. I.                  Bố thí

Lục Độ lấy bố thí làm đầu. Bố thí thường gọi là thí xả, bao gồm tài thí, pháp thí, vô úy thí.

Tài thí tức là bố thí về của cải, bao gồm tiền tài và các phương tiện về ăn, mặc, ở, đi lại, gọi là ngoại tài thí và nội tài thí, tức là sinh mạng.

Đối với người khác mà nói, bố thí là sự đáp ứng tương ưng về giúp đỡ, còn đối với bản thân mà nói, bố thí chủ yếu là con đường để tu tập, tăng trưởng lòng từ bi, là sự điều chỉnh về tâm hạnh. Do vậy chỉ cần chúng ta có tâm, bất luận điều kiện kinh tế như thế nào thì đều có thể rộng tu thực hành bố thí. Trong kinh Phật dạy: bần cùng bố thí nan. Thật ra người có tiền thì có thể dùng tiền để bố thí, người không có tiền vẫn có thể phát tâm tùy hỉ với việc bố thí. Ngoài ra phương thức bố thí cũng có nhiều cách, như dùng nụ cười để cho người niềm vui cũng là bố thí, dành thời gian để chia sẻ, giúp đỡ cũng thuộc về bố thí. Mặt khác, nhường đường cho nhau khi giao thông cũng là một hình thức bố thí, tạo cho người sự tiện lợi cũng là làm việc bố thí mà không cần đến tiền tài. Cho nên có thể nói bất cứ giờ phút nào trong cuộc sống đều có thể tu tập hạnh bố thí. Pháp thí có hai dạng, một là dùng Phật Pháp để giúp người giải thoát khổ đau, hai là dạy cho người kĩ năng kiếm sống cũng thuộc về pháp thí.

Vô úy thí tức là cho người niềm tin, sự an ủi, lời khuyên, sự động viên đều thuộc về vô úy thí.

Nếu tu tập bố thí sẽ có được những điều lợi ích:

  1. Bố thí có thể khắc chế được sự keo kiệt. Thông thường người đời thường có lòng yêu mến quý trọng đối với những tài vật mà mình có được, không muốn chia sẻ với người khác. Dù cho là cái mình không cần nữa nhưng khi đem cho người khác thì lại cảm thấy nó rất quan trọng nên không thể xả thí được. Nếu không khắc chế thì tâm keo kiệt mỗi ngày mỗi lớn và sẽ trở thành một tập khí kiên cố. Phương pháp đối trị tốt nhất đó chính là bố thí.
  2. Bố thí có thể khắc chế sự tham chấp. Người có lòng tham nặng nề thời nhìn cái gì cũng thấy tốt, cái gì cũng không nỡ xả bỏ, chúng ta tu tập bố thí đồng thời cũng là đang khắc chế tâm tham trước đối với tài vật. Nếu thường làm việc bố thí thì tâm tham trước tự nhiên cũng theo đó mà được giảm nhẹ.
  3. Bố thí có thể tăng trưởng phước đức. Trên con đường nhân thiên tu phước là việc hàng đầu. Phước đức từ đâu đến, đó chính là từ nơi việc thực hành bố thí. Cũng như người nông dân mùa xuân gieo mạ, mùa thu gặt hái, chúng ta chỉ cần biết thường tu tập, thường gieo trồng nhân thiện, vun bồi ruộng phước thì sẽ thu hoạch được phước đức.
  4. Bố thí có thể đem sự giàu có từ đời này tiếp nối sang đời sau. Mạng sống là vô thường, cho nên nhiều người lấy việc hưởng lạc làm tôn chỉ, có tiền thì chỉ nghĩ đến việc thụ hưởng ăn chơi vì sợ rằng sau khi mất đi sẽ không được hưởng thụ nữa. Thật ra bố thí có thể quyết định được việc tiếp nối sự giàu có của chúng ta, cũng giống như việc đầu tư, nếu biết chọn những hạng mục mà đầu tư tốt thì sẽ kiếm được tiền bạc, làm cho tài sản ngày thêm tăng trưởng. Phước báo cũng vậy, cũng giống như chúng ta biết tích trữ tài khoản ở ngân hàng thì việc bố thí cũng chính là phương thức đầu tư tích trữ phước báo cho chúng ta ở đời sống. Nhờ nghiệp nhân tốt ấy mà sự giàu có vẫn được tiếp nối trong đời vị lai.

Chúng ta không những thực hành bố thí mà còn phải biết kịp thời bố thí. Trong đời sống của chúng ta, ngọn lửa vô thường không ngừng cháy đốt, ngọn gió vô thường cũng không ngừng thổi, vạn vật đều chịu sự chi phối của quy luật vô thường. Mỗi ngày qua đi là chúng ta bước gần đến với cái chết. Mạng sống kéo dài bao lâu không ai có thể làm chủ được. Nên trong quá trình tiếp diễn của cuộc sống, sinh mạng chỉ nơi một hơi thở mà thôi. Dù cho tài sản có nhiều đi chăng nữa, khi nhắm mắt xuôi tay cũng hoàn không. Cho nên khi chúng ta còn đang mạnh khỏe thì phải biết nỗ lực tu tập, thực hành bố thí, cứu tế người nghèo, hiếu dưỡng cha mẹ, cúng dường Tam Bảo. Nếu hiện tại không biết tích cực đầu tư thì sẽ đánh mất đi thời cơ tốt đẹp. Do vậy dùng đồng tiền như thế nào, đó chính là trí tuệ của mỗi người. Trong kinh thập thiện nghiệp đạo tuy có nói đến tứ nhiếp, tứ vô lượng tâm, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, nhưng nói rõ hơn hết về bố thí và thập thiện nghiệp, để thấy được rằng sự quan trọng của bố thí trong lộ trình tu học Phật Pháp.

[Nhĩ thời Thế Tôn phục cáo Long vương ngôn: Nhược hữu Bồ-Tát y thử thiện nghiệp, ư tu đạo thời, năng ly sát hại nhi hành bố thí cố.Thường phú tài bảo, vô năng xâm đoạt, trường thọ vô yểu, bất vi nhất thiết oán tặc tổn hại]. Đức Phật bảo Long Vương, đối với hành giả tu tập Bồ Tát đạo thường hành bố thí nhưng tiền tài có được để đem bố thí đó chính là tiền tài không kiếm được từ các nghề nghiệp sát sinh mà ra thì sẽ được chiêu cảm nên quả báo trường thọ phú quý, không bị người khác chiếm đoạt, cũng không bị đoản mệnh chết yểu, càng không bị oán gia, trái chủ, giặc cướp xâm hại.

[Ly bất dữ thủ nhi hành thí cố, thường phú tài bảo, vô năng xâm đoạt, tối thắng vô tỷ, tất năng bị tập chư Phật Pháp tạng]. Bất dữ thủ tức là không trộm cắp, bao gồm cả việc không trốn thuế. Nếu dùng phương pháp kinh doanh hợp pháp để kiếm tiền làm việc bố thí sẽ chiêu cảm nên phước báo đại phú đại quý, của cải giàu có hơn hẳn người khác, đồng thời cũng sẽ giữ vững được sự giàu sang, không bị Chính quyền, giặc cướp, con bất hiếu, lũ lụt và hỏa hoạn làm xâm tổn.

[Ly phi phạm hạnh nhi hành thí cố, thường phú tài bảo, vô năng xâm đoạt, kỳ gia trinh thuận, mẫu cập thê tử, vô hữu năng dĩ dục tâm thị giả ....]. Phi phạm hạnh tức tà dâm, nếu rời xa tà dâm mà thực hành bố thí một mặt có thể bảo hộ được sự giàu có bền bỉ, không bị người chiếm đoạt, mặt khác có được gia đình bình an mỹ mãn, mọi việc như ý. Những người nữ trong gia đình sẽ không bị người khác dùng tâm tà vạy để chiếm hữu.

[Ly hư cuống ngữ nhi hành thí cố,thường phú tài bảo, vô năng xâm đoạt, ly chúng hủy báng, nhiếp trì chánh pháp, như kỳ thệ nguyện, sở tác tất quả]. Hư cuống ngữ tức vọng ngữ, nếu xa rời hư vọng, dùng những ngôn ngữ chân thật chánh đáng, không dùng thủ đoạn lừa gạt để có được tài sản chánh đáng rồi đem bố thí thì hiện đời không những giàu có mà còn có được danh tiếng, uy đức tốt đẹp, không ai có thể hủy báng được.

[Ly ly gián ngữ nhi hành thí cố, thường phú tài bảo, vô năng xâm đoạt, quyến thuộc hòa mục, đồng nhất chí lạc, hằng vô quai tránh]. Ly gián ngữ tức là những ngôn từ thị phi. Nếu dựa vào tri thức, năng lực của mình để kiếm tiền, xa rời sự thị phi mà tu tập bố thí, có thể chiêu cảm nên phước báo tài sản không ngừng tăng trưởng, không ai chiếm đoạt, lại có được gia đình êm ấm hòa thuận, đồng chí đồng hướng, không bao giờ có sự tranh chấp, bất ổn trong gia đình.

[Ly thô ác ngữ nhi hành thí cố, thường phú tài bảo, vô năng xâm đoạt, nhất thiết chúng hội hoan hỷ quy y, ngôn giai tín thọ, vô vi cự giả]. Thô ác ngữ tức là những lời nói thô bạo, cục cằn hung dữ, khiến người không vui. Nếu rời xa thô ác ngữ để tu tập bố thí thì không những duy trì được sự giàu sang mà còn có thể xây dựng nên uy tín, danh vọng trong quần chúng, được nhiều người tin tưởng quý mến.

[Ly vô nghĩa ngữ nhi hành thí cố, thường phú tài bảo, vô năng xâm đoạt, ngôn bất hư thiết, nhân giai kính thọ, năng thiện phương tiện, đoạn chư nghi hoặc]. Vô nghĩa ngữ tức ỷ ngữ, những lời nói xuất phát từ tâm nhiễm ô sẽ khiến người phiền não và cũng sẽ ảnh hưởng đến nội tâm của chính mình. Nếu xa rời ỷ ngữ mà thực hành bố thí thì sẽ chiêu cảm nên thiện báo giàu có, đồng thời cũng có được danh tiếng tốt đẹp, lời mình nói ra sẽ dễ dàng được người tiếp nhận và làm theo, ngoài ra cũng có được một năng lực và phương tiện giáo hóa tốt, có thể giải đáp được tất cả mọi nghi hoặc của người.

[Ly tham cầu tâm nhi hành thí cố, thường phú tài bảo, vô năng xâm đoạt, nhất thiết sở hữu, tất dĩ huệ xả, tín giải kiên cố, cụ đại oai lực]. Nếu dùng tâm không tham cầu để thực hành bố thí sẽ chiêu cảm nên phước báo tài sản không ngừng tăng trưởng. Bởi vì không có tâm tham nên tài sản có nhiều cũng không muốn tích trữ mà tiếp tục thực hành nghiệp bố thí rộng lớn hơn, nên có thể làm cho phước báo và của cải ngày một tăng trưởng, tiếp nối từ đời này đến đời sau. Vì tin sâu vào đạo lý nhân quả nên lại càng làm cho thực lực kinh tế không ngừng lớn mạnh, uy tín trong xã hội cũng không ngừng được nâng cao.

[Ly phẫn nộ tâm nhi hành thí cố, thường phú tài bảo, vô năng xâm đoạt, tốc tự thành tựu vô ngại tâm trí, chư căn nghiêm hảo kiến giai kính ái]. Phẫn nộ tâm tức sân tâm. Nếu rời xa tâm sân hận mà thực hành bố thí sẽ chiêu cảm nên phước báo tài sản to lớn, đồng thời vì tâm địa nhu hòa tự tại vô ngại nên sẽ có được thiện phước tướng hảo trang nghiêm.

[Ly tà đảo tâm nhi hành thí cố, thường phú tài bảo, vô năng xâm đoạt, hằng sanh chánh kiến, kính tín chi gia, kiến Phật, văn pháp, cúng dường chúng tăng, thường bất vong thất đại Bồ-đề tâm]. Tà đảo tâm tức là những quan điểm sai lầm, tà kiến. Nếu xa rời tà kiến, đem nhận thức và phát tâm chánh trực để tu tập bố thí, không những chiêu cảm nên phước báo giàu có mà còn được sanh vào những gia đình có sự tín ngưỡng kiền thành đầy đủ chánh kiến. Chỉ có như vậy mới có đủ nhân duyên để thấy Phật, nghe Pháp và cũng dường chúng tăng, và cũng nhờ vậy mà phát tâm dũng mãnh trên con đường tu tập, đời đời kiếp kiếp không đánh mất Bồ Đề tâm.

[Thị vi đại sĩ tu Bồ-Tát đạo thời, hành Thập thiện nghiệp, dĩ thí trang nghiêm sở hoạch đại lợi]. Đại sĩ tức là Bồ Tát, người có thể thực hành trên cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh. Bồ Tát trên lộ trình hành Bồ Tát đạo lấy thập thiện nghiệp để thực hành bố thí nên đạt được lợi ích to lớn.

Do vậy, có thể thấy rằng bất kể là thực hành Lục Độ, Tứ Nhiếp, Tứ Vô Lượng Tâm, ba mươi bảy phẩm trợ đạo đều không thể xa rời căn bản thập thiện. Có như vậy mới có được thiện báo vẹn toàn, đạt được cuộc sống mỹ mãn hạnh phúc.

  1. II.               Trì giới

[Như thị Long vương, cử yếu ngôn chi, hành thập thiện đạo, dĩ giới trang nghiêm cố, năng sanh nhất thiết Phật Pháp nghĩa lợi, mãn túc đại nguyện]. Trì giới là độ thứ hai trong Lục Độ, là con đường đạt đến giải thoát, cũng là căn bản quan trọng trong việc học Phật. Con đường tu học Phật Pháp không ngoài tam học là: giới, định, tuệ, cũng gọi là tam vô lậu học. Đó chính là ba pháp môn căn bản giải thoát phiền não. Trong đó lấy giới làm đầu, giới chia ra có Thanh Văn giới, Bồ Tát giới, giới cho người tại gia và giới của người xuất gia.

Thanh Văn giới bao gồm thất chúng biệt giải thuyết giới, thất chúng là Ưu bà tắc, Ưu bà di hai chúng tại gia và năm chúng xuất gia gồm Sa di, Sa di ni, Thức Xoa Ma Na Ni, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni. Còn gọi là biệt giải thuyết giới hay biệt biệt giải thuyết, có nghĩa là giữ được một phần giới nào thì đắc được một phần giải thoát nấy. Tất cả các giới luật đều lấy ngũ giới làm căn bản. Khi giữ các điều giới thì đều có phân rõ tính quan trọng và nặng nhẹ, có thể sám hối và không thể sám hối. Đối với người cư sĩ tại gia, ngoài ngũ giới ra còn có bát quan trai giới để cho cư sĩ tại gia học hạnh xuất gia một ngày một đêm. Ngoài ra còn có Bồ Tát giới dành cho cả chúng xuất gia lẫn người tại gia.

  1. III.           Nhẫn nhục

[Nhẫn nhục trang nghiêm cố, đắc Phật viên âm, cụ chúng tướng hảo]. Nhẫn nhục là độ thứ ba trong Lục Độ. Nhẫn nhục là sự an nhiên tự tại trước những nghịch cảnh truy bức. Trong con mắt của nhiều người thường xem nhẫn nhục là biểu hiện của vô năng, nhu nhược, thậm chí cho rằng là không có khí phách. Nho gia có nói “Sĩ khả sát bất khả nhục”, tức là thà mất sinh mạng chứ không chịu mất sự tôn nghiêm, và cho rằng nhẫn nhục là làm mất đi sự tôn nghiêm ấy. Kì thực, người có đủ sức nhẫn nhục thì nhất định có đầy đủ một tấm lòng bao dung to lớn, đầy đủ một sức mạnh của nhân cách. Bởi vì có lòng bao dung mới có thể đối mặt với tất cả mọi điều khảo nghiệm, cũng giống như nước biển tiếp nhận hết thảy dòng nước của vạn sông. Có sức mạnh của nhẫn nhục nên mới có thể an nhiên tự tại trước mọi sự đả kích, giống như núi cao bất động trước gió thổi, mưa tuôn.

Nếu muốn thành tựu sự nghiệp thì phải bồi dưỡng được cho mình sức nhẫn nhục, nếu không rất khó thành tựu được đại nghiệp.

  1. IV.           Tinh tấn

[Tinh tấn trang nghiêm cố, năng phá ma oán, nhập Phật Pháp tạng]. Tinh tấn là độ thứ tư trong Lục Độ, chính là sự nỗ lực siêng năng không lười biếng. Trong cuộc sống, thành công không phải từ trên trời rơi xuống mà do nỗ lực mới có thể đạt thành. Muốn sự nghiệp học vấn được thành tựu thì phải nỗ lực học hành. Muốn sự nghiệp kinh doanh được thành tựu thì phải nỗ lực làm việc. Tất cả thành công đều phải có sự trả giá nhất định, huống gì là chúng ta muốn thành tựu sự nghiệp Phật Đà, cứu độ chúng sinh thì càng phải tinh tấn hơn nữa mới có thể đạt được mục đích.

Có phải tất cả mọi sự nỗ lực đều thuộc về phạm trù tinh tấn hay không? Không hẳn như vậy. Tinh tấn trong Phật Pháp có một nội hàm nhất định, đó chính là hành vi bỏ ác tu thiện.

[Tinh tấn trang nghiêm cố, năng phá ma oán, nhập Phật Pháp tạng]. Nếu tinh tấn nỗ lực trên cơ sở của thập thiện nghiệp thì có thể phá trừ được các loại ma chướng để thâm nhập vào Phật Pháp thâm diệu. Ma không chỉ là thiên ma ngoại đạo mà bao gồm cả phiền não ma, sanh tử ma.

  1. V.              Thiền định

[Định trang nghiêm cố, năng sanh niệm, tuệ, tàm, quí, khinh an]. Định tức là thiền định. Nhiều người sơ học thường đem thiền định và thiền tông nhập lại làm một. Thật ra thiền định thuộc về định học, còn thiền tông thuộc về tuệ học. Thiền định là điều có chung giữa Phật Pháp và ngoại đạo. Khi Phật còn tại thế, ở Ấn Độ nhiều ngoại đạo cũng tu tập thiền định. Ở Trung Quốc đạo gia lấy khí công để thực hành thiền tu. Định là một sự luyện tập đối với tâm, làm cho tâm chuyên chú vào một cảnh giới chính là chỉ. Chú tâm chuyên nhất như vậy lâu ngày chày tháng sẽ đạt được định. Phương pháp để đạt đến định còn có thể thông qua đọc kinh, niệm chú, niệm Phật hoặc quán sát hơi thở.

[Định trang nghiêm cố, năng sanh niệm, tuệ, tàm, quí, khinh an]. Thiền định là nội dung tu hành quan trọng của đạo Phật. Vì có cơ sở đầy đủ của định mới có thể khởi phát được chánh niệm về giữ vững chánh niệm ấy tương tục không gián đoạn nên mới khai phá được trí tuệ, đoạn trừ được phiền não và sanh tâm sám hối, làm cho thanh tâm được an vui hỉ lạc khinh an.

  1. VI.           Bát Nhã.

[Tuệ trang nghiêm cố, năng đoạn nhất thiết phân biệt vọng kiến]. Bát Nhã là dịch âm của tiếng Phạn, có nghĩa là trí tuệ. Tuệ học là cốt lõi của Phật Pháp, cũng là điểm khác biệt giữa Phật giáo và các tôn giáo khác. Trên căn bản, thành Phật chính là thành tựu viên mãn về trí tuệ.

Trong tâm kinh đã nói: “Tam thế chư Phật y Bát Nhã ba la mật đa cố, đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề”. Tam thế tức là quá khứ, hiện tại, vị lai. Các đức Phật đều nương nơi Bát Nhã để thành tựu. Nếu rời xa trí tuệ Bát Nhã thì sẽ không thành tựu được Phật quả. Kinh Duy Ma Cật cũng nói: “Trí tuệ Bồ Tát mẫu, phương tiện dĩ vi phụ”. Chúng ta học Phật phải từ nơi việc văn tư kinh giáo bắt đầu, chính là việc xây dựng một nhân sinh quan chính xác, từ đó khởi phát nên trí tuệ nội tại do trí tuệ mà có thể đoạn trừ được tất cả vọng kiến, đoạn trừ được nhận thức sai lầm và đoạn trừ được hết thảy mọi phiền não.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Tám 2020(Xem: 8866)
06 Tháng Bảy 2016(Xem: 7997)
Đối nghịch, mâu thuẫn là hiện tượng thường xảy ra trong đời sống. Khi không thể giải quyết, nó đưa đến thù ghét và chiến tranh. Từ ngày có con người trên trái đất cho đến ngày nay, chiến tranh chưa bao giờ chấm dứt.
19 Tháng Năm 2016(Xem: 9565)
Bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daijokyo) xuất xứ từ thời Vua Taisho (Đại Chánh) ở Nhật Bản từ đầu thế kỷ thứ 20. Đây là một bộ Đại Tạng Kinh của Bắc truyền được tổng hợp cũng như sự giảo chánh của các nhà học giả Phật Giáo Nhật Bản lúc đương thời qua các bộ Minh Đại Tạng, Càn Long Đại Tạng v.v… Tổng cộng gồm 100 quyển, dày mỏng khác nhau, mỗi quyển độ 1.000 đến 1.500 trang khổ lớn. Cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh đã cho phiên dịch hoàn toàn sang tiếng Việt tại Đài Loan thành 203 cuốn(đã in được 93 cuốn), mỗi cuốn từ 800 đến 1.500 trang. Tổng cộng các bản dịch về Kinh, Luật, Luận của Đại Thừa không dưới 250.000 trang sách.
12 Tháng Năm 2016(Xem: 9120)
BÁT NHÃ BA LA MẬT là một trong những hệ tư tưởng của Đaị thừa Phật giáo Bắc tông. Bát Nhã Ba La Mật, Trung Hoa dịch: TRÍ TUỆ ĐÁO BỈ NGẠN. Thành ngữ đáo bỉ ngạn, chỉ cho sự viên vãn cứu kính, sự hoàn thành trọn vẹn về một lãnh vực tri thức, một công hạnh lợi tha, một sự giải thoát giác ngộ hoàn toàn..