Chương VI: Đức Hạnh Căn Bản Của Học Phật

09 Tháng Hai 201508:24(Xem: 5310)

KINH THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO
Thích Giải Hiền soạn dịch

CHƯƠNG VI: ĐỨC HẠNH CĂN BẢN CỦA HỌC PHẬT

[Long Vương đương tri: Bồ Tát hữu nhất pháp, năng đoạn nhất thiết chủ ác đạo khổ. Hà đẳng vi nhất? Vị ư trú dạ, thường niệm tư duy, quán sát thiện pháp, linh chư thiện pháp niệm niệm tăng trưởng, bất dung hào phân bất thiện gián tạp. Thị tức năng linh chư ác vĩnh đoạn, thiện pháp viên mãn, thượng đắc thân cận chư Phật Bồ Tát cập dư thánh chúng. Ngôn thiện pháp giả, vị Nhân Thiên thân, Thanh Văn, Bồ Đề, Độc Giác Bồ Đề, Vô Thượng Bồ Đề, giai y thử pháp, dĩ vi căn bản nhi đắc thành tựu, có danh thiện pháp. Thử pháp tức thị thập thiện nghiệp đạo. Hà đẳng vi thập? Vị năng vĩnh ly sát sanh, thâu đạo, tà hạnh, vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ, tham dục, sân nhuế, tà kiến]

[Long Vương đương tri, Bồ Tát hữu nhất pháp, năng đoạn nhất thiết chư ác đạo khổ] Đức Phật nói cho Long Vương biết đối với người tu tập Bồ Tát đạo có một pháp môn có thể đoạn trừ tất cả nỗi khổ của ác đạo.

       “Chư ác đạo” chỉ cho tam ác đạo. Phật Giáo cho rằng nơi chốn sanh tồn của chúng hữu tình chủ yếu có lục đạo là: Thiên, Nhân, A Tu La, Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh. Trong đó Thiên Nhân, A Tu La thuộc tam thiện đạo, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục là tam ác đạo vì hoàn cảnh nơi ấy thật là hiểm ác, chúng sanh ở đó phải chịu vô lượng khổ sở, sống lại chết đi liên tục không ngừng.

       [Hà đẳng vi nhất? Vị ư trú dạ thường niệm tư duy, quán sát thiện pháp] Nỗi khổ trong đường ác đạo làm cho người người phải sợ. Chúng ta phải tu pháp môn gì để lìa xa ác đạo, đoạn trừ chư khổ? Đó chính là phải ức niệm, tư duy, quán sát thiện pháp. Bất luận là ngày hay đêm đều phải giờ giờ nhớ nghĩ không được quên sót. Trong quá trình học Phật kiểm soát niệm khởi vô cùng quan trọng đó là điểm mấu chốt của việc tu hành. Sự sai biệt của thế gian, của nhân sanh cho đến việc luân chuyển sanh tử của chúng sanh căn nguyên đều ở nơi chỗ này. Cũng chính là ở đoạn kinh trước đã nói “tâm tưởng dị cố” vì do tâm niệm sai biệt dẫn đến hành vi sai biệt nên chỗ sanh xứ tồn tại của hữu tình cũng từ đó mà sai biệt cho nên nói “Nhất thiết thiện ác nghiệp báo, Phàm thánh chi biệt, vô tất tại ư tâm niệm sai biệt” Vậy nhìn từ góc độ khác tuy tâm niệm của chúng sanh thiên sai vạn biệt nhưng tựu trung cũng chỉ là sắc, thanh, hương, vị, xúc pháp, chỉ là y, thực, trụ, hành, chỉ là danh lợi tiền tại, chỉ là nhân ngã thị phi. Chúng ta tự quán sát mỗi khởi tâm động niệm của chính mình thì sẽ thấy rằng tất cả mọi hoạt động đều không vượt khỏi các phương diện ấy. Học Phật tu hành là phải luyện tập và cải tạo tâm niệm của mình. Phật và chúng sanh khác nhau là ở chỗ này. Lục tổ Đàn kinh nói “ Tiền niệm mê tức chúng sanh, hậu niệm ngộ tức Phật” từ thiên nhơn đạo sư viên mãn bi trí nhị đức đến chúng sanh muôn loại trong lục đạo nhìn thấy đều có sự khác biệt nhưng điểm quan trọng mấu chốt của sự sai khác này, cũng chính là sự sai khác giữa Mê và Ngộ.

      [Linh chư thiện pháp, niệm niệm tăng trưởng, bất dung hào phân bất thiện gián tạp] Bởi tâm chúng ta luôn tương ứng với thiện pháp nên làm cho thiện pháp ngày một lớn mạnh và ngược lại cũng làm cho phiền não, tham, sân, si, các loại dục vọng cũng sẽ giảm đi. Đến cuối cùng không còn một tâm bất thiện tạp nhiễm nào nữa. Chúng ta có thể quán sát thống kê xem trong tâm niệm của chính mình mỗi một giờ trải qua có bao nhiêu niệm khởi tương ứng với phiền não tham, sân, si có bao nhiêu niệm khởi khế hợp với các thiện pháp giới, định, tuệ, từ, bi, hỷ, xả. Nếu thường quán sát sự biến chuyển của niệm đầu thì sẽ sớm phát hiện được phiền não ngay từ khi chớm phát sanh để khắc chế sự phát triển của nó. Thông qua thời gian dài trường kỳ luyện tập làm cho các niệm thiện không ngừng tăng trưởng cuối cùng đạt đến niệm niệm tương tục, và hiệu quả [Bât dung hào phân, bất thiện gián tạp]

       [Thị tức năng linh chư ác vĩnh đoạn, thiện pháp viên mãn, thường đắc thân cận Chư Phật Bồ Tát cập dư thánh chúng] Khi tâm niệm thường hằng tương ứng với Phật Pháp, ác niệm theo đó tự nhiên tiêu trừ và được hằng phục, làm cho thiện pháp được viên mãn, thời thường thân cận chư Phật Bồ Tát và các vị thánh hiền.

       [Ngôn thiện pháp giả: Vị Nhân Thiên thân, Thanh Văn Bồ Đề, Độc Giác Bồ Đề, Vô Thượng Bồ Đề, giai y dĩ thử pháp dĩ vi căn bản nhi đắc thành tựu, cố danh thiện pháp] Chúng ta đã nói đến thiện pháp rất nhiều lần, vậy thiện pháp là gì? Đoạn kinh văn đã định nghĩa thiện pháp một cách đơn giản là thiện pháp được xác định chủ yếu từ nơi quả báo chiêu cảm nên để xác định hành vi thuộc về thiện hay ác phàm những hành vi khiến cho chúng ta thành tựu quả báo nhân thiên và quả vị tam thừa thì đều thuộc về thiện pháp cũng chính là hành vi làm cho đời sau tiếp tục làm người, sanh về cõi trời, thành tựu quả Thanh Văn, A La Hán, thành tựu quả Độc Giác Bích Chi Phật, hoặc thành tựu viên mãn quả vị Bồ Đề. Ngược lại các pháp làm cho chúng ta đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh đều thuộc về ác pháp.

       Trong Thành Duy Thức Luận cũng có định nghĩa về Thiện Pháp là: “Năng vi thứ thế tha thế thuận ích cố danh vi thiện” là từ tiêu chuẩn lợi ích trước mắt và lâu dài để đo lường về thiện ác. Hành vi thiện không chỉ đem lại lợi ích cho hiện tại mà đồng thời cũng có lợi ích ở tương lai. Một số hành vi tuy có thể đem đến khoái lạc trước mắt, nhưng có hại trong tương lai thì không thể gọi đó là thiện pháp được. Ví như ăn một bữa tiệc đầy sơn hào mỹ vị có thể là rất vui vẻ lúc ấy nhưng chẳng được lợi lạc gì ở tương lai thì không thuộc về thiện pháp nếu vì đó mà còn tạo ra  các nghiệp sát nữa thì thuộc về phạm vi của ác pháp. Cho nên nói thiện pháp phải từ lưỡng thế (đời này, đời sau) để lý giải. Như việc bố thì để giúp đỡ người khác trước mắt thì có thể thành tựu thiện tâm của bản thân. Đồng thời, hành động đó không những có lợi ích cho đời sống hiện tại mà còn đem lại kết quả tốt cho đời sống vị lai. Những hành vi này đều thuộc về thiện pháp.

       [Thử pháp tức thị thập thiện nghiệp đạo. Hà đẳng vi thập? Vị năng vĩnh ly sát sanh, thâu đạo, tà hạnh, vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ, tham dục, sân nhuế, tà kiến] Cái gì là thập thiện tháp? Đó chính là phải triệt để vĩnh ly sát sanh, thâu đạo, tà dâm, vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ, tham dục, sân nhuế, tà kiến. Ở đây mấu chốt là ở chỗ phải “Vĩnh ly” nghĩa là phải vĩnh viễn không làm. Trong cuộc sống tu tập biết “Vĩnh ly” là điều khó nhưng phải thực hiện cho được vì đó là đức hạnh căn bản của người học Phật.

                   Tuy bộ kinh nhấn mạnh về “Thập thiện nghiệp đạo” nhưng không có nghĩa là ngoài thập thiện ra không còn có thiện pháp nào khác nữa. Thật ra, tất cả các hành vi tương ứng với Bồ Đề đạo thì đều là thiện pháp như Lục Độ, Tứ nhiếp, Tứ vô lượng tâm, Phổ Hiền Bồ Tát thập nguyện vương…đều là thiện pháp.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn