21. Phẩm Như Lai Thần Lực

26 Tháng Sáu 201200:00(Xem: 9962)

KINH PHÁP HOA GIẢNG GIẢI
Lê Sỹ Minh Tùng
PL. 2556 DL. 2012

Chương Thứ Hai Mươi Mốt

Phẩm NHƯ LAI THẦN LỰC

Download Giọng Đọc: Nguyên Hà 

 

Như Lai thần lực là sức thần của tâm Như Lai tức là Như Lai Viên Giác Diệu Tâm. Đó là cái tâm mầu nhiệm của tất cả mọi chúng sinh.

Nói về Như Lai là thuộc về thế giới Bổn môn tức là thế giới vượt thoát khỏi không gian thời gian, thế giới bất sinh bất diệt. Thế thì Như Lai không phải là một, hay Như Lai không phải ở đây và lúc này mà Như Lai ở khắp mọi nơi, bao trùm khắp mọi thời gian và có hằng hà sa số phân thân vì vậy thọ lượng Như Lai là vô lượng vô biên và dĩ nhiên thần lực Như Lai cũng rộng lớn bất khả tư nghì. Vì thế trong kinh Kim Cang, Phật dạy rằng : ”Nhược dĩ sắc kiến ngã, Dĩ âm thanh cầu ngã, Thị nhơn hành tà đạo, Bất năng kiến Như Lai” nghĩa là : ”Nếu thấy ta bằng sắc tướng, nghe ta bằng âm thanh, người nầy đi đường tà, không thấy được Như Lai”.

Vậy Như Lai ở đây không phải là Phật Thích Ca mà Như Lai chính là Pháp thân thường trụ và cũng chính là bản thể chân như của vạn pháp. Do đó vạn pháp hiện hữu trên thế gian vũ trụ là đều do hiện tượng duyên sanh của bản thể chân như. Nếu hiểu theo hiện tượng duyên sanh thì Như Lai là đức Phật Thích Ca cho nên Phật có diệu dụng thần thông mà người thường không thể biết được nên gọi là thần lực của Như Lai. Nhưng ở đây Như Lai là bản thể chân như, bất sinh bất diệt, trùm khắp nên thần lực của Như Lai chính là Tri Kiến Phật nơi chính mình.

Lúc bấy giờ, vô số Bồ-tát đã từ đất vọt lên ở trước Phật, tất cả đểu nhất tâm chấp tay, chiêm ngưỡng dung nhan Phật mà bạch rằng:

-Thế Tôn ! Sau Phật diệt độ, chúng con sẽ rộng nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa ở xứ nào mà phân thân Phật đã diệt độ hết. Bởi vì chúng con cũng muốn đọc, tụng, biên chép, giảng nói để cúng dường “Đại Pháp Chân Tịnh” nầy.

Tâm là đất cho nên khi tâm thanh tịnh tức là vô minh phiền não đã sạch thì Tri Kiến Phật hiển hiện ví như từ đất vọt lên không còn vướng bận những ô trược của thế tình. Tuy Ứng thân Phật có sinh diệt, nhưng Pháp thân Phật bất sinh bất diệt và có hằng hà sa phân thân trùm khắp tức là Hóa thân của Phật ở đâu thì Pháp thân trùm khắp ở đó cho nên bất cứ nơi nào có chúng sinh là nơi đó có Tri Kiến Phật. Vì thế tinh thần Pháp Hoa, chân lý Tri Kiến Phật không bao giờ mất nghĩa là thần lực Như Lai quả là bất khả tư nghì. Nếu chúng sinh sống trong mê mờ bất giác, bị ái dục nhận chìm không còn thấy ánh sáng chân lý thì người đó sống trong thời Phật diệt độ. Ngược lại có chúng sinh luôn sống trong tỉnh thức chánh niệm, biết rõ ràng những biến hành của tâm để kìm chế nó, không chạy theo tham đắm dục tình khiến tâm được thanh tịnh nhẹ nhàng thì người đó sống trong thời Phật còn tại thế. Do đó Phật diệt độ hay Phật còn tại thế là tùy theo con người có khả năng làm chủ bản tâm của mình hay không thế thôi chứ Phật lúc nào cũng thường trụ vĩnh hằng trong suốt thời gian và không gian. Vì vậy Phật ở trong tâm của ta chớ không ở đâu xa. Khi mê thấy Phật xa cách nghìn trùng nên cầu Phật hướng Đông hướng Tây đến khi thức tỉnh biết tâm mình là Phật thì có an vui tự tại Niết bàn.

Lúc ấy, trước mặt Văn Thù Sư Lợi và vô lượng Bồ-tát xưa kia ở thế giới Ta-bà, cùng các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di và Thiên Long bát bộ, Thế Tôn hiện sức thần thông lớn: le lưỡi rộng dài tới cõi trời Phạm thế và các lỗ chân lông phóng ra vô số hào quang đủ màu, khắp soi mười phương thế giới. Các đức Phật ngồi trên tòa sư tử dưới cội cây báu, cũng làm như thế: le lưỡi rộng dài và phóng ra vô lượng hào quang.

Đức Phật Thích Ca tu hạnh Bồ Tát trong vô số kiếp nên Ngài có 32 tướng tốt và 80 vẽ đẹp. Nói thế có nghĩa là tướng lưỡi của đức Phật dài hơn so với người thường. Nhưng ở đây kinh nói lưỡi Phật dài trùm đến cõi trời Phạm thế. Vậy ý kinh như thế nào? Đây là lối diễn bày những đức hạnh của Như Lai là:

1)Chân ngữ giả: lời nói của Như Lai là nói lời chân lý.

2)Thật ngữ giả: Như Lai không nói thì thôi còn nói thì chỉ nói lời chân thật, không bao giờ nói lời xảo trá điêu ngoa, phỉnh phờ, lường gạt.

3)Bất dị ngữ giả: Trước sau như một không thay đổi. Đã là chân lý thì lúc nào cũng vậy và Như Lai nói ở đâu cũng thế.

4)Bất cuốn ngữ giả: Lời nói của Như Lai không hề có dối gạt.

Vì những đức hạnh cao quý đó mà ngay cả hàng trời là những người có nhiều phước đức trùm khắp mà cũng phải kính phục. Thật vậy, Phật là thiên nhơn chi đạo sư nghĩa là Phật là thầy của trời, người. Và tứ sanh chi từ phụ nghĩa là Phật đem lại sự lợi ích cho bốn loài chúng sinh. Vì thế lời nói của Như Lai có giá trị trùm khắp cõi trời Phạm thế. Do đó lưỡi dài ở đây chính là lời thuyết pháp, là âm ba vang dội khắp cõi trời đem lại lợi ích cho tất cả chúng sinh.

Lỗ chân lông phóng ra vô số hào quang soi chiếu khắp cả mười phương. Hào quang kinh nói ở đây là trí tuệ chớ không phải thứ ánh sáng bình thường mà con người nhận biết. Phật là người hằng sống với Tri Kiến Phật, với chơn tâm, với Phật tánh nên tâm các Ngài thường trụ Niết bàn do vậy ngoài lục căn thanh tịnh thì toàn thân của Phật cũng sáng suốt thanh tịnh có thể soi chiếu khắp cả mười phương.

Đức Phật Thích Ca và các đức Phật dưới cây báu hiên sức thần thông mãn trăm ngàn năm, sau đó mới rút lưỡi vô và đồng thời tằng hắng, cùng chung khảy móng tay. Hai tiếng vang đó lang khắp mười phương thế giới của chư Phật, Đại địa rung động sáu cách. Trời, rồng, dạ-xoa… người và loài chẳng phải người,… nhờ sức thần Phật đều thấy cõi Ta-bà vô lượng vô biên trăm ngàn muôn ức Phật ngồi trên toà sư tử, dưới những cây báu, thấy Phật Thích Ca và Đa Bảo Như Lai ngồi trên tòa sư tử trong tháp báu. Lại thấy vô lượng vô biên trăm ngàn muôn ức Bồ-tát và tứ chúng cung kính vây quanh đức Phật Thích Ca. Tất cả đều vui mừng như được cái chưa từng có.

Lưỡi là nơi phát xuất ra âm thanh, lời nói. Nhưng lời nói của chư Phật có một giá trị chân thật đem lại sự an lạc thanh tịnh cho chúng sinh. Bởi vì chư Phật một khi nói thì nói đúng với chân lý, nói lời chân thật và lời nói trước sau đồng nhất không hề gian dối. Vì lời nói quá giá trị nên có ảnh hưởng sâu rộng lan truyền trong dân gian. Còn một thứ âm thanh nữa là Diệu Âm. Khi ta nghĩ niệm lành thì chính mình nghe rất rõ trong tâm là mình đang nghĩ niệm lành. Ngược lại nếu chúng sinh phát sinh một ác niệm để ám hại người thì chính mình cũng nghe rất rõ rằng mình đang nghĩ niệm ác. Nếu nghe âm thanh thiện thì con người có khuynh hướng làm việc lành, việc tốt. Ngược lại âm thanh bất thiện dẫn dắt chúng sinh sa vào tam ác đạo. Vì thế người có chánh niệm thì sẽ thấy biết rõ ràng đó là loại âm thanh nào, tốt thì giữ lấy còn xấu thì bỏ ngay. Tỉnh thức giúp chúng sinh sống sáng suốt và chánh niệm giúp họ ngăn chận những tạp nhiễm không cho lọt vào tâm để sai sử con người. Nên nhớ không có một người làm một điều ác nào mà không có âm thanh đó báo trước, nhưng những vô minh vọng chấp che phủ làm cho họ sống trong mê mờ bất giác mà tác tạo ra nghiệp. Con người có khổ, có sống chết cũng vì bả công danh, mùi phú quý cho nên Ôn Gia Hầu có câu:

Mồi phú quý dữ làng xa mã,

Bả vinh hoa lừa gã công khanh

……….

Gót danh lợi bùn pha sắc xám

Mặt phong trần nắng rám mùi dâu

Nghĩ thân phù thế mà đau

Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê.

Nhưng cuối cùng thì:

Trăm năm còn có gì đâu

Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì.

Vì thế người có chánh niệm, luôn sống trong tỉnh thức thì có thể làm chủ tâm mình, không chạy theo những vọng niệm điên đảo thì cuộc sống mới an vui tự tại được.

Chư Phật tằng hắng và cùng nhau khảy móng tay cốt là để cho chúng sinh thâm nhập cái Tri Kiến Phật mà ngôn ngữ con người không thể nào nói được. Nên nhớ Phật gây âm thanh không phải để chúng sinh suy nghĩ vì suy nghĩ là vẫn còn lạc vào trong ý thức nên chưa ngộ được bản thể chân như của chính mình. Phật dùng phương tiện tạo ra tiếng động vang dội khắp mọi nơi để chúng sinh quán chiếu cái bất sinh bất diệt, không hình không tướng và bao trùm khắp mười phương. Khi chúng sinh nhận ra cái chân thật này thì chính họ kiến đạo tức là ngộ nhập Tri Kiến Phật của chính mình.

Sống trong thế gian này, người nào biết tu tập, sử dụng được cái sức thần của tâm Như Lai thì chính họ sẽ thấy rõ mười phương pháp giới liên kết với nhau, thông đồng không chướng nên pháp giới là nhất chân tức là bất nhị. Đó là tâm của chúng sinh chạy lên chạy xuống có lúc thì nhẹ nhàng thanh thoát như những vị trời. Có lúc tham lam chạy theo sự thèm khát dục vọng như ngạ quỷ, súc sanh. Có lúc sống trong khổ sở dày vò khác chi là địa ngục.. Nay nhờ thần lực Như Lai, chúng ta biết rõ lúc nào nó khởi ý niệm của địa ngục. Lúc nào nó khởi ý niệm xúi giục vào những khát vọng của ngạ quỷ, súc sanh, hay của người, trời, Thanh Văn, Duyên giác… Thí dụ thấy tiền nhiều tâm tham liền nổi dậy nên tâm sai khiến con người làm bất cứ việc gì để chiếm đoạt số tiền đó về cho mình. Bây giờ nhờ sức thần của Phật (tâm) nên ta biết rõ những biến hành của tâm mà loại trừ những tà niệm tham đi. Do đó sức thần Như Lai chính là sự thức tỉnh, chánh niệm để thấu biết rõ ràng những biến đổi hình thành của tâm ở bất cứ thời điểm nào và từ đó mới kiềm chế, làm chủ nó được. Vì thế sự an vui tự tại của chúng sinh tùy thuộc vào cường độ tiêu diệt những khác vọng của ái dục cho nên người nào xa lìa ái dục càng nhiều, dám từ bỏ những tham đắm của thế trần thì người đó càng có nhiều an lạc. Ngược lại người nào càng chạy theo sắc dục thì chính họ sẽ bị nhận chìm trong biển khổ trầm luân, tuy có nhiều tiền, sự nghiệp to lớn, công danh vinh hiển, nhưng không bao giờ có được những giây phút an lạc trong tâm hồn. Nói cách giải thoát giác ngộ của đạo Phật không bao giờ xuất hiện trong tâm hồn của những ai có công danh lớn, sự nghiệp to, đời sống đầy uy quyền và tham vọng bởi vì trong tâm của họ chất đầy phiền não tính toán lo âu nên không còn không gian để trở về sống thanh tịnh với chơn tánh của mình. 

Khi sống với Tri Kiến Phật thì không bị giới hạn bởi thời gian hay không gian cho nên nhìn thế gian vũ trụ là nhất chân pháp giới nghĩa là mười phương là một và một chính là mười phương, không sai khác.

Nếu chúng sinh biết sống đúng với Tri Kiến Phật thì đây chính là sức thần Như Lai thì họ sẽ thấy vô lượng vô biên chư Phật và hằng hà vô số chư Bồ Tát. Vậy Phật đó và Bồ Tát đó ở đâu mà nhiều thế? Đó là do tự tâm của chúng ta mà có. Tại sao? Bởi vì khi đã sống với Tri Kiến Phật tức là sống với chơn tâm, Phật tánh của mình thì lục căn thanh tịnh cho nên nhìn ai cũng thấy Phật tâm, Phật tánh và Bồ Tát tâm, Bồ Tát tánh vì thế bất cứ ở đâu và thời điểm nào cũng có vô số chúng sinh tức là vô số Phật (tánh) đó. Vì nhận thức như thế nên Thường Bất Khinh Bồ Tát gặp ai cũng đều cung kính nói rằng “ông, bà sẽ thành Phật” là vậy. Thật vậy, khi tâm được an vui thanh tịnh thì nhìn đâu cũng nhẹ nhàng thánh thoát, thấy ai cũng đáng kính đáng yêu. Ngược lại khi tâm đang bực bội, ưu phiền thì nhìn cảnh gì cũng thấy khó chịu, nhìn ai cũng thấy không hài lòng cho nên không bao giờ thấy Phật hay Bồ Tát được.

Ngay lúc ấy, chư thiên trong hư không lớn tiếng xướng lên: “ Cách đây vô lượng thế giới, có nước tên là Ta-bà, nơi ấy có phật hiệu Thích Ca, hiện đang vì các Đại Bồ-tát nói kinh Đại Thừa tên Diệu Pháp Liên Hoa Giáo Bồ Tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm. Các ngươi nên vui theo trong thâm tâm, cũng nên lễ bái cúng dường Phật Thích Ca”.

Không nhất thiết âm thanh xướng lên trong hư không là của chư Thiên mà thật ra khi một người hướng về giải thoát giác ngộ sống với chơn tâm, Tri Kiến Phật của chính mình thì họ nghe rất rõ vô số những âm thanh, bài pháp nhắc nhở khuyến khích họ trên con đường học đạo và hành đạo. Đối với người có chánh kiến, chánh niệm, chánh tư duy thì nghe rất rõ còn người ngồi kế bên bị phiền não vô mình che lấp tâm trí thì không hề hay biết. Khi tâm an tịnh thì họ sẽ nghe rất nhiều tiếng nói của chư thiên, nhưng thật ra đó là tiếng lòng tức là Diệu âm của chính mình làm cho tâm hồn thanh thoát vô cùng. Từ đó họ sẽ nghe Chánh pháp rất vi diệu, nghe thấu suốt Bát Chánh Đạo, Thất Giác Chi… khiến tâm càng thêm thanh tịnh an nhàn.

Nếu chúng sinh có được những giây phút thanh tịnh quay về để nghe rõ tiếng Diệu Âm và sống được với tiếng nói huyền diệu của tâm mình thì thời điểm đó họ được vãng sanh tương ứng với những niệm thanh tịnh đó nghĩa là “nhất niệm tương ưng nhất niệm sanh”. Còn những vị tu hành cao hơn, công phu lớn mỗi mỗi niệm liên tục thanh tịnh không dứt tức là “niệm niệm tương ưng niệm niệm sanh” thì người đó sẽ ở vĩnh viễn ở thế giới cực lạc tức là cõi Tịnh độ vậy. Thế thì Tịnh độ là đây, cực lạc là đây thậm chí địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh cũng là đây không ra ngoài cái bản tâm của con người. Vì thế Phật dạy rằng: “Tùy kỳ tâm tịnh tắc Phật độ tịnh. Dục tịnh Phật độ tiên tịnh kỳ tâm” nghĩa là khi tâm mình thanh tịnh thì thế giới sẽ an bình thanh tịnh. Mà muốn có cõi Phật thanh tịnh (Tịnh độ) thì tâm mình phải thanh tịnh trước. Ngược lại tâm mình không thanh tịnh, chất đầy phiền não vô mình mà muốn dời cõi Phật nào đó về đây hay về cõi Phật nào đó là chuyện không bao giờ có, sống trong ảo tưởng tức là tưởng tri. Đạo Phật là đạo phát triển trí tuệ để tự mình trực nhận chân lý tức là tuệ tri.

 Chúng sanh nghe tiếng hư không ấy rồi bèn chấp tay , quay về cõi Ta-bà, cử thanh niệm:

“ Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật. Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật!”

Rồi dùng các món hoa, hương, chuỗi ngọc, cờ, lọng, xa rải xuống thế giới Ta-bà. Các vật rải đó, từ mười phương đến ví như mây đùn, biến thành một bức màn báu trùm khắp không gian, phía trên chư Phật. Bấy giờ, thế giới mười phương thông suốt với nhau, không gì ngăn ngại, quốc độ chư Phật trở thành “ Pháp giới không hai”.

Khi chúng sinh có tâm thanh tịnh thì thế giới mười phương thông suốt với nhau, không còn ngăn ngại nghĩa là pháp giới nhất chơn cho nên đối với những thế giới xa xôi và thế giới Ta Bà này không còn xa xôi, ngăn cách nữa cho nên những việc làm ở cõi Ta Bà thì các thế giới khác đều thấy biết rõ ràng coi như gần một bên vậy.

Thí dụ có người vừa giải quyết xong một vấn đề khó khăn nào đó nên lòng thư thái tự tại. Tại thời điểm đó anh ta nhìn cái gì cũng dễ chịu, thấy ai cũng thích, cũng hòa khí. Ngược lại một người trong nhà vừa xảy ra một biến cố nên lòng ưu tư, lo lắng, buồn phiền vì thế cuộc đời đối với anh ta lúc này chẳng có gì thích thú chẳng khác chi một màu đen ảm đạm. Thế thì cuộc đời đâu có vui, đâu có buồn mà nó là như vậy tức là “Như Thị” cho nên người biết làm chủ tâm mình thì thế giới này sẽ trở thành thanh tịnh cực lạc Niết bàn. Ngược lại nếu thế giới bên ngoài làm chủ tâm mình thì phải trôi nổi trong biển sinh tử trầm luân, không có lối thoát. Do đó thế giới là bất nhị tức là Ta Bà là Tịnh độ và Tịnh độ là Ta Bà nghĩa là tâm tịnh thì có cõi Tịnh độ ngược lại tâm đau khổ ưu phiền thì Tịnh độ biến mất, Ta Bà xuất hiện. Cũng như mê giác là một nghĩa là hết mê thì giác hiển hiện chớ không thể ngoài mê tìm giác được. Thế thì tâm con người là Nhất chân pháp giới bằng chứng là khi chúng sinh biết thức tỉnh sống đúng chánh niệm, gát bỏ hết danh vọng, tiền tài, thương ghét, ham muốn, hờn giận…thì lúc đó tâm trở thành thanh tịnh tức là mình đang sống trong cõi Tịnh độ. Lúc nào thanh thoảng thì tâm ta là trời, là Thanh Văn, Duyên Giác. Ngược lại nếu tâm chúng sinh cực ác thì ta đang sống trong địa ngục. Còn nếu bất chấp luân thường đạo lý, sống thát loạn thì chẳng khác chi loài ngạ quỷ súc sanh.

Nhắc lại sau khi thành đạo đức Phật trở về cung thành Ca tỳ la vệ thăm lại phụ thân và gia đình. Thấy con mình bây giờ là người khất sĩ tức là người ăn xin, vua Tịnh Phạn thấy đau nhói trong lòng nên bảo đức Phật trở về làm vua. Đức Phật chối từ mà trả lời rằng “Con thấy cuộc đời không có gì là an lạc, ngay cả Phụ vương có quyền uy thế lực thế đó mà Phụ hoàng đâu có giây phút an vui thực sự. Trong triều đình có biết bao người tranh chấp, ngoài biên cương phải lo chống đở giặc ngoại xâm đó là chưa kể làm thế nào để có quốc thái dân an. Vì vậy buông xả, không dính mắc thì đây mới là hạnh phúc chân thật, là sự an lạc mà thế giới vật chất không bao giờ đem lại cho mình được”.

Tóm lại, trong thế giới vũ trụ này không có nơi nào là xấu, là ô uế hay làm toàn bằng vàng bạc kim cương cả mà chỉ tại tâm con người cho nên tâm tịnh thì thế giới trở thành cực lạc. Ngược lại tâm bất tịnh, buồn phiền đau khổ thì cũng thế giới này bây giờ trở thành âm u đen tối, địa ngục A tỳ. Kinh điển Đại thừa thường hay dùng ẩn dụ để chỉ cho những biến hành của tâm. Thí dụ khi thấy thế giới toàn là sỏi đá, lồi lỏm tức là ám chỉ cho tâm chất đầy phiền não, đau thương. Ngược lại thế giới bằng phẳng, làm bằng pha lê, kim cương, cẩm thạch là ám chỉ cho tâm thanh tịnh nên trong sáng như pha lê.

Lúc bấy giờ, Phật bảo các hàng Bồ-tát bậc thượng hạnh rằng:

-Sức thần thông của chư Phật vô lượng vô biên, không thể nghĩ bàn như thế. Nếu ta dùng sức thần thông ấy mà nói bày công đức của kinh Diệu Pháp Liên Hoa để lưu truyền về sau, thì dầu có trải qua vô lượng vô biên trăm ngàn muôn ức kiếp cũng chẳng nói hết. Tóm lại tất cả pháp của Như Lai, tất cả thần lực tự tại của Như Lai, tất cả kho tàng bí yếu của Như Lai, tất cả những điều hết sức thâm sâu của Như Lai đều được tuyên bố, bày giải, nói rõ trong Diệu Pháp Liên Hoa. Cho nên, sau Như Lai diệt độ, các người phải một lòng thọ trì, đọc tụng biên chép, giảng nói và tu hành đúng theo lời nói trong kinh. Nơi nước nào mà có người thọ trì, đọc tụng, biên chép, giảng nói, tu hành đúng theo lời kinh, hoặc chỗ nào có quyển kinh Pháp Hoa, bất luận nơi đó là: vườn, rừng, dưới cội cây, phòng chư tăng, nhà người thế tục, chỗ thờ Phật, núi hoang, đồng trống thì nên dựng tháp cúng dường. Phải biết chỗ có kinh đó là: đạo tràng, là nơi chư Phật được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, là nơi chư Phật chuyển Pháp luân, là nơi chư Phật nhập Niết Bàn.

Để lập lại nghĩa vừa nói, Thế Tôn nói một bài kệ.

Thần lực Như Lai thì vô lượng vô biên. Nhờ thần lực Như Lai làm cho pháp giới trở thành nhất chân tức là bất nhị nhờ đó tất cả thế giới thông đồng nhau không hề ngăn ngại. Từ đó một người từ thế giới khác có thể thấy biết rõ ràng những gì xảy ra ở thế giới này hay người từ thế giới Ta Bà có thể thấy biết mười phương quốc độ mà không hề có cách ngăn. Nhờ sức thần Như Lai mà con người nghe được những tiếng âm ba thanh tịnh nhẹ nhàng phát xuất từ trong tâm hồn của mình.

Thần lực Như Lai mà kinh nói ở đây chính là Tri Kiến Phật, là cái thể bao hàm tất cả thần thông diệu dụng. Vì thế nếu chúng sinh quay về sống với Tri Kiến Phật của chính mình thì lục căn thanh tịnh, tâm trí bừng sáng mọi diệu dụng theo đó mà có, nghĩa là không cầu thần thông mà vẫn có thần thông bởi vì thần thông là từ bản thể chân như mà phát ra. Đối với Phật giáo, thần thông không có gì quan trọng bởi vì hành giả đi sâu và sống đúng với Tri Kiến Phật thì sẽ có thần thông trong khi đó ngoại đạo nhờ sức tu luyện cũng có thần thông, nhưng khi không còn tu luyện nữa thì thần thông tan biến.

Thần lực Như Lai nghĩa là sức thần Như Lai là sức nhiệm mầu huyền diệu sự giác ngộ chân lý đến chỗ tận cùng và sức mạnh huyền diệu của nội tâm đưa con người đạt đến cứu cánh giải thoát của đỉnh cao trí tuệ. Thần lực Như Lai không phải là Thần lực của Như Lai bởi vì Thần lực của Như Lai là sức thần thông diệu dụng của một vị Phật chẳng hạn như đức Phật Thích Ca. Trong khi Thần lực Như Lai là sức mạnh thần diệu của bản tâm của mình tức là Phật tánh, là Như Lai Viên Giác Diệu Tâm.

Tóm lại, bản nguyện của chư Phật là muốn chúng sinh “khai,thị,ngộ,nhập Phật tri kiến”nghĩa là đức Phật muốn khai mở, chỉ bày, làm tỏ ngộ và thâm nhập cái thấy biết của Phật và cũng chính là cái thấy biết của Pháp Hoa vốn đã có sẵn trong tất cả mọi chúng sinh.Đó là trong tất cả mọi chúng sinh, ai ai cũng có đầy đủ tri kiến Phật, là trí tuệ bổn lai đều giống như Phật. Vậy Phật tri kiến mà đức Phật muốn nói ở đây chính là chơn tâm, là Phật tánh thường có vĩnh hằng, nhưng vì bị vô minh che lấp nên con người không thấy biết chơn tánh hằng giác của mình.Vì thế chúng sinh tuy có thọ trì, đọc tụng kinh Pháp Hoa là chỉ biết Pháp Hoa bằng văn tự, nhưng thật ra muốn tỏ ngộ và thâm nhập Pháp Hoa thì chúng sinh phải biết kinh Pháp Hoa Vô Tự tức là biết được cái Tri Kiến Phật của chính mình. Do vậy người nào thâm ngộ được Tri Kiến Phật thì tâm họ có Phật xuất hiện và nơi nào có người thâm ngộ Tri Kiến Phật thì nơi ấy có Phật hiển hiện. Sau cùng, nơi nào có kinh Pháp Hoa là nơi ấy chư Phật thành tựu Vô thượng Bồ Đề, chuyển Pháp luân và nhập Niết bàn.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Tám 2020(Xem: 9007)
06 Tháng Bảy 2016(Xem: 8059)
Đối nghịch, mâu thuẫn là hiện tượng thường xảy ra trong đời sống. Khi không thể giải quyết, nó đưa đến thù ghét và chiến tranh. Từ ngày có con người trên trái đất cho đến ngày nay, chiến tranh chưa bao giờ chấm dứt.
19 Tháng Năm 2016(Xem: 9670)
Bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daijokyo) xuất xứ từ thời Vua Taisho (Đại Chánh) ở Nhật Bản từ đầu thế kỷ thứ 20. Đây là một bộ Đại Tạng Kinh của Bắc truyền được tổng hợp cũng như sự giảo chánh của các nhà học giả Phật Giáo Nhật Bản lúc đương thời qua các bộ Minh Đại Tạng, Càn Long Đại Tạng v.v… Tổng cộng gồm 100 quyển, dày mỏng khác nhau, mỗi quyển độ 1.000 đến 1.500 trang khổ lớn. Cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh đã cho phiên dịch hoàn toàn sang tiếng Việt tại Đài Loan thành 203 cuốn(đã in được 93 cuốn), mỗi cuốn từ 800 đến 1.500 trang. Tổng cộng các bản dịch về Kinh, Luật, Luận của Đại Thừa không dưới 250.000 trang sách.
12 Tháng Năm 2016(Xem: 9202)
BÁT NHÃ BA LA MẬT là một trong những hệ tư tưởng của Đaị thừa Phật giáo Bắc tông. Bát Nhã Ba La Mật, Trung Hoa dịch: TRÍ TUỆ ĐÁO BỈ NGẠN. Thành ngữ đáo bỉ ngạn, chỉ cho sự viên vãn cứu kính, sự hoàn thành trọn vẹn về một lãnh vực tri thức, một công hạnh lợi tha, một sự giải thoát giác ngộ hoàn toàn..