15 Kết Quả Của Sự Phá Chấp Pháp

27 Tháng Ba 201100:00(Xem: 32378)

BÁT NHÃ TÂM KINH GIẢNG GIẢI
VÔ THƯỢNG NIẾT BÀN
Lê Sỹ Minh Tùng

15 Kết quả của sự phá Chấp Pháp


Bây giờ hãy phân tích đoạn Kinh sau:

“Dĩ vô sở đắc cố, Bồ-đề-tát-đỏa y Bát nhả ba-la-mật-đa cố, tâm vô quái ngại; vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo, mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn” được dịch là:”Vì không có chỗ chứng đắc, nên các vị Bồ tát dựa vào sự sáng suốt triệt để ở nội tâm, lòng thênh thang không còn bị điều gì ngăn ngại; bởi lòng không có điều ngăn ngại nên không có sợ hãi, xa lìa các sự xáo trộn và mơ màng, rốt cuộc đến Niết bàn”.

Đoạn Kinh trên gồm hai phần liên kết với nhau tức là phần đầu làm nhân cho phần sau là quả.

1) Phần đầu: “Dĩ vô sở đắc cố, Bồ-đề-tát-đõa y Bát nhã Ba-la-mật-đa cố, tâm vô quái ngại” tức là “Vì không có chỗ chứng đắc, nên các vị Bồ tát dựa vào sự sáng suốt triệt để ở nội tâm, lòng thênh thang không còn bị điều gì ngăn ngại”.

Quái ngại là trở ngại, ngăn ngại. Tâm không còn ngăn ngại là tâm không còn phân biệt kẻ oán người thân, không còn bị cái “Tướng” bề ngoài của vạn vật làm lầm lẩn và không còn bị cái cảnh “tam giới, tứ sanh, lục đạo” là cảnh chiêm bao làm lung lạc.

Tâm của con người cũng ví như nước ở trong sông và Thể của vũ trụ có thể ví như nước ở ngoài biển cả. Đáng lý ra nước trong sông phải dễ dàng hòa hợp với nước ngoài biển vì cùng là thể nước nhưng vì “tâm nước sông” của con người bị cái đê ngũ uẩn ngăn ngại, chia cách với cái thể nước biển cho nên nước sông phải chịu một đời sống tù hãm, nhỏ hẹp, đầy dơ bẩn và không được tự do tự tại, to lớn và trong sạch như đời sống của nước biển. Vì thế người có “tâm vô sở đắc” là người đã thực sự trở về với đời sống của nước biển để biết mình là biển rộng bao la chớ không phải là con sông nhỏ hẹp nầy. Chính biết không có chỗ chứng đắc nầy mà giúp con người phá tan cái đê ngũ uẩn đã chia cách ngăn ngại làm cho họ lầm tưởng rằng “Tướng” là thật Có. Họ không dè đó chỉ là cảnh chiêm bao, giả dối biến hiện mà thôi. Tệ hại hơn nữa, họ còn cho “Tướng” là mình và từ “Tướng” của Ta mà thấy “Tướng” của tất cả các loài chúng sinh khác. Vì có “Tướng” của Ta và của các loài chúng sinh nên trong Tâm của họ có sự chia cách, ngăn ngại càng lúc càng phức tạp hơn. Một sự chia cách, ngăn ngại quan trọng nhất là họ thấy mình là chúng sinh bất tịnh trong khi Phật thì hoàn toàn thanh tịnh. Vì lầm tưởng như thế cho nên họ mong cầu được chứng đắc thành Phật nhưng họ không ngờ chúng sinh bản nguyên là Phật.

Phật là Thể, là cái gì chân thật ở trong ta, cũng là con người chân thật. Cái chân thật ở con người và vạn vật đều giống nhau, không sai không khác. Nếu dùng trí tuệ Bát nhã để biết được cái chân thật của ta và của vạn vật để sống đúng với cái biết ấy thì con người đang sống với cái Thể chớ không sống cho cái Tướng. Như vậy họ sống với một tấm lòng không còn chia rẽ tức là sống trong Chân lý tuyệt đối. Thì đây chính là tâm vô quái ngại.

2) Phần hai: “Vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo, mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn” tức là “bởi lòng không có điều ngăn ngại nên không có sợ hãi, xa lìa các sự xáo trộn và mơ màng, rốt cuộc đến Niết bàn”.

Trước khi giải thích ý nghĩa của Kinh trong phần nầy, chúng ta cần phải thấu hiểu những chữ sau đây:

Khủng bố có nghĩa là sợ hãi. Vậy sợ hãi cái gì và ai là kẻ sợ hãi?

Phàm phu thì sợ chết vì mê chấp sắc thân là thật Có, là của mình nên sợ xác tan là mình mất.

Hàng Thanh văn thì sợ cái phiền não khổ đau. Vì họ chấp cái khổ là thật Có nên tất cả tam giới, lục đạo và sanh lão bệnh tử là có thật.

Hàng Duyên giác thì cũng sợ khó đoạn phiền não dứt vô minh vì họ mê chấp cho rằng thập nhị Nhân Duyên là thật Có như bánh xe lăn.

Hàng mới phát tâm Bồ tát thì sợ không thành Phật vì còn chấp chúng sinh là riêng, Phật là riêng. Mà chúng sinh thì đông vô số kể thì làm sao độ cho hết để thành Phật?

Tóm lại từ phàm phu cho đến Bồ tát đều có chỗ lo sợ cũng bởi vì họ không thấy tất cả vạn vật ở ngay trong cái Thể tức là Chân không mà chỉ thấy ở cái Tướng tức là giả Có mà ra.

Viễn ly là xa lìa. Nếu đã là Không thì còn gì phải xa lìa. Vậy một khi con người đừng để cho mộng cảnh, phiền não làm lung lạc thì chúng ta thật sự đã viễn ly.

Điên đảo là đảo lộn giá trị của sự vật. Chẳng hạn như trong chổ ô uế lại cho là trong sạch, trong cái khổ lại thấy cái vui, trong cái không thường còn lại thấy thường còn và trong vô ngã lại thấy có ngã.

Thật vậy con người sống trên thế gian nầy thường lấy khổ làm sướng, lấy dơ làm sạch, lấy vô ngã làm ngã làm cho giá trị của sự vật bị đảo lộn, sai lầm. Vì con người nghĩ sai, thấy sai và lấy giả làm thật cho nên họ càng xa lần với cái sáng suốt. Họ nhận lầm cái “biết” là mình nên không thấy rõ căn tánh nên suốt cuộc đời sống trong điên đảo.

Mộng tưởng: Mộng là chiêm bao, là những cảnh thấy trong giấc ngủ. Tưởng là ngầm nhớ hay là ngầm thấy hình tượng. Do đó mộng tưởng theo ý của kinh là ám chỉ cảnh thế gian là cảnh hư phù, ảo vọng chẳng khác cảnh chúng ta thấy trong giấc chiêm bao.

Niết bàn có nghĩa là viên tịch, dập tắt tất cả mọi phiền não, mê hoặc để được hoàn toàn sáng suốt, hoàn toàn tự tại và hoàn toàn giải thoát.

Dựa theo những định nghĩa trên thì phần hai có thể được giải thích như sau: “Vì không còn bị ngăn ngại, nên hết lo sợ, không còn đảo lộn giá trị sự vật, không còn mê chấp như người nằm mộng, cho nên rốt cuộc đến chỗ hoàn toàn giải thoát, hoàn toàn sáng suốt và hoàn toàn tự tại thiêng liêng”.

Như thế thì dựa theo phần nầy của Tâm Kinh cho thấy rằng khi người tu hành nhờ cái sáng suốt triệt để cho nên có thể soi thấy trước sau đều là trống rỗng và vắng lặng. Chính cái sáng suốt nầy giúp họ nhận thấy trong thế gian nầy không có một vật gì là thật Có cả cũng như người vừa chợt tỉnh giấc chiêm bao. Thật vậy tất cả sự vật trong giấc chiêm bao thì không bao giờ con người có thể nắm bắt lấy được. Cuộc đời nầy thì cũng thế, tất cả sự vật đều là giả Có cho nên cảnh giới đều là do tâm mình điên đảo, mơ hồ mà tạo ra. Khi biết như vậy thì tâm con người chắc chắn sẽ an vì nó không còn theo đuổi những ý nghĩ hay mong muốn ngông cuồng để thỏa mãn những cái không thật Có. Đây chính là viễn ly tức là xa lìa mọi căn nghiệp từ mê lầm vọng kiến để đưa con người trở về sống trong Chân không luôn luôn thường còn và vắng lặng của Niết bàn.

Vậy Niết bàn không phải là một cảnh giới như nhiều người lầm tưởng mà chỉ là một danh từ để chỉ cho người được hoàn toàn giải thoát mọi sự ràng buộc của thế tình, hoàn toàn sáng suốt và không còn một tí mê lầm. Người đó biết mình là thiêng liêng và sống trong thiêng liêng vì thế họ không nhận lầm mình là vật chất và sống trong vật chất. Một khi con người đã trừ bỏ được những vọng tưởng, chấp trước và dập tắt tất cả mọi dục vọng của Tham-Sân-Si để đạt đến cảnh tịch diệt tức là vắng lặng và an lành thì được gọi là chứng đắc Niết bàn. Như thế thì Niết bàn là Liễu nhân chớ không phải là Tác nhân. Mà đã là liễu nhân thì Niết bàn rõ ràng không phải là một cái gì thật Có mà con người cần phải cố thu nhập cho được. Nói một cách khác Niết bàn không phải là kết quả của những nỗ lực tích cực mà chỉ là của những cố gắng tiêu cực mà thôi. Nhưng thế nào là nỗ lực tích cực? Trong cuộc sống nếu chúng ta muốn làm giàu thì phải ra công gắng sức làm việc cực khổ hằng ngày thì một ngày nào đó chúng ta sẽ có nhiều tiền. Vậy mỗi nỗ lực hằng ngày là một nỗ lực tích cực bởi vì nếu không làm thì không có nhiều tiền, mà không tiền thì không giàu. Còn trong Phật pháp thì ngược lại có nghĩa là chúng sinh đừng làm thì được như ý. Nhưng đừng làm cái gì?

· Đừng lấy ngũ uẩn làm thật Có.

· Đừng lấy vạn vật, vũ trụ làm thật Có.

· Đừng để tâm mình bị ngăn che .

· Đừng lo sợ ảo huyền.

· Đừng sống mơ mộng.

· Đừng suy nghĩ tưởng tượng sai quấy.

· Đừng đảo lộn giá trị của sự vật như lấy khổ làm vui, lấy dơ làm sạch.

Không làm không có nghĩa là không làm gì hết mà chỉ nỗ lực một cách tiêu cực mà thôi. Vì Niết bàn là sự tịch diệt cho nên con người chỉ cần tránh xa những thứ trên thì sẽ chứng được ba đức của Niết bàn. Đó là giải thoát, bát nhã và pháp thân. Chính ba đức của Niết bàn đã đưa con người đến chỗ hoàn toàn giải thoát, hoàn toàn sáng suốt và hoàn toàn tự tại thiêng liêng. Nếu sống trong thế gian nầy mà con người không thể chứng đắc được Niết bàn để tâm hoàn toàn được an tịnh thì khi chết sẽ không bao giờ có thể đạt được Niết bàn cả. Ngày xưa chính Đức Phật cũng phải viễn ly, xa lìa cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con xinh thì mới thấy được cái bản thể thanh tịnh và tâm mới thường trụ Niết bàn.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Tám 2020(Xem: 10234)
06 Tháng Bảy 2016(Xem: 8605)
Đối nghịch, mâu thuẫn là hiện tượng thường xảy ra trong đời sống. Khi không thể giải quyết, nó đưa đến thù ghét và chiến tranh. Từ ngày có con người trên trái đất cho đến ngày nay, chiến tranh chưa bao giờ chấm dứt.
19 Tháng Năm 2016(Xem: 10494)
Bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daijokyo) xuất xứ từ thời Vua Taisho (Đại Chánh) ở Nhật Bản từ đầu thế kỷ thứ 20. Đây là một bộ Đại Tạng Kinh của Bắc truyền được tổng hợp cũng như sự giảo chánh của các nhà học giả Phật Giáo Nhật Bản lúc đương thời qua các bộ Minh Đại Tạng, Càn Long Đại Tạng v.v… Tổng cộng gồm 100 quyển, dày mỏng khác nhau, mỗi quyển độ 1.000 đến 1.500 trang khổ lớn. Cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh đã cho phiên dịch hoàn toàn sang tiếng Việt tại Đài Loan thành 203 cuốn(đã in được 93 cuốn), mỗi cuốn từ 800 đến 1.500 trang. Tổng cộng các bản dịch về Kinh, Luật, Luận của Đại Thừa không dưới 250.000 trang sách.
12 Tháng Năm 2016(Xem: 9903)
BÁT NHÃ BA LA MẬT là một trong những hệ tư tưởng của Đaị thừa Phật giáo Bắc tông. Bát Nhã Ba La Mật, Trung Hoa dịch: TRÍ TUỆ ĐÁO BỈ NGẠN. Thành ngữ đáo bỉ ngạn, chỉ cho sự viên vãn cứu kính, sự hoàn thành trọn vẹn về một lãnh vực tri thức, một công hạnh lợi tha, một sự giải thoát giác ngộ hoàn toàn..