Đoạn 17 - Đoạn 32

16 Tháng Bảy 201000:00(Xem: 11578)

NGUYÊN NGUYÊN
Dịch giải
KIM CANG

DIỆU CẢM

Đoạn 17 

 

CỨU CÁNH VÔ NGà

 

. Nguyên văn chữ Hán

究竟無我

爾時.須菩提白佛言.世尊.善男子.善女人.發阿耨多羅三藐三菩提心.云何應住.云何降伏其心.佛告須菩提.善男子.善女人.發阿耨多羅三藐三菩提心者.當生如是心.我應滅度一切眾生.滅度一切眾生已而無有一眾生實滅度者.何以故.須菩提若菩薩有我相.人相眾生相壽者相則非菩薩.所以者何.須菩提.實無有法.發阿耨多羅三藐三菩提心者.須菩提.於意云何.如來於然燈佛所.有法得阿耨多羅三藐三菩提不.不也.世尊.如我解佛所說義.佛於然燈佛所.無有法得阿耨多羅三藐三菩提.佛言.如是.如是.須菩提.實無有法.如來得阿耨多羅三藐三菩提.須菩提.若有法如來得阿耨多羅三藐三菩提者.然燈佛即不與我授記.汝於來世當得作佛.號釋迦牟尼.以實無有法.得阿耨多羅三藐三菩提.是故然燈佛與我授記.作是言.汝於來世.當得作佛.號釋迦牟尼.何以故.如來者.即諸法如義.若有人言.如來得阿耨多羅三藐三菩提.須菩提.實無有法.佛得阿耨多羅三藐三菩提.須菩提.如來所得阿耨多羅三藐三菩提.於是中無實無虛.是故如來說一切法.皆是佛法.須菩提.所言一切法者.即非一切法.是故名一切法.須菩提.譬如人身長大.須菩提言.世尊.如來說人身長大.則為非大身.是名大身.須菩提.菩薩亦如是.若作是言.我當滅度無量眾生.則不名菩薩.何以故.須菩提.實無有法.名為菩薩.是故佛說.一切法.無我無人無眾生無壽者.須菩提.若菩薩作是言.我當莊嚴佛土.是不名菩薩.何以故.如來說莊嚴佛土者.即非莊嚴.是名莊嚴.須菩提.若菩薩通達無我法者.如來說名真是菩薩.

. Phiên âm Hán Việt

CỨU CÁNH VÔ NGÃ.

Nhĩ thời Tu-bồ-đề bạch Phật ngôn: Thế Tôn! Thiện nam tử, thiện nữ nhân phát A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề tâm, vân hà ưng trụ, vân hà hàng phục kỳ tâm? Phật cáo Tu-bồ-đề: Thiện nam tử, thiện nữ nhân phát A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề tâm giả, đương sanh như thị tâm, ngã ưng diệt độ nhất thiết chúng sanh, diệt độ nhất thiết chúng sanh dĩ nhi vô hữu nhất chúng sanh thật diệt độ giả. Hà dĩ cố? Tu-bồ-đề! Nhược Bồ-tát hữu ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, tức phi Bồ-tát. Sở dĩ giả hà? Tu-bồ-đề! Thật vô hữu pháp phát A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề tâm giả. Tu-bồ-đề! Ư ý vân hà? Như Lai ư Nhiên Đăng Phật sở, hữu pháp đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề phủ?

- Phất dã Thế Tôn! Như ngã giải Phật sở thuyết nghĩa, Phật ư Nhiên Đăng Phật sở, vô hữu pháp đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề.

Phật ngôn: Như thị, như thị! Tu-bồ-đề, thật vô hữu pháp Như Lai đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề. Tu-bồ-đề! Nhược hữu pháp Như Lai đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề giả, Nhiên Đăng Phật tắc bất dữ ngã thọ ký: Nhữ ư lai thế đương đắc tác Phật, hiệu Thích-ca Mâu-ni. Dĩ thật vô hữu pháp đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề, thị cố Nhiên Đăng Phật dữ ngã thọ ký, tác thị ngôn: Nhữ ư lai thế, đương đắc tác Phật, hiệu Thích-ca Mâu-ni. Hà dĩ cố? Như Lai giả, tức chư pháp như nghĩa. Nhược hữu nhân ngôn: Như Lai đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề, Tu-bồ-đề! Thật vô hữu pháp Phật đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề. Tu-bồ-đề! Như Lai sở đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề, ư thị trung, vô thật vô hư, thị cố Như Lai thuyết: Nhất thiết pháp giai thị Phật pháp. Tu-bồ-đề! Sở ngôn nhất thiết pháp giả tức phi nhất thiết pháp, thị cố danh nhất thiết pháp. Tu-bồ-đề! Thí như nhân thân trường đại.

Tu-bồ-đề ngôn: Thế Tôn! Như Lai thuyết nhân thân trường đại tắc vi phi đại thân, thị danh đại thân.

Tu-bồ-đề! Bồ-tát diệc như thị. Nhược tác thị ngôn: Ngã đương diệt độ vô lượng chúng sanh, tức bất danh Bồ-tát. Hà dĩ cố? Tu-bồ-đề! Thật vô hữu pháp danh vi Bồ-tát, thị cố Phật thuyết nhất thiết pháp vô ngã, vô nhân, vô chúng sanh, vô thọ giả. Tu-bồ-đề! Nhược Bồ-tát tác thị ngôn: Ngã đương trang nghiêm Phật độ, thị bất danh Bồ-tát. Hà dĩ cố? Như Lai thuyết trang nghiêm Phật độ giả, tức phi trang nghiêm, thị danh trang nghiêm. Tu-bồ-đề! Nhược Bồ-tát thông đạt vô ngã pháp giả, Như Lai thuyết danh chân thị Bồ-tát.

. Phiên bản tiếng Việt

VÔ NGÃ RỐT RÁO

 

Khi ấy Tu Bồ Đề bạch Phật rằng:

Bạch Thế Tôn, nếu như có người trai lành hay gái tốt phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác thì người ấy nên an trụ tâm như thế nào, và hàng phục tâm như thế nào ?

 Phật bảo Tu Bồ Đề:

Người trai lành hoặc gái tốt phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác đó nên phát tâm như thế này: Ta nên diệt độ tất cả chúng sinh. Đã diệt độ tất cả chúng sinh nhưng thật ra không có chúng sinh nào được diệt độ.

Bởi cớ sao ? Này Tu Bồ Đề, nếu Bồ Tát mà có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh, tướng thọ giả thì không phải là Bồ Tát.

Bởi cớ sao ? Này Tu Bồ Đề, bởi vì vốn không có Pháp chi để được chứng đắc vô thượng chánh đẳng chánh giác cả !

Này Tu Bồ Đề, ý thầy thế nào ? Như Lai khi ở chỗ Phật Nhiên Đăng có được Pháp vô thượng chánh đẳng chánh giác không ?

- Bạch Thế Tôn: không có ! Theo chỗ con hiểu lời Phật dạy thì khi ở chỗ Phật Nhiên Đăng trước kia, Như Lai không có được Pháp vô thượng chánh đẳng chánh giác chi cả !

Phật nói: Như vậy ! Như vậy ! Này Tu Bồ Đề, thật ra thì không có Pháp chi theo đó Như Lai chứng đắc vô thượng chánh đẳng chánh giác cả !

- Này Tu Bồ Đề, nếu như có Pháp theo đó Như Lai được vô thượng chánh đẳng chánh giác thì Phật Nhiên Đăng hẳn đã không thọ ký cho ta: “Ông về sau sẽ thành Phật, danh hiệu là Thích Ca Mâu Ni”.

Bởi chẳng có Pháp chi mà được vô thượng chánh đẳng chánh giác nên Phật Nhiên Đăng mới thọ ký cho ta: “Ông về sau sẽ thành Phật, danh hiệu là Thích Ca Mâu Ni”.

Bởi cớ sao ? Bởi vì nói Như Lai tức là nói về Tính Như của vạn pháp.

Nếu như có người nói Như Lai được Pháp vô thượng chánh đẳng chánh giác …

Này Tu Bồ Đề, thật ra không có Pháp Phật được vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Này Tu Bồ Đề, chỗ Như Lai chứng đắc vô thượng chánh đẳng chánh giác đó không thật cũng không hư.

Bởi vậy Như Lai nói rằng: Tất cả các Pháp đều là Phật Pháp.

Này Tu Bồ Đề, chỗ mà Như Lai nói là tất cả các Pháp đó không phải là tất cả các Pháp, chỉ tạm gọi là tất cả các Pháp.

Này Tu Bồ Đề, giả sử như có một người có thân lớn …

Tu Bồ Đề nói: Bạch Thế Tôn, thân lớn mà Thế Tôn nói đó chẳng phải lớn, chỉ tạm nói là thân lớn.

- Này Tu Bồ Đề, bậc Bồ Tát thì cũng thế. Nếu một vị Bồ Tát nói rằng ta nên diệt độ vô lượng chúng sinh thì không thể gọi đó là một vị Bồ Tát.

Bởi cớ sao ? Này Tu Bồ Đề, bởi vì không có Pháp nào có tên gọi là Bồ Tát. Vì thế Phật nói rằng tất cả các Pháp đều không có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh, tướng thọ giả.

Này Tu Bồ Đề, nếu một vị Bồ Tát nói rằng ta nên làm trang nghiêm cõi Phật thì không thể gọi đó là một vị Bồ Tát.

Bởi cớ sao ? Bởi vì Phật nói làm trang nghiêm cõi Phật thì chẳng phải là làm trang nghiêm.

Này Tu Bồ Đề ! Nếu một vị Bồ Tát thấu đáo Pháp vô ngã thì Như Lai nói rằng vị ấy đúng là một vị Bồ Tát.

 

 

. Diệu cảm

 

 Bạch Thế Tôn,

 Trong đoạn kinh này có một số nội dung đã được Đức Phật thuyết giảng rồi. Bây giờ lặp lại, bởi cớ sao ?

 Một số nhà luận giảng giải thích: Đức Phật vì những người đến muộn mà lặp lại.Có phải thế không? Con không thể biết! Nhưng mà,

 Bạch Thế Tôn,

 Con nay được biết điều này: Con cảm tạ ơn Đức Phật vì những lời lặp lại đó. Bởi vì đối với con, những lời này vẫn là mới. Lời từ kim khẩu Người nói ra bây giờ đương nhiên là mới sánh với lời trước đây.

 Mà cái nghe của con bây giờ đương nhiên là mới sánh với cái nghe của con khi đó. Có nghĩa rằng hiện thời con được hiểu lời Người nhiều hơn chỗ con đã hiểu.

 Bạch Thế Tôn,

 Con nay hiểu như vầy:

 Người trai lành gái tốt kia khi phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác thì đồng thời là phát nguyện độ tất cả chúng sinh. Ấy là phát nguyện tu Bồ Tát hạnh.

 Thoạt tiên người ấy có tâm phân biệt “năng”“sở”“năng độ”“sở độ”.

 Rồi người đó thực hành Bồ Tát hạnh, quên mình, quên “năng” cùng “sở”

 Người đó ngộ lý “vô ngã” và Như Lai nói rằng đó là một vị Bồ Tát.

 Bạch Thế Tôn,

 Bằng cách nào mà Bồ Tát không còn có cái thấy phân biệt “năng” với “sở” như vậy? Hẳn là có cái “Pháp” chi chăng ? Hay là có cái Pháp để chứng đắc vô thượng chánh đẳng chánh giác ?

 Về câu hỏi đó Thế Tôn đã trả lời là “không”.  Không có cái Pháp tên gọi là vô thượng chánh đẳng chánh giác.

 Bạch Thế Tôn,

 Con nay cũng hiểu sâu như vậy. Không thể có thứ Pháp nhất định như vậy – như thể là một thứ khuôn để khuôn đúc mọi người trong đó. Ấy là con nay cũng hiểu như lời trưởng lão Tu Bồ Đề đã nói giữa pháp hội trước đây: “Vốn không có Pháp nhất định có tên là vô thượng chánh đẳng chánh giác, cũng như là không có Pháp nhất định để Như Lai thuyết”.

 Bạch Thế Tôn,

 Đức Phật vừa nói: “Không có Pháp Phật đắc vô thượng chánh đẳng chánh giác”. Liền sau đó thì Người nói: “Chỗ Như Lai đắc vô thượng chánh đẳng chánh giác không thật cũng không hư”.

 Có nghĩa là không có cái Pháp đó, mà cũng không phải là không có cái Pháp đó! Đức Phật nói như vậy tức là để ngăn ngừa cái bệnh “chấp” luôn rình rập. Khi nghe Đức Phật nói “có” cái Pháp đó thì nơi hành giả ắt sinh tâm “chấp có”; khi nghe Đức Phật nói là “không” có cái Pháp đó thì nơi hành giả ắt sinh tâm “chấp không” ! Đức Phật nói không thực cũng không hư là vì vậy.

 Bạch Thế Tôn,

 Con nay thầm hiểu rằng Đức Phật vốn đã bày ra nhiều Pháp để mở đường cho chúng sinh. Chẳng hạn như trước đây đã có nói rõ về Pháp bố thí ba-la-mật và Pháp nhẫn nhục ba-la-mật – cũng gọi là bố thí vô tướng và nhẫn nhục vô tướng. Rõ là những con đường theo đó người hành giả có cơ may chứng được thực tướng của “vô ngã”, cũng tức là thấu đáo Pháp vô ngã.

 Bạch Thế Tôn,

 Bố thí vô tướng và nhẫn nhục vô tướng đúng là những con đường, để được gọi là Phật Pháp. Tuy vậy, không phải chỉ có hai con đường đó. Trong “sáu ba-la-mật” thì còn có trì giới ba-la-mật, tinh tiến ba-la-mật, thiền định ba-la-mật, trí huệ ba-la-mật. Đều là những con đường. Đều là Phật Pháp.

 Tuy vậy, không chỉ có thế. Chỉ mới là một số “phương tiện thiện xảo”. Ngoài ra thì còn nhiều phương tiện khác nữa. Rất nhiều, để có thể nói rằng “Tất cả các Pháp đều là Phật Pháp”.

 Tuy vậy, xin được thêm một lần nói “tuy vậy”, Đức Phật sau đó lại nói tiếp: “Chỗ mà Như Lai nói là “tất cả các Pháp” đó không phải là tất cả các Pháp, chỉ tạm gọi là tất cả các Pháp”.

 Bạch Thế Tôn,

 Người thật là từ bi ! Người thật là trí huệ !

 Và kinh Kim Cang cũng được gọi là « Kim Cang năng đoạn ».

 Ấy là nói về năng lực phá chấp vậy !

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT !

 

 

 

Đoạn 18 

 

NHẤT THỂ ĐỒNG QUÁN

. Nguyên văn chữ Hán

一體同觀

須菩提.於意云何.如來有肉眼不.如是.世尊.如來有肉眼.須菩提.於意云何.如來有天眼不.如是.世尊.如來有天眼.須菩提.於意云何.如來有慧眼不.如是.世尊.如來有慧眼.須菩提.於意云何.如來有法眼不.如是.世尊.如來有法眼.須菩提.於意云何.如來有佛眼不.如是.世尊.如來有佛眼.須菩提.於意云何.如恆河中所有沙.佛說是沙不.如是.世尊.如來說是沙.須菩提.於意云何.如一恆河中所有沙.有如是沙等恆河.是諸恆河所有沙數.佛世界如是.寧為多不.甚多.世尊.佛告須菩提.爾所國土中.所有眾生若干種心.如來悉知.何以故.如來說諸心.皆為非心.是名為心.所以者何.須菩提.過去心不可得.現在心不可得.未來心不可得.

. Phiên âm Hán Việt

NHẤT THỂ ĐỒNG QUÁN

- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Như Lai hữu nhục nhãn phủ?

- Như thị Thế Tôn! Như Lai hữu nhục nhãn.

- Tu-bồ-đề , ư ý vân hà? Như Lai hữu thiên nhãn phủ?

- Như thị Thế Tôn! Như Lai hữu thiên nhãn.

- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Như Lai hữu tuệ nhãn phủ?

- Như thị Thế Tôn! Như Lai hữu tuệ nhãn.

- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Như Lai hữu pháp nhãn phủ?

- Như thị Thế Tôn! Như Lai hữu pháp nhãn.

- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Như Lai hữu Phật nhãn phủ?

- Như thị Thế Tôn! Như Lai hữu Phật nhãn.

- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Như Hằng hà trung sở hữu sa, Phật thuyết thị sa phủ?

- Như thị Thế Tôn! Như Lai thuyết thị sa.

- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Như nhất Hằng hà trung sở hữu sa, hữu như thị sa đẳng Hằng hà, thị chư Hằng hà sở hữu sa số Phật thế giới, như thị ninh vi đa phủ?

- Thậm đa Thế Tôn!

Phật cáo Tu-bồ-đề: Nhĩ sở quốc độ trung, sở hữu chúng sanh, nhược can chủng tâm, Như Lai tất tri. Hà dĩ cố? Như Lai thuyết chư tâm giai vi phi tâm, thị danh vi tâm. Sở dĩ giả hà? Tu-bồ-đề! Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc.

 

 

 

. Phiên bản tiếng Việt

 

XEM ĐỒNG MỘT THỂ

 

Này Tu Bồ Đề, ý thầy thế nào ? Như Lai có nhục nhãn không ?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy. Như Lai có nhục nhãn.

- Này Tu Bồ Đề, ý thầy thế nào ? Như Lai có thiên nhãn không ?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy. Như Lai có thiên nhãn.

- Này Tu Bồ Đề, ý thầy thế nào ? Như Lai có huệ nhãn không ?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy. Như Lai có huệ nhãn.

- Này Tu Bồ Đề, ý thầy thế nào ? Như Lai có pháp nhãn không ?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy. Như Lai có pháp nhãn.

- Này Tu Bồ Đề, ý thầy thế nào ? Như Lai có Phật nhãn không ?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy. Như Lai có Phật nhãn.

- Này Tu Bồ Đề, ý thầy thế nào ? Cát ở sông Hằng Như Lai có nói đó là cát không ?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy. Như Lai nói đó là cát.

- Này Tu Bồ Đề, ý thầy thế nào ? Giả sử là tương ứng với mỗi hạt cát ở sông Hằng có một sông Hằng; lại tương ứng với mỗi hạt cát ở tất cả các sông Hằng đó có một thế giới Phật. Như vậy thì có nhiều thế giới Phật không ?

- Bạch Thế Tôn, rất nhiều !

Phật bảo Tu Bồ Đề: Bao nhiêu tâm niệm của tất cả chúng sinh trong từng ấy thế giới Phật Như Lai đều biết hết.

Bởi cớ sao ? Bởi vì những thứ tâm đó Như Lai nói không phải là tâm.

Bởi cớ sao ? Này Tu Bồ Đề, bởi vì tâm quá khứ không thể nắm bắt; tâm hiện tại không thể nắm bắt; tâm vị lai không thể nắm bắt !

 

 

. Diệu cảm

 

 Bạch Thế Tôn,

 Mở đầu đoạn kinh này, Thế Tôn nói về “ngũ nhãn”, tức là “năm mắt” nhưng có ý nghĩa là năm cấp bậc thấy biết cao thấp khác nhau.

.“Nhục nhãn”, tiếng Việt nay thường dịch là “mắt thịt”, trong thành ngữ “người phàm mắt thịt”.

.“Thiên nhãn” là mắt của chư thiên ở cõi trời, có khả năng thấy biết những hiện tượng siêu nhiên.

.“Huệ nhãn” là mắt trí huệ của bậc A La Hán, có khả năng thấy biết tính Không của vạn pháp.

.“Pháp nhãn” là mắt của bậc Bồ Tát, có thấy biết của Trung đạo, theo đó chân không cũng là diệu hữu.

.“Phật nhãn” là mắt Phật, thường thường thấy Chân Như Bản Tánh.

 Bạch Thế Tôn,

 Theo chỗ con nay được hiểu thì Người nói về mắt nhưng thực ra không có nghĩa là mắt. Ấy là nói về khả năng thấy biết. Đó là những khả năng thấy biết từ bậc thấp đến bậc cao.

 Thấp nhất là nhục nhãn của phàm phu, với khả năng thấy biết không vượt quá “lục trần” _ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

 Cao nhất là Phật nhãn của Phật, có khả năng thường thường thấy Chân Như Bản Tánh. Và “cao” ở đây có hàm ý là bao hàm và vượt lên cao hơn.

 Bạch Thế Tôn,

 Theo chỗ con hiểu thì những khả năng thấy biết đó quy kết lại thì chính là “tâm”.

 Con cũng được học và biết rằng tâm chúng sinh và tâm Phật vốn không-hai. Tuy vậy, đó là nói về “thể”. Về phương diện “dụng” thì có thể biết rằng con đường vận động của tâm có khả năng kinh qua những cấp bậc có tên là “nhục nhãn”, “thiên nhãn”, “huệ nhãn”, “pháp nhãn” và “Phật nhãn”.

 Và cũng có thể thấy rằng Phật nhãn bao quát tất cả vậy.

 Bạch Thế Tôn,

 Tiếp theo, Người nói về thế giới những chúng sinh nhiều như cát sông Hằng nhân lên số cát sông Hằng. Số chúng sinh trên từng ấy thế giới quả thật là vô lượng, vô biên! Và những tâm niệm không ngừng khởi lên ở từng ấy chúng sinh thì thật là nhiều đến vô số, vô lượng, vô biên !

 Bạch Thế Tôn,

 Tuy vậy, Người đều biết hết ! Biết rằng tất cả đều là “vọng tâm”. Chính vì đó là những vọng tâm cho nên Người đã nhắc nhở: “Những thứ tâm đó Như Lai nói không phải là tâm”. Đó không phải là tâm , nhưng luôn được thấy đó là tâm. Số tâm niệm đó là vô số, vô lượng vô biên cũng có nghĩa là vô số, vô lượng vô biên màu và vẻ, nhưng cũng thường thấy là được tập hợp thành ba nhóm: quá khứ tâm, hiện tại tâm, vị lai tâm.

 Bạch Thế Tôn,

 Con nay cũng hiểu rằng quá khứ, hiện tại và vị lai vốn không thực. Đó chẳng qua là những tạo tác của tâm thức. Chúng được tạo tác để hình thành những tâm niệm vốn như những cái bóng lướt qua. “Hình thành” để giữ lại. Mà giữ lại là do bệnh cố bám của tâm !

 Tâm niệm cũng là vọng. Quá khứ, hiện tại, vị lai cũng là vọng. “Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc” là vì vậy ! Có gì đâu để mà đắc hay được ! Chỉ là như những mộng, ảo, bọt, bóng ! Vậy thì cái gì là thực ? Hay là cái mà chỉ Phật nhãn mới thấy ? Ấy là cái Chân Như Tự Tánh ở bên kia ngón tay chỉ đó chăng?

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT !

 

 

 

Đoạn 19 

 

PHÁP GIỚI THÔNG HÓA 

 

. Nguyên văn chữ Hán

法界通化

須菩提.於意云何.若有人滿三千大千世界七寶以用布施.是人以是因緣得福多不.如是.世尊.此人以是因緣得福甚多.須菩提.若福德有實.如來不說得福德多以福德無故.如來說得福德多.

 

.Phiên âm Hán Việt

PHÁP GIỚI THÔNG HÓA

- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Nhược hữu nhân mãn tam thiên đại thiên thế giới thất bảo, dĩ dụng bố thí, thị nhân dĩ thị nhân duyên đắc phước đa phủ?

- Như thị Thế Tôn! Thử nhân dĩ thị nhân duyên đắc phước thậm đa.

- Tu-bồ-đề! Nhược phước đức hữu thật, Như Lai bất thuyết đắc phước đức đa, dĩ phước đức vô cố, Như Lai thuyết đắc phước đức đa.

 

. Phiên bản tiếng Việt

PHÁP GIỚI ĐỘ KHẮP

 

Này Tu Bồ Đề, ý thầy thế nào ? Nếu có người dùng bảy báu đầy cả tam thiên đại thiên thế giới đem ra bố thí thì do nhân duyên ấy có được phước đức nhiều không ?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy ! Do nhân duyên ấy mà được phước đức rất nhiều

- Này Tu Bồ Đề, nếu phước đức có thật thì Như Lai không nói là được phước đức nhiều. Vì phước đức là “không” nên Như Lai nói là được phước đức nhiều..

 

. Diệu cảm

 Bạch Thế Tôn,

 Thế thường chúng con từng chiêm nghiệm luật nhân quả mà thấy ra rằng “làm lành thì được phước”. “Phước” đó có thể có nhiều hình thức. Chẳng hạn như dưới hình thức tai qua nạn khỏi. Hoặc là dưới hình thức những thứ lợi lộc như khỏe mạnh, sang giàu. Việc thiện càng lớn thì phước báo càng lớn. Thứ phước báo đó là sự kiện dễ thấy, dễ tin. Và đức tin đó đã ăn sâu vào tâm thức loài người. Hầu như ai cũng tin rằng phước đức đó là điều có thực.

 Bố thí, đứng hàng đầu trong lục ba-la-mật, là điều thiện lớn. Huống chi nếu của cải đem ra bố thí là bảy báu chất đầy cả tam thiên đại thiên thế giới ! Phước đức phát sinh hẳn là lớn vô cùng ! Nhiều vô cùng ! Do đó mà khi Thế Tôn hỏi:

 - Có nhiều không ?

 Ngài trưởng lão Tu Bồ Đề thành thật đáp, không phải nghĩ ngợi gì:

 - Bạch Thế Tôn, rất nhiều !

 Tuy vậy, lời dạy của Thế Tôn tiếp theo đó cho thấy rằng thứ phước đức mà đại chúng thường biết đó là thứ “phước đức hữu tướng”, có thể đo lường, thụ hưởng, nghĩ bàn được. Thứ phước đức “hữu tướng”, mà thế thường thấy là “có thật” đó cũng là thứ phước đức mà ngài trưởng lão nói là “rất nhiều”.

 Tuy vậy Như Lai không nói đó là lớn, hay nhiều. Bởi cớ sao ?

 Bạch Thế Tôn,

 Theo chỗ con nay được hiểu thì Thế Tôn còn chỉ ra một thứ phước đức khác hơn thứ phước đức người đời thường biết. Ấy là “phước đức vô tướng”.

 Sao gọi là phước đức vô tướng? Ấy là thứ phước đức không bị chấp là “phước đức”. Chấp với cái tâm mong cầu. Mong cầu “làm phước được phước”. Như là bố thí để cầu được phước vậy.

 Phước đức vô tướng không hàm ngụ cái tâm mong cầu đó. Cũng gọi là “không phước đức”. Là không chấp có phước đức. Nghĩa là sao ? Chẳng hạn như khi Bồ Tát bố thí mà không thấy có người bố thí, không thấy có người thọ thí, không thấy có vật đem ra bố thí. Ấy là bố thí như là không bố thí. Vậy thì đâu có mong cầu phước đức cho ai ! Tức là không mong cầu phước đức hữu tướng.

Bồ Tát bố thí như không bố thí. Như thể trăng lên trên đỉnh núi. Như gió mát trên sông!

 Gọi là “phước đức”thì quả là không ngoa ! Nhưng mà không của ai, cũng không vì ai ! Vì vậy nên cũng có thể gọi là “không phước đức”. Nó không thể đo lường được, không đong đếm được, không nghĩ bàn được. Gọi là “không phước đức” là vì thế chăng ? Cũng vì không thuộc tướng, mà thuộc Tánh, nên cũng được gọi là “Tánh phước đức”.

 “Không phước đức”, hay “Tánh phước đức”. Thứ phước đức này lớn thật, nhiều thật !

 Bởi cớ sao? Bởi vì bản thể của “Không” vốn mênh mông! Bởi vì bản thể của “Tánh” vốn mênh mông!

 Bạch Thế Tôn,

 Con nay hiểu như vậy !

 Rằng “không phước đức” lớn thật, nhiều thật. “Lớn” và “nhiều” vô lượng.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT !

 

 

 

Đoạn 20 

 

LY SẮC LY TƯỚNG

 

. Nguyên văn chữ Hán

 

離色離相

須菩提.於意云何.佛可以具足色身見不.不也.世尊.如來不應以具足色身見.何以故.如來說具足色身.即非具足色身.是名具足色身.須菩提.於意云何.如來可以具足諸相見不.不也.世尊.如來不應以具足諸相見.何以故.如來說諸相具足.即非諸相具足.是名諸相具足.

. Phiên âm Hán Việt

LY SẮC LY TƯỚNG

- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Phật khả dĩ cụ túc sắc thân kiến phủ?

- Phất dã Thế Tôn! Như Lai bất ưng dĩ cụ túc sắc thân kiến. Hà dĩ cố? Như Lai thuyết cụ túc sắc thân tức phi cụ túc sắc thân, thị danh cụ túc sắc thân.

- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Như Lai khả dĩ cụ túc chư tướng kiến phủ?

- Phất dã Thế Tôn! Như Lai bất ưng dĩ cụ túc chư tướng kiến. Hà dĩ cố? Như Lai thuyết chư tướng cụ túc tức phi cụ túc, thị danh chư tướng cụ túc.

 

. Phiên bản tiếng Việt

LÌA SẮC LÌA TƯỚNG

 

Này Tu Bồ Đề, ý thầy thế nào ? Có thể dựa vào sắc thân hoàn hảo mà thấy Phật không ?

- Bạch Thế Tôn, không ! Không thể dựa vào sắc thân hoàn hảo mà thấy Như Lai.

Bởi cớ sao ? Bởi vì Như Lai dạy rằng sắc thân hoàn hảo tức chẳng phải là sắc thân hoàn hảo, chỉ tạm gọi là sắc thân hoàn hảo.

- Này Tu Bồ Đề, ý thầy thế nào ? Có thể dựa vào các tướng hoàn hảo mà thấy Như Lai không ?

- Bạch Thế Tôn, không ! Không thể dựa vào các tướng hoàn hảo mà thấy Như Lai.

Bởi cớ sao ? Bởi vì Như Lai dạy rằng các tướng hoàn hảo tức chẳng phải là các tướng hoàn hảo, chỉ tạm gọi là các tướng hoàn hảo.

 

 

. Diệu cảm

 

 Bạch Thế Tôn,

 Qua những câu vấn đáp trên con hiểu như thế này. “Sắc thân” hay “các tướng” là chỉ về ngoại hình. Trong xã hội chúng con người ta cũng nói chung là “tướng”. Có những người chuyên môn, gọi là thầy tướng, dựa vào ngoại hình đó để thấy ra những đặc điểm tiềm ẩn bên trong như là tâm tính, số mạng sang hèn.

 Từ cách thực hành như vậy, người ta đã đem ra áp dụng để mà “thấy” Như Lai.

 Cách suy nghĩ và áp dụng như vậy thực ra đã có điều lầm lẫn. Bởi cớ sao ? Bởi vì thầy tướng căn cứ vào tướng hiện để khám phá tướng ẩn. Thực vậy, khi thầy tướng nói khám phá ra tâm tính thì tâm tính cũng là “tướng”. Cũng thế, tư cách sang hèn cũng là “tướng”. Còn Như Lai thì còn hơn thế!

 Bạch Thế Tôn,

 Người đương thời đã thấy rằng Đức Phật, cũng là thái tử Tất Đạt Đa, có sắc thân tốt, cũng nói là sắc thân hoàn hảo. Và người ta nghĩ rằng Như Lai là như vậy. Nhưng Người đã cải chính, nói rằng sắc thân đó không phải là hoàn hảo đến độ có thể thấy là đồng nhất với Như Lai

 Bạch Thế Tôn,

 Về sắc thân được thấy là hoàn hảo nhưng thực sự là không hoàn hảo này về sau được các luận sư Đại Thừa gọi là “hóa thân”.hóa thân là hiện thân của Như Lai trước mắt đại chúng ở cõi trần này để giáo hóa chúng sinh. Cái sắc thân Phật, hay hóa thân Phật như vậy là hiện tướng của Như Lai trước mắt đại chúng ở cõi trần. Như Lai thì còn hơn thế!

 Cũng do đó mà thấy ra rằng về bản chất thì sắc thân không thể nói là hoàn hảo. Vì vốn là “tướng”, chỉ là “tướng” ! Như Lai thì còn hơn thế!.

 Bạch Thế Tôn,

 Về các “tướng hoàn hảo” người ta thường nói đến “ba mươi hai tướng tốt”“tám mươi vẻ đẹp” của Phật. Đức Phật nói rằng không thể dựa vào đó mà nghĩ là thấy Như Lai. Bởi cớ sao ? Bởi vì đó cũng không phải là “tướng hoàn hảo”. Cũng bởi vì tự bản chất, “tướng” vốn không hoàn hảo.

Bạch Thế Tôn,

 Về “ba mươi hai tướng tốt”“tám mươi vẻ đẹp” thì các luận sư gọi đó là đặc điểm của “báo thân”. Và báo thân là hiện thân của thiện nghiệp và giác ngộ.

 Cũng không thể dựa vào báo thân mà nghĩ rằng đã thấy Như Lai. Bởi vì Như Lai thì còn hơn thế!

 Bạch Thế Tôn,

 Các luận sư khi thuyết về “ba thân”, ngoài hóa thânbáo thân còn đặc biệt nói đến “Pháp thân”. Pháp thân cũng có tên khác là “Chân Như”,“Phật Tánh”. Đây là chỗ không dễ biết. Bởi vì thực chứng được Pháp thân có nghĩa là giác ngộ. Bậc giác ngộ nếu muốn chia sẻ tri kiến về Pháp thân thì cũng không thể nói năng, bởi vì Pháp thân thuộc lĩnh vực vô ngôn.

 Loanh quanh một cách triết lý thì tạm nói vài lời thế này: Nếu hóa thân báo thân là “tướng” thì Pháp thân là “Tánh”. Pháp thân là thể Tánh, vô tướng, ở tận đầu nguồn của vạn pháp. Pháp thân là chỗ không thể nói, không thể diễn giải, không thể nghĩ bàn. Pháp thân là chỗ đầu nguồn huyền nhiệm không tên.

 Và Như Lai bao gồm cả ba thân Phật: Pháp thân, báo thânhóa thân.

 Bạch Thế Tôn,

 Con nay hiểu như vậy. Hiểu như vậy rồi trong con luôn có cái tâm chí thành kính tín. Chí thành kính tín đối với Như Lai vô ngôn và huyền nhiệm không thể nghĩ bàn !

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT !

 

 

 

Đoạn 21 

 

PHI THUYẾT SỞ THUYẾT

 

. Nguyên văn chữ Hán

非說所說

須菩提.汝勿謂如來作是念.我當有所說法.莫作是念.何以故.若人言如來有所說法.即為謗佛.不能解我所說故.須菩提.說法者.無法可說.是名說法.爾時.慧命須菩提白佛言.世尊.頗有眾生.於未來世.聞說是法.生信心不.

佛言.須菩提.彼非眾生.非不眾生.何以故.須菩提眾生眾生者.如來說非眾生.是名眾生.

. Phiên âm Hán Việt

PHI THUYẾT SỞ THUYẾT

 

Tu-bồ-đề! Nhữ vật vị Như lai tác thị niệm: Ngã đương hữu sở thuyết pháp, mạc tác thị niệm. Hà dĩ cố? Nhược nhân ngôn Như Lai hữu sở thuyết pháp tức vi báng Phật, bất năng giải ngã sở thuyết cố. Tu-bồ-đề! Thuyết pháp giả, vô pháp khả thuyết, thị danh thuyết pháp. Nhĩ thời Tuệ Mạng Tu-bồ-đề bạch Phật ngôn: Thế Tôn! Phả hữu chúng sanh ư vị lai thế, văn thuyết thị pháp, sanh tín tâm phủ?

Phật ngôn: Tu-bồ-đề! Bỉ phi chúng sanh, phi bất chúng sanh. Hà dĩ cố? Tu-bồ-đề! Chúng sanh, chúng sanh giả, Như Lai thuyết phi chúng sanh, thị danh chúng sanh.

 

 

 

. Phiên bản tiếng Việt

 

KHÔNG PHÁP ĐƯỢC THUYẾT

 

 Này Tu Bồ Đề, thầy chớ nói rằng Như Lai từng nghĩ: Ta nên thuyết Pháp. Thầy chớ nghĩ như vậy.

Bởi cớ sao ? Bởi vì nếu có ai nghĩ như vậy thì tức là người ấy phỉ báng Phật và không hiểu được lời Phật dạy.

Này Tu Bồ Đề, nói là thuyết Pháp nhưng thật ra không có Pháp chi để thuyết, chỉ tạm gọi là thuyết Pháp.

Lúc bấy giờ ngài Huệ Mạng Tu Bồ Đề bạch Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn, chúng sinh thời vị lai nghe Pháp này có khởi phát tín tâm không ?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề, đó chẳng phải là chúng sinh, cũng chẳng phải không là chúng sinh.

Bởi cớ sao ? Này Tu Bồ Đề, những chúng sinh đó Như Lai nói chẳng phải là chúng sinh, chỉ tạm gọi là chúng sinh.

 

. Diệu cảm

 

 Bạch Thế Tôn,

 Chỗ Thế Tôn dạy về “thuyết Pháp” con nay hiểu như vầy.

 Ấy là: Pháp thì không thể thuyết được. Bởi cớ sao ? Bởi vì “thuyết” là nói bằng lời. Vậy mà Pháp vốn thuộc cảnh giới “vô ngôn”, có nghĩa là bên trên lời. Có nghĩa là không lời nào nói cho tỏ tường, cho chính xác và rốt ráo được.

 Bạch Thế Tôn,

 Vì thấy rõ, vì trải nghiệm điều này cho nên Phật giáo Thiền Tông sau này đã “bất lập văn tự”“dĩ tâm truyền tâm” – tức là không sử dụng ngôn từ, lấy tâm trực tiếp truyền sang tâm. Đây chính là cách mà Thế Tôn đã thực hiện được với ngài Ma Ha Ca Diếp trong sự kiện gọi là “niêm hoa vi tiếu”. Phật cầm cành hoa, thấy diệu Pháp thị hiện đầy đủ trên đóa hoa, nhưng không nói thành lời được, do đó mà mĩm cười. Ngài Ma Ha Ca Diếp trực tiếp hiểu mật ý _ cũng là “vô ý”_ tự nhiên mà mĩm cười !

 Bạch Thế Tôn,

 Con nay mường tượng là Thế Tôn đã thấy chiếc hoa kia mĩm cười ! Chiếc hoa ấy mĩm cười mà thị hiện trọn vẹn huyền vi của vũ trụ. Và Thế Tôn đã thấy nụ cười đó, và tự nhiên Người mĩm cười. Nụ cười của Thế Tôn phản ánh nụ cười của hoa. Ngài Ma Ha Ca Diếp thấy, tự nhiên trên môi nở nụ cười ! Nụ cười của Ma Ha Ca Diếp phản ánh nụ cười của Thế Tôn.

 Bạch Thế Tôn,

 Dù sao, trong thực tế nhãn tiền thì Thế Tôn đã “thuyết Pháp” trong những 49 năm. Tuy vậy, con nay cũng biết rằng Người đã “phương tiện” dùng lời thuyết Pháp. Con hiểu rằng Người đã thuyết nhưng “Pháp” không chứa đựng trong “thuyết”/lời. Thuyết/lời giống như ngón tay chỉ; Pháp thì như thể ở xa, xa mãi như mặt trăng kia ở mãi tận chân trời ! Để khi người hành giả có đủ cơ duyên thì sẽ thấy ! Như vị hành giả nọ đã thấy và diễn tả thật tài tình:

“Hốt phùng thiên đễ nguyệt” !

(Đột ngột thấy trăng lên ở chân trời !)

 Bạch Thế Tôn,

 Vả lại, về một phương diện khác thì vốn không hề có môt Pháp nhất định để Như Lai “thuyết”. Chỉ là “tùy duyên” mà “phương tiện” độ người bằng lời nầy, lời khác vậy thôi! Chẳng những không có lời nhất định mà cũng không có Pháp nhất định vậy.

 Bạch Thế Tôn,

 Con được biết rằng “Huệ Mạng” là một tên riêng của ngài Tu Bồ Đề, có ý chỉ về người thông tuệ. Ngài Tu Bồ Đề nghe Pháp Đức Phật thuyết mà khởi tín tâm. Thế rồi do lòng từ bi mà ngài nghĩ đến chúng sinh thời vị lai. Do đó mà hỏi:

 - Bạch Thế Tôn, chúng sinh thời vị lai khi nghe Pháp này có khởi phát tín tâm không?

 Bạch Thế Tôn,

 Con nay tưởng chừng cảm nhận chỗ thấy của Thế Tôn khi nghe câu hỏi đó. Thế Tôn thấy chỗ vướng mắc của ngài Tu Bồ Đề: Ngài Tu Bồ Đề còn có chỗ chấp tướng. Ấy là chấp “chúng sinh tướng”. Cũng tức là còn có cái tâm phân biệt thánh phàm. Do đó mà Đức Phật nhắc nhở:

 - Này Tu Bồ Đề, những chúng sinh Như Lai nói đó chẳng phải là chúng sinh, chỉ tạm gọi là “chúng sinh”.

 Bạch Thế Tôn,

 Con nay hiểu ý của Thế Tôn là như vậy. Hiểu rằng “chúng sinh” là danh tạm gọi, không thể chấp vào danh gọi đó mà sinh tâm phân biệt hai bên – bên thánh bên phàm, hoặc bên Phật bên chúng sinh. Nói cách khác thì trong thực tế giữa chúng sinh và Phật vốn không có ranh giới cứng nhắc. Chỉ là khi đang thì tạm gọi đó là “chúng sinh”; chợt “ngộ” thì tạm gọi đó là “Phật”.

 Bạch Thế Tôn,

 Con nay hiểu như vậy ! Hiểu rằng nơi gọi là “chúng sinh” vốn có chủng tử Phật Tánh và do đó vốn thông với Phật Pháp.

 Con cũng hiểu rằng trong hàng “chúng sinh” vốn có những bậc “thượng căn nhân”. Những bậc nầy vốn có “đại trí căn” để tiếp nhận Phật Pháp Đại Thừa

 Và con cũng hiểu rằng chứng ngộ Phật Pháp thì giống như là về nhà. Và “về nhà” là con đường mọi « chúng sinh” đương nhiên là sớm muộn gì rồi cũng sẽ phải đi!

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT !

 

 

 

Đoạn 22 

 

VÔ PHÁP KHẢ ĐẮC

 

 

. Nguyên văn chữ Hán

無法可得

須菩提白佛言.世尊.佛得阿耨多羅三藐三菩提.為無所得耶.佛言.如是.如是.須菩提.我於阿耨多羅三藐三菩提.乃至無有少法可得.是名阿耨多羅三藐三菩提

. Phiên âm Hán Việt

VÔ PHÁP KHẢ ĐẮC

 

Tu-bồ-đề bạch Phật ngôn: Thế Tôn! Phật đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề, vi vô sở đắc da?

Phật ngôn: Như thị, như thị! Tu-bồ-đề! Ngã ư A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề, nãi chí vô hữu thiểu pháp khả đắc, thị danh A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề.

 

 

. Phiên bản tiếng Việt

KHÔNG PHÁP ĐỂ ĐƯỢC

 

Tu Bồ Đề bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn, Phật chứng đắc vô thượng chánh đẳng chánh giác; điều đó có nghĩa rằng Phật không được gì sao ?

Phật dạy: Đúng vậy, đúng vậy ! Này Tu Bồ Đề, về vô thượng chánh đẳng chánh giác ta chẳng được chỉ một chút Pháp nào. Như vậy gọi là vô thượng chánh đẳng chánh giác.

 

. Diệu cảm

 

 Bạch Thế Tôn,

 Trong tín ngưỡng dân gian chúng con thường nói với nhau về sự kiện “Phật đắc đạo”, hoặc “Thích Ca thành đạo”. “Đắc” có hàm ý là được một cái gì đó mà trước đó không có. “Thành” có hàm ý là trở thành _ từ phàm phu mà trở thành Phật. Và “vô thượng chánh đẳng chánh giác” là chỗ được, hoặc chỗ trở thành cao quý nhất.

 Vốn có xu hướng hướng thượng, nhiều người có phát tâm cao thượng: phát tâm tu hành nhắm về mục đích “đắc đạo”, và ngay cả “thành Phật”.

 Tham dự Pháp hội từ đầu đến đây ngài Tu Bồ Đề như đã vỡ lẽ rằng chứng đắc quả vị “vô thượng chánh đẳng chánh giác” nghĩa là không được cái gì cả ! Tuy vậy, ngài trưởng lão đáng kính vẫn còn chút hoài nghi về cái thấy của mình cho nên đã đặt câu hỏi kia. Và Đức Phật đã xác nhận rằng cái thấy đó của trưởng lão là đúng:

 - Đúng vậy, đúng vậy !

 Bạch Thế Tôn,

 Theo chỗ chúng con được nghe trước đây thì việc “Phật đắc đạo” hay “Thích Ca thành đạo” đã là những sự kiện hiển nhiên, không có vấn đề gì để suy đi xét lại. Vậy mà nay nghe lời dạy của Thế Tôn chợt có cảm giác như bừng tỉnh sau cơn mê dài! Tỉnh ra mà thấy rằng Phật không được gì và Phật cũng  không thành đạo!

 Bạch Thế Tôn,

 Con nay thấy ra rằng lời dạy của Thế Tôn thật quan trọng xiết bao ! Hiểu như vậy rồi thì ắt nơi tâm người hành giả rơi rụng đi cái tâm vọng cầu. Cầu “được” và cầu “trở thành”. Bởi vì thực ra không có gì để “được”, cũng như không có Phật nào để “trở thành” ! Hành giả nên hiểu như vậy. Và hơn nữa, hành giả phải tin như vậy.

 Bạch Thế Tôn,

 Con nay hiểu như vậy. Hiểu rằng không có gì để “được”, cũng như không có Phật nào để “thành”.

 Chỉ có mỗi một việc: thức tỉnh cái Bổn Tâm, hay Bổn Tánh.

 Mà “Bổn Tánh” thì là gì ?

 Bạch Thế Tôn,

 Con chợt nhớ ra một câu thật quan trọng trong Kinh Bồ Tát Giới:

 

Ngã Bổn Tánh nguyên tự thanh tịnh.

(Bổn Tánh của ta vốn tự nhiên thanh tịnh.)

 Tiếp nối lời kinh đó Lục Tổ Huệ Năng đã có Thiền Pháp:

Ư niệm niệm trung tự kiến Bổn Tánh thanh tịnh.

(Trong từng niệm luôn thấy Bổn Tánh thanh tịnh nơi mình.)

 Bạch Thế Tôn,

 Con nay kính cẩn nguyện cầu tất cả chúng sinh thấy được “Bổn Tánh thanh tịnh” đó.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT !

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đoạn 23 

 

 TỊNH TÂM HÀNH THIỆN

 

. Nguyên văn chữ Hán

淨心行善

復次.須菩提.是法平等.無有高下.是名阿耨多羅三藐三菩提.以無我無人無眾生無壽者.修一切善法.則得阿耨多羅三藐三菩提.須菩提.所言善法者.如來說即非善法.是名善法.

. Phiên âm Hán Việt

TỊNH TÂM HÀNH THIỆN

Phục thứ Tu-bồ-đề! Thị pháp bình đẳng, vô hữu cao hạ, thị danh A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề. Dĩ vô ngã, vô nhân, vô chúng sanh, vô thọ giả tu nhất thiết thiện pháp tắc đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề. Tu-bồ-đề! Sở ngôn thiện pháp giả, Như Lai thuyết tức phi thiện pháp, thị danh thiện pháp.

 

.Phiên bản tiếng Việt

TỊNH TÂM LÀM LÀNH

 

Lại nữa, này Tu Bồ Đề, Pháp này bình đẳng, không phân biệt cao thấp, danh gọi vô thượng chánh đẳng chánh giác. Lìa các tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả và tu tất các pháp lành thì đắc Pháp vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Này Tu Bồ Đề, chỗ nói là Pháp lành đó Như Lai bảo rằng chẳng phải là Pháp lành, chỉ tạm gọi là Pháp lành.

 

 

. Diệu cảm

 

 Bạch Thế Tôn,

 Trước đây Thế Tôn từng dạy: “không có Pháp để thuyết”“không có Pháp để được”. Cũng là nói về “Pháp” ấy.

 Bạch Thế Tôn,

 Con nay hiểu rằng điều ấy không có nghĩa là Pháp kia không có. Con hiểu rằng Pháp kia không lời nào nói hết. Và Pháp kia không phải là cái sở đắc của riêng ai.

 Nay Thế Tôn dạy thêm: Pháp ấy bình đẳng, không phân biệt cao thấp, được gọi tên là “vô thượng chánh đẳng chánh giác”.

 Thế nhưng “bình đẳng, không phân biệt cao thấp” thì có nghĩa là sao ?

 Bạch Thế Tôn,

 Con nay hiểu rằng sở dĩ nói là “bình đẳng và không phân biệt cao thấp” là vì thực ra chỉ có một Pháp đó mà thôi. Ví như người ta có thể tưởng tượng ra Hằng hà sa số nhân lên Hằng hà sa số lần những tia nắng mặt trời nhưng mà khả năng sưởi ấm và khả năng soi sáng của những tia ấy không có hơn kém. Bởi cớ sao ? Bởi vì nói cho rõ ra thì vô số tia nắng kia chỉ là một mặt trời với toàn thểđại dụng.

 Pháp kia thì cũng vậy. Chỉ là cái Pháp ấy, tạm gọi tên là “vô thượng chánh đẳng chánh giác”.

 Bạch Thế Tôn,

 Thế Tôn còn dạy: “Tu các Pháp lành thì đắc Pháp vô thượng chánh đẳng chánh giác”. Nghe lời dạy đó mà con chợt thấy ra như vầy.

 Do lý “vô sở đắc” hoặc “vô Pháp khả đắc” mà con hiểu chữ  “đắc” Thế Tôn vừa dạy không có nghĩa là được thêm một cái gì để làm sở hữu. “Đắc” ở đây cũng giống như người được mặt trời sưởi ấm và soi sáng ! “Đắc” Pháp “vô thượng chánh đẳng chánh giác” thì có nghĩa là thông với Pháp, thuận với Pháp, hòa nhập với Pháp đó.

 Bạch Thế Tôn,

 Trên đây là cách con được hiểu về chữ “đắc”. Nay con xin được hiểu thêm về “vô thượng chánh đẳng chánh giác”. Chữ chính là “giác”.“giác” là giác ngộ Bổn Tánh.

 “Giác ngộ Bổn Tánh” nói theo Thiền học đời sau thì là “thấy Tánh”.

 “Thấy” thì biết “Tánh” ấy thế nào ?

 Bạch Thế Tôn,

 “Tánh” đã được nói trong kinh Bồ Tát Giới :

Ngã Bổn Tánh nguyên tự thanh tịnh.

(Bổn Tánh ta vốn tự nhiên thanh tịnh)

 Ấy là Bổn Tánh của Bồ Tát.

 Và hạnh của Bồ Tát ở chỗ luôn luôn thấy Bổn Tánh thanh tịnh đó.

 Qua đó con tưởng chừng hiểu được chỗ mà Thế Tôn bảo là “Pháp lành”. Có phải là “Pháp lành” cốt ở “Tánh thanh tịnh” ? Từ đó có thể xem đây là những “Pháp lành”

- Thanh tịnh tam nghiệp, gồm thanh tịnh thân, khẩu, ý.

- Thanh tịnh tam độc, gồm thanh tịnh ba độc tham, sân, si.

 Bạch Thế Tôn,

 Và con cũng chợt hiểu ra rằng nếu những điều kể trên được xem như là “Pháp lành” thì những “Pháp lành” này chỉ nên được xem như những Pháp tướng, tức là những chiếc bè. Khi đã sang bờ bên kia rồi thì hẳn là không còn có Pháp tướng nào để tu nữa !

 Đó là chỗ kinh nói: “Chỗ nói là Pháp lành đó Như Lai bảo rằng chẳng phải là Pháp lành, chỉ tạm gọi là Pháp lành.”

 Đến lúc ấy thì giống như lời một Thiền sư nói:

“Thảnh thơi bơi lội trong biển Thiền” !

“Biển Thiền” đó cũng có tên là “biển cả tâm Phật đại bi” !

 Bạch Thế Tôn,

 Con nay hiểu như vậy !

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT !

 

 

 

 

 

 

Đoạn 24 

 

PHƯỚC TRÍ VÔ TỈ

. Nguyên văn chữ Hán

福智無比

須菩提.若三千大千世界中.所有諸須彌山王.如是等七寶聚.有人持用布施.若人以此般若波羅蜜經.乃至四句偈等.受持.讀誦.為他人說.於前福德.百分不及一.百千萬億分.乃至算數譬喻所不能及.

 

. Phiên âm Hán Việt

PHƯỚC TRÍ VÔ TỈ

Tu-bồ-đề! Nhược tam thiên đại thiên thế giới trung sở hữu chư Tu-di sơn vương, như thị đẳng thất bảo tụ, hữu nhân trì dụng bố thí. Nhược nhân dĩ thử Bát-nhã ba-la-mật kinh, nãi chí tứ cú kệ đẳng, thọ trì độc tụng, vị tha nhân thuyết, ư tiền phước đức bách phần bất cập nhất, bách thiên vạn ức phần nãi chí toán số thí dụ sở bất năng cập.

 

 

. Phiên bản tiếng Việt

 

PHƯỚC TRÍ KHÔNG SÁNH

 

Này Tu Bồ Đề,

Nếu có người đem ra bố thí bảy báu chất cao như tất cả các núi Tu Di trong tam thiên đại thiên thế giới;

Mặt khác, nếu có người thọ trì, đọc tụng kinh Bát-nhã ba-la-mật này cho đến những tứ cú kệ rồi đem ra diễn giải cho người khác;

Như vậy thì phước đức của người bố thí kia không bằng một phần trăm, một phần ngàn, một phần vạn, một phần ức phước đức của người trì kinh kia.

Ấy bởi vì phước đức của hai loại hành vi này không thể đem ra tính toán mà so sánh được.

 

. Diệu cảm

 

 Bạch Thế Tôn,

 Đọc những lời trên của Thế Tôn con lại chợt tỉnh một cơn mê ! Kinh ngạc mà tự hỏi: Trời ơi, sao mà tự bao đời rồi nhân loại mãi cứ tôn quý “bảy báu” ! Liệu có mật ý gì bên trong ? Hẳn là không phải vậy ! Bởi có lần con đã có cái may đọc lời Đức Phật:

 “Ta xem những kho vàng và châu ngọc như những viên gạch và những hòn sỏi.”

 Bạch Thế Tôn,

 Con nay đã hiểu sâu như vậy mà có cảm giác giật mình !

 Nay lại thử hỏi: Nếu như việc bố thí “bảy báu chất đầy tất cả các núi Tu Di trong tam thiên đại thiên thế giới” kia là có thực thì những người nhận bảy báu kia thực sự được gì ? Hay là chỉ được lòng tham báu vật được khơi dậy, và lòng tham chấp thêm kiên cố ? Và nếu thế thì phải chăng việc bố thí kia chỉ có giá trị âm ? Và về “phước đức” thì hẳn là cũng thế ! Tạm gọi là “phước đức âm”!

 Tương phản là việc thọ trì và đọc tụng kinh Bát-nhã ba-la-mật. Thọ trì và đọc tụng kinh để mà thấy ngày càng phát sinh trí huệ. Chẳng hạn như hôm nay con có trí huệ để thấy giá trị âm của “bảy báu”.

 Bạch Thế Tôn,

 Không những chỉ có thế ! Khi thọ trì và đọc tụng kinh Bát-nhã ba-la-mật con còn thấy ra rằng thông thường thì người ta sống và ứng xử theo sự khuôn định của những “khái niệm”. Và cái gọi là “tư duy” thì chẳng qua là cố gắng của cái trí để liên kết các khái niệm lại với nhau. Thì ra là vậy. Đổi lại cái thực thì người ta cố nắm bắt cái bóng _ cái bóng “khái niệm”. Dù rằng cái bóng đó có phản ánh cái thực, thế nhưng sự phản ánh đó bất toàn xiết bao ! Và chứa đựng tất cả những mê lầm có tên gọi là “vô minh”!

 Bạch Thế Tôn,

 Khi đọc Kinh Bát-nhã con thấy ra điều đó.

 Con nay nguyện cầu cho có nhiều người có đủ thiện căn, thiện duyên để được thọ trì và đọc tụng kinh Kim Cang Bát-nhã ba-la-mât này để thường thường phát sinh trí huệ.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT !

 

 

 

Đoạn 25 

 

HÓA VÔ SỞ HÓA

 

. Nguyên văn chữ Hán

化無所化

須菩提.於意云何.汝等勿謂如來作是念.我當度眾生.須菩提.莫作是念.何以故.實無有眾生如來度者.若有眾生如來度者.如來即有我人眾生壽者.須菩提.如來說有我者.則非有我而凡夫之人以為有我.須菩提.凡夫者.如來說則非凡夫.是名凡夫.

 

. Phiên âm Hán Việt

HÓA VÔ SỞ HÓA

 

Tu-bồ-đề! Ư ý vân hà? Nhữ đẳng vật vị Như Lai tác thị niệm: Ngã đương độ chúng sanh. Tu-bồ-đề! Mạc tác thị niệm. Hà dĩ cố? Thật vô hữu chúng sanh Như Lai độ giả. Nhược hữu chúng sanh Như Lai độ giả, Như Lai tắc hữu ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Tu-bồ-đề! Như Lai thuyết hữu ngã giả tắc phi hữu ngã, nhi phàm phu chi nhân dĩ vi hữu ngã. Tu-bồ-đề! Phàm phu giả, Như Lai thuyết tắc phi phàm phu, thị danh phàm phu.

 

 

.Phiên bản tiếng Việt

HÓA KHÔNG CHỖ HÓA

 

Này Tu Bồ Đề, ý thầy thế nào ? Các thầy chớ nói rằng Như Lai có ý nghĩ này: Ta đang độ chúng sinh.

Này Tu Bồ Đề, chớ nghĩ như vậy. Bởi cớ sao ? Bởi vì thật ra không có chúng sinh nào được Như Lai độ. Nếu nói là độ, thì tức là Như Lai có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh, tướng thọ giả.

Này Tu Bồ Đề, Như Lai dạy rằng khi Như Lai nói về “ta” thì thực ra không có “ta”, nhưng mà kẻ phàm phu thì cho là có “ta”.

Này Tu Bồ Đề, về kẻ phàm phu, Như Lai dạy rằng đó chẳng phải là phàm phu, chỉ tạm gọi là phàm phu.

 

 

. Diệu cảm

 

 Bạch Thế Tôn,

 Trong tín ngưỡng của đại chúng thì ai nấy đều tin rằng Phật có năng lực cứu độ chúng sinh. Và đại chúng cũng biết rằng Người đã ròng rã bốn mươi chín năm thuyết pháp. Ấy là với tâm từ bi vô hạn Người đã tận tâm tận lực làm việc cứu độ chúng sinh. Thế nhưng trong đoạn này Thế Tôn dạy: Chớ nghĩ như vậy ! Chớ cho rằng Thế Tôn có ý nghĩ rằng Người độ chúng sinh !

 Bạch Thế Tôn,

 Người cũng đã giải thích lý do tại sao. Bởi vì nếu có ý nghĩ như vậy tức là Người đã chấp có người độ và người được độ, tức là chấp có năng độ sở độ. Nói chung là chấp “ngã tướng”. Trong câu “Ta đang độ chúng sinh” thì năng độ là “Ta”, sở độ là “chúng sinh”. Thế Tôn vạch rõ: nói là “Ta” nhưng thực ra thì không có “Ta”; nói là “chúng sinh”/“phàm phu”, nhưng thực ra thì không phải là “chúng sinh”/“phàm phu”.

 Bạch Thế Tôn,

 Về chỗ “Ta” không thật thì con hiểu như vầy. Ấy là vì trong thế giới này, hoặc vũ trụ này không hề có cái gì đó là một thực thể độc lập và trước sau như một.

 Thực vậy, hai tri kiến cơ bản mà Thế Tôn thường thuyết giảng là

 - Chư pháp vô ngã

 - Chư hành vô thường

 Nói vắn tắt là “vô ng㔓vô thường”.

 Không có gì là độc lập. Tất cả là những mắt lưới trong một “mạng lưới duyên khởi”. Giữa những mắt lưới đó, trong chỗ tế vi, hầu như không có ranh giới, đến độ mọi toan tính tách mắt này ra khỏi mắt khác thì không thể không gây tổn thương !

 Mạng lưới duyên khởi đó vận động liên tục, trong từng phút, từng giây, từng sát-na, Do đó mà không có cái gì là “trước sau như một”!

 Để diễn tả sự vận động, tức là đổi thay không ngừng đó, có người đã mượn hình tượng “bức tranh vân cẩu”, xuất xứ từ hai câu thơ cổ:

Thiên thượng phù vân như bạch y,

Tu du hốt biến vi thương cẩu.

(Mây nổi trên trời trông có hình áo trắng,

Phút chốc biến ngay thành hình chó xanh.)

 “Vô thường” là vậy !

 Và khi đã ngộ lý “vô ngã” “vô thường” như vậy rồi thì khái niệm về “cái ta” trở thành hư vọng và cảm nghiệm về “ta” trở thành mờ nhạt !

 Bạch Thế Tôn,

 Thế Tôn dạy: Kẻ “phàm phu”, vì chưa ngộ lý “vô ng㔓vô thường” nên còn chấp “ta”. Tuy vậy, Thế Tôn cũng liền cảnh giác ngay: kẻ gọi là phàm phu đó chẳng phải là phàm phu.

 Ấy cũng là vì Thế Tôn muốn tránh cho thính chúng thói chấp khái niệm “phàm phu”. Bởi vì nếu dính mắc vào khái niệm “phàm phu” thì “phàm phu” là “phàm phu” ! Là tương phản với Phật. Tức là chấp tướng thánh - phàm hai bên vậy ! Thực ra thì không phải là như vậy. Thực ra thì thánh phàm không-hai. Chỗ khác nhau chỉ là giữa với ngộ. Đang thì là phàm phu. Chợt ngộ thì là Phật ! Khoảng cách mỏng như một sát-na !

 Bạch Thế Tôn,

 Người thật là tuyệt vời ! Con nay thấy rằng tri kiến này đã mở đường cho chúng sinh. Tri kiến này đã độ chúng sinh !

 Tri kiến này đúng là một tin mừng !

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT !

 

 

 

Đoạn 26 

 

PHÁP THÂN PHI TƯỚNG

 

. Nguyên văn chữ Hán

法身非相

須菩提.於意云何.可以三十二相觀如來不.須菩提言.如是.如是.以三十二相觀如來.佛言.須菩提.若以三十二相觀如來者.轉輪聖王即是如來.須菩提白佛言.世尊.如我解佛所說義.不應以三十二相觀如來.爾時.世尊而說偈言.若以色見我.以音聲求我.是人行邪道.不能見如來.

 

.Phiên âm Hán Việt

PHÁP THÂN PHI TƯỚNG

Tu-bồ-đề! Ư ý vân hà? Khả dĩ tam thập nhị tướng quán Như Lai phủ? Tu-bồ-đề ngôn: Như thị, như thị! Dĩ tam thập nhị tướng quán Như Lai. Phật ngôn: Tu-bồ-đề! Nhược dĩ tam thập nhị tướng quán Như Lai giả, Chuyển Luân Thánh Vương tắc thị Như Lai. Tu-bồ-đề bạch Phật ngôn: Thế Tôn! Như ngã giải Phật sở thuyết nghĩa, bất ưng dĩ tam thập nhị tướng quán Như Lai. Nhĩ thời Thế Tôn nhi thuyết kệ ngôn:

Nhược dĩ sắc kiến ngã,

Dĩ âm thanh cầu ngã,

Thị nhân hành tà đạo,

Bất năng kiến Như Lai.

 

 

 

.Phiên bản tiếng Việt

PHÁP THÂN KHÔNG TƯỚNG

 

Này Tu Bồ Đề, ý thầy thế nào ? Có thể dựa vào ba mươi hai tướng mà thấy Như Lai không ?

Tu Bồ Đề thưa:

 - Vâng, vâng ! Dựa vào ba mươi hai tướng mà thấy Như Lai.

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề, nếu dựa vào ba mươi hai tướng mà thấy Như Lai thì hóa ra Chuyển Luân Thánh Vương cũng là Như Lai sao ?

Tu Bồ Đề bạch Phật:

 - Bạch Thế Tôn, theo chỗ con hiểu lời Phật dạy thì không thể dựa vào ba mươi hai tướng tốt mà thấy Như Lai.

Lúc ấy Thế Tôn đọc bài kệ :

 Nếu do sắc thấy ta,

 Do âm thanh cầu ta,

 Thì là hành tà đạo,

 Không thể thấy Như Lai.

 

. Diệu cảm

 

 Bạch Thế Tôn,

 Theo như chỗ con học hỏi được thì “ba mươi hai tướng tốt” vốn là điều đã được khoa tướng học cổ truyền Ấn Độ từng nói đến, theo đó thì “ba mươi hai tướng tốt” là tướng của một vị minh quân hay một vị Phật. Nói chung thì đó là cực quý tướng.

 Mà người đời thì vốn có bệnh chấp tướng. Đối với cực quý tướng thì sức chấp càng mạnh. Do đó mà khi nói về Đức Phật, hay Như Lai, người ta nghĩ ngay đến ba mươi hai tướng tốt. Cơ hồ như thể cái làm nên một vị Phật là ba mươi hai tướng tốt !

 Đức Phật tỏ ra không phủ nhận chỗ mà khoa tướng học từng nói, cũng tức là chỗ mà người đời hằng tin. Người chỉ đơn giản muốn dạy thính chúng rằng “ Không thể dựa vào ba mươi hai tướng tốt mà thấy biết Như Lai”.

 Lập luận của Thế Tôn khá đơn giản: Bởi vì Chuyển Luân Thánh Vương, vị vua trần thế, cũng có ba mươi hai tướng tốt !

 Bạch Thế Tôn,

 Tại Pháp hội này Người không tỏ bày cho biết là phải dựa vào đâu để thấy biết Như Lai. Con nay hiểu rằng ấy là Người ngầm để cho trong trí mỗi người khơi lên câu hỏi đó, và mỗi người sẽ phải giải đáp câu hỏi đó cho chính mình.

 Con cũng tự hỏi: Tại sao Người không nói cho biết ? Và rồi con đã tự trả lời: Bởi vì đó là điều không thể nói và cũng không thể biết ! Cũng là điều không thể nghĩ bàn ! Đó là điều phải tự chứng, tự ngộ !

 Bạch Thế Tôn,

 Con đã tự đặt câu hỏi đó, và tự hỏi thêm: điều mà không thể nói, không thể biết và cũng là không thể nghĩ bàn, ấy là điều gì vậy ?

 Bạch Thế Tôn,

 Điều ấy, vì những đặc điểm ấy, để tiện tiếp cận, con tạm gọi tên là cái “huyền nhiệm không tên”. Đó là chỗ tương phản với cảnh giới của mọi “tướng”. Nếu “tướng” chỉ về cảnh giới của cái hiển hiện thì cái “huyền nhiệm không tên” kia thuộc cảnh giới của cái ẩn vi. Nếu “tướng” chỉ về cảnh giới của cái có sinh có diệt thì cái “huyền nhiệm không tên” thuộc cảnh giới của cái không sinh và không diệt.

 Nói là “tương phản” nhưng cũng là “tương thông”. “Tương thông” theo cách cái ẩn vi là gốc của cái hiển hiện. Và cái không sinh, không diệt là gốc của cái có sinh có diệt.

 Bạch Thế Tôn,

 Như vậy đó, con xin phép được nói loanh quanh về điều không thể nói. Con cũng đã nghĩ bàn loanh quanh về cái không thể nghĩ bàn. Với cái tâm kính tín.

 Bạch Thế Tôn,

 Trong đoạn thuyết Pháp này của Thế Tôn, nhiều thính chúng thấy có điều khó hiểu về ngài Tu Bồ Đề. Ở một đoạn trước đây, đoạn 13, sao ngài Tu Bồ Đề tỏ ra thật thông suốt, mà nay sao tỏ ra thật lờ mờ. Thật vậy, trước đây khi Thế Tôn hỏi có thể dùng ba mươi hai tướng tốt để thấy Như Lai không thì ngài Tu Bồ Đề trả lời rằng “không thể”. Nay cũng để đáp lại cùng một câu hỏi đó mà ngài Tu Bồ Đề nói là “nên làm như vậy”.

 Thính chúng có thể hoang mang mà tự hỏi: Hoặc là ngài Tu Bồ Đề chưa nói hết lời ? Hoặc là vì ngài Tu Bồ Đề muốn mọi người được nghe thêm mật ý của Thế Tôn ? Dù sao thì cũng nhờ đó mà mọi người được nghe Thế Tôn nói kệ:

Nếu do sắc thấy ta,

Do âm thanh cầu ta,

Thì là hành tà đạo,

Không thể thấy Như Lai.

 Bạch Thế Tôn,

 Con nay đã quen với cách dùng lời phương tiện của Thế Tôn. Con biết rằng hai chữ “ta” trong bài kệ không có nghĩa là “ta” thật, chỉ tạm dùng để xưng. Chữ “ta” đó đến cuối bài được lập lại bằng chữ “Như Lai”.“Như Lai” thì như trên kia đã thấy. Cũng là chữ tạm dùng để chỉ về cái “huyền nhiệm không tên”.

 Bạch Thế Tôn,

 Cho dù là cái “huyền nhiệm không tên” nhưng “Như Lai” cứ mãi như là một tiếng gọi, như xa xăm, như mơ hồ, nhưng cứ mãi là tiếng gọi trường lưu ! Từ nơi đó mà khơi lên niềm mong mỏi được “thấy Như Lai”.

 Mà biết dựa vào đâu để “thấy”? Người đời mãi dựa vào “sắc”, mãi dựa vào “âm thanh”.

 “Sắc” thì như là tượng Phật. Tượng gỗ, tượng đá, tượng đồng. Có cả tượng vàng, tượng ngọc. Dù sao, tượng vẫn là “sắc”. Nếu dựa vào sắc như vậy để thấy đó là Phật, để rồi lễ bái, để rồi đặt trọn tâm kính tín vào đó. Hẳn là mê lầm vậy.

 “Âm thanh” thì chẳng hạn như là âm thanh niệm Phật. Hoặc là âm thanh tiếng mỏ, tiếng chuông chùa. Những âm thanh như vậy dễ tạo nên cảm giác về thiêng liêng.

 Bạch Thế Tôn,

 Nếu như “sắc” được hiểu như vậy, và “âm thanh” được hiểu như vậy thì con nay thấy rằng “sắc” ấy và “âm thanh” ấy được xem như là “ngón tay chỉ trăng”. Không phải là trăng! Trăng ở mãi tận chân trời, sáng mênh mông như trí huệ, thanh bình và rượi mát như từ bi.

 Ôi ,trăng Như Lai !

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT !

 

 

 

 

Đoạn 27 

 

VÔ ĐOẠN VÔ DIỆT

 

. Nguyên văn chữ Hán

無斷無滅

須菩提.汝若作是念.如來不以具足相故.得阿耨多羅三藐三菩提.須菩提.莫作是念.如來不以具足相故.得阿耨多羅三藐三菩提.須菩提.汝若作是念.發阿耨多羅三藐三菩提心者.說諸法斷滅.莫作是念.何以故.發阿耨多羅三藐三菩提心者.於法不說斷滅相.

 

.Phiên âm Hán Việt

VÔ ĐOẠN, VÔ DIỆT

Tu-bồ-đề! Nhữ nhược tác thị niệm: Như Lai bất dĩ cụ túc tướng cố đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề. Tu-bồ-đề! Mạc tác thị niệm: Như Lai bất dĩ cụ túc tướng cố đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề. Tu-bồ-đề! Nhữ nhược tác thị niệm: Phát A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề tâm giả, thuyết chư pháp đoạn diệt, mạc tác thị niệm. Hà dĩ cố? Phát A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề tâm giả, ư pháp bất thuyết đoạn diệt tướng.

. Phiên bản tiếng Việt

 

KHÔNG ĐOẠN KHÔNG DIỆT

 

Này Tu Bồ Đề,

Có phải là thầy nghĩ như thế này: Như Lai chẳng do các tướng cụ túc mà đắc vô thượng chánh đẳng chánh giác ?

Này Tu Bồ Đề,

Thầy chớ nghĩ như thế. Chớ nghĩ rằng Như Lai chẳng do các tướng cụ túc mà đắc vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Này Tu Bồ Đề,

Có phải là thầy nghĩ như thế này: Người phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác thuyết những Pháp đoạn diệt ?

Chớ nên nghĩ như thế. Bởi cớ sao ? Bởi vì người phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác không thuyết những Pháp đoạn diệt.

 

 

. Diệu cảm

 

 Bạch Thế Tôn,

 Con nay nghe lời Thế Tôn thuyết giảng mà tự nhiên cảm thấy xiết bao xúc động ! Thế Tôn thật tuyệt vời. Tuyệt vời trí huệ ! Tuyệt vời từ bi ! Do tuyệt vời trí huệ, người có tri kiến rốt ráo. Người chứng ngộ chân lý thấu suốt từ ngành ngọn cho đến tận cội nguồn. Cái thấy của Người lại cũng thật tinh tế. Người thấy não trạng chúng sinh vốn mang bệnh “chấp” từ bao lũy kiếp. Khi thì “chấp có”, khi thì “chấp không”.

  “Chấp có”, như khi chấp “ba mươi hai tướng tốt”. Chấp cho đến độ tưởng rằng Như Lai cốt ở “ba mươi hai tướng tốt” ! Hoặc chấp “sắc”, hay chấp “âm thanh”, để rồi đi tìm Như Lai ở “sắc” hoặc ở “âm thanh”. Thế Tôn đã vì chúng sinh mà phá cái chấp đó.

 Ngoài bệnh thiên lệch ở “chấp có”, não trạng chúng sinh liền nhiễm bệnh “chấp không”. “Chấp không”, trong tư tưởng đinh ninh rằng “Như Lai chẳng do các tướng cụ túc mà đắc vô thượng chánh đẳng chánh giác”. Thế Tôn nay cho biết rằng đó lại là một tư tưởng sai lầm. Như Lai dưới dạng hóa thân có cả tâm và thân – thân có “ba mươi hai tướng tốt”. Thích Ca đã “đắc” vô thượng chánh đẳng chánh giác với toàn bộ thân tâm đó. Loại trừ thành phần thân, với “ba mươi hai tướng tốt”, trong sự thành đạo của Phật Thích Ca là sai lầm. Là rơi vào bệnh “chấp không” vậy ! Thích Ca đã đắc vô thượng chánh đẳng chánh giác với toàn bộ thân tâm. Tức là thân và tâm vốn không-hai.

 Vấn đề của người hành giả do đó không phải là lấy khổ hạnh để trị cái thân. Vấn đề cốt ở chỗ là tịnh hóa toàn bộ thân tâm. Tịnh hóa thân tâm bằng sự buông xả thân tâm. Buông xả vào biển cả của tâm Phật từ bi và trí huệ.

 Bạch Thế Tôn,

 Khi hành xử khổ hạnh như trên người tu sĩ nhằm mục đích là trị cái “thân” – cái thân bị xem như là một chướng ngại trên con đường đi đến chứng đắc vô thượng chánh đẳng chánh giác. Ấy là một cách thực hành Pháp đoạn diệt vậy.

 Nói chung, việc thuyết những Pháp đoạn diệt là việc thường diễn ra. Đối tượng của Pháp đoạn diệt hàng đầu hẳn là “phiền não”. Như được nói trong lời thệ nguyện thứ ba của bốn lời thệ nguyện lớn:

Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn

(Phiền não vô tận nguyện cắt đứt.)

 Thực ra thì “phiền não” có phải là cái phải đoạn diệt không ?

 Bạch Thế Tôn,

 Con nay không thấy thế. Và khi đọc kinh Duy Ma thì lời sau đây của ngài Duy Ma Cật đối với con sao tự nhiên có sức thuyết phục diệu kỳ:

Bất đoạn phiền não nhi nhập Niết bàn

(Không đoạn diệt phiền não mà nhập Niết bàn.)

 Ở đâu đó cũng có câu: “Phiền não tức Bồ Đề”. Phải chăng từ đó mà có thể nói: Phiền não và Niết bàn không-hai ?

 Sự thực là như vậy. Không phải là lý thuyết suông. Thực hành thì có Thiền Pháp “buông”. Buông để cho phiền não tự nhiên trôi chảy. Trôi chảy đến biển cả tâm Phật đại bi. Khi đó nó chuyển hóa thành Niết Bàn. Nói cách khác thì vấn đề của hành giả không phải là lo « đoạn diệt » phiền não. Vấn đề cốt là an nhiên đón nhận nó, và buông cho nó chảy trên dòng chảy của nó. Với cái tâm thanh tịnh.

 Bạch Thế Tôn,

 Trong dòng tri kiến đó Thế Tôn đã có câu khẳng định rõ ràng: “Người phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác không thuyết những Pháp đoạn diệt.”

 Vì lời khẳng định đó con nay chắp tay cúi đầu cảm tạ.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT !

 

 

 

 

 

 

Đoạn 28 

 

BẤT THỌ BẤT THAM

 

. Nguyên văn chữ Hán

不受不貪

須菩提.若菩薩以滿恆河沙等世界七寶.持用布施.若復有人.知一切法無我.得成於忍.此菩薩勝前菩薩所得功德.何以故.須菩提.以諸菩薩不受福德故.須菩提白佛言.世尊.云何菩薩.不受福德.須菩提.菩薩所作福德.不應貪著.是故說.不受福德.

 

. Phiên âm Hán Việt

BẤT THỌ, BẤT THAM

 

Tu-bồ-đề! Nhược Bồ-tát dĩ mãn Hằng hà sa đẳng thế giới thất bảo trì dụng bố thí, nhược phục hữu nhân tri nhất thiết pháp vô ngã, đắc thành ư nhẫn. Thử Bồ-tát thắng tiền Bồ-tát sở đắc công đức. Hà dĩ cố? Tu-bồ-đề! Dĩ chư Bồ-tát bất thọ phước đức cố. Tu-bồ-đề bạch Phật ngôn: Thế Tôn! Vân hà Bồ-tát bất thọ phước đức?

- Tu-bồ-đề! Bồ-tát sở tác phước đức bất ưng tham trước, thị cố thuyết bất thọ phước đức.

 

. Phiên bản tiếng Việt

 

KHÔNG THỌ KHÔNG THAM

Này Tu Bồ Đề,

Giả sử Bồ Tát dùng bảy báu chất đầy Hằng hà sa số thế giới đem ra bố thí;

Lại giả sử có người thấu lý vô ngã của các pháp mà thành tựu hạnh nhẫn nhục;

Như vậy thì công đức của vị Bồ Tát này hơn công đức của vị Bồ Tát nói trên.

Bởi cớ sao ? Bởi vì các Bồ Tát không thọ nhận phước đức.

Tu Bồ Đề bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn, thế nào là Bồ Tát không thọ nhận phước đức ?

- Này Tu Bồ Đề, Bồ Tát làm việc phước đức mà không nên có lòng mong cầu phước báo cho nên nói là không thọ nhận phước đức.

 

. Diệu cảm

 

 Bạch Thế Tôn,

 Trong đoạn văn này, trước thì so sánh Bồ Tát bố thí và người thấu lý vô ngã của các pháp. Sau lại nói công đức của vị Bồ Tát này hơn công đức của vị Bồ Tát kia. Con nay vì đó mà thoạt tiên có phần hơi bở ngỡ. Nhưng rồi con thầm nghĩ: “người thấu lý vô ngã của các pháp mà thành tựu hạnh nhẫn nhục” thì cũng là một vị Bồ Tát. Vậy thì trước sau cùng có nghĩa là so sánh hai vị Bồ Tát với nhau..

 Bạch Thế Tôn,

 Việc Bồ Tát đem vô lượng bảy báu ra bố thí thì con nay hiểu rằng vị Bồ Tát này đã sạch tâm tham luyến báu vật, đem cho vô lượng báu vật mà hẳn là với cái tâm an nhiên. Tuy vậy, về phía của cho và người nhận con nay có vài nghi vấn. Thứ nhất, bảy báu kia có phải là quý báu thật hay là chỉ quý báu vì đa phần loài người cho đó là quý báu ? Thứ nữa, những người nhận và trân trọng bảy báu kia là ai ? Dường như không phải là bậc thánh, bậc hiền ! Cũng không phải là người đói cơm, khát nước! Tóm lại, con thiển nghĩ mà hoài nghi: việc bố thí bảy báu kia, dù là nhiều đến vô lượng, e rằng hành vi bố thí này không tạo nên « công đức » gì vậy!

 Nay chuyển sang ý “người thấu lý vô ngã của các pháp mà thành tựu hạnh nhẫn nhục”.

 Bạch Thế Tôn,

 Con nay hiểu lý vô ngã là thế này.

 Ấy là không có ý riêng. Không có ý riêng để kén chọn; kén chọn để rồi tham chấp những gì cái ý riêng đó cho là cao, là quý, là tốt, là vinh, là sang. Đồng thời thì tránh né, là đuổi xua, những gì nó cho là thấp, là tiện, là xấu, là nhục, là hèn. Có thể sánh cái tâm người thấu lý vô ngã với ánh trăng soi ? Ánh trăng soi trên biển cả mênh mông, soi trên sông hồ im ả. Trăng cũng soi trên từng hạt sương trên lá hay trên chỗ bùn lầy nước đọng ! Là chấp nhận tất cả. Là không từ chối gì. Chấp nhận mọi cái xảy ra, chấp nhận mọi tình huống xảy ra.

 Bạch Thế Tôn,

 Về lý vô ngã con còn hiểu thế này.

 Ấy là như không có cái ta riêng. Ấy là không có biên giới phân chia ta với phi-ta. Là hòa đồng. Như lời một hiền giả: “hòa kỳ quang, đồng kỳ trần” _ hòa ánh sáng vào nhau, đồng một cảnh bụi bặm.

 Bạch Thế Tôn,

 Về “nhẫn nhục vô ngã” con cũng biết rằng ở đây không có thứ tình cảm cam chịu. Hiển nhiên là như vậy, bởi vì không có cái ta cam chịu nỗi bất hạnh đến từ cái phi-ta.

 Nói chung thì đối với người thấm nhuần lý vô ngã của vạn pháp thì việc nhẫn nhục hay bố thí đều diễn ra cách tự nhiên hồn nhiên. Như thể mùa xuân hoa đào nở, và chim én bay về. Tự nhiên và hồn nhiên. Mùa hạ thì cây rừng thọ nhận cuồng phong bão tố. Tự nhiên và hồn nhiên.

 Bạch Thế Tôn,

 Con nay hiểu như vậy về bố thí ba-la-mật và nhẫn nhục ba-la-mật.

 Về vị Bồ Tát bố thí vô lượng bảy báu thì không có dấu hiệu cho thấy đó là việc bố thí ba-la-mật.

 Vị Bồ Tát nhẫn nhục thấu lý vô ngã của vạn pháp thì là nhẫn nhục vô ngã, tức là nhẫn nhục ba-la-mật. Công đức vì thế mà hơn chỗ công đức do bố thí trên kia đó chăng ?

 Bạch Thế Tôn,

 Con nay hiểu như vậy.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT !

 

 

Đoạn 29 

 

UY NGHI TỊCH TĨNH

 

. Nguyên văn chữ Hán

威儀寂靜

須菩提.若有人言.如來若來.若去.若坐.若臥.是人不解我所說義.何以故.如來者.無所從來.亦無所去.故名如來.

.Phiên âm Hán Việt

UY NGHI TỊCH TĨNH.

Tu-bồ-đề! Nhược hữu nhân ngôn: Như Lai nhược lai, nhược khứ, nhược tọa, nhược ngọa, thị nhân bất giải ngã sở thuyết nghĩa. Hà dĩ cố? Như Lai giả, vô sở tùng lai diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai.

. Phiên bản tiếng Việt

UY NGHI TỊCH TĨNH

Này Tu Bồ Đề,

Nếu như có người nói Như Lai có đến, hoặc có đi, hoặc có ngồi, hoặc có nằm,

Người ấy thật không hiểu nghĩa ta thuyết dạy.

Bởi cớ sao ? Vì Như Lai không từ đâu đến và cũng chẳng đi về đâu, nên gọi là Như Lai.

 

.Diệu cảm

 

 Bạch Thế Tôn,

 Theo chỗ con được biết thì trong Phật học có “Tứ uy nghi”, tức là vẻ uy nghi trong bốn tướng đi, đứng, nằm, ngồi. Tự nhiên con liên tưởng đến bốn tướng đi, đứng, nằm, ngồi đó của Thế Tôn. Tất cả đều toát ra vẻ thánh thiện. Tất cả đều như thể tỏa sáng. Mà đâu chỉ những khi đi, đứng hay nằm, ngồi! Lúc nào cũng vậy. Phải kể cả khi Người nói hay không nói, cười hay thinh lặng, nghỉ ngơi thư giãn hay thiền định sâu lắng.

 Ôi, Thế Tôn !

 Toàn thân tướng Người đều tỏa ra ánh sáng thánh thiện. Ánh sáng thánh thiện đó cũng là ánh sáng từ bi và trí huệ. Từ bi và trí huệ lan tỏa đến những người và vật chung quanh, khiến tất cả đều cảm nhận được trạng thái bình an mênh mông !

 Bạch Thế Tôn,

 Ánh sáng thánh thiện đó khó có thể mô tả được, tạm cụ thể hóa mà gọi là “tứ uy nghi”. Tạm gọi là “tứ uy nghi” nhưng cũng là ánh sáng vô lượng. Dù là ánh sáng vô lượng hay « tứ uy nghi » thì bản chất cũng là “tướng”. Trước đây có nói “ba mươi hai tướng tốt”, ấy là tướng tĩnh, chẳng hạn như lòng bàn chân phẳng, ngón tay thon dài. “Tứ uy nghi” thì chỉ về tướng động, hay cử chỉ. Trước đã nói rằng không thể dựa vào “ba mươi hai tướng tốt” để nói là thấy Như Lai. Nay thì cũng vậy: không thể dựa vào “tứ uy nghi” mà nói là thấy Như Lai.

 Bạch Thế Tôn,

 Thực ra trong đoạn kinh này ý Thế Tôn không hạn định trong “tứ uy nghi”. Thế Tôn đặc biệt nói về sự “đến” và sự “đi”. “Đến” là từ đâu đó mà đến đây; “đi” là từ đây mà đi đến đâu đó. Và Thế Tôn khẳng định:

Như Lai không từ đâu đến và cũng chẳng đi về đâu.

 Bạch Thế Tôn,

 Con nay cũng thấy như vậy. Trong đầu con chợt xuất hiện hình tượng của mặt trời. Buổi sáng mặt trời “mọc”; chiều tối mặt trời “lặn”. Như thể có “đến” và có “đi” ! Thế nhưng trong thực tế thì mặt trời chưa hề có đến và có đi ! Và hoa đào thì cũng vậy. Xuân sang hoa đào nở. Như thể hoa cùng xuân đến. Xuân qua rồi thì như thể hoa cùng xuân đi ! Có đến ư ? Có đi ư ? Hay là không đến cũng không đi?

 Bạch Thế Tôn,

 Con nay thấy rằng trong chốn nhân gian thì có vẻ như có đến và có đi. Như thể Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có vẻ như đã đến với cõi nhân gian trong khoảng trên tám mươi năm, sau đó thì “nhập Niết bàn”, cũng tức là đi. Thế nhưng Người đã từ đâu mà đến ? Và Người đã đi đâu? Cũng theo dòng nghĩ đó mà hỏi: Mùa xuân cùng hoa đào từ đâu mà đến ? Mùa xuân cùng hoa đào sau đó đã đi đâu ? Những chữ “đâu” đó rõ ràng là không hàm ý không gian ! Và cũng vì thế mà thuộc cõi “vô tướng”. Hoặc là cõi “huyền”. Ở “cõi” đó không thể nói là có “đến” hoặc có “đi” theo cách nói chốn nhân gian.

 Bạch Thế Tôn,

 Con nay hiểu về Như Lai là như vậy. Như Lai là “huyền nhiệm không tên”, là chỗ không thể nói năng, không thể nghĩ bàn.

 Cũng là không đến, cũng không đi!

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT !

 

 

Đoạn 30 

 

NHẤT HIỆP TƯỚNG LÝ

.Nguyên văn chữ Hán

一合理相

須菩提.若善男子.善女人.以三千大千世界碎為微塵.於意云何.是微塵眾.寧為多不.須菩提言.甚多.世尊.何以故.若是微塵眾實有者.佛則不說是微塵眾.所以者何.佛說微塵眾.即非微塵眾.是名微塵眾.世尊.如來所說三千大千世界.則非世界.是名世界.何以故.若世界實有者.即是一合相.如來說一合相.則非一合相.是名一合相.須菩提.一合相者.則是不可說.但凡夫之人.貪著其事.

 

. Phiên âm Hán Việt

NHẤT HIỆP TƯỚNG LÝ

Tu-bồ-đề! Nhược thiện nam tử, thiện nữ nhân dĩ tam thiên đại thiên thế giới toái vi vi trần, ư ý vân hà? Thị vi trần chúng ninh vi đa phủ? Tu-bồ-đề ngôn: Thậm đa, Thế Tôn! Hà dĩ cố? Nhược thị vi trần chúng thật hữu giả, Phật tắc bất thuyết thị vi trần chúng. Sở dĩ giả hà? Phật thuyết vi trần chúng tắc phi vi trần chúng, thị danh vi trần chúng. Thế Tôn! Như Lai sở thuyết tam thiên đại thiên thế giới tắc phi thế giới, thị danh thế giới. Hà dĩ cố? Nhược thế giới thật hữu giả, tắc thị nhất hiệp tướng. Như Lai thuyết nhất hiệp tướng tắc phi nhất hiệp tướng, thị danh nhất hiệp tướng. - Tu-bồ-đề! Nhất hiệp tướng giả tắc thị bất khả thuyết, đản phàm phu chi nhân tham trước kỳ sự.

 

. Phiên bản tiếng Việt

MỘT TƯỚNG HÒA HỢP

 

Này Tu Bồ Đề, nếu có người trai lành hoặc gái tốt đem cả tam thiên đại thiên thế giới nghiền thành bụi thì ý thầy thế nào ? Số hạt bụi này thật là nhiều, phải không ?

Tu Bồ Đề thưa:

Bạch Thế Tôn, rất nhiều. Bởi cớ sao ? Bởi vì nếu những hạt bụi kia có thật thì Đức Phật hẳn không nói rằng đó là những hạt bụi.

Bởi cớ sao ? Bởi vì khi Đức Phật nói những hạt bụi thì chúng không phải là những hạt bụi, chỉ tạm gọi là những hạt bụi.

Bạch Thế Tôn, chỗ Như Lai nói là tam thiên đại thiên thế giới thì không phải là thế giới, chỉ tạm gọi là thế giới.

Bởi cớ sao ? Bởi vì nếu thế giới là có thật thì đó là một tướng hòa hợp. Như Lai nói một tướng hòa hợp thì không phải là một tướng hòa hợp, chỉ tạm gọi là một tướng hòa hợp.

Này Tu Bồ Đề, một tướng hòa hợp thì không thể nói được, chỉ là kẻ phàm phu tham chấp nó.

 

 

.Diệu cảm

 

 Bạch Thế Tôn,

 Thoạt tiên con tự hỏi: Để nghiền tam thiên đại thiên thế giới sao phải chờ đến người trai lành hoặc gái tốt ? Nhưng rồi sau đó con cũng chợt thấy ra. Con thấy ra trong tâm con vốn có lòng mong đợi rằng khi nghiền tam thiên đại thiên thế giới như vậy người ta không làm tổn thương mảy may thứ gì nơi đó, cho dù một đoá hoa, hay một con ong, cái kiến. Đến độ khi hoàn nguyên trở lại thì mọi thứ đều lành lặn như trước.

 Bạch Thế Tôn,

 Số những hạt bụi kia nhiều vô hạn, cõi nhân gian không có số để đếm. Và con cũng chợt thấy ra cái gọi là “vạn tượng” trong vũ trụ thực ra cũng giống như vậy. Nói là “vạn” nhưng thực ra không phải là vạn. Ấy là nhiều vô cùng. Ấy là vô số.

 Bạch Thế Tôn,

 Đối với não trạng chúng con thì khi nói “hạt bụi” tức là đã có khái niệm “hạt bụi” trong trí. Khái niệm đó có hàm ý nhất định, để không lầm lẫn với thứ gì khác. Và khái niệm đó cũng được hiểu là trỏ về hạt bụi có thật. Như khi nói: chỉ là một hạt bụi ! Mà Thế Tôn thì thấy khác: Người nói: “ những hạt bụi không phải là những hạt bụi” !

 Bạch Thế Tôn,

 Theo như chỗ con hiểu thì sở dĩ Thế Tôn nói rằng “hạt bụi không phải là hạt bụi” là vì nó cũng là thế giới. Nó cùng với toàn thế giới là không-hai. Và đảo lại thì cũng thế, toàn thế giới và hạt bụi cũng là không-hai. Rõ ràng là như vậy, bởi vì chưa từng có ai tách rời chúng ra được !

 Bạch Thế Tôn,

 Nay con tạm gọi những hạt bụi kia là cái tướng “đa” của thế giới. Và toàn thế giới kia là cái tướng “Nhất” của thế giới. Cái tướng “Nhất” đó có vẻ như là sự kết hợp thành một tổng hòa của các tướng “đa” vậy. Do đó mà gọi tên là “một tướng hòa hợp”.

 Bạch Thế Tôn,

 Nói là « một tướng hòa hợp » thì trong trí chúng con thường có hình tượng như thể là nơi một cây nọ. Thân, cành, lá, hoa, trái hợp lại thành “một tướng hòa hợp”.

 Thế nhưng rồi con chợt giật mình thấy ra rằng đã bỏ quên cái ẩn tướng. Ấy là dòng nhựa chảy xuyên suốt từ rễ, thân, cành, lá, hoa, quả.

 Tiềm ẩn bên trong thế giới, hay “tam thiên đại thiên thế giới” cũng có một dòng chảy xuyên suốt như vậy. Nó là gì ? Là dòng năng lượng uyên nguyên đó chăng ? Là dòng nguyên khí đó chăng ? Thiền thì gọi là “Tánh”, cũng là “Phật Tánh”.

 Bạch Thế Tôn,

 Đúng là cái đó khó có thể nói được ! Thực ra thì “không thể nói được”. Tuy vậy mà phàm phu chúng con không ngừng tâm tham chấp. Cố bám lấy nó. Cố nắm lấy nó. Cố đuổi theo cái này. Cố chụp lấy cái kia. Cái này tôi ăn được. Cái kia tôi xài được. Cái này khiến tôi giàu sang. Cái kia khiến tôi vinh hiển. Mà rồi chúng con cũng đã bao lần thấy cái này hoặc cái kia vuột khỏi tay mình. Để rồi cuối cùng thì tất cả đều vuột. Ấy là khi “nhắm mắt xuôi tay”.

 Bạch Thế Tôn,

 Con nay thêm một lần xin được nói lên lòng con vô vàn cảm tạ ơn Người. Vì nay nghe đoạn kinh này con thấy có hiểu thêm về minh triết của Thiền. Thay vì cố nắm, Thiền biết “buông”.

 “Buông” « để cho … » !

 Để cho Tánh tự nhiên hiển bày. Để cho dòng nguyên khí tự nhiên chảy _ chảy trong con chim trên trời cao nó bay; chảy trong con cá dưới sông sâu nó lội.

 Để cho nước chảy !

 Để cho mây trôi !

Bởi vì Tánh tự nhiên của nước là chảy.

Bởi vì Tánh tự nhiên của mây là trôi.

 “Buông”, để cho hòa hợp.

 “Buông” cái ta để cho Tánh tự nhiên hiển bày.

 Để cho nguyên khí thông dòng chảy.

 Vi trần cùng thế giới không-hai.

 “Ta” cùng Tánh không-hai.

 Để có thể “buông” thực sự, phải thấy cái dòng chảy vĩ đại đó.

 Nhà Thiền nói là phải “thấy Tánh”.

 Bạch Thế Tôn,

 Con nay hiểu như vậy. Hiểu rằng « tất cả là Một » và là một dòng chảy.

 “Tất cả” chỉ về các “tướng”; “Một” chỉ về “Tánh”.

 Một là tất cả ; Tất cả là Một .

 Con nay hiểu như vậy.

 Hiểu rằng “Tánh tướng không-hai”.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT !

 

 

 

Đoạn 31 

 

TRI KIẾN BẤT SINH

 

Nguyên văn chữ Hán

知見不生

須菩提.若人言.佛說我見人見眾生見壽者見.須菩提.於意云何.是人解我所說義不.不也.世尊.是人不解如來所說義.何以故.世尊說我見人見眾生見壽者見.即非我見人見眾生見壽者見.是名我見人見眾生見壽者見.須菩提.發阿耨多羅三藐三菩提心者.於一切法.應如是知.如是見.如是信解.不生法相.須菩提.所言法相者.如來說即非法相.是名法相.

 

Phiên âm Hán Việt

TRI KIẾN BẤT SANH

 

- Tu-bồ-đề! Nhược nhân ngôn: Phật thuyết ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến, Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Thị nhân giải ngã sở thuyết nghĩa phủ?

- Phất dã Thế Tôn! Thị nhân bất giải Như Lai sở thuyết nghĩa. Hà dĩ cố, Thế Tôn thuyết ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến tức phi ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến thị danh ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến.

- Tu-bồ-đề! Phát A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề tâm giả, ư nhất thiết pháp ưng như thị tri, như thị kiến, như thị tín giải, bất sanh pháp tướng. Tu-bồ-đề! Sở ngôn pháp tướng giả, Như Lai thuyết tức phi pháp tướng, thị danh pháp tướng.

 

. Phiên bản tiếng Việt

 

TRI KIẾN CHẲNG SINH

 

Này Tu Bồ Đề, nếu có người nói rằng Phật nói về ngã kiến, nhân kiến, chúng sinh kiến, thọ giả kiến,

Này Tu Bồ Đề, ý thầy thế nào ? Người ấy có hiểu lời ta không ?

- Bạch Thế Tôn, không! Người ấy không hiểu lời Như Lai nói.

Bởi cớ sao ? Thế Tôn nói về ngã kiến, nhân kiến, chúng sinh kiến, thọ giả kiến, tức không phải là ngã kiến, nhân kiến, chúng sinh kiến, thọ giả kiến. Chỉ tạm gọi là ngã kiến, nhân kiến, chúng sinh kiến, thọ giả kiến.

- Này Tu Bồ Đề, người phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác nên như thế mà biết, như thế mà thấy, như thế mà tin và hiểu về các pháp; ấy là chớ sinh pháp tướng.

Này Tu Bồ Đề, chỗ mà Như Lai gọi là pháp tướng đó không phải là pháp tướng, chỉ tạm gọi là pháp tướng.

 

 

. Diệu cảm

 

 Bạch Thế Tôn,

 Trước đây Thế Tôn thường nói về “ngã tướng”, “nhân tướng”, “chúng sinh tướng” và “thọ giả tướng”. Những “tướng” ấy, cũng như mọi “tướng” nói chung, đều là hư vọng. Là sản phẩm của cái thấy không đúng. Do đó chớ lầm tưởng đó là thật, để rồi nghĩ suy, xử sự như chúng là thật !

 Chẳng hạn như cái “ngã tướng”. Đó là cái mọi người dựa trên đó để xưng “ta”. Trầm trọng hơn nữa là dựa lên đó để tự hào, tự đắc, tự phụ ! Thực ra thì chữ “ta” hay chữ “tự” kia xuất phát từ một sự hiểu lầm ! Tất cả cái thấy là “ta” đó, về mọi phương diện tâm sinh lý hay văn hóa giáo dục, đều được vay mượn, đều là sự tích hợp những yếu tố phi-ta mà thành! Chẳng phải thế sao ?

 Nói tóm lại thì đó là điều Thế Tôn nói về “ngã tướng”. “Ngã tướng” là hư vọng. Và những “tướng” kia, “nhân tướng”, “chúng sinh tướng”, “thọ giả tướng”, cũng đều là không thật.

 Bạch Thế Tôn,

 Những tri kiến Thế Tôn nói về “ngã”, “nhân”, “chúng sinh”, “thọ giả” đó, theo chỗ con hiểu thì trong đoạn này Thế Tôn gọi đó là “ngã kiến”, “nhân kiến”, “chúng sinh kiến” và “thọ giả kiến”. Từ lúc Thế Tôn bắt đầu thuyết giảng Kim Cang đến giờ thì trong trí hàng thính chúng đã có cái tri kiến như vậy về ngã, nhân, chúng sinh và thọ giả. Tức là thính chúng đã được Thế Tôn truyền thụ như vậy về “ngã kiến”, “nhân kiến”, “chúng sinh kiến” và “thọ giả kiến”. Nhưng đến đây thì Thế Tôn đặt vấn đề kiểm tra lại nhận thức của thính chúng. Và người được hỏi là ngài Tu Bồ Đề:

 - Này Tu Bồ Đề, nếu có người nói rằng Phật nói về ngã kiến, nhân kiến, chúng sinh kiến, thọ giả kiến … thì người ấy có hiểu lời ta không ?

 Câu hỏi khá đột ngột ! Nhưng mà ngài Tu Bồ Đề đúng là một bậc thông tuệ ít có. Ngài đã đáp:

 - Không ! Ấy là người kia đã không hiểu lời Thế Tôn. Bởi vì đã “chấp” những “ngã kiến”, “nhân kiến”, “chúng sinh kiến” và “thọ giả kiến” kia vậy !

 Do chấp ngã kiến, người ấy một mực đinh ninh rằng “ta” là hư vọng. Người ấy một mực chấp cái không-ta ! Thế thì việc đời sẽ ra sao, nhỉ ? Nếu như hoàn toàn không có “ta” thì ai là người nghe lời Thế Tôn giảng dạy ? Ai là người thọ trì và tụng đọc kinh ? Ai là người diễn giải ý kinh cho người khác ?

 Bạch Thế Tôn,

 Theo chỗ con hiểu thì trong đoạn kinh này Thế Tôn nói lên ý không chấp. “Ngã tướng” chẳng hạn, chớ nên phát triển thành “ngã chấp”. Ngã chấp là một dạng tâm bệnh, từ đó mà có những biểu hiện bệnh lý như là tự ti, tự tôn, tự phụ. Ngã chấp khiến cho cái nhìn trở thành hẹp hòi, thiển cận, lệch lạc.

 Đối cực với bệnh ngã chấp là bệnh chấp cái “không-ta”. Đây là bệnh hoang tưởng, phát sinh từ cái học nửa vời. Nếu như phủ định tất cả mà nói rằng không ta, không người, không thánh, không phàm, không Phật, không tâm, v.v.. thì là bệnh “chấp không”. Nói cách triết học thì là “hư vô chủ nghĩa”. Rõ ràng là như vậy, “hư vô chủ nghĩa” là tâm bệnh của người thông thái nửa vời ; « chấp không » là bệnh của người mới tu.

 Bạch Thế Tôn,

 Con chợt nhớ lời của một Thiền sư nọ:

Khi chưa tu, thấy núi là núi, sông là sông.

Khi mới tu thấy núi không phải là núi, sông không phải là sông.

Có tu chứng rồi thì thấy núi là núi, sông là sông.

 Ý nghĩa vế thứ nhì thì đã rõ. Ấy là bệnh « chấp không »

 Về ý nghĩa vế đầu và vế cuối, xem ra có vẻ như là giống nhau. Như vậy hóa ra là người có tu chứng có cái thấy giống như người chưa tu ? Thực ra thì không phải như vậy ! Chỗ khác nhau ở chỗ là có chấp khác với không chấp. Trước khi tu thì chấp núi là núi, sông là sông. Sau khi có tu chứng thì cũng thấy rằng núi là núi, sông là sông. Tuy vậy, núi và sông nay còn hơn thế ! Hành giả nay thấy rằng núi và sông còn là phản ánh của cái « huyền nhiệm không tên ». Nói một cách tổng quát thì là hành giả thấy « tướng » thông với « Tánh ». Nói cách khác thì là hành giả thấy « Tánh tướng không-hai. » Đó là cái thấy không chấp vậy.

 Bạch Thế Tôn,

 Về “pháp tướng” thì con hiểu rằng đó là “tướng” của các sự/vật.

 “Tướng” của các sự/vật tự nhiên, tự động thành hình khi tâm đối cảnh. Ấy là do sự tạo tác của lục thức. Chẳng hạn như trong tâm thức của con vốn có chứa đựng tướng của mặt trăng, hay tướng của hoa hồng. Ấy là « pháp tướng » vậy. Nhưng đặc biệt ở đây Thế Tôn dạy: “Chớ sinh pháp tướng”. “Chớ sinh pháp tướng” khi thấy, biết, hiểu, tin. Là sao ?

 Bạch Thế Tôn,

 Về lời dạy đó của Thế Tôn nay con hiểu thế này. Là chẳng hạn như khi ngắm một hoa hồng thì con chớ để cho “pháp tướng hoa hồng”, vốn có trong tâm thức con, chen vào giữa mắt con và đóa hoa cụ thể đang ở trước mắt . Bởi cớ sao ? Bởi vì cái “pháp tướng hoa hồng” đó, tâm lý học ngày nay cũng gọi là “khái niệm hoa hồng”, nó che lấp khiến cho con không thấy chính đóa hoa hồng cụ thể mà con đang ngắm.

 Bạch Thế Tôn,

 Con chợt nhớ một câu thơ của một nhà thơ xưa:

Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên.

 Con nay thấy ra là nhà thơ thật tinh tế xiết bao ! Thế thì mới đúng là xem hoa thật ! Thế thì mới đúng là ngắm trăng thật. Là xem đóa hoa cụ thể đang nở ! Là ngắm mặt trăng cụ thể đang lên ! Không bị cái “pháp tướng hoa » hoặc “pháp tướng trăng » che mất hoa hiện tiềntrăng hiện tiền !

 Hoa hiện tiền thì như hoa trong sự kiện “niêm hoa vi tiếu”. Cũng là « pháp tướng » nhưng mà là pháp tướng « thông với Tánh », hoặc là « không ly Tánh ».

 Trăng hiện tiền thì như trăng trong duyên may « hốt phùng thiên đễ nguyệt ». Cũng là « pháp tướng » nhưng mà là pháp tướng « thông với Tánh », hoặc là « không ly Tánh ».

 Hoa ấy, trăng ấy thì có chi là đặc biêt ? Đặc biệt lắm ! Vì khi đó tấm màn « pháp tướng » rơi xuống, hoa và trăng không còn là hoa và trăng thường ngày vẫn thấy. Hoa và trăng đây là những « thị hiện » ! Những thị hiện tinh khôi của cái « huyền nhiệm không tên », không thể nghĩ bàn.

 Bạch Thế Tôn,

 Về lời dạy đó của Thế Tôn con nay hiểu như vậy.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT !

 

 

Đoạn 32 

 

ỨNG HÓA PHI CHÂN

 

. Nguyên văn chữ Hán

應化非真

須菩提.若有人以滿無量阿僧祇世界七寶.持用布施.若有善男子.善女人.發菩提心者.持於此經.乃至四句偈等.受持.讀誦.為人演說.其福勝彼.云何為人演說.不取於相.如如不動.何以故.一切有為法.如夢幻泡影.如露亦如電.應作如是觀.

 佛說是經已.長老須菩提.及諸比丘比丘尼優婆塞優婆夷.一切世間天人阿修羅聞佛所說.皆大歡喜.信受奉行.

.Phiên âm Hán Việt

ỨNG HÓA PHI CHÂN

Tu-bồ-đề! Nhược hữu nhân dĩ mãn vô lượng a-tăng-kỳ thế giới thất bảo, trì dụng bố thí; nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, phát bồ-đề tâm giả, trì ư thử kinh, nãi chí tứ cú kệ đẳng, thọ trì độc tụng, vị nhân diễn thuyết, kỳ phước thắng bỉ. Vân hà vị nhân diễn thuyết? Bất thủ ư tướng, như như bất động. Hà dĩ cố?

Nhất thiết hữu vi pháp,
 Như mộng, huyễn, bào, ảnh,
 Như lộ diệc như điện,
 Ưng tác như thị quán.

Phật thuyết thị kinh dĩ, trưởng lão Tu-bồ-đề cập chư Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, nhất thiết thế gian thiên, nhân, a-tu-la văn Phật sở thuyết, giai đại hoan hỷ, tín thọ phụng hành.

. Phiên bản tiếng Việt

ỨNG HÓA KHÔNG THẬT

Này Tu Bồ Đề,

Nếu có người dùng bảy báu chất đầy cả vô lượng vô số thế giới đem ra bố thí,

Lại nếu có người trai lành hoặc gái tốt phát tâm bồ đề thọ trì đọc tụng kinh này cho đến những tứ cú kệ rồi diễn giải lại cho người khác thì phước đức của người này hơn phước đức của người kia.

Diễn giải cho người khác là thế nào ? Ấy là không chấp tướng, như như bất động.

Bởi cớ sao ? Bởi vì:

 Tất cả pháp hữu vi

 Như mộng, ảo, bọt, bóng,

 Như sương, như điện chớp

 Nên thiền quán như vậy.

Đức Phật nói kinh này xong trưởng lão Tu Bồ Đề, các vị tăng, ni, cư sĩ nam và nữ cùng tất cả các cõi trời, người, a-tu-la nghe lời Phật nói đều rất hoan hỉ tin theo và phụng hành.

 

. Diệu cảm

 

 Bạch Thế Tôn,

 Trong đoạn kinh này Thế Tôn nhắc lại việc đem so sánh phước đức hơn kém giữa hai hành vi:

 - Một bên là hành vi bố thí bảy báu nhiều đến độ chất đầy cả vô lượng vô số thế giới;

 - Một bên là hành vi thọ trì, đọc tụng kinh Kim Cang rồi diễn giải cho người khác.

 Kết quả là hành vi trì kinh và diễn giải cho người khác thì phước đức nhiều hơn. Lý do tại sao thì Thế Tôn đã từng nói rõ ở các đoạn trước. Riêng trong đoạn này thì Thế Tôn có nói thêm hai điểm:

 Một là nói rõ về nội dung diễn giải cho người khác: « không chấp tướng » « như như bất động ».

 Hai là vì thính chúng mà nói bài kệ “Lục Như”.

 Tuy vậy, hàm ý lồng vào nhau.

 Bạch Thế Tôn,

 Ngay từ những đoạn đầu của kinh này Người đã chỉ ra chỗ sai lầm của bệnh « chấp tướng ». Bốn tướng chúng sinh thường chấp là: ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tướng. Ngoài ra thì tướng còn được thấy ở bố thí hữu tướng, phước báo hữu tướng, ba mươi hai tướng tốt,v.v.

 Bạch Thế Tôn,

 Trước đây khi đề cập đến “tướng” con thường hiểu rằng “tướng” tương ứng với “hiện”, và tương phản với “ẩn”. Và « hiện » là hiện ra trước sáu căn – nhãn, nhỉ, tỵ, thiệt, thân, ý.

 Hiểu như vậy có lẽ cũng không sai lắm. Tuy vậy con nay cảm thấy rằng nên tiếp cận sâu hơn. Chẳng hạn như cái “tướng” bị “chấp” nặng nhất là cái “ngã tướng”. Cái chấp đó có tên là “ngã chấp”. Và bệnh “ngã chấp” đó chi phối sâu xa và toàn bộ đời sống con người. Thật nghiêm trọng xiết bao !

 Nhìn kỹ, mới thấy rằng hành vi ngã chấp diễn ra trong một tiến trình, tạm gọi đó là tiến trình ngã chấp. Đó là một tiến trình dài lâu trong đó “ngã”, hay “cái ta” được dần dần hình thành và phát triển. Hình thành và phát triển song hành với sự cố kết, gọi là “chấp”. Do đó mà có thể nói rằng ngã chấp là kết quả của một tiến trình huân tập dài lâu và có tính thâm căn cố đế vậy !

 Bạch Thế Tôn,

 Theo như chỗ con được biết thì “cái ta” hay “ngã tướng” được bồi đắp trải qua năm tầng lớp gọi là “ngũ uẩn”, tức là: sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

 . “Sắc” có nghĩa là hình hài. Bước đầu trẻ thơ tự biết về “mình” như là thân sắc. Tiếp theo đó là dựa trên những vật tùy thân như quần áo, đồ chơi. Lớn lên nữa thì dựa trên những của cải. Cái “của ta” thống nhất với “cái ta”. Người ta cố gắng vun bồi « cái ta » bằng cách tích lũy cái « của ta ». Và cái « của ta » càng lớn thì « cái ta » càng cao, càng lớn vậy ! Ngã chấp hóa ra thành tính tự cao, tự đại.

 . “Thọ” cảm. Ở đây là cảm nhận vui sướng hay đau khổ. Ấy là cảm nhận cái thuận với ta, hoặc nghịch với ta. « Cái ta » cố kết với những gì thuận với « ta » ; « cái ta » phát triển loại năng lượng chống lại cái nghịch với « ta ».

 . “Tưởng” là sự hình thành những khái niệm, những ý tưởng, những ý hệ để bảo vệ, hoặc để định hình “cái ta”. Những khái niệm như là “quyền tư hữu”, “quyền tự do cá nhân” là sản phẩm của “tưởng”. Hoặc là những khái niệm “quân tử”, “anh hùng”, v.v..đều là « tưởng » vậy.

 . “Hành” là có thái độ và hành động. Nói chung là có hai cách: “thủ” và “xả”. “Thủ” là bám, là theo đuổi, chiếm hữu những gì củng cố và phát triển cái ta. “Xả” là tránh, là xua đuổi cái gì làm tổn hại, đe dọa cái ta.

 . “Thức”. Đặc biệt ở đây là « dòng ý thức » gồm những thứ như hoài niệm, dự kiến, những tình, những ý, lớp lớp chập lên nhau tạo nên cảm giác về một cái ta thống nhất và liên tục.

 Nhìn chung, “thức” bao trùm cả bốn uẩn kể trước. Hơn nữa, xét cho cùng thì bốn uẩn đó về bản chất cũng chính là “thức”. Thực vậy, ngay cả thân sắc của ta thì cũng không gì khác hơn là cái thấy của ta về thân sắc ta. Từ đó mà thấy ra rằng “cái ta”, cùng với cái “ngã chấp”, không gì khác hơn là “tâm”, hay “thức”. Mà cũng có thể nói đó là sản phẩm của tâm, hay thức. Nói một cách khác nữa thì chính cái tâm hay thức đã kiến tạo nên cái ta, củng cố nó, bảo vệ nó, bành trướng nó, để làm một thứ vỏ bọc, một thứ khuôn khổ cho mình. Phần nào giống như thể con tằm tạo nên cái kén để làm vỏ bọc cho nó.

 Nói là “phần nào giống” là vì có thể thấy rằng con tằm không “chấp” cái kén của nó. Cái kén đó đối với nó là một phương tiện cần thiết cho một giai đoạn nhất định trong tiến trình phát triển. Khi đã phát triển thành con ngài rồi thì nó cắn đứt cái kén để thoát ra. Bên ngoài là bầu trời lộng gió !

 Bạch Thế Tôn,

 Lời dạy của Người thật vô vàn quý báu: “Không chấp tướng”. Một cách đặc biệt, con hiểu là “không chấp ngã tướng”. Bởi cớ sao ? Bởi vì con nghĩ rằng cũng tương tự như trường hợp con ngài kia vậy. Nó không cần phải cắn toàn bộ tổ kén. Nó chỉ cần cắn thủng phần tổ kén trước miệng nó. Chỗ kén đó thủng thì nó thoát ! Cũng thế, khi cái chấp « ngã tướng » bị tan rã thì những thứ chấp khác cũngtự nhiên tan rã.

 Bạch Thế Tôn,

 Con ngài kia cắn thủng cái kén để thoát ra khi nó đã trưởng thành. Trưởng thành về mặt sinh hóa, và cũng là về mặt thức. Bằng một cách bí ẩn, nó biết rằng cuộc sống trong tổ kén chỉ là cuộc sống tạm. Cuộc sống thực là cuộc sống bên ngoài kia, đất trời mênh mông, lộng gió.

 Bạch Thế Tôn,

 Khi Thế Tôn dạy “không chấp tướng” thì lời dạy đó có ý nghĩa như lời gọi: Các con, tỉnh dậy đi! Đó là sự tỉnh dậy đánh dấu bước trưởng thành rốt ráo. Tỉnh dậy để thấy ra rằng cuộc sống vốn không bị định khuôn trong tổ kén của « cái ta ». Ngoài kia là đất trời mênh mông, lộng gió ! Tỉnh dậy đi, tham gia vào cuộc sống thực, cũng tức là cuộc sống lớn. Bởi vì: cuộc sống vốn mênh mông !

 Bạch Thế Tôn,

 Người còn dạy: “Như như bất động”.

 Con tự hỏi: Ai, hoặc cái gì, “như như bất động”? Có phải chăng là Người dạy đem cái “tâm viên ý mã” về trạng thái “như như bất động” ?

 Con không thấy như vậy !

 Con như chợt thấy ra “như như bất động”“cái như như bất động” ! Mà Cái Đó thật khó nói làm sao ! Bởi vì muốn nói thì phải có lời, mà Cái Đó là cái không lời. Muốn trỏ về thì phải có tướng, mà thì không tướng ! Đương nhiên phải là như vậy. Bởi vì chữ và lời trỏ về những tướng, để phân biệt tướng này với tướng khác. Mà không tướng, cũng không này, không khác, tức nhiên là không chữ cũng không lời!

 Bạch Thế Tôn,

 Vì không này, không khác nên có người cũng gọi tên Nó là cái Một. Vì nó không có tướng cho nên có người cũng nói nó là ẩn vi, hay huyền vi. Vậy thì sơ bộ con có thể gọi Nó, hay Cái Đó, là «Cái Một huyền vi” ?

 Bạch Thế Tôn,

 Tuy vậy con nay cũng biết rằng nếu có cái “Một” tất phải có cái “nhiều”. Và nếu có cái “huyền vi” tất phải có cái “hiển hiện”. Hơn nữa, cái “Một huyền vi” kia và cái “nhiều hiển hiện” nọ vốn không-hai !

 Bạch Thế Tôn,

 Con từng được nghe câu chuyện “niêm hoa vi tiếu”. Con hiểu rằng khi ấy Đức Phật và ngài Ma Ha Ca Diếp cùng thấy “Cái Một huyền vi” đó hiển hiện trong “tướng” của đóa hoa kia.

 Con cũng chợt nhớ lại câu thơ Thiền :

Hốt phùng thiên đễ nguyệt !

(Chợt thấy trăng lên ở chân trời.)

 Và con hiểu rằng vị Thiền sư nọ đã thấy “Cái Một huyền vihiển hiện trong tướng của mặt trăng đang lên ở chân trời.

 Ôi, trăng Như Lai !

 Bạch Thế Tôn,

 Về “như như bất động” con hiểu là như vậy. Cũng có nghĩa như là “bất sinh bất diệt”.

 Vô lượng vô số hiện tướng có sinh có diệt; thì không sinh không diệt.

 Hiện tướng muôn màu muôn vẻ đổi thay, nhưng thì không đổi thay.

 Nó “như như bất động” !

 Bạch Thế Tôn,

 Kết thúc thời kinh, Người đọc bài kệ đời sau gọi là bài kệ “Lục Như” _ có sáu chữ “như”. Ấy là nói về đặc điểm của các “pháp hữu vi”, tức là nói về những thứ có tướng.

 Các “pháp hữu vi” thì như mộng, như ảo, như bọt, như bóng, như sương, như chớp.

 Các “pháp hữu vi” là như vậy, là hư ảo, là phù du !

 “Tướng” là như vậy !

 

 Bạch Thế Tôn,

 Tuy vậy, con nay tự hỏi: Sao không thấy Thế Tôn nói về “pháp vô vi” ? Có phải chăng đó là « cái như như bất động” ? Có phải đó là cái không có lời để nói ? Có phải đó là “Cái Một huyền vi” ?

 Bạch Thế Tôn,

 Trước đây có nhắc lại câu chuyện “niêm hoa vi tiếu” và câu “hốt phùng thiên đễ nguyệt”.

 Có phải chăng đó là kể lại chuyện khi ấy Đức Phật đã ngầm gợi ý cho hàng đệ tử để thấy Tánh đang thị hiện trong tướng một đóa hoa ?

 Và vị Thiền sư nọ thì thấy Tánh trong tướng mặt trăng lung linh đang thị hiện ở chân trời ?

 Bạch Thế Tôn,

 Có phải chăng trong thời kinh này điều cốt tủy mà Người dạy là bài học về thấy Tánh ?

 Và cũng là bài học về thường thường thấy Tánh ? 

 Và có phải chăng là « an trụ tâm » « hàng phục tâm” cốt yếu là như vậy ?

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT !

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn