Phẩm 9 Tà Chánh

06 Tháng Sáu 201000:00(Xem: 13347)

ĐẠI BÁT NIẾT BÀN KINH TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG
Từ phẩm I đến phẩm XXIII
Pháp Sư Thích Từ Thông

 

PHẨM THỨ CHÍN

TÀ CHÁNH

 Bồ tát Ca Diếp thưa: Theo lời Phật dạy, người đệ tử Phật trên đường tu hành nếu lơi cảnh giác có thể nhận lầm lời nói của ma mà tưởng là lời Phật dạy. Vậy chúng con phải làm sao để phân biệt được lời Phật và lời mê hoặc của ma ?

 Phật dạy: Sau Như Lai nhập Niết bàn, hậu thế sẽ có ma ba tuần nhiễu loạn chánh pháp, lập lờ dối hiện hình tướng sa môn mặc ca sa của Tỳ kheo mà tâm địa là anh thợ săn đổi lốt. Ma ba tuần giả làm Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di. Nó còn thể hiện hình tướng Tu Đà Hoàn...A La Hán. Nó cũng hóa làm hình Phật. Chúng tuyên thuyết rộng rãi rằng: Xưa kia Bồ tát ở cung trời Đâu suất chết rồi sanh vào hoàng tộc của Tịnh Phạn Vương, thành Ca Tỳ La Vệ. Nương sự ái dục hòa hợp của cha mẹ mà có thân. Không bao giờ có người nào sanh trong loài người mà được đại chúng, người trời cung kính tôn trọng như vậy. Chúng còn nói xưa kia Phật từng tu hạnh bố thí. Cho cả đầu, mắt, tay, chân, quốc thành, thê tử nên nay được thành Phật. Vì vậy, nay được người, trời và đại chúng tôn trọng cung kính.

 Nếu kinh, luật, luận nào nói như vậy là lý lẽ của ma. Nó lấp liếm, lập lờ nhằm làm chiết giảm giá trị Pháp thân thường trụ bất sanh bất diệt của Như Lai.

 Này Ca Diếp ! Kinh luật luận nào nói Như Lai Chánh Đẳng Chánh Giác đã thành Phật từ lâu, vì muốn hoá độ chúng sanh nên nay thị hiện làm Phật, vì tùy thuận thế gian nên thị hiện có cha mẹ, rồi cũng tùy thuận chân lý tục đế thế gian cũng nương ái dục hòa hợp của cha mẹ mà được sanh ra. Kinh luật nói như vậy là đúng lời Như Lai nói. Nếu ai tin theo lời của ma, những người đó là quyến thuộc của ma. Người nào nghe lời Phật tùy thuận kinh luật Phật, người đó là đệ tử Phật, là Bồ tát hiện đời.

 Nếu bảo rằng: Không nên tin chuyện Như Lai mới sanh ra, đi bốn phương mỗi phương bảy bước ? Đó là luận điệu của ma.

 Nếu nói: Như Lai sanh ra, cả tám phương mỗi phương đi bảy bước, đó là Như Lai phương tiện thị hiện. Đó là kinh điển, lời Phật nói.

 Nếu nói: Sau khi Bồ tát giáng sanh, phụ vương cho người đem đến miếu thờ trời, tất cả chư thiên thần: Đại tự tại thiên, Đại phạm thiên...Đế thích....thảy đều chấp tay lễ chân Bồ tát. Đấy là lời của Phật.

 Nếu gạn rằng: Trời sanh trước, Phật sanh sau, cớ sao chư thiên lễ kính Phật. Lời gạn này là luận điệu của ma ba tuần.

 Nếu chỗ nào nói: Lúc làm Thái tử, vì lòng tham dục Bồ tát cưới vợ hưởng thọ khoái lạc ở hoàng cung..Đấy là luận điệu của ma.

 Nếu nói: Bồ tát từ lâu xa đã lìa bỏ tham dục vợ con cho đến sự vui vi diệu của cõi trời Đao lợi như bỏ đàm mũi, huống là sự vui ngũ dục ở cõi người. Bồ tát cạo bỏ râu tóc xuất gia hành đạo chỉ là phương tiện thị hiện. Đấy là lời Phật nói.

 Nếu kinh điển nào nói: Tại Kỳ hoàn tịnh xá ở nước Xá Vệ, do lòng đại từ thương xót chúng đệ tử, đức Phật cho phép các đệ tử Tỳ kheo nuôi tôi tớ, trâu dê...chứa vàng bạc châu báu..cho buôn bán gieo trồng...gây dựng sự nghiệp..Phải biết đấy là lời của ma.

 Nếu nói rằng: Tại nước Xá Vệ, nơi tịnh xá Kỳ Hoàn, trước vua Ba Tư Nặc và Cổ Chi Đức Bà la môn, đức Phật cấm các Tỳ kheo không được nuôi, chứa tám thứ vật bất tịnh đã nói trên. Trái phạm các điều này không được ở trong hàng Tỳ kheo Tăng. Phải đưa ra khỏi đại tăng, như cỏ mọc trong ruộng lúa cần phải nhổ bỏ. Đấy là kinh điển Phật nói.

 Nếu nói rằng Thái tử là Bồ tát, thị hiện vào miếu thờ trời, ở trong pháp ngoại đạo xuất gia tu hành, thị hiện học tất cả oai nghi lễ giáo, biết tất cả văn tự kỹ nghệ, thị hiện làm bậc tôn quý nhất trong các giai cấp của xã hội; dù vậy, nhưng Bồ tát chẳng có lòng luyến ái, như hoa sen không nhiểm nước đục bùn nhơ. Vì độ chúng sanh, Bồ tát thị hiện tùy thuận thế pháp. Nói những lời trên là lời Phật. Nói trái lại là lời của ma.

 Nếu có người cố chấp chín bộ kinh, không tin kinh điển Phương Đẳng Đại thừa. Họ cho rằng không phải lời Phật nói, vì kinh điển của họ không có. Phải biết, người này có tội. Không phải đệ tử chân chính của Phật. 

 Nếu sách vở nào nói: Như Lai không phải là kết quả của vô lượng công đức mà là vô thường biến đổi. Do tu chứng pháp không nên tuyên nói lý vô ngã không thuận với thế gian. Đấy là lời của ma.

 Nếu nói: Như Lai là bậc Vô Thượng Chánh Biến Tri Giác không thể nghĩ bàn, là kết quả của vô lượng công đức, là thường trụ không biến đổi. Đấy là lời Phật.

 Nếu có thầy Tỳ kheo đối với đạo giải thoát giác ngộ không có chứng đắc gì mà dối hiện tướng oai nghi ra vẻ người chứng đắc và cũng nói được các pháp hơn người. Người này phạm tội tứ trọng. Như viên đá bẻ hai, không liền lại được nữa.

 Nếu có thầy Tỳ kheo giới đức trong sạch, ít muốn, biết đủ, ở chốn vắng vẻ, tự tại khinh an. Vua quan gặp cung kính tôn trọng cho là bậc A La Hán. Rồi ngợi khen rằng: Đại sư đây trong tương lai sẽ chứng quả Vô thượng Bồ đề. Thầy Tỳ kheo nghe rồi liền cải chánh: rằng mình chưa chứng quả Thánh và khuyên vua quan chớ nhận lầm. Nhà vua vẫn cố kính tin và loan truyền cho mọi người cùng tôn trọng cúng dường. Đấy là thầy Tỳ kheo thực có giới đức trong sạch nên có hành động xử sự như thế. Thầy Tỳ kheo này dù được sự cung kính cúng dường của vua quan, của mọi người mà không mắc tội tứ trọng. Ai nói Tỳ kheo này tội là lời xuyên tạc ganh tỵ của ma.

 Có thầy Tỳ kheo tuyên thuyết giáo điển Đại thừa thậm thâm của Phật: Rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Vì có Phật tánh nên ai cũng có thể dứt trừ vô lượng phiền não thành bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác; trừ hạng người Nhất xiển đề. Nếu có người hỏi: Thầy có Phật tánh chăng ? Có sẽ được thành Phật không ? Thầy Tỳ kheo đáp: Chính tôi đây có Phật tánh. Còn thành Phật ngang với địa vị nào, chưa có thể nói quyết định. Bởi vì đến đỉnh cao của quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác còn tương quan với nghị lực của con người liên hệ với thời gian và sức tinh tấn…nữa. Lại có người hỏi Tỳ kheo: Đại đức không phải Nhất xiển đề chắc chắn được thành Phật ư ? Thầy Tỳ kheo đáp: Đúng vậy.

 Cương vị một thầy Tỳ kheo, xác định kiến giải của mình như thế đối với giáo nghĩa Đại thừa, thầy Tỳ kheo nầy xứng đáng là một Bồ tát đệ tử Phật. Nói và hiểu ngược lại là lời của ma. 

 Ma vương lại bảo rằng: Không có bốn tội trọng, mười ba tội tăng tàng, hai tội bất định, ba mươi tội xả đọa, chín mươi tội đọa, bốn pháp hối quá, trăm pháp phải học, bảy pháp diệt tránh, nhẩn đến không có tội thô, tội nghịch, nhất xiển đề. Nếu các Tỳ kheo phạm các tội trên mà phải đọa địa ngục thì hàng ngoại đạo lẽ ra đều phải được sanh lên cõi trời, cõi Phật cả. Vì ngoại đạo chẳng có thọ giới gì nên chẳng có giới gì để phạm. Đó chẳng qua Như Lai muốn khủng bố người nên nói các điều giới ấy. Và đấy là các Luật sư vọng nói là lời Phật chế, kỳ thật không phải Phật chế như thế. Tất cả luận điệu trên là điển từ của ma.

 Người trân trọng giữ gìn giới cấm thân, khẩu, ý sẽ thanh tịnh, không phạm điều tội lỗi như rùa giấu kín sáu chi. Nếu có luật sư nói: Giới cấm có phạm cũng chẳng có tội báo gì ! Người chân chánh đệ tử Phật không thân cận luật sư ngụy thuyết như vậy. Giới cấm Phật chế ra, giới trọng, giới khinh mỗi mỗi đều có dị ý, đều có công năng phòng phi chỉ ác. Nếu phủ nhận công năng giữ giới thì lấy pháp gì để chỉ ác phòng phi tam nghiệp ?

 Trong các kinh điển Như Lai từng dạy: Nếu có phạm giới trọng cũng như khinh, phải theo luật mà trị tội. Bởi vì, nếu chúng sanh không giữ gìn cấm giới thì sao có được Định. Định không có làm sao có Tuệ. Không có tuệ làm sao thấy được Phật tánh ? Dầu tất cả chúng sanh đều có Phật tánh nhưng phải có trì giới rồi sau mới được thấy. Do thấy Phật tánh mà được quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Trong chín bộ kinh không có Phương Đẳng Đại thừa cho nên không có nói Phật tánh. Dầu không nói, người đệ tử Phật có chủng tử Đại thừa phải biết có Phật tánh. Phật tánh là tánh thanh tịnh vốn có của mọi chúng sanh.

 Người nào nói và hiểu như vậy là đệ tử Phật. Ngược lại, là quyến thuộc của ma.

 Ca Diếp Bồ tát thưa ! Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh nhưng trong chín bộ kinh chưa từng nghe thấy điều này. Giờ đây lại nói rằng có thì sao không phạm trong tội tứ ba la di.

 Phật dạy: Này Ca Diếp ! Như lời ông hỏi, trường hợp đó, không mắc tội tứ ba la di. Ví như có người nói trong biển cả chỉ có bảy thứ báu, không có tám thứ. Người đó không có lỗi. Cũng vậy, nếu căn cứ giáo lý của chín bộ kinh mà nói rằng không có Phật tánh thì không mắc tội. Vì Như Lai ở trong biển lớn Đại trí, Đại thừa mới nói có Phật tánh. Với tiểu trí của hàng Nhị thừa họ không thấy biết nên nói là không Phật tánh, trường hợp đó không bị phạm tội. Cảnh giới này là chỗ thấy biết của Phật, chẳng phải hàng Thanh văn Duyên giác biết được.

 Này Ca Diếp ! Người không được nghe tạng pháp thậm thâm bí mật của Như Lai thì làm sao biết có Phật tánh ! Pháp thậm thâm bí mật của Như Lai, chính là kinh điển Đại Thừa Phương Đẳng vậy. 

 Này Ca Diếp ! Các hàng ngoại đạo, hoặc nói ngã thường còn, hoặc nói ngã đoạn diệt. Như Lai không nói như vậy. Có nhân duyên Như Lai nói không ngã (vô ngã). Có nhân duyên Như Lai nói có ngã (hữu ngã). Đấy gọi là Trung đạo.

 Nếu có người nói: "Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh". Nhưng vì phiền não che lấp nên không dễ thấy biết. Vì vậy, muốn thấy biết Phật tánh cần tinh tấn tu tập gột rửa phiền não sạch hết, Phật tánh sẽ hiện ra. Ai nói lời đó, không phạm tội ba la di. Không nói như vậy là người có ý đồ "tự tôn ngầm" mắc tội ba la di (một trong tứ trọng tội).

 Nếu có người nói: "Tôi đã thành Phật, vì tôi có Phật tánh". Nói như vậy bị phạm tội ba la di. Bởi vì dầu có Phật tánh nhưng chưa tu tập thiện pháp nên chưa được thấy. Vì phiền não chưa sạch, Phật tánh chưa hiện ra nên chưa được nói "Tôi đã thành Phật".

 Này Ca Diếp ! Do những nghĩa như vậy, nên Phật pháp rất sâu xa vi diệu không thể nghĩ bàn.

 Ca Diếp Bồ tát thưa: Có vị quốc vương hỏi: "Thế nào là thầy Tỳ kheo mắc phải tội đại vọng ngữ ?"

 Này Ca Diếp ! Phật dạy: Nếu có thầy Tỳ kheo vì cầu lợi, vì ăn uống làm những việc dua nịnh, gian xảo, dối trá, lừa gạt, chủ ý làm cho người đời lầm tưởng là bậc khất sĩ tu hành chân chánh, để có được danh to lợi lớn...và để cho hàng Ưu bà tắc, Ưu bà di, người đời tưởng mình là bậc A La Hán, là bậc thánh nhân. Thầy Tỳ kheo làm trò giả trá đó, thực chất là một kẻ ngu tự dối gạt mình, tự đánh mất mình chỉ vì cầu nhiều lợi lộc, cầu nhiều đệ tử xuất gia, tại gia kết làm quyến thuộc. Tỳ kheo này cầu danh vọng, sự nghiệp, không cầu pháp. Vì ý đồ đen tối, thường tự bó buộc, giả hiện tướng nói mỹ miều, dáng đi thanh thản, thế ngồi bệ vệ oai nghiêm...để cho mọi người trông vào thấy mình là người chứng A La Hán. Nhờ vậy hàng Ưu bà di, hàng phụ nữ càng thêm cung kính cúng dường, đậm đà mến tưởng. Nếu có thầy Tỳ kheo hay Tỳ kheo ni nào làm những điều như vậy thì mắc phải tội Đại vọng ngữ.

 Này Ca Diếp ! Ngược lại việc làm trên, nếu có thầy Tỳ kheo hay Tỳ kheo ni, vì muốn kiến lập chánh pháp, truyền bá Đại thừa, tạo nơi yên vắng, tự biết mình chưa phải A La Hán, nhưng mọi người cứ tự tin tưởng. Họ tưởng mình là A La Hán thật. Thầy Tỳ kheo này dạy cho các Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di những người có nhiều sai phạm, củng cố tâm lành phát nguyện trì giới, tu học chánh pháp. Do vậy, chánh pháp được kiến lập, làm rạng rỡ pháp thậm thâm vô thượng của Như Lai, phát triển Phương Đẳng Đại thừa, độ vô lượng chúng sanh. Làm được việc như vậy là Tỳ kheo tốt, đáng sống đời sống tịch tĩnh vắng vẻ mà không mắc tội giả trang thiền tướng, dối hiện oai nghi, phờ phỉnh lừa dối người. Tỳ kheo này có thể nói rộng trước mọi người : Tôi có Phật tánh. Tôi có kinh điển gọi là tạng bí mật của Như Lai. Tôi quyết định được thành Phật. Tôi có thể dứt hết vô lượng phiền não kiết sử. Rồi vì hàng Ưu bà tắc, Ưu bà di mà tuyên nói: "Tất cả các vị đều có Phật tánh. Tất cả các vị đều có cả năng thành Phật. Các vị sẽ được thành Phật". Tỳ kheo, Tỳ kheo ni nói những lời trên là Tỳ kheo tốt, phát huy chủng tánh Đại thừa cho mình, cho nhiều người. Tỳ kheo như thế không mắc tội vọng ngữ trong tứ ba la di mà đây chính thực là Bồ tát, đệ tử Phật.

 Trong Phật pháp, pháp tắc của sa môn phải sanh lòng tôn trọng, lòng từ bi làm lợi ích chúng sanh. Những tội nhỏ như: Đột kiết la, thâu lan giá, cũng phải giữ gìn, không nên sai phạm. Xa lìa rượu thịt, sắc dục lúc tỉnh cũng như lúc mộng mị chiêm bao. Đi khất thực khi nhận được sự cúng dường khởi niệm tưởng "bất đắc dĩ" như người ăn thịt con trong thời đói kém !

 Đây là pháp tắc hành đạo của sa môn. Đây là kinh luật của Phật nói. Thuận theo lời này là Bồ tát. Ngụy biện ngược lại là lời ma, thuận theo nó là quyến thuộc của ma.

 Nếu có nói: Đức Phật đã tu khổ hạnh, nên cho đệ tử mình tu khổ hạnh: Như đứng một chân, co một chân. Tay nắm chặt đưa lên bất động, miệng nhai lá đắng. Nằm lăn lộn trên tro đất, phân nhơ. Nhịn đói không ăn hoặc ăn phân bò. Nằm trên than lửa. Tự đốt thân thể. Tự trói cột tay chân. Nín câm không nói. Hoặc tuyên nói: Như Lai cho phép đệ tử tự sát bằng nhiều cách: Từ núi cao nhảy xuống. Nhảy xuống hố thẳm vực sâu. Nhảy từ ngọn cây. Nhảy vào lửa dữ. Uống thuốc độc. Tự mổ bụng mình. Xông pha chỗ hiểm nạn...Kẻ nào nói Như Lai chủ trương tu bằng phương pháp khổ hạnh; nói Như Lai cho phép tự sát bằng mọi hình thức, đó là lời của ma. Như Lai không bao giờ dạy những điều phi chân lý cho những ai muốn đi con đường giải thoát giác ngộ.

 Lại này Ca Diếp ! Những người tà kiến họ luyện bùa mê, ngải lú, sai sử hại người. Những con nhà đồ tể, những người không căn, hai căn, bất định căn, hoặc lục căn không đủ Phật không cho xuất gia hành đạo. Kẻ nào nói Như Lai thâu nhận những người này làm sa môn, cộng trụ với Tỳ kheo chúng là ma tráo trở. Người đó bản chất quyến thuộc của ma.

 Này Ca Diếp ! Người đệ tử Phật phải nhớ rành rõ về tám pháp bất tịnh để viễn ly. Phải có chánh niệm nhớ lời Phật: Là Tỳ kheo "Tam thường bất túc" mới xứng đáng "thiểu dục đạo nhân". Sống trái tiêu chuẩn đó là lối sống của ma, dân ma và quyến thuộc của ma.

 Ca Diếp Bồ tát bạch Phật: Bạch Thế Tôn ! Nay con mới biết rõ chỗ sai biệt giữa lời Phật nói cùng lời ma nói. Nhơn đây, con ngộ nhập nghĩa nhiệm mầu sâu xa của Phật pháp.

TRỰC CHỈ

 Tà chánh, cặp phạm trù này phổ biến trong nhiều lãnh vực. Tùy dân tộc, quốc gia, chế độ, tín ngưỡng, tôn giáo, mà sự nhận thức đánh giá tà chánh không có khuôn mẫu mực thước nào làm tiêu chuẩn chung nhất cho tất cả mọi lãnh vực. Riêng Phật giáo, qua tư tưởng của Tam thừa nhận thức và đánh giá Tà chánh cũng đã không nhất trí với nhau được. Thậm chí còn tương phản hoàn toàn trong hệ tư tưởng "Đại thừa bất cộng pháp" như kinh Đại Bát Niết Bàn là một nguồn giáo lý chứng minh cụ thể.

 Đọc học phẩm TÀ CHÁNH của kinh Đại Bát Niết Bàn phải sử dụng nhãn quang "Đại thừa bất cộng pháp" mà nhìn thì mới tiếp thu tốt.

 Phải hiểu Phật qua PHÁP THÂN NHƯ LAI là chánh. Hiểu Phật qua Ứng hóa thân là đã thành quyến thuộc của ma rồi. Phải hiểu Phật: 

"Tỳ Gia thành lý bất tằng sanh. 
Ta La thọ vương bất tằng diệt" là chánh. 

 Hiểu Phật nhập diệt tại rừng Ta la song thọ là ma rồi. Nếu không phải đích thực ma thì cũng là quyến thuộc của ma.

 Như Lai chết từ cung trời Đâu suất, thọ sanh vào hoàng tộc Tịnh Phạn vương cung. Như Lai tu phước bố thí...mà thành Phật ! Đó là hiểu biết của ma ! Thọ lượng của Như Lai "bất khả thuyết, bất khả thuyết vô lượng vô biên A tăng kỳ kiếp". Đó là cái hiểu của người đệ tử Phật chân chính.

 Thái tử mới sanh ra liền đi mười phương bảy bước. Đó là lời Phật nói. Việc làm đó có mục đích và ý nghĩa của nó. Đó là phương tiện của Như Lai. Không tin điều này là cái hiểu thiển cận của ma, của quyến thuộc loài ma !

 Lý luận rằng: "Trời sanh trước, Phật sanh sau là lý lẽ thiển cận. Phải hiểu rằng: Các trời đều ở trong tam giới lục đạo. Vì vậy khi đến miếu thờ trời tất cả đều cung kính tôn trọng "Ứng thân thị hiện" của Như Lai.

 Sanh vào hoàng cung thọ hưởng dục lạc, sau đó Thái tử tu hành thành Phật. Đó là cái biết thiển cận. Phải hiểu Như Lai xa lìa ái dục từ vô lượng vô biên..kiếp rồi.

 Trên đường tu, lấy tám pháp bất tịnh làm chuẩn. Xa lìa tám pháp bất tịnh là đi ngược đường lối giải thoát rồi !

 Người khư khư cố chấp giáo lý trong chín bộ kinh, không tiếp thu tin thuận giáo lý Phương Đẳng Đại thừa là người tiểu trí. Chỉ bằng lòng xe dê mà không dám thọ dụng xe trâu trắng to đẹp tuyệt trần mà mình có quyền thọ dụng.

 Nói rằng ta là Phật với ý đồ phờ phỉnh lừa dối mê hoặc nhân tâm, mục đích tham cầu sự nghiệp danh lợi là tà. 

 Tuyên bố rộng rãi: Rằng tôi có Phật tánh, tôi sẽ thành Phật. Mọi người đều có Phật tánh, mọi người tu hành đều được thành Phật ngoại trừ hạng người "nhất xiển đề". Người nói được như thế là Bồ tát hiện đời.

 Phủ nhận Giới là có tội.Thất tụ Giới Học là nền tảng của tòa lâu đài Bồ đề vô thượng. Ngũ giới, thập giới, Bát quan trai giới cũng là những viên đá góp vào xây đúc nền móng của tòa lâu đài ấy. Phật dạy phải trân trọng Giới như người trí quý trọng con ngươi của mắt mình. Định Tuệ có được, do giới mà nên. Bồ Đề vô thượng có được, do Định và Tuệ.

 Phải tu học chân lý TRUNG ĐẠO. Nói NGÃ, cực đoan. Nói VÔ NGÃ cũng cực đoan. Nói các pháp đoạn diệt, cực đoan. Nói các pháp thường tại cũng cực đoan. VÔ THƯỜNG THỊ THƯỜNG. THƯỜNG VÔ THƯỜNG TRUNG. Vô thường là tánh thường của vạn pháp. Tánh thường của vạn pháp duyên khởi hiện tượng VÔ THƯỜNG. Bản thể, hiện tượng "bất ly bất tức".

 Bồ tát Long Thọ tuyên cáo:

"Chúng nhân duyên sanh pháp
"Ngã thuyết tức thị không
"Diệc vi thị giả danh
"Diệc thị trung đạo nghĩa.

"Vị tằng hữu nhất pháp
"Bất tùng nhân duyên sanh
"Thị cố nhất thuyết pháp
"Vô bất thị không giả..."

 Người đệ tử Phật phải tập nhìn, tập nghe, tập nhận thức vạn pháp bằng chân lý TRUNG ĐẠO ấy.

Ngũ thừa, tam thừa, nhị thừa, nhất thừa là phương tiện của Như Lai. 

Bán tự giáo. Mãn tự giáo. Chín bộ kinh. Mười hai bộ kinh là phương tiện của Như Lai. 

Tứ đế, tam đế, nhị đế, đệ nhất nghĩa đế là phương tiện của Như Lai. 

Nhị thời, tam thời, ngũ thời ..là phương tiện của Như Lai. 

Khế cơ, khế lý. Tứ tất đàn...là phương tiện của Như Lai. 

Cho các Tỳ kheo thọ dụng: Cửu tịnh nhục, ngũ tịnh nhục, tam tịnh nhục là phương tiện của Như Lai. 

Nói các pháp trên cõi đời: vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh là phương tiện của Như Lai. 

Nói hiện cõi đời có: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh cũng là phương tiện của Như Lai. 

Nói vạn pháp là không. Nói vạn pháp là có. Thậm chí có lúc Như Lai nói tội nặng thành nhẹ, tội nhẹ thành nặng cũng là phương tiện của Như Lai. 

 Đệ tử Phật phải hiểu Phật là chánh. Không hiểu Phật có cao đàm diệu luận, vạn ngữ thiên ngôn đều là TÀ, quyến thuộc của ma tất./.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Tám 2020(Xem: 8855)
06 Tháng Bảy 2016(Xem: 7995)
Đối nghịch, mâu thuẫn là hiện tượng thường xảy ra trong đời sống. Khi không thể giải quyết, nó đưa đến thù ghét và chiến tranh. Từ ngày có con người trên trái đất cho đến ngày nay, chiến tranh chưa bao giờ chấm dứt.
19 Tháng Năm 2016(Xem: 9562)
Bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daijokyo) xuất xứ từ thời Vua Taisho (Đại Chánh) ở Nhật Bản từ đầu thế kỷ thứ 20. Đây là một bộ Đại Tạng Kinh của Bắc truyền được tổng hợp cũng như sự giảo chánh của các nhà học giả Phật Giáo Nhật Bản lúc đương thời qua các bộ Minh Đại Tạng, Càn Long Đại Tạng v.v… Tổng cộng gồm 100 quyển, dày mỏng khác nhau, mỗi quyển độ 1.000 đến 1.500 trang khổ lớn. Cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh đã cho phiên dịch hoàn toàn sang tiếng Việt tại Đài Loan thành 203 cuốn(đã in được 93 cuốn), mỗi cuốn từ 800 đến 1.500 trang. Tổng cộng các bản dịch về Kinh, Luật, Luận của Đại Thừa không dưới 250.000 trang sách.
12 Tháng Năm 2016(Xem: 9115)
BÁT NHÃ BA LA MẬT là một trong những hệ tư tưởng của Đaị thừa Phật giáo Bắc tông. Bát Nhã Ba La Mật, Trung Hoa dịch: TRÍ TUỆ ĐÁO BỈ NGẠN. Thành ngữ đáo bỉ ngạn, chỉ cho sự viên vãn cứu kính, sự hoàn thành trọn vẹn về một lãnh vực tri thức, một công hạnh lợi tha, một sự giải thoát giác ngộ hoàn toàn..