Phần 9

03 Tháng Mười 201200:00(Xem: 9508)

LỜI PHẬT DẠY
TRONG KINH TẠNG NIKAYA
TẬP 1
Thích Quảng Tánh 
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo

PHẦN 9

THÂM ÂN NAN BÁO

 

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Ngài cho gọi các Tỷ kheo:

Có hai hạng người, này các Tỷ kheo, Ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai ? Mẹ và Cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm cho đến trăm tuổi; nếu đấm bóp, xoa gội, tắm rửa và dầu tại đấy cha mẹ có đại tiểu tiện, như vậy, này các Tỷ kheo cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha.

Vì cớ sao ? Vì rằng, này các Tỷ kheo, cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi dưỡng chúng khôn lớn, giới thiệu chúng vào đời này.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 2, phẩm Tâm thăng bằng, phần Đất [trích], VNCPHVN ấn hành 1996, tr.119)

 

LỜI BÀN:

Hiếu dưỡng cha mẹ là một trong những chuẩn mực đạo đức căn bản của những người con Phật. Học theo hạnh Phật, trước hết phải là kiện toàn công hạnh của những người con chí hiếu. Nếu chưa tròn câu hiếu đạo thì không đủ tư cách làm người và dự phần vào hàng Phật tử chân chính.

Biết ơn và đền ơn các đấng sanh thành là điều người con Phật hằng tâm niệm. Tuy vậy, công ơn sanh thành dưỡng dục vốn cao như núi, rộng như biển nên thật khó đáp đền. Phụng dưỡng và hiếu kính cha mẹ trọn vẹn về phương diện vật chất trong hiện đời đã là việc khó làm. Nhưng dẫu có làm được, theo tuệ giác của Thế Tôn vẫn chưa gọi là đủ. Người con Phật chí hiếu nhận thức rõ về tác dụng của nghiệp trong dòng luân chuyển của sanh tử luân hồi, đồng thời phải định hướng cho cha mẹ tác tạo thiện nghiệp ngõ hầu thăng hoa đời sống trong tương lai.

Mỗi người có một nghiệp riêng, do đó chiêu cảm quả báo khác nhau. Trong phương diện biệt nghiệp thì phước ai làm thì người ấy hưởng và tội ai làm thì người ấy chịu. Khi nghiệp chín muồi và trổ quả thì dẫu chí thân hay trọn tình đến mấy vẫn không ai có thể chịu thay. Do vậy, song hành với hiếu dưỡng, chu toàn cho cha mẹ hiện đời, người con Phật hiếu thảo còn hướng thiện cho cha mẹ để song thân được an lạc trong nhiều đời.

Vì thế, những người con Phật chân chính ngoài việc tu tập chuyển hóa tự thân, chu toàn hiếu dưỡng, cần phải nỗ lực trợ duyên, khuyến hóa song thân tịnh tín Tam bảo, an trú thiện giới, siêng năng tu bố thí, hoan hỷ với hạnh cúng dường và nhất là thành tựu chánh kiến. Chính tuệ giác của Chánh kiến sẽ soi sáng cho tất cả những pháp lành trên con đường thực hành Bát chánh đạo. Nhờ đó mà những bậc cha mẹ hội đủ duyên lành tác tạo nên nhiều thiện nghiệp, xa lìa ác đạo trong những đời sau.

Đây chính là nét đặc thù của tinh thần hiếu đạo Phật giáo, đồng thời cũng là phương pháp báo hiếu đầy đủ và trọn vẹn nhất.

 

BAO LA TÌNH MẸ

 

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, gọi các Tỷ kheo:

Các ông nghĩ thế nào, này các Tỷ kheo, cái gì là nhiều hơn ? Sữa mẹ mà các ông đã uống trong khi các ông lưu chuyển luân hồi trong thời gian dài hay nước trong bốn biển ?

Bạch Thế Tôn, theo như lời Thế Tôn dạy, chúng con hiểu rằng, nhiều hơn là sữa mẹ mà chúng con đã uống trong khi lưu chuyển luân hồi trong thời gian dài chớ không phải là nước trong bốn biển.

Lành thay, này các Tỷ kheo, các ông đã hiểu pháp mà Ta đã dạy.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ II, chương 4, phẩm 1, phần Sữa, VNCPHVN ấn hành 1993, tr.314)

 

LỜI BÀN:

Hầu hết chúng ta lớn khôn đều bắt đầu từ dòng sữa mẹ. Tạo hóa đã ban cho mẹ một bầu sữa ngọt ngào, giúp trẻ sơ sinh có đầy đủ các dưỡng chất và kháng thể mà hiếm có một hợp chất dinh dưỡng nhân tạo nào có thể thay thế được. Và những dòng sữa ấy cũng chính là một phần thân thể của mẹ.

Trước đó, khi biết mình đã mang thai, mẹ đã sống vì con. Gần mười tháng cưu mang, ba năm bú mớm, mẹ đã dồn hết sinh lực của mình để san sẻ cho con. Với mẹ, con là tất cả, thậm chí có thể vì con mà quên đi tính mạng của mình. Con ngày càng khôn lớn thì sức mẹ cũng hao mòn, cạn kiệt dần nhưng mẹ luôn vui về điều đó. Mẹ đã cho con tấm hình hài bằng tất cả tình thương và máu thịt. Vì thế, khi nói sữa mẹ mà chúng ta đã uống trong khi lưu chuyển luân hồi từ vô thủy đến nay nhiều hơn nước trong bốn biển cũng chẳng cường điệu chút nào.

Vẫn biết “lòng mẹ bao la như biển Thái Bình” nhưng cuộc sống với vô vàn biến động, mãi lo kiếm sống nên nhiều khi lãng quên, chểnh mảng bổn phận làm con. Vì thế, những người con hiếu thảo cần phải quán niệm thường xuyên về thâm ân dưỡng dục để nuôi lớn và giữ trọn hiếu tâm, hiếu hạnh đới với những đấng sanh thành.

Nhận thức được thâm ân sanh dưỡng của cha mẹ bao la như trời biển là cơ sở quan trọng để thực hành trọn vẹn hạnh hiếu. “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”. Tâm làm nền tảng cho hành động, vì thế, một khi đã thành tựu tâm hiếu thì chắc chắn sẽ viên thành hạnh hiếu.

 

CHA MẸ VÀ CON CÁI

 

Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Veluvana. Lúc bấy giờ Singàkala (Thi Ca La Việt), con của gia chủ, dậy sớm, ra khỏi thành đảnh lễ sáu phương. Khi gặp Thế Tôn, Ngài dạy Singàkala về hiếu đạo như sau:

Này Gia chủ, có năm trường hợp người con phải phụng dưỡng cha mẹ: Được nuôi dưỡng, con sẽ phụng dưỡng cha mẹ; con sẽ làm tròn bổn phận đối với cha mẹ; con sẽ giữ gìn gia đình và truyền thống; con bảo vệ tài sản thừa tự; con sẽ làm tang lễ khi cha mẹ qua đời.

Này Gia chủ, được con phụng dưỡng theo năm cách như vậy, cha mẹ có lòng thương tưởng đến con cũng theo năm cách: Ngăn chặn con làm điều ác, khuyến khích con làm điều thiện; dạy con nghề nghiệp; dựng vợ, gả chồng xứng đáng cho con; đúng thời trao của thừa tự cho con.

Này Gia chủ, cha mẹ được con phụng dưỡng và cha mẹ có lòng thương tưởng đến con theo năm cách như vậy, gia đình sẽ an ổn, thoát khỏi các sự sợ hãi.

(ĐTKVN, Trường Bộ II, kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt [lượt], VNCPHVN ấn hành 1991, tr.541)

 

LỜI BÀN:

Mái ấm gia đình là một điểm tựa quan trọng cho các thành viên trong gia đình, nhất là trong bối cảnh xã hội, kinh tế nhiều biến động thì nhu yếu thiết lập một gia đình hạnh phúc để che chở lẫn nhau lại càng cần thiết hơn. Muốn làm được điều đó, tất cả các thành viên trong gia đình, cha mẹ và con cái đều cần phải nỗ lực để chu toàn trách nhiệm và bổn phận của mình.

Muốn cho con nên người, biết siêng năng, cần mẫn làm việc, có đầy đủ tư cách đạo đức, hiếu kính thì các bậc cha mẹ phải thực sự yêu thương và phải chăm lo giáo dưỡng con cái. Không phải ngẫu nhiên mà ông cha ta đã quy kết trách nhiệm rằng “con hư tại mẹ”. Con cái là những búp măng, nếu biết uốn nắn, chở che thì về sau mới thành tre ngay thẳng, có ích. Vì thế, thiết lập nền tảng đạo đức cơ bản cho con cái như khuyên dạy bỏ ác làm lành, không tham lam, biết thương đồng loại….là điều cần làm. Kế đến là công tác hướng nghiệp, tạo lập gia đình và tin tưởng đầu tư, trao truyền sự nghiệp cho con cái, để con tự lập, đứng vững giữa cuộc đời.

Cha mẹ biết thương yêu, giáo dưỡng con cái nên người, có công danh, gia đình, sự nghiệp thì chắc chắn con cái sẽ thấu hiểu và báo ơn bằng sự hiếu thuận. Theo tuệ giác của Thế Tôn, để trở thành người con hiếu thảo thì niệm ân cha mẹ để báo an là điều tối cần. Nhờ nuôi dưỡng tâm niệm về thâm ân dưỡng dục mà tâm hiếu được hình thành và ngày càng tăng trưởng dẫn đến bổn phận làm con sẽ được chu toàn. Như vậy, hiếu thảo là một trong những bổn phận quan trọng của đạo làm con được hình thành từ chính tình thương yêu và sự giáo dưỡng của cha mẹ. Hiếu dưỡng sẽ tròn đầy một cách như nhiên khi chính các bậc cha mẹ thực sự gương mẫu, trọn vẹn với đạo làm cha mẹ thì con cái sẽ viên thành đạo nghĩa làm con của mình.

 

NGƯỜI THỰC SỰ CÓ HIẾU KHÔNG NHIỀU

 

Một thời, Thế Tôn trú tại Rajàgaha, trên núi Gijjhakùta. Rồi Thế Tôn lấy một ít đất trên đầu móng tay và bảo các Tỷ kheo:

Các ông nghĩ thế nào, này các Tỷ kheo, cái nào là nhiều hơn, một ít trên đầu móng tay hay là quả đất lớn này ?

Bạch Thế Tôn, cái nhiều hơn là quả đất này, còn ít hơn là đất trên đầu móng tay.

Cũng vậy, này các Tỷ kheo, ít hơn là các chúng sanh có hiếu kính với mẹ, với cha và nhiều hơn là các chúng sanh không hiếu kính với mẹ, với cha.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ V, chương 12, phẩm Bánh xe lược thuyết, phần Hiếu kính mẹ-Hiếu kính cha [trích], NXB Tôn Giáo 2002, tr.675)

 

LỜI BÀN:

Hiếu kính với cha mẹ là một lẽ đương nhiên, gần như bất cứ người con nào cũng biết niệm ân và hết lòng hiếu dưỡng song thân để đáp đền ân nghĩa sanh thành. Thế thì vì sao Thế Tôn lại khẳng định “ít hơn là các chúng sanh có hiếu kính với mẹ, với cha và nhiều hơn là các chúng sanh không hiếu kính với mẹ, với cha”?

Có thể nói từ trong tâm khảm, không ai mà không thương kính cha mẹ. Nhưng để thực hiện song hành tâm hiếu và hạnh hiếu một cách trọn vẹn thì không mấy ai làm được. Ở đây, chúng ta không bàn đến hạng người mang tội đại nghịch (giết cha, giết mẹ) hay những kẻ nghịch tử chỉ báo hại và làm khổ cha mẹ. Vấn đề đáng nói là đối với những người con tuy có hiếu, mong muốn được thể hiện đạo hiếu nhưng rồi cũng không làm được gì nhiều cho các đấng sinh thành.

Vì sao ? Có đến 1001 lý do để biện giải cho điều ấy. Cho dù những lý do ấy có xác đáng đến mấy và dẫu cho cha mẹ hoàn toàn thông cảm, hy sinh thì chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng những gì mình đã làm cho cha mẹ thật sự quá ít so với thâm ân sanh dưỡng như biển trời. Sống ở đời, có lòng hiếu đã khó, thực hiện nó lại càng khó hơn bởi không phải ai cũng có đầy đủ phước duyên để phụng dưỡng và kính thờ cha mẹ như ý của mình.

Cuộc sống vốn phức tạp và đầy biến động, mãi lao theo những việc quan trọng, cấp thiết hơn nên niềm riêng về cha mẹ tạm thời gác lại. Điều này cũng dễ dàng cảm thông nhưng trớ trêu thay là không có cái gì chờ đợi chúng ta cả. Rồi chuyện sẽ đến đã đến và chúng ta không kịp trở tay, chỉ còn ôm niềm ân hận là chưa làm được nhiều cho cha mẹ thì người đã đi rồi.

Tư duy và chiêm nghiệm về lời dạy của Thế Tôn để thấy mình vẫn chưa tròn câu hiếu đạo. Người thực sự hiếu kính cha mẹ như đất trong móng tay so với đất trên địa cầu nhắc chúng ta phảm làm ngay những việc cần làm cho cha mẹ, đừng hẹn ngày mai để khỏi hối hận về sau.

 

KHUYẾN HÓA CHA MẸ HƯỚNG THIỆN

 

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại vườn ông Anàthapindika. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào lòng tin; đối với cha mẹ theo ác giới, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào thiện giới; đối với cha mẹ xan tham, khuyến khích, hướng dẫn, an trú vào bố thí; đối với cha mẹ theo ác tuệ, khuyến khích hướng dẫn, an trú vào trí tuệ. Như vậy là làm đủ và trả ơn đủ cho mẹ và cha.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 2, phẩm Tăng thăng bằng, phần Đất [trích], VNCPHVN ấn hành, tr.119

 

LỜI BÀN:

Hầu hết chúng ta đều tâm niệm cha mẹ là Trời Phật, là đối tượng kính thờ, là bất khả xâm phạm. Nuôi dưỡng và un đúc ý niệm này sâu vào tâm khảm là một tố chất quan trọng để tác thành nên tâm hiếu, hạnh hiếu. Song thực tế cho thấy vẫn còn nhiều bậc cha mẹ do nghiệp lực chi phối nên chưa thực sự gương mẫu và thể hiện hết trách nhiệm, vai trò phụ mẫu của mình, dẫn đến ảnh hưởng không nhỏ cho con cái và cả gia đình.

Người đời thường phê phán con cái bất hiếu là nghịch tử nhưng cũng nghiêm khắc khi quy kết “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Hiện có không ít những người co phải gánh chịu chua chát với câu “ân nghĩa sanh thành”, oán trách và xa lánh cả song thân. Ở đây, chúng ta không trách cứ ai cả, vì đã là con người thì dù ở vai vị nào cũng có những hạn chế nhất định, không ai tránh khỏi lỗi lầm.

Cần bình tâm quán sát về bản thân, gia đình để nhận ra dòng vận hành của nghiệp lực, cộng nghiệp của cả gia đình. Nhờ quán chiếu sâu sắc vào cộng nghiệp, chúng ta sẽ thấy rõ ràng hơn về thực trạng gia đình hiện tại mà bớt đi những oán trách lẫn nhau và quan trọng hơn là mở ra một hướng mới để chuyển hóa, khắc phục. Ngay đây, việc thực thi hạnh hiếu được nâng tầm cao hơn là khuyến hóa cha mẹ bỏ tà quy chánh.

Con hư cũng là con, cha mẹ dẫu có “sơ suất” gì thì cũng là cha mẹ, không ai thay đổi được cộng nghiệp này. Do vậy, trợ duyên để chuyển hóa lẫn nhau, cải tạo cộng nghiệp gia đình tốt đẹp hơn là điều cần làm của người con Phật hiếu thảo. Với con người, mọi lỗi lầm đều từ vô minh mà ra, từ tham ái mà hình thành, từ sân si mà dấy khởi. Thay vì oán trách, chúng ta hãy vận dụng tín (niềm tin), giới (làm lành, tránh ác), thí (buông xả) và tuệ (hiểu biết) vùng với tình thương, kính trọng để khuyến hóa cha mẹ hướng về Tam bảo.

Không ai nỡ nhìn người thân của mình đi vào cõi ác. Do vậy, khuyến hóa cha mẹ hướng thiện, bỏ tà quy chánh không chỉ đem lại hạnh phúc an vui cho cha mẹ trong đời này mà cả những đời sau. Làm được điều này mới gọi là tận hiếu, chí hiếu, là “làm đủ và trả ơn đủ cho mẹ và cho cha”.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
11 Tháng Tư 2015(Xem: 10117)
Ananda là đại đệ tử của Phật. Là em chú bác của Phật, ngài từ bỏ đời sống vương giả, xuất gia theo Phật, hầu cận bên cạnh Phật suốt đời. Ananda là đệ tử thông minh nhất, đa văn nhất của Phật. Tên ngài thơm trong kinh. Chuyện về ngài làm đẹp sử Phật. Ngài lại là người có dung mạo đẹp đẽ không ai bằng. Vì vậy mà có chuyện sau đây.
26 Tháng Ba 2015(Xem: 7554)
Một lần kia, Vacchagotta, một du tăng (là nhà tu khổ hạnh lang thang, không có nơi ở ổn định), đến gần Đức Phật và nói với ngài:
18 Tháng Ba 2015(Xem: 7636)
Nầy các Tỳ Kheo, có ba nguyên nhân bắt nguồn của hành động. Ba nguyên nhân nầy là ba nguyên nhân gì? Đó là: lòng tham lam, lòng thù hận, và sự si mê (tham, sân, si).
14 Tháng Ba 2015(Xem: 5849)
Nầy các Tỳ Kheo, trong tất cả các sự vật có điều kiện hoặc không có điều kiện, sự không dính mắc được xem là cao quý nhất, đó là: sự đập nát mọi sự say mê, sự loại bỏ mọi sự khao khát, sự bứng bỏ gốc rễ của sự dính mắc, sự cắt đứt vòng sinh tử, sự hủy diệt ái dục, sự từ bỏ thú đau thương, và Niết Bàn.