Những Lời Dạy Của Đức Phật về Hòa Bình và Giá Trị Con Người

17 Tháng Mười Hai 202109:36(Xem: 2941)
NHỮNG LỜI DẠY CỦA ĐỨC PHẬT
VỀ HÒA BÌNH VÀ GIÁ TRỊ CON NGƯỜI
Thích Minh Châu
nhung loi day cua duc phat


MỤC LỤC

Lời Giới Thiệu
Lời Nói Đầu
Chương Một Trích Dịch Những Lời Dạy Của Đức Phật Về Hòa Bình
Chương Hai Trích Dịch Về Lời Dạy Của Đức Phật
Phẩm 1: Đấu Tranh Và Hòa Hợp
Phẩm 2: Sân Hận Và Nhu Hòa
Phẩm 3: Làm Hại Và Không Làm Hại
Phẩm 4: Hận Thù Và Thân Hữu
Phẩm 5: Sát Sanh Và Tôn Trọng Sự Sống
Chương Ba Trích Dịch Về Tăng Già
Chương Bốn Lời Dạy Về Các Hạng Người Thiên Về Chiến Tranh Và Hạng Người Thiên Về Hòa Bình
Phẩm 1: Người Ác Và Người Thiện.
Phẩm 2: Người Ngu Và Bậc Trí.
Phẩm 3: Người Phóng Dật Và Bậc Tự Điều.
Chữ Viết Tắt


Quyển sách nhỏ này nhằm giới thiệu “Những lời đức Phật dạy về Hòa bình và giá trị con người” được trích dịch từ một số kinh quan trọng trong kinh tạng Pàli, bằng ba thứ tiếng: Pàli, Anh văn và Việt văn. Những trích dịch này không làm sao đầy đủ được, nhưng chúng đã được lựa chọn thận trọng để có thể giới thiệu một cách trung thành và chân thực những lời dạy cao qúy của Ngài về những đề tài này.

Đức Phật không bao giờ xem Hòa bình như là một quà tặng từ đâu đến. Quan điểm của Ngài, Hòa bình là kết quả của một ý chí quyết liệt, một cuộc tranh đấu kiên cường, một vấn đề tự giáo dục và tự huấn luyện, để dân chúng có thể yêu quý Hòa bình như là một vật báu cần phải thực hiện ngay từ bây giờ, trên quả đất này. Như vậy tập sách nhỏ này phục vụ mục đích chung bằng cách trích dịch những lời Phật dạy về Hòa bình và giá trị con người. Hiện nay, với mọi phát minh các kỹ thuật mới giết người hàng loạt, với sự đe dọa mới của bom nguyên tử và bom khinh khí, có khả năng tiêu diệt hoàn cầu, Hòa bình trở thành nguồn cứu tinh duy nhất cho nhân loại. Do vậy những lời dạy của đức Phật, vị được tôn xưng là sứ giả của Hòa bình cần phải ôn lại, cần phải suy tầm suy tư, cần phải đem ra áp dụng và trở thành một nếp sống cho toàn thể loài Người.

Vậy, chúng tôi có vài lời xin giới thiệu với toàn thể Phật tử, với những ai có quan tâm đến vấn đề Hòa bình.

Tp. Hồ Chí Minh, tháng 06 năm 1995
Tỷ-kheo THÍCH MINH CHÂU
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam

LỜI NÓI ĐẦU

Tập sách này nhằm trình bày một số lời dạy của đức Phật về Hòa bình và giá trị con người được chia thành 4 chương.

Chương I chứa đựng những tinh hoa qua các buổi thuyết pháp của Ngài, mục đích của Ngài khi hoằng dương Chánh phápthái độ của Ngài đối với các tôn giáo khác, các giáo lý đối nghịch và lòng từ bi thương tưởng của Ngài đối với chúng sanh, đối với Thế giới.

Chương II đề cập đến Chánh pháp, những lời dạy của Ngài về 5 vấn đề căn bản quan trọng: 1. Đấu tranh và hòa hợp. 2. Sân hận và nhu hòa. 3. Làm hại và không làm hại. 4. Hận thù và thân hữu. 5. Sát sanh và kính trọng sự sống.

Chương III đề cập đến Giáo hội các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo-ni (Sangha), sự chú tâm của Ngài xây dựng những giới luật căn bản để thực hiện một sự hòa hợp nhất trí hoàn toàn giữa các vị đồng Phạm hạnh, những lời khuyên các đệ tử xuất gia của Ngài cần chung sống với nhau trong niềm đồng tâm nhất trí hoàn toàn và những lời khiển trách của Ngài khi các vị Tỷ-kheo không sống đúng như lời Phật dạy.

Chương IV giới thiệu hai hạng người. Hạng người ưa thích gây hấnxung đột, chiến tranh và hạng người thiên về một đời sống hòa hợp nhất trí và Hòa bình.

Hạng người đầu là hạng người làm điều ác, hạng người ngu siám độn và hạng người phóng dật, sống đời sống ngang tàng phóng túng.

Hạng thứ hai là hạng làm các hạnh lành về thân, về lời, về ý, những bậc Thiền trí, những bậc Hiền Thánh, những bậc Biết tự điều.

Để làm nổi bật sự mâu thuẫn, mỗi hạng người với hạng đối nghịch được đề cập song song bên nhau. Như vậy, Phẩm một nói đến hạng người làm điều ác và hạng người làm điều lành. Phẩm hai giới thiệu hạng người ngu và bậc có trí. Phẩm ba đối mặt giữa kẻ phóng dật và những người biết tự điều phục mình.

Lại nữa, trong mỗi chương, mỗi phẩm, trước hết là những lời giới thiệu tổng quát của vị biên tập cho từng chương, từng phẩm, rồi đến những lời trích dịch bằng ba thứ tiếng: Tiếng Pàli dành cho những vị chú tâm đến cổ ngữ Pàli và nguyên bản, tiếng Anh dành cho độc giả biết tiếng Anh và tiếng Việt dành cho độc giả người Việt.

Như đã được đề cập trước, các trích dịch không có thể xem là đầy đủ chu toàn, và nhiều lời dạy có giá trị có thể bị bỏ quên. Nhưng người biên tập chỉ có hy vọng mong rằng: Tập sách này là một sự cống hiến khiêm tốn cho những lời dạy của đức Phật về Hòa bình và là một đóng góp nhỏ bé vào sự nghiệp hoằng dương chánh pháp trên có thể giúp chúng ta ngày nay.

Tp. Hồ Chí Minh, tháng 06 năm 1995
Tỷ-kheo THÍCH MINH CHÂU
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam

CHƯƠNG MỘT
TRÍCH DỊCH NHỮNG LỜI DẠY CỦA ĐỨC PHẬT VỀ HÒA BÌNH

 

Tổng kết 45 năm thuyết pháp của Ngài, đức Phật tuyên bố rõ ràng là Ngài chỉ dạy hai vấn đề: Khổ và diệt khổngoài ra không dạy gì nữa. Chiến tranh đem đến đau khổ. Hòa bình nghĩa là chấm dứt khổ đau. Do vậy Ngài được tôn xưng là “vị Sứ giả hòa bình”.

Ngài khuyến khích các đệ tử của Ngài du hành để thuyết pháp và giải thích đời sống Phạm hạnh, vì hạnh phúc và an lạc của quần sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc của chư Thiên và loài Người.

Đức Phật nêu rất rõ ràng mục đích thuyết pháp của Ngài là không tranh luận với các nhà lãnh đạo tôn giáo khác và không cạnh tranh với các lý thuyết đối nghịch. Không có sự tranh chấp trong sự thuyết pháp của Ngài. Ngài chỉ trình bày con đường dẫn đến giác ngộ, và giải thoát mọi khổ đau.

Đức Phật luôn luôn tràn đầy lòng từ bi đối với tất cả loài hữu tìnhCho đến khi nằm nghỉ, Ngài cũng “Tâm từ, thương chúng sanh” và Ngài có thuyết pháp cũng chỉ vì tình thương của Ngài đối với mọi loài.

* * *

“Này các Tỷ-kheo, xưa cũng như nay, Ta chỉ nói lên sự khổ và diệt khổ”. (Trung Bộ I. 140)

“Này các Tỷ-kheo, hãy du hành, vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc, cho chư Thiên và loài Người. Chớ có đi hai người một chỗ. Này các Tỷ-kheo, hãy thuyết pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn. Hãy tuyên thuyết Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn, thanh tịnh”. (Tương Ưng I. 128)

“Này các Tỷ-kheo, Ta không tranh chấp với đời. Chỉ có đời tranh chấp với Ta. Này các Tỷ-kheo, người nói pháp không tranh chấp với một ai ở đời”. (Tương Ưng III. 165)

“Bạch Thế Tôn, con nghe như sau: “Cao thượng thay, an trú lòng từ”. “Bạch Thế TônThế Tôn diện kiến thân chứng cho con điểm này. Bạch Thế TônThế Tôn an trú lòng từ” – “Này Jìvaka, cái gọi là tham, là sân, là si do đó sân hận khởi lên, tham ấy, sân ấy, si ấy được Như Lai đoạn trừ, chặt cho đến tận gốc, làm cho như thân cây ta- la, khiến không thể tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai. Này Jìvaka, nếu như vậy là ý nghĩa Ông muốn nói, thời Ta đồng ý với Ông”. – “Bạch Thế Tôn, như vậy thật là ý nghĩa con muốn nói”. (Trung Bộ II. 370A-370B)

“Khi thức không lo âu,
Khi ngủ chẳng sợ hãi
Ngày đêm không khởi lên,
Phiền não bận lòng Ta.
Ta không thấy tai hại,
Một chỗ nào trên đời.
Do vậy, Ta nằm nghỉ,
Tâm từ, thương chúng sanh”. (Tương Ưng I. 136)

“Này Sàriputta, những ai nói một cách chơn chánh sẽ nói như sau: “Một vị hữu tình không bị si chi phối, đã sanh ra ở đời vì hạnh phúc cho số đông, vì an lạc cho số đông, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người”. Vị ấy sẽ nói về Ta một cách chơn chánh như sau: “Một vị hữu tình không bị si chi phối, đã sanh ra ở đời, vì hạnh phúc cho số đông, vì an lạc cho số đông, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người”. (Trung Bộ I. 83)

“Ngài hiểu biết tất cả,
Ngài trình bày Chánh pháp.
Vì lòng thương, từ mẫn,
Đối với mọi chúng sanh.
Ngài vén mở bức màn,
Bậc có mắt mọi nơi.
Không cấu uếthanh tịnh.
Ngài chói toàn thế giới”. (Kinh tập. Kệ 378)

CHƯƠNG HAI
TRÍCH DỊCH VỀ LỜI DẠY CỦA ĐỨC PHẬT

PHẨM 1: ĐẤU TRANH VÀ HÒA HỢP

Thế Tôn chỉ cho chúng ta rõ các dục là nguồn gốc của đấu tranh, kháng tranh, xung đột và chiến tranh.

“Một nguyên nhân nữa của đấu tranh và xung đột là sự so sánh giữa mình và người, xem các người khác là bằng mình, hay hơn mình hay thua mình”.

Một phương pháp làm lắng dịu các tranh luận là sự ý thức, chính tại đây, “trong tranh luận này, chúng ta đều tàn hại”.

Có một trường hợp này thật là bẽ bàng, như đức Phật đã nêu rõ, là một người đến phỉ báng người không có phỉ báng, nhiếc mắng người không có nhiếc mắng, gây sự với người không có gây sự. Tất cả sự phỉ báng, nhiếc mắng ấy tự nhiên trở lui lại cho người đã nhiếc mắng. Cũng như đồ ăn được đưa mời mà người được mời không chấp nhận, thời món ăn sẽ trở lại với người chủ của nó.

Thái độ đức Phật đối với tranh luận rất rõ ràng. Ngài không có tranh luận với ai ở đời. Ngài thuyết pháp chỉ với mục đích nêu lên con đường chấm dứt khổ đau. Ngài không bao giờ tự cho chỉ có Pháp của Ngài là sự thậtngoài ra đều là hư vọng. Ngài giải thích Pháp của Ngài rõ ràng cho mọi người đến để xem để thấy và để tự mình phê phán.

Phương pháp hay nhất để tránh xa các tranh luận và xung độtđức Phật khuyên chúng ta, là đừng có khởi lên các hý luậnvọng tưởng, các tà kiến. Và trong trường hợp chúng có khởi lên, thời thái độ tốt nhất là chớ hoan hỷ, đón mừng và chấp thủ chúng. Thái độ này sẽ chấm dứt đấu tranh, xung đột, chiến tranh và các pháp bất thiện.

Chiến tranh nào cũng đem đến đau khổ vô lượng vô biên. Chiến thắng sanh thù oán, bại trận nếm khổ đau. Cho nên phương pháp hay nhất là đừng dùng chiến tranh để giải quyết các xung đột, nhưng phải tìm mọi phương tiện hòa bình để chấm dứt các bất đồng ý kiến và các xung đột.

Do vậy các bậc Thánh đã từ bỏ gia đình, sẽ không tạo nên các trói buộc mới. Các vị này chấm dứt mọi tranh luận, bất cứ với một ai.

* * *

“Lại nữa, này các Tỷ-kheo, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nguyên nhân, do chính dục làm nhân, vua tranh đoạt với vua, Sát-đế-lỵ tranh đoạt với Sát-đế-lỵ, Bà-la-môn tranh đoạt với Bà-la-môn, gia chủ tranh đoạt với gia chủ; mẹ tranh đoạt với con, con tranh đoạt với mẹ; cha tranh đoạt với con, con tranh đoạt với cha; anh em tranh đoạt với anh em; anh tranh đoạt với chị; chị tranh đoạt với anh; bạn bè tranh đoạt với bạn bè. Khi chúng dấn mình vào tranh chấptranh luậntranh đoạt, chúng tấn công nhau bằng tay, chúng tấn công nhau bằng gạch đá, chúng tấn công nhau bằng gậy gộc, chúng tấn công nhau bằng đao kiếm. Ở đây, chúng đi đến tử vong, đi đến đau khổ gần như tử vong”. (Trung Bộ I. 87)

“Lại nữa, này các Tỷ-kheo, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nguyên nhân, do chính dục làm nhân, chúng cầm mâu và thuẫn, chúng đeo cung và tên, chúng dàn trận hai mặt và tên được nhắm bắn nhau, đao được quăng ném nhau, kiếm được vung chém nhau. Chúng bắn, đâm nhau bằng tên, chúng quăng, đâm nhau bằng đao, chúng chặt đầu nhau bằng kiếm. Ở đây, chúng đi đến tử vong, đi đến đau khổ gần như tử vong”. (Trung Bộ I. 87A)

“Bằng, thắng hay thua Ta,
Nghĩ vậy đấu tranh khởi,
Cả ba không dao động,
Bằng, thắng không khởi lên”. (Tương Ưng I. 15)

“Người khác không hiểu biết,
Chúng ta đây (Trong tranh luận này) suy vong.
Ai hiểu biết chỗ ấy,
Tranh luận được lắng êm”. (Pháp Cú. 6)

“Phẫn nộ, không hoan hỷ, Bà-la-môn Akkosaka Bhàradvàja đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói những lời không tốt đẹpác ngữphỉ báng và nhiếc mắng Thế Tôn. Được nghe nói vậy, Thế Tôn nói với Bà-la-môn Akkosaka Bhàradvàja: -“Này Bà-la-môn, Ông nghĩ thế nào? Các thân hữu bà con huyết thống, các khách có đến viếng thăm Ông không?” – “Thưa Tôn giả Gotama, thỉnh thoảng các thân hữu bà con huyết thống, các khách có đến viếng thăm tôi” – “Này Bà-la-môn, Ông nghĩ thế nào? Ông có sửa soạn cho họ các món ăn loại cứng, loại mềm và các loại đồ nếm không?” – “Thưa Tôn giả Gotama, thỉnh thoảng tôi sửa soạn cho họ các món ăn loại cứng, loại mềm và các loại đồ nếm”. – “Nhưng này Bà-la-môn, nếu họ không thâu nhận, thời các món ăn ấy về ai?” – “Thưa Tôn giả Gotama, nếu họ không thâu nhận, thời các món ăn ấy về lại chúng tôi”.

“Cũng vậy, này Bà-la-môn, nếu Ông phỉ báng chúng tôi là người không phỉ báng, nhiếc mắng chúng tôi là người không nhiếc mắng, xỉ vả chúng tôi là người không xỉ vảchúng tôi không thâu nhận sự việc ấy từ Ông, thời này Bà-la-môn, sự việc ấy về lại Ông. Này Bà-la-môn, sự việc ấy chỉ về lại Ông. Này Bà-la-môn, ai phỉ báng lại khi bị phỉ báng, nhiếc mắng lại khi bị nhiếc mắng, xỉ vả lại khi bị xỉ vả, thời như vậy, này Bà-la-môn, người ấy được xem là đã hưởng thọ, đã san sẻ với Ông. Còn chúng tôi không cùng hưởng thọ sự việc ấy với Ông, không cùng san sẻ việc ấy với Ông, thời này Bà-la-môn, tất cả sự việc ấy về lại với Ông và tất cả sự việc ấy chỉ về lại Ông mà thôi”. (Tương Ưng I. 199)

“Này Hiền giả, theo lời dạy của Ta, trong thế giới với chư Thiên, Mara và Phạm thiên, với các chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, không có tranh luận với ai ở đời”. (Trung Bộ I. 109A)

“Này Tỷ-kheo, do bất cứ nhân duyên gì, một số hý luận vọng tưởng ám ảnh một người, nếu ở đây không có gì đáng hoan hỷ, đáng đón mừng, đáng chấp thủ, thời như vậy là sự đoạn tận tham tùy miên, sự đoạn tận sân tùy miên, sự đoạn tận kiến tùy miên, sự đoạn tận nghi tùy miên, sự đoạn tận mạn tùy miên, sự đoạn tận hữu ái tùy miên, sự đoạn tận vô minh tùy miên, sự đoạn tận chấp trượng chấp kiếm, đấu tranh, tránh tranh, luận tranh, kháng tranh, ly gián ngữvọng ngữ. Chính ở nơi đây, những ác bất thiện pháp này đều được tiêu diệt, không còn dư tàn”. (Trung Bộ I. 110)

“Thắng trận sanh thù oán,
Bại trận nếm khổ đau,
Ai bỏ thắng, bỏ bại,
Tịch tịnh hưởng an lạc”. (Tương Ưng I. 102)

“Bậc Thánh bỏ gia đình,
Du hành không trú xứ;
Đối với dân trong làng,
Không tác thành hệ lụy.
Tuyệt không các dục vọng,
Không ước vọng hão huyền,
Chấm dứt mọi tranh luận,
Bất cứ với một ai”. (Tương Ưng III. 14)

*

[tie_index]Phẩm 2: Sân hận và nhu hòa[/tie_index]

PHẨM 2: SÂN HẬN VÀ NHU HÒA

Sân hận hành động như một cái kềm siết chặt những ai rơi vào sự chi phối của sân hận, và được xem là gây tai hại cho người đời.

Cho nên, tốt hơn là đừng nói lời thô ác đối với bất cứ ai, vì lời nói thô ác đem lại những lời thù hận và cho đến đao trượng chạm người.

Cho đến thiên chủ Đế Thích cũng khuyên chớ nên phẫn nộ, vì phẫn nộ nghiền người ác, như núi đá nghiền người.

Do vậy, bậc có trí “nhiếp phục giận với không giận”.

Những ai xứng đáng với danh xưng Bà-la-môn, phải thân thiện giữa thù địchôn hòa giữa hung hăng.

Ai chận được cơn giận đang nổi lên mới xứng đáng là bậc đánh xe, còn kẻ khác không làm được vậy, chỉ đáng gọi là người cầm cương hờ.

Thiên chủ Đế Thích khuyên chư Thiên chớ để phẫn nộ nhiếp phục, chớ để lòng sân chống đối sân hận, vì không phẫn nộ thì không làm hại mình, hại người, hại cả hai.

Bậc trí đã nhổ tận gốc phẫn nộ xứng đáng được tôn xưng là bậc Hiền thiện.

Người không phẫn nộ thật sự là người hòa bình. Tệ hơn cả hai là người bị mắng, lại mắng trả. Vị chiến thắng cả hai, chiến thắng mình và chiến thắng người, khi vị ấy tự chế, không mắng lại.

* * *

“Lửa nào bằng lửa tham,
Chấp nào bằng sân hận,
Lưới nào bằng lưới si,
Sông nào bằng sông ái”. (Pháp Cú. 251)

“Cỏ làm hại ruộng vườn,
Sân hận hại người đời,
Bố thí người lìa sân,
Do vậy được quả lớn”. (Pháp Cú. 357)

“Chớ nói lời ác độc,
Nói ác, bị nói lại,
Khổ thay lời phẫn nộ,
Đao trượng phải chạm người”. (Pháp Cú. 133)

“Này các Tỷ-kheo, thuở xưa, thiên chủ Đế Thích tại Thiện pháp đường, muốn làm lắng dịu chư Thiên ở cõi Ba mươi ba, lúc ấy nói lên bài kệ này:

“Hãy nhiếp phục phẫn nộ,
Giữ tình bạn không phai,
Không đáng mắng, chớ mắng,
Không nên nói hai lưỡi,
Phẫn nộ nghiền người ác,
Như núi đá nghiền người”. (Tương Ưng I. 305)

“Lấy không giận thắng giận,
Lấy thiện thắng không thiện,
Lấy thí thắng xan tham,
Lấy chơn thắng hư ngụy”. (Pháp Cú. 223)

“Thân thiện giữa thù địch,
Ôn hòa giữa hung hăng,
Không nhiễm giữa nhiễm trước,
Ta gọi Bà-la-môn”. (Pháp Cú. 406)

“Ai chận được cơn giận,
Như dừng xe đang lăn,
Ta gọi người đánh xe,
Kẻ khác, cầm cương hờ”. (Pháp Cú. 222)

Này các Tỷ-kheo, thuở xưa thiên chủ Đế Thích, tại Thiện pháp đường, muốn làm lắng dịu chư Thiên ở cõi Ba mươi ba, lúc ấy nói lên bài kệ này:

“Chớ để lòng phẫn nộ,
Nhiếp phục chi phối ông.
Chớ để lòng sân hận,
Đối trị với sân hận.
Không phẫn nộvô hại,
Bậc Thánh thường an trú.
Phẫn nộ nghiền người ác,
Như núi đá nghiền người”. (Tương Ưng I. 305)

“Chỉ ai đã cắt tiệt,
Nhổ tận gốc, đoạn trừ,
Người trí ấy diệt sân,
Đuợc gọi người Hiền thiện”. (Pháp Cú. 263)

“Với vị không phẫn nộ,
Phẫn nộ từ đâu đến?
Sống chế ngựchánh mạng,
Giải thoát nhờ chánh trí,
Vị ấy sống như vậy,
Đời sống được tịch tịnh.
Bị mắng phỉ báng lại,
Tệ hơn cả hai người,
Những ai bị phỉ báng,
Không phỉ báng chống lại,
Người ấy đủ thắng trận,
Thắng cho mình, cho người
Vị ấy tìm lợi ích,
Cho cả mình và người.
Và kẻ đã phỉ báng,
Tự hiểu, lắng nguôi đầu”. (Tương Ưng I, 200)

*

PHẨM 3: LÀM HẠI VÀ KHÔNG LÀM HẠI

Hại người không làm hại ai, chẳng khác ngược gió tung bụi, với kết quả là tự mình phải chịu kết quả hành động của mình.

Đức Phật trong khi quan sát tâm trí của mọi loài chúng sanh đã tuyên bố rằng, mọi loài thương tự ngã của mình là tối thượng. Nếu chúng ta thương tự ngã của chúng ta, chớ có làm hại tự ngã của người. Mọi loài cầu an lạc. Hại người để cầu an lạc cho mình thật là hạ sách. Đừng hại người mới là thượng sách đem lại hạnh phúc cho mình. Đối với đức Phật, chỉ những ai thật sự không làm hại một ai, mới xứng danh là vị “Bất hại”.

Bậc Thánh, bậc có trí không hại một chúng sanh nào. Hành động các vị ấy, thân nghiệpkhẩu nghiệp hay ý nghiệp hoàn toàn bất hại. Đó là lý do tại sao các vị ấy được gọi là các bậc Thánh.

* * *

“Vì nghĩ đến tư lợi,
Nên mới cướp hại người,
Khi người khác cướp hại;
Bị hại, lại hại người.
Người ngu nghĩ như vậy,
Khi ác chưa chín muồi;
Khi ác đã chín muồi,
Người ngu chịu khổ đau.
Sát người bị người sát;
Thắng người bị người thắng;
Mắng người, người mắng lại;
Não người, người não lại.
Do nghiệp lực diễn tiến,
Bị hại, lại hại người”. (Tương Ưng I. 103)

“Không xúc, không có chạm,
Có xúc thời có chạm,
Nếu hại người không hại,
Tức có xúc, có chạm.
Ai hại người không hại,
Người tịnh không ô nhiễm,
Kẻ ngu hái quả ác,
Như ngược gió tung bụi”. (Tương Ưng I. 16)

“Tâm ta đi cùng khắp.
Tất cả mọi phương trời,
Cũng không tìm thấy được,
Ai thân hơn tự ngã.
Tự ngã đối mọi người,
Quá thân ái như vậy,
Vậy ai yêu tự ngã,
Chớ hại tự ngã người”. (Tương Ưng I. 92)

“Chúng sanh cầu an lạc,
Ai dùng trượng hại người,
Tìm an lạc cho mình,
Đời sau không được lạc”. (Pháp Cú. 131)

“Chúng sanh cầu an lạc,
Không dùng trượng hại người,
Tìm an lạc cho mình,
Đời sau được hưởng lạc”. (Pháp Cú. 132)

Bà-la-môn Ahimsaka thưa với đức Phật: “Con là Ahimsaka, thưa Tôn giả Gotama. Con là Ahimsaka, thưa Tôn giả Gotama”. Đức Phật nói lên bài kệ với Bà-la-môn:

“Danh phải tương xứng người,
Người phải là bất hại.
Ai với thân, khẩu, ý,
Không làm hại một ai.
Ai không hại người khác,
Người ấy thật Bất hại”. (Tương Ưng I. 203)

“Còn sát hại sinh linh,
Đâu được gọi Hiền Thánh.
Không hại mọi chúng sanh,
Mới được gọi Hiền Thánh”. (Pháp Cú. 270)

“Ai sống tự trang sức,
Nhưng an tịnh nhiếp phục.
Sống kiên trì Phạm hạnh,
Không hại mọi sanh linh.
Vị ấy là Phạm chí,
Hay Sa-môn, khất sĩ”. (Pháp Cú. 142)

“Bậc Hiền không hại ai,
Thân thường được chế ngự,
Đạt được cảnh bất tử,
Đến đấy không ưu sầu”. (Pháp Cú. 225)

*

PHẨM 4: HẬN THÙ VÀ THÂN HỮU

Đức Phật tuyên bố rất rõ ràng rằng, một tâm đầy những hận thù và thù địch, người như vậy không thể hiểu một cách tốt đẹp, không thể nói một cách tốt đẹp. Một người ôm ấp nuôi dưỡng sự bất mãn và uất hận sẽ không làm dịu bớt hận thù của mình. Với niệm một mìnhhận thù không có thể trừ diệt. Chỉ với một tâm tư ngày đêm thích thú trong bất hại và với lòng từ mẫn đối với tất cả loài hữu tình, người như vậy mới có thể chấm dứt hận thù.

“Định luật ngàn thu xác định hận thù không thể trừ diệt hận thù. Chỉ có tình thương mới trừ diệt được hận thù. Do vậy, sung sướng thay là đời sống của chúng ta, nếu chúng ta sống không hận thù giữa những người thù hận”.

Một người biết cách tự nhiếp phục mình để chấm dứt mọi hận thù, mọi thù địch, người như vậy đạt được Niết-bàn, vì rằng ở Niết-bàn sẽ không có hận thù.

Đức Phật, với lòng từ thương tưởng mọi chúng sanh sẽ không thích thú trong hận thù. Cho nên Ngài sẽ làm tất cả những gì có thể làm được để làm vơi bớt, nhẹ bớt và chấm dứt mọi thù địch và hận thù trong thế giới này.

* * *

“Tâm Ông thật ô uế,
Và đầy những thù hận,
Làm sao biết tốt đẹp?
Làm sao nói tốt đẹp?
Ai nhiếp phục thù hận,
Nhiếp phục tâm chống đối,
Từ bỏ mọi hận tâm,
Vị ấy biết tốt đẹp,
Vị ấy nói tốt đẹp”. (Tương Ưng I. 222)

“Nó thắng tôi, đánh tôi,

Nó thắng tôi, diệt tôi”.
Ai ôm niềm hận ấy,
Hận thù không thể nguôi”. (Pháp Cú. 3)

“Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, diệt tôi”.
Không ôm niềm hận ấy,
Hận thù được tự nguôi”. (Pháp Cú. 4)

Dạ xoa Manibhadda đi đến Thế Tôn và nói lên bài kệ này:

“Lành thay, thường chánh niệm,
Nhờ niệm, lạc tăng trưởng.
Có niệm, ngày mai đẹp,
Hận thù được giải thoát!”

(Thế Tôn):
“Lành thay, thường chánh niệm,
Nhờ niệm, lạc tăng trưởng.
Có niệm, ngày mai đẹp,
Hận thù chưa giải thoát.
Với ai, trọn ngày đêm,
Tâm ý lạcbất hại.
Từ tâm, mọi hữu tình,
Vị ấy không thù hận”. (Tương Ưng I. 260)

“Hận thù diệt hận thù,
Đời này không có được,
Không hận diệt hận thù
Là định luật ngàn thu”. (Pháp Cú. 5)

“Vui thay, chúng ta sống,
Không hận giữa hận thù,
Giữa những người thù hận,
Ta sống, không hận thù”. (Pháp Cú. 197)

“Không hận, hết bổn phận,
Trì giới, không tham ái,
Nhiếp phục thân cuối cùng,
Ta gọi Bà-la-môn”. (Pháp Cú. 400)

“Nếu tự mình yên lặng,
Như chiếc chuông bị bể,
Ông đã chứng Niết-bàn,
Ông không còn sân hận”. (Pháp Cú. 134)

*

PHẨM 5: SÁT SANH VÀ TÔN TRỌNG SỰ SỐNG

Thế Tôn kính trọng sự sống, bất cứ sự sống nào, cho đến sự sống của côn trùng và sự sống của cỏ cây. Ngài tự mình thực hành, không đổ các đồ ăn dư thừa của mình trên đám cỏ xanh, hay nhận chìm trong nước có các loại côn trùng nhỏ. Đức Phật khuyên các đệ tử chớ có sát sanh để cúng dường đức Phật và các đệ tử của Ngài, vì nếu làm vậy, chúng tích lũy nhiều phi công đức.

Ngài trình bày rõ ràng rằng, sát sanh đưa tới tái sanh trong địa ngụcsúc sanhngạ quỷ và quả báo nhẹ nhất của sát sanh là sanh ra làm người với tuổi thọ ngắn. Lại nữa, sát hại chúng sanh đem đến sự sợ hãi và hận thù trong hiện tại và trong tương lai và làm sanh khởi tâm khổ, tâm ưu.

Do vậy, đức Phật khuyên chớ nên sát sanh vì rằng mọi chúng sanh sợ hãi hình phạt, đối với mọi loài hữu tình sự sống là quý nhất trên đời. Giới thứ nhất của một cư sĩ phải thọ trì là kính trọng sự sống, không sát hại chúng sanh. Và một Bà-la-môn xứng đáng với danh xưng, một vị Thánh xứng đáng với Thánh vị, phải thực hiện sự kính trọng đời sống này một cách toàn diện và đầy đủ.

* * *

“Và còn lại đồ ăn thừa này của Ta cần phải quăng bỏ. Nếu các Ông muốn, hãy ăn. Nếu các Ông không muốn ăn; Ta sẽ quăng bỏ đồ ăn ấy tại chỗ không có cỏ xanh, hay Ta sẽ nhận chìm trong nước không có các loại côn trùng”. (Trung Bộ I. 13-13A)

“Này Jìvaka, nếu người nào vì Như Lai, hay vì đệ tử Như Lai, giết hại sinh vật, người ấy sẽ chất chứa nhiều phi công đức do năm nguyên nhân. Khi người ấy nói như sau: “Hãy đi và dắt con thú này đến” đó là nguyên nhân thứ nhất, người ấy chất chứa nhiều phi công đức. Con thú ấy khi bị bắt đi, vì bị lôi kéo nơi cổ, nên cảm thọ khổ ưu, đó là nguyên nhân thứ hai, người ấy chất chứa nhiều phi công đức. Khi nó nói như sau: “Hãy đi và giết con thú này”, đó là nguyên nhân thứ ba, người ấy chất chứa nhiều phi công đức. Khi con thú ấy bị giết cảm thọ khổ ưu, đây là nguyên nhân thứ tư, người ấy chất chứa nhiều phi công đức. Khi người ấy cúng dường Như Lai hay đệ tử Như Lai một cách phi pháp, đó là nguyên nhân thứ năm, người ấy chất chứa nhiều phi công đức. Này Jìvaka nếu người nào vì Như Lai hay đệ tử Như Lai giết hại sinh vật, người ấy sẽ chất chứa nhiều phi công đức do năm nguyên nhân này”. (Trung Bộ II. 371A)

“Này các Tỷ-kheo, nếu sát sanh được thực hiện, được luyện tập, được làm cho sung mãn, đưa đến địa ngục, sẽ đưa đến loài bàng sanh, đưa đến cõi ngạ quỷ. Quả dị thục hết sức nhẹ (sabbalahuso) của sát sinh, là được làm người với tuổi thọ ngắn”. (Tăng Chi III A. 230)

“Này Jìvaka, những ai nói như sau: “Vì Sa-môn Gotama, chúng giết hại các sinh vật. Và Sa-môn Gotama, tuy biết vẫn dùng các loại thịt được giết vì mình, được làm cho mình”, những người ấy không nói chính lời của Ta, chúng xuyên tạc Ta, không như chân, không như thật. Này Jìvaka Ta nói trong ba trường hợp, thịt không được thọ dụng: Thấy, nghe và nghi (vì mình mà giết). Ta nói ba trường hợp nầy thịt không được thọ dụng. Này Jìvaka, Ta nói trong ba trường hợp này, thịt được thọ dụng: Không thấy, không nghe, không nghi (vì mình mà giết). Này Jìvaka, Ta nói trong ba trường hợp này, thịt được thọ dụng”. (Trung Bộ II. 370)

“Này gia chủsát sanh, do duyên sát sanh tạo ra sợ hãi hận thù ngay trong hiện tại, tạo ra sợ hãi hận thù trong tương lai, khiến tâm cảm thọ khổ ưu. Từ bỏ sát sanh, không tạo ra sợ hãi hận thù trong hiện tại, không tạo ra sợ hãi hận thù trong tương lai, không khiến tâm cảm thọ khổ ưu. Người từ bỏ sát sanh làm lắng dịu sợ hãi hận thù này”. (Tăng Chi III B. 176)

“Mọi người sợ hình phạt,
Mọi người sợ tử vong.
Lấy mình làm ví dụ,
Không giết, không bảo giết”. (Pháp Cú. 129)

“Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán đoạn tận sát sinhtừ bỏ sát sinh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình. Hôm nay, đêm này và ngày này. Ta cũng đoạn tận sát sanhtừ bỏ sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình. Với chi phần này, ta theo gương vị A-la-hán, ta sẽ thực hành ngày trai giới”. (Tăng Chi III. 232)

“Bỏ trượng đối chúng sanh,
Yếu kém hay kiên cường,
Không giết, không bảo giết,
Ta gọi Bà-la-môn”. (Pháp Cú. 405)

“Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử đoạn tận sát sinhtừ bỏ sát sinh. Này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử từ bỏ sát sinh, đem (sự) không sợ hãi cho vô lượng chúng sinh, đem (sự) không hận thù cho vô lượng chúng sinh, đem (sự) không hại cho vô lượng chúng sinh; sau khi cho vô lượng chúng sinh, không sợ hãi, không hận thù, không hại, vị ấy sẽ được san sẻ vô lượng không sợ hãi, không hận thù, không hại. Này các Tỷ-kheo, đây là bố thí thứ nhất, là đại bố thí, được biết là tối sơ, được biết là lâu ngày, không bị những Sa-môn, Bà-la-môn có trí khinh thường”. (Tăng Chi III. A. 229)

CHƯƠNG BA
TRÍCH DỊCH VỀ TĂNG GIÀ

 

Khi đức Phật thành lập đoàn Tăng-già đầu tiên, Ngài chú ý bận tâm nhất là chế đặt một số giới luật căn bản để bảo đảm một đời sống thật sự hòa hợp nhất trí giữa các chúng Tăng. Do vậy, Ngài dạy sáu pháp cần phải ghi nhớ hay sáu phép hòa kỉnh. Ngài khuyên các đệ tử của Ngài sống với nhau trong tinh thần hòa hợp hoan hỷ với nhau như nước với sữa, nhìn nhau với cặp mắt đầy thiện cảm. Khi các Tỷ-kheo ở Kosambi cãi vã nhau, lời khiển trách của đức Phật thật nghiêm khắc và thẳng thắn.

Thiên chủ Đế Thích có sự kính trọng lớn đối với chúng Tăng, vì chúng Tăng tượng trưng cho thành phần “không chiến giữa giao chiến, trầm tĩnh giữa dao gậy”. Đế Thích xem những hạng người này là thắng trận hai lần, thắng trận đối với mình, thắng trận đối với người khác, những người, khi bị mắng nhiếc, không mắng nhiếc lại.

Đức Phật khuyên các Tỷ-kheo nên làm cho Pháp Luật khéo giảng này được chói sáng với hạnh kham nhẫn và nhu hòa của mình; nên sống đời sống thanh thoát và an tịnhmột đời sống thật sự hạnh phúc, khi tâm tư của chư vị đạt được hòa bình, hòa bình trên chính mình, hòa bình trên thế giới.

* * *

Rồi Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo: “Này các Tỷ-kheo, có sáu pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luậnhòa hợp nhất trí. Thế nào là sáu? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo an trú từ thân hành đối với các vị đồng Phạm hạnh, cả trước mặt lẫn sau lưng. Pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luậnhòa hợpnhất trí. Lại nữa, này các Tỷ- kheo, Tỷ-kheo an trú từ khẩu hành… an trú từ ý hành đối với các vị đồng Phạm hạnh, cả trước mặt lẫn sau lưng. Pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luậnhòa hợp nhất trí. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, đối với các tài vật nhận được đúng pháp, hợp phápcho đến những tài vật thâu nhận chỉ trong bình bát, Tỷ-kheo không phải là người không san sẻ các tài vật nhận được như vậy, phải là người san sẻ dùng chung với các vị đồng Phạm hạnh có giới đức. Pháp này… (như trên) … đưa đến không tranh luậnhòa hợpnhất trí. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, đối với các giới luật không có vi phạm, không có tỳ vết, không có vẩn đục, không có uế tạp, giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp trước, đưa đến Thiền định, Tỷ-kheo sống thành tựu trong các giới luật ấy với các vị đồng Phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng. Pháp này… (như trên)… hòa hợpnhất trí. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, đối với các tri kiến, thuộc về bậc Thánh, có khả năng hướng thượng, khiến người thực hành chân chánh diệt tận khổ đau, Tỷ-kheo sống thành tựu tri kiến như vậy, cùng với các vị đồng Phạm hạnh, cả trước mặt lẫn sau lưng. Pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luậnhòa hợpnhất trí. Này các Tỷ-kheo, có sáu pháp này, cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luậnhòa hợp, nhất trí”. (Trung Bộ I. 321 B)

“Này các Anuruddhà như thế nào các Ông sống hòa hợphoan hỷ với nhau như nước với sữa, sống nhìn nhau với cặp mắt thiện cảm?” – “Bạch Thế Tôn ở đây chúng con nghĩ như sau: “Thật lợi ích thay cho ta! Thật khéo lợi ích thay cho ta, khi ta được sống với các vị đồng phạm hạnh như vậy?” Bạch Thế Tôn, do vậy đối với các vị đồng phạm hạnh này, con khởi lên từ thân nghiệptrước mặt và sau lưng, con khởi lên từ khẩu nghiệp trước mặt và sau lưng,con khởi lên từ ý nghiệp trước mặt và sau lưng. Bạch Thế Tôn, do vậy chúng con nghĩ như sau: “Ta hãy từ bỏ tâm của ta và sống thuận theo tâm của những Tôn giả này. Và bạch Thế Tôn, con từ bỏ tâm của con và sống thuận theo tâm của những Tôn giả ấy. Bạch Thế Tôn, chúng con khác thân nhưng giống như đồng một tâm”. (Trung Bộ I. 206)

“Này các Tỷ – kheo, các Thầy nghĩ thế nào? Trong khi các Thầy sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau bằng binh khí miệng lưỡi, trong khi ấy các Thầy có an trú từ thân hành đối với các vị đồng Phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng không? Các Thầy có an trú từ khẩu hành đối với các vị đồng Phạm hạnh, cả trước mặt lẫn sau lưng không? Các Thầy có an trú từ ý hành đối với các vị đồng Phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng không?” – “Bạch Thế Tôn, không”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy đã chấp nhận rằng, trong khi các Thầy sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau bằng binh khí miệng lưỡi, trong khi ấy không an trú từ thân hành đối với các vị đồng Phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng, không an trú từ khẩu hành đối với các vị đồng Phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng, không an trú từ ý hành đối với các vị đồng Phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng. Như vậy, này các kẻ ngu kia, do biết gì, do thấy gì các Thầy sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau với những binh khí miệng lưỡi, và các Thầy không tự thông cảm nhau, không chấp nhận hòa giải. Như vậy, này các kẻ ngu kia, các Thầy sẽ phải chịu bất hạnhđau khổ trong một thời gian dài “. (Trung Bộ I. 321A-321B)
(Đế Thích):

“Chư Thiên chiến Tu-la,
Loài Người cùng gây chiến,
Không chiến giữa gây chiến.
Trầm tĩnh giữa đao gậy,
Không chấp giữa chấp trước,
Vậy ta kính lễ chúng “. (Tương Ưng I. 299 – 300)

Sakka vua các chư Thiên nói lên những câu kệ này:

“Người đầy đủ sức mạnh,
Chịu nhẫn người yếu kém,
Nhẫn ấy gọi tối thượng,
Thường nhẫn kẻ yếu hèn.
Sức mạnh của kẻ ngu,
Được xem là sức mạnh,
Thời sức mạnh kẻ mạnh
Được gọi yếu hơn sao?
Người mạnh hộ trì pháp,
Không nói lời phản ứng.
Bị mắng, nhiếc mắng lại,
Ác hại nặng nề hơn.
Bị mắng, không mắng lại
Được chiến thắng hai lần,
Thắng mình và thắng người “. (Tương ưng I. 280-281)

“Bà-la-môn tịch tịnh,
Luôn luôn sống an lạc,
Không đèo bòng dục vọng,
Thanh lương, không sanh y,
Mọi ái trược đoạn diệt,
Tâm khổ não điều phục,
Tịch tịnh sống an lạc,
Tâm tư đạt hòa bình “. (Tương Ưng I. 265)

“Như Lai, bậc Giác ngộ,
Thương xót mọi hữu tình,
Ai không chịu chấp nhận,
Tội lỗi được phát lộ,
Nội phẫn, ưa sân hận,
Hận thù càng kiên chặt.
Ta không thích hận thù,
Ta nhận tội các Ông”. (Tương Ưng I. 29)

CHƯƠNG BỐN
LỜI DẠY VỀ CÁC HẠNG NGƯỜI THIÊN VỀ CHIẾN TRANH
VÀ HẠNG NGƯỜI THIÊN VỀ HÒA BÌNH

 

PHẨM 1: NGƯỜI ÁC VÀ NGƯỜI THIỆN.

Nói một cách tổng quát, có hai hạng người ở đời. Hạng người thiên về cãi lộnưa thích gây sự và có xu hướng chiến tranh. Có hạng người thiên về sống hòa thuậnhoan hỷ trong tình bạn và có xu hướng hòa bình.

Trong hạng người đầu, có thể phân loại hạng người độc ác, hạng người ngu si và hạng người sống phóng đãng. Trong hạng người thứ hai được xếp loại hạng người hành thiện, hạng người có trí, hạng người biết sống chế ngự điều phục.

Đức Phật đã phân loại rõ ràng giữa thiện và ác khuyên tất cả đệ tử của mình không làm ác, làm các hạnh lành và giữ tâm ý trong sạch. Ngài biết rằng làm ác thì dễ, làm lành khó hơn, nhưng các đệ tử của Ngài phải biết lựa chọn giữa ác và thiện, vì kẻ ác phải đi xuống địa ngục và chịu rất nhiều khổ đau; còn bậc Thiện sẽ được lên cõi Trời và hưởng thọ hạnh phúcNgoài ra bậc Thiện chói sáng như núi Tuyết với hành động thiện của mình. Còn kẻ ác thời màn đen bao phủ như tên bắn đêm đen.

Do vậy, đức Phật khuyên chúng ta không nên làm bạn với kẻ ác, chỉ thân thiện với bạn lành. Ngài nêu rõ rằng, nếu chúng ta muốn sống, chúng ta phải tránh ác như tránh thuốc độc, vì một bàn tay không thương tích có thể cầm thuốc độc mà không có hại gì. Pháp của bậc Thiện không mất, nhưng đi theo người làm lành đến chỗ các hạnh lành dắt dẫn đến. Các hạnh lành đón chào người làm lành khi đi từ thế giới này qua thế giới khác, như bà con đón chào người thân yêu đi xa mới trở về.

Như vậy, vấn đề đặt ra rất rõ ràng và dứt khoát. Ác và thiện đều do tại mình tạo ra. Ác đưa đến cãi nhaugây hấn và chiến tranh. Còn thiện đưa đến hòa thuậnthân hữu và hòa bình.

* * *

“Không làm mọi điều ác,
Thành tựu các hạnh lành,
Tâm ý giữ trong sạch,
Chính lời chư Phật dạy “. (Pháp Cú. 183)

“Dễ làm các điều ác,
Và các điều tự hại,
Còn việc lợi và tốt,
Thật tối thượng khó làm “. (Pháp Cú. 163)

“Ác hạnh không nên làm,
Làm xong chịu khổ lụy.
Thiện hạnh ắt nên làm,
Làm xong, không ăn năn “. (Pháp Cú, 314)

“Một số sinh bào thai.
Kẻ ác sinh địa ngục.
Người thiện lên cõi Trời,
Vô lậu chứng Niết-bàn “. (Pháp Cú. 126)

“Người lành dầu ở xa,
Sáng tỏ như núi Tuyết,
Kẻ ác dầu ở đây,
Cũng không hề được thấy,
Như tên bắn đêm đen”. (Pháp Cú. 304)

“Ai dùng các hạnh lành,
Làm xóa mờ nghiệp ác,
Sẽ chói sáng đời này,
Như trăng thoát mây che “. (Pháp Cú. 173)

“Chớ thân với bạn ác,
Chớ thân kẻ tiểu nhân,
Hãy thân người bạn lành,
Hãy thân bậc thượng nhân “. (Pháp Cú. 78)

“Ít bạn đường, nhiều của,
Người buôn tránh đường hiểm,
Muốn sống, tránh thuốc độc,
Hãy tránh ác như vậy “. (Pháp Cú. 123)

“Bàn tay không thương tích,
Có thể cầm thuốc độc,
Không thương tích tránh độc,
Không làm, không có ác “. (Pháp Cú. 124)

“Như xe vua lộng lẫy,
Cuối cùng bị hư già,
Thân này rồi sẽ già.
Chỉ có pháp bậc Thiện,
Khỏi bị nạn già nua.
Như vậy bậc Chí Thiện
Nói lên cho bậc Thiện “. (Pháp Cú. 151)

“Khách lâu ngày tha hương,
An ổn từ xa về,
Bà con cùng thân hữu,
Hân hoan đón chào mừng”. (Pháp Cú. 219)

“Cũng vậy, các phước nghiệp,
Đón chào người làm lành,
Đời này đến đời kia,
Như thân nhân đón chào “. (Pháp Cú. 220)

“Tự mình điều ác làm,
Tự mình làm nhiễm ô.
Tự mình ác không làm,
Tự mình làm thanh tịnh.
Thanh tịnh, không thanh tịnh,
Đều do tự chính mình,
Không ai thanh tịnh ai “. (Pháp Cú. 165)

*

PHẨM 2: NGƯỜI NGU VÀ BẬC TRÍ

Đức Phật thấy rõ thái độ khác nhau của kẻ ngu và bậc trí đối với thế giới này. Kẻ ngu tham đắm, si mê và trở thành nô lệ cho thế giới này. Nhưng người trí không có đắm say, không có luyến ái, và xử sự như người chủ nhân đối với đời. Nhưng lời tuyên bố của đức Phậtsợ hãithất vọng tai họa chỉ khởi lên cho người ngu, không khởi lên cho người trí, là một cảnh cáo nghiêm khắc cho tất cả chúng ta. Rồi đức Phật tiếp đến tuyên bố rằng người ngu xử sự một cách khiến cho tự ngã trở thành kẻ thù. Và khi danh vọng đến với kẻ ngu, kẻ ngu phải chịu bất hạnh và đau khổ. Bậc trí có hành động khác hẳn. Bậc trí tinh cần giữa những người phóng dậttỉnh thức giữa những người mê ngủ, bước tới như con ngựa phi, bỏ sau những kẻ ngu si yếu hèn. Bậc trí chinh phục Ma và Ma quânuốn nắn tâm chánh trựcthực hành Thiền địnhkiên trì tinh tấn và nhờ vậy hưởng được hạnh phúc Niết-bàn. Với trí tuệ của mình, bậc Trí chói sáng đời này gồm có những phàm phu mù quáng và ngu si. Bậc Trí đứng thẳng như một hoa sen thơm hương và đẹp sắc, sanh ra từ đống rác quăng bỏ trên đường lớn. Hạnh phúc Niết-bàn và hạnh phúc Hòa bình chỉ đến với bậc Trí, không bao giờ đến với kẻ ngu.

* * *

“Hãy đến nhìn đời này,
Như xe vua lộng lẫy,
Người ngu mới tham đắm,
Kẻ trí nào đắm say “. (Pháp Cú. 171)

“Này các Tỷ-kheo, nếu có sợ hãi gì khởi lên, chúng khởi lên cho người ngu, chớ không phải cho người trí. Nếu có thất vọng gì khởi lên, chúng khởi lên cho người ngu, chớ không phải khởi lên cho người trí. Nếu có tai họa gì khởi lên, chúng khởi lên cho người ngu, chớ không phải cho người trí”. (Trung Bộ III. 188)

“Người ngu si thiếu trí,
Tự ngã là kẻ thù.
Làm ác nghiệp không thiện,
Phải chịu quả đắng cay”. (Pháp Cú. 66)

“Tự nó chịu bất hạnh,
Khi danh đến kẻ ngu,
Vận may bị tổn hại,
Não đầu bị nát tan “. (Pháp Cú. 72)

“Tinh cần giữa phóng dật,
Tỉnh thức giữa quần mê,
Người trí như ngựa phi,
Bỏ sau con ngựa hèn”. (Pháp Cú. 29)

“Như chim thiên nga bay,
Thần thông liệng giữa trời.
Chiến thắng Ma, Ma quân,
Bậc trí thoát đời này”. (Pháp Cú. 175)

“Tâm hoảng hốt dao động,
Khó hộ trì, khó nhiếp,
Người trí làm tâm thẳng,
Như thợ tên, làm tên”. (Pháp Cú. 33)

“Người hằng tu Thiền định,
Thường kiên trì tinh tấn,
Bậc Trí hưởng Niết-bàn,
Ách an ổn, vô thượng”. (Pháp Cú. 23)

“Như giữa đống rác nhớp,
Quăng bỏ trên đường lớn,
Chỗ ấy hoa sen nở,
Thơm sạch đẹp ý người” (Pháp Cú. 58)

“Cũng vậy giữa quần sanh,
Uế nhiễm, mù, phàm tục,
Đệ tử bậc Chánh trí,
Sáng ngời với tuệ trí”. (Pháp Cú. 59)

*

PHẨM 3: NGƯỜI PHÓNG DẬT VÀ BẬC TỰ ĐIỀU

Đức Phật biết rõ tâm tư xu hướng của chúng sanh. Ngài biết rằng người ngu si chuyên sống đời phóng túngbuông lung, còn người có trí thời không phóng dật, như giữ gìn tài sản quí. Do vậy Ngài khuyên người có trí với nỗ lực, không phóng dật, khéo chế ngự, tự mình xây dựng một hòn đảo mà nước lụt không thể ngập tràn. Ai trước kia sống phóng đãng nay sống không phóng dật sẽ chói sáng đời này như trăng thoát mây che.

Đối với đức Phật, một người chiến thắng ngàn quân địch ở chiến trường không thể so sánh với một người đã tự chiến thắng mình, vì rằng tự chiến thắng mình là chiến thắng tối thượng. Một người tự điều phục mình thường sống chế ngự. Và một tự ngã khéo chế ngự và khéo điều phục trở thành một điểm tựa có giá trị và đáng tin cậy, thật khó tìm được. Người nào ngồi nằm một mình, độc hành không buồn chán, biết tự điều phục, người như vậy có thể sống thoải mái trong rừng sâu. Người như vậy sẽ là bậc Đạo Sư đáng tin cậy, vì rằng tự khéo điều phục mình rồi mới dạy cho người khác khéo điều phục. Do vậy đức Phật khuyên mỗi người hãy tự điều phục mình. Chỉ những người khéo tự điều, những người không phóng dật mới biết con đường chấm dứt tranh luận, cãi vã, gây hấn và biết sống hòa hợpthân ái và sống hạnh phúc trong hòa bình.

* * *

“Chúng ngu si, ác trí,
Chuyên sống đời phóng túng.
Người trí không phóng dật,
Như giữ tài sản quý”. (Pháp Cú. 26)

“Nỗ lực, không phóng dật,
Tự điều, khéo chế ngự,
Kẻ trí xây hòn đảo,
Nước lụt khó ngập tràn”. (Pháp Cú. 25)

“Ai trước sống buông lung,
Sau sống không phóng dật,
Sẽ chói sáng đời này
Như trăng thoát mây che”. (Pháp Cú. 172)

“Dầu tại bãi chiến trường,
Thắng ngàn ngàn quân địch,
Tự thắng mình tốt hơn,
Thật chiến thắng tối thượng”. (Pháp Cú. 103)

“Tự thắng tốt đẹp hơn,
Hơn chiến thắng người khác.
Người khéo điều phục mình,
Thường sống tự chế ngự”. (Pháp Cú. 104)

“Tự mình nương tựa mình,
Nào có điểm tựa khác.
Nhờ khéo điều phục mình
Được điểm tựa khó được”. (Pháp Cú. 160)

“Tự mình che chở mình,
Tự mình nương tựa mình.
Vậy hãy tự điều phục,
Như thương khách ngựa hiền”. (Pháp Cú. 380)

“Ai nằm ngồi một mình,
Độc hành, không buồn chán,
Tự điều phục một mình.
Người ấy sống thoải mái,
Trong rừng sâu thanh vắng”. (Pháp Cú. 305)

“Hãy tự làm cho mình,
Như điều mình dạy người.
Khéo tự điều, điều người,
Khó thay, tự điều phục”. (Pháp Cú. 159)

“Người trị thủy dẫn nước,
Kẻ làm tên nắn tên,
Người thợ mộc uốn ván,
Bậc tự điều, điều thân”. (Pháp Cú. 145)

CHỮ VIẾT TẮT

A: Anguttara Nikàya
Dhp: Dhammapada
E: English
M: Majjhima Nikàya
P: Pàli
S: Samyutta Nikàya
Tăng Chi: Tăng Chi Bộ Kinh
Trung BộTrung Bộ Kinh
Tương ƯngTương Ưng Bộ Kinh
V: Việt Nam

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn