Làm thế nào để có một đời sống đạo đức

13 Tháng Hai 201913:27(Xem: 6651)
LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ MỘT ĐỜI SỐNG ĐẠO ĐỨC 
Đức Đạt Lai Lạt Ma

Nền Tảng Căn Bản của một Đời Sống Đạo Đức
Quan Tâm Bản Thân đối đầu với Quan Tâm Người Khác


dalailama_galleryTinh túy của đạo Phật là: nếu có khả năng, ta nên giúp đỡ người khác; nếu không thể giúp họ, thì tối thiểu nên hạn chế việc gây hại cho họ. Đây là tinh túy của cách sống một cuộc đời đạo đức.

Mỗi một hành động đều bắt nguồn từ một động cơ. Nếu ta phương hại người khác, điều này bắt nguồn từ một động cơ; và nếu ta giúp đỡ người khác, điều ấy cũng bắt nguồn từ một động cơ. Thế nên, để hỗ trợ hay phục vụ người khác, chúng ta cần một động cơ nào đấy. Vì thế, ta cần các khái niệm nào đó. Tại sao ta lại giúp đỡ và không phương hại người khác?

Thí dụ, khi ta sắp làm hại ai đó, ta có một loại ý thức nào đấy và điều này sẽ khiến ta kềm chế hành động của mình. Điều này có nghĩa là ta cần có một sự quyết tâm [không làm hại cho người khác]. Một góc của tâm thức ta muốn làm hại người nào đó, nhưng vì một trạng thái nào đó của tâm, một phần khác của tâm ta cho rằng điều này là sai trái, là không đúng. Bởi vì ta thấy rằng nó sai, thế nên ta phát triển một ý chí và tự kềm chế mình. Về mặt của hai sự lựa chọn [gây hại hay kềm chế,] chúng ta cần có một sự ý thức rằng những hành vi nào đó sẽ có những hậu quả lâu dài. Là con ngườichúng ta có trí thông minh để thấy được những hậu quả dài hạn. Khi ta thấy được chúng, ở một mức độ nhất thời, ta có thể tự kềm chế mình.

Ở đây, có hai cách tiếp cận khác nhau mà ta có thể chọn lựa. Với cách thứ nhất, ta nghĩ theo khía cạnh của sự quan tâm cho bản thân mình, rồi nếu ta có thể giúp đỡ ai đó, ta sẽ hành động; còn nếu khôngthể giúp, ta sẽ tự kềm chế mình để [không gây ra bất kỳ sự tổn hại nào]. Cách tiếp cận khác là suy nghĩtheo khía cạnh của sự quan tâm về người khác và cũng như vậy, nếu ta có thể giúp họ, ta sẽ giúp; còn nếu không, ta sẽ tự kiềm chế để [không gây hại cho họ]. Về khía cạnh kềm chế để không làm tổn thương người khác, ta sẽ nghĩ: “Nếu mình làm điều này, mình sẽ đối diện với những hậu quả tiêu cựcbao gồm những hậu quả về mặt pháp lý” và thế là ta tự kềm chế mình vì lý do này, đó là sự tự chế vì lý do quan tâm đến bản thân mình. Bây giờ, khi suy nghĩ về người khác như một lý do, ta sẽ nghĩ: “Người khác cũng giống như mình. Họ không muốn khổ đau; vì vậy, ta sẽ tránh làm hại họ.”

Khi ta rèn luyện [tâm thức mình], trước tiên, ta nghĩ về bản thân rồi nghĩ đến người khác một cách nhiệt tình. Về mặt hiệu quả, việc nghĩ đến người khác một cách nhiệt tình là điều mãnh liệt hơn. Về phương diện giới Ba La Đề Mộc Xoa – tức biệt giải thoát giớitruyền thống giới luật của sự tu tập trong tu viện – nền tảng chính yếu là suy nghĩ về bản thân mình và vì vậy mà ta tránh việc gây hại cho người khác. Đó là vì ta đang hướng đến mục đích giải thoát. Về mặt tu tập bồ tát hạnhlý do chính để không phương hạingười khác là sự quan tâm đến phúc lợi của tha nhân. Có lẽ điều thứ hai, đó là tránh gây hại và giúp đỡ người khác trên căn bản vị tha, có một sự liên hệ với trách nhiệm phổ quát mà tôi rất thường đề cập đến.

Tính Chất Cơ Bản của Con Người

Nói chung, con người là những động vật xã hội. Bất kể là ai, sự sống còn của người ấy tùy thuộc trên toàn thể cộng đồng nhân loại. Vì sự sống còn và phúc lợi của mỗi cá nhân lệ thuộc vào xã hội, nên nhu cầu nghĩ đến phúc lợi của người khác và quan tâm về nó xuất phát từ bản tính cơ bản của chúng ta. Nếu ta nhìn vào những con khỉ đầu chó, thí dụ thế, con khỉ già hoàn toàn lãnh trách nhiệm cho cả đàn. Trong khi những con khác đang ăn thì con khỉ đực già luôn luôn canh chừng ở bên cạnh chúng. Con thú mạnh hơn sẽ chăm sóc cả đàn vì lợi ích của xã hội loài thú.

Trong thời tiền sửcon người chúng ta không có nền giáo dục hay kỹ thuật. Căn bản xã hội con ngườicòn đơn giản: tất cả mọi người cùng lao động và chia sẻ với nhau. Những người cộng sản nói đây là chủ nghĩa cộng sản nguyên thủymọi người cùng làm việc và hưởng thụ với nhau. Rồi cuối cùng, nền giáo dục phát triển và chúng ta có một nền văn mình. Tâm thức [con người] trở nên phức tạp hơn và vì thế, lòng tham tăng trưởng. Điều đó dẫn đến lòng ganh tỵ và thù hận, rồi dần dần, chúng lớn mạnh hơn.

Ngày nay, trong thế kỷ hai mươi mốt, có quá nhiều sự thay đổi đã xảy ra [trong xã hội loài người]. Sự khác biệt giữa chúng ta đã phát triển – [những sự khác biệt về] học vấn, nghề nghiệp và bối cảnh xã hội. Thậm chí có sự khác biệt về tuổi tác và chủng tộc – nhưng tất cả những điều này không quan trọng. Ở mức độ cơ bản, chúng ta vẫn là con người và tất cả đều giống nhau. Đây là mức độ của hàng trăm nghìn năm trước.

Thái độ của trẻ thơ là như thế. Chúng không quan tâm về bối cảnh xã hộitôn giáochủng tộc, màu da hay sự giàu có của những đứa trẻ khác. Chúng cùng nhau nô đùa; chúng là những người bạn chân thậtcủa nhau, cho đến khi nào chúng còn thân thiện với nhau. Bây giờ cứ cho rằng những người lớn như chúng ta thông minh và phát triển cao độ hơn trẻ con, nhưng chúng ta xét đoán bối cảnh xã hội của nhau. Chúng ta tính toán, “Nếu mình mĩm cười thì mình sẽ được những gì mình muốn không; còn nếu mình nhăn mặt thì mình sẽ mất mát điều gì hay không?”

Trách Nhiệm Phổ Quát

Ý nghĩa của trách nhiệm phổ quát hay toàn cầu hoạt động ở mức độ của con ngườiChúng ta quan tâmvề người khác bởi vì: “Tôi là một người trong nhóm của họ; sự phúc lợi của tôi tùy thuộc vào họ, bất kể giữa tôi và họ có sự khác biệt gì.” Những sự khác biệt luôn luôn hiện diện; nhưng cách suy nghĩ như thế này có thể hữu ích.

Trong vài thế kỷ qua, dân số trên hành tinh này chỉ có khoảng một tỷ người; giờ đây đã có hơn sáu tỷ người. Vì dân số quá cao, một quốc gia không thể cung cấp toàn bộ thực phẩm và tài nguyên cho dân chúng trong nước. Thế là chúng ta có kinh tế toàn cầu. Vì thế, với hiện trạng của ngày hôm nay, thế giớiđã thu nhỏ lại và các quốc gia phụ thuộc lẫn nhau rất nhiều. Thực tế là như vậy. Ngoài điều này ra, còn có vấn đề môi sinh: trái đất đang gia tăng nhiệt độ. Đây là một điều đáng quan tâm đối với toàn thể sáu tỷ cư dân của hành tinh này, không chỉ với một hay hai quốc giaThực tế mới mẻ này đòi hỏi một tinh thần trách nhiệm toàn cầu.

Thí dụ vào thời xưa, Anh quốc chỉ nghĩ về nước họ và đôi khi đã khai thác một số vùng đất khác trên trái đất. Họ không lưu ý đến sự quan tâm hay cảm nhận của những người dân ở các vùng này. Vâng, đó là quá khứ. Nhưng bây giờ sự việc đã khác xa; mọi thứ đã thay đổi. Hiện nay, chúng ta phải chăm sóc các quốc gia khác.

Trên thực tế, thật ra những người theo chủ nghĩa đế quốc ở Anh đã làm một số việc tốt đẹp. Họ mang lại nền giáo dục ưu việt bằng Anh ngữ cho Ấn ĐộẤn Độ sẽ thừa nhận điều này. Anh quốc còn mang lại nền kỹ thuật và hệ thống đường rầy xe lửa. Đó là một trong những phẩm chất bù đắp của quý vị. Khi tôi đến Ấn Độ, một số những người theo chủ nghĩa Gandhi vẫn còn sống và họ góp ý với tôi về các phương pháp bất bạo động của Gandhi. Vào lúc đó, tôi đã nghĩ rằng những người của đế quốc Anh quá xấu xa. Nhưng rồi tôi thấy rằng đã có một nền tư pháp độc lập ở Ấn Độtự do ngôn luậntự do thông tin và v.v… Vì vậy, khi phản ảnh sâu sắc hơn, tôi thấy những điều này quá tốt đẹp.

Ngày nay, có một sự phụ thuộc chặt chẽ giữa các quốc gia và các lục địa. Với hiện trạng này, chúng tathật sự cần có tinh thần trách nhiệm toàn cầu. Mối quan tâm của bạn lệ thuộc vào sự phát triển và mối quan tâm của người khác. Thế nên, vì sự quan tâm cho bản thân, bạn phải chăm sóc cho người khác. Trên lĩnh vực kinh tế, điều này đã xảy ra. Ngay cả khi chúng ta có những tư tưởng khác biệt và thậm chí khi chúng ta không tin tưởng nhau, chúng ta vẫn phải giao tiếp với nhau trong nền kinh tế tương quan toàn cầu. Vì thế, trách nhiệm toàn cầu dựa trên nền tảng tôn trọng nhu cầu của nhau là điều vô cùngquan trọng.

Ta cần quan tâm đến người khác như anh chị em và phải có một cảm giác gần gũi. Điều này không liên hệ gì với tôn giáo cả. Chúng ta thật sự cần điều này. Ở một mức độ nào đó, ta có khái niệm về “ chúng ta và họ”, – dĩ nhiên ta có thể nói như vậy – nhưng toàn thể thế giới cần tự xem mình như một phần của “chúng ta”. Mối quan tâm của những người láng giềng của ta là sự quan tâm của bản thân ta.

Sự Toại Nguyện

Một cá nhân có một đời sống đạo đức có nghĩa là không gây hại cho ai, và nếu được thì giúp đỡ cho người khác. [Để thực hiện điều này,] nếu ta lấy phúc lợi của người khác làm nền tảng đạo đức cho chính mình – điều này sẽ trở nên một phạm vi đạo đức rộng lớn hơn. Lối sống của chúng ta phải quan tâm đến những yếu tố này.

Khoảng cách lớn giữa giàu và nghèo vẫn còn tồn tại, ngay cả ở Hoa Kỳ. Nếu chúng ta nhìn vào Hoa Kỳ, một quốc gia giàu có nhất, nhưng ở đó vẫn có những lỗ hổng của sự nghèo đói. Có một lần tôi đến Washington DC ở Hoa Kỳ, thủ đô của xứ sở giàu nhất, tôi đã thấy nhiều khu dân cư nghèo nàn ở đó. Nhu cầu căn bản của những người sống ở những khu vực này đã không được đáp ứng đầy đủ. [Tương tự như thế,] ở mức độ toàn cầu, nền kỹ nghệ công nghiệp ở phía Bắc phát triển mạnh và giảu có hơn [tất cả các vùng khác trên hành tinh này]; trong khi nhiều quốc gia ở Nam bán cầu còn đang đối đầuvới nạn đói. Điều này không chỉ sai sót về mặt đạo đức, mà còn là nguồn gốc của các vấn đề to lớn. Vì vậy, một số quốc gia giàu có nào đó phải nhìn lại và xem xét lối sống của mình; họ nên cảm thấy mãn nguyện với những gì họ có.

Một lần ở Nhật Bản, mười lăm năm trước đây, tôi đã phát biểu với những người Nhật là việc các bạn suy diễn rằng nền kinh tế của bạn phải lớn mạnh và sự tiến bộ vật chất phải xảy ra trong mỗi năm là một sai lầm lớn. Một ngày nào đó, các bạn có thể thấy nền kinh tế của mình trở nên eo hẹp hơn. Bạn phải chuẩn bị tinh thần để khi điều này xảy ra, nó sẽ không trở thành một thảm họa trong tâm tư các bạn. Một vài năm sau đó, tình trạng này đã thật sự xảy ra ở Nhật Bản.

Lối sống của một số người quá xa hoa. Không trộm cắp, không bóc lột, và không lưởng gạt, họ có rất nhiều tiền của. Từ quan điểm về sự quan tâm cho bản thân họ thì không có gì sai tráimiễn là phương tiện thu nhập của họ không trái với đạo đứcTuy nhiên, từ quan điểm về sự quan tâm đến người khác, mặc dù không có gì sai trai đối với họ; nhưng về khía cạnh đạo đức, đây là điều không tốt đẹp gì khi những người khác phải đối diện với nạn đói. Nếu mọi người đều có cùng lối sống xa hoa thì được; nhưng cho đến khi điều này xảy ra, cách sống tốt hơn mà ta nên áp dụng là [cảm thấytoại nguyện hơn với những gì mình có. Như tôi đã thấy ở Nhật Bản, Hoa Kỳ và những xã hội giàu có hơn, điều cần thiếtở các nước này là một chút thay đổi về lối sống.

Tại nhiều quốc gia, một gia đình có những hai, đôi khi ba chiếc xe hơi. Hãy tưởng tượng ở Ấn Độ và Trung Hoa, hai quốc gia này có một dân số phối hợp hơn hai tỷ người. Nếu hai tỷ người đòi hỏi hai tỷ chiếc xe hơi hay hơn nữa, điều này sẽ rất khó khăn. Chúng ta sẽ có một vấn đề và khó khăn to lớn về nhiên liệu, tài nguyên thiên nhiên và vật chất, và v.v… Điều này sẽ rất phức tạp.

Quan Tâm về Môi Trường

Một khía cạnh khác về lối sống đạo đức là sự quan tâm đến môi trường, thí dụ như việc sử dụng nước. Sự đóng góp của tôi có thể là ngờ nghệch, nhưng trong nhiều năm qua, tôi không bao giờ tắm trong bồn tắm, mà chỉ tắm bằng vòi hoa sen. Một bồn tắm cần rất nhiều nước. Có thể là tôi ngớ ngẩn, vì mỗi ngày tôi tắm hai lần, vì thế khối lượng nước mà tôi dùng sẽ như nhau. Dù sao đi nữa, về vấn đề đèn điện, thí dụ vậy, tôi luôn luôn tắt đèn khi ra khỏi phòng. Vì vậy, tôi có một sự đóng góp nhỏ cho nền sinh thái. Thế nên một đời sống đạo đức bắt nguồn từ ý thức trách nhiệm toàn cầu.

Cách Giúp Đỡ Người Khác

Về việc giúp đỡ người khác như thế nào thì có nhiều cách, phần đông tùy thuộc vào hoàn cảnh. Khi tôi còn trẻ, bảy hay tám tuổi, lúc tôi đang tu học, vị giáo thọ của tôi là Ling Rinpoche luôn luôn giữ một cây roi. Vào lúc ấy, người anh kế của tôi và tôi học chung với nhau. Đúng ra là có hai cây roi, một cây roi màu vàng – cây roi thánh, dành cho vị Đạo Sư thánh nhân. Nếu bạn dùng cây roi thánh, tôi không nghĩ là có bất cứ một cơn đau thánh thiện nào. Việc này có vẻ như một phương pháp khắt khe, nhưng thật ra nó rất hữu hiệu.

Nói cho cùng thì một hành động giúp ích hay gây hại tùy thuộc vào động cơ. Phát xuất từ sự quan tâmchân thành cho phúc lợi lâu dài của người khác, các phương pháp có khi khắc nghiệt, có khi nhẹ nhàng. Đôi khi ngay cả một lời nói dối nhỏ nhặt cũng có thể giúp ích. Thí dụ, bạn biết là một người bạn thân, một người cha hay mẹ của một người bạn ở một nước khác có thể đang bệnh nặng hay sắp chết, nhưng bạn biết rằng nếu bạn nói với người bạn là cha hay mẹ của họ sắp chết, họ sẽ rất bối rối và lo lắng và có thể ngất xỉu. Thế nên bạn nói, “Họ không sao.” Nếu bạn một trăm phần trăm không muốn làm cho người kia bối rối, thì trong trường hợp này, nếu như nhìn từ khía cạnh quan tâm cho bản thân mình thì một lời nói dối là trái với đạo lý, nhưng từ quan điểm của người kia, nó có thể là điều thích hợp nhất.

Các Phương Pháp Bạo Động đối đầu với Bất Bạo Động

Thế thì làm thế nào để giúp đỡ người khác một cách hữu hiệu nhất? Điều này không dễ. Chúng ta cần có trí tuệ, cần một ý thức sáng suốt về hoàn cảnh và sự uyển chuyển để sử dụng những phương phápkhác nhau, tùy theo những trường hợp khác nhau. Quan trọng nhất là động cơ của mình: ta cần có sự quan tâm chân thành đối với người khác.

Thí dụ, một phương pháp bạo động hay bất bạo động tùy thuộc rất nhiều ở động cơ. Mặc dù một lời nóidối vô hại tự nó là một điều bạo động, nhưng dựa trên động cơ thì nó có thể là một phương tiện giúp đỡ người khác. Vì vậy, theo quan điểm ấy, nó là một phương pháp bất bạo độngTrái lại, vì ta muốn lợi dụng người khác nên ta tặng họ một món quà. Ở bề ngoài, đây là điều bất bạo động; nhưng nói cho cùng thì động cơ của ta là muốn lừa đảo người kia và lợi dụng họ, đó là một phương pháp bạo động. Thế thì bạo động hay bất bạo động tùy thuộc vào động cơ. Tất cả các hành vi của con người đều dựa vào động cơ. Nó cũng một phần nào phụ thuộc vào mục tiêu, nhưng nếu mục đích của ta chỉ là đạt được mục tiêu và động cơ của ta là tâm sân hận, thì đây là điều khó khăn. Vì vậy, nói một cách rối ráo thì động cơ là điều quan trọng nhất.

Hòa Hợp Liên Tôn Giáo

Từ cuộc thảo luận của chúng ta hôm nay, điều quan trọng nhất mà quý vị nên rút tỉa và mang về nhà là hãy cố gắng phát triển tâm bình an. Đây là điều mà chúng ta phải nghĩ đến và cưu mang trong lòng mình. Hơn nữa, nếu có một số người trong đại chúng theo tôn giáo và là tín đồ, một trong những điều mà tôi nhấn mạnh là hãy luôn luôn giữ gìn sự hòa hợp tôn giáo. Tôi nghĩ rằng tất cả các tôn giáo lớn, có thể không kể những tôn giáo nhỏ thờ phượng mặt trời hay mặt trăng, vì họ không có nhiều triết lý, nhưng hầu hết những tôn giáo lớn có một số triết lý hay thần học, và vì các tôn giáo này dựa vào một triết lý nào đó, nó đã được duy trì hàng nghìn năm. Tuy nhiên, bất kể các triết lý khác biệt nhau ra sao, tất cả các tôn giáo đều xem tu tập cao điểm nhất là việc thực hành lòng từ ái và bi mẫn.

Với lòng bi mẫn, sự tha thứ sẽ tự động phát sinh, và rồi lòng khoan dung và toại nguyện cũng sẽ phát khởi. Với ba yếu tố này, ta sẽ được hài lòng. Đây là điều thông thường đối với tất cả các tôn giáo. Những điều này cũng quan trọng để mở rộng các giá trị căn bản của con người mà chúng ta đã đề cập đến. Vì vậy, đối với vấn đề này, tất cả các tôn giáo của chúng ta đều hữu ích, vì chúng khuyến khích những điều căn bản tạo dựng nên hạnh phúc, bằng cách hướng dẫn con người sống một cuộc đời đạo đức. Vì tất cả các tôn giáo mang cùng một thông điệp, nên chúng đều có cùng tiềm năng để giúp ích cho nhân loại.

Vào những thời điểm và địa điểm khác nhau, các giáo thuyết khác nhau đã ra đời. Đây là điều cần thiết. Các thời điểm, nơi chốn và cách sống khác nhau xảy ra do sự khác biệt trong môi trường và vì vậy, sự khác biệt về tôn giáo bắt đầu phát triển. Các ý tưởng tôn giáo nào đó thích hợp cho mỗi một thời điểm khác nhau, vì thế, chúng [đã được con người vào thời đó tiếp nhận]. Vì vậy, mỗi một tôn giáo tồn tạihàng nghìn năm có những truyền thổng riêng của họ. Chúng ta cần có các truyền thống đa dạng phong phú này, vì chúng phục vụ cho những loại người khác nhau. Một tôn giáo không thể phù hợp và đáp ứng nhu cầu cho tất cả.

Vào thời Đức Phật tại thế, đã có nhiều truyền thống khác với Phật giáo ở Ấn ĐộĐức Phật không hề có ý cải đạo toàn thể dân Ấn Độ theo đạo Phật. Các tôn giáo khác cũng tốt thôi. Thỉnh thoảng, họ có những cuộc tranh luận với nhauĐặc biệt là sau thời của Đức Phật, các đạo sư đã tranh luận với nhau qua nhiều thế kỷ. Những cuộc tranh luận này rất hữu ích, đặc biệt là trong lĩnh vực tri thức luận. Một học giảtừ một truyền thống nào đó sẽ khảo sát triết lý và quan điểm của một tôn giáo khác một cách gắt gao, và điều này khiến cho mọi người suy tư về tôn giáo của mình, về truyền thống và cách tranh luận của họ. Điều này tự nhiên sẽ đưa đến sự tiến triển. Trong vài trường hợp, có lẽ các cuộc tranh luận này đã tạo ra một chút bạo động và đó là điều không may; nhưng nói chung, việc tranh luận là một sự phát triển lành mạnh.

Ấn Độ là một thí dụ rất tốt về sự bao dung đối với tôn giáo như một truyền thốngtrải qua bao nhiêu thế kỷ, và nó vẫn sống động ở quốc gia này. Đây là một mô hình tốt cho cả thế giới.

Vào thời xưacon người sống cô lập và như vậy cũng tốt thôi, nhưng bây giờ chúng ta đã sống trong một hoàn cảnh khác. Thí dụ ở Luân Đôn – hầu như đó là một xã hội đa tôn giáo. Thế thì sự bao dungđối với các tôn giáo rất quan trọng. Vì vậy, đối với những ai có niềm tin với một tôn giáo, thì sự hòa hợpvà khoan dung rất quan trọng. Khi nào các bạn có cơ hội, xin hãy góp phần vào lĩnh vực này.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn