Thay Lời Kết

29 Tháng Năm 201815:08(Xem: 2339)

Thích Trung Hữu
CHÚ TIỂU
Tập Truyện Ngắn 

Nhà Xuất Bản Phương Đông

  

THAY LỜI KẾT

ĐỌC "LÃO RĂNG VÀNG"
NGHĨ VỀ NGƯỜI XUẤT GIA HÔM NAY


Tôi có đọc một số truyện ngắn của tác giả Hữu Huệ[1] được đăng trên báo Giác Ngộ,vô cùng yêu thích những câu chuyện đạo vừa vui tươi (như truyện cười vậy, đọc không thể không cười), gợi nhiều kỷ niệm tuổi thơ ở chùa, nhưng cũng đầy xúc cảm về tình thầy trò, huynh đệ. Tôi thấy nền văn học Phật giáo mình ít có mảng đề tài viết về lứa tuổi thanh thiếu niên, cũng như những vấn đề của họ. Có muốn giải trí một chút cũng đành phải đọc "ké" truyện thiếu nhi ngoài đời mà thôi, như những truyện của Nguyễn Nhật Ánh chẳng hạn. Chính vì thế mà mỗi khi tới kỳ ra báo là tôi lại hy vọng có đăng truyện của Hữu Huệ để đọc. Cho dù những truyện ấy có không hay đi nữa thì ít nhất cũng có liên quan tới mình, phải không? Và vừa rồi tôi cũng có đọc truyện Lão răng vàng của Hữu Huệ. Vấn đềtác giả đặt ra trong câu chuyện ấy thật là "táo bạo", nhưng cũng khiến tôi suy tư nhiều vấn đề Phật giáo nói chung và đời sống của Tăng Ni chúng ta nói riêng.

Quả thật đúng như Hữu Huệ đã nói, trong Đạo ta có nhiều cái tốt, nhưng lại thiếu bộ môn "Giáo dục công dân". Khi học Sơ cấp Phật học, tôi được học môn Phật học đức dục do Hòa thượng Minh Thành soạn và dạy, có thể được coi như môn Giáo dục công dân của nhà chùa. Hòa thượng là một trong những vị cao tăng của Phật giáo Việt Nam hiện đại, tôi nghĩ rằng Ngài soạn bộ ấy ra chắc cũng do Ngài thấy rằng cần phải bổ sung thêm "kiến thức sống" cho hàng tu sĩ, nhất là những Tăng Ni sinh trẻ mà trong Kinh Luật Luận không đề cập đến; nhưng ngay cả cuốn Phật học đức dục ấy cũng không hề đề cập gì đến vấn đề giới tính, tâm sinh lý tuổi dậy thì.

Tại sao tôi phải quan tâm đến vấn đề này? Có hai lý do. Một là như tác giả Hữu Huệ đã viết, có kiến thức về bản thân mình ở từng giai đoạn sống thì sự ứng xử, giải quyết, thậm chí là đối phó sẽ hiệu quả hơn. Ví dụ trước một vấn đề khó khăn nào đó, người Thầy có thể khuyên giải rằng "con đừng lo, chẳng qua là lứa tuổi nó phải vậy thôi, qua giai đoạn đó rồi con sẽ có cách nhìn khác" thì sẽ giúp ích được rất nhiều cho đệ tử của mình. Những chuyện nhỏ như thế mà ta không có sự hướng dẫn kịp thời thì có khi dẫn tới hậu quả thật khôn lường.

Vấn đề mà Hữu Huệ đặt ra cũng đã làm bừng nở những vấn đề mà tôi suy tư từ trước. Đó là điểm khác biệt giữa người tu so với người thế gian là gì? Bên cạnh sự ổn định tương đối về đời sống vật chất (tứ sự), tôi cho rằng người tu cần có một sự chứng đạt nào đó trong đời sống tâm linh và thứ hai là ý thức được vị trí vai trò của mình trong xã hội.

Nếu như các nhà giáo dục học ngày nay đánh giá rằng cách đào tạo học sinh, sinh viên ngày nay chỉ có kiến thức mà không có đạo đức nên con người mau làm giàu nhưng tệ nạn cũng theo đó mà gia tăng, thì ở trong Đạo của ta cao hơn một bậc, có đạo đức nhưng chưa đạt tới mức tâm linh, mà nguyên nhân cũng là vì chú trọng đến kiến thức quá nhiều. Cái lợi thế của việc học Phật pháp so với học ngoài đời là ở chỗ kiến thức Phật pháp cũng chính là kiến thức về đạo đức. Học cũng chính là tu, giáo lý Phật không ngoài việc dạy người ta cách đoạn trừ phiền não, cho nên trong quá trình nghiên cứu, người học dù muốn dù không thì cũng đã tiếp cận được hương vị giải thoát rồi. Tuy nhiên để cho hương vị đó thấm vào máu thịt của chúng ta, trở thành chất liệu sống thì đòi hỏi một sự vận dụng đúng cách và khéo léo kết hợp với quá trình rèn luyện. Như vậy cho đến khi nào hưởng được pháp hỷ thực hay thiền duyệt thực thì chúng ta mới thấy mình ở trong Đạo mà không uổng phí, vì chúng ta hưởng được thứ hạnh phúc mà người chạy theo dục lạc thế gian không bao giờ kinh nghiệm được. Và cũng chỉ khi nào ta nếm được mùi vị ấy rồi thì chúng ta mới không bị niềm vui của thế gian lôi kéo, như đã được đề cập trong nhiều kinh điển Phật giáo.

Tôi cũng nghĩ rằng học chính là tu. Ngoài ra còn nhiều học giả khác cũng nói như vậy, ví dụ như quan niệm "Tri hành hợp nhất" của Dương Vương Minh. Mà muốn có một đời sống tâm linh căn bản như vậy cũng không thể dựa vào vài thời Di Đà hay Mông Sơn mỗi ngày là đủ… Suy cho cùng thì sự chứng đạt tâm linh cũng là một trong những bổn phận tự giác - giác tha của người tu, vì nếu chúng ta không tự làm cho mình được an lạc, hạnh phúc thì còn nói giúp ai được nữa chứ?



[1] Một bút danh khác của Trung Hữu (T.G).

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Hai 2018(Xem: 3688)
07 Tháng Chín 2016(Xem: 4364)
09 Tháng Tám 2016(Xem: 4549)
NỘI DUNG Toàn quyển Báo Ứng Nhân Quả Lục gồm 25 tiết, mỗi đầu tiết, như ở tiểu thuyết chương hồi của Trung Hoa, ý chánh đều được ghi lại bằng hai câu thơ 7 chữ, ở đây được ghi bằng hai câu 6 chữ. Đọc những câu nầy từ đầu đến cuối sách ta có thể có khái niệm về câu chuyện cũng như về tư tưởng chánh của tác giả.
11 Tháng Tám 2015(Xem: 4927)
Vào đời vua Trần Nhân Tôn, dưới chân núi Thiên Thai có một nhà ẩn sĩ họ Khưu, tánh tình lập dị, không màng danh lợi mà quanh năm chỉ say mê hoa kiểng.
22 Tháng Bảy 2015(Xem: 5594)
Nội dung câu chuyện Sợi tơ nhện tuy chỉ gói ghém một lời răn rất đơn giản về tính ích kỷ, nhưng cấu kết câu chuyện được xây dựng trên cơ sở triết lý Nhân Quả của Phật giáo, những gì đang diễn ra trước mắt vừa là quả của nghiệp chướng trước đó, vừa là nhân của những gì sẽ xảy ra trong tương lai, hay cực đoan hơn, sắp xảy ra ngay sau đó.