THEO DẤU CHÂN PHẬT – Kỳ 7
(Thăm đại học Nālandā và ngôi làng của ngài Sāriputta - Xá Lợi Phất)
Bài: Lâm Nhược Vân | Ảnh: Gió
Kỳ 1 | Kỳ 2 | Kỳ 3 | Kỳ 4 | Kỳ 5 | Kỳ 6 | Kỳ 7 | Kỳ 8 | Kỳ 9 | Kỳ 10 |
(Từ Bồ Đề Đạo Tràng đến thành Vương Xá dài 80 Km và từ thành Vương Xá (Rajgir) đến Nalanda dài 12 km)
Bỏ qua những suy nghĩ quẩn quanh trong đầu mình, tôi tách đoàn, rẽ vào lối đi khác. Tôi đến trước bảo tháp thờ ngài Xá Lợi Phất, không cầu nguyện hay van xin điều gì chỉ một mình ngồi đó rất lâu. Lòng tôi chợt ấm áp lạ thường như có ai đang dang vòng tay che chở. Dựa sát vào chân tháp tôi cảm thấy gần gũi và an bình như đang ngồi trong ngôi nhà của mẹ mình thuở bé. Tôi nhớ Ngài. Ừ! Tôi cũng nhớ mẹ tôi nhiều nữa! Cuộc đời Ngài là một tấm gương sáng chói. Thánh hạnh của Ngài đỏ thắm như chu sa. Ngài luôn quan tâm, dìu dắt và chỉ bày cho những tăng sĩ đến sau. Bằng thân giáo, bằng ngôn hành Ngài đã độ hoá cho cha và các em mình đều cùng hưởng hương vị của pháp mầu. Lúc tuổi đã già, biết thọ mạng của mình sắp hết, Ngài quỳ lạy dưới chân Đức Phật xin được về quê hương để nhập niết bàn. Lần trở về cuối cùng này, Ngài cũng đã tận tuỵ trợ duyên cho mẹ mình bằng nhiều cách, khiến cho thân mẫu từ bỏ tà kiến, nhẹ nhàng bước chân vào dòng thánh đạo. Ôi! Kỳ diệu và trọn vẹn làm sao là cách hiếu đáp ân sinh thành của Vị huynh trưởng khả kính, một vị Đại Đệ Tử của Đức Phật. Kính mến Ngài chừng nào tôi lại tủi thẹn cho mình chừng đó "Một kiếp làm người đã mỏi, nói làm chi những chuyện cao xa". Bần thần, chợt nhớ ra rằng: Đã quá lâu rồi tôi chưa về thăm mẹ. Mùa xuân nữa đang về rồi, chắc chừ, mẹ vẫn tựa cửa đứng chờ trông!
Sáng sớm hôm sau, đoàn chúng tôi ôm bát vào làng Nāḷāka (quê của ngài Xá Lợi Phất) để khuất thực. Tốp năm, tốp ba mấy đứa nhỏ ra cửa đứng nhìn (Lúc mới sang đây, tôi gặp cảnh này còn thấy ngộ ngộ, gặp nhiều thành ra quen lại thấy gần gũi). Đường làng sương sớm giăng giăng, xa xa phía trước, có thằng bé trai đang vật lộn với một con heo nhỏ, đứa bé gái bên cạnh thì cố giữ chặt đầu hai con dê vì sợ nó thấy chúng tôi nhiều người lại gần sẽ chạy mất. Đoàn được một người đàn ông trung niên thỉnh vào nhà để xin được đặt bát. Căn nhà nhỏ không đủ chỗ cho một trăm hai sáu vị tỳ khưu. Chúng tôi ngồi đầy sân, tràn ra cả hai bên đường vắng. Không lâu lắm, từng ly sữa nhỏ đã được mang ra. Người gia chủ tốt bụng đi tới mọi nơi, dâng lên từng người với nét mặt vô cùng tín tâm và hoan hỷ. Tôi cầm ly sữa nhỏ nóng hổi trong đôi bàn tay đang lạnh. Nước màu nâu trong ly sóng sánh, phả khói nghi ngút. Tôi nghe trong đó có vị của sữa bò tươi, của trà, của gừng và cả mùi vị của tấm lòng thôn dã. Từ biệt và không quên chúc phúc cho vị gia chủ kính mến, đoàn lại ôm bát, dạo bước trên đường làng. Chúng tôi nhận thêm được ít bánh Chabati, khoai tây hầm và vài vắt cơm sữa truyền thống từ nhiều người dân. Sau khi Đạo Phật biến mất khỏi Ấn Độ, các truyền thống của Phật Giáo cũng bị lãng quên cho đến tận ngày nay, nên chúng tôi vô cũng hoan hỷ với chút ít vật thực nhận được từ những Phật Tử bản địa này.
Gần trưa, đoàn quay lại nơi dựng trại để độ ngọ. Vật thực được đổ chung vào một cái xoong lớn rồi chia đều ra cho mỗi vị ( Đoàn quá nhiều người, những vị đi sau thường sẽ không nhận được gì). Tuỳ nghi, tìm cho mình một chỗ phù hợp, chúng tôi chắp tay quán tưởng về vật thực thọ dụng. Mọi người trầm lắng, độ thực một cách chậm rãi hơn mọi khi, như sợ sẽ bỏ sót điều gì!
(*) Thiên chủ Đế Thích vì muốn trợ duyên cho Đức Phật độ hóa Đức Vua và dân chúng trong thành Vương Xá nên đã hóa thân thành một nhạc sĩ vô danh.
(*) Trích từ MCĐMVNN của MĐTTA.