4
HÃY LÀM MỘT CUỘC CÁCH MẠNG !
Lời kêu gọi tuổi trẻ của Đức Đạt-lai Lạt-ma
Đức Đạt-lai Lạt-ma, Sofia Stril-Rever
Hoang Phong chuyển ngữ
Quyển sách "Hãy làm một cuộc cách mạng" trên đây của Đức Đạt-lai Lạt-ma khởi sự được thành hình từ một cuộc phỏng vấn mà Ngài đã dành riêng cho một đệ tử thân tín là bà Sofia Stril-Rever vào ngày 3 tháng giêng năm 2017. Quyển sách được hoàn tất sau đó tại Dharamsala trên miền bắc Ấn ngày 2 tháng 10, và sau cùng đã được xuất bản tại Pháp ngày 26 tháng 11. Quyển sách gồm năm chương:
- Chương 1: Tôi đặt hết lòng tin nơi các bạn
- Chương 2: Hãy biến mình thành những con người bất khuất vì hòa bình
- Chương 3: Cuộc cách mạng từ bi
- Chương 4: Các bạn có thể làm được gì cho thế giới?
- Chương 5: Thế giới từ bi là có thật
Dưới đây là phần chuyển ngữ chương 4.
Chương 4
CÁC BẠN CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC GÌ CHO THẾ GIỚI
Hỡi các bạn trẻ của tôi, tất nhiên là các bạn muốn biết mình phải làm gì để thực hiện cuộc Cách mạng từ bi. Đây là một cuộc cách mạng nội tâm, nhưng điều đó không có nghĩa là nó không tác động đến thế giới bên ngoài. Trái lại, các tác động của nó sẽ vượt xa hơn cả tác động của các cuộc Cách mạng Pháp, Bolchevik hay Trung quốc, là các cuộc cách mạng cực đoan nhất trong lịch sử. Đêm To Lớn của lòng từ bi không thể hiện ra mà không cần đến sự cố gắng của thế hệ các bạn và con cái các bạn (Đêm To Lớn/Grand Soir là một khái niệm xuất hiện vào cuối thế kỷ XIX; nói lên một sự lật đổ trật tự xã hội của một chế độ lâu đời hầu mang lại niềm hy vọng và những sự đổi mới. Khái niệm này phát sinh từ một biến cố xã hội xảy ra vào thập niên 1880 khi giới thợ thuyền ở Pháp nổi loạn vì quá nghèo khổ - ghi chú của người chuyển ngữ). Trên đây tôi có nói đến nguyên tắc cơ bản của ngành sinh học thần kinh (neurobiology) về lòng từ bi, giúp các bạn cùng rung cảm với khổ đau của kẻ khác hầu làm nhẹ bớt đi khổ đau đó của họ. Vậy phải làm thế nào để phát huy khả năng đó rộng lớn hơn nữa, vượt xa hơn vòng nhỏ hẹp giữa những người thân thuộc để có thể tác động đến những kẻ xa lạ, kể cả những kẻ thù nghịch với mình?
Hãy biến mình thành các vận động viên của lòng từ bi
Thật ra thì đấy cũng là thắc mắc lớn lao nhất mà ngành khoa học về lòng từ bi đang tìm cách giải đáp. Ngành khoa học này đã được hình thành trong các phòng thí nghiệm của các đại học danh tiếng tại Bắc Mỹ (chủ yếu hơn hết là tại đại học Stanford: The Center for Compassion and Altruism Reasearch and Education, www.ccare.stanford.edu - tại Emory, Emory-Tibet Science Initiative, www.tibet.emory.edu - và tại MIT The Dalai Lama Center for Ethics and Transformation Values, www.thecenter.mit.edu - ghi chú trong sách). Một trong số những người khởi xướng lừng danh nhất là nhà tâm lý học thần kinh (neuropsychiatric) Richard Davidson. Lần đầu tiên ông ta đến viếng tôi tại Dharamsala năm 1992 và tâm sự với tôi rằng ông ấy phải "chui vào tủ" để hành thiền, bởi vì việc luyện tập này rất chướng mắt đối với các đồng nghiệp của mình. Ông ta giải thích cho tôi nghe về nội dung các công trình khảo cứu của ông liên quan đến chứng trầm cảm và các bệnh tâm thần. Tôi lưu ý ông ấy là việc nghiên cứu các bệnh lý của tâm thức con người tất nhiên là rất hữu ích, thế nhưng càng hữu ích hơn nữa nếu các việc khảo cứu này được hướng vào các thể dạng tâm thần tích cực hơn để tìm cách phát huy chúng. Thật vậy tôi tin rằng lòng từ bi, tình thương yêu và các cảm nhận hạnh phúc có thể luyện tập được, bởi vì chính tôi đã thực hiện cho tôi nhờ vào các sự suy tư (tức là các phép thiền định) theo truyền thống tín ngưỡng của tôi. Richard Davidson suy nghĩ rất nhiều [sau khi nghe tôi nói] và sau đó đã dồn tất cả mọi nỗ lực khảo cứu của mình theo đường hướng mà tôi đưa ra. Lúc đầu các kết quả mà ông ta gửi cho tôi thật ít ỏi, thế nhưng 25 năm sau đó, mọi sự vụt trở nên khác hẳn. Tiền ủng hộ cho việc khảo cứu này đã được dồn dập gửi đến cơ quan của ông, giúp thiết lập một ngành khoa học đúng nghĩa của nó về lòng từ bi.
Qua các sự quan sát và đối chiếu giữa các tập tính của thú vật và loài người, các khảo cứu gia nhận thấy khả năng nhận thức và sự lý luận phân giải [của con người] có thể giúp vào việc phát huy lòng từ bi. Nếu các bạn quan sát các phản ứng từ bi bên trong chính mình thì tất các bạn sẽ nhận thấy các phản ứng này diễn tiến theo năm cấp bậc khác nhau. Cấp bậc thứ nhất là sự nhận thức: các bạn nhận biết được khổ đau của kẻ khác; cấp bậc thứ hai là xúc cảm: các bạn cảm thấy âu lo trước cảnh khổ đau của kẻ khác; cấp bậc thứ ba là ý định (tác ý): các bạn mong sao làm được một chút gì đó hầu làm cho khổ đau của kẻ khác nhẹ bớt đi; cấp bậc thứ tư là sự chú tâm cụ thể: các bạn dồn sự tập trung hướng thẳng vào sự khổ đau của kẻ khác; cấp bậc thứ năm là thái độ: các bạn dấn thân thật sự bằng hành động nhằm làm nhẹ bớt đi sự khổ đau ấy. Tự nhắc đi nhắc lại với mình về năm giai đoạn diễn tiến trên đây là bước đầu tiên trong phép luyện tập về lòng từ bi (phép luyện tập về sự nhận thức về lòng từ bi còn gọi là Cognitive Based Compassion Training, đã được Đức Đạt-lai Lạt-ma giảng dạy tại Trung tâm nghiên cứu đa ngành về thiền định tại đại học Emory, dưới sự điều động của Gueshe Lobsang Tenzin Negi, tốt nghiệp tiến sĩ tu viện đại học Drepung Tây Tạng, và tiến sĩ Đại học Emory, Atlanta, tiểu bang Georgia, Hoa Kỳ - ghi chú trong sách).
Vậy các bạn hãy biến mình thành các lực sĩ của lòng từ bi! (từ bi là một thứ gì đó có thể luyện tập được, vậy các bạn hãy cố gắng để trở thành một người lực sĩ. Người phụ nữ tuy chân tay yếu đuối nhưng tâm hồn họ nhạy cảm và từ bi hơn người đàn ông, nếu đọ sức thì họ sẽ hơn hẳn nam giới trên phương diện này. Vậy người đàn ông cũng nên cố gắng luyện tập để ganh đua với họ - ghi chú củ người chuyển ngữ). Tương tự như một nhà thể thao hàng đầu, các bạn phải luyện tập đều đặn để cải tiến thành tích của mình. Thật vậy, từ đầu thập niên 2000 đến nay các nhà khảo cứu về khoa thần kinh học liên tiếp chứng minh cho thấy tính cách mềm dẻo của khối óc, tức khả năng biến cải cấu trúc hóa học và sự vận hành của não bộ nhờ vào sự luyện tập đều đặn và kiên trì. Tóm lại các bạn có thể nhờ vào các phép luyện tập thích nghi để tạo ra cho mình một thể dạng từ bi vô biên. Dưới đây là hai trường hợp điển hình.
Trường hợp thứ nhất là nhà sư Lopön-la. Vị này từng chịu đựng 18 năm tù cải tạo trong các trại lao động của Trung quốc, nhưng vẫn sống sót và đã trải qua nhưng năm cuối cùng của đời mình trong ngôi chùa Namgyal của tôi tại Dharamsala. Ông ta cho tôi biết trong suốt thời gian trong tù ông từng trải qua những giây phút thật hiểm nguy. [Lúc đầu] tôi cứ nghĩ rằng ông ta muốn nói là nếu cứ bị tra tấn và nguợc đãi như thế này thì không sao sống sót được. Thế nhưng không phải vậy, sự nguy hiểm mà ông ta muốn nói với tôi là có những lúc ông ta suýt đánh mất lòng từ bi đối với những tay đồ tể tra tấn mình. Lopön-la là một nhà sư không bao giờ biết ngưng luyện tập lòng từ bi, không những đối với tất cả chúng sinh mà còn đối với những kẻ tra tấn và cố tình hành hạ mình.
Trường hợp thứ hai là Richard Moore mà tôi ngưỡng mộ như một vị anh hùng. Lúc 10 tuổi nơi thị trấn Londonberry của xứ Ái Nhĩ Lan, cậu bé Richard Moore bị một viên đạn cao-su bắn trúng vào giữa mặt làm mù cả đôi mắt. Sau đó vài ngày thì lại đến lượt người chú mình bị lính nhảy dù Anh quốc bắn chết khi họ nhả đạn vào đoàn người biểu tình tranh đấu cho quyền công dân của họ trong ngày Bloody Sunday (Ngày Chủ nhật đẫm máu, 30 tháng giêng, 1972 - ghi chú trong sách). Thế nhưng cậu bé Richard Moore vẫn tìm đến các người lính bắn mình và tha thứ cho họ, cả hai bên đã trở thành bạn hữu với nhau và đồng trở thành các thành viên tích cực của một hiệp hội giúp đỡ trẻ em nạn nhân chiến tranh (Children in Crossfire/ Trẻ em giữa hai lằn đạn, www.childrenincrossfire.org - ghi chú trong sách). Các bạn trông thấy đó, lòng từ bi mang nặng tình người biết mấy! Sức mạnh vô song đó của lòng từ bi chính là sự tha thứ và hàn gắn.
Các bạn hãy yên tâm, không ai bắt buộc các bạn phải chịu đựng những thử thách như thế, hoặc phải trở thành một nhà sư, một người Phật giáo hay một người Tây Tạng thì mới có thể phát động được một lòng từ bi và thương cảm vô song ở các cấp bậc như vậy. Tất cả các bạn đều có thể thể thực hiện được lòng từ bi đó thật dễ dàng. Tôi từng nói với các bạn là trước hết các bạn: "Hãy cứ biến lòng từ bi thành sức sống cho chính bản thân các bạn!". Điều này có nghĩa là trước hết các bạn phải cách mạng hóa sự hiểu biết của mình về bản chất con người của mình. Nếu thế hệ các bạn biết dựa vào các luận cứ khoa học để phát động một sự tin tưởng vững chắc là con người từ bản chất có một con tim nhân ái và một tấm lòng hào phóng, thì sau đó các bạn sẽ có thể hình dung được tác động của lòng từ bi ấy sâu xa đến mức độ nào, khi toàn thể xã hội cùng tập trung vào hướng nhìn tích cực về nhân loại! Các bạn có thể nhận thấy các mối tương quan về sức mạnh trong thời hiện đại có chiều hướng nghiêng về một nền kinh tế mới mang tính cách giúp đỡ (trong nguyên bản là chữ "care" trong tiếng Anh, chữ này có nghĩa rất rộng, nói lên một sự quan tâm, tương trợ và lo lắng cho kẻ khác, tức là trái ngược lại với một nền kinh tế khai thác và bóc lột - ghi chú của người chuyển ngữ) dựa vào sự tin cẩn lẫn nhau và sự ý thức về quyền lợi chung! Đó là một hình thức đạo đức thế tục xây dựng trên các mối quan tâm đến kẻ khác, bằng cách hướng vào các giá trị toàn cầu về bản chất con người là tình thân thiện, sự khoan dung, hào hiệp, dịu dàng, tha thứ, phi bạo lực... Nền đạo đức đó sẽ thay thế cho nền đạo đức hiện nay chỉ biết căn cứ vào sự trừng phạt và cấm đoán, là những gì chỉ duy trì sự sợ hãi và trừng trị mà thôi. Vì thế các bạn cũng nên dạy dỗ con cái mình với một nền giáo dục thật toàn diện, xây dựng trên lý trí, tình thương yêu và lòng nhân từ.
Trách nhiệm toàn cầu
Lòng vị tha dù mang tính cách cá nhân nhưng cũng có thể giúp mình cáng đáng một trọng trách to lớn hơn mang kích thước toàn cầu. Tôi rất cảm kích khi tiếp đón các YouTubeurs (là những người đưa các phim vidéo lên trang web YouTube để cùng chia sẻ với người khác - ghi chú của người chuyển ngữ) trẻ tuổi người Pháp đến tham vấn tôi về vấn đề trách nhiệm toàn cầu vào tháng 4 năm 2017. Tôi còn nhớ rõ có một cô bé 15 tuổi rưỡi (cô bé này tên là Adèle Castillon và hôm đó là ngày 19 tháng 4, 2017 - ghi chú trong sách) gồng cứng người lên và hỏi tôi rằng: "Vậy thì tôi có thể làm gì được cho thế giới với các bắp thịt bé tí xíu này của tôi?". Tôi trả lời rằng với hai cánh tay bé xíu thì nhất định cô ấy sẽ chẳng làm được gì nhiều, thế nhưng tôi cũng khuyên cô ấy hãy biến cải tâm thức mình, bởi vì mỗi hành động, mỗi lời nói hay mỗi tư duy của mình đều mang một tầm ảnh hưởng toàn cầu. Chẳng phải các bạn vẫn thường đưa các thông điệp của mình lên mạng Internet hay sao. Ảnh hưởng tạo ra bởi các hành động đó qua các kinh nghiệm cá nhân của mỗi người trong các bạn, đều mang tính cách toàn cầu. Thế nhưng điều đó cũng có nghĩa là mỗi khi sử dụng quyền tự do cá nhân của mình thì các bạn cũng phải nghĩ đến trách nhiệm và bổn phận mình, cũng như quyền hạn của mình đối toàn thể hành tinh.
Các bạn cũng nên ý thức rằng tương lai của nhân loại không nhất thiết chỉ nằm trong tay những người làm chính trị, những người điểu khiển các công ty kếch xù, hay Liên Hiệp Quốc. Tương lai nằm trong tay của tất cả những ai nhận thức được mình là thành phần của cái gọi là "chúng ta, tức 7 tỉ con người". Với tư cách cá nhân, các bạn không thể giải quyết được các vấn đề của thế giới. Thế nhưng không cần phải ép buộc bất cứ ai [cũng phải làm theo mình] hay đổ lỗi cho người khác [là không hưởng ứng với mình], và vẫn tôn trọng tinh thần đa nguyên, các bạn chỉ cần nêu lên tấm gương của mình với tất cả sức mạnh của nó là cũng đủ để các bạn trẻ khác noi theo. Chung quanh các bạn những kẻ ý thức được bổn phận mình sẽ nhân lên hàng chục, hàng trăm và hàng ngàn, biết đâu cũng có thể lên đến hàng trăm ngàn. Lúc đó các bạn sẽ nhận thấy sự biến đổi của bối cảnh chung, để rồi các bạn và con cái các bạn sẽ được sống trong cái thế giới đó, cái thế giới mà tôi hằng ước mơ, nhưng cũng có thể là tôi sẽ không [còn sống đến đó để mà] trông thấy nó.
Các khó khăn sở dĩ xảy ra ngày nay hầu hết là vì chúng ta quá lơ là trước sự an vui của gia đình nhân loại và hệ thống môi sinh của Địa cầu. Các bạn cũng đừng quên là trách nhiệm toàn cầu không nhất thiết chỉ qui vào con người mà còn là của tất cả chúng sinh không phải là con người. Khi còn bé các vị thầy tôi răn dạy tôi phải chăm sóc thiên nhiên. Lớn lên tôi hiểu rằng tất cả mọi hình thức của sự sống (tất cả chúng sinh) đều hàm chứa một dòng tri thức. Thế nhưng dòng tri thức đó cũng được kết hợp với các cảm tính đớn đau, thích thú và cả hân hoan. Không có một chúng sinh nào thích mình bị khổ đau cả. Là những người tu tập Phật giáo, từ bi đã thấm sâu trong lòng chúng ta, đến độ khiến chúng ta luôn ước mong làm chấm dứt mọi khổ đau và luôn cảnh giác không được phép hung bạo hay hủy diệt bất cứ một sự sống nào, kể cả đối với cỏ cây cũng vậy, cũng phải thương yêu và kính trọng chúng. Thế nhưng đối với các bạn, hỡi những người bạn trẻ của tôi, các bạn lớn lên trong một thế giới đầy kiêu hãnh về các thành quả kỹ thuật, khiến các bạn tin rằng thiên nhiên có thể kiểm soát được, kể cả biến cải được. Đấy là một sự sai lầm thật nguy hiểm. Thái độ đó hoàn toàn thiếu thực tế, chỉ mang tính cách khoa học trên danh nghĩa mà thôi. Lòng từ bi khuyên chúng ta phải chăm sóc thiên nhiên, thế nhưng chúng ta thì cũng lại là thành phần của thiên nhiên, vì thế chăm sóc thiên nhiên cũng là chăm sóc cho cả chính mình.
Thật hết sức khẩn cấp
Vì sự tốt lành cho các thế hệ mai sau, tức là của con cái các bạn, mà tôi kêu gọi các bạn hãy làm một cuộc Cách mạng từ bi. Khi những người Tây Phương nói đến "nhân loại" thì thông thường cũng chỉ có ý nói đến nhân loại trong hiện tại. Thật vậy nhân loại của quá khứ không còn nữa, nhân loại của tương lai thì chưa sinh ra. Đối với người Tây Phương những gì quan trọng hơn cả là thế hệ đương thời và các quyền lợi trước mắt. Thế nhưng trách nhiệm chỉ có thể gọi là toàn cầu khi nào nó bao gồm cả những người sẽ sống sau chúng ta. Làm thế nào chúng ta có thể làm ngơ được khi mà dân số thế giới nhân lên gấp ba trong thế kỷ XX, và sẽ còn tiếp tục nhân lên gấp đôi hay gấp ba vào cuối thế kỷ này?
Theo các biểu đồ tăng trưởng hiện nay thì mức phát triển kinh tế toàn cầu sẽ phải cần đến một số năng lượng vô cùng quan trọng, điều này đương nhiên sẽ làm gia tăng sự phóng thải khí carbon dioxide (CO²) và nạn phá rừng. Nếu chúng ta không thay đổi cung cách sống của mình thì không sao tránh khỏi tình trạng suy thoái môi trường trên bình diện toàn cầu, vượt xa những gì mà chúng ta đã thấy từ trước đến nay. Sở dĩ tôi biết đến các điều này là nhờ phúc trình của các khoa học gia: họ cho biết chúng ta chỉ còn ba năm để giới hạn thật khắc nghiệt mức tiêu thụ năng lượng mà hiện nay đang tạo ra tình trạng phóng thải khí CO² quá cao. Chờ đến năm 2020 thì sẽ quá muộn. Sự gia tăng nhiệt độ của khí hậu sẽ không còn kiểm soát được nữa, nó sẽ gây ra các luồng hơi nóng trên khắp năm miền lục địa, và mực nước biển sẽ dâng cao. Tình trạng thật cấp bách. Chính vì thế mà tôi kêu gọi các bạn trẻ của thiên niên kỷ này hãy thực hiện cuộc cách mạng quyết liệt đó.
Hỡi các bạn trẻ của tôi, các anh chị em thân mến của tôi, trong suốt sự hiện hữu này, tôi không ngừng quan sát sự tiến hóa của thế giới. Ngày nay đang xảy ra những mối nguy hiểm đến độ không thể nào còn che giấu các bạn được nữa. Một số các vấn đề môi trường là do thiên nhiên gây ra, tất nhiên là các bạn không làm gì được. Hơn nữa các bạn cũng không thể đối đầu với các thảm họa quá to lớn vượt khỏi khả năng của mình, trầm trọng hơn nữa là sự gia tăng nhiệt độ của khí hậu, các thiên tai, chẳng hạn như bão tố, sóng thần, lụt lội, hạn hán, đất lở... Bổn phận duy nhất mà các bạn có thể cáng đáng được là đối đầu với những thứ ấy với tất cả lòng can đảm và bầu nhiệt huyết của mình, qua những sự trợ giúp vì tình huynh đệ những kẻ trong tình cảnh ngặt nghèo nhất.
Chỉ có sự tương trợ và hợp tác mới có thể giúp các bạn ngăn chận bớt các thảm họa gây ra bởi tình trạng bất công kinh tế và xã hội, nuôi dưỡng thêm bởi lòng tham, sự ích kỷ và các thể dạng tâm thần tiêu cực khác. Nếu các bạn biết biến cải tâm thức mình và hướng nó vào lòng nhân từ và sự ý thức trách nhiệm thì nhất định các bạn sẽ tìm ra các giải pháp đúng đắn. Và từ đó Địa cầu cũng sẽ hé mở cho các bạn trông thấy các dấu hiệu báo động thật rõ ràng về các hậu quả ở các mức độ to lớn, tạo ra bởi thái độ hành xử vô ý thức của con người. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, tương lai nhân loại tùy thuộc vào thế hệ đang lên, đó là thế hệ của các bạn. Trách nhiệm về tương lai của hàng tỉ người và muôn loài chúng sinh cùng chia sẻ một sự sống chung trên Địa cầu này, nằm trong tay các bạn. Chính các bạn phải nhận lãnh trọng trách bảo toàn phẩm chất của tài nguyên thiên nhiên, không khí, nước, đại dương, rừng rậm, cầm thú và cây cỏ. Nếu muốn thực hiện được điều đó thì chủ yếu nhất là các bạn phải ý thức được tiềm năng thương yêu và lòng từ bi của mình hầu chăm sóc cho Địa cầu. Hãy tập thương yêu Địa cầu qua những sự chia sẻ và hiến dâng, nhưng không nên tìm cách chiếm đoạt cho riêng mình và tàn phá nó.
Rất có thể là còn phải chờ thêm từ 20 đến 30 năm nữa thì mới mong biến cải được thái độ hành xử của con người. Thế nhưng sau đó với tất cả niềm hân hoan trong lòng các bạn sẽ trông thấy hiện ra với mình cả một nhân loại nhân từ và ý thức. Thế rồi các bạn sẽ lưu lại cái thế giới đó cho con cháu các bạn, và cả cho con cháu của con cháu các bạn. Chúng sẽ lớn lên trong cùng một gia đình nhân loại đã được hàn gắn, mang cùng một thân xác và một dòng tri thức chung (tức một xã hội hài hòa). Các bạn hãy cố gắng bảo toàn lòng nhiệt tình và sự lạc quan của tuổi trẻ để bước vào một ngày mai công bằng hơn và hạnh phúc hơn. Cuộc Cách mạng từ bi đang tiến bước. Các bạn hãy xem nó là hiện thân của chính mình, hỡi những người bạn trẻ của tôi ơi!
Bures-Sur-Yvette, 29.12.17
Hoang Phong chuyển ngữ