Học đạo

27 Tháng Sáu 201616:09(Xem: 6848)

Học đạo


Thực tập và tu học trong tu viện rất là khác cách học ở các trường học, học viện, đại học. Tu viện chú tâm ở phần thực tập tức là trải nghiệm, kinh nghiệm sống hơn là lý thuyết. Người thiền sinh cần học các phương pháp và kỹ năng căn bản như thiền thở, thiền đi, thiền ngồi, chỉ (dừng tâm tạp loạn), quán (nhìn sâu)... để tu luyện.

Cái học tuy căn bản nhưng khi thực tập nhìn sâu vào thân tâm, con người của thiền sinh thì nó là một chân trời khám phá và cái học này không cần sách vở. Thân tâm là một kho tàng gia sản, di thể của nhiều thế hệ, trao truyền từ thế này qua thế hệ khác. Biết bao kinh nghiệm sống cất giữ trong kho tàng ấy nên hành giả phải để cả cuộc đời tu luyện mới khám phá hết những bí mật, bản chất của thân tâm.

Có người xuất gia tu học nhưng không thấy tầm quan trọng của sự thực tập căn bản để trở về với mình, khám phá tự thân, tìm hiểu thực tại bản thân và cuộc đời nên đã đi lạc đuờng rồi bỏ cuộc. Hoặc thực tập các pháp môn căn bản một thời gian mà không nếm được hương vị an lạc, giải thoát, nên người ấy cảm giác chán, nghĩ rằng làm hoài làm mãi các phương pháp này chán quá. Bên cạnh đó, các tập khí tìm kiếm, mong chờ, bất an, vọng động đã đưa đẩy tâm ý hành giả đi rất xa, đánh mật sự thực tập căn bản. Cho nên thiền sinh cần an trú, cần trở về với mình, cần trải nghiệm thực tập, cần khám phá tự thân. Thực tập căn bản để thắp lên ánh sáng nội tâm (chánh niệm, chánh định, trí tuệ) là nền tảng của đời sống tu viện. Cạnh bên ấy, hành giả phải có lý tưởng độ đời, khám phá ra chân trời giải thoát, thì ngọn lửa bồ đề tâm mới tiếp tục mồi để thắp sáng. Thiếu thực tập hàng ngày là thiếu thức ăn tâm linh, thiếu lý tưởng độ đời là hết dầu, lửa tắt, không có năng lượng để đi xa trên con đường tu tập.

Thiền sinh cũng có các giờ học lý thuyết như các sinh viên ở các trường học, nhưng cái học trong tu viện là học giáo lý căn bản, giáo lý thâm sâu của Bụt, các kỹ năng thiền tập, giới luật (nếp sống xuất gia, văn hóa xuất sĩ) để mà sống hòa điệu với tăng thân, để mà quán chiếu về bản chất sự sống, hiểu mình là ai, hiểu sự thật của cuộc đời.

Cái học trong tu viện là học trọn đời, học không bao giờ ra trường, học từ từ, học khám phá, học sáng tạo, học đạt ngộ nên không cần gấp, ham hố, mong cầu hoặc có bằng cấp. Thầy giáo là người dẫn đường thôi. Thầy không trao trí tuệ cho ta. Cố nhiên ta yêu thương, tôn kính thầy, nhưng ta đừng nên bắt chướt, ỷ lại nơi thầy, mà hành giả phải khám phá vị thầy tự thân. Trí tuệ là cái hiểu về bản chất của sự sống làm bằng chánh niệm và thiền định. Trí tuệ không phải là kiến thức học từ sách vở hoặc từ thầy. Trí tuệ không phải có bằng cấp cao như tiến sĩ, giáo sư... Nó là sự bùng nổ của khối u mê, hiểu lầm, cố chập, là sự nghiệp của hành giả. Có trị tuệ là hết khổ đau.

Chan Phap Dang

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn