Ngày Thứ 50 PHÁP THOẠI 32

14 Tháng Mười Hai 201503:28(Xem: 8369)

Minh Đức Triều Tâm Ảnh 
(Sīlaguṇa-Mahāthera)
NHẶT LÁ RỪNG XƯA 2
(Pháp Thoại An Cư 2015)

Nhà xuất bản Văn Học

Ngày Thứ Năm Mươi
PHÁP THOẠI 32 (Tối ngày 6/8/ÂL)

 

Đã hai hôm rồi chúng ta đã quan sát “sắc, không” qua Bát-nhã và qua Abhidhamma, cái gốc của nó là ngũ uẩn, chúng đều là Không. Bây giờ, cũng là sắc, không ấy, cũng ngũ uẩn ấy, nhưng ta sẽ thấy cái Không ấy ra sao và tu tập qua tuệ minh sát như thế nào?

Chúng ta đã đi qua phần 3, bây giờ là phần 4.

4- “Sắc, không”, ngũ uẩn qua tu tập tuệ minh sát
Như các con đã biết đó, từ đầu, chúng ta phải để tâm rỗng rang, không dính mắc gì cả để sổ tức, tuỳ tức. Phái an trú hơi thở trước đã để thân nó an, tâm nó an. Thân tâm an trú được rồi mới nói đến định, mới nói đến tuệ.
Thầy nhắc lại, thiền định thì phải làm lắng dịu 5 triền cái. 5 triền cái lắng dịu rồi, không cần đi sâu vào định, mà chỉ cần cận hành để quay sang minh sát.
Minh sát thì nhẹ nhàng thôi. Như hít thở tự nhiên, như mặc áo ăn cơm tự nhiên vậy. Để ý chữ tự nhiên! Chẳng có gì phải chú tâm thái quá và căng thẳng thái quá. Những chướng ngại đó đa phần mọi người đã qua rồi, bây giờ ta đang yên ổn ngồi đây, hơi thở cũng đang ở đây và tâm cũng đang ở đây, có phải thế chăng? Cái đó quan trọng nhất. Tại sao? Quá khứ qua rồi, ta không sống với quá khứ được. Tương lai chưa đến, ta không sống với tương lai được. Chỉ có hiện tại là ta đang sống, mà sống thì đâu có sống với cái “hiện tại đứng yên”, vì hiện tại thì đang chảy trôi. Xung quanh chúng ta, 6 căn, 6 trần, 6 thức cũng đang chảy trôi. Hơi thở cũng đang chảy trôi, may ra ta ý thức được từng hơi thở, từng hơi thở là ta đang sống! Dễ sợ chưa? Vậy ta chỉ thật sự sống với từng hơi thở! Cứ ngồi thư thái, rỗng rang như thế này mà thở thôi. Và rồi từ hơi thở đã được an trú ấy, ta lắng nghe toàn bộ thân tâm. Cái gì tác động lên mắt, tai, mũi, lưỡi, thân chúng ta phải ghi nhận như thực. Tiếng động qua tai, chỉ là tiếng động. Một mùi hương qua mũi, ghi nhận nó chỉ là mùi hương. Một ý nghĩ phát sanh thì chỉ ghi nhận “ý nghĩ à, ý nghĩa à!”. Mình đang suy nghĩ cái gì đó, đừng cho nó chạy đi xa, mình ghi nhận ngay “đang suy nghĩ à!” Và chỉ có vậy thôi, gọi là minh sát. Và ngày cả phóng tâm thì mình cũng ghi nhận “phóng tâm à, phóng tâm à” thì tức khắc trở về với tỉnh niệm, giác niệm! Ngay cả khi nóng nảy, bực bội cái gì đó, mình cũng chỉ ghi nhận “nóng nảy à”, “bực bội à!” Tham sân, thiện ác, tốt xấu gì cũng được ghi nhận như chơn, như thực, đừng chế biến thêm, đừng đẻ ra thêm vấn đề gì nữa cả. Chế biến thêm, đẻ ra là uẩn đó! Cuộc đời này con người si mê, vô minh đã đẻ ra không biết bao nhiêu là chuyện rồi, đã tự giết nhau, đã tự làm khổ nhau vô lượng cách, vô lượng kiếu nhiều như cát sông Hằng! Đừng đẻ ra, đừng chế biến thêm chính là tinh yếu của tuệ minh sát đó.
Trở lại với chủ đề. 
Như ta biết, Bát-nhã chỉ nói “ngũ uẩn” mà không nói thế nào là uẩn, và uẩn đó nó phát sanh ra sao. “Uẩn”, khandha, chính là cái mà mình chế biến, mình đẻ ra thêm như nói ở trên. Ví dụ khi nói sắc, nếu là sắc như thực, sắc của paramattha thì sắc ấy chưa có uẩn. Và nếu ta chồng chất sắc ấy qua tình cảm và nhận thức chủ quan của ta, thì ta đã biến “sắc như thực” ấy thành “sắc uẩn”. Cái uẩn này mới sinh khổ, mới là vấn đề để chúng ta hiện quán minh sát. Thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn đều như vậy.

Khandha được ngài Huyền Tráng dịch là “uẩn” có nghĩa là tụ tập, tích tập theo từng loại, từng nhóm cùng một tính chất giống nhau. Ví dụ: Sắc, có nhiều sắc tích tụ lại, kết hợp lại. Thọ, có nhiều loại thọ tích tụ lại, kết hợp lại... Do uẩn với nghĩa này, nên đôi chỗ trong kinh, đức Phật hoặc các vị kết tập sư còn gọi giới, định, tuệ là giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn.

Khandha được ngài Cưu Ma La Thập dịch là “ấm”, có nghĩa là ngăn che, ngăn lại, che đậy cái thực, cái sự thực. Dịch như thế có nghĩa là năm cái “ấm” ấy ngăn che, che đậy làm cho chúng sanh không thấy rõ thực tánh của pháp.

Với nghĩa nào cũng đúng. Tuy nhiên, theo Nikāya, đức Phật dạy rất là rõ ràng: “Sắc tập khởi là sắc uẩn, thọ tập khởi là thọ uẩn, tưởng tập khởi là tưởng uẩn, hành tập khởi là hành uẩn, thức tập khởi là thức uẩn". Rồi đức Phật còn dạy như sau: "Hãy như thật liễu tri (3) sắc tập khởi và sắc đoạn diệt. Hãy như thật liễu tri thọ tập khởi và thọ đoạn diệt... thức tập khởi và thức đoạn diệt”.

Đã nắm bắt được chưa? Thầy xin lặp lại. Có một loại sắc chưa được gọi là uẩn, có một loại sắc khi tập khởi được gọi là sắc uẩn. Có một loại thọ chưa được gọi là uẩn, có một loại thọ khi tập khởi được gọi là thọ uẩn... Nói cách khác, nếu sắc được như thật liễu tri thì sắc ấy là sắc như thật, sắc của thế giới chân đế, như chơn như thực (paramattha). Đây chính là sắc khi chưa tập khởi, là thọ khi chưa tập khởi, là tưởng khi chưa tập khởi, là hành khi chưa tập khởi, là thức khi chưa tập khởi vì “có tập khởi mới có uẩn”. Sắc tập khởi là sắc được nhìn bởi thế giới khái niệm (paññatti), tức là đã được chế biến qua tư tưởng, tình cảm chủ quan của người nhìn ngắm (Duy Thức gọi là biến kế sở chấp) thì chính sắc này chồng chất lên sắc kia mà tạo nên uẩn: Cái tập khởi, cái ngăn che, cái rối ren, cái rối loạn, phức tạp. Rồi, càng tập khởi, càng chồng chất chừng nào thì bản ngã càng được củng cố, càng dày sâu thêm chừng ấy; và theo đó, sai lầm chồng chất sai lầm, che mờ thực tại, phủ lấp cái như chơn như thực.

Như vậy sắc tập khởi chính là sắc sanh, sắc đoạn diệt chính là sắc diệt; thọ tập khởi là thọ sanh, thọ đoạn diệt chính là thọ diệt... Cái sắc bình thường của xác thân ta nó sinh diệt theo định luật tự nhiên của thế giới sinh vật lý; cái thọ bình thường của cảm giác chúng ta nó sinh diệt theo định luật tự nhiên của tâm sinh lý... Sắc và thọ bình thường ấy vốn vô thường, không có tự tính, là vô ngã theo định luật tự nhiên của trời đất nên không phải là vấn đề, vì không đưa đến khổ. Chính cái sắc tập khởi do ta tự chồng chất lên, tự chế biến, tự đẻ ra, sắc ấy mới bị hành (saṅkhāra) chi phối, mới tạo ra bản ngã, cái ấy mới đưa đến khổ. Do thế, người tu tuệ quán phải thấy rõ cái uẩn ấy, uẩn ấy có sanh thì uẩn ấy có diệt. Chính ta tạo ra uẩn ấy, và chúng tạo ra như thế nào? Hãy xem:

- Khi mắt ta nhìn một bông hoa, ta không bao giờ nhìn bông hoa như là bông hoa (sắc như thực), mà luôn chất chồng vào cái hoa ấy không biết bao nhiêu là khái niệm: Hoa đỏ, hoa vàng, hoa này đẹp, hoa kia xấu, hoa này có giá trị, hoa kia không có giá trị. Chính những khái niệm đỏ, vàng, đẹp, xấu, có giá trị, không có giá trị đã phủ chụp, đã chồng chất lên cái hoa thực nên gọi là sắc tập khởi. Cái phủ chụp, chồng chất ấy chính là uẩn, tạo thành sắc uẩn.

- Khi tai nghe âm thanh, ta không bao giờ nghe âm thanh như chỉ là âm thanh (sắc như thực – âm thanh là vật chất, là sắc) mà luôn chất chồng lên cái âm thanh ấy, nào cao, nào thấp, nào trầm, nào bổng, nào réo rắc, nào thê lương... Chính những khái niệm chủ quan, do tình cảm hay lý trí này chế biến, đẻ ra nó đã phủ chụp, chồng chất lên cái âm thanh thực nên được gọi là sắc tập khởi. Cái phủ chụp, chồng chất ấy chính là uẩn, tạo thành sắc (thanh) uẩn.

- Mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm đều tương tự như trên; nghĩa là nếu ta không được thấy rõ như thực mà để cho tình cảm, lý trí của mình xen vào thì đều bị biến thành sắc uẩn, nói theo thuật ngữ Duy Thức là do “biến kế sở chấp” mà thành uẩn.

Uẩn, theo nghĩa này, chúng ta phải thấy rõ, hiện quán và thực chứng mới mong giải thoát sinh tử khổ đau. Ta chỉ có việc phá các uẩn ấy. Phá mà không phá gì cả. Chỉ cần “thấy rõ” là uẩn không thể chất chồng. Đơn giản quá mà. Tu tập minh sát tuệ là trả sắc lại cho sắc, trả thọ lại cho thọ... hành, thức đều như vậy. Tất thảy đều được trả về nguyên trạng.

Bát-nhã nói ngũ uẩn giai không, nhưng minh sát tuệ thì cái “ngũ” ấy để yên, để nguyên, chỉ “gỡ cái uẩn” thôi. Nó khác nhau quan trọng là ở chỗ đó!

Thôi, hôm nay nói vậy là quá nhiều rồi. Mọi người ghi nhớ chữ uẩn nghe. Uẩn là quan trọng nhất đó. Tánh Không có thể quên nhưng uẩn thì phải nhớ. Mỗi ngày nhìn mọi sự mọi vật, chúng ta không bao giờ nhìn chúng như chúng đang là, mà chúng ta chồng chất lên mọi vật không biết bao nhiêu kinh nghiệm, tư kiến, quan điểm của ta. Uẩn là đó, uẩn là kinh nghiệm, tư kiến, quan điểm đó. Nó là bản ngã. Cái bản ngã nó hắt bóng lên thực tại, nó “hiếp” thực tại. Khủng chưa?

Buổi pháp thoại sau thầy nói thêm về uẩn ấy cùng cách tu tập để diệt “vi khuẩn” uẩn này!

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn