Ngày Thứ 2 PHÁP THOẠI 2

11 Tháng Mười Hai 201503:45(Xem: 8315)

Minh Đức Triều Tâm Ảnh 
(Sīlaguṇa-Mahāthera)
NHẶT LÁ RỪNG XƯA 2
(Pháp Thoại An Cư 2015)

Nhà xuất bản Văn Học

Ngày Thứ  Hai 
PHÁP THOẠI 2 (Chiều ngày 17/6 ÂL).

 

Hôm nay trước khi tập ngồi yên, thầy sẽ giảng nói cách thức ngồi yên, ngồi thoải mái, ngồi như chơi là thế nào.

Có lần, đã lâu lắm, thuở thầy Chí Mậu, trụ trì chùa Từ Hiếu còn tại tiền, và thầy Thái Hoà còn là giáo thọ sư ở đấy, thầy có lên chùa Từ Hiếu, một lần là giảng về Tứ Diệu Đế cho một lớp huynh trưởng cấp Tín hay cấp Tấn gì đó, một lần là do Ôn Thiện Hạnh mời lên về viếc góp ý tạo cảnh. Một lần giảng về Tứ Niệm Xứ cho Ni chúng tại ngôi chùa sát chùa Từ Hiếu (quên tên). Khi thơ thẩn dạo chơi trong vườn với thầy Thái Hoà, thầy thấy có một tịnh thất đề tên là Ngồi Yên. Hay! Thầy tự nghĩ, ngồi yên chứ không nói thiền định hay thiền tuệ. Mà ngồi yên như vậy là thiền rồi, thiền vắng lặng, thiền rỗng rang, thiền tự nhiên... gì gì cũng được cả. Nó lại còn là từ thuần Việt.

Thầy để ý cái cụm từ “ngồi yên” từ đó. Chắc chắn tác giả cái cụm từ này là của Ôn Nhất Hạnh. Và tại Làng Mai cũng có sử dụng một cụm tù rất ấn tượng, là “Một Ngày Làm Biếng”. Ngày ấy trong thiền viện ai cũng được tự do, tự do trong yên lặng để đọc sách, dạo chơi, uống trà hay ngủ nghỉ. Tuyệt! Nhưng cụm từ “Làm Biếng” hơi nguy hiểm. Nên ngày chủ nhật, theo thông lệ, thầy và chư sư đi trì bình, trưa dùng trong bát những gì khất thực được, buổi chiều mọi người được thư xả, tự do trong yên lặng. Buổi tối, chủ nhật chúng ta cũng có buổi trà đàm giữa thầy và trò như thường lệ.

Trở lại với việc ngồi yên. Ngồi yên và thiền là như thế nào!

Gọi ngồi yên nhưng chúng ta sẽ không ngồi yên được. Muốn ngồi yên thì thân phải yên, tâm phải yên. Nhưng hãy để ý nhé! Thân có yên được đâu, nó cựa quậy, nó đau, nó mỏi, nó nhức, nó tê chỗ này, nó ngứa chỗ nọ, nó uể oải, nó buồn ngủ... Và tâm cũng vậy, nó trầm trệ, nó dã dượi, nó lừ đừ, nó nhúc nhích, nó nhảy nhót lung tung... Nói tóm là nó sẽ phát sanh những chướng ngại mà thiền gọi là 5 triền cái. Triền là quấn, là vấn. Cái là che lấp, che đậy. Nói cho rõ nghĩa là 5 cái pháp này nó quấn, nó vấn chúng sanh trong phiền não, khổ đau; nó che đậy, che lấp cái tâm, cái trí vốn trong sáng của chúng ta. Đó là:

- Hôn trầm, thuỵ miên: Hôn trầm là dã dượi, lừ đừ, thờ ơ, lãnh đạm, đãng trí, buông xuôi, biếng nhác, tiêu cực, thụ động, vô ký (không ghi nhận). Đây là những trạng thái bệnh hoạn của tâm sở, sự mệt mỏi của tâm sở. Thuỵ miên là mê ngủ, buồn ngủ; là trạng thái mệt mỏi của thân.

- Nghi: Là trạng thái phân vân, lưỡng lự, do dự, bất nhất, bất quyết, ngần ngại, ngờ vực, hốt hoảng, không định hướng; nghi ngờ cả đối tượng thiền, có khi nghi ngờ cả khả năng của chính mình (Đây là nghĩa nghi trong khi tập thiền, khác với nghi trong kinh điển với sinh hoạt và tu tập thường nhật là nghi Phật, nghi Pháp, nghi Tăng, nghi nhân quả nghiệp báo, nghi luân hồi tử sanh...)

- Sân: Là nóng nảy, bứt rứt, khó chịu, bực bội... do khi ngồi bị đau nhức, tê, ngứa... (Chúng là nguyên nhân làm cho tâm sân phát sanh).

- Trạo hối: Nói đầy đủ là trạo cửhối quá.

Trạo là rung lắc, lay động; cử là cất lên, đưa lên, dậy lên, nổi lên... Vậy trạo cử là trạng thái tâm dao động, hưng phấn quá cả tiêu cực lẫn tích cực, suy nghĩ vẩn vơ, phóng tâm, vọng tưởng, hoang tưởng, hồi tưởng quá khứ, mơ mộng tương lai, cuốn theo hiện tại. Hối quá là nuối tiếc dĩ vãng, tưởng nhớ quá khứ, ăn năn những việc đã qua.

Nếu hôn trầm, thuỵ miên là chìm dưới đối tượng, đọng dưới đối tượng, ngủ dưới đối tượng thì trạo hối là phóng trên đối tượng, là ra ngoài đối tượng, trượt trên đối tượng, bồng bềnh, lang  thang, rong chơi chân trời, góc bể...

Tại chỗ này, mọi người nên lưu ý: Chỉ có rà soát theo hơi thở, nắm bắt ngay hơi thở, chú tâm liên tục theo hơi thở vào ra; nghĩa là luôn luôn nắm giữ đối tượng hơi thở đừng để trượt lên trên cũng như chìm xuống dưới thì sẽ loại trừ hôn trầm, thuỵ miên và trạo hối ngay tức khắc.

Triền cái thứ năm là dục.

- Dục này là tham dục, ái dục. Trạng thái sơ khởi của nó là muốn cái này, muốn cái kia, muốn thay đổi cách ngồi, muốn nghỉ ngơi một chút, muốn mát mẻ một chút, muốn thư giản một lúc... Tất cả chúng đều là chướng ngại cho việc tập thiền. Cường độ dục cao hơn, nguy hiểm hơn là những ham muốn ngũ dục bắt đầu sanh khởi; ấy là tơ tưởng hình bóng đẹp, người thương, người yêu, vợ con trong quá khứ hoặc trong hiện tại. Rồi là những bài hát, bài ca yêu thích, nhưng âm thanh mê ly, những mùi hương quyến rũ, những món ăn thích khoái, những xúc chạm êm ái... và ý thì chìm trong các dục ngũ trần. Rồi còn nào là ước mơ thiên đường, tiên nữ, các cảnh trời cao sang thoả mãn các dục vật chất... Rồi còn ước mơ đắc định, các cảnh trời sắc giới, vô sắc giới, thần thông, phép lạ...

Chính 5 triền cái ấy che tấp tâm trí chúng ta, làm cho chúng ta không thấy được bản chất thực tánh, tâm tròn sáng, viên minh, vô nhiễm, trong lặng của chúng ta.

Vậy muốn thân yên, tâm yên thì ta bắt đầu đề cập đến các phương pháp tập thiền. Tập thiền để đối trị với 5 triền cái. Thiền định thì có khả năng làm lắng dịu 5 triền cái. Thiền tuệ thì nhổ tận, nhổ tiệt 5 triền cái ấy luôn.

Hôm nay thầy chưa nói đến các phương pháp ấy. Mọi người chỉ cần ngồi và thở để tự xem mình có những chướng ngại gì. Hãy để tâm rỗng rang, trong sáng, không dính mắc gì cả để tự chứng nghiệm cái gì đang xẩy ra nơi thân và nơi tâm mình. Cái rỗng rang, trong sáng, không dính mắc tương tự như câu kinh Kim Cang mà ngài Huệ Năng đã giác ngộ đấy: Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm! Nếu ai đã từng đọc Thiền Đông Độ thì trạng thái ngồi để tâm rỗng rang không dích mắc gì cả ấy nó tương tợ Vô Tâm của Đạt Ma, Vô Niệm của Huệ Năng. Và khi đọc các thiền sư Việt Nam thì nó cũng đồng với Vô Tâm của Trần Nhân Tông trong câu thơ: Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền (Vô tâm ngắm cảnh hỏi chi thiền).

Bây giờ chúng ta ngồi nhé, 45 phút thôi.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn