Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử

27 Tháng Hai 201520:42(Xem: 4330)

HÃY LÀ CHÍNH MÌNH
Thích Tâm Hạnh
Nhà xuất bản Phương Đông

Thiền phái
Trúc Lâm Yên Tử

 

“Trăm năm tích đức tu hành,

Chưa về Yên Tử chưa thành quả tu”.

Núi rừng Yên Tử vẫn sừng sững với những Thánh tích hãy còn đó qua bao biến đổi của cuộc đời. Có lắm người vẫn hằng mong ước lên đến tận chùa Đồng ít nhất một lần mới thỏa chí bình sinh. Gần đây, người tìm về Yên Tử càng đông hơn những năm trước. Về Yên Tử, có phải chúng ta đang tìm về với núi rừng, hay tìm về với hồn thiêng Yên Tử suốt tự ngàn xưa cho mãi đến nay? Hồn thiêng ấy là cái gì đó mà đến nay vẫn còn mờ ảo, chưa được rõ ràng lắm đối với một ít người trong những người đang tìm về chốn Tổ. Tuy mờ ảo, nhưng nó đã in đậm vào lòng người tự thuở nào. Có phải chính đó là năng lực đã thôi thúc mọi người tìm về Yên Tử, tìm về với chốn Tổ non thiêng?

Ngược dòng lịch sử, vào thế kỷ XIII, vua Trần Nhân Tông - một vị minh quân Việt Nam sau khi làm tròn trách nhiệm của một vị vua đối với nước, Ngài xem ngai vàng như dép rách, quyết chí cầu giác ngộ, xuất gia lên tận núi Yên Tử dốc chí tu hành. Trải thời gian công phu miên mật, Ngài đã ngộ đạo, sáng lập Thiền phái Trúc Lâm chỉ dạy cho mọi người. Từ đây, dòng Thiền Việt Nam chính thức khai sinh. Dòng Thiền ấy đã sống dậy mạnh mẽ khiến Phật giáo thời bấy giờ trở thành quốc giáo. Núi rừng Yên Tử từ trong im lìm bỗng trở nên sống động và thiêng liêng, thấm đậm vào lòng người. Ngày nay tìm về Yên Tử, có nghĩa là chúng ta đang tìm về với hồn thiêng Yên Tử; tìm về với Thiền phái Trúc Lâm đang sống lại sau ngót mấy trăm năm dài vắng bóng.

Mới nghe qua, chắc chúng ta không khỏi ngỡ ngàng khi nói đến Thiền mà còn phân ra là Thiền Ấn Độ, Thiền Nhật Bản, Thiền Trung Hoa, Thiền Việt Nam hay là Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Đúng rồi, Thiền là Thiền. Trên chỗ cứu cánh giác ngộ bản tánh chân thật thì không phân chia là Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản hay Việt Nam. Nhưng về mặt phương tiện giáo hóa thì cần phải khế cơ. Chính vì thế, khi truyền Thiền vào một nước nào, các Thiền sư đã tùy theo phong tục tập quán, tùy thuộc vào căn cơ của chúng sanh ở nước đó mà lập bày phương tiện giáo hóa cho phù hợp để dẫn dắt người học trở về nhận lại bản tâm chân thật nơi chính mỗi người. Từ đó mới có Thiền Ấn Độ, Thiền Nhật Bản, Thiền Trung Hoa hay Thiền Việt Nam… Đây là tinh thần tùy duyên bất biến của đạo Phật. Trên tinh thần đó, cũng tùy vào phong tục tập quán và căn cơ của người Việt Nam, vua Trần Nhân Tông đã sáng lập ra dòng Thiền Việt Nam - Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Trước khi Thiền phái này ra đời, ở Việt Nam đã có các Thiền sư từ Ấn Độ, Trung Hoa… truyền Thiền vào. Nổi bậc đáng kể đến lúc này có ba Thiền phái chính. Phái Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi do ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi là người Ấn Độ sang Trung Hoa đắc pháp nơi Tam Tổ Tăng Xán. Sau đó, Ngài sang chùa Pháp Vân ở Việt Nam truyền dạy Thiền. Đây là hệ phái Thiền tông đầu tiên truyền sang Việt Nam. Hệ thứ hai do Thiền sư Vô Ngôn Thông truyền vào. Ngài là người Trung Hoa truyền Thiền sang Việt Nam ở chùa Kiến Sơ. Hệ thứ ba là phái Thảo Đường. Trong số những người do vua Lý Thánh Tông bắt được từ Chiêm Thành đem về ban cho bá quan để làm nô bộc, có một người rơi vào làm nô bộc cho một vị Tăng lục. Một hôm vị Tăng lục đi khỏi, người ấy thấy bản Ngữ lục để trên bàn có mấy chỗ sai bèn tự ý chỉnh sửa. Vị Tăng lục đi về thấy thế ngạc nhiên, hỏi ra mới biết là người nô bộc của mình sửa. Ông đem việc ấy tâu lên vua Lý Thánh Tông. Vua cho mời vào Triều rồi đem Kinh Luận và Thiền ra hỏi, người ấy ứng đối lanh lẹ và khế hợp. Vua rất kính phục, truy nguyên ra mới biết đây là Thiền sư Thảo Đường, đệ tử của Thiền sư Tuyết Đậu Trùng Hiển ở Trung Quốc thuộc hệ phái Tông Vân Môn. Về sau, đồ chúng nghe danh tiếng của Sư nên tìm đến rất đông. Do đây trở thành Thiền phái thứ ba ở Việt Nam.

Đến thời vua Trần Nhân Tông, ba hệ phái Thiền trên vẫn còn truyền bá ở nước ta. Vì phương tiện của mỗi tông phái còn ảnh hưởng các tông phái ở Trung Hoa nên có sự khác biệt. Hơn nữa, phương tiện của mỗi tông phái này vẫn còn mang màu sắc của Trung Hoa, chưa được nhất quán, nên chưa phổ cập được với số đông căn cơ quần chúng Việt Nam. Do đó, sau khi vua Trần Nhân Tông tu hành ngộ đạo, từ chỗ giác ngộ và kinh nghiệm trong công phu tu hành của mình, Ngài vốn là người Việt nên rất cảm thông về phương tiện phù hợp với căn cơ người Việt, nhận thấy sự thống nhất các phái Thiền trên thành một Thiền phái thích hợp để mọi người ứng dụng tu hành dễ đưa đến kết quả là điều cần thiết, Ngài đã đứng ra thành lập hệ phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Đây là một Thiền phái Việt Nam đầu tiên ra đời không còn lệ thuộc các hệ phái Trung Hoa, xứng đáng là một hệ phái Thiền Việt Nam chính thống.

Sau đời vua Trần Nhân Tông, ngài Pháp Loa kế thừa làm Tổ vị thứ hai. Kế đó là ngài Huyền Quang kế thừa làm Tổ vị thứ ba. Mãi đến thế kỷ XVIII, Thiền sư Hương Hải là vị Thiền sư nối pháp Thiền phái này. Ở những thế kỷ gần đây, có Thiền sư Chân Nguyên, Thiền sư Minh Chánh… đều là những Thiền sư kế thừa dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Nếu ở Ấn Độ, Đức Phật là một vị Hoàng Thái tử đi tu thành Phật thì ở Việt Nam, một ông vua đi tu làm Tổ sáng lập ra Thiền phái Việt Nam. Nếu ở Ấn Độ có ông Duy Ma Cật là một cư sĩ ngộ đạo, ở Trung Hoa có ông Bàng Long Uẩn nói lên lời vô sanh, thì ở Việt Nam có ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ cũng là một người cư sĩ tại gia tu hành thấy đạo rõ ràng, đến bên mé sống chết mà Ngài vẫn làm chủ tự tại. Đây là điều mang lại niềm tin cho tất cả chúng ta; tin rằng, nếu ai quyết chí tu hành, cũng đều có khả năng giác ngộ như nhau không khác.

Danh vọng, địa vị, của cải, quyền uy… là cái mà người đời hằng mơ ước. Ở đây, một ông vua ngồi trên ngai vàng, nắm cả sơn hà, làm chủ thiên hạ, đã đạt được tất cả những gì cao quý nhất mà người đời mong muốn. Thế mà Ngài đã giã từ tất cả, vào trong rừng sâu núi thẳm, khổ hạnh tu hành, đạt được giác ngộ, sáng lập ra dòng Thiền Việt Nam; thì cái mà Ngài muốn dựng lập, hẳn phải vượt hơn những cái quý trọng tầm thường của thế gian!

Trải thời gian thăng trầm biến đổi của cuộc đời, đã có lúc các Thiền sư phải âm thầm tiếp nối, Thầy trò thầm trao truyền nhau, cũng có lúc dòng Thiền này vắng bóng. Ngày nay, khôi phục Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là chúng ta làm sống dậy một dòng Thiền Việt Nam chính thống đã truyền bá hưng thạnh một thời; khơi dậy cái trân quý của cha ông chúng ta đã dày công gầy dựng mà con cháu ngày nay gần như quên lãng hay chỉ biết đến một cách chung chung, chưa được thấu triệt.

Khi Thiền sư Đạo Viên ẩn tu trên núi Yên Tử, vua Trần Thái Tông có lần trốn triều đình đi xuất gia, lên núi hỏi đạo, chỉ mong làm Phật, không cầu làm gì khác. Ngài Đạo Viên nói:

- Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ ở trong tâm. Tâm lặng mà biết, đó là Phật thật. Nếu bệ hạ ngộ tâm này thì tức khắc thành Phật, không nhọc tìm cầu bên ngoài.

Vua toan lên núi tìm Phật, Thiền sư Đạo Viên đã khéo chỉ thẳng, trong núi vốn không có Phật, chỉ xoay lại bản tâm, tâm lặng mà hằng biết; đó chính là Phật thật. Quả là một lối chỉ thẳng, vắn tắt mà đầy đủ; thật đầy đủ để chúng ta tu hành suốt cả đời không hết. Nhận thẳng ngay đây, không nhọc nhằn chạy tìm vòng vo vô ích.

Từ đó, các vua nhà Trần đều là những ông vua Phật tử, dùng Chánh pháp trị dân. Ngoài việc Triều chính, các Ngài còn để tâm nghiên cứu Phật pháp tu hành.

Vua Trần Nhân Tông lúc còn là Thái tử, vua cha là Thánh Tông đã giao cho ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ chỉ dạy Thiền. Một hôm, Thái tử hỏi:

- Bổn phận và tông chỉ người tu Thiền là thế nào?

Thượng sĩ đáp:

- Phản quan tự kỷ bản phận sự, bất tùng tha đắc. (Xoay lại chính mình là phận sự chính, chẳng từ nơi khác mà được).

Ngay đó, vua Trần Nhân Tông lãnh hội ý chỉ và ứng dụng tu hành. Trải thời gian công phu, Ngài nhận được đạo lý; sống ngay giữa cõi trần tục mà vẫn vui với đạo nên đã làm Bài Phú Cư Trần Lạc Đạo khi còn là Thái Thượng Hoàng. Đọc một đoạn sau thì chúng ta mới cảm phục sự giác ngộ của Ngài lúc còn là cư sĩ tại gia:

Vậy mới hay!

Bụt ở trong nhà;

Chẳng phải tìm xa.

Nhân khuây bản nên ta tìm Bụt,

Đến cốc hay chỉn Bụt là ta…

Thì mới biết, Phật ở trong nhà, chẳng phải tìm đâu xa trong núi. Bởi quên gốc nên ta mới chạy đi tìm Phật. Đến khi hay ra thì Phật chính là mình.

Quên gốc nên chạy đi tìm Phật bên ngoài, vào núi để tìm Phật, càng đi tìm chỉ là càng cách xa. Xoay trở lại thì Phật vốn là mình. Lời dạy phản quan của ngài Tuệ Trung mà vua Trần Nhân Tông đã thể nhận được thật là cô đọng và xác đáng. Về sau xuất gia tu hành đạt đạo, Ngài lấy đây làm điểm chính yếu để thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Mãi đến thế kỷ thứ XVIII, vẫn còn Thiền sư Hương Hải là người truyền thừa dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Khi trở về Bắc, vua Lê Dụ Tông muốn nghe thuyết pháp để được liễu ngộ nên đến hỏi đạo, Sư khuyên Vua chí tâm lắng nghe cho thấu suốt bài kệ:

Phản văn tự kỷ mỗi thường quan,

Thẩm sát tư duy tử tế khan.

Mạc giáo mộng trung tầm tri thức,

Tương lai diện thượng đổ Sư nhan.

Hằng ngày xoay lại chính nơi mình,

Xét nét kỹ càng chớ dễ khinh.

Trong mộng tìm chi người tri thức,

Mặt Thầy sẽ thấy trên mặt mình.

Ngài khuyên vua xoay lại chính mình xét cho thật kỹ càng, chớ tìm tri thức nào khác trong mộng. Còn tìm tri thức nào khác ngoài mình thì rõ ràng chúng ta vẫn còn đang ở trong mộng. Tỉnh ra mới biết, ngay trên mặt mình, mặt Thầy vẫn hiển hiện đó tự thuở nào, không nhọc phải tìm cầu nơi nào khác.

Từ Thiền sư Đạo Viên dạy đạo cho  vua Trần Thái Tông, đến vua Trần Nhân Tông nhận ý chỉ từ ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ tu hành đạt đạo, cho đến Thiền sư Hương Hải dạy đạo cho vua Lê Dụ Tông và trải dài cho đến mãi về sau, Thiền phái Trúc Lâm vẫn một sắc màu phản quan không sai khác; xoay lại nhận ra Phật tại tâm mình, không chạy tìm Phật nơi nào khác. Nếu tinh thần ấy không đúng với chân lý Phật Tổ chỉ dạy, không đáng trân quý, không phù hợp với căn cơ quần chúng người Việt thì vì sao Thiền phái này lại tồn tại một cách có hệ thống, nhất quán và lâu dài đến thế?

Đến như những pháp Phật Tổ chỉ dạy xưa kia, chỉ cốt khiến người xoay lại ngay nơi chính mình chứ không phải hướng ra ngoài tìm cầu cái gì huyễn hoặc hay xa vời nơi nào khác.

Một nhân duyên lớn Đức Phật xuất hiện ở đời chỉ vì khai thị cho chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến. Ngộ nhập Phật tri kiến tức là xoay lại, trở về nhận lại bản tâm chân thật nơi chính mỗi người. Đây là điểm chính yếu của Ba Tạng Giáo điển.

Khi ngài Thần Quang được Tổ Đạt Ma nhận làm đồ đệ với hiệu là Huệ Khả. Một hôm, Ngài thưa với Tổ Đạt Ma:

- Bạch Hòa thượng, tâm con không an, thỉnh Hòa thượng dạy cho con pháp an tâm.

Tổ Đạt Ma bảo:

- Đem tâm ra ta an cho!

Ngài Huệ Khả xoay lại tìm không thấy dấu vết, liền bạch:

- Bạch Hòa thượng, con tìm tâm không được.

Tổ bảo:

- Ta đã an tâm cho ngươi rồi.

Ngay đó, ngài Huệ Khả liền nhận ra, biết được đường vào.

Tổ Đạt Ma khéo chỉ, ngài Huệ Khả thật thà tin tuyệt đối vào lời dạy của Thầy nên xoay lại tìm tâm, tâm liền mất dạng. “Ta đã an tâm cho ngươi rồi.” Quả là một lối khai thị tài tình! Đưa tay vạch thẳng, khiến người bước thẳng vào nhà tự lúc nào chẳng rõ.

Sau thời gian công phu, một hôm ngài Huệ Khả thưa:

- Bạch Hòa thượng, hiện nay con bặt hết các duyên.

Tổ Đạt Ma bảo:

- Coi chừng rơi vào không!

Ngài thưa:

- Rõ ràng thường biết, làm sao không được.

Tổ Đạt Ma liền nói:

- Ông như thế, ta như thế, chư Phật cũng như thế.

Đây là Tổ Đạt Ma ấn chứng ngài Huệ Khả làm Tổ vị thứ hai kế thừa Thiền tông Trung Hoa.

Tổ Huệ Khả xoay lại tìm tâm liền biết lối vào thì ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ dạy phản quan, vua Trần Nhân Tông liền nhận rõ yếu chỉ tu hành.

Tổ Huệ Khả “Bặt hết các duyên, rõ ràng thường biết” thì Thiền sư Đạo Viên dạy vua Trần Thái Tông: “Tâm lặng mà biết, đó chính là Phật thật”. Vua Trần Nhân Tông thì: “Niềm lòng vằng vặc, Giác tính quang quang… Vắng vẳng ngàn kia, Dầu lòng dong thả”.

Rõ ràng, tuy các Ngài phương tiện uyển chuyển để chỉ dạy cho phù hợp với từng căn cơ chúng sanh thì có khác, nhưng trong đó vẫn ngầm có sự nhất quán chứ không phải tự ý đặt bày khiến có sự mâu thuẫn sai biệt giữa nhau. Vận dụng phương tiện tuy có khác, nhưng mục đích chính yếu chỉ là hướng cho người học đạt đến chỗ giác ngộ rốt ráo tột cùng. Và đến chỗ giác ngộ cuối cùng rồi thì không còn sai khác.

Chấp vọng tưởng làm chơn thì bị cuốn theo vọng, trôi lăn chịu khổ trong sanh tử. Xoay trở lại thấy tột là vọng thì vọng tự lìa. Trong vắng bặt mà hằng giác biết, mới hay ra xưa nay trên vọng mà cái giác biết này chưa từng thiếu vắng! Bởi chúng sanh không tự giác biết, một bề theo vọng, bỏ quên chính mình nên luống chịu bao nhiêu thống khổ. Khéo xoay trở lại, tỏ ra rồi thì chốn nào chẳng phải quê nhà?

Chỉ có thế mà bàn nói đã khá dong dài, không khỏi khiến người chê trách. Ngay đây, xoay lại xem, cái gì là mình? - Thiền phái Trúc Lâm liền sống lại.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn