- 01. Cơ Sở Khoa Học của Thiền Chánh Niệm
- 02. Thiền Sức Khỏe và Thiền Giải Thoát
- 03. Một vài định nghĩa về Thiền Chánh Niệm
- 04. Nền Tảng Đạo Đức của Thiền Chánh Niệm
- 05. Chánh Niệm và Duyên Khởi
- 06. Chánh Niệm và Phi Công Tự Động
- 07. Những Phát Kiến Khoa Học Đưa Đến Cách Mạng Chánh Niệm
- 08. Vật Lý Mới Và Đạo Học Đông Phương
- 09. Thực Phẩm Và Sức Khỏe
- 10. Phần Thực Tập (1)
- 11. Phần Thực Tập (2)
- 12. Tạm Kết Luận
- 13. Các Bài Thực Tập
- 14. Các Bài Phụ Lục
Chương Bảy
Những Phát Kiến Khoa Học Đưa Đến Cách Mạng Chánh Niệm
Tại sao từ thái độ ngờ vực Phật giáo là một tôn giáo ‘hư vô’ vào thế kỷ 17 và 18, giới khoa học Tây Phương hiện nay xem Chánh Niệm có tiềm năng giúp y khoa vượt qua khỏi một bế tắc do ‘quan niệm’ không còn đúng về con người và vũ trụ?
Cũng như bất cứ một phát kiến nào, trước khi được chấp nhận cũng phải vượt qua rào cản của những thành phần bảo thủ nhiều ‘quán tính’, không muốn thay đổi trước khi có được bằng chứng hiển nhiên không còn nghi ngờ gì nữa, như trong kinh Kalama. Và đây là tinh thần ‘khoa học’ đáng kính. Tuy nhiên các nhà khoa học ‘tiên phong’ (avant garde) bao giờ cũng phải quan tâm đến những điều chưa biết, nếu chỉ quanh quẩn với những điều đã biết, sẽ không có phát kiến nào quan trọng.
Rick Hanson cho biết là trong vòng 20 năm qua kiến thức về khoa học não bộ đã tăng gấp đôi. Một phát kiến nền tảng vào thập kỷ 60 hay 70 trong khoa học não bộ gọi là neuro-plasticity. Plasticity có nghĩa là thay đổi và thích ứng…Trước đó các nhà khoa học não bộ cho rằng tế bào não chỉ ‘sung sức’ khi chúng ta còn trẻ và chết dần khi cơ thể già cỗi. Các nhà khoa học plasticity trái lại chủ trương tế bào não vẫn tiếp tục sinh sản từ lúc chúng ta sinh ra đời cho đến khi xuống mồ! Các khoa học não bộ trước đó quan niệm có một ‘bản đồ não bộ’, mỗi phần có một chức năng nhất định nào đó, và nếu phần này bị thương tích, thì chức năng đó không thể nào hồi phục được.
Người tiên phong trong neuro-plasticity là Bác sĩ Paul Bach-Y-Rita cho rằng những chức năng học hỏi được sẽ tăng cường trong một thời gian nào đó, nếu bị thương tổn, não bộ sẽ học những kỹ năng mới và dần dần trở nên ‘tự động và tinh tế’ (automatic and refined). Kết quả công trình nghiên cứu của Paul Bach-y Rita cuối cùng được chính thức đăng trong tập san khoa học Nature sau một thời gian bị chống đối của các nhà khoa học não bộ ‘truyền thống’. (xem cuộc hành trình kỳ thú của Bác sĩ Paul Bach Y- Rita trong The Brain that Changes Itself của Norman Doidge 2007, pp 1-26)
Kế đến là phát kiến của của David Bohm về Tổng Thể (Wholeness) và tương tức tương hiện (interconnectedness) như là thuộc tính của tất cả sự vật, nhất là các sinh vật như một hệ thống ‘tự quản lý và tự tồn’, không có hệ thống nào hiện hữu một mình. Tổng thể không những có mặt trong một hệ thống chúng sinh hữu tình mà còn trong toàn vũ trụ, không bị giới hạn bởi cá nhân được bọc dưới làn da của thân thể.
Trong một bức thư trả lời cho một giáo sĩ Do Thái ‘tâm sự’ về trường hợp tử vong của một thiếu ngây thơ 19 tuổi. Einstein viết:
‘một người là một phần của Toàn Thể, mà chúng ta thường hay gọi là vũ trụ, một phần giới hạn bởi thời gian và không gian. Con người qua trãi nghiệm, bằng ý tưởng và tình cảm, xem mình như là một cái gì tách biệt với toàn thể, đó là do ống kính ảo tượng của ý thức. Ảo tượng này là ngục tù nhốt chúng ta, giới hạn chúng ta trong ham muốn cá nhân và chỉ hướng tình thương về một số người gần gũi. Công việc của chúng ta là phá bỏ ngục tù này, bằng cách mang tình thương đến tất cả chúng sinh và toàn thể thiên nhiên đầy vẻ xinh đẹp’
David Bohm là một lý thuyết gia Cơ học Lượng tử, đã khám phá trong vi-nguyên tử, các proton và electron, là hai phần chính tạo ra hầu hết các tế bào trong thân thể chúng ta, có thể hiện diện dưới hình thái hoặc là làn sóng hoặc là một vật thể, nhưng không bao giờ hiện diện dưới hai hình thái cùng một lúc. Trong từ trường lượng tử, lượng tử không thể nào tách rời khỏi môi trường năng lượng mà chúng đang hiện diện.
Tổng thể áp dụng trong hệ thống thân tâm có những kết quả thực tiễn nhất qua công trình của hai nhà nghiên cứu Steven Locke và Douglas Collingan trong tác phẩm The Healer Within, đặt tên mối liên hệ giữa não bộ và hệ thống miễn nhiểm là Psycho/Neuro/Immunology (PNI). Hệ thống miễn nhiểm được điều khiển bởi thần kinh não bộ ANS, hội nhập với tất cả các cơ quan chính của cơ thể để điều hòa tất cả các chức năng và duy trì quân bình và hợp nhất của cơ thể. Các nhà y học do đó có những lý do hợp lý về vai trò của tư tưởng và tình cảm trong việc giúp đỡ hay ngăn trở hoạt động giữa hệ thống miễn nhiểm và bệnh tật.
Giáo sư Janice Kielcot-Glaser và Ron Glaser tại viện đại học Ohio cho thấy tế bào Diệt vi khuẩn hay siêu vi khuẩn (Natural Killer NK) giảm xuống khi các sinh viên y khoa trong mùa thi cử (tức là thời kỳ bị stress) và con số này trở lại mức bình thường sau khi thi xong. Các nhà nghiên cứu khác cũng chứng minh được là những người độc thân hay sau khi ly dị, hệ thống miễn nhiểm cũng bị suy yếu. Tuy nhiên nếu tìm cách thư giản, con số NK lại tăng lên đủ mức cần thiết để chống chọi lại các bệnh kể cả ung thư và HIV một cách hữu hiệu. (Jon Kabat Zinn, p 175). Điều này cho thấy là Chánh Niệm có thể ảnh hưởng lên việc chữa lành các bệnh tật nói trên một cách trực tiếp qua não bộ, không phải chỉ gián tiếp qua việc thay đổi cách sống! Kết quả thử nghiệm trên dĩ nhiên phần lớn chỉ dựa trên các liên hệ xác suất có ý nghĩa, chứ không phải các yếu tố trên là nguyên nhân làm tăng hay giảm hoạt động miễn nhiểm.
PNI được nhắc nhở rất nhiều trên báo chí bình thường nên có nhiều bệnh nhân muốn thực hành chánh niệm để chữa khỏi các bệnh trên. Tuy nhiên thực hành chánh niệm với một mục đích cố định, có thể ngăn trở hơn là giúp đỡ hiệu quả của chánh niệm. Lý do là nếu thực hành chỉ với mục đích cố định và chúng ta có thể ngồi thiền Chánh niệm ‘trong đầu’ và quên những thái độ cần thiết như buông xả và không mong cầu (non-striving) để đạt tới điều gì. Và khi thấy không hiệu quả chúng ta lại nghi ngờ khả năng thực tập của mình hay hiệu quả của Thiền Chánh niệm và có thể bỏ cuộc sớm!
Một dòng y tế mới
Một dòng y tế mới được giới y học chấp nhận có tên là Mind and Body Medicine , hay Intergrative hay Behavioral Medicine dựa trên các khám phá về Wholeness (Tổng thể). Bệnh tật hay sức khỏe không còn được hiểu như là một vấn đề riêng biệt của cơ thể hay tâm thần, vai trò của các yếu tố khác như lề lối suy tư, ảnh hưởng tương giao giữa tâm, thân và cách ứng xử phải được xét đến trong khi định bệnh và chữa trị (Jon Jabat Zinn, p.151).
Trong mô thức y tế mới có hai điều đáng chú ý. Một, nguyên nhân gây ra bệnh không phải chỉ do thân hay tâm mà do những giao lưu hỗ tương giữa thân tâm và cách ứng xử. Vai trò của những lề lối suy nghĩ và tình cảm, nhân cách phải được xét đến vì chúng có thể làm chúng ta mạnh khỏe hay dễ bị bệnh. Thứ hai là vai trò tham dự của bệnh nhân trong tiến trình chữa trị. Bệnh nhân không còn phó mặc cho bác sĩ, mà nhận thấy vai trò của mình trong việc chữa trị như thay đổi cách suy nghĩ và những tình cảm tiêu cực.
Sau đây là những lề lối suy nghĩ và tình cảm có ảnh hưởng tiêu cực hay tích cực trong sức khỏe hay bệnh hoạn đã khám phá ra trong một số thử nghiệm:
1- Bi quan / lạc quan
Bác sĩ Martin Seligman và các đồng nghiệp ở Đại học Pennsyvania nghiên cứu về sự khác biệt sức khỏe giữa hai loại nhân cách gọi là bi quan và lạc quan trong việc đối kháng với bệnh tật. Một người bi quan thường đổ lỗi cho mình khi có một biến cố xấu xảy ra và cho rằng biến cố này sẽ ảnh hưởng lâu dài lên những khía cạnh khác trong đời và thường hay bị trầm cảm và tuyệt vọng.
Một người lạc quan là một người không đổ lỗi cho mình khi có một biến cố xấu xảy ra trong đời, và nếu có, thì cũng xem như chuyện tạm thời, rồi có lúc cũng qua. Thay vì xem là biến cố ảnh hưởng trên nhiều khía cạnh mà chỉ để ý đến những ảnh hưởng đặc biệt và tự nhủ là ‘thua keo này, bày keo khác’.
Bác sĩ Seligman thấy là những người bi quan thường bị trầm cảm khi gặp phải một biến cố xấu trong đời và chết sớm vì bệnh tật. Ông cũng thấy là các người lạc quan có nhiều khả năng chống lại với bệnh tật và không chết yểu như những người bi quan!
2- Tự tin vào khả năng biến đổi hoàn cảnh của mình (Self- Efficacy)
Bác sĩ Albert Bandura thuộc trường Y Khoa Stanford thấy những người tự tin rằng mình có thể thay đổi thời thế, hoàn cảnh là một dấu hiệu đáng tin cậy tiên đoán tình trạng sức khoẻ của người đó, kể cả việc phục hồi mau chóng sau khi bị chứng tim mạch, chứng thấp khớp hay có thể thay đổi nếp sống thiếu lành mạnh (nghiện rượu, ma túy...) Họ tin là họ có thể kiểm soát những lảnh vực quan trọng trong đời họ.
Bác sĩ Bandura làm một cuộc thử nghiệm với những người đang trong quá trình phục hồi sau bệnh tim mạch, cho thấy những người tự tin là họ có thể vượt qua cơn hiểm nghòe và trở lại tình trạng sức khỏe bình thường như trước đây. Những người này tiếp tục chương trình một cách kiên trì, thấy mạnh khỏe hơn và không bỏ dở các thực tập phục như những người cảm thấy thiếu tự tin vào khả năng hồi phục của mình.
3- Thách đố hoàn cảnh (Stress Hardiness)
Bác sĩ Suzanne Kosaba thuộc Đại Học City of New York, những người thách đố tin tưởng rằng họ có thể làm thay đổi hoàn cảnh và biến cố xấu chỉ là một giai đoạn tạm thời và thay đổi là một phần tự nhiên của đời sống có thể có cơ hội để phát triển. Họ thấy thách đố cũng là cơ hội chứ không phải chỉ là đe dọa. Bác sĩ Suzanne Kobasa cho biết những người loại này cứng rắn hơn trong khi bị thách đố, bằng cách đặt những câu hỏi khó khăn như: “cuộc đời đang đi về đâu và chọn lựa và thay đổi nào có thể làm giàu thêm đời mình.” Trong những hoàn cảnh khó khăn khả năng có thể làm tăng cường ý chí của họ thay vì bị trầm cảm.
Tất cả những nghiên cứu trên phần lớn về ảnh hưởng của tư duy trên sức khỏe và bệnh tật. Tư duy và tình cảm cũng không ngoài nguyên tắc tương tức- tương hiện. Lề lối suy nghĩ ảnh hưởng lên tình cảm và ngược lại.
Một số các nhà khoa học nghiên cứu những cá tính hay nhân cách có thể khiến một người hay bị ung thư hay tim mạch. Một vài nghiên cứu cho thấy những người che dấu tình cảm hay biểu lộ tình cảm một cách khó khăn đối với người khác. Theo một vài nghiên cứu những người luôn đè nén và che dấu tình cảm thường có áp huyết cao hơn những người bộc lộ trực tiếp tình cảm, ngay cả tình cảm nóng giận! Những người bộc trực tình cảm dĩ nhiên có thể gây ra những tình huống bất lợi nhưng ít ra là không bị cao huyết áp. Theo một nghiên cứu khác, các phụ nữ bị ung thư ngực nếu đè nén tình cảm có nhiều nguy cơ không phục hồi, trong khi các đối tượng biểu lộ tình cảm ‘bình thường’ mau phục hồi hơn. Thế nên chọn phản ứng nào? Vẫn biểu lộ tình cảm ‘bình thường’ nhưng qua ánh sáng của Chánh niệm để làm giảm các hậu quả đổ vỡ: quý vị nhớ sự khác nhau giữa phản ứng (reactive) và đối ứng (responsive), một đàng qua ánh sáng Chánh niệm, một đàng phản ứng theo thói quen ‘thiếu ý thức’. Lại thêm một lý do để thực hành Chánh niệm.
Các dữ kiện nghiên cứu do Bác sĩ Caroline Thomas tại thu thập dữ liệu từ các sinh viên Y khoa tại trường từ năm thập kỷ 1940 và theo dõi các sinh viên này nhiều năm đến khi họ trưởng thành và qua đời. Những sinh viên này báo cáo những bệnh mà họ mắc lúc còn trẻ (lúc 21 tuổi) và những chứng bệnh mà họ mắc phải khi qua đời. Có một số nguyên nhân về tâm lý tương tự của các sinh viên sau này dễ bị mắc bệnh ung thư, là mối liên hệ lạnh nhạt với cha mẹ, không biểu lộ tình cảm rõ ràng trong các mối liên hệ xã hội khác. Kết luận có thể rút ra từ nghiên cứu này là những trãi nghiệm tình cảm thời ấu thơ có ảnh hưởng quan trọng về sức khỏe sau này.
Bác sĩ Bernie Siegel thuộc viện đại học Yale căn cứ trên kinh nghiệm của một chính mình, một bác sĩ phẫu thuật ung bướu, cho biết là khả năng sống sót khi bị ung thư là những người bày tỏ lòng thương cảm với chính mình và bày tỏ tình yêu dễ dàng với người khác. Trong tác phẩm Love, Medicine và Miracles ông nói là ‘không có một yếu tố nào khác có thể cải thiện phẩm chất đời sống hơn là bày tỏ lòng yêu thương mình và người khác!’ ( Dẫn lại của Jon Kabat Zinn, Ibid, p.205). Các kết quả này cũng dựa trên các thống kê có ý nghĩa. Nói cho chính xác một số tình cảm làm tăng ‘yếu tố rủi ro’ (risk factors) khiến cho một số người ‘dễ’ mắc bệnh.
Một khám phá thú vị khác là nhân cách có thể ảnh hưởng đến một số bệnh tật nào đó. Những người được xếp loại nhân cách loại A thường dễ mắc bệnh tim mạch. Những thử nghiệm gần đây lại cho thấy không phải toàn bộ tính tình của những người có nhân cách loại A là hay mắc bệnh này. Những người loại A là những người lúc nào cũng sống hối hả và hay đua chen và thường thiếu kiên nhẫn, thù nghịch và hung hăng. Những người nào không có tính tình tương tự được xếp vào loại B, thường dễ tính và hòa nhã hơn những người loại A. Loại B không sống hối hả và không có thái độ thù nghịch hay sân hận với người khác và dành một ít thời giờ để trầm tư. Thử nghiệm này do nhóm nghiên cứu Western Collaborative thử nghiệm 3,500 đối tượng khỏe mạnh và không có triệu chứng mắc bệnh nào. Tám năm sau các đối tượng này lại được xét nghiệm và kết quả cho thấy là nhóm có nhân cách loại A có từ hai (2) đến bốn (4) lần bị bệnh tim mạch nhiều hơn các đối tượng loại B. Nhiều thử nghiệm khác cũng có kết luận tương tợ về mối liên hệ giữa loại A, kết quả này đúng cho cả 2 phái nam và nữ. Tuy nhiên Bác sĩ Redford Williams ở Đại Học Y Khoa Duke chỉ chú ý quan sát khía cạnh sân hận của đối tượng loại A và thấy tính này là một dấu hiệu tiên đoán đáng tin cậy hơn là tính sống hối hả. Những người nhiều sân hận không những có nhiều nguy cơ mắc bệnh tim mạch mà còn dễ bị mắc bệnh ung thư và các chứng ngặt nghèo khác. (Jon Kabat Zinn, Ibid, p. 212)
If you could read the secret history of our enemies, you should find in each life sorrow and suffering enough to disarm any hostility
Longfellow
Nói một cách khác nếu sống an lạc và không thù hận như Phật tử được khuyến khích, không những tạo một xã hội đạo đức mà còn giúp thân tâm có cơ may tránh những bệnh hiểm nghèo!
Bác sĩ Williams và các cộng sự viên còn theo dõi một cuộc nghiên cứu khác về các nam Bác sĩ qua một thử nghiệm tâm lý khi họ còn là một sinh viên y khoa (25 năm trước đó). Một phần tư những sinh viên có chỉ số sân hận thấp có ít nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch hơn là các sinh viên có chỉ số sân hận cao. Khi họ xét về con số tử vong (do tất các chứng bệnh) kết quả cho thấy là chỉ có 2% những sinh viên có chỉ số sân hận thấp qua đời trong khi những sinh viên có chỉ số sân hận cao, có đến 13% qua đời trong cùng một thời gian như nhau. (Ibid, p. 212)
Bác sĩ Williams kết luận là “tình cảm cay độc và thù hận là những độc tố cho sự khỏe mạnh của mọi người”. Phật tử ai cũng nằm lòng câu: “Lấy oán báo oán, oán không bao giờ dứt. Lấy ơn báo oán, oán mới tiêu tan. Đó là sự thật muôn đời” Ít sân hận không những hóa giải được oán thù, mà còn giúp chúng ta có một cuộc đời an lành, hạnh phúc và ít bệnh tật.