- 01. Cơ Sở Khoa Học của Thiền Chánh Niệm
- 02. Thiền Sức Khỏe và Thiền Giải Thoát
- 03. Một vài định nghĩa về Thiền Chánh Niệm
- 04. Nền Tảng Đạo Đức của Thiền Chánh Niệm
- 05. Chánh Niệm và Duyên Khởi
- 06. Chánh Niệm và Phi Công Tự Động
- 07. Những Phát Kiến Khoa Học Đưa Đến Cách Mạng Chánh Niệm
- 08. Vật Lý Mới Và Đạo Học Đông Phương
- 09. Thực Phẩm Và Sức Khỏe
- 10. Phần Thực Tập (1)
- 11. Phần Thực Tập (2)
- 12. Tạm Kết Luận
- 13. Các Bài Thực Tập
- 14. Các Bài Phụ Lục
Chương Bốn
Nền Tảng Đạo Đức của Thiền Chánh Niệm
Thiền là một môn phái chính trong Phật Giáo Trung Hoa và Việt Nam. Việt Nam gọi cửa chùa là cửa thiền, mặc dù có lẽ có nhiều Phật tử hành trì Tịnh Độ hơn. Tây Phương biết Thiền qua như Zen theo âm vận của từ ngữ Nhật, nhờ Ba cuốn Thiền Luận của Đại Sư Suzuki.
Tác phẩm của Suzuki đã chinh phục giới trí thức và văn nghệ sĩ Mỹ như Jack Kerouac, tác giả On the Road và Dharma Bums và đa số các nghệ sĩ trong phong trào Zen Beats. Tín đồ Việt nam nghĩ là Tịnh ‘dễ’ hành trì hơn vì nhờ Đức Phật A Di Đà hộ trì. Thiền trên nguyên tắc nhờ nổ lực cá nhân, thích hợp với những suy nghĩ của tín đồ trí thức, nhưng cách thức hành trì ‘có vẻ’ khó khăn. Nhận thức này không phải lúc nào cũng đúng, tuy nhiên với chủ trương “Bất lập văn tự, Giáo ngoại biệt truyền’ Thiền càng trở nên ‘bí nhiệm’ đối với quần chúng! Hiện có nhiều tôn túc tuyên bố mình là đệ tử Thiền Lâm Tế đời thứ ..., phần lớn dựa vào ‘bổn sư’, nhưng không phải đệ tử nào theo học một bổn sư cũng đắc đạo và vì ‘tâm truyền tâm’ nên chỉ có thầy và trò biết với nhau. Thiền do đó trở thành một môn phái bí truyền (esoteric) thay vì ‘công truyền’ như khoa học Tây phương: khi một chân lý khoa học nào được khám phá, thường chân lý đó trở thành kiến thức chung của nhân loại. Chỉ trừ những hãng dược phẩm gần đây dành ‘patent’ cho những genes mới khám phá, viện lý do là đã bỏ ra quá nhiều tiền để nghiên cứu.
Từ Thiền Luận đến Góp Nhặt Cát Đá
Sau Ba quyển Thiền Luận, năm 1957 Paul Reps và Senzaki xuất bản cuốn Zen Flesh, Zen Bones (bản dịch Góp Nhặt Cát Đá của Đỗ Đình Đồng) cũng thu hút nhiều độc giả không kém gì các tác phẩm của Suzuki. Đây là những câu chuyện ngắn phần lớn đối đáp giữa thầy và trò, một số trích trong Vô Môn Quan, Bích Nham Lục hoặc Lâm Tế Lục, thường chứa đựng những chuyện nghịch lý do đó rất lôi cuốn trí thức phương Tây. Cũng như ba quyển Thiền Luận của Suzuki Zen Flesh Zen Bones lôi cuốn những độc giả trí thức thích triết lý và nghệ thuật của Thiền, nhưng nếu ai muốn có những cẩm nang cụ thể để thực tập hay tu học họ sẽ thất vọng! Trang cuối trong Zen Flesh, Zen Bones có câu hỏi “Thiền là gì?” Câu trả lời cũng mơ mơ màng màng như trong Thiền Luận của Suzuki. Đây là một câu trả lời:
Một con cá đến gặp hoàng hậu và hỏi: Tôi nghe nhiều người nói về biển cả, nhưng biển cả là gì? Ở đâu? Hoàng hậu trả lời: “Con sống bơi lội trong đó, và con là một phần của biển cả. Biển cả trong con, ngoài con, và con từ biển cả sinh ra, và sẽ chết trong đó. Biển cả quanh con như là một phần sự sống của con.”Và tác phẩm chấm dứt bằng một câu hỏi: Có một câu trả lời nào khác không?
Khi Nhất Hạnh qua Mỹ năm 1966 vận động cho hòa bình Việt Nam, ngoài cuốn Hoa Sen Trong Biển lửa và Nhất Hạnh còn nổi tiếng qua tác phẩmThe Miracle of Mindfulness, cẩm nang tu học cho các sinh viên trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, cuốn này trở thành tác phẩm cổ điển của Thiền Chánh Niệm. Trong phần phụ lục có bản dịch kinh Tứ Niệm Xứ (kinh Satipatthana) do Nyasatta dịch từ nguyên bản Pali) và kinh Quán Niệm Hơi Thở Anapanasati do Nyanapontica dịch cũng từ nguyên bản Pali) (Nhất Hạnh 1975/76 P 111-134)
Nhất Hạnh còn xuất bản tác phẩm Zen Keys (Doubleday) và được Phillip Kapleau đề tựa. Nói là đề tựa nhưng Kapleau viết một loạt 19 trang gần như bài ca ngợi tác phẩm là đã chuyển tải “cảm giác và hương vị đích thực của Thiền” dù trong phần lớn tác phẩm Thầy chỉ đề cập đến Thiền Công án. Từ đó Nhất Hạnh không những được nhớ tới như một người vận động không mõi mệt cho hòa bình Việt Nam mà còn như là một Thiền Sư truyền bá Thiền Chánh niệm ở Tây phương, nhất là khi Làng mai được thành lập ở Pháp.
Thế nhưng nếu Thiền Chánh niệm dựa trên 2 kinh Quán Niệm Hơi Thở và Tứ Niệm Xứ , công bình mà nói, đó là Thiền Nguyên Thủy, chứ không thể gọi là Pháp môn của một dòng tu riêng biệt nào, một làng hay một tổ đình nào. Thêm vào đó phái Nguyên Thủy cũng truyền bá Thiền Vipassana (Insight Meditation), dù không phổ thông bằng Thiền Chánh Niệm.
Trong bài trước tôi có giới thiệu Viện Thân và Tâm do Đức Đạt Lai Lạt Ma thành lập chung với nhà khoa học Não bộ Varela, tập hợp các người thực hành chánh niệm và các nhà khoa học não bộ trong ý hướng ‘đối thoại’ của các thiền sư và các nhà khoa học về Tâm và Thân . Thiền Chánh niệm được hai nhà khoa học Jon Kabat Zinn và Richard Davidson hợp tác điều khiển trong các khóa học MBSR (xem phụ lục Cuộc Cách Mạng Thiền Chánh Niệm). Song song với MBSR tại UMass, tại Anh, GS Mark Williams (ĐH Oxford) và John Teasdale (ĐH Cambridge) và Zindel Segal (ĐH Toronto) hướng dẫn các khóa Thiền MBCT (Mindfulness Based Cognitive Treatment) chuyên chữa trị cho những người bị trầm cảm kinh niên. GS Mark Williams tuyên bố chương trình này rất thành công trong việc ngăn ngừa bệnh trầm cảm tái phát và giúp nhiều bệnh nhân thoát khỏi lo âu, buồn bã và tìm lại nguồn vui mà ông gọi là Joie de Vivre cố hữu!
Nhờ các nhà khoa học, Chánh Niệm từ phương pháp “dĩ tâm truyền tâm” chủ quan (ngôi thứ nhất) giữa thầy và trò trở thành một khoa học khách quan, chuyển thành những kinh nghiệm cá nhân thành dữ kiện ‘công truyền’ (ngôi thứ ba) có thể kiểm chứng được như bất cứ một khoa học khách quan nào khác. Khi gọi Chánh Niệm là một cuộc cách mạng, giới khoa học và y khoa Mỹ không phải là không có lý do.
Học trò của Phật và Hippocrate có cùng một lời thề: Giới sát (Non Harming)
Sau khi quyết định hành nghề trong ngành y khoa, học trò của Hippocrate tuyên thệ Primum non nocere (First do no Harm), giống như một Phật tử khi chấp nhận quy y theo con đường chánh pháp phải quyết tâm theo con đường bất bạo động, không làm hại bất cứ một chúng sinh nào (Ahimsa). Chính nhờ nguyên tắc này Gandhi đã dành được độc lập cho Ấn Độ từ đế quốc Anh. Khi thực hành Chánh niệm, hành giả cũng không thể nào không có lòng độ lượng, rộng mở và từ bi nhất là đối với chính mình. Theo Kabat Zinn trong nhiều ngôn ngữ Á châu, từ ngữ Tâm dùng để chỉ cho cả Tim lẫn Óc. Mindfulness do đó cũng có nghĩa là Hearfulness. Hành giả chánh niệm không phải chỉ là những người vị kỷ, chỉ ngồi ngó rốn của mình, hay lim dim đôi mắt quên sự đời chung quanh. Chánh niệm có phần tình cảm, đạo đức căn bản của đạo Phật như từ bi, hỷ và xả, đồng cảm với người khác và những đạo đức căn bản như không bám víu vào ngã và sa vào những tình cảm hay ý nghĩ tiêu cực mà Phật tử hay gọi là tam độc: tham, sân, si. Chánh niệm nối kết với tình cảm và tư tưởng này bằng cách nào?
Tham và Sân là tình cảm tiêu cực trong khi Si là bám víu vào ý tưởng vô minh, đối nghịch với trí tuệ (wisdom). Trí tuệ là không dùng thiên kiến hay định kiến làm méo mó sự thực. Tuệ giác là thấy sự thực như khi chúng hé mở cho chúng ta thấy, không bị biến dạng qua tình cảm thương hay ghét, bám chặt hay xua đuổi. Tuệ trí là thấy sư thật hé lộ cho chúng ta thấy như chúng là (Things are the way they are!), không phải theo cách chúng ta muốn/ hay không muốn chúng xuất hiện. Nếu chúng ta tinh ý một chút chúng ta thấy thủ phạm chính là Tâm, không phải thân hay khẩu nghiệp: tình cảm (tham, sân) chỉ là hậu quả của Si (delusion).
Trong khi chúng ta chụp giựt (tôi dịch chữ grasping thiếu thanh nhã nhưng với dụng ý) những gì chúng ta thích vì nghĩ rằng đời mình chưa đầy đủ, cần phải có thêm một vài thứ mà mình thích mới hạnh phúc, một thời gian sau vẫn thấy chưa đủ nên lại chụp giựt tiếp, và cái vòng lẩn quẩn cứ thế mà tiếp tục. Chờ tốt nghiệp Đại học xong, tôi mới thấy hạnh phúc, chờ tới khi dành dụm được một ít tiền, chờ tôi lập gia đình, nếu không may gia đình không hạnh phúc, chờ đến khi tôi ly dị, hay chờ đến khi con cái lớn lên đi ở riêng. Có bao nhiêu khoảnh khắc hiện tại tôi đã bỏ qua ‘quên sống’ để ‘chờ’ tương lai.
Thường chúng ta nhìn thấy hành vi tham lam của người khác ‘rõ’ hơn là hành vi của chúng ta. Điều này không có nghĩa là chúng ta không nên ham muốn gì cả, tuy nhiên nếu biết dùng chánh niệm để ‘soi sáng’ những hành vi tham lam “thiếu” suy xét và những hậu quả tác hại cho chúng ta và cho người khác, chánh niệm có thể điều hòa tư tưởng, tình cảm và hành động, để hạn chế những đau khổ do thái độ ‘bám víu’ mà Đức Phật xem như một trong những nguyên chính làm chúng ta đắm chìm trong đau khổ.
Khi hành Thiền quý vị sẽ thấy lúc nào tình cảm sân hận ‘hình như’ muốn nổi lên, nổi trận lôi đình vì những chuyện không ra gì như một lời nói khích, những vật dụng xếp không ‘đúng’ ý mình, ngay cả khi trời tiết bất thường… Chánh niệm sẽ cho ta biết chúng ta bám víu những cái mà chúng ta gọi ‘theo ý mình’ (nhiều khi chúng ta không rõ thế nào là ‘ý’ mình!). Thay vì nói như các Thiền sư (Trời lạnh thì mặc áo, trời nực thì đổ mồ hôi), chúng ta lại muốn thời tiết xảy ra như ý mình, như thể mình là ông trời con! Gió mưa là bệnh của trời, thế nhưng chúng ta muốn trời mưa nắng theo nhu cầu, đòi hỏi của mình. Lẽ ra nên nói ‘trời nắng thì đội nón, trời mưa thì khoác áo mưa!’
Chánh niệm có thể chữa lành những tình cảm sân hận này nếu chúng ta kiểm điểm lại những gì mình thích, những gì mình không thích và một khi sân hận nổi lên, chúng ta để yên, chỉ cần dùng chánh niệm ‘theo dõi’ soi sáng. Sân hận là chỉ một tâm hành, nếu chúng ta dùng ánh sáng chánh niệm xem xét, thay vì phản ứng thiếu ý thức, chúng sẽ tự tan biến đi sau đó. Chúng ta sẽ tiết kiệm bao nhiêu năng lực mất đi khi để sân hận khống chế tâm và thân mình. Bao nhiêu lần chúng ta dùng những lời thiếu ái ngữ, xúc phạm tới người khác, có những hành động hung hăng để rồi sau đó muốn xin lỗi hay hối tiếc vì đã có những lời nói hay hành động ‘thiếu ý thức’ cũng đã quá muộn.
Nói như vậy không phải chúng ta không bao giờ ‘nên’ nổi giận trước những hành vi gian ác hay bạo ngược, nhưng nhờ Chánh niệm giúp chúng ta phản ứng một cách có suy nghĩ, tỉnh thức. Thấy chuyện bất bình không bày tỏ hay không phản ứng, ‘Kiến nghĩa bất vi vô dõng dã’ như Đơn Hùng Tín (thấy điều nghĩa không chịu làm là thiếu dũng khí) là hèn nhát, không phải là thái độ tỉnh thức nhờ chánh niệm. Gandhi nói ông ‘thích những người bạo động hơn là người hèn nhát’
Si (Delusion)
Đây là thủ phạm chính trong tam độc, tương phản với trí tuệ. Không thấy sự thật như chúng là, vì thiên kiến, vì cái tâm phán đoán ưa thích, ghét bỏ. Chúng ta muốn ‘sự thực’ xuất hiện theo đúng giả thuyết tiên đoán. Hình ảnh rõ ràng nhất là trong tranh chấp chính trị, chúng ta chỉ tìm những bằng cớ chứng tỏ’ là ‘kẻ thù’ giống như hình ảnh chúng ta ‘vẽ ra’. Những ‘bằng cớ’ nào không đưa đến kết luận mà chúng ta mong muốn, chúng ta thường bỏ qua, không thèm để ý tới, mà chỉ thu thập những ‘bằng chứng’ phù hợp với ‘hình ảnh giả tưởng’ của mình.
‘Vô minh’ là không thấy sự thật. Không thấy gì? Không thấy ‘bản chất’ của sự thật, nói như vậy có vẻ triết lý khó hiểu. Trong đạo Phật có Tam Pháp ấn, ba nền tảng quan trọng để phân biệt ‘chánh’ và ‘tà’ pháp và là yếu tố phân biệt đạo Phật và hầu hết các tôn giáo khác, nhất là Ấn Giáo, một tôn giáo bành trướng trong văn hóa của quê hương Đức Phật: Vô Ngã (non self), Vô Thường (Impermanent), Duyên Khởi (Inter-Connectedness pacctica samupadda-Pali), mọi pháp đều liên hệ mật thiết tương tức tương hiện với nhau (Nhất Hạnh dịch là Interbeing và lấy tên đặt cho một dòng tu, Dòng Tiếp Hiện). Đây là những Pháp ấn không thể nhượng bộ. Cả ba là một, nhưng lý giải trên các khía cạnh khác nhau thành ba.
Đức Phật sau 45 năm truyền bá chánh pháp, không nghỉ ngơi, không nghỉ cuối tuần, không nghỉ phép hàng năm, nói là giáo pháp của Ngài có thể tóm gọn vào một câu: “ không có gì có thể bám víu vào để gọi là Tôi (I) chủ thể (I) , tôi đối tượng (me) và của tôi (mine). Cống cao ngã mạn là đầu mối của hầu hết các tình cảm và phản ứng của chúng ta trên đời, như Kinh Pháp Cú gọi là Tâm là đầu mối của các hành động. Không ai, không có gì hiện hữu độc lập, không có nghĩa là chúng ta không hiện hữu. Không có cái gì là ‘của tôi’ không có nghĩa là tiền trong ngân hàng không phải của tôi! Tinh yếu lời dạy của Đức Phật là ‘bám víu’ (no-clinging) là đầu mối của khổ đau được xác định tron sự thực thứ ba. Nhận thấy được nguyên nhân thì chúng ta có thể mở cái nút thắt của khổ đau.
To study the Way is to study the Self
To study the self is to forget the self
Dogen (Đạo Nguyên)
The true value of a human being is determined primarily by the measure and the sense in which he has attained to liberation from the self.
Albert Einstein
Chúng ta không cần đi tìm ‘tam độc’ nơi người khác, chỉ cần quán chiếu nơi chính chúng ta. Có nhiều lúc chúng ta ‘không ngờ’ trong đầu chúng ta có những ý nghĩ như thế. Cũng vì thế Chánh niệm có nhiều khả năng chuyển hóa, làm lành những vết thương tâm và thân, có khả năng giúp chúng ta tăng trưởng và điều hướng cuộc sống.
Chánh niệm lúc nào cũng có sẵn trong chúng ta, chỉ cần biết cách vun xới. Kabat Zinn nói “Dù chúng ta biết thực tập khả năng chánh niệm vào lứa tuổi nào, chúng ta đều cũng có thể ‘sống lại’ cuộc đời mình”. Khoảnh khắc hiện tại chỉ là thời gian duy nhất mà chúng ta có được để mà sống. Chỉ cần xem lại giờ đồng hồ! Khoảnh khắc này qua thì khoảnh khắc khác đến, ngay trong một hơi thở sau! Một khoảnh khắc không sống là khoảnh khắc mất đi. Chúng ta chỉ có thể theo dõi hơi thở ngay bây giờ, không phải là ba hơi thở trước đây, cũng không phải là ba hơi thở sau đó!!
Cũng giống như thành ngữ ‘túy sinh mộng tử’ (Sống như người say; Chết như người trong mộng”) Chánh niệm giúp ta sống ‘thức tỉnh’, vì ‘thân người khó được’, và chỉ cần một ‘hơi thở’ đứt đoạn là chúng ta trút bỏ thân xác này qua thế giới khác! Khoa học tới nay chỉ mới có thể ghép nhiều bộ phận thân thể như tim, cật, gan, phổi và gần nhất là ghép ‘mặt’ nhưng chưa ai có thể ghép toàn bộ thân thể bao giờ! Nếu bỏ qua không sống trong khoảnh khắc hiện tại, hành trình của chúng ta về thế giới người chết sẽ nhanh hơn!
The root of compassion is compassion for oneself
Pema Chodron
Một nghịch lý khác nữa là nếu chúng ta không thương cảm cho mình, chúng ta sẽ khó lòng thương cảm người khác. Chúng ta biết mình rõ ràng hơn ai khác, từ ý nghĩ, hành động của mình đối với người khác, và nhất là động cơ của mỗi hành động vì thế chúng ta phán đoán mình nghiêm khắc hơn phán xét người khác. Khi hành Thiền, nếu tâm đi lạc, chúng ta nên ‘thương’ mình nhiều hơn, đừng tự trách móc vì những hành giả dù ngồi Thiền lâu năm, cũng không tránh được việc bị Tề thiên đến quấy phá. Thay vì phán đoán phê bình, chỉ cần dùng Chánh niệm soi chiếu và đưa tâm về hơi thở hay bất cứ một đối tượng nào mà chúng ta chọn lựa lúc đó.
Muốn ngừng không cho tư tưởng xuất hiện trong tâm cũng như muốn ngăn chận sóng trên mặt biển. Mặt biển khi đủ những điều kiện về nhiệt độ và áp suất thì nổi sóng, rì rào từ năm này sang năm nọ. Tâm tư duy mà không suy nghĩ, thì đâu còn gọi là tâm ‘tư duy’! Jon Kabat Zinn kể một tranh biếm họa trên một tờ báo Zen. Một người đang ‘ba hoa’ giải thích về Thiền. Anh ta nói là mình ngồi Thiền để làm tâm tỉnh lặng và đầu óc rỗng không. Bức tranh biếm họa có lời chú thích: “vậy mà tui tưởng đầu óc ông rỗng không từ lúc mới sinh ra đời!”
Hành thiền không phải là đàn áp tư tưởng không cho chúng xuất hiện mà hễ chúng xuất hiện thì theo dõi và đừng để bị cuốn theo bám víu cái mà tôi thương, xua đuổi cái mà tôi ghét, và nhất là đừng đồng hóa cái này là nỗi buồn của tôi, cái này là nỗi khổ của tôi. Chỉ cần nhận diện nổi buồn đang xuất hiện trong tâm, xem chúng như những đám mây đen xuất hiện, dần dần biến mất trong bầu trời. Sau cơn mưa, trời lại sáng! Càng muốn cấm đoán ý tưởng trong đầu thì Tề thiên sẽ dùng thiết bảng chống cự, càng làm chúng ta thêm ‘nhức đầu’!
Trong tam độc, Si là độc đứng hàng đầu. Không thấy mối liên hệ ‘tiếp hiện” của mọi chúng sinh, chỉ muốn bám víu vào cái ‘ống kính’ ảo tưởng như Einstein nói trong một bức tâm thư gởi cho người than vãn về nỗi khổ cá nhân ‘một người là một phần của Toàn Thể, mà chúng ta thường hay gọi là vũ trụ, một phần giới hạn bởi thời gian và không gian. Con người qua trãi nghiệm, bằng ý tưởng và tình cảm, xem mình như là một cái gì tách biệt với toàn thể, đó là do ống kính ảo tưởng của ý thức. Ảo tưởng này là ngục tù nhốt chúng ta, giới hạn chúng ta trong ham muốn cá nhân và chỉ hướng từ bi về một số người gần gũi. Công việc của chúng ta là phá bỏ ngục tù này, bằng cách mang tình thương đến tất cả chúng sinh và toàn thể thiên nhiên đầy vẻ xinh đẹp’.
Nếu câu này do Đức Đạt Lai Lạt Ma nói ra thì có một số người bỏ ngoài tai vì xem đó là lý tưởng tôn giáo và đạo đức mơ hồ, nhưng đây là lời phát ngôn từ một thiên tài khoa học, cho thấy viễn kiến giữa đạo Phật và giới khoa học gần gũi nhau đến mức nào!
Bảy thái độ cần thiết khi thực hành Thiền Chánh Niệm
Jon Kabat Zinn đề nghị bảy thái độ cần có khi ngồi Thiền. Bảy thái độ này giúp chúng ta khỏi đi lạc vào những ngộ nhận thông thường khi hành Thiền và ngã lòng bỏ cuộc.
1- Không phán đoán(Non-Judging)
Chúng ta đã nhắc qua thái độ này trong những phần trên. Chỉ cần ngồi Thiền chừng năm ba phút, trí óc chúng ta có ý kiến phê bình này nọ, thực ra là về đủ mọi chuyện! Về mục đích hành thiền, về tư thế ngồi, về những điều mà chúng ta biết trước đây về Thiền, gieo mối nghi ngờ lớn về cái gọi là ‘Thiền Chánh niệm’ mà chúng ta đang thực hành. Kiến thức của chúng ta thường gọi là ‘hiểu biết thông thường’ có những điều nghịch lý với những nguyên tắc của Thiền Chánh Niệm. Chính nhờ những nghịch lý này mà Thiền trước đây đã chinh phục trí thức Tây Phương! Càng nhiều nghịch lý thì càng hấp dẫn. Phải cần một thời gian lâu dài phần lớn chúng ta mới tin là trái đất tròn, không phải phẳng và xoay quanh mặt trời! Mặc dù Thuyết Tiến Hóa được nhiều khoa học khác nhau hỗ trợ, nhưng hiện vẫn còn nhiều người tin vào một ‘đấng tạo hóa’. Thiền Chánh Niệm có nhiều điều ngược lại với ‘common sense’, nhưng nói như một thành ngữ Tây Phương ‘nếu quý vị không thử, quý vị sẽ không bao giờ biết’. (If you ever ever try, you will never never know)
Giữ trí óc không phán đoán không phải là một chuyện dễ dàng. Thương, ghét, chống đối, ủng hộ. Khi thương thương cả đường đi, ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng. Điều Đức Phật muốn nói là thái độ bám víu vào tình cảm và tư tưởng và chúng ta bị nhốt trong tù ngục của những tình cảm và tư tưởng này. Nhưng phán đoán là ‘bản chất’ của Thinking mind. Tất cả nền giáo dục từ Đông sang Tây nhằm giúp học sinh và nhất là sinh viên trí óc phán đoán, bởi những chi tiết về kỹ thuật hay học vấn, một thời gian sau không ai còn nhớ, mà thành quả giáo dục còn lại là tinh thần phê phán (Critical mind). Tâm tư duy là hành trang quý giá nhất của con người, cũng như Tề Thiên là người hộ pháp đắc lực nhất của Đường Tam Tạng.
Vậy thì làm sao đối phó với phán đoán? Chánh niệm dạy cho chúng ta một cách đối ứng hữu hiệu nhất là thay vì đồng hóa (Tôi) với tình cảm thương ghét, chúng ta tạm đứng qua một bên quan sát thương, ghét. Như đã đề cập ở trên thương ghét cũng là một tâm hành, nó sẽ tự biến đi khi ‘bị’ chánh niệm quan sát, như sương mù biến đi khi có ánh mặt trời.
2- Kiên Nhẫn (Patience)
Kiên nhẫn tự nó là một yếu tố đạo đức và là một thái độ cần thiết khi hành Thiền. Cũng như rèn luyện bất cứ một kỹ năng nào, đòi hỏi hành giả phải kiên nhẫn, nhất là khi quý vị ‘nghĩ’ việc hành Thiền của mình chậm ‘tiến bộ’, nóng lòng đâm ra phê phán mình vội vã và nghiêm khắc. “Thấy chưa tôi nói là tôi ‘không thể’ hành Thiền được vì tánh tôi bộp chộp, ngồi một thời gian mà đâu thấy được gì đâu! Tôi còn rất nhiều chuyện phải làm, nhiều dự án phải hoàn thành, đó là chưa kể cần làm ăn để kiếm tiền. Thôi để cho những người có ‘căn cơ’ hơn.
Sau một thời gian hồ hỡi ban đầu quý bạn mau thất vọng và bỏ cuộc, muốn dành cho những người căn cơ! Căn cơ là gì? Khi thực hành chánh niệm như một phương pháp phổ biến, những ai còn thở (nghĩa là còn sống) và chịu khó chú ý đều có thể thực hành quán niệm. Khả năng chú ý ai cũng đều chỉ cần chịu khó chăm sóc, vun trồng. Kabat dùng cách phủ định hai lần: Chánh niệm hay chú ý không bao giờ không có sẵn cho chúng ta sử dụng. Khi còn sống chúng ta lúc nào cũng phải thở, hơi thở lúc nào cũng sẵn đó để chúng ta theo dõi nghĩa là không có lúc nào chúng ta không thể thực hành, nếu quyết tâm và kiên nhẫn . Muốn đoạt huy chương vàng thể thao chẳng hạn, không thể thực hành tùy hứng, lúc nào muốn thì làm, không thích thì thôi.
Just Practising
Jon Kabat Zinn
3- Sơ Tâm Thiền (Beginner’s Mind)
Zen Mind, Beginner’s Mind là tên một tác phẩm của Shunryu Suzuki viện chủ của Thiền Viện San Francisco. Tâm Thiền luôn luôn là ‘sơ tâm’ vì tâm của những người có nhiều kinh nghiệm thường có ít khả năng nhìn thấy sự vật như lần nhìn lần đầu. Thiền Sơ tâm lúc nào cũng rộng mở trong khi những người tư nhận là ‘có kinh nghiệm’ thường khép lại vì họ nghĩ là họ đã ‘thấy’ và ‘biết’ Thiền qua ý niệm, hoặc qua sách vở hoặc qua kinh nghiệm. Các nhà khoa học cần có cặp mắt quan sát sự vật qua cặp mắt sơ tâm này vì nếu họ lẩn quẩn về những cái gì đã biết thì họ sẽ không có khám phá ra những gì mà họ chưa biết. Giao diện giữa những điều chưa biết và những cái đã khám phá ra rồi mới là phần cần khám phá.
Vì cần nhìn sự vật một cách sơ tâm nên mới có cái ‘nhìn mới’ về Thiền do đó không có ai là ‘chuyên viên’ ngồi Thiền cả, không có ai là Thiền Sư, ai cũng là người sơ tâm. Các đạo sĩ Tây tạng khi bắt đầu giảng pháp, dù là đã hành Thiền vài chục năm ở các hang thâm cùng cốc trên Hy Mã Lạp Sơn, cũng thường bắt đầu câu chuyện: ‘Tôi không biết gì cả! Quý vị nên theo học người khác!’ Đây không phải là câu nói đùa mà cũng không phải là thái độ giả vờ khiêm nhượng. Vì mỗi lần hành Thiền là một lần phiêu lưu, không lần nào giống lần nào! Tự mãn mình là biết nhiều về Thiền, có nghĩa là không còn mở rộng con mắt trinh nguyên, mở rộng tấm lòng để nhìn sự vật như lần thứ nhất, như chúng …là (Things are the way they are) như đã nói ở trên.
The true journey of discovery consists not in seeing new landscape but in having fresh eyes
Marcel Proust
4- Tin Tưởng (trust)
Có lẽ Phật giáo là một tôn giáo duy nhất cho phép tín đồ kiểm lại những gì mà Giáo chủ dạy dỗ dù là Nghi là một trong những tâm hành có thể ngăn cản việc tu học. Nhưng mặt khác Kinh Kalama khuyến khích tín đồ chỉ tin giáo pháp sau một quá trình kiểm nghiệm cho tới khi nào chúng ta ‘thấy’ rằng những lời dạy của Đức Phật có thể giúp con người sống an lạc và hạnh phúc (wholesome).
Mặt khác, có hay dám Đại Nghi thì mới Đại Ngộ như Đạo Nguyên nhắc nhở. Nhà nghiên cứu Phật Giáo, Stephen Batchelor, viết một tác phẩm có nhan đề là The Faith To Doubt (Parallax 1990). Tin tưởng mù quáng không phải là thái độ của một Phật tử.
Trong khi không có lòng tin tưởng nào là tuyệt đối, nhưng ít nhất Phật tử cũng được khuyến khích tin vào chính mình (tự mình thắp đuốc lên mà đi). Nhất là trong thực hành Chánh niệm), hành giả cần TIN vào khả năng của mình, khả năng ‘giác ngộ’ của Phật tính của mình. Nhưng như trong một công án Thiền, không trả lời cho câu hỏi “ Ý Tổ sư trong chuyến Đông độ là gì” khi miệng phải ngậm một cành cây trên vực núi. Mở miệng nói thì rơi xuống vực sâu, không trả lời không được (Có thể có nhiều độc giả biết câu chuyện này, tôi xin được phép giới thiệu bài ngụ ngôn số 18 trong bản dịch Góp Nhặt Cát Đá của Đỗ Đình Đồng).
5- Không mong cầu (Non striving)
Một trong những ngộ nhận mới nhìn thì tưởng là không quan trọng, nhưng thực hành Thiền không phải để đạt đến mục tiêu ‘nhất định’ nào. Chúng ta học những kỷ năng mới, như học lái xe, mục đích của chúng ta muốn đến lúc có lúc tự lái và thành một thói quen, lái xe một cách tự động, không cần suy nghĩ. Đến đây tôi muốn nhắc lại một phần ngắn trong Tâm Kinh “Vô trí, diệc vô đắc; diệc vô sở đắc cố”! Đây là phần kinh nhật tụng quý vị không thể nói là quý vị không biết và không hiểu. Không chỗ nào để đến, không có cái gì để đạt được, không chỗ nào để được! Quý vị nào có thể nói Tâm Kinh là sở trường nói ‘Không”, vậy thì khi thực hành Chánh niệm có đạt được gì không? Những gì quý vị đạt được là kết quả tự nhiên, nhưng không phải là cái hành giả nhắm tới. Mục đích chánh niệm theo như Jon Kabat Zinn rộng lớn hơn nhiều. Nó giúp chúng ta sống tỉnh thức, đòi lại (hay trả lại) đời mình, sống phong phú và ‘giàu có’ bên trong, không phải chỉ muốn được thư giãn! Hai từ ngữ Meditation/ Relaxation không phải là hai chữ đánh vần khác nhau, mà nội dung không giống nhau. Mỗi lần thực hành Thiền chúng ta bắt đầu một cuộc phiêu lưu cá nhân mà không ai biết đích đến là ở đâu, trừ chúng ta. Do đó trong một thời gian chưa thấy gì xảy ra, xin vui lòng kiên nhẫn. Chỉ vì muốn đạt tới một chỗ nào đó, chúng ta nóng lòng và chúng ta dễ bị mấy thiền sư nước lã, luân xa, xuất hồn xuất xác, hay nhân điện dối gạt.
Đối với thái độ và lề lối suy nghĩ thông thường, đây là một điều khó hiểu và khó chấp nhận nhất! Khi làm bất cứ một chuyện gì ai cũng đặt mục đích mong muốn hay cần đạt đến. Ngồi Thiền mà không đạt được cái gì, thì ngồi làm gì? Dĩ nhiên là hành thiền có một mục đích quan trọng hơn hết là tỉnh thức. Hành Thiền không phải chỉ để thư giản, hay ngay cả làm giảm các chứng bệnh Thân hay Tâm, như chữa lành bệnh ung thư hay trầm cảm. Các thí nghiệm lâm sàng cho thấy hiệu quả của Chánh Niệm đối với Trầm Cảm hay giảm đau cho các bệnh nhân trong chương trình MBSR ở UMass có thể đến 60%. Những hiệu quả trên là kết quả ‘tự nhiên’ sau khi hành Thiền, có thể là Tâm Và Thân mạnh khỏe hơn, hệ thống miễn nhiểm mạnh hơn, nhưng đó không phải chỉ là mục đích của Chánh niệm. Mục đích Chánh niệm là có một đời sống tỉnh thức và nếu có những hiệu quả khác, nói như người Tây Phương, là Bonus!
Y khoa tuy tiến bộ vượt bực nhưng có nhiều điều giới Y học chưa biết như: tại sao tế bào Ung thư bộc phát, tại sao có nhiều tế bào ung thư tự nhiên biến mất hay bệnh nhân khỏi bệnh dù không dùng thuốc. Yếu tố tâm lý hay xã hội nào làm các triệu chứng biến mất, như trường hợp những loại thuốc bọc đường dùng trong hiệu ứng Placebo vào các năm 70’s. Tuy nhiên các bệnh nhân của Jon Kabat Zinn đã được giảm đau từ 40% đến 60% trong một thời gian dài thử nghiệm, cho thấy đây không phải là những kết quả tình cờ ‘phước chủ may thầy’. Nếu giới khoa học Tây phương còn dè dặt như thế sau 30 năm áp dụng thực hành Chánh Niệm, chúng ta có quyền nghi ngờ những người tuyên bố là Thiền chữa được ‘bách bệnh’, bởi vì thực tập chánh niệm là phục hồi một lối sống bị quên lãng trong dòng đời xuôi ngược.
Arriving someplace more desirable at some future time is an illusion. ‘That is it’
Jon Kabat Zinn
6- Chấp Nhận (Acceptance)
Ý niệm nghiệp của Phật giáo nhiều người vẫn hiểu một cách tiêu cực như “trời kêu ai nấy dạ”. Dĩ nhiên không ai thoát khỏi vòng sinh tử. Tuy nhiên nếu chúng ta có một cách sống lành mạnh về thân thể hay tâm thần thì… ‘trời’ sẽ gọi chậm hơn một chút. Nói theo slogan cổ động thực hành Thiền của Cư Sĩ Hồng Quang (Đẹp hơn, thông minh hơn, mạnh khỏe hơn, sống có hạnh phúc hơn) không có gì sai trái với triết lý Đạo Phật. Chừng nào Trời Phật kêu thì chúng ta ‘vui vẻ’ dạ vì ít nhất là chúng ta cũng sống hạnh phúc và mạnh khỏe hơn nhiều người khác!
7- Buông xả (Let Go)
Đây là thái độ gần gũi với Phật Tử nhiều nhất. Bàn tay nắm là chấp, bàn tay mở là giải thoát, buông xả. Có nhiều thứ chúng ta muốn bám víu: chấp ngã, tiền bạc, của cải, công danh, ý tưởng. Buông xả những cái ta muốn giữ mà còn buông xả cả những cái ta ghét muốn dứt bỏ. Ghét bỏ là hình thức bám víu ngược chiều. Khi chúng ta buông xả để sự vật hé lộ như chúng là, không còn bị Tâm yêu ghét của mình giam giữ mình trong ngục tù của những ý tưởng ham muốn và ghét bỏ. Đây là chọn lựa tỉnh táo và mạnh khỏe với những kinh nghiệm mà chúng ta đang trãi qua.
Thái độ buông bỏ là thái độ vô chấp, không phải là thái độ lánh xa cuộc đời. Đó là thái độ lành mạnh của Tâm. Càng buông xả thì tâm thân càng an lạc.
Bảy thái độ này giúp quý vị chuẩn bị đất đai để vun trồng ‘cây’ Chánh niệm, đâm chồi và phát triển.