Làm Sao Để Bày Tỏ Lòng Yêu Kính Đức Phật

20 Tháng Bảy 201415:20(Xem: 9850)
PHẬT PHÁP CHO MỌI NGƯỜI 2
Tổng Hợp & Biên Dịch
Diệu Liên Lý Thu Linh & Diệu Ngộ Mỹ Thanh 
Nhà Xuất Bản Hồng Đức 2014
Phần 1. Giáo Lý Căn Bản

Làm Sao Để Bày Tỏ Lòng Yêu Kính Đức Phật
Đại Đức Tiến Sĩ Dhammasami

 
Đại đức Tiến sĩ Khammai Dhammasami sinh năm 1965, tại Laikha, bang Shan, Miến Điện, với tên gọi là Kham Mai. Ông thọ giới sadi ở tuổi thiếu niên tại tu viện Sirimangala, một chi nhánh của Thiền viện Mahasi.

 
Đại đức Dhammasami đã hoàn tất văn bằng Sasanadhaja Dhammacariya tại Đại học Sasana Mandaing Pali, Pegu, Miến Điện, 1985. Thông thường phải mất ba năm học mới lấy được văn bằng này, nhưng đại đức Dhammasami chỉ mất một năm vào năm ông 19 tuổi khi còn là một chú sadi. Ông lấy bằng Thạc Sĩ năm 1992 tại Đại học Buddhist & Pali tại Tích Lan. Bằng Tiến sĩ tại Đại học Oxford, Anh quốc, năm 2004.

***

 Có nhiều cách để mừng ngày Tam Hợp (Vesak), nhất là ở các nước theo Phật giáo Nguyên thủy như Thái Lan, Tích Lan, Miến Điện, Lào và Campuchia. Phật tử rảo quanh chùa, tay cầm đèn sáp, là hình ảnh người ta thường thấy ở Thái Lan, là cách hành lễ khác hẳn với các nước Phật giáo láng giềng khác. Người Miến Điện thì hành lễ tưới cây Bồ Đề vào ngày lễ quan trọng đó. Dựng lên các hình ảnh và diễn tả lại cuộc đời của Đức Phật bằng đủ loại đèn điện nhấp nháy lại là cách tổ chức lễ Vesak đặc biệt của Tích Lan. Trong các nước theo Phật giáo, người ta thường thấy các Phật tử đến chùa tu Bát Quan Trai, nghe qúy Sư giảng Pháp, cúng dường chư tăng, phóng sinh chim cá, và đôi khi thả cả trâu bò sắp bị làm thịt. Các thiền viện chật cứng các thiền sinh đến tập tu một ngày. Vesak được xem là ngày quốc lễ ở nhiều quốc gia ở Đông Nam Á –ngay cả ở Indonesia, là một quốc gia Hồi giáo.

 Ở quê tôi, bang Shan, Miến Điện, Phật tử thường tham dự khóa tu một ngày vào mỗi ngày rằm, kể cả trong lễ Vesak. Họ hành tịnh khẩu, lắng nghe các thi ca về các tiền kiếp của Đức Phật (Jataka), do các cư sĩ đã được huấn luyện để đọc các thi ca này. Họ được gọi là các thầy Sa-lay. Một câu chuyện thường kéo dài năm, sáu tiếng đồng hồ. Các câu chuyện lấy bối cảnh dựa trên nền văn hóa Shan, để người dân địa phương có thể hiểu về vị Bồ Tát (Bodhisatta) này. Khi cần thiết người ta bổ sung thêm vào các câu chuyện những lời dạy của Đức Phật, trích từ trong các kinh điển. Đây là nét văn hóa Phật giáo Shan độc đáo.

 Chúng ta có thể hiểu là những quốc gia này đã tạo ra các cách mừng lễ Vesak sao cho đám đông quần chúng có thể tham gia. Họ đốt đèn để biểu tượng cho trí tuệ sáng suốt mà Đức Phật đã đạt được khi Giác Ngộ.

 

 Ở Thái Lan, người ta gọi đó là ‘Wien-thien’ (đốt đèn đi thành vòng tròn). Ở Shan, Miến Điện, tôi nhớ khi tôi còn nhỏ, người ta đốt một cây đèn rất dài và to, làm bằng cây thông. Họ đốt cây đèn dưới đất. Đèn cháy hàng giờ. Đó là những thứ người ta sử dụng để nhắc nhở chúng tôi chánh niệm –chánh niệm về trí tuệ và sự Giác Ngộ của Đức Phật. Đó là một phần văn hóa của đất nước chúng tôi.

 Trí tuệ hay cái nhìn sáng suốt về bản chất thực sự của cuộc sống là điều thiết yếu để giúp chúng ta vượt thoát khổ đau trong cuộc đời. Đó là thứ trí tuệ mà chúng ta biểu tượng bằng ánh sáng và tôn kính Đức Phật vì sự Giác Ngộ của Ngài. Trong bài Pháp đầu tiên, Đức Phật đã so sánh trí tuệ với ánh sáng. 

 Thả cá là để nhớ đến lòng từ bi bao la của Ngài, là động lực chính khiến Đức Phật cố gắng đạt được Giác Ngộ. 

 Trong mọi lễ Vesak, chúng ta luôn ngưỡng vọng đến Đức Phật Gautama. Vì Ngài là người đã khám phá ra con đường Đạo và đã truyền dạy lại cho các đệ tử của Ngài. Do đó, vào ngày lễ Vesak, chúng ta nghĩ đến Đức Phật, đến cuộc đời của Ngài để chúng ta có thể hiểu Ngài hơn.

 Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy rắng Đức Phật không bao giờ nói về cuộc đời của Ngài ngoài phạm vị các bài Pháp. Có lẽ Ngài cho là không cần thiết, dầu chúng ta rất muốn được hiểu thêm, hiểu nhiều hơn nữa.

 Đức Phật còn nói rằng nếu chúng ta không hiểu Pháp thì chúng ta không thể hiểu được Ngài. Do đó, chúng ta cần hiểu Pháp hơn là tìm hiểu con người Đức Phật.

 Khi chúng ta học hỏi, suy nghĩ thấu đáo, chúng ta sẽ thấy rằng Pháp mà Đức Phật đã dạy cho chúng ta hoàn toàn không có tính cách cá nhân. Đức Phật không hề cá nhân hóa sự khám phá của Ngài. Pháp là việc mỗi cá nhân phải tự thực hành. Là việc mỗi cá nhân tự khám phá, không phải là điều ta có thể chia sẻ với gia đình hay quốc gia.

 Trong khi thực hành Pháp, chúng ta có thể giúp đỡ người khác bằng cách chỉ cho họ con đường, nhưng không thể thực hành thay họ. Pháp chỉ có tính cách cá nhân trong phạm vi đó.

 Chúng ta hành thiền trong ngày Tam Hợp (Vesak) để đánh dấu một ngày quan trọng -ngày Thái tử Siddhartha Gautama đản sinh, Thành Đạo và nhập Niết bàn.

 Nhân dịp này, chúng ta hãy quán tưởng đến lời Phật dạy, những lời phản ảnh sự quan tâm của Đức Phật đối với chúng ta. Ngài đã dạy rằng: “Chánh niệm giúp ta thoát vòng sinh tử trong khi tâm thất niệm đưa ta đi mãi trong vòng luân hồi sinh tử”. Đó cũng là những lời dạy cuối cùng của Ngài.

 Chánh niệm là nền tảng cho mọi điều thiện. Không chỉ thế, nó còn là yếu tố tiên quyết trên con đường tu tập của chúng ta. Nó tạo tác và duy trì tâm trí ta. Nó cân bằng mọi yếu tố khác trên con đường đạo.

 Hãy tận dụng mọi ưu thế của cuộc sống. Hãy quán tưởng Pháp. Áp dụng nó vào cuộc sống hằng ngày của bạn. Cuộc sống là sinh và diệt, đến rồi đi, có và không. Hãy chánh niệm về điều đó.

 Đó là cách chúng ta cần làm để bày tỏ lòng ngưỡng vọng đến Đức Phật.

 

Diệu Liên Lý Thu Linh

(lược dịch theo How To Best Honour the Buddha, Venerable Dhammasami, 1997)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn