Dẫn Nhập
Thiền (Trung Quốc) và Zen (Nhật Bản) có nguồn gốc phiên âm từ Jhāna trong văn học Pāḷi Phật Giáo Nguyên Thủy, hay Dhyāna trong ngôn ngữ Sanskrit Phật Giáo Phát Triển, nhưng về sau các tông phái sử dụng từ thiền với nhiều ý nghĩa khác nhau và thay đổi tùy thời.
Trong Thiền Tông Đông Độ thiền là kiến tánh chứ không phải tịnh và định, nhưng trong văn học Pāḷi, Phật giáo Nguyên Thủy, Jhāna lại dùng để chỉ tịnh hay cận hành (upacāra) như niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng… và định hay an chỉ (appanā) để gọi những trạng thái thiền chứng theo nội dung các thiền chi như đệ nhất thiền (paṭṭhamajjhāna), đệ nhị thiền (dutiyajjhāna), đệ tam thiền (tatiyajjhāna), và đệ tứ thiền (catutthajjhāna) trong các bậc định thuộc sắc giới thiền (rūpajjhāna). Về sau Jhāna còn dùng để gọi vô sắc giới thiền (arūpajjhāna), tựu trung vẫn là thiền định. Từ Pāḷi bhāvanā (tu tập, thực hành, tiến hành) được dùng cho cả thiền định hay thiền chỉ (samatha bhāvanā) lẫn thiền tuệ hay thiền quán (vipassanā bhāvanā).
Đối với Tịnh Độ Tông thì thiền là niệm Phật A-Di-Đà và Mật Tông thiền là trì chú v.v... cho nên, ngày nay nói tới thiền chúng ta cần phải xác định đó là loại thiền gì, thuộc tông phái nào thì mới không lầm lẫn nội dung mà từ thiền ấy được sử dụng.
Để có thể so sánh tính chất đồng dị giữa thiền nguyên thủy và thiền phát triển, chúng ta cần tìm hiểu và phân biệt từng loại thiền của cả hai hệ thống nói trên.
1) Thiền định trong Phật Giáo Nguyên Thủy.
2) Thiền tuệ trong Phật Giáo Nguyên Thủy.
3) So sánh thiền nguyên thủy và một số pháp môn thiền phát triển tiêu biểu theo Giáo Tông:
4) So sánh Thiền Vipassanā và Thiền Tông Đông ĐộLục Diệu Pháp Môn
Niệm Phật theo Tịnh Độ Tông
Thiền Nhĩ Căn Viên Thông theo Kinh Lăng Nghiêm.