Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Nhà xuất bản Văn Nghệ
Chuyện phải trái
Sau gần nửa năm “ta bà” trở về, nhà sư đứng tần ngần giây lát ở đầu ngõ, đưa mắt nhìn bao quát một vòng. Hàng chè tàu không ai cắt tỉa đua nhau đâm nhánh nẩy chồi sum suê, xanh mướt. Vườn chuối lá vàng, lá khô đeo dính bẹ này chồng lên bẹ kia. Vườn thơm (dứa) cỏ lác ken dày, vượt cao, trái già không ai bẻ đọt. Vườn cam, đu đủ, mít… dường như cũng thiếu vắng hơi người. Con đường lớn, đường nhỏ rác rưởi, cỏ cú, cỏ hôi, hoa dại… mọc lung tung.
Nhà sư thầm nghĩ:
- “Ở nơi này, trong thời gian ta đi vắng, hoặc là chúng đã có sự bất hòa; hoặc là chúng đã có thối thất, bê trễ, buông xuôi, biếng nhác; hoặc là chúng đã bị sầu bi khổ ưu não chi phối? Nếu quả thật như vậy thì ta phải sách tấn, an ủi, tìm ra nguyên nhân để đem lại sự an lạc cho chúng.”
Trời đục loãng, có nắng nhẹ. Cơn gió bất chợt thổi tung đám lá khô làm đầy thêm cổng trước. Con chó vàng to chạy ra, cuống quýt nhảy cẫng lên, sủa ăng ẳng.
- Thầy đã về! Thầy đã về!
Bất Ác từ sau lùm cây, tay xách buồng chuối tất tả chạy ra, hét toáng lên. Quên cả đảnh lễ, chú chạy ào tới, cười toe toét, quăng “bịch” buồng chuối, ôm vội bát, đãy của nhà sư, rồi “ù” lẹ vào trong. Lát sau, Bất Đạt từ vườn dưới bươn bả đi lên, vai vác cuốc, tay xách chùm khoai lang đỏ.
Bất Đạt định quỳ xuống đảnh lễ, nhà sư giơ tay đỡ:
- Được rồi con! À, khoai lang Đà Lạt to củ nhỉ?
- Dạ, bạch thầy! Lứa tháng ba này chưa ngon, lứa tháng năm mới hết ý! Ăn ngon hết biết, thầy ạ!
Chùm hoa pháo đỏ ối cả khoảng sân. Mấy giò lan ý thảo, vũ nữ, kim phong hội, hồng liên song tử ngọc,… điểm xuyết sắc màu cho mùa xuân còn sót lại. Vừa bước vào tiền đường thì Liễu Minh từ nhà dưới đi lên, tay còn cầm đôi đũa bếp, mắt đỏ hoe, mở miệng cười mà không phải cười.
Bất Đạt tinh ý, “nạt” chú Liễu Minh :
- Đâu còn có đó, thầy về là khỏe re tất cả mọi chuyện, làm gì mà tình cảm “yểu điệu thục nữ” thế? Mau kiếm món gì đặc biệt đãi thầy, thượng vị đó nghe chú!
Bất Ác mau mắn chen lời:
- Khoai lang đỏ xắt vuông, hầm với đậu xanh, đậu phụng, ca ri, tiêu, ngò… là tuyệt cú mèo! Nhớ là thầy không có dùng ớt, bột ngọt và cái đường trắng tinh tinh đó nghe!
Bất Đạt “xì” một tiếng:
- Chỉ có chú em là “có hiếu” thôi!
Nhà sư đang lạy Phật ở chánh điện, thoáng nghĩ ngợi: “Phía sau niềm vui vỡ òa này, chắc chúng ẩn chứa nhiều uẩn khúc và sầu muộn”.
Bữa cơm trưa đạm bạc diễn ra trong không khí đoàn tụ sum vầy.
Hàng xóm nghe tin cũng chạy qua hỏi han niềm nở. Rồi câu chuyện giữa họ với nhau, lan man từ việc mùa màng nương rẫy, qua chuyện thời tiết nắng mưa, đến chuyện kẻ đi người ở; chuyện thời buổi kinh tế khó khăn, chuyện Trương Tam ăn cắp chuối, Lý Tứ vặt mít xanh, chị Chanh đi ở đợ, mụ Bòng đi bán hàng rong…
Lát sau, trên bộ trường kỷ, nhà sư sai lấy đãy “ta bà” phân phát quà trái cho mấy chú. Gói này là của đại sư thúc cho. Hộp này là của đại sư bá tặng. Cái này của chị ất, chị giáp, gói kia của phật tử tỉnh này, tỉnh nọ,… Các chú nhận quà với niềm vui vừa phải.
Bộ trà quí được mang ra sau mấy tháng phủ đầy bụi. Qua vài chung trà đậm đà, nhà sư nghĩ bắt đầu câu chuyện cũng vừa đúng thời và phải lẽ:
- Vì có nhiều nơi thỉnh mời, nên thầy phải đi du hóa một thời gian lâu, bỏ các con ở lại với những công việc mới, những sự giao tiếp mới. Trở về, đứng ở đầu cổng, nhìn ngắm đó đây, thầy nghĩ: “Nơi này, trong thời gian ta đi vắng, hoặc có sự bất hòa, thối thất, bê trễ trong công việc, hoặc có sự ưu sầu phiền não. Sau khi gặp các con, thầy thấy các con thương yêu đùm bọc nhau, thấy giờ giấc lao tác, tu niệm vẫn sắp xếp điều hòa nghiêm túc. Vậy thì bất hòa, lười biếng, buông xuôi không có giữa các con. Nhưng mà niềm vui vỡ òa của Bất Đạt, tiếng cười giòn giã bất thường của Bất Ác, đôi mắt hoen đỏ của Liễu Minh chứng tỏ đã có điều gì đã xảy ra ở đây, hở các con?”
Cả ba chú nhìn nhau nín lặng.
Nhà sư ôn tồn tiếp:
- Các con đã có sự kham nhẫn đáng khen, đã có sự chịu đựng bền bỉ, nhưng ở đây vẫn như có một sự dồn nén, một ẩn ức chưa được hóa giải, nên trong lòng các con tồn tại những xung đột ngấm ngầm, những phiền não bị ức chế, có phải vậy không? Vậy hãy kể cho thầy nghe chuyện gì đã xảy ra, thầy sẽ góp ý, rồi nhờ ơn Phật, những đám mây đen ở trong tâm hồn các con sẽ bị xua tan một cách nhanh chóng, trả lại cho các con khung trời quang đãng và bình yên như thuở nào.
Bất Ác nói như reo:
- Bạch thầy, đúng vậy! Thầy nói đúng phóc. Các chú lơ lơ là là một chút thôi chứ không hề làm biếng.
Liễu Minh không để ý đến Bất Ác, đứng thẳng lưng dậy. Nhà sư một thoáng xót xa khi thấy trên vầng trán của chú đã có mấy nếp nhăn.
- Bạch thầy! Quả đúng như tất cả những điều thầy đã đoán. Từ độ thầy đi, chúng con đã tự lo liệu những việc trong ngoài. Con còn nhớ thầy đã ân cần chỉ dạy ba điều: “giao hảo thân thiện với xóm làng, với mọi người; học hành, tu niệm phải nhiệt tâm và kiên trì; chăm lo vườn tược, khoai sắn đủ để chi dùng”. Chúng con đã lấy đó làm mục đích để thực hiện, không dám xao lãng.
Nhà sư gật đầu, Bất Đạt trình bày tiếp:
- Vì đây là cơ sở mới, vùng đất mới nên trước tiên, chúng con thay phiên nhau đi thăm viếng các bậc trưởng lão tôn túc ở trong thôn xã, chính quyền, mặt trận địa phương, các khuôn hội… để tỏ lòng thân thiện. Những hình thức xã giao này khá thành công, khá tốt đẹp, nhưng một thời gian sau, thăm qua thì viếng lại, thăm lại rồi viếng qua, làm cho chúng con quá mất thì giờ. Chúng con giật mình mà rằng: “A! Mình đang làm cái gì đây? Thì giờ trôi qua một cách vô ích, phù phiếm như thế này sao?” Mà quả thật vậy, những giao tế hình thức ấy đến một lúc nào đó thật không còn chịu nổi. Gặp ai cũng phải hỏi, phải thưa, không hỏi, không thưa không được. Phải biết nghe, phải biết gật đầu, phải biết cười về những câu chuyện nhàm tai như mất gà, mất vịt, sắn khoai, nương rẫy, cách trồng cây nầy, cách trồng thứ nọ… Rồi chuyện ngoài giếng nước, đầu đình, linh tinh lang tang chẳng đâu vào đâu cả. Thế mà đã hết đâu! Người ta còn mời đi tụng kinh ở đền, ở miếu, thiếu đường mời đi tụng kinh đám cưới, đám hỏi, giỗ chạp nữa mà thôi! Thế mà hết đâu! Còn phải đi họp đình, họp tổ, họp ấp, họp phường, tham gia các lớp bổ túc văn hóa, vệ sinh công cộng, cổ động phong trào thi đua sản xuất… “Ồ! Cái gì đây?” Chúng con tự hỏi! Cứ để tháng ngày trôi qua vô ích với những sinh hoạt không phải của mình? Thì giờ đâu để lao động tăng gia sản xuất ? Thì giờ đâu để vun quén, sửa sang vườn tược, cây cảnh, am thất? Thì giờ đâu để đọc sách, uống trà, nghiên cứu, tụng niệm và tham thiền? Ôi! Quả thật thời gian ấy khổ não làm sao!
Bất Đạt thở ra một hơi dài não ruột. Nhà sư gật đầu nhè nhẹ như tỏ ý thông cảm. Nhà sư thầm nghĩ, “Bất Đạt lúc này có trầm lặng hơn dạo nào, khi nói mà vì tức khí, nó không vung cái tay, đá cái chân. Ngôn ngữ sử dụng cũng có lắng dịu, nhẹ nhàng chứ không còn cay độc như độ trước. Lạy Phật, nó có tiến bộ nhiều!”
Bất Ác tiếp lời Bất Đạt :
- Một số Phật tử kỳ cựu ở Đà Nẵng ra, ở Huế lên gặp chúng con, họ nói rằng: “Các chú làm cái gì vậy? Các chú ở cơ quan ngoại giao nào? Các chú ở trong hội từ thiện xã hội nào? Các chú là thầy tu hay học làm thầy tụng? Các chú muốn “đem Đạo Phật vào đời” hay “đem đời vào Đạo Phật”? Các chú “vớt đời” hay bị “đời vớt”?”
Ôi chao! Nghe họ nói mà xót xa đứt ruột làm sao ấy!
Liễu Minh trình bày tiếp:
- Nghe họ nói hữu lý, chúng con bèn họp bàn với nhau. Sau đó, những tấm biển được treo lên: “Nhà chùa chỉ tiếp khách ngày chủ nhật”; “Nơi tham thiền, vui lòng giữ im lặng”; “Chỉ nói chuyện Đạo, không luận việc đời”…
Thế là chúng con cắt đứt mọi liên hệ. Thì giờ, ngoài những lao động cần thiết, chúng con để dành hết cho việc đọc sách, nghiên cứu, tu niệm.
Tưởng thế là yên, ai ngờ chỉ vài tháng sau, dư luận lên án một cách gay gắt: “Mấy ông chỉ giả vờ lăng xăng một chút ban đầu, chớ các ông chỉ thích đời sống cách biệt, xa lạ với mọi người, với bà con xóm làng! Ôi! Mình là dân chân lấm tay bùn, còn mấy ông là dân học thức cao sang, suốt ngày ăn ở trong im trong mát, không nhích cái tay, chẳng động cái chân. Ồ, xem kìa! Nước da họ trắng muốt, cái lưng họ thẳng đuột, cái tay họ “tháp bút”! Ngữ ấy ăn ngủ và hưởng thụ là tài!”
Thấy lối diễn tả của Liễu Minh, nhà sư cũng phải cười. Bất Đạt hăm hở tiếp:
- Thế là chúng con quay qua đời sống “nông thiền”. Chúng con vừa lao động, vừa tu tập. Chúng con tự làm lấy tất cả mọi công việc, từ vườn trên đến vườn dưới, không cần thuê mướn ai. Hồi xưa với núi đồi đá sỏi và gai góc mà chúng con không sờn lòng, còn đào được hồ trồng rau muống và môn ngọt, còn trồng được hai sào ớt, còn trồng được trái bí rợ bốn mươi ký, còn trồng được buồng chuối hai người gánh, củ sắn mười lăm cân… huống hồ gì bây giờ với mấy mảnh đất thịt này! Có điều thú vị là ở đây, chúng con vừa làm vừa học cái tâm của mình. Lúc này là nóng nảy bực bội; lúc này là buông xuôi biếng nhác; lúc này là “tâm viên ý mã”… Đôi khi chúng con còn chống cuốc và tranh luận sôi nổi về một đoạn kinh nào đó, về một vài sự thật giáo pháp “có da có thịt” hơn từ ngữ trong kinh điển, do nhờ sự thường trực chánh niệm và tỉnh giác.
Ôi! Bạch thầy! Đấy là những ngày tháng hạnh phúc nhất của chúng con. Thế nhưng, chẳng bao lâu, một số Phật tử khác lại chỉ trích gay gắt chúng con. Họ nói rằng mấy ông không lo tu hành gì cả, suốt ngày chỉ lo làm lụng sản xuất như người thế, hỏng rồi!
Bất Đạt ngao ngán thở ra. Nhà sư từ từ hỏi:
- Đã hết chưa các con?
Bất Ác mau mắn góp lời:
- Dạ chưa hết đâu ạ! Khi chúng con sắp xếp trở lại: giờ này lao động, giờ kia học hành nghiên cứu, giờ nọ hành thiền, giờ ấy tiếp khách… thì vẫn bị miệng thế gian dè bỉu ỉ ôi. Họ nói: “Ối! Mấy ông làm viêc cho có lệ để che mắt thiên hạ, sợ người ta bảo là ăn bám xã hội đó thôi! Thấy không, đúng giờ họ mới chào hỏi, không đúng giờ họ… đi thẳng, thậm chí giả bộ trang nghiêm, “thu thúc cò”! Tu thì cũng tu đại khái cho qua ngày, chứ không quyết tâm rốt ráo cho đến nơi đến chốn. Họ quen cái đời sống giờ giấc, mực thước đó mà!
Liễu Minh kết luận:
- Sống như thế nào cũng bị chê bai, biếm nhẽ, chỉ trích cả thì thử hỏi làm thế nào, bạch thầy? Làm thế nào an lạc được bởi những đàm tiếu dị luận xung quanh? Quả thật, chúng con đã rối trí, bất lực, chẳng tìm ra một biện pháp khả dĩ tương đối yên ổn. Chúng con đã bó tay đầu hàng rồi. Sự bỏ phế vườn tược trong thời gian gần đây là do chưa tìm ra phương án giải quyết đó thầy!
Bất Đạt chợt nói:
- Chỉ có một cách, chỉ có một cách duy nhất là sống hạnh ta bà vô trú:
Ngàn nhà, một bát xin ăn
Sá gì cô lẻ chiếc thân dặm ngoài
Chỉ vì sinh tử hôm mai
Nắng mưa mấy độ giúp người hữu duyên
(Dịch từ câu thơ: ” Nhất bát thiên gia phạn
Cô thân vạn lý du
Kỳ vi sinh tử sự
Giáo hóa độ xuân thu.”)
thì may ra thoát khỏi miệng thế gian!
Nhà sư mỉm cười:
- Con tưởng thế à! Người ta sẽ nói rằng, đấy là những kẻ không nghề nghiệp, ăn bám xã hội, vô trách nhiệm, thiếu bổn phận làm người, quen sống đời hưởng thụ, nhàn hạ, thảnh thơi… Ồ, không chạy thoát được đâu!
- Vậy thì phải làm sao hở thầy! Bất Ác dồn dập hỏi – Chẳng có cách nào khác nữa sao? Hay là chúng ta rút vào rừng sâu núi thẳm, ăn trái củ rau cỏ gì đó mà tu hành thì chắc khỏi bị miệng thế thị phi đàm tiếu?
- Con tưởng thế – nhà sư cười nói – vào rừng sâu núi thẳm thì người ta sẽ bảo rằng, đấy là hạng người tiêu cực, bi quan yếm thế, kẻ đào tẩu cuộc đời.
Nhà sư chậm rãi gợi ý:
- Cho đến đức Phật, các con ạ, đức Phật là một bậc Toàn Giác, từ bi và trí tuệ vô lượng mà cũng bị chê bai, vu khống, phỉ báng như thường. Chỉ có một điều khác biệt duy nhất, là dù gặp hoàn cảnh nào, dư luận thị phi thế nào, tâm ngài vẫn thường hằng vắng lặng và an lạc như đang ở cõi trời Tịnh Cư. Vì sao, các con có biết không?
Liễu Minh nói:
- Có lẽ đức Đạo Sư là bậc Thế Gian Giải nên ngài thấy rõ tâm địa muôn đời của chúng sanh.
Nhà sư gặng hỏi:
- Cái tâm ấy là cái tâm gì?
- Dạ, là cái tâm lao xao, tham sân, đố kỵ, tỵ hiềm, kiêu căng, vẩn đục mọi thứ. Với tâm địa ấy thì làm sao thấy được bầu trời cao rộng, cái đẹp, điều thiện, cùng những nhân cách phi thường đã bước ra khỏi thế giới ô nhiễm, tục lụy này?
- Con cũng muốn nói thế – Bất Đạt tiếp lời – con muốn ví như thế này, chim sâu, chim sẻ thường không thấy được lộ trình của hồng, của hạc. Cái tôm, cái tép thường không tiên lường được sức quẫy của ngạc, của kình. Cũng vậy, với con mắt lấm lem bụi cát thì chúng sanh nhìn ở đâu cũng thấy dơ dáy, bụi cát mà thôi.
Nhà sư qua Bất Ác :
- Còn con ?
- Con thì… cũng y như hai chú vậy. Như mỗi chúng sanh, đem theo cái chai, cái lọ, cái bình… của mình mà đi múc nước biển, rồi quả quyết rằng nước biển là cái bình, cái lọ, cái chai…! Họ đều lầm lẫn như vậy cả.
Nhà sư khen ngợi:
- Các con ai cũng rút ra được kết luận đúng đắn. Đấy là một phần của sự thật bên ngoài, khả dĩ nắm bắt được cái giác cây, cái vỏ cây. Nhưng sự thật nó còn là cái thớ thịt và lõi cây ở phía trên trong nữa.
Cả ba chú đều chăm chú lắng nghe. Nhà sư tiếp:
- Liễu Minh và Bất Đạt tuy thấy rõ vấn đề, nhưng coi chừng sẽ phát sanh ngã mạn và ngông cuồng, xem thường mọi người rồi chán ghét con người. Còn Bất Ác thì thấy ra được cái bệnh sở tri, chủ quan muôn đời của chúng sanh. Tuy nhiên, từ những nhận thức đó, các con phải bước lên một bước nữa: trình độ của chúng sanh đâu phải là thước đo chân lý? Đã không phải là thước đo chân lý thì hơi đâu chúng ta phải sống ngắn, dài, rộng, hẹp bởi những thước đo ấy?
Các con ạ! Khi ta làm một việc hợp với chúng sanh này thì chúng sanh này khen, nói phải; không hợp với chúng sanh kia thì chúng sanh kia chê, nói trái. Vậy cái phải, cái trái ấy có sự thật không? Có đáng tin cậy không?
Cả ba chú dường như có ý thẹn thùng:
- Dạ, chúng con giờ đã hiểu rõ rồi!
- Chưa đâu, nhà sư từ từ thốt – phải đi thêm một tầng nữa, phải nắm bắt cái lõi của vấn đề, ấy là: “Một đời sống không có tổn hại, không hại mình, không hại người, không hại cả hai. Dẫu gặp hoàn cảnh nào, miệng lưỡi thị phi đen trắng thế nào, các con cũng phải giữ được đời sống thiện về thân, thiện về lời, thiện về ý. Chính nhờ đời sống ấy chúng ta mới dễ dàng tuệ quán để thấy rõ thị phi như gió thoảng, phiền não như đốm hoa… Tâm trí ta nhờ vậy mà thường sáng, thường trong và thường vắng lặng.
Ba chú giờ đã vỡ lẽ “thị, phi”.
Bất Ác chợt vỗ tay, la lên:
Ôi! Bài toán dễ vậy mà các chú nát óc thì quá dỡ!
Huyền Không – Nham Biều - Hương Hồ – 1980