● Phong Trào Phật Giáo Thị Xã Quảng Trị Năm 1963 (Ts. Hoàng Chí Hiếu)

09 Tháng Sáu 201300:00(Xem: 9744)

HỌC VIỆN PHẬT GIÁO VIỆT NAM TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH &
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP. HCM

NHÌN LẠI PHONG TRÀO
PHẬT GIÁO MIỀN NAM NĂM 1963
NHÀ XUẤT BẢN PHƯƠNG ĐÔNG – 2013

Phần II
BỐI CẢNH LỊCH SỬ, SỰ KIỆN, NHÂN VẬT, VĂN HỌC
TRONG PHONG TRÀO PHẬT GIÁO Ở MIỀN NAM NĂM 1963


PHONG TRÀO PHẬT GIÁO 
THỊ XÃ QUẢNG TRỊ NĂM 1963

TS. Hoàng Chí Hiếu
Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Huế

Trong phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963, thị xã Quảng Trị là nơi hưởng ứng sớm nhất cuộc đấu tranh của đồng bào Phật tử Huế. Diễn ra liên tục, quyết liệt, với nhiều hình thức đấu tranh phong phú, cuộc đấu tranh của các tầng lớp nhân dân và Phật tử thị xã “địa đầu giới tuyến” đã góp phần tích cực cùng quân dân miền Nam làm sụp đổ chính quyền Ngô Đình Diệm.

Cũng như nhân dân toàn miền Nam, dưới chế độ độc tài gia đình trị, giáo trị Ngô Đình Diệm, nhân dân Quảng Trị phải chịu bao sự áp bức, kì thị và bất công, nhất là đồng bào Phật tử(1). Quảng Trị là nơi mà Phật giáo có ảnh hưởng sâu rộng trong nhân dân. Năm 1960, toàn tỉnh có 137 tổ chức Gia đình Phật tử, 1.157 huynh trưởng, 9.505 đoàn sinh; năm 1961 tăng lên 146 gia đình, 10.360 đoàn sinh, chưa kể số người chưa nhập vào khuôn hội và đa số có khuynh hướng cảm tình Phật giáo. Quảng Trị đồng thời cũng là nơi có nhiều con em xuất gia và giữ những chức vụ quan trọng trong hàng giáo phẩm(2). Mặt khác, là tỉnh giáp Thừa Thiên Huế nên những sự việc diễn ra ở Huế đều nhanh chóng truyền về Quảng Trị. Vì thế, ảnh hưởng của cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng tôn giáo dấy lên ở Huế đối với Tăng Ni, Phật tử Quảng Trị cũng diễn ra rất sớm.

Ngày 7-5-1963, gần 600 Phật tử trong toàn tỉnh tổ chức trại họp bạn Tất Đạt Đa ở bãi Nhan Biều để chào mừng Đại lễ Phật đản. Thi hành Công điện số 9 195 (6-5-1963) của chính quyền Ngô Đình Diệm về việc cấm treo cờ Phật giáo trong Đại lễ Phật đản năm 1963, Tỉnh trưởng Quảng Trị Nguyễn Quốc Quỳnh buộc Ban tổ chức chỉ được treo cờ “quốc gia” (tức cờ ba sọc - TG), còn việc treo cờ Phật của Tỉnh hội và các tư gia thì không đả động đến. Tuy vậy, việc làm của viên tỉnh trưởng đã gây ra những bức xúc trong toàn thể trại sinh.

Chiều 8-5-1963, đại diện giới lãnh đạo Phật giáo và phái đoàn Ban Hướng dẫn Trung phần cùng sinh viên Phật tử Huế ra thăm trại họp bạn. Được tin này, Nguyễn Quốc Quỳnh sợ những phản ứng mà phái đoàn Huế có thể nhân cơ hội để kích thích tinh thần đấu tranh của Phật tử, nên yêu cầu Ban quản trại treo thêm cờ Phật giáo phía dưới “quốc kỳ”. Hành động này của viên tỉnh trưởng cho thấy sự lúng túng và nhượng bộ của chính quyền Ngô Đình Diệm trong việc thi hành Công điện 9 195. Nó có ý nghĩa kích thích tinh thần đấu tranh của trại sinh.

Đến 12 giờ trưa ngày 9-5-1963, được tin cuộc đàn áp đẫm máu của chính quyền Ngô Đình Diệm tại Đài phát thanh Huế làm 8 Phật tử thiệt mạng, Ban Quản trại quyết định tổ chức lễ truy điệu các Phật tử hi sinh vào lúc 22 giờ cùng ngày nhằm hưởng ứng cuộc đấu tranh chung của Phật giáo Huế.

Để đề phòng sự nổi dậy của quần chúng Phật tử, chính quyền Ngô Đình Diệm ở Quảng Trị điều động một số xe thiết giáp về án ngữ tại cầu ga Quảng Trị. Hàng trăm nhân viên cảnh sát chiến đấu phái qua khu trại để theo dõi, bám sát các hoạt động của trại sinh. Về phía Phật giáo, hệ thống phòng thủ trại được tăng cường, cứ cách 10m quanh trại có một trại sinh cầm gậy đứng gác, chỉ trừ đại lộ chính là nơi được tự do lưu thông, còn các nẻo khác đều bị cấm di chuyển. Đến 22h00, lễ truy điệu bắt đầu. Một biểu ngữ dài 20m với dòng chữ lớn được căng lên: “Thành kính tưởng niệm anh linh các Phật tử đã bỏ mình tại Đài Phát thanh Huế”. Sau khi thông báo về diễn biến vụ 8 Phật tử bị thảm sát ở Huế, Trưởng ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Quảng Trị khẳng định rằng những Phật tử bỏ mình tại Đài Phát thanh Huế là sự hy sinh để bảo vệ Đạo pháp và xem đây là cái tang chung của toàn thể Tăng Ni, Phật tử Phật giáo Việt Nam. Sau đó là lễ cầu siêu và các trại sinh cài băng tang và yêu cầu “Im lặng tuyệt đối”. Giải thích về sự im lặng này, Ban Quản trại cho rằng: “Im lặng” ở đây “không phải là bỏ qua mọi vấn đề. Im lặng là một phương thức rèn luyện ý chí, là đưa những cảm niệm uất hận lắng sâu vào tận đáy tâm can, để gợi lên những xác thực những cảnh tượng của đầu rơi máu chảy, thịt nát xương tan, những hình ảnh đau thương của đồng đạo chúng ta và để cảm thông những xót xa mà anh em chúng ta đã phải chịu”(3).

Những sự kiện trên đây cho chúng ta khẳng định rằng thị xã Quảng Trị là địa phương hưởng ứng sớm nhất cuộc đấu tranh của Phật giáo Huế so với nhiều thành phố và thị xã trên toàn miền Nam, kể cả Sài Gòn.

Ngày 10-5-1963, Phật giáo Huế tổ chức mittinh tại chùa Từ Đàm để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp tôn giáo. Trong cuộc mittinh này, giới lãnh đạo Phật giáo đưa ra Tuyên ngôn gồm 5 nguyện vọng(4) yêu cầu chính quyền Ngô Đình Diệm giải quyết. Những ngày tiếp theo, tại thị xã Quảng Trị, cảnh sát Sài Gòn được lệnh lục soát khách bộ hành trên các chuyến xe đò từ Huế ra để tịch thu tất cả tài liệu đấu tranh, như Tuyên ngôn ngày 10-5-1963, các bản tin, tuyên cáo, văn thư, … liên quan đến cuộc đấu tranh của Tăng tín đồ Phật giáo Huế và trên toàn miền Nam. Mặt khác, Tỉnh trưởng Quảng Trị ra lệnh cấm dân chúng lưu hành các tài liệu không có sự kiểm duyệt của chính phủ. Do vậy, các tài liệu trên chỉ lẻ tẻ đưa về chùa Tỉnh hội, đồng thời chưa có một lệnh chính thức nào hướng dẫn cuộc đấu tranh ngoài bức điện tín của Tổng hội Phật giáo Việt Nam đánh đi từ Huế rằng: “Phật giáo đã và đang đấu tranh công khai cho tự do tín ngưỡng. Các Tỉnh hội tuyệt đối bình tĩnh và chờ đợi chỉ thị”. Vì thế, giới lãnh đạo Phật giáo Quảng Trị tỏ ra dè dặt trong hành xử.

Trong lúc đó, tại vùng ven thị xã, Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Quảng Trị rải truyền đơn với nội dung tố cáo chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp tôn giáo và kêu gọi tín đồ các tôn giáo đoàn kết ủng hộ cuộc đấu tranh của Phật giáo Huế, như các khẩu hiệu: “Đả đảo chính quyền Mỹ - Diệm chà đạp tự do tín ngưỡng”, “Tín đồ Phật giáo đoàn kết xung quanh Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đánh đổ Mỹ - Diệm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”, “Hỡi các tôn giáo, hãy đoàn kết noi gương Tăng tín đồ Phật giáo ở Huế đứng lên đạp đổ chính quyền”(5).

Ngày 18-5-1963, Đại đức Thích Thiện Bình được phái ra Quảng Trị nhằm sắp xếp lễ cầu siêu nhưng không thành công. Hai ngày sau (20-5-1963), Thượng tọa Thích Đôn Hậu mang ủy nhiệm thư của Tổng trị sự Phật giáo tại Huế ra tổ chức lễ. Trong ủy nhiệm thư có nhấn mạnh rằng: “Lễ cầu siêu là một hành động có tính cách lịch sử và là hậu thuẫn cho công cuộc đấu tranh công khai hiện tại”. Ngày 21-5-1963, lễ cầu siêu do Thượng tọa Thích Đôn Hậu làm trưởng ban đã được tổ chức tại thị xã Quảng Trị, với sự tham dự của đông đảo quần chúng tín đồ thị xã và vùng phụ cận.

Mặc dù được lệnh “không làm trở ngại buổi lễ” nhưng chính quyền Sài Gòn tại Quảng Trị lại “cấm đọc hiệu triệu và tuyên ngôn của Phật giáo Việt Nam, chính quyền hết sức theo dõi hành động của Ban trị sự trong buổi lễ này” và quy định “địa điểm hành lễ trong khuôn viên chùa, nếu chùa chật hẹp có thể nới rộng bằng hình thức vạch vôi, hàng rào danh dự hoặc dây kẽm gai”(6). Ngoài thị xã, lễ cầu siêu còn được tiến hành ở khắp các Niệm Phật đường trong toàn tỉnh. Mặc dầu có sự theo dõi chặt chẽ của cảnh sát Sài Gòn nhưng các tài liệu như bản Tuyên ngôn 5 điểm, lời hiệu triệu của Giáo hội vẫn được phổ biến trong quần chúng. Đây được xem như việc làm có ý nghĩa phát động quần chúng tín đồ tham gia đấu tranh.

Trong lúc phong trào đấu tranh từ Huế lan ra khắp miền Nam, Ngô Đình Diệm buộc phải tiếp một phái đoàn Phật giáo nhưng không đem lại kết quả. Điều đó càng làm cho Phật giáo và nhân dân càng thêm phẫn nộ. Vì thế, mặc dù chưa có mệnh lệnh chỉ đạo đấu tranh của Tổng trị sự Phật giáo nhưng với trách nhiệm đối với đồng bào Phật tử, các văn kiện thiết yếu cho công cuộc đấu tranh được Ban hướng dẫn Quảng Trị in ấn và tìm cách gửi đến các Gia đình Phật tử, như Tuyên ngôn 5 nguyện vọng, Bản Phụ đính Tuyên ngôn ngày 10-5-1963 (đề ngày 23-5-1963) giải thích 5 nguyện vọng, Thông bạch số 118 quy định hình thức đấu tranh. Kèm theo các văn bản trên là bản chỉ thị của Ban hướng dẫn nêu lên các công việc cần được trù bị trước, nhất là kế hoạch đối phó, hoặc xử trí trong những trường hợp bị đàn áp.

Ngày 24-5-1963, Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, gửi cho Ngô Đình Diệm một văn thư trong đó nói rõ giới lãnh đạo Phật giáo sẽ tuyệt thực 48 tiếng đồng hồ để đòi giải quyết năm nguyện vọng bắt đầu từ 14 giờ 30 ngày 30-5-1963.

Sáng ngày 1-6-1963, cuộc tuyệt thực sắp chấm dứt nhưng chính quyền Ngô Đình Diệm vẫn không chịu thoả mãn các nguyện vọng của Phật giáo, gần 10.000 Tăng Ni, Phật tử thị xã Quảng Trị và vùng phụ cận tổ chức một cuộc tuần hành có quy mô lớn, kéo đến dinh Tỉnh trưởng Quảng Trị để chuyển kiến nghị “yêu cầu chính phủ giải quyết 5 nguyện vọng của Phật giáo đồ”. Để “đề phòng những sự bạo động cướp chính quyền”, chính quyền Diệm làm những nút chặn các ngả đường, từ nhà ga xuống làng Thạch Hãn, về ngã ba Long Hưng, lên Trí Bưu, vòng xuống làng Cổ Thành, lên làng Hạnh Hoa, về cầu Sãi, khiến “quanh Tòa hành chánh đều có dây kẽm gai ngăn chặn và có lính phòng thủ”(7). Tuy vậy, quần chúng đã len lỏi qua những đường hẻm và tập trung tại ngã ba bưu điện, tiến vào bao vây phía trước dinh tỉnh trưởng. Trước khí thế đấu tranh của nhân dân, hai viên phó tỉnh trưởng buộc phải nhận kiến nghị và hứa sẽ đề đạt nguyện vọng của Phật giáo đồ lên Ngô Đình Diệm. Sau đó, đoàn người kéo về chùa Tỉnh hội để tiếp tục cuộc tuyệt thực.

Sáng 2-6-1963, chính quyền Ngô Đình Diệm tại Quảng Trị phong tỏa chùa Tỉnh hội bằng dây kẽm gai, lính vũ trang canh gác nghiêm ngặt không cho ai vào ra, kể cả những Phật tử chịu trách nhiệm phục vụ trong khuôn viên tuyệt thực. Trong lúc đó, Phật tử các nơi đổ về chùa Tỉnh hội đã bị cảnh sát xua đuổi, ném lựu đạn cay vào đám đông và dùng dùi cui đánh đập, khiến nhiều người bị thương. Cuộc đấu tranh thu hút nhân dân tham gia mỗi lúc mỗi đông, nhiều người đi chợ cùng với Phật tử dùng đòn gánh, gạch đá chống lại cảnh sát. Đến chiều, có thêm 11 vị sư và huynh trưởng tham gia tuyệt thực để tiếp tục đấu tranh(8).

Cùng với việc dùng vũ lực đàn áp cuộc tuyệt thực của Tăng Ni, Phật tử, chính quyền Ngô Đình Diệm bắt nhân dân học tập, lập những kiến nghị phản đối cuộc đấu tranh của Phật giáo, cho xe thông tin chạy quanh thị xã tuyên truyền xuyên tạc tinh thần đấu tranh, gây chia rẽ hàng ngũ Phật tử bằng cách vu khống cho rằng một số cán bộ chủ chốt phong trào ly khai Tỉnh hội, hoặc đi theo Cộng sản hoặc tổ chức đảo chính. Chúng còn thực hiện “chính sách chiêu hồi”, buộc các gia đình có con em tham gia đấu tranh phải đi học tập, xác nhận rằng Phật giáo đấu tranh chống chính phủ là Cộng sản, bắt cóc Phật tử đưa về trại giam tra tấn, ...

Trong lúc đó trên khắp các đô thị miền Nam, nhất là tại Huế, chính quyền Ngô Đình Diệm tiến hành các cuộc đàn áp Phật giáo hết sức dữ dội. Các trung tâm tranh đấu như chùa Từ Đàm và Diệu Đế bị phong tỏa. Để cứu nguy phong trào, ngày 11-6-1963, Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài Gòn. Cuộc tự thiêu của Thích Quảng Đức đã gây tạo nên một cú sốc mạnh đối với chính quyền Ngô Đình Diệm. Không những nhân dân trong nước mà nhân dân thế giới đều lên án mạnh mẽ chính sách đàn áp tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm.

Để tránh một cuộc nổi dậy trên quy mô lớn, chính quyền Ngô Đình Diệm phải cấp tốc mở một cuộc thương thuyết với giới lãnh đạo Phật giáo. Ngày 16-6-1963, một Thông cáo chung được ký kết. Nội dung Thông cáo về cơ bản thỏa mãn năm nguyện vọng của Phật giáo đã đề ra trong bản Tuyên ngôn ngày 10-5-1963.

Việc ký kết Thông cáo chung đánh dấu một thắng lợi lớn của phong trào Phật giáo, trong đó có sự góp sức của Phật giáo Quảng Trị. Nó cổ vũ tinh thần đấu tranh của đồng bào Phật giáo miền Nam nói chung, của Phật giáo Quảng Trị nói riêng.

Sau khi bản Thông cáo chung được ký kết, giới lãnh đạo Phật giáo ra thông bạch báo tin về những thắng lợi đã đạt được trong bản Thông cáo chung và kêu gọi Phật giáo đồ “trở lại nếp sống bình thường, thành tâm cầu nguyện cho bản Thông cáo chung, một văn kiện long trọng giữa chính phủ và Phật giáo được thi hành nghiêm chỉnh”(9).

Hoàn toàn khác với thái độ của Phật giáo, việc ký bản Thông cáo chung của chính quyền Ngô Đình Diệm chỉ là một kế hoãn binh, một sự nhượng bộ tạm thời để chuẩn bị cho một cuộc đàn áp đại quy mô nhằm đè bẹp phong trào. Mật điện số 1 342-VP-TT (19-6-1963) của Văn phòng Phủ Tổng thống đánh đi cho Đại diện Chính phủ các miền và Tư lệnh các vùng nói rõ: “Để tạm thời làm dịu tình hình và khí thế đấu tranh quá quyết liệt của bọn Tăng Ni và Phật giáo phản động, Tổng thống và ông Cố vấn ra lệnh nhún nhường họ. Các nơi hãy theo đúng chủ trương trên mà đợi lệnh. Một số kế hoạch đối phó thích nghi sẽ gởi đến sau. Ngay từ bây giờ hãy chuẩn bị dư luận cho giai đoạn tấn công mới”(10).

Do dã tâm trên nên Thông cáo chung bị chính quyền Ngô Đình Diệm vi phạm ngày một nghiêm trọng. Riêng tại Quảng Trị, xin nêu một số vụ tiêu biểu:

* Ngay sau khi Thông cáo chung được ký kết, đồng bào Phật tử tham gia cuộc đấu tranh khi trở về bị chính quyền địa phương gây khó khăn, buộc phải có giấy phép của chính quyền tỉnh mới được về làng. Một số người đã có giấy phép thì chính quyền cho là không hợp lệ. Một số Phật tử tích cực hoạt động bị ghi vào sổ đen, bị giữ lại đưa về Ty Công an hoặc bị theo dõi.

* Thượng tọa Thích Khai Trí, trụ trì chùa Sắc Tứ, bị một số người lạ mặt bóp cổ và đâm một nhát dao vào má phải.

* Chính quyền Ngô Đình Diệm mua chuộc một số tu sĩ tại gia (phái Cổ Sơn Môn) như Đỗ Phúc và Phước Điền, cấp tiền cho đi dự Đại hội Phật giáo Cổ Sơn Môn và khi trở về được phong chức hòa thượng, nhưng hai vị này không nhận.

Sự vi phạm ngày càng nghiêm trọng Thông cáo chung của chính quyền Ngô Đình Diệm trên khắp miền Nam nói chung, Quảng Trị nói riêng, buộc giới lãnh đạo Phật giáo phải phát động trở lại cuộc đấu tranh. Thông bạch số 91 (16-7-1963) viết: “Giờ một mất một còn của Phật giáo Việt Nam đã đến, tiếng kêu thiết tha của tối đại đa số của Phật giáo đồ đã được phát động, … Quý liệt vị hãy cùng chúng tôi thề hy sinh đến người cuối cùng cho nguyện vọng chân chính của chúng ta, và tung hô: “Phật giáo Việt Nam bất diệt”(11).

Hưởng ứng lời kêu gọi, tại thị xã Quảng Trị, ngày 18-7-1963, một cuộc họp giữa Ban trị sự Giáo hội Tăng già và Tỉnh hội Phật giáo được triệu tập để phát động trở lại cuộc đấu tranh. Dưới sự chỉ đạo, hỗ trợ của Ban hướng dẫn, Đoàn học sinh Phật tử Quảng Trị bí mật ra đời, nhằm phối hợp với lực lượng tranh đấu của Phật giáo. Số lượng ban đầu của Đoàn khoảng 150 người, đa số là học sinh từ đệ tứ (lớp 9) trở lên tại Trường Trung học Nguyễn Hoàng.

Mặt khác, để chuẩn bị cho một cuộc đấu tranh mới, ngày 17-8-1963, Ban đại diện 2 cấp được thành lập, một kế hoạch phát động đấu tranh được bí mật chuẩn bị:

- Đoàn học sinh Phật tử đặt một hệ thống liên lạc từ thị xã về thôn quê;

- Lập một hệ thống mật báo để cung cấp thông tin, tình hình các nơi khi lâm sự;

- Liên lạc với Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo toàn quốc (lúc này đang ở Huế để xin ra thăm viếng Quảng Trị, theo dự kiến vào ngày 21-8-1963);

- Chuẩn bị đầy đủ các biểu ngữ, tung ra khi Ủy ban Liên phái đến viếng thăm Quảng Trị.

Trong khi mọi việc đã chuẩn bị sẵn sàng, đêm 20, rạng ngày 21-8-1963, chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện “Kế hoạch nước lũ”, ban hành lệnh giới nghiêm và tấn công chùa chiền trên toàn miền Nam. Vào lúc 4 giờ sáng 21-8, Ty Thông tin Quảng Trị cho xe phóng thanh đi loan báo lệnh giới nghiêm. Khoảng 5 giờ, cảnh sát dã chiến tấn công chùa Tỉnh hội, bắt hầu hết các nhà sư và Phật tử lãnh đạo đấu tranh.

Sau “Kế hoạch nước lũ”, cùng với làn sóng đấu tranh từ bên ngoài đòi trả tự do cho những Tăng Ni và Phật tử bị bắt, tại các trại giam, mặc dù bị chính quyền Diệm đối xử tàn bạo nhưng các nhà sư và Phật tử vẫn giữ vững ý chí đấu tranh của mình trước bạo lực. Họ tuyệt thực để chống đối hành động bắt bớ, giam cầm vô lý của chính quyền Ngô Đình Diệm, bất chấp các hành động khủng bố của địch.

Cuộc đấu tranh bất bạo động trong nhà tù cũng như những hoạt động chống đối ở bên ngoài buộc chính quyền Diệm phải trả tự do cho các sư sãi và Phật tử. Riêng vị Trưởng ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Quảng Trị bị chính quyền lập hồ sơ đưa ra tòa án quân sự. Cho đến ngày 23-10-1963, trước khi phái đoàn Liên Hiệp Quốc mở cuộc điều tra về chính sách đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm, vị Trưởng ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Quảng Trị mới được trả tự do.

Về phía học sinh Trường Nguyễn Hoàng, một số bị bắt, sau khi ra khỏi trại giam vẫn tiếp tục bí mật hoạt động. Một số trong Ban Chấp hành Đoàn Học sinh Phật tử bí mật tìm cách liên lạc với nhau, trong đó có bắt liên lạc với tổ chức Phật giáo cứu nguy ở Huế để nhằm tập hợp lực lượng, tiếp tục đấu tranh. Kế hoạch đặt ra là tổ chức học sinh thực hiện những việc như khi trường mở cửa sẽ có một nhóm đánh trống bãi thình lình; nhóm khóa cửa trường để cho học sinh đứng ngoài; nhóm chăng biểu ngữ; nhóm cướp máy phóng thanh, kêu gọi hưởng ứng bãi khóa; nhóm đốt văn phòng, tiêu hủy các loại hồ sơ, ... Ngoài ra, một số Phật tử lên kế hoạch tố cáo chính quyền Ngô Đình Diệm khi đoàn Liên Hiệp Quốc đến điều tra, cụ thể là vận động Phật tử làm đơn tố cáo chính quyền Diệm gửi phái đoàn Liên Hiệp Quốc, riêng vị Trưởng ban Hướng dẫn sẽ có một giác thư tố cáo những vi phạm Thông cáo chung từ sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm ban hành lệnh giới nghiêm kèm theo bản phúc trình của Ban chỉ đạo đấu tranh Phật giáo tại Quảng Trị. Những hồ sơ này sẽ do một tu sĩ trực tiếp trao cho Phái đoàn điều tra Liên Hiệp Quốc trước lúc tự thiêu tại một địa điểm ở Huế. Tiếp đến là kế hoạch phối hợp tổ chức tự thiêu của Phật tử Quảng Trị tại Huế. Theo dự kiến, ngày 29-10-1963, người được chọn tự thiêu là chú Huệ Nhật lên đường vào Huế để thực hiện kế hoạch. Trong lúc đó, tại chùa Sắc Tứ, một số nhà sư và Phật tử bàn kế hoạch tổ chức đấu tranh phối hợp với cuộc tự thiêu này. Giữa lúc công cuộc đang xúc tiến, ngày 1-11-1963, cuộc đảo chính lật đổ chế độ độc tài gia đình trị, giáo trị Ngô Đình Diệm diễn ra. Phong trào Phật giáo miền Nam nói chung và ở Quảng Trị nói riêng kết thúc.

Nhìn lại phong trào đấu tranh của Phật giáo thị xã Quảng Trị năm 1963, ta thấy nổi lên một số đặc điểm sau:

Một là, Quảng Trị là nơi hưởng ứng sớm nhất cuộc đấu tranh của Phật giáo miền Nam, khởi đầu từ Huế. Ngay khi Công điện 9 195 về việc cấm treo cờ Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm được ban hành, giới Phật tử Quảng Trị đã có những phản ứng đầu tiên, dù rằng những phản ứng đó chỉ mới dừng lại ở mức độ “bức xúc”. Cùng với khổ nhục sau bao năm sống dưới ách thống trị và sự kì thị của chính quyền Ngô Đình Diệm, nỗi bức xúc đó của đồng bào Phật tử Quảng Trị được đẩy lên thành đỉnh điểm, khi có tác động tích cực từ bên ngoài. Điều này lí giải vì sao ngay khi nhận được tin vụ thảm sát Phật tử tại Đài Phát thanh Huế (8-5-1963), Quảng Trị là nơi sớm nhất hưởng ứng cuộc đấu tranh mà giới lãnh đạo Phật giáo phát động. Bất chấp sự đe dọa và những sự đàn áp có thể của chính quyền Ngô Đình Diệm, ngay trong đêm 9-5-1963, cuộc đấu tranh của Phật giáo Quảng Trị chính thức diễn ra.

Hai là, bắt đầu từ đêm 9-5-1963, phong trào Phật giáo thị xã Quảng Trị diễn ra liên tục, thu hút sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân, với nhiều hình thức khác nhau. Sự liên tục này thể hiện ngay cả khi những nhà lãnh đạo Phật giáo bị bắt trong “Kế hoạch nước lũ”, phong trào vẫn được duy trì. Từ lễ truy điệu tưởng niệm đêm 9-5-1963 trong khuôn viên Hội trại Tất Đạt Đa đến lễ cầu siêu những Phật tử bị thảm sát ở Đài Phát thanh Huế được tổ chức tại thị xã Quảng Trị và ở tất cả các Niệm Phật đường khắp toàn tỉnh ngày 21-5-1963; phổ biến các văn kiện đấu tranh của Phật giáo như bản Tuyên ngôn 5 nguyện vọng, bản Phụ đính Tuyên ngôn ngày 10-5-1963, Thông bạch số 118 quy định hình thức đấu tranh; tuyệt thực, mittinh, tuần hành, gửi kiến nghị, làm đơn tố giác tội ác của chính quyền Ngô Đình Diệm lên phái đoàn điều tra Liên Hiệp Quốc, tổ chức tự thiêu, … Không dừng lại ở hình thức bất bạo động, cuộc đấu tranh ngày 2-6-1963 tại chùa Tỉnh hội đã xuất hiện việc vũ trang tự vệ của quần chúng khi bị chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp. Từ trong phong trào, Đoàn Học sinh Phật tử Quảng Trị ra đời, trở thành lực lượng tranh đấu quan trọng, nhất là từ sau khi phần lớn những nhà lãnh đạo Phật giáo bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt trong “Kế hoạch nước lũ”.

Ba là, phong trào góp phần dẫn đến sự suy yếu, sụp đổ của chính quyền Ngô Đình Diệm, tạo đà cho phong trào năm 1964-1965 ở Quảng Trị diễn ra sôi động, quyết liệt hơn. Ở tuyến đầu “chống Cộng”, Quảng Trị nói chung và thị xã tỉnh lỵ Quảng Trị nói riêng, là nơi tập trung bộ máy cai trị mạnh của Mỹ và chính quyền Sài Gòn(12), một bàn đạp quan trọng để thực hiện kế hoạch “lấp sông Bến Hải, Bắc tiến”. Phong trào Phật giáo năm 1963 đã làm rung chuyển bộ máy đó. Huy động tổng lực các lực lượng vũ trang và bán vũ trang nhằm đàn áp song chính quyền Ngô Đình Diệm tại Quảng Trị không những không dập tắt được phong trào mà còn ngày càng lún sâu vào khủng hoảng, cuối cùng đi đến sụp đổ. Sự sụp đổ chính quyền ở trung ương kéo theo sự thay đổi của bộ máy chính quyền địa phương. Ngay trong tháng 11-1963, hai tỉnh trưởng Quảng Trị lần lượt bị thay thế. Liên tục trong các năm 1964-1966, phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân thị xã Quảng Trị diễn ra, đỉnh cao là sự kiện ly khai 1966, kéo theo sự khủng hoảng của bộ máy chính quyền Sài Gòn tại Quảng Trị, tạo đà cho phong trào đồng khởi ở đồng bằng Trị - Thiên 1964-1965 nổ ra và giành thắng lợi nhanh chóng.


1. Về chính sách kì thị Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm, xem thêm “Lê Cung, Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963, In lần thứ 4, Nxb Thuận Hóa, Huế. 2008”.
2. Như Hòa thượng Thích Giác Nhiên, trụ trì chùa Thuyền Tôn, Đệ nhị Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất; Hòa thượng Thích Trí Thủ, Viện trưởng Viện Hóa đạo, sau năm 1975 là một trong những người đứng ra vận động thống nhất Phật giáo, được cử giữ chức Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Chánh đại diện miền Vạn Hạnh (gồm các tỉnh từ Quảng Trị vào Quảng Ngãi), năm 1968 thoát ly ra vùng chiến khu, giữ chức Phó Chủ tịch Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình thành phố Huế, ...
3. Tuệ Giác, (1964), Việt Nam - Phật giáo tranh đấu sử, Nxb Hoa Nghiêm, Sài Gòn, tr. 231.
4. Gồm: 1. Yêu cầu Chính phủ Việt Nam Cộng hòa thu hồi vĩnh viễn công điện triệt giáo kỳ của Phật giáo.
 2. Yêu cầu Phật giáo phải được hưởng một chế độ đặc biệt như các Hội truyền giáo Thiên Chúa giáo đã được ghi trong Đạo dụ số 10.
 3. Yêu cầu chính phủ chấm dứt tình trạng bắt bớ, khủng bố tín đồ Phật giáo.
 4. Yêu cầu Tăng Ni tín đồ Phật giáo được tự do truyền đạo và hành đạo.
 5. Yêu cầu chính phủ đền bồi một cách xứng đáng cho những kẻ bị giết oan vô tội, và kẻ chủ mưu giết hại, phải đền bồi đúng mức” [Lê Cung, Sđd, tr. 170].
5. Truyền đơn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Tp. Hồ Chí Minh, Ký hiệu SC.04HS. 8.466.
6. Tuệ Giác, Sđd, tr. 235.
7. Tuệ Giác, Sđd, tr. 247.
8. Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Quảng Trị, Lịch sử Đảng bộ thị xã Quảng Trị (1930-1995), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 1999, tr. 195
9. Lê Cung, Sđd, tr. 208, 210.
10. Lê Cung, Sđd, tr. 208, 210.
11. Lê Cung, Sđd, tr. 226-227.
12. Chỉ riêng những năm 1961-1965, thị xã Quảng Trị là nơi tập trung dày đặc các cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn. Ngoài bộ máy chính quyền tỉnh Quảng Trị và thị xã Quảng Trị, đây còn là nơi đặt trụ sở của 11 cơ quan tình báo, quân báo phản gián từ trung ương xuống địa phương, như quân báo Quảng Trị, tình báo Trung đoàn 2 (Sư đoàn I), Phòng 6 (Ty cảnh sát Quảng Trị), Ty cảnh sát đặc biệt miền Bắc Trung nguyên Trung phần, ... Ngoài các lực lượng tại chỗ, thị xã Quảng Trị và vùng phụ cận là nơi trú đóng của nhiều đơn vị chủ lực, như Bộ chỉ huy tiền phương của Sư đoàn I, trung đoàn 1, 1 chi đội thiết giáp, ... Đây là những lực lượng chủ chốt nhằm bảo vệ thị xã, bảo vệ các cơ quan đầu não, đồng thời là lực lượng tiến hành các cuộc hành quân càn quét, tiêu diệt cách mạng, sẵn sàng trấn áp các cuộc đấu tranh của nhân dân thị xã và phụ cận.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn