Không Có Pháp Môn Nào Duy Nhất

07 Tháng Hai 201300:00(Xem: 6741)

BỆNH TẬT LÀ MỘT ÂN SỦNG
Chân Pháp Đăng

Không có pháp môn nào duy nhất


Bạn thân mến,

 Hai hôm nữa, thầy Vô Ngại sẽ đến tu viện Cát Tường. Đó là một niềm vui cho Lang. Thầy Vô Ngại và Lang là hai anh em, xuất gia cùng một ngày với thầy Nguyện Hải và sư cô Bảo Nghiêm, gọi là bốn con sư tử. Bấy lâu nay, thầy Vô Ngại tu nhập thất, nhưng thương Cát Tường nên về đây nâng đỡ cho Lang. Trong đời sống tu tập, bạn luôn luôn cần sự nâng đỡ của tăng thân, dù bạn có tài năng gì nữa, có sức mạnh gì đi nữa, so với năng lượng của tăng, bạn vẫn luôn cảm thấy nhỏ bé.

 Thầy Vô Ngại rất thích tu theo phương cách riêng của thầy. Cát Tường là nơi thích hợp cho thầy. Cát Tường có đầy đủ không gian và thời khóa phù hợp với thầy. Ngoài ra, thầy có thể tu tập theo nhu yếu riêng. Lang cũng đang cố gắng thực tập. Lang may mắn đã từng ở tu viện Rừng Phong hơn 7 năm nên tự đào luyện cho mình một nếp thực tập tự lực, nghĩa là mình không cần phải nương tựa quá nhiều nơi người khác. Lang cố gắng thực tập khi ở trong rừng một mình, khi ở trong phòng ngủ, và cố nhiên là giữ đều công phu thời khóa. Lang có một chút niềm vui, an lạc trong lúc ngồi thiền, thiền hành và tụng kinh nên không bị lờn.

 Đời tu dễ rơi vào các trạng thái lờn, lười, dãi đãi, phóng túng... dù cho hoàn cảnh có thuận tiện tới đâu. Trạng thái của tâm là căn bản. Mọi phẩm chất đời sống đều tuỳ thuộc sâu đậm nơi tâm. Tâm bất an, bạn ở đâu cũng không an. Có nhiều tiền lắm của nhưng nếu tâm bạn buồn chán, căng thẳng, bất an thì bạn cũng không có hạnh phúc. Biết thế, Lang dồn hết tấm lòng chăm sóc cho vườn tâm. Lang thích uống trà một mình và thực tập nuôi dưỡng ý thức rằng ‘đây là giây phút hạnh phúc’. Nếu không có hạnh phúc thì dù làm gì, đi đâu, Lang cũng sẽ buồn chán. Tóm lại, sống từng giây từng phút là quan trọng nhất của đời người.

 Lang quí thầy Vô Ngại lắm. Từ ngày xuất gia, hai anh em luôn có liên hệ tốt. Lang kính trọng sự tha thiết trong đời sống thực tập của thầy. Thầy luôn bước từng bước chân thiền hành. Dáng dấp của thầy tỏa lộ nét thong dong. Thầy lại thích ngồi thiền, lạy Phật và tụng kinh. Chỉ như vậy, thầy có đủ tư cách làm thầy cho Lang. Thầy là món qùa quí cho tu viện. Có nhiều người có tài tổ chức, thuyết giảng, làm văn phòng, viết văn, làm thơ, nhưng cái quí của người tu là sự vững chãi trong sự thực tập. Tới khi gần chết, tài năng, giảng hay, tổ chức không thể giúp được gì cho sự thông suốt nội tâm, chỉ có công phu thực tập thiết tha mới có thể cứu vớt linh hồn khỏi đọa vào nơi đen tối của nghiệp lực và vô minh.

 Thầy Vô Ngại bảo với Lang. “Sư anh ơi! Sư em thích hợp với pháp môn tịnh độ hơn thiền. Sư em cần niệm Phật A Di Đà thì mới định tâm.” Lang biểu lộ niềm vui và tán thán rằng pháp môn nào cũng mầu nhiệm cả. Niệm Phật được định tâm là quí lắm, còn hơn ngồi đó mà suy nghĩ lung tung. Lang chia sẻ tiếp.

 Mỗi người có một căn cơ khác nhau nên ta phải tìm cho được pháp môn thích hợp có hiệu quả trong sự thực tập. Quan trọng là thực tập có nội dung, chứ không nên bị kẹt vào pháp môn nào đặc biệt. Ta nên cởi mở để học hỏi. Trong lúc thực tập, ta cần có sự uyển chuyển để thích nghi với căn cơ và pháp môn hành trì.

 Lang hợp với sự thực tập an ban thủ ý do Bổn Sư trao truyền. An ban giúp Lang dễ định tâm, và nó làm cho Lang cảm thấy khỏe nhẹ. An ban đưa dưỡng khí vào thân và đưa thán khí ra ngoài. Cố nhiên an ban giúp định tâm. Tuy nhiên, định tâm không hẳn phải nhất định theo an ban. Tâm định là sự chú tâm vào một đối tượng mà đối tượng ấy có thể là một vị Phật hoặc một hình ảnh nào cũng được.

 Thông thường, đối tượng thích thú mới dễ đưa tới định. Định nghĩa là chú tâm, nhất cảnh, tập trung, tức là ngược lại với tán loạn. Nếu đối tượng không thích thú thì tâm dễ chán, vì thế nó chạy lung tung, nhất là người có đời sống phóng đãng, lăng xăng. Bởi thế, ta phải tìm ra đối tượng thích thú để kích thích định tâm. Có định tâm thì làm gì cũng vui và có ý nghĩa.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn