3. Cầu Đạo

17 Tháng Chín 201200:00(Xem: 7896)

RECHUNG
ĐỖ ĐÌNH ĐỒNG dịch
MILAREPA
CON NGƯỜI SIÊU VIỆT
Nguyên tác Tây tạng: Mila Khabum - Tác giả: Rechung
Anh dịch: Lama Kazi Dawa-Samdup
Cô đọng và phóng tác: Lozang Jivaka
Việt dịch: Đỗ Đình Đồng

III

CẦU ĐẠO

 

Chúng tôi đã chăm chú lắng nghe Milarepa kể chuyện về những phiền não và kinh nghiệm của người trong thời thơ ấu và sự lạc đường của người trong thế giới Huyền thuật. Và bây giờ chúng tôi lại nóng lòng muốn biết làm sao người đã thực hiện cuộc thay đổi quá vĩ đại như thế từ cuộc sống đầy đau buồn thù hận sang cuộc đời đạo nghiệp thâm uyên. Với cuộc đời bắt đầu như thế làm sao người có thể tránh được sự chìm sâu hơn nữa? Tất cả chúng tôi đều muốn biết những gì đã xảy ra tiếp theo, vì thế tôi hỏi: “Bạch thầy, xin thầy kể cho chúng con nghe, làm sao thầy quay về với tôn giáo và thầy bắt đầu như thế nào?” Jetsun tiếp:

 

* * *

 

Thời gian đi qua, phản ứng bước vào, lòng tôi ngập tràn hối hận vì những người đã chết và sự phá hại do tôi gây ra, tôi bắt đầu ao ước Chân Tri, Chân Tín. Cuối cùng khi sự ao ước đó trở thành một ám ảnh đến nỗi tôi không thể nghĩ đến việc gì khác được. Bất an là đặc tính nổi bật trong giai đoạn này; nếu tôi ngồi, tôi lại muốn đi quanh quẩn; nếu tôi đang đi thơ thẩn, tôi lại muốn ngồi. Tôi không thể ăn hay ngủ; nhưng dù thế nào đi nữa, tôi cũng không thể đem điều đó nói cho thầy tôi biết và như thế tôi vẫn tiếp tục hầu hạ ông, luôn luôn tìm cơ hội thuận tiện xin phép từ giã ông để sống cuộc đời tu hành.

Rồi một hôm, hoàn toàn bất ngờ, cơ hội đã đến với tôi. Vị Lạt-ma đã vắng nhà mấy ngày để thăm một người bạn cũ của ông bệnh nặng và đã chết ngay khi còn ông ta ở lại với người bạn. Khi ông trở về, chú ý sắc mặt u buồn, băn khoăn của ông, tôi đánh bạo hỏi ông có việc gì, ông đáp:

“Đời thật vô thường. Đêm qua người bạn của thầy qua đời và thầy rất buồn về việc này. Trên thế gian này biết bao tang thương! Đời thầy đã lãng phí trong việc nghiên cứu và luyện tập Huyền thuật và như thế thầy đã tạo ra sự chết chóc, nỗi đau khổ cho đời này. Và con ơi, rồi con cũng sẽ chết theo vết chân thầy, giờ đây con đã chồng chất ác nghiệp; việc này cũng gia tăng thêm nghiệp cho thầy bởi vì thầy có trách nhiệm đối với con. Ước gì bây giờ thầy có thể hiến mình học Đạo. Nếu con có thể ở lại chăm sóc con cái và học trò của thầy, thầy sẽ đi – hoặc là con hãy đi học Chân lý cho hai chúng ta, để cứu vớt thầy và cứu vớt chính con. Con còn trẻ có nhiều năng lực và kiên trì. Hãy đi đi và làm người cầu tìm chân thành.”

Không còn gì phù hợp với lòng tôi hơn, vì đó là tất cả những gì tôi muốn nghe ông nói. Vì thế tôi xin phép ông cho tôi khởi sự ngay. Hơn nữa, ông còn cho tôi thêm một con bò yak, một gói vải len để làm lễ vật. Ông cho tôi biết phải đến nơi nào. Tôi phải đến làng Nar ở trong thung lũng Tsang, đến một Lạt-ma phái Cổ Mật tông. Vị Lạt-ma này nổi tiếng về các Năng lực Thượng thừa, vì thế thầy tôi muốn gửi tôi đến đó và muốn tôi học tập chuyên cần.

Tôi đến Nar vào một ngày nọ.

Khi tôi đến, vị Lạt-ma không có ở nhà, nhưng tôi gặp bà vợ và các đệ tử của ông. Họ chỉ cho tôi chỗ ông đang ở; bất cứ ai chỉ dẫn, tôi cũng lễ tạ họ. Cuối cùng tôi đã đến chỗ ông ở. Tôi dâng con bò yak và gói vải lên vị Lạt-ma. Tôi kể cho ông nghe tôi là con người độc ác như thế nào và tôi đã từ Cao nguyên Miền tây đến đây theo lời yêu cầu của Thầy tôi để cầu Chân lý, tìm sự giải thoát cho cả hai chúng tôi ra khỏi vòng sanh tử luân hồi trong thế giới huyễn ảo này. Rồi tôi cầu xin ông chỉ dạy cho tôi.

Ông nhận lễ vật và nói: “Giáo lý của ta gọi là Giáo lý Đại Hoàn Thiện, là ba hoàn thiện và gấp đôi ba hoàn thiện, hoàn thiện ở rễ, hoàn thiện ở thân và cành, nghĩa là ở đầu, ở giữa và ở cuối. Và ‘nó ban phúc cho kẻ cho và người nhận,’ quả của nó là Tri thức Du già. Bất cứ ai thiền định chỉ trong một ngày thôi cũng được giải thoát. Về tâm cũng như về trí, đối với những người thượng căn chỉ nghe nói cũng đủ thấy giải thoát, chẳng cần thiền định gì hết. Nó dành cho những người phát triển ở độ cao nhất. Ta tặng nó cho anh.”

Rồi ông cho tôi nhập môn và dạy tôi giáo lý đó.

Trong tình trạng ác hại của tôi, lời dạy của giáo lý ấy cứ đi vào óc tôi không thể tránh được, và tôi bắt đầu suy nghĩ làm sao tôi đã mất một hay hai tuần để làm chủ những bài thần chú Huyền thuật và bây giờ tôi đã tìm được một Giáo lý giải thoát tôi chỉ qua đêm thôi, bất cứ khi nào tôi muốn ngừng lại hay suy nghĩ về nó, đúng như vị Lạt-ma đã nói, những người đầu óc mở mang cao độ chỉ cần nghe thôi cũng có thể giải thoát, đầu óc tôi bắt đầu căng phồng và tôi không cần cố gắng để thiền định hay luyện tập những gì tôi đã được dạy.

Vì thế, vài hôm sau vị Lạt-ma đến nói với tôi mấy lời thẳng thắng như vầy:

“Thopaga,” ông nói, “anh bảo anh là một người ác, có lẽ tôi cũng đã khoác lác một chút về hiệu lực giáo lý của tôi. Dù sao tôi thấy tôi không thể dạy hay chuyển hóa anh được, anh ở vượt quá năng lực của tôi. Trong thung lũng Lúa Mì có một đệ tử của bậc Đại thánh Thiên trúc Naropa ở đó. Ông ta là Dịch giả Marpa, một bậc thầy chú giải các bản kinh văn. Anh và ông ta có duyên với nhau từ mấy kiếp trước. Hãy đến với ông ấy đi!”

Bấy giờ nghe danh hiệu Marpa Dịch giả, một cảm giác rúng động lạ lùng chạy qua người tôi, và toàn thể hệ thống thần kinh của tôi dường như ở trong trạng thái rung động, và như thế tôi biết ông ta là bậc Chân Đạo sư của tôi. Vì thế, không lãng phí giây phút nào, tôi nhặt vài quyển sách, vì bây giờ đó là những vật sở hữu duy nhất của tôi, và lấy chút ít thực phẩm cho cuộc hành trình, và tôi khởi hành. Trong óc tôi một câu hỏi bừng cháy: ‘Bao giờ tôi gặp được Đạo sư của tôi?’

Sau này tôi biết rằng đêm trước khi tôi đến, Sư phụ Marpa đã thấy một giấc mộng kỳ lạ: Sư ông, Đạo sư Naropa, hiện đến và đem cho ông một cái chày kim cang (dorje) đã mờ vì bụi bám và một bình vàng đựng nước thánh, bảo ông nếu lấy nước ấy rửa sạch cái chày kim cang sẽ được một đại hảo sự cho tất cả mọi thế giới. Ông đã vâng lời Thầy làm việc đó nên chư Thiên nhân trong khắp Vũ trụ đều kính lễ. Bấy giờ, kỳ lạ hơn nữa, khi vợ ông mang bữa điểm tâm đến cho ông, thuật lại cho ông nghe bà cũng thấy một giấc mộng có ý nghĩa tương tự, rửa sạch một chiếc hộp đựng thánh tích.

Sư phụ Marpa không kể giấc mộng của ông cho vợ nghe, chỉ bảo bà rằng ông sẽ đi xuống đồng cày ruộng và bà phải sửa soạn bia cung cấp đầy đủ cho ông và vài người khách ông mong đợi. Dù vợ ông phản đối rằng một vị Lạt-ma không phải đi làm những việc của người lao động tầm thường, và mặc cho hàng xóm muốn nghĩ gì thì nghĩ, ông bắt đầu đi làm chẳng buồn cãi cọ gì về việc đó. Sau khi cày được ít đất, ông ngồi nghỉ và chờ tôi đến.

Chính khi đó tôi đang đi dọc theo một con đường, vừa đi vừa hỏi thăm. Tôi hỏi những người đi đường Dịch giả Marpa ở chỗ nào, Marpa cũng còn nổi tiếng là một Đại Hành giả Du già, nhưng dường như không ai biết. Cuối cùng tôi tìm được một người có nghe nói về Marpa, nhưng anh ta không biết đại danh vang dội của ông. Vì thế tôi hỏi thung lũng Lúa mì ở chỗ nào, anh ta chỉ hướng cho tôi, thêm rằng Marpa ở đó. Rồi tôi hỏi ngoài cái tên Marpa, ông ta không còn danh hiệu nào khác sao. Anh ta nói đôi khi người ta gọi ông ta là Lạt-ma Marpa, do đó tôi biết như thế là sắp kết thúc cuộc hành trình của mình. Tôi tiếp tục bước đi, thỉnh thoảng lại hỏi thăm đường. Nhưng chỉ hoài công.

Cuối cùng tôi gặp một thanh niên ăn mặc rất xa hoa, tươm tất, tôi tiến đến hỏi về Marpa, anh ta đáp:

“Ồ, anh muốn hỏi cha tôi, người thường bán tất cả đồ đạc trong nhà rồi biến mất sang xứ Thiên trúc một thời gian, rồi lại trở về với từng cuộn, từng cuộn giấy ấy chứ gì. Nếu đúng là ông, hôm nay anh sẽ tìm được ổng cày ruộng ngoài ruộng kìa, ổng làm cái việc từ trước tới giờ ổng chưa bao giờ làm.”

Tôi có thể tưởng tượng được phần đầu câu trả lời của người thanh niên đã xác định được Marpa Đại Dịch giả, nhưng thấy khó tin được ông ta đi cày ruộng, hơn nữa trước giờ ông ta không bao giờ làm việc đó. Nhưng tôi vẫn thẳng đường ra đồng theo hướng đã chỉ.

Ngay khi mắt tôi chạm phải một bóng người ngồi đó, tim tôi đập thình thịch và cảm thấy sự hồi hộp chạy suốt qua khắp thân tôi như lần đầu tiên nghe tên ông. Lòng tôi tràn ngập sung sướng xuất thần. Tôi hỏi đường một lần nữa. Tôi đã hỏi một cách rất cung kính chỗ ở của Marpa, môn đệ của Naropa lừng danh xứ Thiên trúc. Ông đưa mắt nhìn tôi từ đầu đến chân một lượt rồi hỏi: “Anh ở đâu đến và muốn gì?”

Tôi kể cho ông nghe những gì tôi đã kể với vị Thầy trước của tôi. Rằng tôi là một người độc ác như thế nào và từ Cao nguyên miền Tây đã nghe đại danh đại trí của Lạt-ma Marpa nên đến đây xin học Đạo và đạt Giải thoát.”

Đức Lạt-ma đáp: “Hay lắm, tôi sẽ giới thiệu anh với ông ta, nếu anh cày xong thửa ruộng cho tôi.” Rồi sau khi cho tôi tôi uống bia lấy sức, ông bỏ tôi ở lại cày ruộng với bia mà tôi đã uống hết một cách nhanh chóng.

Ông sai người con trai đến gọi tôi về nhà. Tôi thấy đức Lạt-ma ngồi trên bồ đoàn, đã tắm rửa sạch sẽ và thay đổi y phục, nhưng những vết bẩn vẫn còn trên lông mày và lỗ mũi tố cáo cho tôi biết. Cái bụng phệ của ông nhô ra phía trước hơn bao giờ hết khi ông ngồi ở đó. Tôi nhìn quanh căn phòng để xác định cho chắc ông là đức Lạt-ma đó, nhưng tôi không thấy ai nữa ngoài ông, và ông lên tiếng:

“Dĩ nhiên là anh không biết tôi. Tôi chính là Marpa đây, vậy anh có thể làm lễ được rồi.” Tôi cung kính lập tức vâng lời. Tôi quì lạy cúi đầu dưới chân ông, rồi tôi lập lại lời tự thú về những việc làm độc ác của tôi, xin ông chỉ dạy và cho chỗ ở và thức ăn để sống trong thời gian thụ giáo.

Ông hỏi về tính chất những hành động lỗi lầm của tôi nhưng không tỏ ra quan tâm đến những lỗi lầm đó. Và khi tôi tự dâng cả tâm hồn lẫn thể xác của tôi cho ông, ông tỏ vẻ bằng lòng, nhưng bảo rằng ông chỉ có thể cho tôi hoặc giáo lý hoặc chỗ ở và thức ăn chứ không thể cho cả hai được, vậy tôi chọn thứ nào?

Tôi thưa: “Bạch ngài, con đến đây với ngài là để cầu học Chân lý, còn về thức ăn và quần áo con sẽ tự tìm lấy.”

Như thế là tôi đã ổn định. Nhưng khi tôi sắp đặt mấy cuốn sách quí của tôi lên bàn thờ thì ông chận tôi lại, hiển nhiên cảm biết được sách thuộc loại Huyền thuật, ông bảo: “Hãy cất những thứ đó đi, ta không muốn những Kinh điển thiêng liêng và những Thánh tích của ta bị ô uế vì sự có mặt của chúng.” Vì thế tôi phải cất những cuốn sách đó ở căn phòng nhỏ bé tôi ở, và bà vợ của Thầy tôi bắt đầu nuôi dưỡng và săn sóc tôi rất chu đáo.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Mười 2015(Xem: 9877)
Trong một cơ duyên dịch giáo pháp của Đức Đạt Lai Lạt ma, tôi khắc ghi lời ngài rằng, nếu không có cái nhìn tổng thể, có thể đôi khi người thực hành sẽ thấy giáo pháp, những phương pháp thực hành mà đức Phật ban có nhiều điểm mâu thuẫn nhau. Thực ra tất cả giáo pháp, phương pháp thực hành của đức Thế Tôn đều mang pháp vị giải thoát. Đức Phật tuyên thuyết nhiều giáo pháp ứng hợp cho căn cơ của mỗi chúng sinh.
27 Tháng Tám 2015(Xem: 19718)
Hôm nay, 19-11-2010, tôi đã từng được yêu cầu nói về một số hiểu biết thông thường sai lạc về Phật Giáo. Và có nhiều thứ đa dạng khác nhau, với nhiều lý do khác nhau. Có một số đặc thù là văn hóa, hoặc là đối với văn hóa phương Tây, hay đối với Á châu và những nền văn hóa khác bị ảnh hưởng bởi sự suy nghĩ của phương Tây hiện đại. Có những hiểu biết sai lầm có thể đến từ những vùng văn hóa khác
27 Tháng Năm 2015(Xem: 12737)
Cuốn sách này gồm một hợp tuyển những tác phẩm của Longchen Rabjam (1308-1363) về Dzogpa Chenpo (S. mahasandhi, Việt : Đại Toàn Thiện). Những bản dịch có một giới thiệu chi tiết căn cứ chặt chẽ trên kinh điển và những giải thích truyền thống về phương diện bí truyền sâu xa nhất của Phật giáo.
01 Tháng Hai 2015(Xem: 16488)
Sự phát triển của Phật giáo Tây Tạng có những nét đặc thù mà có lẽ không nước nào khác trên thế giới có được. Vào năm 641 vua Đường Thái Tông của Trung Hoa gã công chúa Văn Thành cho vua Tây Tạng. Vị công chúa này là người thông minh, có học và là một Phật tử thuần thành.