1. Hạ Sinh Và Những Năm Thơ Ấu

17 Tháng Chín 201200:00(Xem: 8584)

RECHUNG
ĐỖ ĐÌNH ĐỒNG dịch
MILAREPA
CON NGƯỜI SIÊU VIỆT
Nguyên tác Tây tạng: Mila Khabum - Tác giả: Rechung
Anh dịch: Lama Kazi Dawa-Samdup
Cô đọng và phóng tác: Lozang Jivaka
Việt dịch: Đỗ Đình Đồng

I

 HẠ SINH VÀ NHỮNG NĂM THƠ ẤU

 

Tôi là Rechung, một trong những đệ tử của Jetsun Milarepa, hành giả Du già danh tiếng nhất xưa nay và người Thầy yêu mến của tôi. Chẳng bao lâu trước khi người viên tịch, đúng như một thị kiến tôi đã thấy trong lúc thiền định vào một chiều nọ, tôi đã xin người kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về cuộc đời của người. Việc này được những đệ tử khác ủng hộ. Tất cả đều biết chút ít, nhưng muốn nghe kể chi tiết, vì người ta có thể rút ra được nhiều bài học từ câu chuyện lịch sử cuộc đời của người. Và tôi đã chăm chú lắng nghe để viết xuống đây mỗi ngày những gì chúng tôi được nghe, để cho thế giới được phong phú thêm, do kết quả học được từ những đau khổ và vinh quang, tri thức và thành tựu của người.

Nó đã là của chung, làm sao người đã luyện tập Huyền thuật thuở thiếu thời và lúc thanh niên để trừng phạt kẻ thù, những kẻ có thể nói là thật đáng phải chịu tất cả hình phạt đó; làm sao về sau người đã bị lương tâm cắn rứt và thực sự ham muốn học Chân lý; người đã chịu đựng những đau khổ về tinh thần và thể xác trong lúc theo đuổi truy cầu Chân lý, trong khi gạt sang một bên những việc nhỏ nhặt hơn; nhưng với bao kiên gan, người đã khước từ chấp nhận chiến bại, và cuối cùng đã chiến thắng vinh quang; rồi làm sao người đã rút mình ra khỏi thế gian để ẩn tu và phát triển sự hiểu biết mà người đã đạt được một cách quá gian lao. Rồi về cuối đời, người đã hiến mình để cứu độ bao nhiêu người khác đã lắng nghe người nói. Tôi là một trong những người đó.

Chúng tôi biết rất nhiều nhưng câu chuyện còn nhiều hơn tất cả những gì chúng tôi đã biết! Với bao nhiêu tình tiết, người đã làm chúng tôi vui và với lối diễn tả phong phú người đã khiến chúng tôi rơi lệ! Chúng tôi đã vui cười biết bao nhiêu vì những chuyện vui và biến đổi. Chúng tôi đã lắng nghe biết bao nhiêu lời người nói, như sợ rằng chúng sẽ mất đi! Và tôi thật chẳng xứng đáng để ghi xuống đây những gì người đã nói -- song cũng thật là một đặc quyền vậy.

Những gì quí vị đọc nơi đây là sự thật. Câu chuyện về một người đã bắt đầu cuộc đời mình giống như bất cứ người nào trong chúng ta, nhưng đã kết thúc đời mình – ôi, thật khác biệt biết bao! Rất ít người đạt được những Năng lực Tối thượng, nhất là chiến thắng trong những cuộc kiểm soát chính cái “ta” của họ để rồi chiến thắng các đại và chúng sinh ở các cõi khác, hay hiểu được hoàn toàn chân tướng của Vũ trụ và Nhất thể của vạn vật trong Vũ trụ, vì đây là Giác ngộ. Rất ít người kiên gan đối mặt với những chướng ngại bề ngoài có vẻ như không thể vượt qua được. Rất ít người phạm trọng tội mà biết tu sửa những gì họ đã phạm phải và vươn lên để nhận những phần thưởng xứng đáng.

Milarepa đã làm điều đó. Milarepa là Sư phụ của tôi khi người còn sống bằng nhục thân và người vẫn là Sư phụ tôi mãi mãi, dù thân thể của người bây giờ chỉ là một đống tro tàn. Ôi bậc Đại Đạo sư, con xin cúi đầu đảnh lễ trước người và cầu mong câu chuyện này được ánh mắt người khích lệ! Và bây giờ kính xin người hãy cất tiếng nói cho thế giới cùng nghe!

 

* * *

 

Những năng lực huyền thuật của tôi, ắt tôi đã thừa hưởng từ tổ tiên của tôi. Vì những huyền lực đó dường như là một sở hữu của gia đình tôi. Năm thế hệ trước, một bậc tiền nhân của tôi đã tạo được cho ông một danh hiệu cho mình, theo nghĩa đen, bằng cách dùng huyền thuật đánh đuổi một con quỉ mà các nhà phù thủy khác bó tay đầu hàng. Người ta nói rằng nó bị ông đuổi vừa chạy vừa kinh hãi kêu lên: “Mila! Mila!” “Người ôi! Người ôi!” Vì chuyện này, dân chúng trong làng bắt đầu khôi hài gọi ông là Mila, và danh hiệu này bền vững đến nỗi đã được truyền từ đời cha đến đời con, gắn liền với những tên khác.

Lúc vừa sinh ra, cha tôi rất mừng khi nghe tin này, nên ông đặt tên tôi là Thopaga, có nghĩa là “Vui Nghe.” Cái tên này tỏ ra thích hợp kỳ lạ, vì tôi được phú bẩm một giọng hát tốt. Tuy nhiên tôi có hơi phỏng đoán, và phải ngược dòng thời gian trở lại với tổ tiên tôi, nhờ đó các người có thể hiểu được bản tướng hoàn cảnh sinh hoạt của gia đình tôi vào lúc cái chết quá sớm của cha tôi.

Người con trai của Phù thủy Mila là một tay đánh bạc kinh niên, đôi khi gặp may, nhưng điều đó chắc rất hiếm đối với ông. Vì toàn bộ của cải của gia đình đã biến mất trong một đêm vào tay một người chơi giỏi hơn ông. Hắn đã hốt sạch tất cả nhà cửa, đồ đạc, châu báu và ruộng đất vào túi hắn và luôn cả quyền sở hữu nữa. Trong khi ông cố tôi, một người hay sầu muộn, nếu không muốn nói là một người khôn ngoan, đã phải lang thang ngoài đường với Dorje Senge, tức cậu con trai chuyên nghề đánh bạc. Để kiếm sống qua ngày, ông đã tạo những trận mưa giả phá hoại rất nhiều hoa màu của dân chúng, làm những bùa chú cho trẻ con, và xua tà đuổi quỉ ở bất cứ nơi nào chúng đến quấy nhiễu dân làng.

Tuy nhiên, Dorje Senge là một người có khuynh hướng thực tiễn. Ông bắt đầu buôn bán lông cừu. Vì thế trong một khoảng thời gian ngắn, ông đã xoay xở đủ để đền bù lại những gì đã mất và tái lập cho mình thành một điền chủ có nhà cửa, có nông trại để truyền lại cho những người thừa kế mà tôi là người cuối cùng. Ngôi nhà ông xây cho mình là một ngôi nhà nguy nga tráng lệ, bốn trụ tám cột với danh hiệu là ngôi nhà “Bốn Tám” mà người ta biết đến từ đó.

Sự giàu sang của ông cứ phát triển một cách vững vàng và của cải của ông đã hấp dẫn một số người bà con nghèo khó, họ đã bỏ phần đất quê hương của họ đến cư ngụ bên cạnh ông trong tỉnh Kyang Tsa, với số của cải ít oi và con cái của họ -- sự việc xảy ra không gây một ảnh hưởng nhỏ nào đến đời sống chúng tôi, đến biến cố vĩ đại đã biến hạnh phúc gia đình chúng tôi thành cảnh bi đát.

Cha tôi Mila Sharab Gyalten, mẹ tôi Karmo Kyen hay là Vòng Hoa Trắng, và bà sinh tôi vào ngày 25 tháng 8 năm con Rồng Nước Đực (năm 1055 theo D.L.). Bốn năm sau bà lại tặng tôi bé gái Gonkyt, cái tên rất khó phát âm đối với một chú bé con như tôi, chúng tôi đều gọi nó bằng cái tên thân mật Peta.

Vào những ngày đó chúng tôi hạnh phúc biết bao khi tôi và Peta chạy nhảy vui đùa trong nhà hay ngoài đồng ruộng, trang sức bằng châu ngọc và được săn sóc chu đáo, mặc quần áo đẹp, ăn uống phủ phê, sung sướng tràn trề một cách vô tư nào biết những gì sắp xảy đến. Và những người láng giềng ganh tị với chúng tôi biết bao. Bất cứ khi nào họ đến nhà chúng tôi, họ đều nói với giọng thì thầm kính sợ, ngắm nhìn những đồ đạc trong nhà bằng cặp mắt kinh ngạc kính phục. Và bất cứ khi nào gặp mặt cha mẹ tôi, họ đều cúi đầu thật thấp bái chào một cách cung kính. Và tôi cũng được hứa hôn với một cô bé gái tên là Zesay, nhưng trong những ngày đó tôi không quan tâm đến chuyện này, tôi thích Peta và những trò chơi của tôi hơn.

Khi Peta ba tuổi và tôi bảy tuổi thì cha tôi bị bệnh và sau một thời gian ngắn, người đã qua đời. Người đã ủy thác gia đình cho hai người bà con nghèo khó chăm sóc. Đó là chú và thím tôi. Họ cùng nhau nắm giữ tài sản và làm việc theo lời ủy thác cho đến khi chúng tôi trưởng thành để có thể gánh vác công việc. Lúc bệnh – sự thực cha tôi là một người dũng mãnh và được mọi người kính trọng, hầu hết họ là những tá điền của cha tôi, ông đã cho gọi tất cả những tá điền và những người bà con đến bên giường bệnh, vì thế họ có thể nghe và làm nhân chứng cho lời di chúc của cha tôi trước khi ông qua đời. Họ còn được biết những gì cha tôi đã hoạch định cho vợ con; dường như ông muốn có sự bảo vệ chắc chắn để ngăn ngừa những điều bất trắc có thể xảy ra của những người bà con gần gũi, những người mà dường như ông không hoàn toàn tin cậy.

Ôi, ông đã không nhầm tí nào, sự việc hóa ra đúng như vậy! Vào hôm đám táng cử hành, khi thi hài của ông không còn nữa, tất cả những người láng giềng đã cùng nhau tụ họp trong vườn nhà tôi. Một vài người anh em họ xa gợi ý với mẹ tôi cách thức đổi tài sản để lấy sự giúp đỡ khi nào bà cần. Nhưng chú thím tôi đã lập tức xen vào, chứng tỏ rằng họ là những người bảo trợ duy nhất còn lại vì họ là những người bà con gần gũi nhất, vì thế họ nhất định sử dụng tài sản theo ý họ, không cần ai khuyên bảo. Dĩ nhiên họ sẽ săn sóc góa phụ mấy đứa bé mồ côi.

Hỡi ôi là lời tuyên bố quá lố! Họ nào săn sóc gì chúng tôi. Peta và tôi sớm lang thang rách rưới, đói khát. Mùa hè bị chú bắt làm việc ngoài đồng, mùa đông bị thím bắt làm việc trong nhà. Họ nào ngó ngàng gì đến những chỗ phồng da hay những nơi đau nhức trên thân thể chúng tôi, cũng không bao giờ bắt chí hay rận, những con vật sinh sôi nảy nở rất nhanh và rất nhiều trên thân thể nhơ nhớp vì không được tắm rửa… và những quần áo rách nát không được giặt dũ của chúng tôi. Một vài người hàng xóm thương hại chúng tôi và họ đã rơi nước mắt trước cảnh ngộ hiện thời của chúng tôi. Nhưng những kẻ khác, những kẻ nịnh hót, bợ đỡ chú thím tôi, những người bây giờ là những người giàu sang may mắn, nói khác đi, là những người chủ có ruộng đất cho thuê. Sự thực, người ta có thể thấy họ mặc quần áo, mang đồ trang sức của cha mẹ tôi, vì họ đã chia nhau mỗi người một phần sản nghiệp của tôi, không kể gì đến lời khiếu nại của mẹ tôi. Vì thế, bây giờ họ có thể tỏ ra vui vẻ trong hoàn cảnh mới của đời họ mà đối với nó, họ đã tự nâng cao mình lên. Hơn nữa, những kẻ nịnh hót bắt đầu chỉ trích mẹ tôi, người mà trước kia họ rất kính trọng và bây giờ họ gọi bà là người đàn bà yếu đuối, vô dụng; một người đàn bà có thể làm nội trợ được là nhờ có người chồng khỏe mạnh và thành công giúp đỡ.

Cha mẹ của Zesay ở trong số những người tử tế. Họ thương hại cho hoàn cảnh khốn cùng của chúng tôi. Thỉnh thoảng họ cho chúng tôi – những đứa trẻ thơ – vài món nhu cầu cần thiết để sống, và họ đã ghi vào tâm khảm chúng tôi “bài học đời” đầu tiên phải dạy cho mọi người; của cải thì vô thường và dễ tan như sương trên ngọn cỏ, bây giờ thì còn đây nhưng giờ kế sẽ ra đi. Và rồi họ an ủi tôi bằng cách quyết đoán rằng tôi cũng giống như ông cố tôi, ngày nào đó tôi sẽ giàu sang trở lại.

Trong tám năm dài, mẹ tôi chịu đựng sự bép xép, mỉa mai bóng gió của những người hàng xóm. Nhưng cuối cùng, khi tôi được mười lăm tuổi, mẹ tôi cố gắng phản kháng. Bà có một thửa ruộng riêng, hàng năm mang lại cho bà một lợi tức nhỏ, và thửa ruộng này do người em trai của bà, một người đồng tình bí mật. Nhưng rồi chúng ta sẽ thấy, người em trai của bà không có can đảm và tự tin. Năm nay, mẹ tôi quyết định dùng tất cả lợi tức của mùa gặt đem lại, làm tiệc mời tất cả những người trong làng cũng như những người bà con thân thuộc; và nhân danh tôi, đòi hỏi quyền thừa kế sản nghiệp cho tôi. Vì mục đích này, tôi và Peta cố gắng hết sức làm việc, chà xát và lau chùi, sửa soạn đồ ăn thức uống, mượn những dụng cụ và đồ đạc trang trí trong nhà những người bạn của chúng tôi. Khi ngày trọng đại này đến, những người khách được mời đã tụ hội, giữa đám thực khách đó, cặp vợ chồng đã làm những hành động lỗi lầm kia được ưu đãi bằng những món ăn ngon nhất. Khi mọi người ăn và bia rót tự do, mẹ tôi đứng lên bước đến giữa đám đông, tay cầm tờ di chúc phất lên và bảo người em trai đọc lớn lên cho mọi người cùng nghe để làm sống lại ký ức họ có liên quan đến nội dung tờ di chúc. Sau đó, mẹ tôi khéo léo cảm ơn chú thím tôi vì họ đã giữ gìn những đồ vật tài sản chu đáo. Và rồi đến điểm quan trọng nhất, mẹ tôi yêu cầu rằng tôi, con trai bà, giờ đây đã gần đến tuổi trưởng thành, đã đến lúc quyền thừa kế phải giao lại cho tôi đảm đương và sự bảo trợ đã hết kỳ hạn.

Chúng tôi nhìn thấy khuôn mặt những kẻ ngược đãi chúng tôi kích động, vì giận dữ, những người mà, mặc dù bình thường họ không bao giờ đồng ý bất cứ việc gì, giờ đây họ tỏ ra đoàn kết để đánh đổ lời tuyên bố của mẹ tôi và coi đó như lời nói vô lý không có giá trị gì, nếu không muốn nói đó là một lời đề nghị phi lý. Họ còn ám chỉ rằng nhà cửa ruộng đất thật sự vĩnh viễn thuộc về họ, và rằng tất cả những thứ đó là cha chúng tôi đã mượn của họ. Tôi không hiểu nổi ai có thể tin được một lời tuyên bố xấc láo như thế. Họ còn nói thêm mấy câu đơn giản để cảm tạ những người trước đây đã được họ cứu cho khỏi chết đói, và họ đã thẳng tay tát vào mặt mẹ tôi mấy cái thật mạnh cuối cùng để hậu thuẫn cho những lời họ nói. Trong khi đó, Peta và tôi được bình yên. Việc này thật quá đau đớn cho mẹ tôi, khiến bà bật khóc điên cuồng rồi ngã quị xuống nền nhà. Người em trai mẹ tôi đứng dậy, nhưng không dám can thiệp, nghĩa là ông sợ phải gây thù chuốc oán với những đứa con trai to khỏe của kẻ thù. Những người hàng xóm có hảo cảm với chúng tôi bu quanh để cứu mẹ tôi tỉnh lại. Nhưng thím tôi vẫn chưa thôi, ra đến ngõ, bà quay lại cất tiếng chửi mắng:

“Này chúng mày đòi của mà chúng mày có thể đãi tiệc lớn như thế này này,” bà thét be be, “Tụi tao không thể đãi tiệc nổi! Đồ thứ mồ côi! Hừ! Đừng tưởng chúng mày sẽ lấy được của tụi tao đồng xu nào, chúng mày làm gì nào! Đánh đập hay nguyền rủa; tụi tao cũng chả cần! Chúc chúng mày một ngày tốt đẹp!” Và hai người bước đi với tất cả những tên nịnh bợ, bỏ lại chúng tôi với số đông bạn bè.

Những người này chẳng bao lâu tìm được những lời khuyên trong những gì còn sót lại của rượu bia, và sau khi đã cạn những bình rượu lớn, họ đề nghị phát động một cuộc quyên tiền cho tôi đi học. Một người chú khác muốn đem mẹ tôi và Peta về nhà ông và bù lại mẹ và em tôi phải làm việc ngoài đồng cho ông. Nhưng mẹ tôi vẫn giữ được chút kiêu hãnh còn lại, người thích ở trên thửa đất riêng của mình, trong khi bà chấp nhận cuộc quyên tiền cho tôi đi học. Nhưng rồi sau một thời gian, cuôc lạc quyên đề nghị đó cũng tự nhiên chểnh mảng dần cho đến khi bị lãng quên hoàn toàn.

Vì thế, chẳng bao lâu sau cái ngày đáng nhớ đó, tôi đã khăn gói đường hoàng lên đưòng đến một vị thầy dạy tư, một Lạt-ma có chút ít danh tiếng, trong khi mẹ và Peta tiếp tục làm việc để sống, được sự giúp đỡ bằng nhiều cách của người chú tốt bụng và gia đình ông, nhờ đó Mẹ va Peta cũng không phải đi ăn xin. Zesay thường được cha mẹ cô ta cho phép đến thăm tôi, và cô ta thường mang cho tôi những món quà nho nhỏ. Áo quần của chúng tôi vẫn rách rưới; thức ăn của chúng tôi vẫn đơn sơ, đạm bạc, vì thế trong tôi một niềm thù hận to lớn tăng dần đối với những kẻ đã gây nên những đau khổ bất công cho chúng tôi.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Mười 2015(Xem: 9887)
Trong một cơ duyên dịch giáo pháp của Đức Đạt Lai Lạt ma, tôi khắc ghi lời ngài rằng, nếu không có cái nhìn tổng thể, có thể đôi khi người thực hành sẽ thấy giáo pháp, những phương pháp thực hành mà đức Phật ban có nhiều điểm mâu thuẫn nhau. Thực ra tất cả giáo pháp, phương pháp thực hành của đức Thế Tôn đều mang pháp vị giải thoát. Đức Phật tuyên thuyết nhiều giáo pháp ứng hợp cho căn cơ của mỗi chúng sinh.
27 Tháng Tám 2015(Xem: 19739)
Hôm nay, 19-11-2010, tôi đã từng được yêu cầu nói về một số hiểu biết thông thường sai lạc về Phật Giáo. Và có nhiều thứ đa dạng khác nhau, với nhiều lý do khác nhau. Có một số đặc thù là văn hóa, hoặc là đối với văn hóa phương Tây, hay đối với Á châu và những nền văn hóa khác bị ảnh hưởng bởi sự suy nghĩ của phương Tây hiện đại. Có những hiểu biết sai lầm có thể đến từ những vùng văn hóa khác
27 Tháng Năm 2015(Xem: 12744)
Cuốn sách này gồm một hợp tuyển những tác phẩm của Longchen Rabjam (1308-1363) về Dzogpa Chenpo (S. mahasandhi, Việt : Đại Toàn Thiện). Những bản dịch có một giới thiệu chi tiết căn cứ chặt chẽ trên kinh điển và những giải thích truyền thống về phương diện bí truyền sâu xa nhất của Phật giáo.
01 Tháng Hai 2015(Xem: 16503)
Sự phát triển của Phật giáo Tây Tạng có những nét đặc thù mà có lẽ không nước nào khác trên thế giới có được. Vào năm 641 vua Đường Thái Tông của Trung Hoa gã công chúa Văn Thành cho vua Tây Tạng. Vị công chúa này là người thông minh, có học và là một Phật tử thuần thành.