Chương 5: Thành Tựu Định

12 Tháng Chín 201200:00(Xem: 8319)

Tsongkhapa
ĐẠI LUẬN VỀ
GIAI TRÌNH CỦA ĐẠO GIÁC NGỘ
Tập 3
(Bồ-đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận – Quyển Hạ)
Nhóm Dịch Thuật Lamrim Lotsawas
༄༅༎ བྱང་ཆུབ་ལམ་རིམ་ཆེན་མོ་། །།ཀ།།
རྗེ་ཙོང་ཁ་པ་བློ་བཟང་གྲགས་པ༎

Chương 5: Thành Tựu Định

((2") Những giai đoạn trong đó các trạng thái tinh thần phát triển

(a)) Những giai đoạn thực tế trong đó các trạng thái tinh thần phát triển

(b)) Tiến trình thành tựu chúng với sáu áp lực

(c)) Làm cách nào bốn chú tâm liên can đến việc này

(c’) Ước lượng về sự nuôi dưỡng thành công của định

(1’) Một trình bày về việc phân chia đường biên giữa việc hoàn tất và chưa hoàn tất định từ thiền

(a") Một trình bày về ý nghĩa thực thụ

(b") Các dấu hiệu liên quan đến sự chú tâm và giải trừ các lo ngại

 

–––––––\––––––

 

(2") Những giai đoạn trong đó các trạng thái tinh thần phát triển

Phần này có 3 mục:

  1. Những giai đoạn thực tế trong đó các trạng thái tinh thần phát triển
  2. Tiến trình thành tựu chúng với sáu áp lực
  3. Làm cách nào bốn chú tâm liên can đến việc này

 

(a)) Những giai đoạn thực tế trong đó các trạng thái tinh thần phát triển

Có chín trạng thái tinh thần:

  1. Phối trí tinh thần: [530] Điều này dẫn tới việc rút hoàn toàn sự chú tâm của quý vị khỏi tất cả các đối tượng bên ngoài và hướng nó vào bên trong lên đối tượng thiền. Di-lặc khẳng định trong Đại Thừa Kinh Trang Nghiêm Luận[1]: “Sau khi ngươi đã hướng sự chú tâm của mình đối tượng thiền …”
  2. Phối trí liên tục: Sự chú tâm của quý vị ban đầu được hướng tới đối tượng thiền không tản mác nơi khác, chỉ liên tục đặt lên đối tượng thiền. Đại Thừa Kinh Trang Nghiêm Luận dạy: “Sự liên tục của nó thì không bị phân tán”
  3. Phối trí đắp vá: Nếu sự chú tâm của quý vị bị kéo lạc khỏi toàn tâm và bị phân tán ra ngoài, quý vị nhận biết điều này và lại chỉnh sửa nó trở lại đối tượng thiền. Đại Thừa Kinh Trang Nghiêm Luận dạy: Lập tức nhìn ra sự phân tán, đắp vá nó trở lại”.
  4. Phối trí đóng: Phần thứ nhất trong Giai Trình Thiền của Liên Hoa Giới chú giải rằng với trạng thái tinh thần trước, quý vị nhận thấy sự phân tán và loại trừ nó; với trạng thái tinh thần này quý vị đã loại bỏ xong sự phân tán và bằng nỗ lực đặt sự chú tâm của mình lên đối tượng thiền[2]. Ngài Bảo Sinh Tịnh có khẳng định trong Bát-nhã Ba-la-mật-đa Luận rằng sự chú tâm của quý vị, vốn bởi bản năng có xu hướng mở rộng, được thu rút và tinh chỉnh lặp đi lặp lại, xác lập nên khả năng bền vững hơn nữa[3]. Điều này tương ứng với mệnh đề [trong Đại Thừa Kinh Trang Nghiêm Luận]: “Kẻ khôn ngoan thu rút sự chú tâm của mình vào bên trong các mức độ cao hơn trước”. Thanh Văn Địa của Vô Trước giải thích rằng trước tiên toàn tâm được áp dụng và sự chú tâm của quý vị không tản lạc ra ngoài[4]. Khi áp lực của toàn tâm phát triển, sự quên lửng không tạo nên sự phân tán ra ngoài.
  5. Thuần hóa: Qua việc quán chiếu lên các ưu thế của sự tập trung tinh thần, quý vị tạo hoan hỷ trong sự tập trung. Đại Thừa Kinh Trang Nghiêm Luận dạy: “Sau đó, vì quý vị thấy được các ưu thế, tâm mình được thuần hóa trong sự tập trung tinh thần”. Thanh Văn Địa giải thích rằng nếu tâm quý vị bị phân tán bởi các biểu tướng về điều nào đó trong năm đối tượng thụ cảm về sắc, thanh và v.v..., của tam độc [tham, sân và si], hay của một nam giới hay nữ giới, thì quý vị hãy xem mười biểu tướng này như là các bất lợi từ ban đầu và đừng để chúng phân tâm quý vị.
  6. Bình lặng: Với việc chú trọng sự phân tán như là một sai sót, quý vị chế ngự điều không ưa chuộng để thiền. Đại Thừa Kinh Trang Nghiêm Luận dạy: “Vì ngươi thấy được các sai sót của sự phân tán, ngươi chế ngự điều không ưa thích để thiền [531] Thanh Văn Địa khẳng định rằng nếu sự chú tâm của quý vị bị quấy nhiễu bởi các ý tưởng như là việc lo lắng về các đối tượng xúc cảm và về các phiền não thứ cấp chẳng hạn như các trở ngại dính dáng đến sự thu hút vào các giác quan, thì từ đầu quý vị hãy xem các điều này như là sự bất lợi, đừng cho phép sự chú tâm của quý vị bị lôi cuốn vào các ý tưởng của mình và vào các phiền não thứ cấp.
  7. Bình lặng hoàn toàn: Điều này dẫn đến sự bình lặng vi tế khỏi sự xuất hiện của tham chấp, u uất, thờ ơ, buồn ngủ, v.v... Đại Thừa Kinh Trang Nghiêm Luận dạy: “Ngay khi tham chấp, u uất, v.v... phát khởi, thì chúng bị bình lặng xuống”. Thanh Văn Địa giảng rằng nếu các ý tưởng và các phiền não thứ cấp đề cập trên khởi hiện như là kết quả của việc lãng quên, quý vị đừng thuận theo tất cả các sự trình hiện đó mà hày loại trừ chúng.
  8. Nhất tâm: Điều này đưa đến việc dụng công tinh tấn sao cho quý vị tiến hành lên đối tượng thiền không mất công sức. Đại Thừa Kinh Trang Nghiêm Luận ghi: “Sau đó hành giả được trang bị bằng việc kiềm chế và tinh tấn, áp dụng các phương thuốc trị những ngăn trở của tâm mình và dĩ nhiên thành tựu trạng thái thứ chín của tinh thần". Điều này được hiểu bởi khẳng định trong Thanh Văn Địa: “Qua phương tiện dụng công ngươi không còn chướng ngại và vì ngươi liên tục xác lập một dòng chuyển lưu của sự tập trung, ngươi tạo được một kinh mạch duy nhất". Thuật ngữ khác mô tả trạng thái tinh thần thứ chín là “khai thông kinh mạch đơn nhất” mà ý nghĩa thật dễ hiểu.
  9. Phối trí cân bằng: Theo Giai Trình Thiền của Liên Hoa Giới, đây là sự bình lặng xảy ra khi tâm trở nên cân bằng; Bát-nhã Ba-la-mật-đa Luận của ngài Bảo Sinh Tịnh nói rằng đây là sự chú tâm tự nhiên, tự phát và là sự thành tựu độc lập như là kết quả của việc thành thạo khai thông kinh mạch[5]. Đại Thừa Kinh Trang Nghiêm Luận khẳng định: “Không có sự dụng công do việc thành thạo với điều đó”. Thanh Văn Địa nói rằng tâm quý vị được “tập trung” và ý nghĩa của điều này được nêu rõ trong cùng bản luận[6]:

 

Như là hệ quả của hạnh nguyện, tinh thông và thực hành thường xuyên, ngươi đạt tới lộ trình của sự tập trung tự động và cả tự nhiên. [532] Không cần dụng công và với sự tự động, tâm ngươi nhập vào dòng tập trung mà không bị phân tán. Theo cách này, tâm được tập trung.

 

Các tên của chín trạng thái tương ứng với các dòng chữ trên được Liên Hoa Giới mô tả trong phần thứ nhất “Giai Trình Thiền[7]: “Đạo pháp định từ thiền được giải thích trong các kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa và v.v... …”

 

(b)) Tiến trình đạt tới chúng bằng sáu ứng lực

Có 6 ứng lực là lực của việc nghe, lực của sự quán chiếu, lực của sự toàn tâm, lực của sự tỉnh thức, lực của sự tinh tấn và lực của sự thuần thục thông suốt. Phương tiện về việc thành tựu các trạng thái tinh thần bằng các ứng lực này như sau:

1. Bằng ứng lực của việc nghe, quý vị hoàn tất sự thiết trí tinh thần; Lý do của điều này là vì: dựa vào các chỉ dẫn mà quý vị đã chỉ nghe được từ ai khác về việc tập trung lên đối tượng thiền, ban đầu quý vị chỉ cố định sự chú tâm của mình lên đối tượng. Nhưng điều này không thuộc về trường hợp mà sự thành thạo được dựa trên quán chiếu của chính quý vị một cách lập đi lập lại.

2. Bằng ứng lực của quán chiếu, quý vị hoàn tất trạng thái tinh thần của sự phối trí liên tục; lý do là vì, nó như là một hậu quả của sự tu tập về việc quán chiếu lập đi lặp lại về sự liên tục của sự cố định ban đầu trong việc chú tâm đến đối tượng thiền, nhằm cho quý vị lần đầu tiên thành tựu được khả năng duy trì sự liên tục nhỏ.

3. Bằng ứng lực của chánh niệm, quý vị hoàn tất được các trạng thái tinh thần của phối trí đắp vá và phối trí đóng; là vì, trong trường hợp phối trí đắp vá, khi sự chú tâm của quý vị bị phân tán ra khỏi đối tượng thiền, thì trạng thái toàn tâm của quý vị với đối tượng thiền trước đó và sự chú tâm của quý vị sẽ kéo về trở lại; và trong trường hợp phối trí đóng thì quý vị khởi tạo một năng lực toàn tâm từ đầu và điều này ngăn chặn chú tâm của quý vị không bị phân tán ra khỏi đối tượng thiền.

4. Bằng ứng lực của tỉnh thức, quý vị hoàn tất các trạng thái tinh thần của phối trí thuần hóa và phối trí bình lặng; là vì, với tỉnh thức quý vị nhận biết các sai sót đang được phát tán ra theo các ý tưởng và biểu tướng của các phiền não thứ cấp và bởi việc chú trọng chúng là các sai sót, nên quý vị không để việc phát tán theo hai điều này xảy ra.

5. Bằng ứng lực của tinh tấn, quý vị hoàn tất các trạng thái tinh thần bình lặng hoàn toàn và nhất tâm; là vì, bằng nỗ lực xóa sạch ngay cả các tư tưởng vi tế và các phiền não thứ cấp, quý vị không còn chịu ảnh hưởng bởi chúng; và do làm thế nên hôn trầm, trạo cử và v.v... không thể gây trở ngại đến sự tập trung của quý vị và quý vị thành tựu sự tập trung liên tục.

6. Bằng ứng lực của tinh thông, quý vị hoàn tất được trạng thái phối trí cân bằng; là vì, bằng ứng lực của sự quen thuộc rất nhiều với các điều kể trên, quý vị phát triển một sự tập trung bất dụng công và tự nhiên.

Những điều này tương ưng hoàn toàn với ý nghĩa chủ định mà ngài Vô Trước đề cập trong Thanh Văn Địa; vậy nên, dù có các giải thích khác, cũng đừng tin cậy vào chúng.

Sự thành tựu của trạng thái tinh thần thứ chín có thể được hiểu trong một nội dung tương tự: trong trường hợp những ai đặc biệt quen thuộc với việc đọc tụng kinh văn và v.v..., khi động lực ban đầu của việc đọc tụng phát khởi và họ bắt đầu, mặc dù tâm họ đôi khi phân tán đâu đó, thì sự đọc tụng vẫn tiếp tục không phải dụng công, mà không hề bị ngắt đoạn. Tương tự vậy, một khi tâm được ổn định với chánh niệm cố định lên đối tượng thiền, ngay cả khi quý vị không liên tục nuôi dưỡng toàn tâm và tỉnh thức, thì sự tập trung của quý vị vẫn có khả năng giữ liên tục trong các chu kỳ dài mà không bị ngắt đoạn bởi việc phân tán. Vì không cần thiết đến nỗ lực để duy trì dòng liên tục toàn tâm và tỉnh thức, nên điều này được gọi là bất dụng công hay không nỗ lực.

Để khởi tác điều đó, trong một pha {giai đoạn ngắn} sớm hơn của tu tập, quý vị nuôi dưỡng một cách mãnh liệt và liên tục toàn tâm và tỉnh thức. Trong suốt thời gian của pha đó, thật sự cần thiết để tạo được một sự tập trung mà có thể duy trì suốt trong những buổi thiền dài, mà không bị quấy rối bởi các chướng ngại như là hôn trầm và trạo cử. Đây chính là trạng thái tinh thần thứ tám. Trạng thái này và trạng thái thứ chín tương tự nhau ở chỗ chúng không thể bị ngăn trở bởi các yếu tố như là hôn trầm và trạo cử vốn không tương hợp với sự tập trung. Tuy nhiên, trong trạng thái thứ tám này, quý vị phải nuôi dưỡng toàn tâm và tỉnh thức không gián đoạn, nên nó có liên hệ đến sự dụng công hay nỗ lực. [534] Để phát khởi được điều này, quý vị phải ngưng ngay cả các hôn trầm và trạo cử vi tế v.v... ngay khi chúng xảy ra mà không thuận theo chúng; cho nên trạng thái thứ bảy là cần thiết.

Để cho điều này [trạng thái thứ bảy] phát khởi, quý vị phải nhận biết các sự phân tán của các ý tưởng và các phiền não thứ cấp là một bất lợi và quý vị phải có sự tỉnh thức mãnh liệt để giám sát sự chú tâm của mình khiến tâm không bị phân tán vào chúng. Nên trạng thái thứ sáu và thứ năm là cần thiết vì thành tựu của hai trạng thái này đươc thành tựu bằng sự tăng cường của tỉnh thức.

Hơn thế nữa, để các trạng thái như vậy [trạng thái thứ năm và thứ sáu] khởi hoạt quý vị phải có toàn tâm thật nhanh chóng nhớ lại đối tượng thiền khi quý vị đang bị phân tán khỏi nó và sự toàn tâm ngăn chặn sự phân tán khỏi đối tượng thiền ngay từ mới bắt đầu. Nên các trạng thái tinh thần thứ ba và thứ tư là cần thiết vì quý vị thành tựu hai trạng thái này bằng hai loại toàn tâm đó.

Để điều này [trạng thái thứ ba và thứ tư] khởi hoạt, trước hết sự chú tâm của quý vị phải hoàn toàn đặt cố định lên đối tượng thiền và quý vị phải có một sự liên tục không phân tán của sự cố định này. Nên hai trạng thái tinh thần đầu tiên phát khởi trước các trạng thái khác.

Do đó, tóm lại, trước tiên hãy tuân theo các giáo huấn cá nhân mà quý vị đã nghe dạy và áp dụng phương cách đúng đắn để đặt sự chú tâm của mình theo một kiểu cách cân bằng. Sau đó quán chiếu lập đi lặp lại phương cách đặt sự chú tâm của quý vị và khi quý vị có thể đem đến sự liên tục chút ít, hãy bảo dưỡng một dòng liên tục của sự chú tâm này. Sau đó nếu chánh niệm của quý vị suy giảm và trở nên phân tán, hãy mau chóng kéo sự chú tâm của mình về và trở nên toàn tâm một cách nhanh chóng về đối tượng thiền đã quý vị đã quên lửng đối tượng thiền. Sau đó phát khởi sự toàn tâm mãnh liệt và mang đến ứng lực của chánh niệm ngăn chặn sự phân tán khỏi đối tượng thiền từ lúc bắt đầu. Qua việc thành tựu toàn tâm mạnh mẽ và việc thấy được các sai sót của hôn trầm, trạo cử, v.v..., vốn làm phân tán sự chú tâm khỏi đối tượng thiền, hãy phát triển tỉnh thức mãnh liệt để giám sát việc chú tâm của quý vị. Sau đó khi bị bị phân tâm bởi sự quên lửng vi tế, quý vị hãy nhận biết ngay lập tức và ngưng nó liền; và khi xóa bỏ nó, hãy phát khởi năng lực của sư nỗ lực để kéo dài dòng lưu chuyển của sự chú tâm bất khả gián phân bởi các ngăn trở. Một khi điều đó phát khởi, quý vị làm chủ được sự thành thục qua việc thiền có dụng công và thành tựu trạng thái tinh thần thứ chín, trong đó sự tập trung của quý vị trở nên bất dụng công. [535] Do đó, trước khi các thiền giả thành tựu được trạng thái tinh thần thứ chín, thì họ phải dụng công để áp tâm mình vào sự tập trung; nhưng khi thành tựu trạng thái tinh thần thứ chín, ngay cả khi họ không chi dụng công sức cho mục tiêu về việc lắng tâm vào trong sự cân bằng thiền, thì tâm thức họ cũng tự động trở nên tập trung.

Ngay cả trong trường hợp trạng thái tinh thần thứ chín được thành tựu, nếu sự nhu hoạt không thành tựu, thì – như sẽ được giải thích sau này[8] ngay cả nếu quý vị chưa được xác định [sự nhu hoạt] như là thành tựu định từ thiền, sẽ không khó khăn để xác định là thành tựu tuệ giác. Dầu sao, có những người khẳng định rằng khi thành tựu sự tập trung như thế cùng với sự hỷ lạc, thấu rõ và nhận biết không rời rạc, thì quý vị cũng đem đến một trí huệ siêu việt không rời rạc vốn hợp nhất với trạng thái cân bằng thiền và trạng thái sau khi cân bằng. Hơn nữa, như sẽ được bàn thảo sau, có rất nhiều người thật sự mơ hồ về trạng thái tinh thần thứ chín được miêu tả trong Thanh Văn Địa của ngài Vô Trước về tột bậc của giai trình về sự hoàn thiện trong Mật Điển Du-già Tối Thượng.

 

(c)) Cách điều này liên hệ đến bốn sự chú tâm

Thanh Văn Địa khẳng định[9]:

 

Với chín trạng thái tinh thần này, thì hãy biết rằng có bốn loại chú tâm: (1) tập trung căng chặt (2) tập trung phân gián[10], (3) tập trung không phân gián và (4) tập trung tự động. Bây giờ trong hai trạng thái tinh thần đầu tiên là phối trí tinh thần và phối trí tinh thần đúng [tức là phối trí liên tục], có dạng chú tâm về sự tập trung căng chặt. Trong năm trạng thái tinh thần kế bao gồm các phối trí thu hồi [tức là phối trí đắp vá], đóng, thuần hóa, bình lặng, bình lặng hoàn toàn, có dạng của chú tâm về sự tập trung phân gián. Trong trạng thái tinh thần thứ tám là phối trí kinh mạch đơn nhất [tức là phối trí nhất tâm], có dạng của sự chú tâm về tập trung không phân gián. Trong trạng thái tinh thần thứ chín về nhận biết tập trung [tức là phối trí cân bằng], có dạng của sự chú tâm về tập trung bất dụng công [hay tự động].

 

Trong suốt hai trạng thái tinh thần đầu, sự chú tâm phải rất căng chặt, nên đây là tập trung căng chặt. Sau đó trong các pha của năm trạng thái tinh thần kế, có sự can gián của hôn trầm và trạo cử và quý vị không thể lưu giữ các buổi thiền lâu dài; nên đây là loại tập trung phân gián. [536] Sau đó vì trong trạng thái tinh thần thứ tám, quý vị có khả năng bảo trì các buổi thiền lâu dài không bị quấy nhiễu bởi hôn trầm và trạo cử, đó là tập trung không phân gián. Sau đó vì trong trạng thái tinh thần thứ chín, không có sự ngắt đoạn và không cần nỗ lực liên tục, quý vị áp dụng sự chú tâm của tập trung bất dụng công.

 

Vấn: Ở trường hợp này: trong thời gian của hai trạng thái tinh thần đầu, có sự tập trung phân gián và trong thời gian của năm trạng thái tinh thần giữa {kế} có sự cần thiết của tập trung căng chặt; vậy tại sao người ta không nói đến sự chú tâm của tập trung phân gián cho hai trạng thái đầu này và cũng không đề cập đến sự chú tâm của tập trung căng chặt cho năm trạng thái tinh thần trung gian?

 

Đáp: Trong hai trạng thái tinh thần đầu, có đôi khi tâm quý vị tập trung và đôi khi mất tập trung, nhưng chúng chiếm khoảng thời gian lâu dài hơn so với trạng thái kế đó một cách đáng kể; trong khi khoảng thời gian giữ tập trung của năm trạng thái trung gian lâu hơn nhiều, vậy nên sự định danh về “phân gián của sự tập trung” được dùng cho [năm] trạng thái sau và không dành cho [hai] trạng thái trước. Do vậy, mặc dù hai lớp trạng thái tinh thần đó là tương tự trong khuôn khổ sự hiện diện của tập trung căng chặt, nhưng chúng khác nhau trong khuôn khổ về sự hiện diện và vắng mặt của sự tập trung phân gián; nên năm trạng thái tinh thần là không được bao gồm trong sự chú tâm về tập trung căng chặt

 

Do vậy, sau khi đã tự xác lập các tiền đề được giải thích trước đây[11] quý vị thành tựu định nếu quý vị nuôi dưỡng tinh tấn liên tục cho việc hoàn tất sự tập trung. Nhưng nếu sau khi quý vị thực hành điều này chỉ vài lần rồi bỏ tu tập thì quý vị sẽ không hoàn tất định. Do đó Thánh Dũng khẳng định trong Ba-la-mật-đa Tập Luận[12]:

 

Thường hằng thiền tập

Nỗ lực hoàn tất, ổn định từ thiền

Nếu ngươi chùn lỏng, giảm hạ nhiệt tình

Lửa không bùng cháy bởi từ cọ sát.
Cũng thế đừng ngưng

Nỗ lực tinh tấn phương tiện du-già

Đến khi đạt được trạng thái biệt diệu.

 

(c’) Ước lượng về sự nuôi dưỡng thành công của định

Ở đây có ba phần:

1. Trình bày về đường phân chia giữa việc hoàn tất và không hoàn tất định từ thiền.

2. Trình bày chung về cách xúc tiến theo đạo pháp trên cơ sở định từ thiền [537] (Chương 6)

3. Trình bày đặt biệt về cách thức xúc tiến theo đạo pháp thế tục (Chương 6)

 

(1’) Trình bày về đường phân chia giữa việc hoàn tất và không hoàn tất định từ thiền

Phần này có hai phân mục: (1) Trình bày về ý nghĩa thực chất và (2) đánh dấu mối liên hệ đến sự chú tâm và xóa tan các nghi vấn.

 

(a") Trình bày về ý nghĩa thật sự

Vấn: Một khi đã hiểu biết một cách đúng đắn các ý nghĩa của việc nuôi dưỡng tập trung như đã giảng giải trước đây[13] và sau đó duy trì chúng qua thiền, thì chín trạng thái tinh thần sẽ khởi sinh theo dãy thứ tự; và trong trạng thái thứ chín một người có thể thiền trong các buổi lâu dài không bị hôn trầm và trạo cử vi tế. Giả sử sau đó người đó đã thành tựu một sự tập trung đạt đến mức tự động mà không dùng đến nỗ lực để nuôi dưỡng liên tục sự toàn tâm và tỉnh thức, như thế người đó đã thành tựu định từ thiền hay chưa?

 

Đáp: Tôi sẽ giải thích. Trong thành tựu về sự tập trung này có người đạt và có người không đạt được nhu hoạt. Nên nếu nhu hoạt không đạt tới, thì đây sẽ là sự tiếp cận định từ thiền nhưng không là chánh định. Do đó, nó được gọi là sự chú tâm tiếp cận định từ thiền. Điều này được khẳng định rõ ràng trong Kinh Giải Thâm Mật[14]:

 

Bạch Thế Tôn, khi các Bồ-tát định hướng sự chú tâm của mình vào bên trong và tập trung vào tâm mình, thì sự chú tâm này gọi là gì, khi mà sự nhu hoạt về thể chất và về tinh thần chưa thành tựu?

Này Di-lặc, điều này không là định từ thiền. Ngươi nên nói rằng nó liên quan đến nguyện ước tiếp cận định từ thiền.

 

Đại Thừa Kinh Trang Nghiêm Luận của ngài Di-lặc cũng dạy[15]:

 

Quả của sự tinh thông

Là không cần dụng công

Thành tựu nhu hoạt lớn

Của cả thân lẫn tâm,

Chú tâm ngươi đã có.

 

Trong trường hợp này, sự chú tâm là định từ thiền, như sẽ được giải thích dưới đây trong một trích dẫn từ Thanh Văn Địa của Vô Trước[16].

Xa hơn nữa, Liên Hoa Giới khẳng định trong phần thứ nhì Giai Trình Thiền là quý vị phải thành tựu cả sự nhu hoạt lẫn sự tự do bình ổn lên đối tượng thiền[17]:

 

Với các ngươi, những ai đã nuôi dưỡng định từ thiền theo phương pháp này, khi thân và tâm ngươi trở nên nhu hoạt và ngươi đã làm chủ được tâm mình trong việc định hướng nó tùy nghi, thời điểm đó, hãy biết là ngươi đã thành tựu định từ thiền. [538]

 

Do đó, Liên Hoa Giới khẳng định trong phần đầu của Giai Trình Thiền[18]:

 

Khi sự chú tâm được tập trung lên đối tượng thiền có thể lâu tùy ý ngươi mà không cần dùng tới các phương thuốc trị, thì hãy biết rằng ngươi đã có thiền định Ba-la-mật-đa.

 

Phần thứ hai Giai Trình Thiền cho thấy rõ ràng rằng trích dẫn trên cũng ám chỉ sự hiện diện của nhu hoạt.

Xa hơn nữa, sự bình lặng trong số tám phương thuốc trị, được giải thích ở Trung Biên Phân Biệt Luận, đều có cùng ý chỉ trạng thái tinh thần thứ chín được nói đến ở đây. Tác phẩm khẳng định rằng một mình [trạng thái định] thôi thì không đủ và quý vị cũng cần nhu hoạt. Bát-nhã Ba-la-mật-đa Luận của Bảo Sinh Tịnh khẳng định rõ ràng[19]:

 

Các Bồ-tát cư trú đơn độc nơi thanh vắng, định hướng sự chú tâm của mình vào đối tượng dự định. Tự thoát mình khỏi chuyện trò tinh thần, thường xuyên định hướng sự chú tâm của mình vào hình ảnh tinh thần. Cho đến khi nào sự nhu hoạt tinh thần và thể chất chưa khởi sinh, thì đây là sự chú tâm tiếp cận trạng thái định; nhưng khi chúng khởi hoạt thì đó là định.

 

Tất cả những trích dẫn này cũng xác lập ý nghĩa của kinh Giải Thâm Mật[20].

 

Vấn: Thế thì, các cấp độ nào trong chín mức[21] [thiền] phù hợp với sự tập trung mà trong đó nhu hoạt chưa phát khởi?

 

Đáp: Sự tập trung tinh thần này được bao gồm trong mức độ dục giới. Đây là vì nó được bao gồm từ một trong chín mức của tam giới[22] và nó không là sự truy cập ở tại hay ở trên mức an định {bình ổn} từ thiền đầu tiên. Để thành tựu sự truy cập này, chắc chắn phải cần đến thành tựu về định. Mặc dù có sự tập trung như thế mà không đi kèm nhu hoạt trong cấp độ của dục giớinhưng nó lại là một sự tập trung ở mức thiếu sự cân bằng thiền. Lý do tại sao nó không hiện diện như một cấp độ cân bằng là vì nó không hoàn tất và thiếu sám hối, vui sướng và hỷ lạc tối thượng, và thiếu sự nhu hoạt. Điều này được nêu trong Du-già Sư Địa Luận[23]:

 

Tại sao riêng sự tập trung này được gọi là mức độ của cân bằng thiền, trong khi sự nhất tâm của dục giới lại không phải? [539] Đây là lý do: sự tập trung này được hoàn tất thiếu vắng đặc tính sám hối, vui sướng tối cao, nhu hoạt và hỷ lạc. Sự tập trung vốn hoạt động trong dục giới thì không giống như sự tập trung vốn không hoạt động ở đó, nhưng đó không phải là trong dục giới không có sự tập trung lên một hiện tượng đúng.

 

Do đó, không đạt được nhu hoạt, thì ngay cả khi toàn tâm không duy trì liên tục, tâm quý vị vẫn có thể trở nên không bị rời rạc một cách tự động và quý vị có thể hợp nhất điều này với tất cả các hoạt động như đi, đứng, nằm, ngồi. Sự tiếp cận tập trung này gọi là sự nhất tâm của dục giới, nhưng hãy hiểu là nó không thích hợp để được trình bày như là chánh định từ thiền.

 

Vấn: Thế thì, ý nghĩa của thành tựu nhu hoạt là gì và khi đạt được, làm thế nào nó dẫn đến định?

 

Đáp: Nhu hoạt được hiểu theo giải thích của Vô Trước trong Vi Diệu Pháp Tập Luận[24] như sau:

 

Nhu hoạt là gì? Nó là trạng thái hoạt dụng của thân và tâm do sự chấm dứt dòng liên tục các chức năng tinh thần và thể chất sai lạc và nó có nhiệm vụ loại bỏ tất cả các chướng ngại.

 

Các chức năng tinh thần và thể chất sai lạc là sự không thích ứng của tâm và thân quý vị cho việc vận dụng để nuôi dưỡng thiện đức mong muốn. Các phương thuốc trị liệu của chúng, là nhu hoạt về tinh thần và thể chất, dẫn đến sự hoạt dụng to tát trong khuôn khổ của việc sử dụng thân và tâm vào các hành vi thiện đức, vì quý vị thoát khỏi các chức năng sai lạc của cả thân lẫn tâm.

Hơn thế nữa, chức năng sai lạc thể chất, bao gồm trong lớp của các phiền não, gây rối lên niềm hứng thú trong việc loại trừ các phiền não của quý vị. Khi quý vị cố gắng giải trừ các phiền não của mình, thân quý vị trở nên bất khả dụng trong ý nghĩa về sự nặng nề và v.v... Một khi thoát khỏi điều này, thân quý vị trở nên nhẹ nhàng và thanh thoát; đây là một thân khả dụng. Tương tự, chức năng sai lạc tinh thần, bao gồm trong lớp của các phiền não, gây trở ngại cho niềm hứng thú trong việc loại trừ các phiền não của quý vị. [540] Khi quý vị cố gắng loại trừ các phiền não, quý vị không thể trải nghiệm hỷ lạc qua việc tập trung lên một đối tượng thiện đức. Một khi thoát khỏi điều này, thì tâm quý vị tập trung lên đối tượng thiền mà không có sự kháng cự nào: đây là một tâm khả dụng. Do vậy, đại sư Sthiramati[25] khẳng định [trong Tam Thập Kệ Chú][26]:

 

Sự khả dụng của thân là điều mà từ đó sự nhẹ nhàng và thanh thoát phát khởi trong các hành vi thể chất của ngươi. Sự khả dụng của tâm là nguyên do của sự hỷ lạc và nhẹ nhàng của tâm trong việc tiến hành sự chú tâm tuyệt hảo [chánh định]. Nếu ngươi được phú cho phẩm chất chuyển hóa này khởi lên từ tâm mình, thì ngươi tập trung lên đối tượng thiền không bị trở ngại. Do đó, điều này được gọi là sự khả dụng của tâm.

 

Tóm lại, do sự bất khả dụng của thân và tâm, ngay cả khi quý vị muốn nỗ lực dẹp trừ các phiền não, quý vị làm thế một cách gay go và với sự không vừa ý, như là một người không có khả năng tiến hành công việc. Khi nhu hoạt thành tựu, thiên hướng này ngưng và thân và tâm quý vị trở nên rất dễ hoạt dụng. Một sự hoạt dụng như thế về thân và tâm phát khởi với mức độ nhỏ từ lúc quý vị bắt đầu nuôi dưỡng tập trung. Điều này dần dần tăng cho đến khi cuối cùng nó chuyển sang nhu hoạt và định lực nhất tâm từ thiền. Ban đầu điều này khó nhận biết vì tính tinh tế của nó, nhưng sau đó nó trở nên dễ dàng nhận ra. Trong Thanh Văn Địa, Vô Trước có dạy[27]:

 

Ngay từ đầu khi ngươi bắt đầu sự rèn luyện đúng đắn, sự xuất hiện của nhu hoạt và hoạt dụng về tinh thần và thể chất rất tinh tế và khó thấy rõ.

 

[28]:

 

Khi nhất tâm và nhu hoạt về tinh thần và thể chất tăng cường, theo kiểu của một phản ứng dây chuyền, chúng dẫn tới một sự nhất tâm và nhu hoạt về tinh thần và thể chất rõ ràng và dễ nhận thức thấy.

 

Dấu hiệu về sự xuất hiện của sự nhu hoạt tuyệt hảo và dễ nhận thấy là: [541] những ai nỗ lực nuôi dưỡng sự tập trung trải nghiệm qua một cảm giác về sự nặng và tê của bộ não, nhưng nó không phải là sự nặng nề không dễ chịu[29]. Ngay khi điều này xảy ra, họ thoát khỏi chức năng sai lạc tinh thần vốn ngăn trở sự hứng thú của họ trong việc trừ bỏ các phiền não và tính năng khả dụng và nhu hoạt về tinh thần vốn là thuốc trị chức năng sai lạc, phát khởi trong lần đầu tiên. Thanh Văn Địa khẳng định[30]:

 

Điềm báo trước gần sắp xảy ra của sự nhất tâm dễ nhận ra và rõ ràng và sự nhu hoạt về tinh thần và thể chất là một cảm giác về đầu óc trở nên nặng nề, nhưng đây không phải là một tính năng có hại. Ngay khi điều này xảy đến, ngươi dẹp tan chức năng sai sót về tinh thần vốn thuộc vào các loại phiền não và chức năng đó ngăn trở sự khoái cảm của ngươi trong việc giải trừ các phiền não; và sự khả dụng và nhu hoạt về tinh thần vốn là thuốc trị chức năng sai sót này phát khởi.

 

Sau đó, do năng lực của việc phát khởi nhu hoạt làm cho tâm quý vị khả dụng, thì một dòng năng lượng vốn tạo ra nhu hoạt về thể chất chảy qua thân quý vị. Một khi nguồn năng lượng này chảy lan tỏa xuyên suốt các phần của thân quý vị, thì người thoát khỏi chức năng sai lạc về thể chất và sự nhu hoạt thể chất vốn là liều thuốc trị chức năng sai lạc thể chất phát khởi. Một khi điều này bão hòa toàn thân, thì sẽ có một trải nghiệm như là được phủ ngập toàn thân với sức mạnh của nguồn năng lượng khả dụng. Thanh Văn Địa khẳng định[31]:

 

Do [sự nhu hoạt] của nó xảy ra, khí lực[32] – bao gồm trong các thành tố vĩ đại[33] – vốn có ích cho việc phát khởi của sự nhu hoạt thể chất lan truyền qua thân. Khi nó lan truyền, ngươi thoát khỏi chức năng sai lạc vốn thuộc về lớp của các phiền não và vốn ngăn trở niềm khoái cảm trong việc loại trừ các phiền não; và sự nhu hoạt về thể chất, phương thuốc chữa cho phiền não này, bão hòa toàn bộ thân thể, tạo cảm xúc dường như thể ngươi phủ đầy bởi nguồn năng lượng này.

 

Bấy giờ, nhu hoạt thể chất là một cảm xúc rất hỷ lạc trong thân, không phải là một tiến trình tinh thần. [542] Như đại sư Thường Tín dạy qua việc tụng kinh[34]:

 

Nếu một cảm giác về thể chất riêng biệt được phân định bởi hỷ lạc, hãy nhận thức đây là nhu hoạt về thể chất. Nếu tâm ngươi được hỷ lạc, thì thân ngươi trở nên nhu hoạt.

 

Do vậy, khi nhu hoạt về thể chất bắt đầu xảy đến, do năng lực của dòng năng lượng sẽ có phát khởi một cảm xúc to tát về sự thiện toàn trong thân quý vị, và từ cơ sở này cũng phát khởi trong tâm quý vị một kinh nghiệm hầu như khác thường về sự hỷ lạc đó. Sau đó, ứng lực của sự xuất hiện về nhu hoạt khởi đầu này dần dần giảm thiểu, nhưng đây không phải là sự nhu hoạt trở nên kiệt quệ. Đúng hơn, sự nhu hoạt này ở dạng thô và khích động quá mức lên tâm quý vị; cho nên với việc biến mất của nó, thì có xảy đến một nhu hoạt, mong manh như một bóng mát, vốn tương hợp với sự tập trung kiên định. Một khi hỷ lạc mãnh liệt của tâm tiêu biến, thì tâm quý vị bình ổn một cách vững chắc lên đối tượng thiền, và quý vị thành tựu được định từ thiền, thoát khỏi nhiễu loạn gây ra bởi đại hỷ lạc. Thanh Văn Địa có dạy[35]:

 

Khi điều này vừa khởi sinh lần đầu, ngươi trải nghiệm một sự hỷ lạc, một cảm xúc đại hỷ lạc, sự tập trung vào hỷ lạc vô thượng và sự hỷ lạc hiển nhiên. Theo đó, ứng lực của nhu hoạt vốn khởi lên lần đầu từ từ trở nên rất tinh tế, và thân ngươi nhận được sự nhu hoạt tựa bóng mát. Ngươi xóa bỏ hỷ lạc, tâm ngươi trở nên bình ổn cùng với trạng thái định từ thiền, và ngươi tập trung lên đối tượng thiền bằng định lực hiếm có.

 

Một khi điều này xảy ra, “Ngươi được xem là có sự chú tâm[36]”, quý vị thành tựu được định và quý vị thuộc về hàng “những bậc đã thành tựu sự chú tâm” [543] Vì, qua việc thành tựu định, vốn được bao gồm trong sự truy cập đến sự bình ổn cấp đầu tiên, quý vị thành tựu được loại yếu nhất về định tâm trong cấp độ của cân bằng thiền[37]. Điều này tương ứng với mệnh đề sau trong Thanh Văn Địa[38]:

 

Sau đó, thiền-giả-mới nhận được sự định tâm và được liệt vào hàng những người được gọi là “chú tâm”. Tại sao vậy? Vì người này đã thành tựu được loại chú tâm yếu nhất trong cấp độ của cân bằng thiền mà được trải nghiệm lần đầu tiên trong sắc giới. Do đó người này được gọi là “có chú tâm”.

 

Cấp độ của cân bằng thiền là một đồng nghĩa của cấp độ thuộc hai giới cao hơn [sắc giới và vô sắc giới].

 

(b") Các dấu hiệu liên quan đến sự chú tâm và giải trừ các lo ngại

Đây là các dấu hiệu và biểu hiện được biết từ chính quý vị và những người khác như là “tiêu chuẩn cho việc thành tựu sự chú tâm”. Quý vị, người đạt thành tựu cho sự chú tâm như vậy sẽ có các dấu hiệu:

1. Sự thành tựu chút ít của bốn điều: tâm quý vị thuộc vào cấp độ của sắc [giới], nhu hoạt về thể chất, nhu hoạt về tinh thần, và nhất tâm.

2. Khả năng thanh lọc các phiền não hoặc qua đạo pháp mang các khía cạnh về tính bình thản và tính thô, hoặc qua đạo pháp mang các khía cạnh về các Đế.

3. Một khi tâm quý vị được xác lập nội tại, cân bằng thiền và nhu hoạt về thể chất và tinh thần khởi lên rất nhanh chóng.

4. Hầu hết năm chướng ngại[39], như là tham muốn thụ cảm, không xảy ra.

5. Khi phát khởi cân bằng thiền, quý vị vẫn có mức độ nào đó về nhu hoạt tinh thần và thể chất.

Do đó, Thanh Văn Địa dạy[40]:

 

Đây là các dấu hiệu của một thiền-giả-mới nhận được sự chú tâm[thay thế tất cả “chú tâm” “Attention” thành định lực?]: Ngươi thành tựu một mức độ nhỏ của một tâm thức có trải nghiệm về sắc giới, nhu hoạt thể chất, nhu hoạt tinh thần và một mức nhỏ về nhất tâm. Ngươi có cơ may và khả năng để tu tập lên các đối tượng thiền thanh lọc được các phiền não. Dòng tâm thức ngươi đã trở nên phẳng dịu và ngươi được bao bọc bởi định từ thiền.

 

[41]: [544]

 

Khi tâm ngươi hướng nội, ổn định và tập trung một cách toàn hảo, thì nhu hoạt về tinh thần và thể chất xảy ra vô cùng nhanh chóng; ngươi không bị phiền não bởi chức năng sai lạc của thể chất, và hầu hết các chướng ngại không còn hoạt động.

 

[42]:

 

Ngay cả khi ngươi phát khởi thiền và chao động, thì ngươi vẫn có một mức độ nào đó về nhu hoạt thể chất và tinh thần. Hãy nhận ra rằng các trải nghiệm như thế là các tính năng được thuần khiết hóa và là các biểu hiện của việc thành đạt chú tâm.

.

 

Sau khi quý vị đã thành tựu sự chú tâm có mang các đặc tính như thế, thì thật dễ dàng cho lộ trình về định có thể được thanh tịnh hoàn toàn như sau: Sau khi thành tựu sự cân bằng qua định từ thiền, trong đó tâm quý vị ở một điểm, thì quý vị có thể nhanh chóng tạo ra nhu hoạt về tinh thần và thể chất, nên nhu hoạt tăng cường. Tương ứng với sự tăng trưởng của nhu hoạt, định lực nhất tâm tăng trưởng, chúng nâng cao lẫn nhau. Thanh Văn Địa viết[43]:

 

Khi nhu hoạt về tinh thần và thể chất tăng, thì sự nhất tâm vào đối tượng thiền cũng tăng; và khi sự nhất tâm của ngươi tăng, thì nhu hoạt về tinh thần và thể chất tăng theo. Hai hiện tượng này – nhất tâm và nhu hoạt – nương tựa vào nhau và phụ thuộc lẫn nhau.

 

Tóm lại, khi tâm quý vị khả dụng, thì dòng năng lượng và tâm tập trung như là một, do đó năng lượng trở nên khả dụng. Vào thời điểm đó, một sự nhu hoạt thể chất lạ thường xuất hiện và khi điều này xảy ra, sự tập trung hiếm có phát khởi trong tâm quý vị. Điều này, đến lược nó, đem tới một nguồn năng lượng khả dụng siêu việt. Do vậy, tiến trình về nhu hoạt tinh thần và thể chất được giải thích như trên. [545]

 

Sự giải trừ các lo ngại là như sau.

 

Vấn: Một cách tương ứng, có người nói về trạng thái tinh thần thứ chín không rời rạc rằng, ngay cả khi thiếu nỗ lực liên tục về toàn tâm và tỉnh thức, thì tâm quý vị vẫn trở nên tập trung. Hơn thế nữa, quý vị được phú cho một mức thấu rõ cao độ ngăn chặn được ngay cả hôn trầm vi tế. Và như trình bày trước đây về nhu hoạt thể chất[44], có một sự tập trung mang lại tính hoàn thiện nổi bật trong thân và tâm quý vị do năng lực của nguồn năng lượng khả dụng. Như được giải thích trong phần trên về các dấu hiệu liên hệ đến sự chú tâm[45], hầu hết sẽ không có sự hoạt động của phiền não thứ cấp về sự tham muốn thụ cảm và v.v...; và ngay cả khi quý vị phát khởi cân bằng thiền, quý vị sẽ có phẩm chất không bị tách rời với nhu hoạt. Trong khuôn khổ năm lộ trình, điều này xảy ra lúc nào?[46]

 

Đáp: Trong quá khứ cũng như hiện tại đã có rất nhiều người khẳng định rằng khi sự tập trung như thế phát khởi, thì nói chung, điều đó thuộc đạo pháp Đại thừa. Đặc biệt, họ khẳng định điều này như là một sự quán chiếu trong đó các đặc tính về giai trình hoàn tất của Mật thừa du-già tối thượng là hoàn hảo. Họ rút ra kết luận này với sự lưu ý đến việc xuất hiện của một trải nghiệm to tát về hỷ lạc của thân và tâm, dựa trên cảm xúc tựa như là toàn thân hành giả tràn ngập bởi sự ngây ngất do nguồn năng lượng tương ứng với việc phát khởi của nhu hoạt, cũng như là các thuộc tính về sự thấy biết không rời rạc và sự thấu rõ to tát. Tuy nhiên, khi điều này được phân tích trên cơ sở của các kinh luận cổ điển của tôn giả Di-lặc, của thánh giả Vô Trước và v.v... và từ các kinh luận quyền năng, như là Trung Quán Tông Giai Trình Thiền[47] đã nêu rõ giai trình về sự tập trung, thì không thể nào xếp kiểu tập trung này vào ngay cả trong đạo pháp Tiểu thừa, chứ đừng nói đến Đại thừa. Vì Thanh Văn Địa khẳng định rằng ngay cả các lộ trình tu tập thế tục, khi nhìn vào các khía cạnh về sự bình lặng và mức thô lậu cho việc hoàn tất mức bình ổn thật sự đầu tiên, thì đều được hoàn thành trên cơ sở của sự tập trung này. [546] Do đó, các thiện tri thức không thuộc Phật giáo, nghĩa là những ai theo các đạo pháp thế tục, tự mình thoát khỏi tham chấp để đạt mức Vô Sở Hữu Xứ[48] và các mức thấp hơn, phải tiếp tục ở các lộ trình tu tập cao hơn trên cơ sở của sự tập trung này. Vậy nên đây là một sự tập trung phổ dụng cho cả các Phật tử và người ngoài đạo.

Xa hơn nữa, nếu sự tập trung này thấm nhuần quan điểm thấy biết một cách chính xác về vô ngã và thấm nhuần thái độ về sự kiên quyết được giải thoát, vốn xác quyết về các sai sót của toàn bộ luân hồi một cách đúng đắn, chán chường cảnh luân hồi, và siêng năng tinh tấn nỗ lực đạt giải thoát, thì nó [sự tập trung] sẽ chuyển thành lộ trình giải thoát. Nếu nó thấm nhuần tâm Bồ-đề tôn quý, thì nó sẽ chuyển thành đạo pháp Đại thừa. Thí dụ, nếu thực hiện bố thí chỉ một mẩu thức ăn cho một con thú và trì giữ một loại giới luật được thấm nhuần với các thái độ này, thì chúng sẽ chuyển thành sự tích lũy công đức cho lộ trình tu tập giải thoát và toàn giác một cách tương ứng. Mặc dù thế, trong trường hợp câu hỏi này, thì quý vị không thẩm tra xem liệu nó có trở thành lộ trình giải thoát và toàn giác hay không trong khuôn khổ nếu nó được thấm nhuần với các lộ trình tu tập khác; mà đúng hơn là, quý vị tìm hiểu xem lộ trình tu tập nào mà nó sẽ trở thành chính tự bản chất của sự tập trung.

Mặc dù có sự không nhất quán giữa các phương pháp của các Phật tử Trung Quán và Duy Thức về việc xác lập đối tượng của quan điểm về tuệ giác, nhưng nói chung vẫn không có sự khác nhau trong các nhận diện của họ về định và tuệ hay trong cách thức họ phát triển tri kiến về những điều này trong các dòng tâm thức của họ. Do đó, thánh giả Vô Trước khẳng định trong Bồ-tát Địa, Quyết Định Yếu Luận, Vi Diệu Pháp Tập LuậnThanh Văn Địa rằng trong khuôn khổ tu tập cá nhân về định và tuệ, khi định được hoàn tất, thì nó được hoàn tất thông qua các giai trình của chín trạng thái tinh thần. Hơn nữa, vì điều này được trình bày một cách tỉ mỉ trong Thanh Văn Địa, chín trạng thái tập trung này không được khẳng định như là các phương tiện của việc hoàn tất tuệ giác – trong các giáo pháp đó, tuệ giác được giảng giải riêng biệt với chín trạng thái tinh thần, và phương tiện để hoàn tất nó [tuệ giác] cũng được giải thích tách biệt trong Thanh Văn Địa của Vô Trước.

Tương tự, các bản luận của tác phẩm Trung Quán Giai Trình Thiền Bát-nhã Ba-la-mật-đa Luận của Bảo Sinh Tịnh cũng bàn thảo lộ trình tu tập định bao gồm chín trạng thái tinh thần và đạo pháp tuệ giác một cách riêng biệt. [547] Cũng không có sự nhất quán này giữa các mệnh đề trong các giáo pháp của Di-lặc và các luận giải của Vô Trước, vậy nên tất cả các vị tiên phong đều có cùng một ý về việc này.

 

Vấn: Mặc dù hỷ lạc và thấu rõ có mặt trong sự tập trung đã được giảng giải trong Thanh Văn Địa, thì nó chỉ là định vì thiếu sự thấy biết thâm sâu không rời rạc. Nhưng nếu sự thấy biết không rời rạc hiện diện, thì nó trở thành sự tập trung lên tính Không?

 

Đáp: Qua “sự tập trung lên tính Không”, phải chăng quý vị nói đến việc truy cứu ý nghĩa có tính “thâm sâu” trong thuật ngữ “sự thấy biết thâm sâu không rời rạc” bằng cách sử dụng trí huệ quán chiếu của quý vị để thiết lập điều này một cách xác định về lý thuyết và sau đó [hướng sự] tập trung lên điều này không rời rạc? Hay ý quý vị chỉ là việc đặt sự thấy biết không rời rạc và không phân tích bất kỳ điều gì? Trong trường hợp đầu, tôi cũng khẳng định sự tu tập như thế là sự tập trung lên tính Không. Nếu quý vị quả quyết tương tự, thì có một sự khác biệt giữa những ai có hiểu biết và những ai không có hiểu biết đến quan điểm về cách sự vật hiện hữu. Những cá nhân có quan điểm này và duy trì một sự thấy biết không rời rạc lên việc xếp đặt quan điểm này đang thực hành sự tập trung thâm sâu lên tính Không. Việc thiền của những ai thiếu một hiểu biết về quan điểm này và thiền bằng cách không suy nghĩ về bất kỳ điều chi thì không phải là thiền thâm sâu lên tính Không. Thật là có giá trị để xác nhận sự khác nhau này. Đừng tuyên thuyết là tất cả các loại thiền trong đó quý vị không suy nghĩ về bất kỳ điều gì là bình ổn thiền không đối tượng, là thiền không có biểu hiệu {thiền vô tướng hay thiền phi tướng (tib. མཚན་མ་མེད་པའི་ཏིང་ངེ་འཛིན)} hay là loại thiền lên tính Không {thiền Không tính (tib. སྟོང་པ་ཉིད་ཀྱི་ཏིང་ངེ་འཛིན)}.

 

Vấn: Bất kể là liệu ngài có hay không quan điểm hiểu biết về tính Không, phải chăng tất cả các dạng thiền trong đó tâm ngài được [hướng] tập trung lên việc không suy nghĩ về bất kỳ điều gì và không phân tích bất kỳ điều gì đều là sự tập trung lên tính Không?

 

Đáp: Trong trường hợp đó, quý vị cũng buộc phải khẳng định rằng ngay cả các sự tập trung theo cách thức định từ thiền, đã được đề cập đến trong các đoạn trước từ Thanh Văn Địa[49] của Vô Trước, đều là các sự tập trung lên tính Không. Vì trong đó, cũng thế, khi đã được đặt vào sự tập trung – ngoại trừ một ít dịp nhằm giám sát và v.v... khi sức mạnh của toàn tâm và tỉnh thức suy giảm – thì quý vị duy trì thiền mà không có một tí ý tưởng rời rạc nào về “đây là cái này” hay “đây không là cái này”. [548] Do đó, kinh Giải Thâm Mật dạy rằng những sự tập trung để thành tựu định chú trọng đến một hình ảnh mà không có ý tưởng rời rạc.[50]

Xa hơn nữa, trong khuôn khổ của định và tuệ, Thanh Văn Địa của Vô Trước định nghĩa định theo cách này[51]:

 

Vào thời điểm này, điều này [sự tập trung] chú trọng đến một hình ảnh mà không có ý tưởng rời rạc và nó đặc biệt [hướng sự] tập trung chánh niệm một cách nhất tâm lên đối tượng. Nó không kiểm soát, không phân loại, mà cũng không truy cứu, không cân nhắc, không phân tích đối tượng.

 

Và trong cùng một bản luận khẳng định[52]:

 

Khi ngươi thành tựu định tâm theo cách này, các biểu hiệu, các tư tưởng, hay các phiền não thứ cấp có thể xuất hiện, biểu lộ, hay trở thành đối tượng, vì sự quên lửng hay sai sót về việc thiếu quen thuộc. Lập tức đừng để rơi vào sự ảnh hưởng của các sai sót mà ngươi vừa quan sát thấy; không gợi nhớ đến chúng mà cũng đừng chú ý đến chúng. Bằng cách này, vì ngươi không trở nên chánh niệm với đối tượng này và cũng không chú trọng đến nó, nên nó tan biến; và khi nó bị loại trừ, ngươi sẽ được ổn định mà không có sự xuất hiện của các trở ngại này.

 

Điều này được khẳng định trong một đoạn nói riêng về tu tập định từ thiền. Trong các đoạn đề cập đến tu tập định, các giáo pháp quyền năng chỉ nói về thiền được tập trung không có hành động phân tích. Nên, đối với những người thông thạo, luận điểm cho rằng tất cả loại thiền không có bất kỳ ý tưởng rời rạc nào tạo thành tu tập về thiền lên tính Không là đáng cười. Đặc biệt sự trích dẫn này của Vô Trước trong Thanh Văn Địa cũng bác bỏ một cách hoàn hảo khẳng định cho rằng tất cả các ám chỉ đến thiền mà không có toàn tâm hay sự chú tâm đều là thiền lên tính Không.

Hơn thế nữa, phần thứ nhất Giai Trình Thiền của Liên Hoa Giới dạy[53] [549]

 

Bản chất của định không gì khác hơn là một sự nhất tâm. Đây là đặc tính chung của tất cả các dạng định từ thiền.

 

Bát-nhã Ba-la-mật-đa Luận của Bảo Sinh Tịnh cũng khẳng định[54]: “Tập trung đến tâm thức vốn đang nhận thức nhiều thứ, hãy loại trừ đàm luận tinh thần và nuôi dưỡng định”. Đàm luận tinh thần là ý tưởng rời rạc, “Đây là cái này”. Hơn nữa sau khi trích dẫn nhiều kinh điển và giáo pháp trong các phần trước của các nhà tiên phong vĩ đại, bao gồm thảo luận trong Bảo Vân Kinh[55] nói về định như là nhất tâm, tôi đã giải thích rất nhiều lần là định đòi hỏi không có bất kỳ ý tưởng rời rạc nào.

Do đó, tồn tại một sự thấy biết không rời rạc vốn là thiền lên tính Không cũng như là tồn tại một sự thấy biết không rời rạc vốn thiếu vắng ngay cả một nhận thức nhỏ nhất về tính Không. Cho nên không được xem mọi sự xuất hiện của hỷ lạc, thấu rõ, và thấy biết không rời rạc đều như là thiền lên tính Không. Các dẫn giải này chỉ phơi bày một phần về chủ đề này; nên hãy nỗ lực chuyên cần và tìm hiểu các cách thức về việc hoàn tất định và tuệ như đã được giải thích bởi Di-lặc, Vô Trước và v.v... Nếu quý vị không làm như vậy, thì quý vị sẽ phạm sai lầm trong các sự tập trung chắc chắn vốn không rời rạc – ngay cả không đạt tới định – để đạt tuệ giác cắt bỏ gốc rễ của luân hồi. Và rồi sau khi quý vị đã kiêu ngạo giữ điều này làm một sự thấy biết mà không có một đối tượng thật sự tồn tại, khi thời gian trôi đi quý vị sẽ tự lừa dối mình và người khác một cách chắc chắn. Các giáo pháp của các học giả và nhà thiện xảo khẳng định rằng khi quý vị mới tu tập định, quý vị hoàn toàn hướng sự chú tâm của mình một cách không rời rạc trong thiền định; và khi quý vị tu tập tuệ giác lần đầu, quý vị thiền qua sự phân tích với trí tuệ quán chiếu. Một khi quý vị cho rằng tất cả tư tưởng đều hàm chứa sự bám chấp vào sự hiện hữu thật sự và loại bỏ nó hoàn toàn, thì sự hiểu biết của quý vị đang bị chuyển hướng xa khỏi các giáo pháp quyền năng, và quý vị không đạt đến được một quan điểm không sai sót về vô ngã. Tuy nhiên, quan niệm không có ý tưởng cấu thành việc thiền lên đối tượng sâu sắc của tuệ giác đơn giản chỉ là hệ thống không pha trộn của đại sư Trung Hoa Ha-shang. Hãy xem kỹ ba phần Giai Trình Thiền của Liên Hoa Giới, và quý vị sẽ hiểu ra. [550]



[1] BA157 Điều này và trích dẫn tiếp theo là từ MSA: 14.11-14; P5521:10.5.3-5

[2] BA158 BAk1, Tucci 1986: 207; P5310: 25.4.4-5

[3] BA159 Prajñāpāramitopadeśa, P5579: 246.4.4-5

[4]BA160 Điều này và các trích dẫn tiếp theo từ Śbh , P5537:100.3.8-100.5.5.

[5]BA161 Prajñāpāramitopadeśa , P5579: 246.4.7.

[6]BA162 Śbh, Wayman 1978: 450 n. 127; D4036: Dzi 133a7-bl.

[7] BA163 Bk1, Tucci 1986: 207; P5310: 25.4.4-5.

[8]BA164 LRCM: 537-543.

[9]BA165 Śbh, P5537: 101.1.2-6.

[10]Tức là sự tập trung có thể bị gián đoạn làm nhiều phần.

[11]BA166 LRCM: 484-487.

[12]BA167 PS: 5.10cd-ll; P5340:18.1.7-8.

[13]BA168 LRCM: 484-536.

[14]BA169 Sn. Lamotte 1935: 90; P774:13.5.2-3; được chép ra ở at LRCM: 481.

[15]BA170 MSA: 14.15a-c;P5521:10.5.5-6.

[16]BA171 LRCM: 543.15.

[17]BA172 Bk2, P5311: 33.2.7-8.

[18]BA173 Bk1, Tucci 1986: 207; P5310: 25.4.2.

[19]BA174 Prajñāpāramitopadeśa, P5579:247.2.2-247.3.4.

[20]BA175 LRCM: 537; và tìm thấy ở cf. LRCM: 471,557.

[21]Kinh Đại Bát Niết-bàn Phẩm Ứng tận Hường Nguyên thứ 27 có nhắc đến tên của 9 cấp thiền là: sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, không xứ định, thức xứ định, bất dụng xứ định, phi tưởng phi phi tưởng xứ định và diệt tận định. Các cấp độ này có tên gọi là Cửu Thứ Đệ Định trong đó bốn mức đầu thuộc về sắc giới, bốn mức kết tiếp thuộc vô sắc giới và mức cuối cao nhất là mức không còn tạp nhiễm.

[22]BA176 Chín mức độ bao gồm mức độ của dục giới, 4 mức của sắc giới và 4 mức của vô sắc giới.

[23]BA177 yogā-caryā-bhūmi (Sa'i dngos gzhi), P5536:267.3.6-8.

[24]BA178 AS, Pradhan 1975:6; P5550: 238.4.8.

[25]Sthiramati hay còn gọi là Sāramati dịch nghĩa là Thường Tín. 

[26]BA179 Triṃśikā-bhāṣya Levi 1925: 27.16-19; D4064: Shi 156b5-6.

[27]BA180 Śbh, Wayman 1978: 450 n. 138; P5537:114.4.5-6.

[28]BA181 Ibid., Wayman 1978:451 n. 139; P5537:114.4.7-5.1.

[29]BA182 Cảm xúc này đã được so sánh với cảm giác của một bàn tay ấm đặt lên đầu không tóc.

[30]BA183 Śbh, Wayman 1978:451 n. 140; P5537:114.6.1-3.

[31]BA184 Ibid., Wayman 1978; 451 n. 141; P5537:114.5.3-5.

[32]BA185 Một thuật ngữ Tây Tạng rlung biểu tả cho cả hai thuật ngữ Phạn vāyu (khí) và prāṇa (năng lượng) trong khuôn khổ của tứ đại nó là “gió” và trong các ngữ cảnh khác là “năng lượng”.

[33] Các thành tố này bao gồm đất nước lửa gió và hư không.

[34]BA186 Triṃśikā-bhāṣya , Levi 1925:27.19-21; D4064: Shi 156b6.

[35]BA187 Śbh, Wayman 1978: 451 n. 143; P5537:114.5.5-8.

[36]BA188 Đây là dòng của MSA, trích dẫn tại LRCM: 537.15.

[37]BA189 Xem bàn luận về định và quan hệ của nó đến bảy loại chú tâm dưới đây trong LRCM: 555-561.

[38]BA190 Śbh, Wayman 1978: 451 n. 145; P5537:114.5.8.-115.1.1.

[39]BA191 Ngũ chướng hay năm triền cái là (1) tham dục, (2) sân hận (3) hôn trầm (4) trạo hối và (5) hoài nghi.

[40]BA192 Śbh, Wayman 1978:451 n. 148; P5537:115.1.1-3.

[41]BA193 Ibid., Wayman 1978:452 n. 150; P5537:115.1.6-7.

[42]BA194 Ibid., Wayman 1978: 452 n. 151; P5537:115.1.7-8.

[43]BA195 Ibid., Wayman 1978: 452 n. 152; P5537:115.2.4-7.

[44]BA196 LRCM: 537-542.

[45]BA197 LRCM: 543-544.

[46]BA198 Năm lộ trình hay đạo pháp [cho bồ-tát] là tích lũy, chuẩn bị, tri kiến, thiền định và vô học.

 Xem thêm Essence of the Heart Sutra: The Dalai Lama's Heart of Wisdom Teachings – Dalai Lama. Wisdom Publications (July 7, 2005). ISBN-10: 0861712846.

[47]BA199 Trung Quán tông Giai Trình Thiền chính yếu là ba phần Giai Trình Thiền của Liên Hoa Giới. Trong cùng phần Trung Quán tông này của bsTan-'gyur có liệt kê Giai Trình Thiền khác của jñānakīrti (Tuệ Xứng) (cf. LRCM: 483), Klu-grub, Nag-po, and dGe-ba'i-go-cha.

[48]BA200 Về Tam giới và các bình ổn thiền và cân bằng thiền xem chú thích 65 ở LRCM: 493.12.

[49]BA201 Ở đây tham chiếu đến các đoạn trong Thanh Văn Địa mô tả một ít về chín trạng thái tinh thần LRCM: 530-532.

[50]BA202 Sn, trích dẫn ở LRCM: 474.

[51]BA203 Śbh, Wayman 1978: 452 n. 155; P5537: 72.4.7-72.5.1.

[52]BA204 Ibid., Wayman 1978: 452 n. 156; P5537:110.3.2-4.

[53]BA205 Bk1, Tucci 1986: 207; P5310:25.4.1-2.

[54]BA206 Prajñāpāramitopadeśa, P5579:247.3.3.

[55]BA207 LRCM: 472.

 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Mười 2015(Xem: 9900)
Trong một cơ duyên dịch giáo pháp của Đức Đạt Lai Lạt ma, tôi khắc ghi lời ngài rằng, nếu không có cái nhìn tổng thể, có thể đôi khi người thực hành sẽ thấy giáo pháp, những phương pháp thực hành mà đức Phật ban có nhiều điểm mâu thuẫn nhau. Thực ra tất cả giáo pháp, phương pháp thực hành của đức Thế Tôn đều mang pháp vị giải thoát. Đức Phật tuyên thuyết nhiều giáo pháp ứng hợp cho căn cơ của mỗi chúng sinh.
27 Tháng Tám 2015(Xem: 19767)
Hôm nay, 19-11-2010, tôi đã từng được yêu cầu nói về một số hiểu biết thông thường sai lạc về Phật Giáo. Và có nhiều thứ đa dạng khác nhau, với nhiều lý do khác nhau. Có một số đặc thù là văn hóa, hoặc là đối với văn hóa phương Tây, hay đối với Á châu và những nền văn hóa khác bị ảnh hưởng bởi sự suy nghĩ của phương Tây hiện đại. Có những hiểu biết sai lầm có thể đến từ những vùng văn hóa khác
27 Tháng Năm 2015(Xem: 12758)
Cuốn sách này gồm một hợp tuyển những tác phẩm của Longchen Rabjam (1308-1363) về Dzogpa Chenpo (S. mahasandhi, Việt : Đại Toàn Thiện). Những bản dịch có một giới thiệu chi tiết căn cứ chặt chẽ trên kinh điển và những giải thích truyền thống về phương diện bí truyền sâu xa nhất của Phật giáo.
01 Tháng Hai 2015(Xem: 16536)
Sự phát triển của Phật giáo Tây Tạng có những nét đặc thù mà có lẽ không nước nào khác trên thế giới có được. Vào năm 641 vua Đường Thái Tông của Trung Hoa gã công chúa Văn Thành cho vua Tây Tạng. Vị công chúa này là người thông minh, có học và là một Phật tử thuần thành.