Chương 15: Giúp Người Phát Triển - Bốn Phương Tiện Thu Phục Đệ Tử

11 Tháng Chín 201200:00(Xem: 6806)

Tsongkhapa
ĐẠI LUẬN VỀ
GIAI TRÌNH CỦA ĐẠO GIÁC NGỘ
Tập 2
(Bồ-đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận – Quyển Trung)
Nhóm Dịch Thuật Lamrim Lotsawas
༄༅༎ བྱང་ཆུབ་ལམ་རིམ་ཆེན་མོ་། །།ཀ།།
རྗེ་ཙོང་ཁ་པ་བློ་བཟང་གྲགས་པ༎

Chương 15: Giúp Người Phát Triển
 Bốn Phương Tiện Thu Phục Đệ Tử

(b) Tu tập tứ nhiếp pháp để thu phục đệ tử, giúp người khác trưởng thành

(i) Tứ nhiếp pháp là gì?

(ii) Lý do chúng được ước định là bốn phương pháp

(iii) Các chức năng của Tứ nhiếp pháp

(iv) Việc cần thiết dựa vào Tứ nhiếp pháp của những người thu phục đệ tử

(v) Vài giảng giải chi tiết

 

–––––––––\–––––––––

 

(b) Tu tập tứ nhiếp pháp[1] để thu phục môn đồ, giúp người khác trưởng thành

Việc tu tập tứ nhiếp pháp để thu phục đệ tử, giúp người khác trưởng thành có năm nội dung:

 

1. Tứ nhiếp pháp là gì?

2. Lý do chúng được ước định là bốn phương pháp

3. Chức năng của Tứ nhiếp pháp

4. Cần thiết dựa vào Tứ nhiếp pháp cho những người thu phục môn đệ

5. Một số giảng giải chi tiết

 

(i) Tứ nhiếp pháp là gì?

(1) Bố thí như đã giảng giải trước đây trong chương nói về bố thí Ba-la-mật-đa;[2] (2) Ái ngữ là việc giảng dạy các pháp Ba-la-mật-đa cho môn đồ; (3) Lợi hành nhiếp là việc sắp xếp cho đệ tử công việc vì các mục tiêu như đã được giảng dạy hoặc dẫn dắt họ đảm đương các mục tiêu này một cách đúng đắn; (4) Đồng sự nhiếp là tự ổn định hóa chính quý vị nhằm mục đích mà quý vị đã xác lập cho tha nhân, và sau đó rèn luyện họ theo những mục tiêu này. Đại thừa Kinh Trang Nghiêm Luận dạy rằng:[3]

 

Bố thí như trước dây; chỉ dạy các Ba-la-mật-đa

Dẫn dắt người khác tham gia, và tự mình tham gia cùng

Lần lượt ta gọi chúng là Ái ngữ nhiếp,

Lợi hành nhiếp và Đồng sự nhiếp.

 

(ii) Lý do chúng được ước định là bốn phương pháp

Vấn: Vì sao số lượng các phương pháp thu nạp đệ tử đặt thành bốn

 

Đáp: Nhằm mục đích thu phục môn đồ để xác lập họ trong thiện hạnh, trước hết, họ phải hài lòng. Hơn nữa, điều này lại phụ thuộc vào việc quý vị bố thí tài vật cho họ, đem lợi ích đến cho thân họ. Được chiều lòng như vậy, trước hết họ cần phải biết cách kết nối với đạo pháp. Nghĩa là, bằng cách dùng lời nói dịu dàng để giáng giải giáo Pháp, quý vị có thể khiến cho họ loại bỏ được vô minh và nghi ngờ, và rồi sau đó, khiến họ hiểu rõ các mục tiêu một cách đúng đắn. Một khi họ đã thấu hiểu những điều này, quý vị khiến cho họ hoàn tất thiện hạnh bằng cách làm việc hướng theo các mục tiêu này. Tuy nhiên, nếu bản thân quý vị chưa thành đạt được thiện hạnh thì khi quý vị nói với người khác: ”Các người phải xúc tiến điều này, phải từ bỏ cái kia”, thì họ sẽ trả lời: “Sao ông bảo người khác ‘Hãy hoàn thành mục tiêu này’ khi mà bản thân ông vẫn chưa làm được điều đó? Ông vẫn cần người khác sửa sai cho ông”. Họ sẽ không lắng nghe những điều mà họ phải tu tập. Nhưng nếu bản thân quý vị đang thực hành tu tập thì họ sẽ nghĩ rằng: “Người này được xác lập trong thiện hạnh để dẫn dắt chúng ta theo đó, nên, dứt khoát là chúng ta sẽ nhận được lợi ích và hạnh phúc nếu chúng ta hoàn tất thiện hạnh này”. Sau đó, hoặc là họ sẽ bắt đầu tham gia hoặc (trong trường hợp họ đã tiến hành) họ sẽ không phản bác và trở nên bền vững trong việc tu học. [463] Vì thế, quý vị phải kiên định trong ứng xử của mình. Đại thừa Kinh Trang Nghiêm Luận dạy rằng:[4]

 

Hãy biết rằng có tứ nhiếp pháp:

Một phương pháp để bố thí,

Giúp người thấu hiểu giáo pháp,

Dẫn dắt họ tiến hành

Và tự mình tiến hành như thế.

 

(iii) Chức năng của Tứ nhiếp pháp

Vấn: Bốn phương pháp thu nạp môn đồ này có tác dụng gì đối với các đệ tử?

 

Đáp: Bố thí khiến họ trở thành bình chứa thích hợp[5] nghe giáo pháp bởi vì nó làm cho họ hài lòng với người giảng pháp. Ái ngữ giúp cho họ quan tâm đến giáo pháp được giảng thuyết bởi vì nó giúp cho họ một hiểu biết chi tiết về các mục tiêu và xua tan những mối nghi hoặc. Lợi hành nhiếp làm cho họ tu tập một cách phù hợp với những điều đã được dạy. Đồng sự nhiếp khiến những ai đã xúc tiến trong các giáo pháp không loại bỏ chúng mà tu tập chúng trong một thời gian dài. Đại thừa Kinh Trang Nghiêm Luận dạy rằng:[6]

 

Bởi pháp đầu, họ trở thành bình chứa;

Pháp thứ hai, họ khởi sự quan tâm;

Pháp thứ ba, họ xúc tiến thực hành;

Pháp thứ tư, họ bỏ công tu tập;

 

(iv) Việc cần thiết dựa vào Tứ nhiếp pháp cho những người thu phục đệ tử

Bởi vì chư Phật đã tuyên thuyết rằng Tứ nhiếp pháp để thu phục môn đồ là điều đạt tới tất cả mục tiêu của tất cả môn đồ và là phương tiện siêu việt nên những người thu phục môn đệ phải biết dựa vào Tứ nhiếp pháp. Đại thừa Kinh Trang Nghiêm Luận dạy rằng:[7]

 

Những người thu nhận đệ tử

Hãy nương dựa lên phương thức này

Tứ nhiếp pháp được tán thán như cách tuyệt vời

Thành tựu tất cả mục tiêu cho mọi người.

 

(v) Một số giảng giải chi tiết

Có hai loại ái ngữ. Thứ nhất là loại ái ngữ liên quan đến các tập quán thế tục, nghĩa là trước hết quý vị mang khoác một biểu hiện trong sáng, không giận dữ, mỉm cười và sau đó làm vui lòng chúng sinh bằng những cách thức thế tục, như hỏi thăm sức khỏe chẳng hạn. Thứ hai là loại ái ngữ liên quan đến việc trình bày giáo pháp hoàn hảo, nghĩa là quý vị chỉ dạy giáo Pháp cho chúng sinh vì lợi lạc và hạnh phúc của họ, khởi đầu với các giáo pháp về phát triển tín tâm, trì giới, tu học, bố thí và trí huệ.

 

Các lộ trình của ái ngữ như sau: Đối với một kẻ thù sẽ giết quý vị, thì quý vị sẽ nói những lời bổ ích không khiếm khuyết từ trái tim mình. Đối với những người rất chậm hiểu, quý vị sẽ cố tình tạo sự thử thách, thuyết Pháp không mệt mỏi và khiến cho họ không rời thiện hạnh. [464] Đối với những kẻ thủ đoạn, phản thầy, phản sư trụ trì vv... và làm điều sai trái thì quý vị sẽ nói những lời dịu dàng, hữu ích, không chút giận dữ và giảng Pháp cho cả người khó khăn nhất. Để cho những người có tâm thức chưa trưởng thành có thể loại bỏ các chướng ngại và tái sinh trong những cõi hạnh phúc, thì quý vị sẽ giảng cho họ về các pháp thực hành sơ khởi như bố thí và trì giới. Đối với những người có tâm thức đã trưởng thành, đã thoát khỏi che chướng và có một khuôn khổ hỷ lạc của tâm thức thì quý vị sẽ giảng Pháp toàn hảo và tối thắng về Tứ diệu đế. Quý vị khuyến khích các cư sĩ và người xuất gia lơ đểnh trở nên cần mẫn và đối với những kẻ nghi hoặc thì quý vị sẽ nói năng một cách cặn kẽ và giảng Pháp giúp họ xua tan những nghi ngờ của họ.

 

Lợi hành nhiếp bao gồm hai khía cạnh: giúp cho những người chưa trưởng thành được trưởng thành và giải thoát cho những người đã trưởng thành. Điều này được trình bày với ba phần sau: (1) Thu hút các cá nhân đảm đương các mục đích của kiếp sống này là khiến cho họ sử dụng những phương tiện phù hợp với giáo pháp để tiếp thu, bảo vệ và tăng trưởng các nguồn tài lực của họ. (2) Dẫn dắt người đảm đương các mục đích của các kiếp sống tương lai là xác lập cho người trong đời sống người xuất gia, sống đời khất thực sau khi đã từ bỏ các sở hữu của mình. Mặc dù điều này chắn chắn mang lại hạnh phúc trong những kiếp sau, thật là không chắc làm được như vậy trong kiếp này. (3) Dẫn dắt người đảm đương các mục đích của cả kiếp này lẫn các kiếp sau là khiến cho cư sĩ và người xuất gia thoát khỏi các bám luyến thế tục và siêu việt bởi vì điều này tạo ra sự nhu hoạt về thân và tâm trong kiếp hiện tại và sự thành tựu bổn tôn tịnh hóa và niết-bàn trong tương lai.

 

Hãy thực hành Lợi hành nhiếp ngay cả khi nó rất khó khăn. Thật khó để thực hiện các mục tiêu này với những người chưa từng tích lũy các cội rễ của thiện đức để thi hành thiện đức. Thực hành Lợi hành nhiếp cũng là khó khăn đối với những ai đã có nhiều nguồn tài lực vì họ sống trong tình trạng mà ở đó có khá nhiều cơ sở cho sự tắc trách. Và cũng thật là khó để thực hiện Lợi hành nhiếp đối với những ai bị tiêm nhiễm bởi các tri kiến triết học phi Phật giáo bởi vì những người này thù hằn giáo pháp, do khờ dại của mình, không hiểu được suy lý. [465]

 

Về giai trình để thực hiện Lợi hành nhiếp, trước hết quý vị hãy làm cho những người có trí huệ như trẻ thơ nương theo các lời giáo huấn riêng biệt dễ dàng. Sau đó, khi hiểu biết của họ đã đạt đến trình độ trung bình thì hãy làm cho họ nương theo các lời giáo huấn riêng biệt cho trình độ trung cấp. Cuối cùng, khi trí huệ của họ đã mở rộng sâu rộng thì hãy cho họ tu theo giáo pháp thâm diệu và các lời giáo huấn riêng biệt, tinh tế.

 

Đồng sự nhiếp có nghĩa là quý vị duy trì các thực hành ngang bằng hay cao hơn so với những người mà quý vị xác lập cho họ. Theo đó, mặc dù trong bất cứ việc nào quý vị làm, quý vị trước hết phải tập trung vào lợi ích của chúng sinh và không lơi lỏng quyết tâm của quý vị vì lợi ích của tha nhân, quý vị phải tự giữ kỹ luật trong mối liên kết với các mưu cầu này. Tán Dương Công Đức Vô Lượng của ngài Triratadāsa {Tên dịch nghĩa Tam Bảo Công Bộc} dạy rằng:[8]

 

Vài kẻ không giữ giới, dùng lời hợp lý

Lại mâu thuẫn với lời lẽ nên bị xem là ”không thể giúp người khác tự giữ giới”.

Hiểu điều này, ngươi đặt mọi chúng sinh trong tim mình,

Và nỗ lực tự trì giữ những yếu kém trước đây.

 

Tứ nhiếp pháp còn được bao gồm hai loại: thu phục đệ tử bằng vật chất và thu phục môn đồ bằng giáo pháp. Tài thí là một trong bốn phương pháp thu phục môn đồ. Ba phương pháp còn lại được bao hàm trong nhóm thứ hai: thu phục môn đồ bằng giáo pháp. Hơn nữa, loại thứ hai này còn bao gồm giáo pháp về các đối tượng thiền, giáo pháp khi đưa vào thực hành và giáo pháp về việc tự tịnh hóa qua việc thực hành hai nhóm pháp này. Đại thừa Kinh Trang Nghiêm Luận dạy rằng:[9]

 

Bốn phương pháp thu phục đệ tử

Được phân thành hai cách thực thi:

Bằng tài thí và bằng pháp thí,

Nghĩa là trình bày về các đối tượng thiền …

 

Hơn nữa, Tứ nhiếp pháp còn là phương cách mà chư Bồ tát của ba thời thực hành vì lợi lạc của người khác, do đó, đây là con đường duy nhất để đi. Đại thừa Kinh Trang Nghiêm Luận dạy rằng:[10]

 

Tất cả người đã thu phục môn đồ,

Đang hoặc sẽ thu nạp đệ tử

Hãy thực thi theo cách này; do đó, đây là lộ trình

Cho sự trưởng thành của chúng sinh.

 

Nói chung, mặc dù Bồ-tát hành là vô lượng, Lục độ Ba-la-mật-đa và Tứ nhiếp pháp là những pháp tổng kết tốt nhất của các ngài. Bởi vì chư Bồ tát chỉ có hai trách nhiệm là sự trưởng thành về các tư lương cho Phật quả của chính các ngài và làm trưởng thành các dòng tâm thức của các chúng sinh; các ngài thành tựu cả hai thông qua các Ba-la-mật-đa và pháp thu phục đệ tử. Do đó, Bồ-tát Địa cũng dạy rằng:[11]

 

Lục độ Ba-la-mật-đa đem lại sự trưởng thành viên mãn các Phật tín mà ngươi sẽ có. Các pháp thu phục môn đồ làm tâm thức chúng sinh trưởng thành hoàn toàn. Tóm lại, hãy biết rằng các pháp này là sự biểu hiện tích cực của các phẩm chất thiện đức của một vị Bồ-tát.

 

Do đó, tôi đã đề ra trong phần này hai nhóm thực hành. Nếu quý vị muốn tìm hiểu thêm chi tiết thì hãy đọc Bồ-tát Địa.

 

Về cách thực hành những pháp này trong và sau thời gian cân bằng thiền, Trưởng Lão[12] dạy rằng:[13]

 

Các hành vi của chư Bồ-tát là

Sáu Ba-la-mật-đa diệu kỳ và vv...

Hành giả khởi sinh cân bằng thiền

Hoàn tất lộ trình huân tập thật kiên quyết

 

Những Bồ-tát mới bắt đầu, đã thọ Bồ tát giới và đang thực hành con đường tích lũy chỉ hành trì sáu Ba-la-mật-đa mà thôi, bất kể là trong lúc tu tập cân bằng thiền hay thời gian sau khi thiền {hậu thời thiền}. Họ duy trì một số các Ba-la-mật-đa trong cân bằng thiền và số Ba-la-mật-đa khác ở sau buổi tu tập trạng thái cân bằng {thiền}. Một số khía cạnh của thiền định (vốn là bình ổn thiền) và một số khía cạnh của tuệ giác (vốn là trí huệ Ba-la-mật-đa) được nuôi dưỡng trong cân bằng thiền, trong lúc một số khía cạnh khác của thiền định và trí huệ được duy trì sau buổi tu tập trạng thái cân bằng, cùng với ba Ba-la-mật-đa đầu {tức là bố thí, trì giới, nhẫn nhục}. Tinh tấn xảy ra với cả hai trong khi tu tập trạng thái cân bằng thiền và hậu thời thiền, trong khi đó, một loại nhẫn nhục – tức là một số khía cạnh nào đó trong sự nhẫn nhục của sự xác tín về các giáo pháp thâm diệu – cũng xảy ra trong cân bằng thiền. Trưởng Lão dạy rằng:[14]

 

Trong những giai đoạn sau buổi cân bằng thiền

Hãy nuôi dưỡng tri kiến rằng mọi pháp

Đều tựa trò huyễn thuật như tám ảo tưởng.[15]

Hãy chú trọng tâm ý ở hậu thời thiền

Sự tịnh hóa và tu tập qua phương tiện.

Trong thời gian cân bằng thiền

Hãy tạo duyên cho chính mình

Định và Tuệ thật cân bằng lượng định.

 

Với các Bồ-tát nào mà tâm thức chưa được trui rèn trong những hành vi thâm diệu nhưng khó khăn này, khi nghe nói về các hành vi đó thì họ cảm thấy nản chí.[467] Mặc dù, trước tiên họ không thể thực hành những điều đó nhưng họ sẽ lĩnh hội được và sau đó, tự tập luyện cho thấm nhuần với chúng như là các đối tượng của nguyện ước. Rồi họ xúc tiến chúng một cách tự nhiên mà không cần dụng công. Do đó, làm cho quen dần là quan trọng nhất vì nếu những Bồ-tát này nhận biết sự bất lực của mình trong việc thật sự tiến hành các hành vi như thế và rồi từ bỏ ngay cả việc làm quen lợi ích cho việc trui rèn tâm thức, họ sẽ trì hoãn lớn lao việc thành tựu lộ trình thanh tịnh. Tán Dương Công Đức Vô Lượng dạy rằng:[16]

 

Những hành vi gây đau đớn phàm giới ngay cả chỉ nghe về chúng

Và ngay cả ngươi không tiến trong một thời gian dài

Hãy tự làm cho quen dần để chúng đến được một cách tự nhiên theo thời gian.

Cho nên, thật khó để phát triển phẩm tính tốt mà không làm cho quen dần.

 

Những người đã thọ Bồ tát giới không có lựa chọn nào khác ngoài việc tu học Bồ-tát hành. Nhưng ngay cả những ai chưa tiếp thu tâm giác ngộ qua nghi lễ hãy nỗ lực khắc sâu trong tâm khảm ước nguyện tu học Bồ-tát hành, do đó, gia tăng cường lực hăng hái để tu học chúng. Rồi khi họ thọ giới, sự trì giới sẽ trở nên cực kỳ ổn định; cho nên, hãy nỗ lực thực hiện việc này.

 

Qua nội dung liên quan đến các giai đoạn của đường tu dành cho người có căn cơ cao, đến đây đã kết thúc phần giảng giải về các giai đoạn của đường tu để rèn luyện Bồ-đề tâm và tu học Bồ-tát hành nói chung.



[1]Tứ Nhiếp Pháp có tên Phạn ngữ là catvāri saṃgraha-vastūni chỉ bốn phương pháp để thu nạp đệ tử (với tên Phạn tương ứng) lần lược là: (1) Bố thí nhiếp (skt. dāna-saṃgraha), (2) Ái ngữ nhiếp (skt. priya-vādita-saṃgraha), (3) Lợi hành nhiếp (skt. artha-caryā-saṃgraha) và (4) Đồng sự nhiếp (skt. samānārthatā-saṃgraha).

[2]BA372 LRCM: 364-390.

[3]BA373 MSA: 16.73 ; D4020: Phi 24b6-7.

[4]BA374 MSA: 16.74; Phi 24b7.

[5]Tâm thức để tiếp thu kiến thức của người học hỏi được ví như một bình chứa nước. (1) Bình lủng bao nhiêu nước đổ vào thì cũng đều chảy mất hết để chỉ loại người học xong là quên; (2) Bình úp ngược không chứa được nước để chỉ loại người không chịu khiêm tốn lắng nghe giáo pháp; (3) Bình dơ chứa được nước nhưng vì dơ bẩn nên làm cho nước đổ vào bị nhiễm bẩn không còn dùng được để chỉ loại người học nhưng với tâm không thanh tịnh trộn lẫn kiến thức học được với các thành kiến khác. A Commentary on Attitude - Training Like the Rays of the Sun. Day One: Introductory Discussion. Dalai Lama. The Berzin Archieves. Truy cập 12/20/2011.

 <http://www.berzinarchives.com/web/en/archives/e-books/unpublished_manuscripts/commentary_attitude_training_rays_sun/day_1.html>.

[6]BA375 MSA: 16.75, Phi 25al.

[7]BA376 MSA: 16.78, Phi 25a2.

[8]BA377 Guṇāparyanta-stotra, D1155: Ka 197a5-6.

[9]BA378 MSA: 16.76, D4020: Phi 25al.

[10]BA379 MSA: 16.78, D4020: Phi 25a2-3.

[11]BA380 Bbh, Wogihara 1971: 226; D4037: Wi 121a5-6.

[12]BA381 Hṛdaya-nikṣepa {Tâm Lưu Ký} P5346: 47.2.3-4.

[13]Đại Trưởng Lão là cách gọi ngài Atiśa.

[14]BA382 Mahāyāna-patha-sādhana-varṇa-saṃgraha, {Đại Thừa Đạo Thành Tựu Pháp Hạng Tập} P5351: 51.4.1-3.

[15]BA383 Tám thí dụ về ảo tưởng (Bát ảo tưởng tỉ dụ) là sự so sánh các pháp đều tựa như: (1) các trò ảo thuật, (2) các giấc mơ, (3) các ảo giác, (4) các phản ảnh của chiếc gương, (5) các bóng che, (6) tiếng vang, (7) ánh trăng trên nước và (8) sự phát xạ.

[16]BA384 Guṇāparyanta-stotra, D11.55: Ka 198a7-bl.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Mười 2015(Xem: 9881)
Trong một cơ duyên dịch giáo pháp của Đức Đạt Lai Lạt ma, tôi khắc ghi lời ngài rằng, nếu không có cái nhìn tổng thể, có thể đôi khi người thực hành sẽ thấy giáo pháp, những phương pháp thực hành mà đức Phật ban có nhiều điểm mâu thuẫn nhau. Thực ra tất cả giáo pháp, phương pháp thực hành của đức Thế Tôn đều mang pháp vị giải thoát. Đức Phật tuyên thuyết nhiều giáo pháp ứng hợp cho căn cơ của mỗi chúng sinh.
27 Tháng Tám 2015(Xem: 19730)
Hôm nay, 19-11-2010, tôi đã từng được yêu cầu nói về một số hiểu biết thông thường sai lạc về Phật Giáo. Và có nhiều thứ đa dạng khác nhau, với nhiều lý do khác nhau. Có một số đặc thù là văn hóa, hoặc là đối với văn hóa phương Tây, hay đối với Á châu và những nền văn hóa khác bị ảnh hưởng bởi sự suy nghĩ của phương Tây hiện đại. Có những hiểu biết sai lầm có thể đến từ những vùng văn hóa khác
27 Tháng Năm 2015(Xem: 12739)
Cuốn sách này gồm một hợp tuyển những tác phẩm của Longchen Rabjam (1308-1363) về Dzogpa Chenpo (S. mahasandhi, Việt : Đại Toàn Thiện). Những bản dịch có một giới thiệu chi tiết căn cứ chặt chẽ trên kinh điển và những giải thích truyền thống về phương diện bí truyền sâu xa nhất của Phật giáo.
01 Tháng Hai 2015(Xem: 16494)
Sự phát triển của Phật giáo Tây Tạng có những nét đặc thù mà có lẽ không nước nào khác trên thế giới có được. Vào năm 641 vua Đường Thái Tông của Trung Hoa gã công chúa Văn Thành cho vua Tây Tạng. Vị công chúa này là người thông minh, có học và là một Phật tử thuần thành.