Chương 11: Trì Giới Ba-la-mật-đa

11 Tháng Chín 201200:00(Xem: 7190)

Tsongkhapa
ĐẠI LUẬN VỀ
GIAI TRÌNH CỦA ĐẠO GIÁC NGỘ
Tập 2
(Bồ-đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận – Quyển Trung)
Nhóm Dịch Thuật Lamrim Lotsawas
༄༅༎ བྱང་ཆུབ་ལམ་རིམ་ཆེན་མོ་། །།ཀ།།
རྗེ་ཙོང་ཁ་པ་བློ་བཟང་གྲགས་པ༎

Chương 11: Trì Giới Ba-la-mật-đa


(ii) Cách thức tu tập trì giới Ba-la-mật-đa

(a’) Trì giới là gì?

(b’) Cách bắt đầu tu tập trì giới

(c’) Phân loại giới luật

(1’) Giới luật kiềm chế

(2’) Giới luật tích luỹ công đức

(3’) Giới luật hành động vì lợi lạc chúng sinh

(c’) Cách tu tập

(d’) Tóm tắt

 

–––––––––\–––––––––

 

(ii)) Cách thức tu tập đức hạnh trì giới

Phần này có năm nội dung:

1. Trì giới là gì?

2. Cách thức bắt đầu nuôi dưỡng đức hạnh trì giới

3. Phân loại giới luật

4. Cách thức tu tập

5. Tóm tắt

 

(a’) Trì giới là gì?

Trì giới là một thái độ kiêng tránh, hướng tâm thức xa khỏi việc gây hại chúng sinh khác cũng như là những gốc rễ của các nguy hại như thế. Do đó, quý vị thực thi việc trì giới Ba-la-mật-đa bằng cách dần dần tăng trưởng thói quen với thái độ nói trên đến khi quý vị đạt được thành tựu. Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp quý vị tiến hành trì giới Ba-la-mật-đa đến chỗ viên mãn trong thế giới bên ngoài qua việc đưa các chúng sinh đến một trạng thái thoát khỏi tất cả các nguy hại. Nếu không, bởi vì vẫn còn chúng sinh chưa thoát khỏi nguy hại, chư Phật nhập thế trong quá khứ đã không thể thành tựu được việc hoàn thiện hạnh trì giới của các ngài – điều này vốn phi lý – và do đó, không thể dẫn dắt chúng sinh từ nơi nguy hại đến chốn tự do. Bởi thế, dù mọi chúng sinh trong thế giới bên ngoài có thoát hay không thoát được sự nguy hại cũng không khác biệt nhau trong ngữ cảnh này; tu tập hạnh trì giới chỉ là sự thuần thục trong nội tâm của quý vị với thái độ kiêng tránh, xa lánh việc hại người. Nhập Bồ-đề Hành Luận dạy rằng:[1]

 

Ở đâu chúng sinh như cá có thể được chuyển dời

Nơi mà chúng sẽ không hề bị giết?

Do đó, bằng cách thành tựu thái độ kiêng tránh

Ngươi đạt giới hạnh Ba-la-mật-đa. [391]

 

Mặc dù đức hạnh trì giới được phân ra thành ba loại [trì giới kiềm chế, trì giới huân tập công đức, trì giới hành vi vì lợi lạc chúng sinh], trong nội dung này, nó được giảng giải như là thái độ kiêng tránh theo nghĩa của hạnh trì giới kiềm chế – nhánh chính trong ba phân loại. Hơn nữa, về phương diện động cơ, chính mười điều giới loại bỏ mười điều ác[2]; và về phương diện nó thực sự là gì, chính bảy điều giới, vốn là bản chất hành động của của thân và khẩu, là sự kiên tránh bảy điều bất thiện. Nhập Trung Luận Thích (Madhyamakāvatāra-bhāṣya) của ngài Nguyệt Xứng dạy rằng:[3]

 

Nó được gọi là trì giới vì nó không dung nạp phiền não, vì nó không cho lỗi lầm phát sinh, vì nó là nguồn mát mẻ dập tắt ngọn lửa của niềm đau thương hay vì nó là chỗ dựa của sự hoàn hảo bởi do nó là nguyên nhân của hạnh phúc. Hơn nữa, nó được đặc trưng bởi bảy điều giới. Chúng được Ba phẩm tính: không tham chấp, không hận thù và chánh kiến chính làm động cơ thúc đẩy của chúng. Do đó, trì giới được giảng giải như là thập đạo nghiệp {mười con đường của hành vi} trong nội dung bao hàm động cơ.

 

(b’) Cách thức bắt đầu tu tập hạnh trì giới

Là một người phát tâm cầu giác ngộ {Bồ-đề tâm} và phát nguyện tu tập Bồ-tát hạnh, quý vị đã hứa mang lại cho mọi chúng sinh trang nghiêm trì giới của chư Phật toàn hảo; do đó, quý vị phải thành tựu các mục đích của mọi chúng sinh. Về việc này, trước hết quý vị phải phát triển sức mạnh hạnh trì giới thanh tịnh của chính quý vị; bởi vì nếu sự trì giới của chính mình không được thanh tịnh và suy thoái, thì quý vị sẽ đọa sinh cõi thấp và do đó, quý vị sẽ không thể viên thành lợi lạc của chính quý vị huống chi là lợi lạc của người khác. Bởi thế, một khi bắt đầu hành động vì lợi lạc của người khác, hãy đề cao trì giới của quý vị. Quý vị cần tập trung cao độ vào việc trì giữ nó và kiềm chế hành vi của mình. Đừng buông lơi chút nào. Ba-la-mật-đa Tập Luận dạy rằng:[4]

 

Những người cố gắng mang đến cho tất cả chúng sinh

Sự trang nghiêm từ hạnh trì giới của chư Phật toàn hảo

trước tiên tịnh hóa trì giới của chính họ;

Với trì giới thanh tịnh, họ phát triển uy lực. [392]

 

Và:

 

Nếu ngươi không thể thành tựu lợi lạc cho mình vì phạm giới

Thì uy lực đâu để lo lợi lạc cho người?

Do đó, những ai phấn đấu vì lợi ích tha nhân

Không buông lơi việc tu tập trì giới.

 

Hơn nữa, trì giới thanh tịnh được dựa trên việc tu tập – như đã được ghi thành điều luật – tiếp thu điều gì và đừng làm điều gì. Hơn nữa, việc này phụ thuộc vào một thái độ mạnh mẽ và bền bỉ mong muốn trì giữ giới. Như vậy, hãy phát tiển một ước nguyện trì giới của quý vị qua việc quán chiếu trong một thời gian dài về những hậu quả nghiêm trọng khi phạm giới và những lợi ích của trì giới.

 

Liên quan đến điều thứ nhất, hậu quả nghiêm trọng của việc phạm giới, Ba-la-mật-đa Tập Luận dạy rằng:[5]

 

Do đó, hãy thấy được nỗi sợ hãi khôn tả

Và đoạn trừ điều phải đoạn trừ dù là nhỏ nhất.

 

Do đó, một khi đã khiếp sợ các hậu quả nghiêm trọng từ những hành động sai trái của mình, quý vị phấn đấu kiềm chế không để tái phạm, dù là lỗi nhỏ nhặt nhất. Hãy nghĩ như tôi đã giảng giải trước đây về hậu quả nghiêm trọng của thập bất thiện hành – tức là các hành vi thô lậu nhất vốn không thích hợp.[6]

 

Về phương diện lợi ích của việc giữ giới, tôi đã giảng giải ở phần trước[7] và nội dung này cũng được đề cập trong Ba-la-mật-đa Tập Luận[8] của ngài Thánh Dũng {Āryaśūra} vĩ đại.

 

Những tố chất thiêng liêng, những khả năng của con người, nhờ đó mà hoan hỷ

Và niềm hỷ lạc tối thượng và những mùi vị tối thượng là sự diệu kỳ của các giác thể

Có điều gì tuyệt vời hơn đến từ giới luật?

Ngay cả chư Phật và giáo pháp cũng khởi sinh từ đấy.

 

Hơn nữa, tuỳ thuộc theo việc trì giới dòng tâm thức của quý vị dần dần phát triển; việc tu tập của quý vị trở nên sánh cùng với chư Bồ-tát-ma-ha-tát[9], vốn có bản tánh bi mẫn; và quý vị sẽ đạt trí huệ siêu phàm thanh tịnh loại bỏ được tất cả các mầm mống của hành vi sai trái {ác nghiệp}. Những trang sức thế tục, khi được mang trên mình các người rất trẻ và rất già, làm họ trông rất buồn cười và do đó là xấu xí. Nhưng bất kỳ người nào có trang nghiêm giới luật – già, trẻ hay trung niên – cũng đều hoan hỷ; do đó, nó là thứ trang sức tốt nhất. Mùi hương ngọt ngào của giới luật danh tiếng tỏa khắp muôn phương trong khi các mùi hương ngọt ngào khác phải theo hướng gió và do đó bị hạn chế. [393] Kem tẩm mùi đàn hương, vốn giải nhiệt, bị cấm dùng cho các người xuất gia nhưng nước giải nhiệt phiền não thì không bị cấm và là thích hợp cho họ. Một kẻ bắt chước dáng vẻ bên ngoài của một người xuất gia nhưng có được hạt ngọc giới luật thì siêu việt hơn người khác. Ba-la-mật-đa Tập Luận[10] dạy rằng:

 

Giới luật là con đường thành tựu đặc biệt

Thành tựu ngang bằng những ai có bản tánh bi mẫn,

và có được bản tánh vô song của tuệ giác tối thượng.

Không chút tỳ vết, đó là loại trang nghiêm tốt nhất.

 

Đó là mùi hương ngọt ngào lan tỏa tam giới

và là nước thơm không cấm người xuất gia dùng.

Ngay cả những kẻ bắt chước đắp y, nếu trì giới luật

Họ sẽ hơn hẳn những người còn lại.

 

Hơn nữa, những lợi ích khác cũng khởi sinh từ việc trì giới: mặc dù quý vị không dùng lời lẽ khôn khéo và không cố gắng hết sức trong gian nan, quý vị sẽ tự nhiên huân tập được ngay tức khắc những nguồn tài lực cần thiết; ngay cả không có vũ lực hay đe dọa mà tất cả chúng sinh đều đảnh lễ quý vị; không có đồn đại phù phiếm về dòng họ quý vị; những người trước đây chưa hề biết hay giúp đỡ quý vị thì nay lại đối xử tử tế với quý vị một cách tự nhiên; chư thiên và người đều tôn quý hạt bụi dưới bước chân quý vị và mang về để thờ tự. Ba-la-mật-đa Tập Luận dạy rằng[11]:

 

Ngay cả khi không nhắc đến hay trải qua gian khó

Ngươi lập tức tích luỹ các nhu yếu và sự phục vụ

Chẳng hề đe dọa mà cả thế giới bái yết ngươi

Ngươi có được uy lực mà chẳng cần dụng công hay chịu cực nhọc.

 

Ngươi thuộc loại người mà chẳng ai dám lộng ngôn.

Thậm chí những kẻ không quen biết ngươi từ trước

Chẳng hề giúp đỡ hay đáp ứng các thứ ngươi cần

Đều bái yết ngươi – một người hành trì giới hạnh.

 

Thiện nhân sùng bái hạt bụi được bàn chân ngươi gia hộ,

Khấu đầu trên đó; chư thiên và người đều cúi đầu

Đặt bụi trên đỉnh đầu và mang theo tất cả những gì thỉnh được. [394]

Do đó, người trì giới thuộc về dòng truyền thừa tối thượng.

 

Thiện tri thức vốn quán chiếu kỹ những lợi ích và hậu quả nghiêm trọng trên đây phải trì giới của họ như được giảng giải trong Ba-la-mật-đa Tập Luận:[12]

 

Do tham chấp hạnh phúc của họ {chúng sinh}, chư Bồ-tát

không phạm giới luật, vốn cần được giữ gìn.

 

 

Bởi vì ngươi điều phục chính mình, ngươi có được hạnh phúc;

Bởi vì ngươi có trang sức được xưng tụng bởi bậc thiện tri, ngươi giữ gìn giới luật;

Khi viên thành mọi pháp tu,

Hãy nương dựa hoàn toàn vào giới luật mà không kiêu ngạo.

 

Hơn nữa, sau khi quý vị đã xua đi nỗi sợ hãi thuần túy về các cảnh giới đau khổ và ước mong đối với sự thù thắng của chư thiên và cõi người, hãy trì giới của mình vì việc đưa mọi chúng sinh trong giới luật. Ba-la-mật-đa Tập Luận dạy rằng:[13]

 

Bất cứ người nào phát nguyện xác lập giới luật thuần tịnh

Mỗi chúng sinh trong thế giới vô lượng

Và dựa vào giới luật để làm lợi cho thế gian

Được gọi là trì giới Ba-la-mật-đa.

 

Do đó, hãy xua đi nỗi sợ hãi về các giới khốn khổ

Và ước mong đến các diệu kỳ của những vương quốc và địa vị thanh cao;

Gìn giữ giới luật không hoen ố và hãy dựa trên

Sự trì giới vì ngươi đang phấn đấu vì lợi lạc của thế gian.

 

(c’) Phân loại giới luật

Có ba loại giới luật

1. Giới luật kiềm chế

2. Giới luật huân tập thiện hạnh

3. Giới luật hành động vì lợi lạc chúng sinh

 

(1’) Giới luật kiềm chế

Bồ-tát Địa dạy rằng giới luật kiềm chế là bảy điều của biệt giải thoát giới.[14] Do đó, giả sử có người đã thọ biệt giải thoát giới và cũng hành trì Bồ-tát giới, thì giới luật kiềm chế hoặc là những điều biệt giải thoát giới thực thụ của nhóm các cư sĩ hay tăng sĩ, hoặc là một thực hành kiềm chế hay kiêng tránh vốn có liên quan đến các điều giới thật sự đó. [395] Lại nữa, giả sử có những người đã thọ Bồ-tát giới mà vốn không thuận tiện để thọ nhận biệt giải thoát giới, thì giới luật kiềm chế chính là sự tu tập kiềm chế và kiêng tránh, không thực hiện các hành vi sai trái về bản chất hay bất kỳ hành vi nào bị giới cấm vốn liên quan đến các điều luật biệt giải thoát giới.

 

(2’) Giới luật huân tập công đức

Giới luật huân tập thiện hạnh {công đức} có nghĩa là quý vị chuyên chú vào các thiện hạnh, như sáu Ba-la-mật-đa chẳng hạn, rồi phát triển các thiện hạnh mà quý vị chưa phát triển trong tâm thức, tránh không làm tổn hại đến các thiện hạnh mà quý vị đã phát triển và tăng cường cả hai lên một tầm cao hơn.

 

(3’) Giới luật hành động vì lợi lạc chúng sinh

Giới luật hành động vì lợi lạc chúng sinh có nghĩa là quý vị chuyên chú vào lợi lạc của mười một loại chúng sinh và sau đó hoàn tất các mục tiêu của họ trong kiếp này và các kiếp sau theo một phương thức thích hợp mà không có hành vi sai trái nào.[15] Bởi vì tôi đã đề cập chi tiết đến các điều nói trên trong tác phẩm Lộ Trình Cơ Bản Đế Tỉnh Giác[16] của ta, nhất định quý vị nên đọc đi đọc lại tác phẩm này.

 

Như vậy, bởi vì các biệt giải thoát giới là một phương diện của giới luật cho các tu sĩ xuất gia đã thọ Bồ-tát giới, chúng không được tách riêng khỏi Bồ-tát giới. Lại nữa, trong ba lớp giới luật, giới luật kiềm chế – tức là các biệt giải thoát giới thật sự hay là việc tu tập xúc tiến những gì được tiếp thu hay từ bỏ những gì bị kiêng tránh – thật cực kỳ quan trọng trong giai đoạn khởi đầu, ngay cả đối với các Bồ-tát tu tập theo cách này. Quyết Định Yếu Luận dạy rằng:[17]

 

Trong ba phương diện của giới luật, thì giới luật kiềm chế bao gồm và đạt mức hai giới luật kia; khi ngươi hành trì và giữ gìn giới luật kiềm chế thì ngươi cũng hành trì và giữ gìn hai giới luật kia và khi ngươi không hành trì và giữ gìn giới luật kiềm chế thì ngươi cũng không hành trì và giữ gìn hai giới luật kia. Hậu quả là nếu giới luật kiềm chế của các Bồ-tát thoái chuyển thì tất cả các giới luật khác cũng thoái chuyển.

 

Nếu quý vị nghĩ rằng biệt giải thoát giới là dành cho các bậc Thanh Văn, nếu quý vị bỏ qua các phép tắc luật lệ và nghiêm cấm của giới này và nói rằng: ”Có những điều giới khác, các Bồ-tát giới, để hành trì” thì quý vị không nắm được điểm mấu chốt của việc tu tập Bồ-tát giới bởi người ta thường nói rằng giới luật kiềm chế là nền tảng và nguồn gốc của hai loại giới luật kia. [396]

 

Hơn nữa, khía cạnh chủ yếu của giới luật kiềm chế là kiêng tránh thực hiện các hành vi sai trái về bản chất. Hơn nữa, tất cả các thừa, thấp và cao, đều dạy rằng việc kiêng tránh thực hiện các hành vi sai trái về bản chất là việc kiêng tránh thập bất thiện nghiệp, vốn cấu thành từ điểm then chốt của các sai lầm chính yếu trong hành vi sai trái về bản chất. Quý vị phải ngăn chặn một cách đúng đắn chính thân, khẩu, ý của mình, qua việc không cho phép dù một tia ý loé lên của động cơ đơn thuần cho mười hành vi sai trái đó. Ba-la-mật-đa Tập Luận dạy rằng:[18]

 

Đừng để cho mười thiện hành thoái chuyển

Đó là đạo pháp đến diệu lạc quả vị cao hay giải thoát

Bằng cách trì giữ các giới này, ngươi đạt mục tiêu của mình

Vốn là quán chiếu đặc biệt, trong đó, ngươi nghĩ về việc giúp đỡ chúng sinh

 

Hãy kiểm soát thân, khẩu, ý ngươi thật đúng đắn

Phật thuyết “giản ngôn: đây là giới”.

Mọi giới luật gồm trong nền tảng này

Vậy nên hãy trì giới kiềm chế.

 

Đạo sư Nguyệt Xứng cũng giảng giải tu tập trì giới Ba-la-mật-đa là xa lánh mười hành vi bất thiện trong chương trì giới Ba-la-mật-đa của tác phẩm Nhập Trung luận Thích của ngài và những lời giảng giải này cũng được thể hiện trong nhiều bộ kinh, như Bồ-tát Địa chẳng hạn. Do đó, nếu từ đầu quý vị luyện tâm qua sự kiềm chế như được đề cập ở trên thì quý vị sẽ dễ dàng thành tựu hai loại giới luật kia.

 

(c’) Cách thức tu tập

Quý vị tu tập ba loại giới luật trong sự liên hệ với sáu phạm trù tối thượng[19] và sáu Ba-la-mật-đa. Khi quý vị tu tập kết hợp với sáu Ba-la-mật-đa thì sự rộng lượng của hạnh trì giới sẽ xác lập các chúng sinh khác trong hạnh trì giới sau khi quý vị đã tự ổn định chính mình trong đó. Các Ba-la-mật-đa còn lại được đề cập ở trên.[20]

 

(e’) Tóm lược

Đừng để suy yếu mà hãy ngày càng tăng cường tâm giác ngộ {tâm Bồ-đề} – nền tảng của các Bồ-tát hạnh – là gốc rễ của việc tiến hành trì giới và vv.... Đó cũng là cách tốt nhất từ bỏ việc gây hại cho bất kỳ chúng sinh nào. Hãy thiết tha thực hành đức tính trì giới của những bậc đã đạt quả vị cao và rồi hãy tu dưỡng tâm mình. [397] Hãy thành tâm học hỏi tức khắc những gì cần theo, những gì cần bỏ và bắt đầu hành trì giới luật của một Bồ-tát bậc thấp. Cụ thể là hằng ngày hãy thường xuyên rèn luyện một thái độ kiêng tránh những hành vi mà quý vị biết là sai trái về bản chất, như mười hành vi bất thiện chẳng hạn, và những hành vi sai lạc do bị ngăn cấm. Lại nữa, trong số những giới cấm này, hãy nỗ lực lập đi lập lại việc áp dụng thái độ kiêng tránh đối với các vi phạm trọng yếu về các giới mà quý vị đã thọ nhận. Một khi quý vị làm như vậy, quý vị sẽ có khả năng thành tựu Bồ-tát hạnh trong một kiếp khác như là một hậu quả hoạt hoá tương ứng về duyên khởi với ít khó khăn và gian khó hơn. Tuy nhiên, nếu quý vị xem nhẹ những điều này, quý vị sẽ liên tục bị ô nhiễm bởi trọng tội và phạm giới; hơn nữa quý vị sẽ không thể nào tu học Bồ-tát hạnh trong nhiều kiếp. Do đó, từ nay hãy phấn đấu cho các thực hành này.



[1]BA226 BCA.-5.il.

[2]Mười điều thiện (thập thiện đạo) và mười điều bất thiện (thập bất thiện đạo) thật ra là các nói trái ngược nhau khi giữ giới không vi phạm các điều bất thiện tức là thi hành mười điều thiện. Mười điều bất thện cần tránh bao gồm giết hại, trộm cắp, tà dâm (ba giới về thân), nói dối, nói vu khống, nói lời vô nghĩa, nói lăng mạ, dèm pha (4 giới về khẩu), tham lam, sân hận, và cố chấp những quan điểm sai trái (si) (3 giới về ý). Như vậy ba điều thuộc về thân và bốn điều thuộc về khẩu lập nên 7 điều giới.

[3]BA227 Madhyamakāvatāra-bhāṣya (MAVbh) chú giải về Madhyamakāvatāra 2.1a;D3862: Ha 231a2-4. Đây là cách dùng theo ý nghĩa của một số gốc từ Phạn ngữ có thể tạo thành từ mới s'ito (nghĩa là "giới"): s'i ("để xuống"), s'i ("trì theo") and syai (cp. slta) (nghĩa là "làm hạ nhiệt").

[4]BA228 PS: 2.1, 2.48; D3944; Khi 221b4, 224al-2.

[5]BA229 PS: 2.49ab; D3944: Khi 224a2.

[6]BA230 LRCM: 158-203; Đại Pháp quyển 1, chương 14 and 15.

[7]BA231 LRCM: 269-270; Great Treatise 1:342-343.

[8]BA232 PS: 2.47; D3944: Khi 223b6-224al.

[9]Thuật ngữ Phạn là Bodhisattva-mahasattva dịch nghĩa là đại Bồ-tát. Riêng thuật ngữ maha-sattva hàm ý sự thanh tịnh vĩ đại. Bồ-tát ma-ha-tát là tên phiên âm thường thấy trong các kinh Hán-Việt.

[10]BA233 PS: 2.60-61; D3944: Khi 224b3-5.

[11]BA234 PS: 2.62-64; D3944: Khi 224b5-7.

[12]BA235 PS: 2.49cd, 2.51c-52b; D3944: Khi 224a2-3,224a4.

[13]BA236 PS: 2.59,2.65; D3944: Khi 224b2-3,224b7.

[14]BA237 Bảy loại trong biệt giải thoát giới được liệt kê theo người nhận giới: Tỳ-kheo {skt. bhikkhu} và tỳ-kheo ni {bhikkhunī}; sa-di nam {skt. sāmanera} và sa-di nữ {skt. sāmaṇerī}, nam cư sĩ {skt. upāsaka} và nữ cư sĩ {skt. upāsikā}, và học tôn ni {sikkhāmānā} để trở thành một tỳ kheo ni [Sau hai năm trì giới để xem có thể đủ duyên trở thành tì-kheo ni] {Ở đây thuật ngữ học tôn ni được người dịch dùng chiếu theo chữ Phạn của nó đồng thời nhận thấy có sự khác biệt về cách xác định trong một số tài liệu phật giáo Việt ngữ dùng chỉ người mới gia nhập tăng đoàn trong vòng hai năm tập sự và thường gọi là học nữ}.

[15]BA238 Mười một loại chúng sinh {thập nhất chủng chúng sinh} là (1) người cần sự giúp đỡ; (2) người bối rối để có được phương tiện đúng đắn; (3) người giúp đỡ; (4) người phiền não do sợ hãi; (5) người phiền não do đau buồn; (6) người nghèo khó; (7) người mong muốn nơi trú ngụ; (8) người muốn hài hoà tinh thần; (9) người hành vi đúng đắn; (10) người hành vi sai trái; và (11) người cần được giữ giới bởi các năng lực siêu nhiên.

[16]BA239 Byang chub sems dpa'i tshul khrims kyi mam được chi tiết hoá từ byang chub gzhung lam, Tatz 1986:115, 121-132. Tên ở đây là Tshul khrims le'u mam bshad.

[17]BA240 Viniścaya-saṃgrahaṇi {Quyết Định Yếu Luận} P5539: 80.5.5-7.

[18]BA241 LRCM: 371.13.

[19]Sáu phạm trù tối thượng tức là: (1) Nền tảng tối thượng, (2) Các vật thí tối thượng, (3) Mục đích tối thượng, (4) Phương tiện thiện xảo tối thượng, (5) Hồi hướng tối thượng, và (6) Thanh tịnh tối thượng. Xem lại giải thích chi tiết trong chương 9.(c').1 Phân loại bố thí.

[20]BA242 LRCM: 371.13.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Mười 2015(Xem: 9900)
Trong một cơ duyên dịch giáo pháp của Đức Đạt Lai Lạt ma, tôi khắc ghi lời ngài rằng, nếu không có cái nhìn tổng thể, có thể đôi khi người thực hành sẽ thấy giáo pháp, những phương pháp thực hành mà đức Phật ban có nhiều điểm mâu thuẫn nhau. Thực ra tất cả giáo pháp, phương pháp thực hành của đức Thế Tôn đều mang pháp vị giải thoát. Đức Phật tuyên thuyết nhiều giáo pháp ứng hợp cho căn cơ của mỗi chúng sinh.
27 Tháng Tám 2015(Xem: 19767)
Hôm nay, 19-11-2010, tôi đã từng được yêu cầu nói về một số hiểu biết thông thường sai lạc về Phật Giáo. Và có nhiều thứ đa dạng khác nhau, với nhiều lý do khác nhau. Có một số đặc thù là văn hóa, hoặc là đối với văn hóa phương Tây, hay đối với Á châu và những nền văn hóa khác bị ảnh hưởng bởi sự suy nghĩ của phương Tây hiện đại. Có những hiểu biết sai lầm có thể đến từ những vùng văn hóa khác
27 Tháng Năm 2015(Xem: 12758)
Cuốn sách này gồm một hợp tuyển những tác phẩm của Longchen Rabjam (1308-1363) về Dzogpa Chenpo (S. mahasandhi, Việt : Đại Toàn Thiện). Những bản dịch có một giới thiệu chi tiết căn cứ chặt chẽ trên kinh điển và những giải thích truyền thống về phương diện bí truyền sâu xa nhất của Phật giáo.
01 Tháng Hai 2015(Xem: 16536)
Sự phát triển của Phật giáo Tây Tạng có những nét đặc thù mà có lẽ không nước nào khác trên thế giới có được. Vào năm 641 vua Đường Thái Tông của Trung Hoa gã công chúa Văn Thành cho vua Tây Tạng. Vị công chúa này là người thông minh, có học và là một Phật tử thuần thành.