Chương Ii Đề Xướng (Teisho) Của Lão Sư Bạch Vân Về Công Án Mu

10 Tháng Bảy 201200:00(Xem: 8574)

Thiền sư PHILIP KAPLEAU
ĐỖ ĐÌNH ĐỒNG dịch
BA TRỤ THIỀN
GIÁO LÝ – TU TẬP – GIÁC NGỘ
Nguyên tác: The Three Pillars of Zen
Cập Nhật và Hiệu Đính
theo Ấn Bản Kỷ Niệm Năm Thứ 35 của Nguyên Tác Tiếng Anh

PHẦN MỘT
GIÁO LÝ VÀ TU TẬP

Chương II: 
Đề Xướng (Teisho) của Lão sư Bạch Vân về Công Án Mu

DẪN NHẬP CỦA NGƯỜI BIÊN TẬP

 

 Mãi từ khi Triệu Châu, một trong các Thiền sư vĩ đại của Trung hoa đời nhà Đường, đáp “Mu”(1) cho một ông tăng hỏi con chó có Phật tánh hay không, những âm vang ngẫu nhiên đã dội qua các sảnh đường của các Thiền tự và Thiền viện hàng bao thế kỷ. Ngay cả ngày nay, không một công án nào thường được chỉ định cho hàng mới tu nhiều hơn nó. Giữa các sư Nhật bản thường đồng ý với

 

-------------------------------------------

(1) Đây là công án “Mu” của Triệu Châu [hay “Triệu Châu Cẩu Tử”], Tàu phát âm là “Wu,” âm Hán-Việt là “Vô,” Nhật phát âm là “Mu,” có nghĩa đen là “Không” hay “Không có.” Trong ấn bản “Ba Trụ Thiền” do nhà xuất bản Thanh Văn ấn hành ở Hoa Kỳ vào năm 1991, người dịch đã dùng chữ “Không” để dịch chữ “Mu” của công án này. Chữ “Không” đã dùng trong ấn bản đó chỉ có nghĩa là “Không có” và nó không liên quan gì đến chữ “Không” trong nghĩa “Tánh Không” hoặc chữ “Emptiness” trong tiếng Anh. Đây là nói về mặt từ nghĩa, không phải nói về cách tham công án. Theo ý chỉ của Lão sư Philip Kapleau, tác giả của nguyên tác tiếng Anh, nên để nguyên chữ “Mu” theo cách phát âm của người Nhật, không dịch như đã giải thích ở Lời Tựa. (Đỗ Đình Đồng)

 

nhau rằng không vượt qua được nó thì không phá vỡ nổi tâm vô minh và mở con mắt Pháp được.

 Trong Vô Môn Quan (Nh. Mumonkan, H. Wu-men-kuan) do Thiền sư Vô Môn (Nh. Mumon, H. Wumen) biên tập, “Mu” mở đầu tập sách bốn mươi tám công án này.

 Nguồn năng lực của “Mu” là gì, cái gì khiến nó giữ vị trí hàng đầu trong các công án hơn một ngàn năm qua? Vả lại, những công án như “Tiếng vỗ của một bàn tay là gì?” và “Bộ mặt trước khi cha sinh mẹ đẻ là gì?” đều nhử mồi tâm phân biệt và kích thích trí tưởng tượng, “Mu” vẫn giữ sự lạnh lùng cách xa lý trí và tưởng tượng. Sự thực, cố gắng giải đáp “Mu” bằng lý luận, chúng ta được các sư cho biết, là giống như “cố đấm nắm tay qua vách sắt.” Bởi vì, lý luận và lý trí hoàn toàn không thể thấm nhập vào Mu được và hơn nữa dễ dàng mà nói rằng nó đã tự chứng minh nó như là một con dao giải phẫu tiện dụng phi thường để cắt đứt gốc rễ khỏi vô thức sâu kín nhất sự phát triển của cái “ta” và cái “không phải ta” hiểm ác, đánh độc tính thanh tịnh vốn có của Tâm và phá hoại tính toàn thể nền tảng của nó.

 

 Mỗi công án là một biểu hiện độc đáo của Phật tánh sống động, bất khả phân mà lý trí nhị nguyên không thể hiểu được. Bất chấp sự trái nghịch của các yếu tố khác nhau, các công án đều có ý nghĩa sâu xa. Tất cả đều chỉ bộ mặt con người trước khi cha sinh mẹ đẻ (bản lai diện mục: bộ mặt xưa nay), cái chân ngã của mình. Đối với những người ấp ủ văn tự cao hơn tinh thần thì công án tỏ ra thật là rắc rối, vì trong cách phát biểu, các công án đã thận trọng ném cát vào con mắt lý trí để buộc chúng ta mở con mắt Tâm thấy thế giới và mọi sự vật trong đó mà không bị bóp méo bởi những quan niệm và phán xét của chúng ta.

 Các công án đều lấy các đề tài cụ thể, các sự vật trần gian như con chó, cái cây, cái mặt, ngón tay để làm cho chúng ta thấy rằng, một mặt, mỗi sự vật đều có giá trị tuyệt đối, và mặt khác, chận đứng khuynh của lý trí tự neo mình trong những tư tưởng trừu tượng. Nhưng ý nghĩa của mọi công án đều giống nhau, thế giới là một toàn thể tương tùy, và mỗi một người riêng rẽ trong chúng ta là cái Toàn Thể đó.

 Các Thiền sư Trung hoa, những thiên tài tâm linh, đã sáng tạo những cuộc vấn đáp nghịch lý, không ngần ngại bịt mũi chế nhạo cái ý nghĩa hợp lý luận và thông thường trong các sáng tạo kỳ diệu của họ. Bằng cách tán tỉnh lý trí thử đưa ra những giải đáp không thể có được, các công án vén mở cho chúng ta các giới hạn cố hữu của tâm như là một phương tiện để nhận ra Chân lý tối hậu. Trong quá trình ấy, chúng giải phóng tâm ra khỏi cái bẩy ngôn ngữ, “mà nó vừa khít như một cái áo chẽn,”(2) nới lỏng chúng ta ra từ sự nắm giữ những giáo điều và thành kiến, cởi bỏ cho chúng ta xu hướng phân biệt tốt xấu và làm chúng ta trống rỗng hết vọng niệm về ta và người. Cuối cùng một ngày nào đó, chúng ta có thể nhận thức được rằng thế giới của Toàn Hảo thực ra không có gì khác với thế giới mà trong đó chúng ăn và bài tiết, cười và khóc.

 

Khi có người hỏi Thiền sư Trung Phong (Chung-feng) tại sao gọi giáo lý của Phật và chư Tổ là công án, sư đáp:

“Công án không biểu thị quan niệm riêng tư của bằng lý lẽ… Vì những cái cốt yếu của siêu việt tất cả, của

 

----------------------------------------------

(2) Lời của William Golding, do Raynor C. Johnson dẫn trong “Watcher on the Hills, Harper, (New York, 1959) trang 27.

 

giải thoát tối hậu, sự thấm nhập hoàn toàn, và sự đạt thành một cá nhân nào mà biểu thị nguyên lý tối thượng… Nguyên lý này phù hợp với nguồn tâm linh, phù hợp với huyền nghĩa, diệt sanh tử, siêu việt phiền não. Không thể hiểu nó bằng luận lý; không thể truyền đạt nó bằng lời nói; không thể giải thích nó bằng văn tự; không thể đo lường nó đồng nhất, không một cái gì có thể vượt qua công án.”(3)

 

 Công lao to lớn của các công án, được xếp hạng trên cả lãnh vực mênh mông của các giáo lý Đại thừa, là bắt chúng ta, theo cách thức tinh xảo và thường có tính chất kịch, học các giáo lý không phải chỉ đơn giản bằng trí óc mà còn bằng toàn thể con người mình, và từ chối cho phép chúng ta ngồi lý thuyết về chúng một cách vô tận trong trừu tượng. Những gì Henrich Zimmer nói về một số kiểu quán tưởng cũng đặc biệt đúng với các công án, tinh thần ấy phải

được chứng minh trước vị lão sư và không chỉ giải thích: “Tri thức là phần thưởng của hành động…Vì do làm việc mà người ta trở nên thay đổi. Thực hiện một dáng điệu có tính cách tượng trưng, thực sự sống, đến tận giới hạn, qua một vai trò đặc biệt, người ta sẽ đi đến thể hiện sự thật vốn có trong vai trò ấy. Đau khổ vì các hậu quả của nó, người ta hiểu rõ và làm kiệt quệ nội dung của nó...”(4)

 Tuy nhiên, không nên giả định rằng người ta có thể đạt đến điểm này một cách dễ dàng mà không có sự độ xuống sau khi làm y quay mòng. Bây giờ người mù đã mất chỗ nương tựa duy nhất và trực giác của y, y không biết sẽ

 

----------------------------------------------

(3) Miura và Saski dẫn trong Zen Dust, trg. 5.

(4) Philosophies of India của Henrich Zimmer, do Joseph Campbell biên tập (Princeton, N.J., Priceton University Press, 1969), trang 544.

 

lượng nào của thất vọng và ngay cả tuyệt vọng. Trong Zen Comments on the Mumonkan [Thiền bình Vô Môn Quan] (trg. 101), Thiền sư hiện đại Shibayana dẫn lời thầy ông về chức năng của công án: “Giả sử ở đây là một người hoàn toàn mù đang cực nhọc nương theo cây gậy của y và tùy thuộc vào trực giác của mình. Vai trò của công án là, một cách không thương xót, lấy đi cây gậy của y và đẩy y ngã đi đâu hay tiến tới như thế nào. Y bị ném vào hố sâu tuyệt vọng. Cùng cách thức như thế, công án sẽ tước mất tất cả lý trí và tri thức của chúng ta một cách không thương xót. Tóm lại, vài trò của công án là không dẫn chúng ta đến ngộ một cách dễ dàng, trái lại còn làm cho chúng ta mất cả đường lối và đẩy chúng ta vào tuyệt vọng.”

Giải đáp đầy đủ một công án liên hệ với sự vận động của Tâm từ trạng thái vô minh (mê hoặc) đến nhận thức rung động bên trong về chân lý sống động. Điều này ám chỉ sự hiện lên trong vùng ý thức của Phật Tâm không tỳ vết, là cái trái nghịch với tâm mê hoặc. Quyết tâm chiến đấu với một công án, thoạt đầu, phát sinh do lòng tin vào thực tại của Tâm Bồ-đề, chính cuộc chiến đấu là nỗ lực của Tâm này vứt bỏ sợi xích vô minh và đi đến Tự Tri.

 Lời đề xướng này do Thiền sư Bạch Vân ban cho, không có chú thích, khoảng ba mươi lăm cư sĩ tại một khóa nhiếp tâm vào năm 1961. Nó được ghi lại ở đây bằng lời dịch đúng như ông đã cống hiến, trừ sự xuất hiện phụ của vài từ ngữ lặp đi lặp lại vụng về không thể tránh được len vào lời nói ứng khẩu. Bằng sự rõ ràng và sắc bén, bằng hứng khởi, khích lệ và dẫn dắt, nó đem lại cho hàng mới tu cũng như hàng cao đệ, nó đứng như một lời bình kiệt xuất về công án thời danh này.

 Lời bình luận sinh động, sâu sắc (khác với lời bình đi kèm công án) thật là vô giá đối với người phát nguyện ước mong lợi dụng công án làm bài tập luyện tinh thần. Ngoài ra, để làm cho y quen với bối cảnh của các nhân vật trong vở kịch và diễn đạt bằng ngôn ngữ hiện thời các từ ngữ khó hiểu và ám ngữ ẩn dụ thường gặp trong ngôn ngữ hằng ngày của Trung hoa thời xưa mà các công án và lời bình khi soạn thảo đã sử dụng, nó ném trước mặt y tinh thần của công án bằng ngôn ngữ ngắn gọn, mạnh mẽ. Một người thiếu định hướng này rất có thể sẽ thấy công án xa lạ, nếu không nói là kỳ dị.

 Vì đề xướng (teisho) không phải là bài giảng thông thường hay bài thuyết pháp nói với tất cả mọi người không trừ ai mà là một phần trong toàn bộ sự huấn luyện Thiền, nó thường được ban cho trong khóa nhiếp tâm, cốt yếu làm lợi ích cho những ai đến để thực hành tọa thiền.(5) Trong tự viện, đề xướng diễn ra ít nhất một lần và thường là hai lần một ngày, được tiếng bán chung (hansho) trang nghiêm báo trước, giữa tiếng chuông, trống và thanh la lớn nhất dùng trong Thiền viện. Lúc có báo hiệu ấy, từ phòng tọa thiền tất cả xếp hàng vào chánh điện và chia thành hai nhóm đối diện nhau, thẳng góc với bàn thờ, tự ngồi trên tấm đệm trong theo tư thế ngồi cổ truyền của người Nhật (seiza: túc tọa). Rồi vị lão sư xuất hiện với người thị giả tháp tùng mang tập sách công án(6) bọc trong tấm lụa lễ, cả

hai như là dấu hiệu tôn kính và bảo vệ. Tất cả đều khiêm tốn cúi đầu trước vị lão sư khi ông tiến tới trước bàn Phật (Butsudan: Phật đàn) để đốt nhang và cắm trước tượng Phật. Rồi vị lão sư dẫn đầu, mọi người đứng lên, mặt

 

------------------------------------------------

(5) Các tín đồ cũng có dịp được nghe đề xướng, mặc dù họ không tham dự nhiếp tâm. Trong một vài tự viện, đề xướng cũng được ban cho vào những lúc khác ngoài nhiếp tâm mà đầu tiên là cho các tăng nhân nội trú.

(6) Về tên của những sách này, xem “Công án” ở Chương X.

 

hướng về bàn Phật và ông tự quì lạy ba lần. Những hành động sùng mộ này tỏ lòng biết ơn, tôn kính và khiêm cung đối với Phật và các Tổ sư đều được mọi người thực hiện. Vị lão sư ngồi trên một tấm tọa cụ lớn đặt trên một cái bệ, mặt hướng về bàn Phật, chân xếp theo tư thế kiết già và hướng dẫn cả nhóm tụng một đoạn ngắn rút ra từ một quyển kinh. Bây giờ ông bắt đầu bài đề xướng.

 

 Cũng giống như đoạn kinh tụng trước, bài đề xướng là một lễ vật dâng lên Phật, và thực tế đây là ý nghĩa việc lão sư hướng mặt về bàn Phật mà không hướng mặt về phía người nghe trong khi đề xướng. Trong khi chính ông nói với Phật, quả thật vị lão sư nói: “Đây là lời con bày tỏ về Chân Lý trong các lời dạy của Người và mong Người sẽ hài lòng.”

 Bài đề xướng không phải là một bài diễn văn thông thái về “ý nghĩa” của công án, vì vị lão sư biết rằng những giảng giải, dù phức tạp hay vi diệu đến đâu cũng không thể đưa đến nội tri ấy, mà chỉ có nó mới làm cho người ta chứng minh được tinh thần công án với sự chắc chắn và lòng xác tín. Thực tế, các Thiền sư chỉ xem định nghĩa và giải thích là khô khan, không có sự sống, và cuối cùng sẽ dẫn đến lầm lạc vì vốn bị giới hạn. Chỉ một tiếng “Đồ ngu!” thốt ra từ đáy lòng còn nói được nhiều hơn hàng triệu chữ định nghĩa nó. Vị lão sư cũng không làm nặng gánh người nghe bằng những diễn thuyết thuần triết học về giáo lý Phật giáo hay về bản chất siêu hình của thực tại tối hậu.

 Mục đích của Thiền sư là làm sống lại tinh thần và kịch cảnh của công án, qua từ ngữ và dáng diệu có trọng lượng, ông đem lại sự sống cho sự thật vốn có trong vai trò của các nhân vật chính khác nhau. Nhận thức sắc bén về các mức độ hiểu khác nhau của người nghe, ông nói lời bình luận để mỗi người nhận được tùy theo khả năng hiểu của họ, ngay cả khi ông liên hệ tinh thần công án với kinh nghiệm sống thường ngày của người nghe. Nói theo ngôn ngữ Thiền, vị lão sư “kích phát” công án từ hara, hy vọng rằng các tia chân lý bắn ra soi sáng tâm người nghe.

 

 Rồi chính vị lão sư phải đưa ra lời đề xướng từ hara, nếu nó chói ngời tinh thần và sức mạnh toàn thể con người ông và tương tự, người nghe cũng phải tập trung tâm họ ở hara, nếu họ muốn lãnh hội và thấm nhập trực tiếp và trọn vẹn tâm lý đang máy động mà vị lão sư đang phóng vào họ. Lắng nghe đề xướng thực ra là một hình thức khác của tọa thiền, nghĩa là một trạng thái tập trung không gián đoạn đưa đến sự thấm nhập toàn bộ. Vì thế, tâm tập trung không nên để bị sự ghi chép những điểm đáng chú ý trong khi nghe đề xướng hoặc bị sự chuyển hướng của đôi mắt trong tư thế “ngồi” làm phân tán. Trong một tự viện kỷ luật nghiêm túc, các vị trưởng tăng sẽ khiển trách những người mới tu cố gắng ghi chép những điểm đáng chú ý hoặc để mắt vẩn vơ khắp thiền đường nhìn người khác ngồi.

 Riêng đối với những ai sùng mộ mà bài luyện tập tinh thần là một công án, lời đề xướng bằng cách cung cấp nhiều “mấu cứ” giới thiệu một cơ hội vô song để đạt nội kiến trực tiếp ý nghĩa cốt yếu của công án. Nếu người ấy đã thành công trong việc làm cạn kiệt các tư niệm qua sự tập trung nhất tâm và đạt sự hợp nhất tuyệt đối với công án của mình, một câu nói duy nhất do vị lão sư thốt ra cũng có thể là mũi tên vàng bất thần tìm thấy đích của nó, xé toang chiếc áo u tối sâu kín nhất và làm tâm tràn ngập ánh sáng và nội tri. Đối với người tâm chưa chín muồi – nói cách khác, vẫn còn bị bao phủ trong vọng niệm – lời đề xướng là một nguồn chỉ điểm phong phú cho sự thực hành tương lai. Nhưng đối với tất cả, dù tâm của họ ở trạng thái nào, một bài đề xướng đanh thép cũng đem lại cho họ hứng khởi và khích lệ.

 Khi hoàn tất bài đề xướng, vị lão sư lặng lẽ xếp tập công án lại và tất cả cùng với ông tụng Bốn Lời Nguyện. Trong khi hay sau khi đề xướng, không lúc nào ông yêu cầu hay khuyến khích ai hỏi câu nào cả. Giáo lý Thiền cau mày với những câu hỏi có tính cách lý thuyết vì chúng không dẫn đến kinh nghiệm trực tiếp và đầu tiên về chân lý. Thái độ ấy có thể là noi dấu Phật, người đã giữ một “niềm im lặng cao quí” bất cứ khi nào có người hỏi những câu như, “Vũ trụ và linh hồn hữu hạn hay vô hạn? Bậc thánh còn hiện hữu sau khi chết hay không?” Và Phật giáo Thiền, tinh túy của giáo lý Phật giáo, cũng từ chối bàn đến những câu hỏi mà rốt ráo không có câu trả lời, hoặc những câu hỏi mà câu trả lời chỉ có thể hiểu được với cái tâm đã tắm trong ánh sáng trực quan toàn vẹn, tức là giác ngộ viên mãn. Trong lúc độc tham khi có người hỏi những câu hỏi trừu tượng, lý thuyết (vì thỉnh thoảng có như thế), thường vị lão sư ném trả chúng lại cho người hỏi, cố gắng làm cho người hỏi thấy cái nguồn phát sinh ra những câu hỏi ấy, nối kết người hỏi với cái nguồn ấy.

 Nhưng còn một số lý do khác nữa tại sao các câu hỏi trừu tượng bị nhìn với thái độ không thích thú? Sự bận rộn với những câu hỏi như thế không những chỉ có khuynh hướng chiếm mất chỗ của tọa thiền và sự giác ngộ mà chỉ có tọa thiền mới đưa đến được, mà còn bằng cách cù lét lý trí chúng tạo ra khó khăn vô số cho tâm tĩnh lặng và rỗng không, rất thiết yếu cho kiến tánh. Câu đáp cổ điển của Phật cho một tăng nhân dọa bỏ cuộc sống tu hành trừ phi Phật trả lời câu hỏi của ông ta về bậc thánh còn hiện hữu sau khi chết hay không, đáng được nhắc lại:

 “Nếu có người bị một mũi tên tẩm độc đả thương thì bạn bè và thân nhân có nên tìm cho người ấy một y sĩ hay một nhà giải phẫu; và người bệnh có nên nói: ‘Tôi sẽ không chịu rút mũi tên này ra cho đến khi nào tôi biết được người bắn tôi bị thương thuộc đẳng cấp chiến sĩ hay đẳng cấp Bà-la-môn… Biết được anh ta cao hay thấp, trung bình, có da đen, ngăm ngăm hay vàng, ở thôn quê, thị xã hay thành phố, nó là mũi tên thường hay mũi tên đầu có ngạnh…Người ấy sẽ chết mà không bao giờ biết được điều ấy.”(7)

 Và trong một đối thoại khác Phật nói: “Cuộc sống tôn giáo không tùy thuộc vào tín điều thế giới là thường hay vô thường, hữu hạn hay vô hạn; linh hồn và thể xác là đồng nhất hay khác biệt hoặc tín điều bậc thánh còn hiện hữu sau khi chết hay không… Nó không lợi ích gì cả, nó cũng chẳng liên hệ gì với các nền tảng tôn giáo, cũng không có khuynh hướng diệt dục…để đạt trí tuệ vô thượng và Niết-bàn.”(8) 

 

----------------------------------------------

(7) Majjhima Nikaya 63.

(8) Majjhima Nikaya 72.

 

ĐỀ XƯỚNG

 

 Hôm nay tôi sẽ bàn về trường hợp đầu của Vô Môn Quan, nhan đề: “Con chó của Triệu Châu.” Tôi sẽ đọc chính công án, rồi đến lời bình của Vô Môn.

 

Công án:

Một ông tăng hết sức trang nghiêm hỏi Triệu Châu: “Con chó có Phật tánh hay không?” Triệu Châu đáp: “Mu.”(9)

 

Lời Bình của Vô Môn:

 

 Tu Thiền phải lọt qua cái ải(10) do các Tổ dựng lên. Để nhận ra điều kỳ diệu này gọi là ngộ, phải dứt tất cả tư

niệm [phân biệt]. Nếu không vượt qua được ải ấy, không diệt được sự xuất hiện các tư niệm, thì cũng giống như bóng ma bám trên đầu cây ngọn cỏ.

 

---------------------------------------------

 (9) “Mu” nguyên là chữ Hán, người Tàu phát âm là “Wu,” âm Hán Việt là “Vô,” người Nhật phát âm là “Mu,” có nghĩa đen là “Không” hay “Không có” và không liên quan gì với chữ “Không” trong nghĩa “Tánh Không” hay chữ “Emptiness” trong tiếng Anh. Đây là nói về mặt từ nghĩa, không phải nói về cách tham công án này. Vậy, người chỉ định công án này và người nhận tham nó tùy nghi chọn cách phát âm cảm thấy thích hợp (‘Mu’ hay ‘Wu’ hay ‘Vô’). Xem phần âm Hán-Việt và lời dịch toàn bộ công án “Triệu Châu Cẩu Tử” theo nguyên tác Hán văn của Thiền sư Vô Môn, ở Chương X.

(10) Ở Trung hoa ngày xưa, các cửa ải được dựng trên các con đường chính dẫn đến một thị trấn hay một thành phố, nơi ấy người ta phải qua sự kiểm soát trước khi được phép nhập vào thị trấn hay thành phố, có thể so sánh đại khái với các trạm quan thuế hay các trạm kiểm soát di trú ngày nay.

 

 Thế thì cái ải do các Tổ dựng lên là gì? Ấy là “Mu,”

một cái ải của lời dạy tối thượng. Rốt ráo, nó là cái ải không phải là ải. Ai đã lọt qua ải ấy không những chỉ thấy Triệu Châu mặt đối mặt mà còn tay trong tay cùng bước với tất cả Tổ sư. Quả thật, người ấy có thể đứng mày đối mày, nghe cùng lỗ tai, thấy cùng con mắt.

 

 Kỳ diệu thay! Ai không muốn lọt qua ải ấy? Vì nó, phải tập trung ngày đêm, tự hỏi bằng từng cái trong 360 cái xương và 84 ngàn lỗ chân lông. Đừng biện giải “Mu” là không có gì hết, cũng đừng suy nghĩ nó bằng các hạn từ hiện hữu hay không hiện hữu. [Phải đạt đến độ cảm thấy] như nuốt hòn sắt nóng đỏ mà không thể khạc ra được dù đã cố hết sức. Khi đã dứt bỏ tất cả vọng niệm và phân biệt, trong và ngoài như một, thì sẽ giống như người câm nằm mộng [không thể nói được mình mộng cái gì]. Một khi hốt nhiên ngộ được, sẽ long trời lở đất. Tựa như đoạt được thanh long đao của Quan tướng quân, có thể gặp Phật giết Phật [nếu họ cản trở mình] gặp Tổ giết Tổ [nếu họ chướng ngại mình]. Đối mặt với sanh tử, nhưng vẫn tự do, có thể dạo chơi trong sáu nẻo luân hồi và bốn cách sinh trong niềm vui chánh định vô tư.”

 

 Làm sao đạt được như vậy? Hãy vận dụng toàn tâm toàn lực vào Mu. Nếu cứ tiếp tục như thế không gián đoạn thì tâm giống như ánh chớp lóe lên trong bóng tối, bỗng nhiên trở nên sáng ngời. Kỳ diệu thực!


Kệ của Vô Môn:

 “Con chó, Phật tánh!-
Toàn thể, tuyệt lệnh!.
Một niệm “có,” “không”

 Chôn thân mất mạng.”

 Nhân vật chính của công án này là Triệu Châu, một Thiền sư lừng danh Trung quốc. Tôi nghĩ tốt hơn nên gọi sư là Tổ Triệu Châu. Tôi nghĩ rằng lời đề xướng của tôi hôm nay sẽ dài, tôi sẽ bỏ qua không nói với quí vị các sự kiện về cuộc đời Triệu Châu. Nói như thế này cũng đủ, như tất cả quí vị đều biết, sư là ông Tổ vĩ đại của Thiền. Trong khi có nhiều công án tập trung quanh sư, chắc chắn đây là đây là công án được biết đến nhiều nhất. Sư Vô Môn hăng hái tham công án này đến sáu năm và cuối cùng đã chứng ngộ Tự-tánh. Hiển nhiên nó đã tạo ấn tượng sâu sắc nơi sư, vì sư đã đặt nó ở đầu tập sách bốn mươi tám công án của mình. Thực ra không có lý do đặc biệt nào tại sao phải đặt công án này ở vị trí đầu tiên – người ta có thể đặt bất cứ công án nào khác ở đầu cũng được – nhưng tình cảm của Vô Môn dành cho nó rất thân thiết đến nỗi sư đặt nó ngay ở đầu sách một cách tự nhiên.

 Dòng đầu tiên viết: “Một ông tăng hết sức trang nghiêm hỏi Triệu Châu…” nghĩa là câu hỏi của ông tăng không phải vu vơ, cũng không nhảm nhí mà có sự quan tâm sâu xa.

 Phần kế tiếp: “Con chó có Phật tánh hay không?” dựng câu hỏi: “Phật tánh là gì?” Một câu rất nổi tiếng trong kinh Niết Bàn nói rằng: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh.” Thành ngữ “Tất cả chúng sinh” nghĩa là toàn bộ cuộc tồn sinh. Không phải chỉ có con người mà loài vật, ngay cả cây cỏ cũng là chúng sanh. Vì thế, con chó, con khỉ, con chuồn chuồn, con sâu đều có Phật tánh, theo kinh Niết Bàn. Tuy nhiên, theo văn mạch của công án này, quí vị có thể xem hạn từ ấy chỉ nói đến động vật.

 Thế thì Phật tánh là gì? Một cách vắn tắt, bản tánh của vạn vật là như thế và nó có thể thành Phật. Bây giờ, một vài người trong quí vị nghĩ rằng có một cái gì đó gọi là Phật tánh ấy ẩn nấp bên trong chúng ta, có thể hỏi về chỗ của Phật tánh này. Quí vị có thể cân nhắc nó với lương tâm cái mà mọi người, ngay cả kẻ ác, đều cho là mình có. Quí vị sẽ không bao giờ hiểu được chân lý của Phật tánh cho đến khi nào quí vị còn chấp chứa một cái nhìn bề ngoài như thế. Thiền sư Đạo Nguyên giải thích câu kinh Niết Bàn này có nghĩa là cái gì vốn có đối với tất cả chúng sinh là Phật tánh, và không có nghĩa rằng tất cả chúng sinh có một cái gì đó gọi là Phật tánh. Như thế, theo cách nhìn của Đạo Nguyên, chỉ có Phật tánh, không có gì khác.

 Trong Phật giáo, “Phật tánh” là một từ thân mật và “Pháp tánh” là một từ không ngôi vị. Nhưng nếu chúng ta nói Phật tánh hay Pháp tánh, bản chất cũng như nhau. Một người trở thành giác ngộ đối với Pháp là một vị Phật, vì thế Phật xuất hiện từ Pháp. Kinh Kim Cương nói rằng tất cả chư Phật và sự giác ngộ của các Ngài đều xuất hiện từ Pháp. Do đó, Pháp là mẹ của Phật. Thực ra chẳng có mẹ cũng chẳng có con, như tôi đã nói, dù nói Phật hay nói Pháp thì cũng như nhau.

 Pháp của Pháp tánh là gì? Pháp có nghĩa là hiện tượng. Những gì chúng ta gọi là hiện tượng – là những cái hiển nhiên đối với các giác quan – trong Phật giáo gọi là pháp (dharmas). Chữ hiện tượng, vì nó chỉ lên hệ đến các khía cạnh có thể quan sát, không ám chỉ cái mà nó làm cho chúng hiển hiện, có một nội dung giới hạn. Các hiện tượng này gọi là Pháp (Dharma), chỉ vì chúng xuất hiện không do ngẫu nhiên cũng không do ý muốn của một tác nhân đặc biệt giám thị vũ trụ. Tất cả mọi hiện tượng đều là kết quả sự vận hành của luật nhân quả. Chúng xuất hiện khi các nhân duyên tác động hội đủ. Khi một trong các nhân hay duyên trở nên thay đổi thì hiện tượng cũng thay đổi theo. Khi sự kết hợp của các nhân và duyên hoàn toàn phân tán thì hình thể cũng biến mất theo. Toàn bộ cuộc tồn sinh là biểu hiện của Luật này, Pháp này. Bây giờ, vì có nhiều cách thức hiện hữu vì thế cũng có nhiều pháp tương ứng với các hiện hữu này. Bản thể của các pháp khác nhau này chúng ta gọi là Pháp tánh. Hoặc chúng ta nói Pháp tánh hoặc chúng ta dùng một hạn từ có tính cách ngôi vị hơn “Phật tánh,” các từ ngữ này cùng chỉ một thực tại duy nhất. Mọi sự vật, theo bản tánh của chúng, tùy thuộc vào quá trình biến hóa vô tận – đây là Phật – hay Pháp tánh.

 Bản thể của Phật – hay Pháp tánh này là gì? Trong Phật giáo gọi nó là Không (Shunyata). Bây giờ, Không không phải chỉ là cái trống rỗng, nó là cái gì sinh động, năng động, không có hình khối, không cố định, ở bên khia cá thể tính hay nhân cách tính – là cái bao bọc mọi hiện tượng. Ở đây, chúng ta có nguyên lý nền tảng hay giáo lý hay triết lý Phật giáo.

 Đối với Phật Thích-ca Mâu-ni, đây không phải chỉ là lý thuyết mà còn là chân lý mà Ngài đã trực ngộ. Với sự chứng ngộ mà nó là suối nguồn của toàn bộ giáo lý Phật giáo, quí vị sẽ lĩnh hội thế giới Không này. Thế giới này – không cố định, không hình khối, siêu việt cá thể tính hay nhân cách tính - ở ngoài tầm mức của trí tưởng tượng. Do đó, bản thể chân thực của sự vật, tức Phật hay Pháp tánh, thì không thể suy nghĩ hay tìm hiểu được. Vì cái gì có thể tưởng tượng được đều mang hình thể hoặc màu sắc, bất cứ điều gì người ta tưởng tượng về Phật tánh đều không thực. Thực ra, cái gì người ta suy nghĩ, tưởng tượng chỉ là hình ảnh về Phật tánh, không phải chính Phật tánh. Nhưng trong khi Phật tánh ở bên kia mọi suy tưởng, bởi vì chúng ta vốn là Phật tánh, chúng ta có thể giác ngộ được Phật tánh. Tuy nhiên, chỉ qua chứng ngộ chúng ta mới có thể khẳng định được nó trong Tâm. Vì thế, giác ngộ là tất cả. Một khi nhận ra thế giới Không, quí vị sẽ sẵn sàng hiểu bản tánh của thế giới hiện tượng và thôi bám vào nó. Những gì chúng ta thấy là hư vọng, không có bản chất, giống như các trò hề của những hình nộm trong phim. Quí vị sợ chết ư? Không cần phải sợ. Hoặc quí vị bị giết hoặc chết một cách tự nhiên, cái chết không có thực chất nào khác hơn thực chất của các hình nộm ấy. Hoặc nói cách khác, nó không có gì thực hơn dùng dao chém không khí hoặc sự nổ vỡ của bong bóng, chúng sẽ tái hiện dù vẫn thường vỡ tan như vậy.

 Khi thức ngộ thế giới của Phật tánh, chúng cũng sẽ thản nhiên với cái chết, vì biết rằng mình sẽ tái sinh qua sự giao hợp của một người cha và một người mẹ nào đó. Chúng ta sẽ tái sinh khi các quan hệ của nghiệp bắt chúng ta phải tái sinh. Chúng ta sẽ chết khi các quan hệ của nghiệp đưa chúng ta đến cái chết. Chúng ta là hóa thân của các quan hệ của nghiệp và khi chúng biến đổi chúng ta cũng biến đổi theo. Cái chúng ta gọi là cuộc đời không gì khác hơn là một quá trình của những thay đổi như thế. Nếu chúng ta không thay đổi, chúng ta sẽ không sống. Chúng ta trưởng thành và già cỗi vì chúng ta sống. Bằng chứng chúng ta sống là sự kiện chúng ta chết. Chúng ta chết vì chúng ta sống. Sống có nghĩa là sinh và tử. Sáng tạo và hủy diệt có nghĩa là sống.

 Khi thực hiểu nguyên lý nền tảng này, quí vị sẽ không lo âu về sự sống và cái chết của mình. Rồi quí vị sẽ có được tâm vững chắn và hạnh phúc trong cuộc đời. Dù cho trời đất có bị đảo ngược, quí vị cũng không sợ hãi. Và dù cho bom nguyên tử hay bom khinh khí nổ, quí vị cũng sẽ không chao động vì sợ hãi. Bao lâu quí vị còn trở thành một với trái bom, thì có gì phải sợ? “Không thể được,” quí vị sẽ nói. Nhưng dù muốn dù không, quí vị cũng bắt buộc phải trở thành một với nó, phải không? Vả lại, nếu quí vị bị bắt đem đi tế sinh, đương nhiên quí vị sẽ bị thiêu sống. Vì thế, hãy trở thành một với ngọn lửa khi không có cơ hội nào để thoát thân! Nếu quí vị rơi vào nghèo túng, hãy sống như thế không phàn nàn, bấy giờ sự nghèo túng sẽ không còn là gánh nặng nữa. Trái lại, nếu quí vị giàu có, hãy sống với sự giàu có của mình. Tóm lại, Phật tánh có tính chất thích ứng vô cùng.

 Trở lại với công án, chúng phải tiến gần đến câu hỏi: “Con chó có Phật tánh hay không?” với sự cảnh giác, vì chúng ta không biết ông tăng ấy ngu thật hay chỉ giả vờ để thử Triệu Châu. Nếu Triệu Châu trả lời, “Có” hoặc “Không có” thì sư sẽ bị hạ ngay. Quí vị có thể hiểu tại sao không? Bởi điều quan hệ không phải là vấn đề “có” hoặc “không có.” Mọi sự vật đều là Phật tánh thì trả lời thế nào cũng sẽ phi lý. Nhưng đây là “Pháp chiến,” Triệu Châu phải đỡ quả đấm. Sư đã đỡ bằng cách đáp sắc bén “Mu.” Cuộc đối thoại chấm dứt tại đây.

 Trong các bản khác của công án này, ông tăng hỏi tiếp: “Tại sao con chó không có Phật tánh trong khi kinh Niết Bàn nói tất cả chúng sinh đều có Phật tánh?”(11) Triệu Châu gạt phăng: “Nó có nghiệp riêng!” Những gì Triệu Châu muốn nói là Phật tánh của con chó thì không gì khác hơn là nghiệp. Các hành động được thực hiện với tâm mê hoặc sẽ sản sinh ra kết quả đau đớn. Đây là nghiệp (karma). Nói rõ hơn, con chó là con chó như là kết quả nghiệp quá khứ của nó qui định nó thành con chó. Đây là sự vận hành của Phật tánh. Vì thế, đừng nói, dường như có một cái gì đó đặc biệt được gọi là “Phật tánh.” Đây là ẩn ý trong chữ “Mu” của Triệu Châu. Thế thì rõ ràng “Mu” không dính dáng gì đến sự hiện hữu hay không hiện hữu của Phật tánh. Lời đáp “Mu” phơi bày và đồng thời ném trọn vẹn Phật tánh ra trước mặt chúng ta. Bây giờ, trong khi quí vị có thể

---------------------------------------------

(11) Ông tăng hiển nhiên đã cho chữ “Mu” của Triệu Châu có nghĩa là “Không có.”

 

 

không hiểu được trọn vẹn những gì tôi đang nói thì cũng không bước lạc đường nếu quí vị biện giải Phật tánh theo cách này.

 Lý trí không thể lãnh hội được Phật tánh. Để trực tiếp lãnh hội nó, quí vị phải tìm tâm mình với lòng sùng mộ tột cùng, cho đến khi nào quí vị tin tuyệt đối vào sự hiện hữu của nó, vì rốt ráo, quí vị chính là Phật tánh này. Trước tôi đã nói rằng Phật tánh là Không (Ku) – không ngôi vị, không hình khối, không cố định và có thể biến hóa vô cùng – tôi chỉ cống hiến một bức chân dung về nó mà thôi. Có thể nghĩ về Phật tánh theo các hạn từ đó, nhưng quí vị phải hiểu rằng bất cứ điều gì quí vị suy nghĩ, tưởng tượng nhất thiết đều không thực. Vì thế không có cách nào khác hơn là kinh nghiệm chân lý trong tâm mình. Đây là cách Vô Môn với lòng tốt vô lượng đã chỉ cho.

 

 Bây giờ chúng ta hãy xét đến lời bình của Vô Môn. Sư bắt đầu bằng cách nói: “Tu Thiền...” Tọa thiền, độc tham, nghe đề xướng – tất cả những cái này gọi là tu Thiền. Chú tâm vào các chi tiết trong cuộc sống hàng ngày của mình cũng là tu Thiền. Khi cuộc sống của mình và Thiền là một là quí vị đang sống Thiền thực sự. Trừ phi nó hợp với các hoạt động thường ngày của mình thì Thiền chỉ là một món trang sức. Quí vị phải thận trọng, không nên khoa trương Thiền mà chỉ lặng lẽ hòa lẫn nó vào cuộc sống của mình. Một thí dụ cụ thể về sự chú ý, khi quí vị bỏ đôi guốc lại ở hàng ba hay đôi dép lại ở nhà tắm, quí vị phải cẩn thận xếp chúng lại đúng vị trí để người kế có thể dùng được ngay cả trong đêm tối. Sự chú ý như thế là một biểu hiện thực tế của Thiền. Nếu quí vị đặt guốc hay dép một cách lơ đãng là quí vị đang thiếu chú tâm. Khi đi quí vị phải bước cẩn thận để không bị trượt té hay vấp ngã. Chớ trở nên sơ hở.

 Nhưng tôi lạc đề rồi. Hãy tiếp tục: “…phải lọt qua cái ải do các Tổ dựng lên.” “Mu” đúng là cái ải như thế. Ngay từ đầu tôi đã nêu rõ: chẳng có ải nào cả. Mọi sự vật đều là Phật tánh, không có cổng nào để vào hay ra cả? Nhưng để thức tỉnh chúng ta biết sự thật rằng mọi sự vật đều là Phật tánh, các Tổ miễn cưỡng dựng lên các ải và thúc giục chúng ta vượt qua. Các Tổ kết tội sự thực hành không đúng và phản đối những câu trả lời không đủ của chúng ta. Khi quí vị phát triển đều đặn trong chân thành, một ngày nào đó, quí vị sẽ hốt nhiên Tự ngộ. Khi sự kiện này xảy ra, quí vị có thể vượt qua ải một cách dễ dàng. Vô Môn Quan là một tập sách chứa bốn mươi tám cái ải như thế.

 Dòng kế tiếp bắt đầu: “Để nhận ra điều kỳ diệu này gọi là ngộ …” Hãy xét chữ “kỳ diệu,” bởi vì ngộ không thể giải thích được, không thể suy nghĩ được, nên nó được miêu tả là kỳ diệu… “phải dứt tất cả mọi tư niệm [phân biệt]. Câu này có nghĩa là tiến gần Thiền bằng cái nhìn giả sử hay lý luận là vô ích. Quí vị không bao giờ đi đến ngộ được qua suy luận, nhận thức hay khái niệm hóa. Hãy thôi bám vào tất cả mọi hình thức tư niệm! Tôi nhấn mạnh điểm này, vì nó là tâm điểm của tu Thiền. Và đặc biệt đừng nhầm lẫn mà suy nghĩ rằng ngộ phải thế này hay thế kia.

 “Nếu không thể vượt qua ải ấy, không diệt được sự xuất hiện của các tư niệm, thì cũng giống như hồn ma bám nhờ trên đầu cây ngọn cỏ.” Hồn ma bóng quế không xuất hiện công khai giữa ban ngày mà chỉ lén lút hiện ra theo bóng tối, người ta nói thế, bám vào đất hay dương liễu. Chúng tùy thuộc vào các vật phụ trợ này để hiện hữu. Theo một nghĩa nào đó, con người cũng là những hồn ma bóng quế, vì đa số chúng ta không thể vận hành độc lập với tiền, thế đứng xã hội, danh vọng, bạn bè, uy quyền, hoặc những thứ khác mà chúng ta cảm thấy cần đồng hóa mình với một tổ chức hay một ý thức hệ. Nếu quí vị muốn làm một con người đáng quí thực sự và không phải là một bóng ma, quí vị phải có khả năng tự mình đứng thẳng, không tùy thuộc vào cái gì hết. Khi quí vị còn chấp chứa những tư tưởng triết học hoặc niềm tin tôn giáo, hoặc các quan niệm hay lý thuyết thuộc loại này hay loại khác, thì quí vị cũng vẫn là hồn ma bóng quế, dĩ nhiên, vì quí vị trở thành bị trói buộc vào chúng. Chỉ khi nào tâm quí vị trống rỗng những cái trừu tượng như thế, quí vị mới thực sự tự do và độc lập.

 Hai câu kế tiếp viết: “Thế thì cái ải do các Tổ dựng lên là cái gì? Ấy là “Mu,” một cái ải của lời dạy tối thượng.” Lời dạy tối thượng không phải là một hệ thống luân lý mà là cái gì nằm tại gốc rễ của mọi hệ thống như thế, nghĩa là Thiền. Chỉ cái gì có tánh thanh tịnh không bị pha trộn, hoàn toàn thoát khỏi những mê tín hay siêu nhiên mới có thể gọi là căn cội của mọi lời dạy, và vì thế nó là tối thượng. Trong Phật giáo, Thiền là giáo lý duy nhất không nhuốm màu các yếu tố siêu nhiên ở mức độ này hay mức độ khác – như vậy chỉ có Thiền được gọi là giáo lý tối thượng và “Mu” là một cửa ải của giáo lý tối thượng này. Quí vị có thể hiểu “một cửa ải” có nghĩa là cửa ải duy nhất hay là một trong nhiều cửa ải. Rốt ráo, không có cửa ải nào cả.

 “Ai đã lọt qua ải ấy không những chỉ thấy Triệu Châu mặt đối mặt…” Vì chúng ta đang sống trong một thời đại khác, dĩ nhiên chúng ta không thể thấy thực tế Triệu Châu bằng xương bằng thịt được. “Thấy Triệu Châu mặt đối mặt” nghĩa là hiểu Tâm mình. “…mà còn có thể tay trong tay cùng bước với tất cả chư Tổ.” Chư Tổ bắt đầu với Ma-ha Ca-diếp, người thừa kế Phật, xuống đến Bồ-đề Đạt-ma, Tổ thứ hai mươi tám, và tiếp tục đến hiện tại. “…mày đối mày…” là một hình ảnh ngôn ngữ hàm ý rất thân mật. “…nghe cùng lỗ tai, thấy cùng con mắt,” ám chỉ khả năng nhìn thấy sự vật theo cùng quan điểm như Phật và Bồ-đề Đạt-ma. Dĩ nhiên nó ám chỉ rằng chúng ta lĩnh hội rõ ràng thế giới giác ngộ.

 “Kỳ diệu thay! Quả thật kỳ diệu!” Chỉ những ai nhận ra sự quí giá của Phật, Pháp, và chư Tổ là có thể thưởng thức một câu cảm thán như thế. Những ai không để ý gì đến Phật và Pháp cũng có thể cảm thấy cái gì đó rất lạ lùng, nhưng vô ích. 

 “Ai không muốn lọt qua ải này?” Câu này khuyến dụ quí vị tìm chân lý bên trong chính mình. “Vì nó, phải tập trung ngày đêm, tự hỏi bằng từng cái trong 360 cái xương và 84 ngàn lỗ chân lông.” Những hình ảnh này phản ảnh cách suy nghĩ của người xưa, họ tin rằng thân thể con người được cấu tạo theo kiểu này. Dù sao, những gì ý ở đây muốn nói đến là toàn bộ con người quí vị. Hãy để cho toàn bộ con người của quí vị trở thành một khối nghi và vấn. Tập trung và thâm nhập vào Mu. Thâm nhập vào Mu có nghĩa là đạt sự hợp nhất tuyệt đối với nó. Làm sao có thể đạt được sự hợp nhất này? Bằng cách liên tục bám chặt Mu suốt ngày đêm! Đừng tách rời nó bất kỳ hoàn cảnh nào! Hãy liên tục chú tâm vào nó. “Đừng biện giải Mu là không có gì hết, cũng đừng suy nghĩ về nó bằng các hạn từ hiện hữu hay không hiện hữu.” Nói cách khác, quí vị không nên nghĩ về Mu như là một vấn đề liên quan đến sự hiện hữu hay không hiện hữu của Phật tánh. Thế thì quí vị phải làm gì? Hãy ngừng suy lý và hãy tập trung trọn vẹn vào Mu - chỉ Mu thôi.

Đừng vẩn vơ, hãy thực hành với từng chút sức. “[Phải đạt đến độ cảm thấy] như nuốt hòn sắt nóng đỏ…” Nói nuốt hòn sắt nóng đỏ, dĩ nhiên là nói quá, tuy nhiên chúng ta cũng thường vô ý nuốt phải cái bánh bột gạo nóng, nghẹn ở cổ, gây sự khó chịu đáng kể. Một khi nuốt Mu, quí vị cũng cảm thấy khó chịu kịch liệt, và cố gắng khạc nó ra một cách tuyệt vọng… “mà không thể khạc ra được dù đã cố hết sức,” đoạn này miêu tả những người tham công án này. Bởi vì Tự chứng ngộ là một viễn ảnh rất hấp dẫn, họ không thể từ bỏ được, mà họ cũmg chưa nắm được ý nghĩa của Mu. Vì thế không còn cách nào khác cho họ, trừ cách tập trung vào Mu cho đến khi họ “trở nên xanh mặt.”

 Cách ví von với hòn sắt nóng thực đáng thích thú. Quí vị phải nung tan các mê hoặc của mình với hòn sắt Mu đỏ rực mắc ở cổ họng quí vị. Các quan niệm mà quí vị theo và kiến thức thế gian của mình đều là mê hoặc. Kể cả các tư tưởng triết học và luân lý, dù cho cao siêu đến đâu, cũng như các tín ngưỡng tôn giáo và các giáo điều, ấy là chưa kể các ý nghĩ ngây ngô, tầm thường. Tóm lại, mọi ý niệm suy tư đều bao gồm trong hạn từ “mê hoặc” và như thế chúng cũng là chướng ngại cho sự nhận ra Bản-tánh của mình. Vì thế hãy đốt tan chúng bằng hòn lửa Mu.

 Quí vị không nên thực hành một cách bất thường. Quí vị sẽ không bao giờ thành công nếu quí vị chỉ tọa thiền khi hứng và rồi bỏ dễ dàng. Quí vị phải thực hành một cách đều đặn trong một, hai, ba hay ngay cả đến năm năm mà không chểnh mảng và luôn cẩn trọng. Như thế quí vị sẽ dần dần thành đạt trong thanh tịnh. Thoạt đầu quí vị không thể toàn tâm gieo mình vào Mu. Nó sẽ chạy trốn một cách nhanh chóng vì tâm quí vị sẽ bắt đầu lang thang đây đó. Quí vị sẽ phải tập trung một cách cực nhọc hơn, chỉ “Mu! Mu! Mu!” Nó sẽ lại lẫn trốn quí vị. Mỗi lần quí vị cố gắng tập trung nhiều hơn là mỗi lần thất bại. Đây là cái kiểu thông thông thường trong các giai đoạn đầu của thực hành. Ngay cả khi Mu không còn lẫn trốn nữa, sự tập trung của quí vị cũng trở nên bị phân chia vì có nhiều sự cưỡng bức khác nhau của tâm. Những sự cưỡng bức này sẽ biến mất theo thời gian, song vì chưa hợp nhất với Mu nên quí vị còn xa sự chín muồi. Hợp nhất tuyệt đối với Mu, thấm nhập không suy nghĩ vào Mu - đây là chín muồi. Khi đạt đến giai đoạn thanh tịnh, cả trong lẫn ngoài tự nhiên tan chảy hợp nhất. “Cả trong lẫn ngoài” có nhiều khía cạnh ý nghĩa. Có thể hiểu là chủ và khách hay tâm và thân. Khi quí vị thấm nhập trọn vẹn vào Mu, ngoài và trong hòa tan thành một nhất thể duy nhất. Nhưng không thể nào nói về nó được, quí vị sẽ giống như “người câm nằm mộng.” Người câm thì không thể nói gì về giấc mộng đêm qua của mình. Cũng giống như vậy, chính quí vị sẽ nếm mùi vị chánh định mà không thể nào nói cho người khác biết được.

 Ở giai đoạn này, Tự ngộ sẽ đột nhiên xảy ra nhanh như chớp. “Hốt nhiên ngộ được” chỉ đòi hỏi một chớp nhoáng. Nó xảy ra giống như một vụ nổ. Khi nó xảy ra, quí vị sẽ kinh nghiệm rất nhiều! Sẽ “long trời lở đất.” Mọi sự dường như thay đổi rất nhiều đến nỗi quí vị sẽ nghĩ là trời đất đảo lộn. Dĩ nhiên không có chuyện đảo lộn theo nghĩa đen. Với ngộ, quí vị sẽ thấy thế giới là Phật tánh, nhưng đây không có nghĩa là tất cả sẽ trở thành sáng chói như một vầng hào quang. Đúng hơn, mỗi sự vật thay đổi tận gốc mặc dù vẫn y như nó đang là.

 Đây thật đúng như Vô Môn miêu tả: “Tựa như đoạt được thanh long đao của Quan tướng quân.” Quan tướng quân là một dũng tướng không thể đánh bại được với thanh long đao của ông. Vì thế Vô Môn bảo quí vị sẽ trở thành người dũng cảm đoạt được thanh long đao của Quan tướng quân. Nói thế có nghĩa là đối với quí vị không gì không thể khắc phục được. Qua Tự chứng ngộ, người ta có được tự tin và phong thái hùng tráng trang nghiêm. Khi một người đến trước vị lão sư mà phong cách của người ấy hàm ý, “Hãy thử đi bằng bất cứ cách nào tùy ý,” như thế người ấy chắc chắn mình có thể “đánh” luôn cả thầy.

 “…có thể gặp Phật giết Phật [nếu họ cản trở mình], gặp Tổ giết Tổ [nếu họ chướng ngại mình].” Những người nhút nhát sẽ sững sốt khi nghe nói như thế và họ sẽ tuyên bố rằng Thiền là khí cụ của quỷ. Những người khác ít thận trọng hơn, song cũng không thể hiểu được tinh thần câu nói này, sẽ cảm thấy khó chịu. Chắc chắn Phật giáo khơi dậy trong chúng ta lòng kính trọng cực độ đối với tất cả chư Phật. Nhưng đồng thời nó cũng khuyên chúng ta phải tự giải thoát mình ra khỏi sự ràng buộc với họ. Khi chúng ta đã chứng ngộ được Tâm của Phật Thích-ca Mâu-ni và tu dưỡng các đạo hạnh vô song của Ngài, thì chúng ta đã nhận ra mục đích đích cao nhất của Phật giáo. Rồi chúng ta vĩnh biệt Ngài, chúng ta gánh vác việc truyền bá những lời dạy của Ngài. Tôi chưa bao giờ nghhe nói đến một thái độ như thế trong các tôn giáo dạy tín ngưỡng vào Thượng đế. Trong khi mục tiêu của người Phật tử là trở thành Phật, dù có thể là cùn nhụt, quí vị cũng có thể giết được Phật và chư Tổ. Những ai đã chứng ngộ đều có thể nói: “Nếu có Phật Thích-ca Mâu-ni và lão Bồ-đề Đạt-ma xuất hiện, tôi sẽ chém ngay, hỏi: Sao các ông lại đi ngã xiêu ngã tó như vậy? Các ông không còn cần thiết nữa!” Quyết tâm của quí vị sẽ là như thế.

 “Đối mặt với sinh tử, nhưng vẫn tự do, có thể dạo chơi trong sáu nẻo luân hồi và bốn cách sinh trong niềm vui chánh định vô tư.” Quí vị sẽ đối mặt với cái chết và sự tái sinh mà không lo âu. Sáu nẻo là địa ngục (hung), quỉ đói (pretas), thú vật, quỉ hiếu chiến (asuras), người và thần (devas). Bốn cách sinh là: sinh thai, sinh trứng, sinh nơi ẩm ướt, và sinh bằng cách biến hóa. Sinh ở cõi trời hay ở địa ngục vì không đòi hỏi có thân xác là sinh bằng cách biến hóa. Ai đã từng nghe nói về một vị thần phải chịu đau đớn khi sinh? Ở cõi trời hay địa ngục làm gì có cô mụ hay nữ hộ sinh?

Quí vị có thể được sinh ra ở bất cứ nơi nào và bằng bất cứ phương tiện nào, quí vị cũng có thể sống tự nhiên và vui vẻ, như trẻ thơ đang vui chơi. Đây là ý nghĩa của “niềm vui chánh định vô tư.” Chánh định (samadhi) là sự thấm nhập hoàn toàn. Một khi đã ngộ, quí vị có thể xuống địa ngục sâu nhất hay lên cõi trời cao nhất với tự do và vui sướng.

 “Làm sao được như vậy?” Bằng tọa thiền. “Hãy vận dụng toàn tâm toàn lực vào Mu.” Hãy kiên trì với tất cả sức lực của thể xác và tinh thần. “Nếu cứ tiếp tục như thế không gián đoạn…” Quí vị không nên bắt đầu rồi lại bỏ. Phải thực hiện đến cùng, giống như con gà mái ấp trứng cho đến khi nở con. Quí vị phải tập trung vào Mu không lùi bước, quyết không bỏ dở cho đến khi kiến tánh. “…thì tâm giống như ánh chớp lóe lên trong bóng tối, bỗng nhiên trở nên sáng ngời. Kỳ diệu thực!” Với ngộ, tâm thoát khỏi sự vô minh của nó trong quá khứ vô tận, sẽ sáng lên tức khắc. “Kỳ diệu thực!” thêm vào vì không có gì kỳ diệu hơn thế.

 

Dòng kệ đầu Vô Môn viết: “Con chó, Phật tánh.” Không cần chữ “tánh”, “Con chó Phật,” chữ dư. “Con chó, Phật” cũng còn thừa. “Chó” đủ rồi. Hay chỉ “Phật” thôi. Khi nói chó là Phật là quí vị đã nói quá nhiều. “Chó!” Thế đủ rồi. Nó hoàn toàn là Phật.

 “Toàn thể, tuyệt lệnh” ấy là mệnh lệnh chính truyền của Phật Thích-ca Mâu-ni - ấy là chánh pháp. Quí vị là Pháp này toàn hảo! Ấy là không miễn cưỡng - ấy là vén mở hoàn toàn.

 “Một niệm ‘có,’ ‘không’, Chôn thân mất mạng,” có nghĩa là gì? Một cách đơn giản, sự sống Phật quí giá của quí vị sẽ biến mất hoàn toàn.

 

 bat_tuy_jpg

Thiền sư Bạt Tụy Đắc Thắng,

chùa Hướng Nhạc, Yamanashi

  dai_van_jpg 

Lão sư Đại Vân

Tổ Nhạc Nguyên Điền

 bach_van_jpg 

Lão sư Bạch Vân An Cốc

  philip_kapleau_jpg

Philip Kapleau với Lão sư Nguyên Điền tại

chùa Phát Tâm, 1954

canh_van_jpg

Lão sư Canh Vân và Lão sư Bạch Vân

  bach_van_va_philip_kapleau_jpg

Lão sư Bạch Vân và Philip Kapleau,
Kamakura, 1957

 le_tho_gioi_jpg 

Lễ Thọ Giới của Philip Kapleau do Lão Sư Bạch Vân

chứng minh, 1948

 thong_dich_jpg 

Philip Kapleau thông dịch trong độc tham

với Lão sư Bạch Vân

 lam_banh_mochi_jpg 

Philip Kapleau làm bánh mochi (bánh nếp ráng),

Kita Kamakura, 1958

 philip_kapleau_2_jpg 

Philip Kapleau đang viết Ba Trụ Thiền,
Kamakura
, 1963

philip_kapleau_3_jpg 

Philip và deLancey Kapleau với con gái

Rama, Kamakura, 1962

 philip_kapleau_4_jpg 

Lão sư Philip Kapleau, những năm đầu

của thập kỷ 1970

yaeko_iwasaki_jpg  

Yaeko Iwasaki

 tangen-san_jpg

Tangen-san và Philip Kapleau,

Chùa Phát Tâm, 1954

philip_kapleau5 

Philip Kapleau, Lão sư Trung Xuyên Tông Uyên,

và Bernard Phillips (người bạn Mỹ),

chùa Long Trạch, 1953

 philip_kapleau6

Philip Kapleau, trưởng phóng viên tòa án tại

Tòa Án Chiến Tranh Nuremberg, 1946
 lao_su_trung_xuyen

Lão sư Trung Xuyên Tông Uyên,

chùa Long Trạch

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn