Không Ân Hận

14 Tháng Giêng 201200:00(Xem: 5457)


Truyện Ngắn Phật Giáo

Tâm Không - Vĩnh Hữu 


KHÔNG ÂN HẬN

Tàu vào ga, đỗ lại hơn nửa giờ, rồi lại tiếp tục hụ còi lăn bánh. Thằng Sấm nhảy xuống tàu, băng đến ghế đá ngồi đếm tiền vừa bán được thuốc lá, kẹo chewinggum… Suốt từ sáng tới tối, nó đã bán được nhiều hàng, lời khoảng ba mươi nghìn đồng, mừng lắm, phải nhanh chân đem về cho mẹ thôi. Bất chợt, nó giật mình khi nhìn thấy bên cạnh đường ray phía trước mặt, cách chỗ nó ngồi chừng mươi thước, có một túi xách bằng da của ai đánh rơi. Nó quét mắt nhìn quanh, chưa ai nhìn thấy, vội phóng đến nhặt ngay chiếc túi, cắm đầu bước như chạy về phía dãy tường nhà ga vắng vẻ. Ngoái đầu nhìn thử, không thấy có ai đuổi theo hay nhìn thấy nó đứng nơi đây, Sấm mới yên tâm mở thử túi xách. Một cục tiền. Quá khổng lồ. Chưa bao giờ thằng Sấm sờ nắn được một cục tiền to khủng khiếp như vậy. Nó run lên, không dám lục lọi tiếp, ngồi xổm xuống bần thần và mừng vui. 

Tiền này mà đem về nhà, trao hết cho mẹ, chắn chắn nợ nần sẽ được trả sạch, và bệnh của mẹ sẽ được chạy chữa tới nơi. Mẹ đang thèm khát tiền, cần tiền, chờ ngóng tiền từng phút từng giờ, dù ít mẹ cũng mừng, dù chậm mẹ cũng vui… Mẹ đã viết hàng chục lá thư cầu cứu bạn bè, chị em, bà con thân tộc ở khắp xa gần trong nửa tháng qua, nhưng chẳng hề nhận được hồi âm. Mẹ đi chùa hằng ngày, lạy Phật lạy Tổ, lạy chư long thần hộ pháp, lạy tứ phương tám hướng, vậy mà không hề thấy một chút gì thay đổi. Hỏi mẹ, mẹ cười nói là “do cái nghiệp của mẹ còn nặng nề lắm”. Nghiệp là cái quái gì vậy ta? Vậy là mẹ cứ tiếp tục sống với vô vọng và tủi nhục. Bây giờ, nó phải đem số tiền khổng lồ này về cho mẹ ngồi bật dậy quên hết ưu phiền, và đuổi cái nghiệp đi cho khuất để nhẹ nhàng cho rồi… 

Thằng Sấm đứng dậy, rồi đứng im với vầng trán nhăn nhúm. Nó bần thần khi vừa nhớ đến lời mẹ dạy dỗ: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Không được tiêu xài của phù vân. “Của phù vân” có phải là cái cục tiền to khủng khiếp này không vậy? Nó ôm túi xách vào lòng, xiết chặt với tiếc nuối. Nếu nghe lời mẹ, ngay bây giờ nó phải đem túi xách vào đồn công an ga, hoặc đến phòng bảo vệ, để giao trả. Nhặt được của rơi đem trả, chắc chắn nó sẽ được khen, được đưa lên báo đài, mẹ sẽ vui, sẽ hãnh diện tự hào vì có một đứa con ngoan. Nhưng không, lúc khác thì được, còn trong lúc ngặt nghèo nguy cấp này thì nó không thể đem trao trả cục tiền Trời ban tặng cho mình. Trời cho nó, chứ không phải Phật nào, hay thần thánh nào cho, vậy thì nó cứ việc “thọ hưởng”.

Quyết định rồi, thằng Sấm băng băng về thẳng nhà đến nhà… Chân chạm đến trước cửa rồi, nó lại rùng mình chùn chân, đứng bất động suy tư. Rồi bằng những bước chân quả cảm đầy quyết tâm, nó chạy trở lại nhà ga, vào thẳng đồn công an, giao nộp chiếc túi xách còn nguyên vẹn từ ngoài vào trong. Nó tung tăng về nhà với mẹ, lòng nhẹ tênh và sảng khoái. Không bao giờ ân hận. Thằng Sấm nói thầm như vậy. Biết đâu, khi nó kể chuyện này, mẹ nó sẽ vui mừng mà khỏi bệnh. Và biết đâu, ngày mai, hay ngày mốt, công an nhà ga sẽ tìm đến nhà thưởng nó vài trăm nghìn đồng, rồi người chủ của chiếc túi xách cũng sẽ thưởng cho nó vài trăm nghìn, chưa kể đến cái tiếng thơm mà mẹ nó thường cho là vô giá sẽ còn vương bám theo nó như vầng hào quang rực rỡ… 

Thằng Sấm bước vào nhà, nhìn thấy mẹ nó đang ôm một người phụ nữ, hai người đều đang khóc nức nở. Người phụ nữ quay lại nhìn, nó nhận ra ngay đó là Dì Ba, em ruột của mẹ, ở thành phố Hồ Chí Minh mới ra. Dì Ba ôm nó vào lòng, khóc: 

 – Cháu ơi… mất hết rồi! Dì ôm tiền ra cứu mẹ cháu… vậy mà đánh rơi mất ở sân ga rồi… 

 Thằng Sấm trố mắt lên, kinh hoàng: 

 – Dì… để tiền ở đâu… mà mất? 

 – Trong một túi xách… Vì còn xách hai giỏ quần áo với quà… lúc xuống tàu… đánh rơi lúc nào không hay… 

 – Túi xách bằng da, màu… cà phê sữa… bên trong có một cục tiền… với gương lược… 

 – Sao? – Dì Ba thằng Sấm giành hết phần kinh ngạc – Sao cháu lại biết rõ vậy?
 Thằng Sấm thở phào, sung sướng gào to lên: 

 – Cháu nhặt được nó, cháu nộp cho công an nhà ga rồi!

 Rồi nước mắt nó trào ra, trào ra… 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn