50. Quan Thánh

04 Tháng Tám 201100:00(Xem: 16381)


PHÁ MÊ KHAI NGỘ

 Lê Sỹ Minh Tùng

50. Quan Thánh 

Ngài tên thật là Vỏ tự là Vân Trường, tục danh là Quan Công. Ngài sinh ở tỉnh Sơn Đông, miền Đông Bắc nước Tàu bây giờ. Thủa nhỏ, Ngài rất ham học và thích nghiền ngẫm kinh Xuân Thu của Đức Khổng Tử. Tưởng cũng nên nhắc lại là khi vua Tần Thủy Hoàng gồm thâu lục quốc vào năm 215 trước Tây lịch và sau đó ông Lưu Ban đánh đuổi nhà Tần để khôi phục cho nhà Hán vào năm 196 trước Tây lịch. Nhà Hán thịnh khoảng 400 năm cho đến khi nhà Đông Hán mất ngôi và nước Tàu được chia làm ba: Tây Thục (Lưu Bị), Bắc Ngụy ( Tào Tháo) và Đông Ngô (Tôn Quyền). Đó là năm 220 sau Tây lịch. Cùng khoảng thời gian này thì ở Việt Nam nước ta có bà Triệu (tức Triệu thị Chính) nổi dậy vào năm 248 sau Tây lịch để chống lại với Thứ sử Giao Châu là Lục Dận của Đông Ngô sai sang.
 
 

 Lúc bấy giờ nhà Đông Hán đang ở trong tình trạng suy vi, hoạn quan thì kết bè, kết đảng lộng quyền ở bên trong. Còn ở bên ngoài thì giặc Huỳnh Cân nổi lên cướp phá. Một ngày kia, Quan Vỏ gặp được một người tường mạo phi thường có tên là Huyền Đức, là chú của giòng vua và một người nữa râu hàm tướng mạnh có tên là Trương Phi. Ba người mặc dầu không hề quen biết nhau, nhưng cùng một chí hướng là muốn khôi phục lại nhà Hán, nên đã cùng nhau kết nghĩa anh em, thề đồng sanh đồng tử tại vườn đào của nhà họ Trương.
 
 

 Vì Trương Phi là giàu có, nên xuất tiền ra mua ngựa và khí giới cho ba người. Lúc bấy giờ, Huỳnh Cân thanh thế rất mạnh lại có Trương Giác dùng yêu thuật giúp đỡ, nhưng quân của Lưu Bị đã đánh tan và được vua Hiến Đế mời vào cung thiết đãi và cũng vì thế mà mới biết Lưu Bị là Hoàng thúc của vua.
 
 

 Lúc thất thủ thành Hạ Bì, thì ba anh em chạy lạc nhau. Quan Vân trường phò nhị tẩu chạy đến Thế Sơn, nhưng Tào Tháo biết được liền cho Trương Liêu, là bạn của Quan Vỏ ngày xưa, đến để dụ Ngài ra hàng. Biết là thế cùng, lực tận, Ngài liền tương kế, tựu kế, đưa ra ba điều kiện: Ngài hàng Hán chớ không hàng Tào, không được quấy phá nhị tẩu và bất cứ khi nào có tin của Lưu Bị thí phải cho Ngài đi ngay. Tào Tháo miễn cưởng phải cho Ngài hàng. Trong thời gian ở với Tào, thì Tào Tháo tiếp đãi ngài rất trọng vọng, tam nhựt thì tiểu yến, thất nhựt thì đại yến, muốn gì được nấy, cốt là làm cho Quan Vỏ siêu lòng mà hàng phục. Tào thấy râu của Ngài dài, bèn truyền may bọc để bọc râu của Ngài khỏi lạnh vào mùa đông. Để đáp lại việc hậu đãi đó, Quan Vỏ ra trận giết hai tướng Nhan Lương, Văn Xú của Viên Thiệu. Thấy thế Tào Tháo lại càng khâm phục hơn.
 
 

 Khi nghe tin Lưu Bị đang ở Hà Bắc với Viên Thiệu, thì Ngài xin đi ngay. Nhưng qua bao nhiêu lần cầu khẩn, Tào Tháo cứ tránh mặt không tiếp. Sau cùng, Ngài liền gói ấn Thọ Đình Hầu cùng vàng bạc châu báu của Taò Tháo ban cho lâu nay, niêm lại kỹ càng và giao người đem trả lạ cho Tào. Nhưng khi ra đi, Ngài bất đắc dĩ phải phá ngũ quan và chém đầu 6 tướng giữ ải của Tào. Tào Tháo đuổi theo, nhưng biết không thể nào giữ nổi, nên truyền tặng cho Ngài chiếc Cẩm bào để lưu niệm. Ngài vẫn ngồi trên lưng con xích thố (ngựa màu đỏ), lấy thanh long đao vớt lấy Cẩm bào, nghiên mình tạ ơn rồi ra đi.
 
 

 Một thời gian sau, Lưu Bị liên kết với Tôn Quyền để đánh Tào. Vì bị kế của Khổng Minh, Tào Tháo thua lớn trận Xích bích trên sông Trường giang nên kéo tàn binh chạy về ngã Hoa Dung Đạo. Quan Vân Trường nhận lịnh của Khổng Minh đem quân chờ sẵn để lấy đầu Tào Tháo. Vừa gặp Quan Vân Trường, Tào Tháo hồn phi phách tán, vội vàng xuống ngựa hạ mình kể lễ những sự hậu đãi của hắn ngày xưa (người đời về sau thường nói kể lễ như Tào Tháo là bắt nguồn từ chuyện này). Quan Vân Trường là con người nghĩa khí cầm lòng chẳng đặng, đành làm ngơ cho Tào Tháo chạy. Khi về dưới trướng, Quân sư Khổng Minh truyền đem Ngài ra chém để làm lịnh. Nhờ tất cả triều thần can gián nên Ngài mới thoát khỏi tội chết.
 
 

 Khi Lưu Bị đem quân vào đất Thục thì để Quan Công ở lại giữ Kinh Châu, bởi vì Kinh Châu thì liên giáp với nước Ngô nên Tôn Quyền lúc nào cũng muốn gồm thâu để tăng thêm thế lực.
 
 

 Khi Tôn Quyền sai Lục Tốn đến thay đại tướng Lử Mông để đánh Quan Công, thì ông không còn đề phòng như trước. Lý do là đại tướng Lử Mông là tay văn vỏ song toàn, làu thông binh cơ chiến pháp thành thử Quan Công phòng thủ kỹ càng. Do đó mà đánh mãi Lử Mông cũng không cách gì thắng được. Tôn Quyền là tay xảo quyệt, hắn bèn thay Lử Mông bằng một tên thư sinh vô danh tiểu tốt, nhưng bên trong chất chứa một kho tàng chiến lược. Khi nghe tin Lục Tốn đến thay, thì Quan công mỉm cười khinh địch, không còn phòng thủ như trước nữa, vì cứ tưởng Lục Tốn là bạch diện thư sinh, không có kinh nghiệm chiến trường. 
 
 

 Bởi sự khinh địch này mà Ngài để thất thủ thành Kinh Châu. Sau khi thất thủ, Ngài chạy qua ngã Mạch Thành và sa vào quỷ kế của Tôn Quyền nên cả người lẫn ngựa bị sa xuống hầm và bị bắt. Tôn Quyền sai Gia Cát Cẩn đến dụ Ngài đầu hàng, nhưng quân sư của Tôn Quyền khuyên nên giết đi để trừ hậu hoạn vì ngày xưa Tào Tháo còn không dụ nổi Quan Công huống hồ gì Tôn Quyền. Cho dù Gia Cát Cẩn khuyên dụ, nhưng Quan Công nhứt định không hàng, nên Ngài cùng với con nuôi là Quan Bình và cận tướng Châu Thương bị giết chết ngày 18 tháng 10 năm Kiến An thứ 24, thọ được 58 tuổi. Con ngựa xích thố cũng bỏ ăn mà chết theo.
 
 

 Khi bị giết, thì hồn của Ngài bay về chùa Ngọc Tuyền. Nơi đây có vị Hòa Thượng tên Phổ Tịnh mà khi xưa có duyên với Ngài, để đòi hoàn +đầu lại. Nhưng sau khi nghe Hòa Thượng thuyết pháp về các việc oan trái ở đời, thì Ngài tỉnh ngộ mà quy y theo Phật. Sau Quan Công chứng được quả Già Lam Bồ-tát, rồi quả Cái Thiên Cổ Phật và Quan Thánh Đế Quân. Cùng theo với Ngài còn có hai vị tả hữu là Quan Bình và Châu Thương.
 
 

 Mặc dầu Ngài đã mất cách nay mấy ngàn năm, nhưng người đời vẫn luôn luôn kính mến Ngài, không phải vì Ngài là một danh tướng, mà chính là cái phong cách quân tử với đầy đủ đức độ như: nhân, nghĩa, trí, dũng của Ngài.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn