6. An Cư Kiết Hạ Và Tịnh Xá

04 Tháng Tám 201100:00(Xem: 15119)


PHÁ MÊ KHAI NGỘ

 Lê Sỹ Minh Tùng

6. An Cư Kiết Hạ và Tịnh Xá

Ở Ấn Độ thì mùa mưa thường xảy ra giữa tháng 7 và tháng 11. Trong khoảng thời gian nầy Đức Phật không đi thuyết pháp từ nơi nầy đền nơi khác mà Ngài cùng chư Tăng tề tựu trong các tu viện để thuyết pháp và tham thiền. Thời gian nầy được gọi là mùa an cư kiết hạ. Đây chính là thời gian mà chư Tăng có cơ hội học hỏi từ Đức Chí Tôn trong suốt 49 năm hành đạo của Ngài. Bao nhiêu bộ kinh hay nhất đã được giảng dạy trong lúc nầy. Khi mùa mưa dứt thì chính Đức Phật cùng tất cả chư Tăng lên đường đi khắp mọi nơi trong nước Ấn độ và Tây Tạng để hoằng dương đạo pháp và họ chỉ trở lại đây vào mùa mưa năm tới mà thôi.

1) Tịnh xá Kỳ Viên (Jatavana):

 Trưởng giả Cấp Cô Độc (Anàthapindika) tên thật là Tu Đạt Đa là đại thần của vua Ba-Tư-Nặc và là vị thí chủ lớn nhất ủng hộ Đức Phật và Tăng chúng. Ông là một người trí tuệ sáng suốt, học hành cao siêu, nhà cửa giàu sang, lòng dạ nhơn đức, thường hay cứu giúp kẻ nghèo hèn cơ khổ, kẻ mồ côi mồ cút nên ai cũng kính mến và ngợi khen mà đặt cho ông danh hiệu là “Cấp Cô Độc”. Truyện kể rằng, vì quá quý mến Đức Phật, ông bèn bạch Phật rằng:”Xin Đức Thế Tôn mở lòng từ bi, dời gót sen đến nước Xá Vệ là chỗ xứ sở của con đặng nhờ Ngài truyền pháp chơn chánh để mà dìu dắt chúng sanh ra khỏi đường mê lối vọng. 

 Xin Ngài chuẩn lời thỉnh thì con trở về lập nhà tịnh xá liền”.Phật nhận lời và sai ông Xá Lợi Phất đi trước với ông Tu Đạt Đa đến nước Xá Vệ mà lựa một chỗ đất cao ráo để cất nhà Tịnh xá. Hai ông đi tìm khắp nơi mà chưa được chỗ nào xứng đáng. Sau cùng họ gặp được một miếng đất rộng rãi, cao ráo và mát mẻ, có cây cổ thọ, có suối cam tuyền, cảnh trí thanh tịch, phong quang đẹp đẻ, đáng là một chỗ danh thắng dà lam. Ông Tu Đạt Đa hỏi thăm mới biết miếng đất ấy là vườn của Thái tử Kỳ Đà (Jeta), nên ông đến để bày tỏ lòng sở nguyện của mình. Thái tử Kỳ Đà trả lời rằng:”Như khanh muốn mua vườn của ta thì về chở vàng đến lót khắp cả trên mặt đất, rồi ta sẽ bán cho”. Ông Tu Đạt Đa nghe nói như vậy thì hết sức vui mừng, tức thì trở về sai người chở vàng đến mà trải lót trong nữa ngày thì đầy, chỉ còn mấy chỗ có cây choán, thì không thể trải được mà thôi. 

 Thấy ông đang tư lự suy nghĩ thì Thái tử Kỳ Đà bèn hỏi:”Nếu khanh thấy giá quá cao thì thôi, chớ ta không ép. Vì muốn chìu lòng khanh, ta mới hứa bán, chớ ta là con vua thì đâu có cần tiền mà phải bán vườn”.Ông bèn tâu:”Tâu Điện Hạ! Chẳng phải tôi có lòng nghĩ sự mắc rẽ, mà tôi đang suy tính không biết sai người về lấy vàng trong cái kho nào nữa mà chở đến trải cho đầy những chỗ đất chưa lót vàng đó, chớ không phải tôi tiếc của đâu! Cúi xin Điện Hạ hoan h.Thái tử nghe nói thì tự nghĩ :”Thật rất ít người trọng đạo mà khinh tài như ông nầy; vì phần nhiều trong nhân gian ai ai cũng muốn tiền bạc sung túc để tiêu xài cho sung sướng, chớ ai lại đem của ra mà mong cầu lấy phước quả về sau như ông nầy”. Thái tử bèn nói với ông Tu Đạt Đa:”Khanh đã có lòng tác phước, ta há không dạ làm lành! Thôi! Bây giờ nếu chỗ đất nào đã trải vàng rồi thì thuộc về phần của khanh, còn mấy chỗ có trồng cây mà không thể trải vàng được tức là của ta, thì ta cũng nguyện dâng cúng luôn cho Phật”. Từ đó công viên có tên là :”Cấp cô độc viên Kỳ đà thụ” hay Tịnh xá Kỳ Viên. 

 Đức Phật đã giảng nhiều kinh và lưu lại 19 mùa mưa tại Tịnh xá nầy.Khi thuyết pháp cho ông Trưởng giả Cấp Cô Độc về hạnh Bố thí của người Phật tử tại gia thì Đức Phật dạy rằng:”Sự cúng dường cho Phật cùng chư Tăng là công đức r???t lớn. Nhưng công đức lớn hơn là phải quy y và thọ trì giới. Nhưng công đức lớn nhất là người Phật tử tại gia cần phải phát triển trí tuệ để thấy được chân tướng của sự vật và hiểu được tánh vô thường vô ngã của sự vật để được giải thoát, tự tại”.Khi ông Cấp Cô Độc lâm bịnh nặng, ông mời Tôn giả Xá lợi Phất đến giảng kinh tại nhà. Sau đó, ông qua đời và sanh lên cõi Trời Đầu Suất (Tushita).2) Tịnh xá Rajakarama: Cũng tại kinh thành Savathi của xứ Kosala nầy, ngoài Trưởng giả Cấp Cô Độc thì vua Ba Tư Nặc (Pasenadi) cũng là một thí chủ lớn của Đức Phật cùng chư Tăng. Để tỏ lòng kính mến Đức Phật, nhà vua cho xây tu viện Rajakarama để cúng dường cho Phật trong mùa an cư kiết hạ. Trong cuộc chiến tranh giữa hai nước Kosala và Ma Kiệt Đà mà nhà vua của nước Ma Kiệt Đ là A Xà Thế cũng chính là cháu của nhà vua Ba Tư Nặc. Khi nghe tin vua Ba Tư Nặc thua trận, Đức Phật dạy rằng:
 “Thắng trận sinh thù oán

 Bại trận nếm khổ đau

 Ai bỏ thắng bỏ bại

 Tịch tịnh hưởng an lạc”.

 3) Tịnh xá Pubbarama: 

 Trong kinh thành Savathi, còn có nữ thí chủ tên là Visakha. Bà xuất thân trong gia đình triệu phú và lấy chồng cũng là triệu phú. Khi bà lên 7 tuổi thì bà may mắn gặp được Đức Phật tại nơi sinh quán của bà, từ đó bà rất kính phục Đức Phật. Biết Đức Phật thường thuyết giảng tại kinh thành Savathi, bà nguyện xây Tịnh xá Pubbarama để cúng dường cho Phật. Chính Đức Phật cùng chư Tăng đả trải qua 6 mùa kiết hạ tại Tịnh xá nầy. Bà Visakha là nữ thí chủ lớn nhất của Đức Phật và Tăng chúng cũng như ông Trưởng giả Cấp Cô Độc là nam thí chủ lớn nhất.

4) Tịnh xá Trúc Lâm: 

 Vua Tân Bà Xa La (Bimbisara) của nước Ma kiệt Đà, có kinh đô là thành Vương Xá, từng gặp Đức Phật khi Ngài mới xuất gia và yêu cầu Đức Phật trở lại thăm vua sau khi Phật thành đạo. Khi Đức Phật đến, nhà vua cho xây cất Tịnh xá Trúc Lâm để cúng dường cho Đức Phật. Đức Phật đã trải qua 6 mùa an cư kiết hạ tại nơi đây. Bà vợ thứ của vua là Khema sau nầy cũng xuất gia cùng bà kế mẫu của Phật để lãnh đạo Ni chúng. Còn con vua Tân Bà Xa La là A Xà Thế (Ajatasattu) sau nầy cướp ngôi và giết vua cha. Đó là do nghiệp quá khứ của nhà vua quá nặng nề, nhưng nhờ công đức mà ông đã tạo dựng nhà vua vẫn được sanh lên cõi trời Lummaharajika với cái tên là thiên chủ Janavasabba. Cũng nên nói thêm là vua A Xà Thế sau khi cùng Đề Bà Đạt Ma (Devadatta) âm mưu giết Phật không thành, biết ăn năn hối lỗi, xin Phật cho quy y và trở thành Phật tử tại gia hàng đầu của Đức Phật. Nhưng bởi do nghiệp quá khứ nặng nề, cho nên đến lượt ông, ông cũng bị con ông giết và cướp ngôi.

5) Tịnh xá vườn xoài: 

 Kỹ nữ nổi danh tài sắc Ambapali của thành phố Versali là người mà một thời là ái thiếp của vua Tân Bà Xa la của xứ Ma Kiệt Đà. Ambapali sinh cho vua Tân Bà Xa la một người con. Người con nầy được sinh ra từ những đam mê trụy lạc của một quân vương và một kỹ nữ. Nhưng, đó sẽ là một đóa sen từ bùn lầy tanh hôi mà vươn lên với hương sắc thuần tịnh. Họ đặt tên cho đứa bé là Vimala, có nghĩa là không ô nhiễm, hay sẽ dứt sạch ô nhiễm. Quả nhiên, về sau Vimala xuất gia theo Phật rồi chứng đắc quả A La Hán. Trên đường đến Câu Thi Na trước khi Đức Phật nhập diệt thì Ngài có dừng lại Vesali và nghĩ tại vườn xoài của Ambapali. Được tin, Ambapali đến chào Đức Phật và trân trọng mời Đức Phật cùng chư Tăng ở lại dùng tiệc trai. Sau đó bà kính tặng Đức Phật và chúng Tăng vườn xoài to lớn của bà để làm Tịnh xá. Sau nầy, Ambapali cũng xuất gia và chứng quả A la Hán.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn