Tập 3 - Phần 2

29 Tháng Bảy 201100:00(Xem: 13047)


Tổ Đình Minh Đăng Quang
ĐẠO PHẬT TRONG ĐỜI SỐNG
Thiện Phúc

Tập 3 - Phần 2

226. CHIẾN THẮNG VẠN QUÂN 
KHÔNG BẰNG CHIẾN THẮNG NHỮNG CON MA TRONG TA

Hơn hai mươi lăm thế kỷ trước, Đức Phật đã giác ngộ được rằng đau khổ do tâm tạo, mà hạnh phúc cũng do tâm tạo. Tất cả đều do tâm tạo. Tâm si mê chính là nguồn gốc của mọi hành động xấu ác và đưa con người đến chỗ đau khổ và phiền não. Tâm sáng suốt là nguồn gốc tạo nên an vui và giải thoát cho mình và cho đời, nên Đức Phật đã khai sáng ra đạo Phật. Sự xuất hiện của Ngài trên địa cầu là một vầng dương sáng ngời sau bao nhiêu năm trường tăm tối. Sự xuất hiện của Ngài như một cơn mưa rào cho những kẻ đang gặp hạn hán trong sa mạc. Nói cho cùng ra, không một bút mực nào có thể diển tả hết được Phật ân. Pháp của Ngài như ngón tay chỉ trăng. Ngón tay ở đây là những phương tiện, còn trăng ở đây là sự giải thoát. Ngài đã chiến thắng tất cả những ma quân và đạt đến giác ngộ rốt ráo. Ma quân ở đây không nhứt thiết phải là những quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa, vô cùng kinh khiếp, mà là những ma quân ở trong lòng ta; là những thứ chẳng những làm trở ngại tiến trình giác ngộ của ta, mà còn gây ra cho ta không biết bao nhiêu là phiền não và khổ sở nữa. Vậy thì những con ma ấy là ai? Và chúng hoành hành ta như thế nào? 

Trước hết là ma phiền não.

Ma phiền não có thể núp dưới nhiều hình thức từ dục lạc, bất mãn, đói khát, ái dục, hoài nghi, sợ hãi, cố chấp, danh lợi, đến tự cao tự đại... Tuy nhiên, theo Đức Phật thì những con ma nầy chỉ hoành hành, gây đau khổ và ngự trị được ở những con người xấu xa, hèn yếu và chủ bại mà thôi. Đức Phật có dùng thần thông để chiến thắng những ma quân nầy không? Sau khi Ngài đã đạt được đại định thì thứ gì mà Ngài không có; tuy nhiên, Ngài không muốn cho chúng sanh tiếp tục mê lầm mà ỷ lại vào tha lực, nên Ngài đã đề ra những Ba La Mật lực như Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Đại Hùng, Đại Lực, Đại Từ, Đại Bi, Đại Hỉ, Đại Xả... nhằm giúp chúng sanh chiến thắng những con ma phiền não nầy. Chính Ngài đã dạy rằng chiến thắng phiền não là chiến thắng nội tâm, là chiến thắng chính mình. Chỉ có sự chiến thắng nầy là vẽ vang và đáng kể hơn cả. 

Thứ nhì là ma ngũ uẩn. 

Phàm phu thì hở ra là ta hay, ta đẹp, ta là trung tâm của vũ trụ. Chính vì vọng tưởng về bản ngã mà ta đã tạo ra không biết bao nhiêu là rắc rối cho cả ta lẫn người. Theo Phật thì không có cái gì là ta, mà cũng không có cái gì là của ta cả. Không có một cái ta trường tồn vĩnh cửu, mà chỉ là một sự kết hợp của nhiều yếu tố và những yếu tố nầy luôn bị luật vô thường chi phối. Tất cả những thứ từ sắc, thọ, tưởng, hành, thức chỉ là những vật chất, những cảm giác, những tạo tác của tâm lý và ý thức. Chúng duyên nhau mà sanh và cũng duyên nhau mà diệt. Chúng bám vào cảnh trần để đày đọa con người trong bể khổ trầm luân. Đức Phật đã chỉ rõ cái tánh giả hợp và vô thường của ngũ uẩn nhằm giúp chúng sanh diệt bỏ cái ta, cái ngã chấp đi để lần về chỗ giác ngộ và giải thoát như Ngài.

Thứ ba là ma thân, khẩu, ý.

 Vì cái bất tịnh của thân, khẩu, ý mà chúng sanh đã tạo tác không biết bao nhiêu là ác nghiệp để rồi tiếp tục mãi trong đường luân hồi sanh tử. Biết bao nhiêu cuộc cải vã, tranh tụng; thậm chí đến chiến tranh đã xãy ra chỉ vì thân, khẩu, ý của con người. Chính từ thân, khẩu, ý mà ra những sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lưỡi hai chiều, nói lời hung ác, rượu chè, ganh tị, hiềm khích, bỏn xẻn, nhỏ nhen... Chính vì bị vô minh che mờ mà thân nầy tà dâm; khẩu nầy nói dối; ý nầy bỏn xẻn, tị hiềm và ganh ghét. Đức Phật đã khuyên chúng sanh hãy đóng bớt những cánh cửa ấy lại thì cả tâm và thân, khẩu, ý đều sẽ được thanh tịnh. Một khi thân, khẩu, ý thanh tịnh thì tham, sân, si cũng sẽ bị đoạn diệt và tạo tác ác nghiệp sẽ không có cơ hội hoành hành. 

Thứ tư là ma sanh, lão, bệnh, tử. 

Ngay từ ngày lập quốc Phật, Đức Phật đã nói rằng thân tứ đại là giả tạm; mà hễ nói giả tạm thì nó cũng phải chịu chung số phận vô thường, nay còn mai mất, sớm nở tối tàn. Chỉ có sự giải thoát mới là vĩnh hằng. Chúng ta, cho dù có bay lên trời, lặn xuống biển, hoặc vào rừng sâu núi thẳm, vẫn không chạy khỏi những con ma sanh, lão, bệnh, tử nầy. Đây là một sự thật hiển nhiên không thể nghĩ bàn. Khoa học dù có tiến bộ đến đâu cũng không thể nào tìm được phương cách cải lão hoàn đồng, cũng như không bao giờ làm cho nhân loại thoát được sanh, lão, bệnh, tử. Chúng ta như những cây nến đang cháy dở; từng phút ta sống là từng phút ta chết, chứ không phải đợi đến lúc buông tay nhắm mắt mới gọi là chết.

Một ngày trôi qua là một ngày ta già đi; những tế bào trong ta cũng hủy hoại dần đi. Theo Đức Phật thì con người vì chấp cái ta trường tồn mà phải phiền não vì những thứ già, bệnh, chết. Con người vì bị vô minh che mờ nên ái dục, ô nhiễm và phiền não đã lấn lướt, để rồi mãi tạo ác nghiệp và luôn bị luân hồi chi phối. Ngài đã chỉ dạy cho chúng sanh làm sao để thoát ra khỏi những chi phối nầy. Ngài đã chỉ cách quán chiếu mười hai nhân duyên để thấy khi vô minh diệt thì hành diệt, tức là không còn tạo tác ác nghiệp nữa; hành diệt thì thức không sanh; thức không sanh thì không có danh sắc (tức là tâm không sanh); tâm không sanh thì làm gì có lục nhập, nghĩa là tai, mắt mũi, lưỡi không hoành hành ta được; không có lục nhập thì không có xúc chạm; không xúc chạm thì không sanh ra thọ, nghĩa là không có cảm giác vui, buồn, sướng, khổ... Không có thọ thì không có ái, tức là không yêu, ghét. Không yêu ghét thì không có thủ, nghĩa là không mong bám víu giữ chặt bất cứ cái gì. Không thủ thì không hữu, không sanh, không lão, không bệnh, không chết. Người Phật tử một khi đã quyết chí tu hành nên nghe cho kỹ những lời Phật dạy để phăng lần đến chỗ không sanh, không diệt. 
 
 
 
 
 
 

227. NGƯỜI CHẾT KHÁT BÊN DÒNG SÔNG
 
 

Vào một ngày kiết hạ an cư năm 94 tại Santa Ana, thầy Minh Đạt đã giảng cho Phật tử nghe về lòng tham của con người. Lòng tham ấy nó vô cùng vô tận; nó có thể đưa chúng ta đến những tinh cầu xa xôi, nhưng nó chưa bao giờ mang lại cho ta sự an lạc. 

Trong phần thuyết giảng thầy đã đương cử ra hai thí dụ điển hình về lòng tham không đáy của con người. Chính vì cái lòng tham vô cùng vô tận ấy mà con người không bao giờ thỏa mãn với những gì mình đang có; chính vì cái lòng tham đó mà con người cứ mãi đi tìm, mà quên mất đi cái vô thường nó có chờ đợi ai đâu. Tìm mãi mà không thấy vừa lòng để rồi một ngày nào đó lăn đùng ra chết, cái chết bất đắc chí, cái chết cầu bất đắc, cái chết của sự đau khổ không cùng tận. Thí dụ thứ nhứt mà thầy đương cử là câu chuyện một anh chàng nông dân Nga nghèo khổ rách rưới. Anh chỉ ao ước có được một miếng đất để canh tác nuôi thân mà cũng chả bao giờ có được. 

Một ngày nọ, anh gặp một nhà chủ điền giàu có mà không có con cái để truyền lại sự nghiệp; ông điền chủ bảo anh nông dân là nếu mà anh ta có khả năng phóng lao đến đâu thì phần ruộng ấy sẽ thuộc về anh ta. Mừng quá anh nông dân bắt đầu cuộc phóng lao; anh ta phóng mãi mà vẫn thấy phần đất thuộc về mình còn quá nhỏ. Mãi đến xế chiều, anh biết sức đã cạn, hơi đã mòn nhưng lòng tham muốn thì quá nhiều, nên anh ta không chịu ngưng mà vẫn tiếp tục cho đến tối. Than ôi, mặt trời vừa sụp tối thì cũng là lúc anh kiệt sức ngã lăn ra mà chết. Đấy là kết quả của lòng tham. Nếu ta đem tất cả những đồ chứa trên thế gian cũng chưa chắc gì đã đựng hết lòng tham của ta. 

Cái câu chuyện thứ hai mà thầy kể quả tình làm cho tôi suy ngẫm. Thầy nói về một anh chàng nằm chết khát bên bờ sông. Lạ nhỉ, tại sao lại chết khát bên bờ sông? Khi thầy nói đến cái câu chết khát bên bờ sông thì cả đại chúng đều cười, nhưng tôi thì không vì biết đây là một bài pháp mà tôi phải lắng tai nghe cho kỹ xem coi mình có phải đang vướng mắc vào cái chuyện tương tự nầy không.

Nếu là một người vượt sa mạc, hay đại dương nước mặn mà chết khát thì cũng đành, còn có thể giải thích được, hoặc hiểu được, đàng nầy lại chết khát ở bờ sông. Tại sao lại chết khát bên bờ sông nhỉ? Tại sao lại chết khát bên cạnh một nguồn nước bao la nhỉ? Giảng đến đây thì đến giờ đại chúng dùng ngọ. Ai cũng chuẩn bị dùng buổi trưa, riêng tôi bồn chồn không thấy đói. Tôi muốn biết ra lẽ ngay. Một đôi lần muốn hỏi thầy, nhưng thấy thầy cũng mệt cần phải ăn một cái gì và nghỉ ngơi một chút chớ. Tôi đành lại bóng mát của bụi trúc trong sân chùa ngồi mà lẩm bẩm đi lẩm bẩm lại cái câu: "Tại sao lại chết khát bên dòng sông nhỉ? Lạ thật." Tự hỏi, nhưng không làm sao trả lời được; không có câu trả lời nào ổn cả.

Tôi đành đợi đến thời giảng buổi chiều. Nghỉ trưa chỉ từ 12 giờ đến hai giờ mà sao như cả thế kỷ. Tôi cứ nghĩ phải có tàng ẩn gì đây; tôi nghĩ khi thầy đã nói ra thì phải có một diệu lý nào đó. Cái chuyện anh nông phu phóng lao hưởng ruộng thì còn hiểu được, chứ cái chuyện chết khát bên dòng sông thì quả tình hi hữu. Đến chiều, thầy Minh Đạt đã quẳng đi cái hi hữu mà tôi đã nghĩ ban sáng. Thầy nói anh chàng khát nước; đi tìm nước uống, nhưng khi có nước thì lại chê ít không chịu uống. Tiếp tục đi tìm nữa, nhưng đến đâu cũng chê ít. Cho tới khi anh ta đến được một con sông tươi mát thì còn hơi sức đâu nữa mà uống, đành phải ngả lăn ra mà chết bên bờ. Thầy đã giảng xong thời pháp, nhưng tôi thì chưa xong. Cái chuyện anh chàng chết khát bên bờ sông nó cứ lởn vởn trong tôi. Tại sao lạ lùng vậy? Buổi tọa thiền ban tối hôm ấy, đầu óc tôi cũng chỉ lởn vởn với cái anh chàng chết khát bên bờ sông. 

Về đến nhà, tôi kể cho nhà tôi nghe câu chuyện anh chàng chết khát bên bờ sông, thì nhà tôi bảo có lẽ thầy muốn khuyên chúng ta nên biết sống đơn giản, nên biết đủ, đừng chạy theo lòng tham mà mang họa vào thân... Tôi cũng có cùng một nhận xét như nhà tôi; tuy nhiên, cái câu chuyện nầy nó còn làm tôi phải suy nghĩ nhiều ngày, nhiều đêm nữa vì tôi thấy cái anh chàng chết khát bên dòng sông ấy có thể chính là tôi, hoặc cũng có thể là mọi người trong chúng ta đấy các bạn ạ!Tôi sanh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, đông anh em. Cha tôi phải đầu tắt mặt tối; mẹ tôi phải tần tảo suốt ngày nầy qua năm khác, thức khuya dậy sớm với gánh hàng rong mới có đủ tiền nuôi cho anh em chúng tôi được ăn học. Cái tình cha mẹ bao la như trời biển ấy cũng không níu kéo tôi được. Quê tôi hiền hòa, ruộng vườn, cây trái và nước ngọt quanh năm cũng không níu kéo tôi được.

Tôi đã đi tìm cái gì? Nước chăng? Có nhiều lúc tôi đã có nước ngọt thơm mát quê hương, nhưng tôi cũng không chịu uống. Tôi muốn cái gì đây? Dòng sông chăng? Thì bây giờ tôi đang ở cạnh bờ sông đây, tại sao lại không chịu uống nước đi, còn mơ mộng cái gì nữa? Tôi thấy tôi cứ chạy đi tìm mãi, tìm chưa được cái nầy thì đã mất cái kia. Chưa toại nguyện thì cả mẹ lẫn cha đều lần lượt qua đời mà tôi không được một lần nhìn họ lần sau cuối. Tôi tìm cái gì đây? Quả tình tôi là cái anh chàng chết khát bên dòng sông kia. Nếu không có diệu lý của đạo Phật, chắc là tôi vẫn còn chạy đi tìm, mà không biết mình đi tìm cái gì. Chính các thầy đã mở cho tôi thấy sự tĩnh lặng nhiệm mầu của Phật pháp. Chính quý thầy đã dạy cho tôi biết cái đủ. Chính các thầy đã ân cần nhắc nhở tôi là hễ thấy khát nước, ai cho nước nên uống, chứ đừng đợi. Chúng ta sẽ không có cơ hội để đợi đâu, hoặc giả nếu cứ mãi đợi thì ta sẽ chẳng bao giờ có dịp để uống đâu. 
 
 
 
 

228. ĐỪNG CHỜ NƯỚC TỚI TRÔN MỚI NHẢY 
 
 

Cái bịnh nước tới trôn mới nhảy hầu như là cái bịnh thông thường của phàm phu. Tới đâu hay đó; ai sao tôi vậy. Khát nước mới đào giếng; bệnh rồi mới biết thân nầy khổ... Nước tới trôn mới nhảy nhiều khi không còn kịp nữa; khát nước mới đào giếng sợ rằng không bao giờ có cơ hội để uống. Lúc chưa bịnh thì thế gian nầy, cái gì quanh ta cũng đều vui sướng và hạnh phúc. Đến khi bịnh không ăn uống được, chịu đủ mọi thống khổ, lúc đó mới biết thân nầy là khổ, lúc biết ra thì lắm khi đã quá trể.

Cái tu học của chúng ta nó cũng vậy đó, bình thường thì không chịu tu, hễ có chuyện gì thì tìm tới chùa. Bình thường làm lắm điều thị phi hồ đồ, không chịu ngó ngàng đến đạo đức. Cứ thế mà đi tới riết rồi không còn cưỡng được. Chúng ta phải hiểu rằng mọi sự đều vô thường không ai thoát được; chẳng lẽ chúng ta sanh ra, lăn lộn quần quật rồi chết à? Như thế thì cuộc đời của chúng ta luống qua vô ích quá! Chúng ta, những người con Phật chân chánh, quyết phải vận dụng hết khả năng của mình vào việc tu tập, chứ không chờ, không đợi. Chúng ta đâu còn thì giờ nữa mà chờ với đợi!
 
 
 
 

229. LÚC NÀO THÌ NGƯỜI PHẬT TỬ NÊN NIỆM PHẬT? 
 
 

Đức Từ Phụ đã dạy rằng trong thời mạt pháp nầy, con người bận rộn và quay cuồng suốt ngày. Thân tâm mệt mỏi rã rời, không còn thì giờ và tâm huyết đâu nữa để mà ôn tầm bối diệp để tu tâm dưỡng tánh. Chính vì biết trước như vậy mà Ngài đã chỉ cho chúng sanh pháp môn niệm Phật. Niệm Phật để làm gì? Niệm Phật và niệm mãi để cầu cho khi bỏ thân tứ đại nầy ta sẽ được về cõi Tây Phương Cực Lạc. Như vậy thì Phật tử nên niệm Phật vào lúc nào? Phật tử có thể niệm Phật vào bất cứ lúc nào; tuy nhiên, lúc niệm Phật, phải hội đủ những điều kiện sau đây thì sự niệm Phật mới được gọi là trang nghiêm và có hiệu quả. 

Thứ nhất niệm Phật phải phát tâm Bồ Đề mà niệm; thứ nhì niệm Phật phải dứt trừ lòng nghi mà niệm; thứ ba niệm Phật phải dứt trừ lòng tham dục mà niệm; thứ tư niệm Phật phải dứt trừ lòng sân hận mà niệm; thứ năm niệm Phật phải quyết đoạn lìa phiền não mà niệm; thứ sáu niệm Phật phải đoạn lìa dâm dục mà niệm; thứ bảy niệm Phật phải vì an nhẫn các chướng duyên mà niệm; thứ tám niệm Phật vì dứt trừ các ma khổ mà niệm. Phật tử luôn nhớ rằng hễ hội đủ những điều kiện trên trong khi niệm Phật tức là ta đang thật sự đi với Phật, chứ không đi với tà ma ngoại đạo. Tại sao? Tại vì Phật và ma là hai thái cực hoàn toàn đối nghịch nhau như ban ngày và ban đêm, hoặc giả như mặt trời và mặt trăng.

Hễ có cái nầy thì nhứt định là không có cái kia. Khi ta nhiếp tâm niệm Phật thì những con ma nghi kỵ, tham dục, sân hận, phiền não và dâm dục sẽ chẳng bao giờ dám bén mãng tới gần ta. Ví dầu chúng có cả gan dám bén mãng đến gần ta trong lúc ấy thì chúng sẽ run lên bần bật mà tháo chạy. Đó là cái lợi lạc trước mắt của việc niệm Phật. Ngoài ra, lúc niệm Phật là lúc ta đang mở toang các cửa để đón chỉ ánh đạo vàng của chư Phật, vì thế mà bóng tối sẽ bị xua đi. Người Phật tử thuần thành luôn nhớ rằng hễ nơi nào có Phật là không có tà ma ngoại đạo; hễ một ngày, một giờ ta đi với Phật là ta đã không đi với ma.

Khi niệm Phật thì chúng ta có còn tham dục hay không? Cái tham dục là cái tánh mà phàm phu khó bỏ. Vì thế, hễ ta nói ta còn đang tu là ta hãy còn tham dục, vì nếu đã dứt tham dục thì còn tu để làm gì? Chính Đức Phật Ngài nào đâu có ép những người tu tại gia dứt bỏ hẳn mọi tham dục; tuy nhiên, Ngài chỉ khuyên nên bớt đi tham dục vì tham dục là cội gốc của mọi tội lỗi. Như vậy người con Phật, nếu có vướng phải những tội lỗi phàm phu, xin đừng chùn bước, mà hãy đến quỳ trước chân Phật mà tâm sự với Phật rằng: "Bẫm Tôn Sư, con đang tu theo những gì mà Ngài đã chỉ dạy. Như Ngài thấy đó, con vẫn ngày đêm niệm trì hồng danh của các Ngài, những mong con sẽ bớt đi những nghi kỵ, tham lam, sân hận, phiền não và dâm dục.

Con đang cố tu để sửa chữa những sai trái của chúng sanh như Ngài đã thấy đó. Nhưng Ngài ôi!Con biết con chưa được như Ngài. Con biết lòng từ của con hãy còn lúc rộng lúc hẹp, nhẫn nhục khi có khi không, nhu hòa khi vầy khi khác. Mới khi hôm đây quỳ sám hối dưới chân Ngài thì sáng ra lửa dục đã bừng bừng. Mới hôm qua đây, con nguyện sẽ dẹp bỏ những ham muốn dục lạc của thế gian, mà hôm nay con đà có mặt ở Las Vegas. Mới hồi sáng nầy con nguyện sẽ rộng lòng bố thí thì chiều lại chỉ toàn bỏn xẻn keo kiết. Đức Tôn Sư ơi!Làm sao mà kể cho hết với Ngài cái tâm địa của phàm phu. Con còn phàm phu như vậy đó, nhưng xin Ngài hãy từ bi thương xót cho con được tu từng bước. Bây giờ, con chưa đủ duyên xuất gia để niệm liên tục hồng danh của các Ngài, thì con xin niệm được lúc nào hay lúc đó. Tuy nhiên, con hứa là con sẽ can đảm hơn chút nữa để cũng liên tục niệm được hồng danh của quý Ngài như những vị xuất gia đã và đang làm."

Đó là tóm lược những lợi lạc của việc niệm Phật; tuy nhiên, Phật tử cũng nên cẩn trọng trong việc niệm Phật để tránh thay vì niệm Phật, ta lại đi niệm ma. Đức Từ Phụ đã từng khuyên chúng đệ tử rằng: "Trong thời mạt pháp sẽ có vô số những con ma Ba Tuần, chúng sẽ len lỏi vào tứ chúng mà phá hủy chánh pháp. Chúng cũng tự xưng là Phật tử, nhưng chẳng bao giờ giữ giới; miệng rao thiền định mà ngày ngày ăn thịt, uống rượu. Ta nói cho các con biết nếu không tối thiểu giữ được năm giới mà tu thiền thì sẽ dễ rơi vào lưới của thiền ma và luôn gặp ma cảnh. Đã gặp ma cảnh mà còn dương dương tự đắc đi khoe đầu nầy, đi khoe đầu kia là ta đã chứng thiền nầy thiền nọ. Ta nói cho các con biết những con ma Ba Tuần nầy chúng như những con bọ hung đang chui rúc trong những đống phân hôi thúi, mà chúng cứ đi rêu rao là thơm tho để hòng lôi kéo những Phật tử nhẹ dạ đi vào những đống phân như chúng." 

Đã biết rõ như vậy rồi thì những người con Phật nên can đảm lên. Xem những gì mình có thể làm được và những gì mình chưa làm được. Thấy để mà thương cho chính cái tâm địa hãy còn phàm phu của mình. Thấy để mà nhiếp tâm niệm Phật. niệm mãi, niệm mãi, niệm cho đến khi nào cái tâm địa phàm phu không còn khống chế được ta nữa. Niệm để thấy cho rõ chân tướng của những con ma Ba Tuần, chúng dù cho có bị lộ mặt, vẫn ngày ngày òn ỉ bên tai chúng ta, ngày ngày vẫn rủ ta: Thôi anh chị ơi, tu gì mà không ăn thịt uống rượu, tu gì mà khó quá vậy. Thôi hãy cùng ta ăn thịt uống rượu đi. Ta nói cho mà biết ta ngồi thiền vẫn định như thường, bất quá định hơi chậm hơn mấy ông sư chút đỉnh thôi; hoặc giả anh chị mà còn khư khư quyết tâm ăn chay là anh chị còn chấp. Như chúng tôi nè, không còn chấp gì nữa cả. Chúng tôi đã hoàn toàn phá chấp, thì việc đi đến giải thoát vẫn được như thường. Ờ thì chúng cũng đến đấy, nhưng điểm tới của chúng sẽ là địa ngục A Tỳ, xứ địa của những loài quỷ đói. Phật tử phải nên vô cùng cẩn trọng! 
 
 
 
 

230. NGÀY XUÂN NGHE THẦY GIẢNG VỀ PHẬT DI LẶC 
 
 

Quả là cơ hội hiếm có được tề tựu về chùa nhằm ngay ngày ba mươi Tết để được nghe thầy Minh Đức giảng về Đức Phật Di Lặc. Bài giảng của thầy như một tiếng chuông cảnh tỉnh những ai hãy còn mê ngủ; những ai hãy còn lăn trôi, lặn hụp trong cuộc đấu trường. Riêng tôi, sau khi nghe lời thầy giảng, lòng tôi thấy an nhiên tự tại hơn, vì con đường mình định đi quả là con đường đáng đi cho một kiếp người.

Ngày xưa có một vị tăng sĩ hiệu Nhất Thiết Trí Quang Minh tu trong rừng sâu núi thẳm. Ngài là một bậc đại từ đại bi, lúc nào cũng mẩn chúng. Ngài coi sâu bọ, côn trùng như những người anh em nhỏ lạc loài. Ngay cả với cây cỏ, Ngài cũng không muốn làm hại. Gặp nhằm lúc hạn hán, cây cỏ khô héo, dân tình đói khổ. Đâu đâu cũng đồng khô cỏ cháy. Khu rừng bên cạnh có hai mẹ con chú thỏ thấy Ngài Quang Minh nhịn đói đã lâu nên động lòng thương, bèn bàn với nhau nên ra mắt xin hiến thân cho Ngài dùng để qua cơn đói. Mẹ con thỏ đem chuyện thưa với Ngài Quang Minh, nhưng Ngài làm lờ đi vì không muốn vì thân mình mà phải hy sinh hai mạng chúng sanh. Tuy nhiên, mẹ con thỏ đã quyết lòng nên nhân lúc Ngài đốt lủa để sưởi thì cả hai mẹ con đã nhảy vào lửa tự quay, những mong đặt Ngài trước chuyện đã rồi, thì thế nào Ngài cũng sẽ dùng thịt mình cho qua cơn đói. Cả hai cùng chọn cái chết để cúng dường cho một vị Đại Đức thì quả là phước báu lớn vô cùng. 

Trước cảnh ấy, Ngài Quang Minh đã chẳng những thương tâm, mà còn nguyện từ nầy về sau cho dù có chết đói cũng không ăn thịt chúng sanh. Từ đó Ngài có tên là Di Lặc, nghĩa là Từ Thị, luôn luôn mẩn chúng. Do đại nguyện đó mà Ngài sẽ thành Phật tương lai để cứu độ chúng sanh trong cõi Ta Bà nầy. 

Ngày nay ở các chùa chúng ta thường thấy tượng Ngài Di Lặc, mà quanh Ngài lúc nào cũng có sáu chú bé đầu để chỏm lúc nào cũng bám quanh Ngài. Chuyện rằng ngày xa xưa lắm, ở vùng trung nguyên bên Tàu có một vị Hòa Thượng mập tròn, bụng phệ, áo quần lôi thôi lếch thếch. Đi đâu vai Ngài cũng mang một cái túi vải.

 Đi cũng túi vải, 

 Đứng cũng túi vải, 

 Ngồi cũng túi vải, 

 Nằm cũng túi vải.

Ngài không hề giảng kinh, nói pháp. Chỉ với cái túi vải, sáng thì Ngài đi hết đầu đường đến xó chợ. Ngài xin và nhét vào cái túi vải ấy bất cứ thứ gì mà người ta cho. Chiều đến, Ngài lựa ra từng thứ và đem vào xóm cho những người nghèo khổ. Hễ có ai thỉnh hỏi Phật pháp thì Ngài buông cái túi xuống rồi chấp tay đứng im. Nếu ai còn tò mò hỏi thêm nữa thì Ngài lại vác cái túi vải lên vai mà đi thẳng, không nói, không rằng. 

Ta học được gì ở Ngài Di Lặc? 

Hãy nhìn cái chuyện Ngài đi thâu lượm tất cả những thứ tạp nhạp của thế gian, rồi về lựa lại thứ nào ra thứ đó cũng là một bài pháp sống động cho chúng ta học hỏi rồi. Hãy bắt chước như Ngài vậy, mỗi ngày ta nên tự lựa và sắp xếp tâm ta thứ nào ra thứ ấy. Đậu đen theo đậu đen; đậu trắng theo đậu trắng; lúa theo lúa, gạo theo gạo... Được như vậy thân tâm ta chắc sẽ thanh tịnh và an lạc hơn nhiều. Thứ nhì là hãy bắt chước Ngài là xả bỏ hết, chứ đừng để lại một thứ gì. Thứ ba là hãy tập cho được nụ cười của Ngài, chính nụ cười nầy đã đem đến sự an vui thịnh vượng cho không biết bao nhiêu người. Hãy cười được như Ngài đã cười để đẩy lùi những khổ đau, phiền não và tạo cho đời một niềm hạnh phúc tràn đầy.

Cuối cùng chúng ta hãy tập cho bằng được cái tánh nhẫn nhục và chịu đựng của Ngài. Chúng ta thấy đó, lúc nào bên cạnh Ngài cũng có sáu tên giặc. Đứa thì bẻ mỏ; đứa vẹo tai; đứa bẹo má... Sáu tên giặc nầy là những tên nào?

Hễ mắt vừa mở ra là chú Nhãn Thức bèn xúi dục Ngài đi tìm cái đẹp, cái vui của thế gian, nhưng Ngài vẫn tỉnh bơ như người mù. Chú Nhĩ Thức lúc nào cũng òn ỉ bên lỗ tai và dục Ngài nghe những lời êm tiếng ái, hoặc những thị phi dối trá, thế mà Ngài vẫn làm như người điếc. Chú Thiệt Thức thì lúc nào cũng xúi Ngài thử nếm thịt của chúng sanh; lúc nào chú cũng dùng cái chiêu bài: "Vật dưỡng nhân" để dụ dổ Ngài, nhưng Ngài vẫn làm như không có gì xãy ra. Còn chú Tỷ Thức lúc nào cũng ở sát cạnh và làm mối lái cho chú Thiệt Thức. Chú cứ xúi Ngài ngửi mùi gà quay, vịt tìm, rượu thơm và đủ thứ món ăn chơi của thế gian, nhưng chú có ngờ đâu lỗ mũi của Ngài đã hoàn toàn khép chặt với hương vị phàm phu. Lại thêm chú Thân Thức lúc nào cũng nũng nịu, nào tơ, nào lụa, nào gấm, nào vóc; chứ chú đâu có chịu vải thô bao giờ.

Thế mà Ngài vẫn bắt chú mặc vải thô. Cuối cùng là chú Ý Thức, chú nầy hình dáng không thấy đâu, thế mà cứ đòi làm xếp xòng thiên hạ. Bất kỳ là ở đâu, làm gì cũng thấy chú can dự vào. Nhưng đối với Ngài thì chú chỉ chọc phá bên ngoài thôi, chứ không làm gì khác được. Chúng ta hãy nhìn và học hỏi nơi Ngài Di Lặc; cho dù lục tặc có hoành hành thế nào, lúc nào trên môi Ngài cũng là nụ cười. Hãy bắt chước Ngài để từ đây một ngày trôi qua của ta là một ngày đầy ý nghĩa. Hãy nhìn lục tặc mà cười như Ngài Di Lặc nhìn mấy chú diễn tuồng quanh Ngài mà Ngài vẫn cười. Đừng để cho lục tặc giam hãm ta mãi trong kiếp luân hồi không dứt nầy. Hãy bắt chước như Ngài để không bị lục tặc lừa đảo dẫn dắt chúng ta mãi phí sức dong ruổi trên con đường vô định. Hãy canh chừng sáu tên lục tặc ở ngay chính mình chứ đừng uổng công canh giặc nhà ai. Ngay từ bây giờ chúng ta hãy phân định rõ ràng chỗ dành cho những tên giặc nầy, chứ đừng để đến lúc chúng phá tan nát Phật tánh của ta rồi mới có biện pháp thì e rằng đã quá muộn. 
 
 

231. ĐẠO PHẬT VÀ NHÀ BÁC HỌC EINSTEIN
 
 

Đức Thế Tôn đã khai sáng đạo Phật trên hai mươi lăm thế kỷ nay. Ngài đã nói những điều mà cho đến bây giờ khoa học mới từ từ, hoặc phát minh, hoặc phát kiến ra. Lúc Ngài sinh ra giữa lòng xã hội Ấn Độ, nơi mà Phạm Thiên là tuyệt đối, thì Ngài đã hiên ngang nói rằng không có cái gì là tuyệt đối. Ngài đã dám khẳng định rằng tất cả đều do lòng cố chấp mê dại của con người mà ra. Theo Ngài, vạn vật là vô thường và tương đối; dài có bởi ngắn; cao có bởi lùn; nặng có bởi nhẹ...Nếu ở một điểm mà nói về hướng Nam thì điểm ấy là hướng Nam; nhưng nếu ở một điểm khác mà nói thì hướng ấy sẽ không còn là hướng Nam nữa, mà có thể là, hoặc Đông, Tây, Bắc...Tương tự, nhiều khi sự việc ta cho là đúng lúc ban đầu, sau lại thành sai; có sự việc ta cho là sai lúc đầu, thì sau lại thành đúng. Có sự việc tưởng như thế mà không phải như thế; tuy nhiên, ta cứ vì bị u u minh minh mà tưởng vậy.

 Ngài đã dạy ta cái gì nếu không phải là thuyết tương đối mà mãi đến hơn hai ngàn năm trăm năm sau, Einstein mới chứng minh được những gì Ngài đã nói là hoàn toàn khoa học. Trên đời nầy, chúng ta cứ mãi đi tìm cái gì tuyệt đối thì biết đến chừng nào ta mới toại nguyện. Biết như vậy để ta được an lòng với những gì mà ta đang có, dù chỉ là tương đối. Biết như vậy để ta luôn cảnh giác rằng mọi thứ không là gì hết trong dòng biến chuyển của nhân duyên. Hễ thuận duyên thì có, mà nghịch duyên thì diệt, chứ không có cái gì là tuyệt đối trường tồn cả trên cõi đời nầy. Chính Einstein, cha đẻ của thuyết tương đối, sau khi hoàn tất những chứng minh khoa học, ông đã tán thán đạo Phật như là một tôn giáo của thế giới trong tương lai.

Theo ông thì một tôn giáo cho hoàn vũ trong tương lai nên vượt qua quan niệm về một cá nhân Thượng Đế, và nên tránh những giáo điều cũng như khoa Thần Học. Cũng theo Einstein, dựa trên căn bản thiên nhiên và tinh thần, tôn giáo nên bắt nguồn ở ý niệm phát khởi từ kinh nghiệm về tất cả vạn vật, thiên nhiên cũng như tinh thần với một ý nghĩa hợp nhất. Đạo Phật diễn tả được quan niệm nầy. Nếu một tôn giáo nào có thể đáp ứng được những nhu cầu của khoa học hiện đại, nhứt là sự tiến bộ vượt bực ở thời đại siêu nguyên tử nầy, theo Einstein thì đạo Phật chính là loại tôn giáo ấy vậy. 
 
 

232. LÀM SAO ĐỂ CÓ CHÁNH NIỆM? 
 
 

Theo đạo Phật thì chánh niệm chẳng những là một trong tám nẻo chân thật mà Đức Thế Tôn đã từng dạy cho những ai muốn được giải thoát rốt ráo, mà chánh niệm còn là điều tất yếu cho chúng ta trong cuộc sống hằng ngày nữa. Trong những buổi thiền quán, các thầy thường hay bảo chúng ta nên giữ chánh niệm lúc ngồi thiền, và mấy thầy cũng thường hay nhắc đi nhắc lại rằng chánh niệm là một yếu tố vô cùng quan trọng, chẳng những chỉ cho những người mới tập thiền, mà còn cho những người đã từng nếm vị thiền khá lâu nữa. 

Vậy thì chánh niệm là gì? 

Chánh là chánh đáng, còn niệm là ý niệm. Tức là dùng những ý niệm chánh đáng để thấy rõ chân tướng của sự vật ngay trong hiện tại. 

Tại sao quý thầy lại khuyên ta phải giữ chánh niệm? 

Tâm ta như con vượn chuyền cây, nó dong ruổi không ngừng nghỉ. Mà kỳ thật, nó dong ruổi như người mê ngủ, chứ đâu được như người tỉnh táo. Hãy thử ôn lại một chút những gì đã xãy ra cho ta thì có lẽ đa số chúng ta sẽ đồng ý rằng chúng ta đã dành quá nhiều thì giờ cho những chuyện không đâu. Chúng ta ít khi sống thực với mình lắm. Khi đi đâu chúng ta cứ hấp tấp vội vã, chứ có khi nào chúng ta đang biết là chúng ta đang đi đâu? Có khi nào chúng ta cảm thấy hạnh phúc với từng bước chân ta chạm đất đâu? Chúng ta cũng thường hay vô ý thức về những chuyện mình làm, ngay cả những chuyện xãy ra quanh mình. Một thí dụ rõ nét là lúc ta có ý định đi chợ chẳng hạn; nhiều khi chúng ta chỉ nghĩ đến cái chợ là điểm đến, chớ chúng ta không hề nghĩ tới mình đã thấy gì, đã nghe gì trên đường đến chợ. Lâu ngày thành thói quen, chúng ta trở thành những con người vô hồn. Sống như vậy quả là uổng cho một kiếp con người.

Nếu chúng ta chịu khó để hết tâm tình của mình vào bất cứ chuyện gì mình làm, thì cho dù ở sở làm, ở trường học, ở nhà, hoặc ở chùa... chúng ta đều sẽ cảm thấy an vui. Chuyện thành công hay thất bại không làm mình nao núng; hãy mỉm cười lúc được cũng như lúc không. Hãy sống trọn vẹn và thành thực trong giờ phút hiện tại, ấy là ta đang sống trong chánh niệm vậy. Sống trong chánh niệm sẽ giúp ta nhìn thấy sự vật một cách rõ ràng; thấy mà không hề phê phán, hoặc ưa thích, hay ghét bỏ. Khi sống trong chánh niệm, chúng ta trực tiếp tiếp xúc với ngoại cảnh, mà không hề bị ngoại cảnh lôi cuốn. Chánh niệm sẽ giúp ta biết rõ những gì xãy ra cho chính mình, mà không bao giờ mình bị tình cảm hay lý trí chi phối, để từ đó chúng ta sẽ sống ung dung tự tại. Chánh niệm còn giúp ta phát sanh trí huệ. Chính nhờ cái chánh niệm nầy mà chúng ta sẽ thông hiểu sự vô thường của mọi vật. Mọi vật chỉ hiện hữu tạm thời trong một hình thái nào đó rồi tự hoại và tan biến đi.

Chánh niệm sẽ giúp ta có sự chú tâm trong giờ phút hiện tại, do đó mà cuộc sống ta trở nên thức tỉnh hơn. Lúc có chánh niệm là lúc ta biết ta đang làm gì, từ đi, đứng, nằm, ngồi, cho đến những công việc khác ở nhà và ở sở làm. Nói tóm lại, chánh niệm là đuốc soi cho ta trong đêm tối. Sống có chánh niệm, chúng ta chẳng những ít bị vấp ngã, mà còn cảm thấy cuộc sống ta tích cực hơn. Dù trước nguy nan hay sung sướng, người có chánh niệm vẫn thản nhiên, vẫn không thay đổi sắc mặt. Chánh niệm quả là cần thiết cho những ai muốn có cuộc sống trọn vẹn. Chánh niệm còn giúp cho ta có khả năng thấu triệt mọi vấn đề chứ không hiểu cạn cợt. Do đó ta không hời hợt trong cuộc sống và cơ may tránh được đau khổ và phiền não sẽ nhiều hơn. 
 
 
 

233. CÁI HIẾU CỦA NGƯỜI CON PHẬT
 
 

Người Phật tử luôn nhìn hình ảnh của Đức Phật như một Đức Từ Phụ qua nhân cách, phẩm hạnh, từ bi, trí tuệ và sự hy sinh phục vụ chúng sanh của Ngài. Ngài quả là một nhà giáo dục đại tài; ngoài việc dạy dỗ và hướng dẫn cho chúng sanh xa lìa căn nhà lửa tam giới, Ngài còn dạy cho con người cách ăn, cách ở, cách cư xử làm sao cho vừa lòng ta, và vừa lòng người. Một trong những lời dạy ân cần nhất của Ngài là con cái phải hiếu thảo với cha mẹ như thế nào. 

Trong Tăng Nhất Bộ Kinh, Phật đã dạy như vầy: "Nầy các thầy tì khưu, trong gia đình cha mẹ phải được tôn kính như vua trời Phạm Thiên. Các ngài là bậc xứng đáng thọ lãnh tất cả những cúng dường của con cháu." Tại sao vậy? Tại vì cha mẹ đã một đời hy sinh rất nhiều cho con cái, từ sinh thành, dưỡng dục, dạy dỗ cho con cái nên vóc nên hình và thành nhơn chi mỹ. Thêm vào sự ân cần dạy dỗ của Phật, dân Việt còn thừa hưởng nếp sống đạo lý cổ truyền của Khổng Mạnh, nên cha mẹ luôn luôn khuyên bảo con cái phải giữ gìn hiếu đạo. Hãy suy gẫm câu ca dao của người miền quê xứ Việt: 

"Tu đâu cho bằng tu nhà, 

Thờ cha kính mẹ hơn là đi tu." 

Hai câu trên không hàm ý đề cao việc tu ở nhà, mà là trước khi phát tâm tới chùa tu, nên phát tâm tu ở nhà, nên thờ cha kính mẹ trước cái đã. Vô chùa thì có Phật, ở nhà thì có cha mẹ, là những vị Phật sống; hãy cúng dường những vị Phật sống ấy trước, rồi mới nói đến chuyện cúng dường các vị Phật khác. Hiếu hạnh luôn đứng đầu trong muôn hạnh, vì thế trong kinh Báo Ân có viết: "Nếu hai vai cõng vác mẹ cha, đi giáp vòng núi Tu Di cả trăm ngàn kiếp, ơn kia cũng khó đền." 

Hãy nhìn những vị Bồ Tát, những vị đại đệ tử của Phật thì ta sẽ thấy chữ hiếu nó quan trọng như thế nào trong đạo Phật. Ngài Địa Tạng đã vì chữ Hiếu mà phát Bồ Đề Tâm, nguyện độ thoát cha mẹ và chúng sanh rồi mới thành Phật. Ngài Mục Kiền Liên đã vì chữ hiếu mà đã thỉnh cầu chư Phật hộ niệm cho mẹ Ngài được thoát cảnh ngục tù nơi A Tì Địa Ngục. Thấy như vậy ta mới biết rằng không phải chỉ những người tại gia mới là có hiếu, mà ngay cả những bậc xuất gia, và những người đã chứng được quả vô lậu như Ngài Mục Kiền Liên. Riêng Ngài Xá Lợi Phất đã hóa độ được mẹ Ngài kính tin nơi Tam Bảo mà hồi đầu. 

Ấy là những người đã xuất gia, còn những người hãy còn tại gia thì phải hiếu thảo với cha mẹ như thế nào? Những người tại gia mà còn cha mẹ hiện tiền quả là họ hạnh phúc; quả là họ đã có tu nhiều đời nhiều kiếp trước. Phải nên trưởng dưỡng cái hạnh phúc ấy. Hôõi những người con Phật, hãy lắng lòng một phút mà suy nghĩ về cái công ơn cao dày của cha mẹ. Những người đã từng ẳm bồng, lo lắng từng li, từng tí, từng giọt sửa, từng vắt cơm... cho ta lúc thơ ấu và ngay cả khi ta đã lớn khôn. Ta thì có lắm khi không tưởng nhớ đến các người, chứ các người thì luôn nhớ đến ta. Ta thì có khi còn giận hờn, trách móc các người, chứ các người thì lúc nào cũng vị tha. Ta thì luôn miệng kể lể những tốn kém này, tốn kém nọ, chứ các người thì nhín nhúc từ đồng từ cắc cho ta.

Có nhiều khi vì thương con, mà các người phải dấu đút của đứa giàu cho đứa nghèo; hoặc có khi, cha hay mẹ, vì thương con mà che dấu những lỗi lầm của con. Có cái gì ngon là con cái ăn trước; chỗ nào cao ráo ấm áp là nhường cho con, còn thân mình dù ẩm ướt, lạnh lẽo cũng không màng. Lo lắng, bồi hồi khi con ươn yếu. Khi xa con thì lòng cha mẹ thương nhớ không nguôi. Ôi tình cha mẹ thương con cái như biển hồ lai láng; thế mà con thương cha mẹ lại nỡ tính tháng tính ngày. Ôi tình phụ mẫu đối với con cái nó dễ thương làm sao, thế mà lắm khi con cái nào có để ý đến sự dễ thương ấy đâu. Các người nuôi nấng ta không một mải mai tính toán, thế mà đến lúc các người cần ta thì ta lại tính tháng, tính ngày. Thậm chí, có những người có nhà cao cửa rộng, phòng trống bỏ không, chứ cha mẹ thì để ở lang thang vất vưởng, ăn nhờ ở đậu, hoặc chôn vùi quảng đời còn lại trong lao tù dưỡng lão viện. 

Các bạn ơi, tôi không có được cái diễm phúc cạnh kề cha mẹ để phụng dưỡng các người, dù lòng nầy muốn lắm. Tôi chỉ có một hoài bảo nho nhỏ là mong rằng những lời đơn sơ mộc mạc nầy sẽ đến tai quý bạn. Để ai đã từng làm những điều ấy, xin hãy hồi đầu. Cha mẹ hiện tiền cũng như Phật trụ xứ vậy; lẽ nào chúng ta chỉ nghĩ đến vợ, chồng, con cái mà ta lại nỡ quên đi những người đã từng banh da, xé thịt, mang nặng đẻ đau ra ta!Lẽ nào ta lại quên được chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm; rồi dày công khó nhọc dạy dỗ cho ta được nên người. 

Theo Nho Giáo thì người bất hiếu là người mang đại tội, về sau nầy sẽ không có người để nối dòng nối giống nữa. Bây giờ thì chúng ta đang sống trong một xã hội vật chất, đời sống chúng ta, dù không muốn, cũng bị đảo lộn. Tuy nhiên, đảo lộn về mặt nào chứ chúng ta không thể đổ thừa vì đảo lộn mà chúng ta không thể nào lo lắng cho cha mẹ được. Ai kia chúng ta còn thương, còn lo lắng được, huống hồ là cha mẹ mình. Vì thế, làm con người, nhất là những người con Phật, mỗi người trong chúng ta phải luôn nhớ lấy lời dạy bảo ân cần của Đấng Từ Phụ: "Mọi người trong chúng ta phải luôn phát triển lòng từ bi, làm lành và chia xẻ những đau khổ của chúng sanh." Một khi chúng ta đã quán triệt được câu nầy thì tôi cũng mong rằng trong chữ chúng sanh ấy cũng có cha mẹ của chúng ta nữa. 

Thật tình mà nói, con người và thú vật cũng đều là những động vật, chỉ khác một chỗ là con người có trí huệ, có tình cảm, biết cách đối xử giữa những con người với nhau, biết hiếu thảo, biết giữ tục lệ, nề nếp, biết quý trọng lễ nghĩa. Chúng ta thấy ngay cả loài vật, chúng cũng có tình mẫu tử, chúng cũng hy sinh, che chở và bảo vệ cho con cái chúng. Tuy nhiên, đấy chỉ là bản năng, chứ không phải lý trí hoặc tình cảm. 

Khi người viết nói ra những điều nầy không để kể lể, vì bản thân người viết chưa ở vào cái tuổi để lâm vào những tình trạng bi đát như đã nói trên. Tuy nhiên, người viết muốn nói lên những sự kiện hiện hữu, những sự kiện hoàn toàn có thật, những chân lý không thể nghĩ bàn. Đâu có cha mẹ nào sanh con, nuôi cho lớn để đặt điều kiện là con cái phải nuôi nấng lại mình. Nhưng làm con mà bất hiếu, tự mình sẽ đày đọa, sẽ dày vò mình suốt đời. Làm dâu mà bắt ép chồng phải bất hiếu với cha mẹ; chẳng những mang tội bất hiếu, mà còn mang thêm một trọng tội khác nữa: xúi người làm chuyện tán tận lương tâm. Thấy như vậy, người con Phật, nếu có cái may mắn còn cha còn mẹ, xin hãy phụng dưỡng các người với tất lòng thành. Không cần phải mâm cao cỗ đầy, hay cao lương mỹ vị; cha mẹ chúng ta không cần những thứ ấy đâu, mà các người cần tình thương, các người cần chúng ta an ủi về tinh thần trong lúc tuổi bóng xế về chiều. Các người chỉ cần mỗi ngày nhìn thấy được con là các người vui và mãn nguyện lắm rồi. 

Thế nào là đúng nghĩa người con có hiếu trong đạo Phật? Đúng nghĩa người con có hiếu là người không ngổ nghịch, sống đời ngay thẳng, không gian xảo, biết thương yêu và hòa thuận với anh chị em, biết làm những điều lợi ích cho gia đình và xã hội, lúc nào cũng tu tâm dưỡng tánh. Khi nói, lúc làm đều mang lại sự an lòng cho cha mẹ. Luôn nói điều thiện, luôn làm việc thiện, biết tu học chánh pháp. Lúc nào cũng phụng dưỡng và đáp đền ơn cha nghĩa mẹ một cách cụ thể về vật chất cũng như tinh thần. Hết lòng cung kính và không bao giờ làm trái ý song thân. Phụng dưỡng cha mẹ từ chỗ ở, nơi ăn, vật thực, thuốc thang và y phục cho đường hoàng. Dù là ở chung nhà cũng phải thường xuyên thăm hỏi.

Chăm sóc cha mẹ một cách ân cần và chu đáo khi các người ươn yếu. Lo việc của cha mẹ trước khi lo việc của của vợ chồng và con cái; vì dầu sao thì vợ chồng và con cái ta, ta hãy còn nhiều ngày, nhiều giờ hơn, chứ cha mẹ, nhứt là cha mẹ già thì có khác chi nến sắp hết sáp, hoặc đèn sắp hết dầu các bạn ơi. Chúng ta sẽ không còn có nhiều cơ hội để lo cho các đấng sinh thành đâu, nếu chúng ta không nắm lấy bất cứ cơ hội nào mà chúng ta đang có. Ngoài ra, người con hiếu thảo còn là người luôn biết bảo vệ thanh danh của gia đình, luôn khuyên lơn và hướng dẫn cha mẹ đi nghe chánh pháp, thực hành hạnh bố thí và những lời Phật dạy. 

Ngoài những điều trên, theo đạo Phật, chữ hiếu nó còn bao quát và phức tạp hơn nhiều. Theo nhà Phật, thì từ vô thỉ ta cứ mãi luân hồi sanh tử, hết thân nầy sang thân khác chỉ vì do vô minh che lấp, nghiệp chướng sâu dày. Qua nhiều kiếp luân hồi nầy, chúng ta đã có không biết bao nhiêu là cha mẹ mà kể cho xiết. Cũng theo đạo Phật, việc cung phụng vật chất chỉ là cái mặt nổi của đời nầy, kiếp nầy, chứ chưa phải là một cách báo hiếu thiết thực. Cái hiếu thiết thực theo đạo Phật là phải làm sao cho chẳng những cha mẹ đời nầy, mà còn làm cho cửu huyền được siêu thoát vĩnh cửu. Chính Đức Từ Phụ cũng đã khẳng định một cây trổ hương thơm thì cả rừng cây thơm ngát, cũng như một người tạo phước thì ngàn người hưởng. 

Độc thọ khai hoa, vạn thọ hương, 

Nhất nhân giải thoát, cửu huyền thăng. 

Thấy như vậy, chữ hiếu trong quan niệm của đạo Phật quả là thâm sâu; không chỉ hiếu với đời nầy, mà còn phải hiếu với nhiều đời nhiều kiếp; không những chỉ ở vật chất hiện tại, mà còn ở tinh thần, tâm linh và giải thoát rốt ráo khỏi sanh tử luân hồi nữa. Hiểu rõ như vậy, ta mới thấy kính trọng những ai dám hy sinh đời sống hiện tại, dám cắt ái ly gia, dám lìa cha bỏ mẹ để xuất gia tu hành giải thoát mà cứu độ cho cửu huyền thất tổ. Thấy được như vậy, chúng ta sẽ không bao giờ vội chỉ trích người cắt ái ly gia, vì họ đang tìm cách trả hiếu đấy. 

Người Phật tử chân chánh, có hai con đường để lựa chọn. Một là cắt ái ly gia để cứu độ cả cửu huyền lẫn chúng sanh; hai là tại gia và thực hành thuần thành những gì mà Đức Từ Phụ đã dạy. Người Phật tử chân chánh luôn nhận biết là trọng trách báo hiếu của chúng ta không phải là nhẹ, mà là cả một con đường dài mà chúng ta phải đi, từ bờ mê sang bến giác. Lúc nào mà ta còn đang tu là lúc ấy chúng ta còn đang trả hiếu cho cha mẹ nhiều đời kiếp của chúng ta đấy. Chừng nào mà chúng ta được rốt ráo giải thoát, chừng ấy chữ hiếu của ta mới gọi là tròn.
 
 
 
 

234. TẠI SAO CỬU PHẨM HOA SEN LÀ CHA MẸ MÌNH? 
 
 

Hoa sen là vật vô tri thì làm sao có thể là cha mẹ mình cho được? Nếu chúng ta chỉ nhìn vào cái nghĩa đen cạn cợt, hoặc chúng ta chỉ dùng cái trí tích khoa học của mình để mà đem ra lý giải thì thật là không thể nào tin được, lại càng không thể nào nghe suông cho được. Thật là khó hiểu và khó chấp nhận được. Tuy nhiên, nếu chúng ta không cố chấp, câu nệ, mà chịu khó suy nghĩ một chút về hình ảnh của Đức Từ Phụ đã ngự trên Liên Đài là một biểu tượng mà Phật giáo đã và đang dùng để truyền bá giáo lý nhà Phật. Hình ảnh ấy chẳng những làm sinh động và xúc tác vào lòng người con Phật, mà nó còn là một ấn tượng tuyệt vời cho mọi người.

Chính vì vậy mà sau mỗi thời kinh sám hối, cầu an, hoặc cầu siêu... chúng ta thường kết thúc bằng những lời thệ nguyện phát ra từ lòng nhiệt thành và tâm nguyện của những người con Phật: "Nguyện tiêu tam chướng trừ phiền não, nguyện sanh Tây Phương Cực Lạc Quốc..." Tam chướng ở đây là Phiền Não chướng, Nghiệp chướng và Báo chướng; một khi tam chướng được tiêu trừ thì ta mới có thể vãng sanh được. Mà vãng sanh được là đi về đâu? Về Tây phương Cực Lạc đấy.

Nguyện sanh Tây phương Cực Lạc cảnh, 

Hoa sen chín phẩm là cha mẹ mình. 

Nơi đó có Đức Phật A Di Đà đón rước chúng ta, mà các đức Phật là hình ảnh của những đóa sen, vươn lên từ trong bùn nhơ, không nhuốm mùi bùn mà còn tỏa hương thơm ngào ngạt. 

Người con Phật ao ước gì? 

Có phải tất cả những người con Phật đều ao ước được như những đóa sen kia chăng? Chắc chắn là như vậy. Vì nhận thấy sự băng hoại của kiếp người do ở cội nguồn vô minh, dục vọng, tham cầu, nên những người con Phật đã quỳ trước đài vô thượng mà nguyện với Đức Từ Phụ rằng kể từ đây con sẽ về nương nơi Tam Bảo để thoát ra cái tâm trạng lạc loài khốn khổ giữa cuộc đời đầy tham vọng tranh chấp của xã hội văn minh vật chất nầy.

Người con Phật, mỗi lần đứng trước hình ảnh Đức Từ Phụ, ý thức đầu tiên trong chúng ta là Ngài là một con người cũng như nhiều người khác, có điều là Ngài đã sớm giác ngộ, đã sớm thấy được thực trạng và kiếp sống tạm bợ nầy, nên Ngài đã buông bỏ cung vàng điện ngọc, công danh sự nghiệp, Ngài đã từ bỏ cuộc sống tham nhiễm để dày công tu luyện cho đến khi được đại định, cho đến khi được chứng quả Niết Bàn. Hình ảnh của Ngài chính là hình ảnh của hoa sen, mọc lên từ trong bùn, nhưng luôn luôn vượt thoát khỏi bùn để trổ hoa thơm ngào ngạt.

Không có một thứ tham nhiễm nào có thể làm vướng mắc được Phật, cũng như không có một thứ bùn nào có thể chôn chân được những loài sen. Không có một thứ cám dỗ nào có thể trói chặt được những tâm hồn cầu mong giác ngộ, cũng như những hôi tanh của bùn không làm sao cản được hương thơm ngào ngạt của hoa sen. Sen vẫn vươn lên, bất chấp phong ba bão táp, cũng giống như không có một thứ mật ngọt nào có thể làm si mê những con người ngưỡng vọng giải thoát. Phật từ chúng sanh mà ra, cũng như mùi ngạt ngào của hương sen lấy ra từ sự tanh hôi của bùn. 

Đối với đạo Phật, chúng sanh muôn loài có một giá trị tối thượng, giá trị ấy ngang hàng với giá trị của chư Phật. Điều mà các tôn giáo khác không bao giờ dám chấp nhận. Với họ, tín đồ là tín đồ, còn giáo chủ là giáo chủ. Nghĩa là đối với họ, chúng sanh sẽ mãi mãi là chúng sanh, chứ chúng sanh không bao giờ thành giáo chủ được. Phật quan niệm giác ngộ của Ngài không có gì là thần thánh, không có gì gọi là vượt ra ngoài thế gian cả. Bồ Đề từ phiền não, và giải thoát đi từ đau khổ của cuộc đời. Chính vì quan niệm như vậy, nên Ngài đã dạy những Phật tử rằng chúng sanh sẽ không bao giờ giải thoát được bằng cách xa lánh cuộc đời, hoặc tiêu cực buông xuôi, hoặc chỉ lý thuyết mà không có hành trì. Chính Ngài đã chứng quả Phật vì Ngài dám dấn thân vào đời một cách tích cực, Ngài đã dám kinh qua những gian truân, thử thách cam go với những nội ma ngoại chướng. Ngài đã như hoa sen vượt lên trong bùn, tỏa ngát hương khắp cả Ta Bà Thế Giới. Khi chúng sanh cúi đầu nhận Ngài làm cha mẹ ấy là ta đã nhận con cái của những gì thanh cao và tinh khiết nhứt của loài sen. 

Tóm lại, nhận hoa sen làm cha mẹ là nhận quỳ trước Phật đài mà nguyện kể từ đây con sẽ hành trì những gì mà Ngài chỉ dạy để được rốt ráo, vươn lên từ trong bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Nhận hoa sen làm cha mẹ mình là chấp nhận: 

 Phật và chúng sanh,

 Như sen và bùn. 

 Niết Bàn trong sanh tử, 

 Ngoài ta không có Phật. 

 Lạy Phật Đại từ, Đại bi, Đại Giác. 

 Đấng cha lành với Đại hùng đại lực. 

 Con cúi đầu quy mạng, 

 Về nương nơi Tam Bảo. 

 Con là một chúng sanh quyết thành Phật, 

 Một ngó sen quyết vươn lên từ bùn, 

 Để đâm chồi nẩy lộc, 

 Thành một đóa sen, 

 Tỏa hương thơm ngào ngạt. 

 Cùng pháp giới chúng sanh, 

 Đều về nương Tam Bảo, 

 Một rừng sen thơm ngát. 

 Biến Ta Bà thành Giác Ngộ, 

 Cùng đi đến rốt ráo, 

 Thanh tịnh và an lạc. 
 
 

235. TU LÀ PHẢI THẬT TÂM, THÀNH KHẨN VÀ LUÔN HÀNH TRÌ NHỮNG HẠNH LÀNH
 
 

Người Phật tử chân chánh, một khi biết đời là vô thường, nay còn mai mất, sớm nở tối tàn, sinh, lão, bệnh, tử nó làm mình quay cuồng..., sẽ không bao giờ để hết ngày nầy đến ngày khác trôi qua một cách phí phạm vô ích. Sẽ không bao giờ để đời mình sinh ra bằng tiếng khóc, rồi ra đi cũng bằng tiếng khóc. Người con Phật phải sớm giác ngộ để thấy rằng cuộc sống của mình có đủ thứ nhân duyên, chúng phát sinh và biến hóa không cùng không tận. Muốn có trí huệ để thông suốt mọi sự, con đường duy nhất là phải phát Bồ Đề tâm thì một mai ta có bỏ thân tứ đại, ta sẽ ra đi với một nụ cười an nhiên tự tại.

Muốn được như vậy phải làm sao?

Muốn được như vậy ta phải thật tâm, thành khẩn và luôn quét sạch đi những thói hư, tật xấu, những lỗi lầm từ muôn kiếp và phát tâm làm những hạnh lành. Hạnh lành dù nhỏ cũng phát tâm làm, và làm thiệt tình chứ không giả trá. Làm một cách hết sức thành khẩn, chứ không lười biếng hoặc làm qua loa, lấy lệ. Luôn làm, chứ không nay làm mai nghỉ. Có được như vậy thì tâm bồ đề của ta mới có cơ phát được. 

Phật tử luôn nhớ rằng thân ta như ngọn nến đang cháy dở; không nhứt thiết phải hết sáp thì nến mới tắt, mà chỉ cần một ngọn gió nhỏ nến vẫn tắt như thường. Một ngày trôi qua là một ngày mạng ta giảm dần như cá cạn nước, không sớm nhảy, sẽ không có cơ hội nữa. Chúng ta không để ý nên không thấy, chứ đối với vũ trụ thì thân nầy có khác chi ánh điện chớp đâu? Nó vô thường như vậy đó!Nhưng người con Phật quyết noi gương Phật, quyết quán xét cái ánh điện chớp nầy mà tinh tấn hành trì những điều Phật dạy để nhảy cho qua vũng cạn, để được như rồng bay thảnh thơi trên vùng đất Phật. 
 
 

236. CÁI ÁC NÀO LÀ CÁI ÁC LỚN NHẤT? 
 
 

Nói đến ác thì có vô số ác, nào là sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lưỡi hai chiều, nói lời hung ác, nói chuyện thị phi, vu oan giá họa cho người, nói lời vu vơ cho người lo sợ... Người con Phật, một khi đã quyết tâm tu hành thì bằng mọi cách, chúng ta nên tránh những tạo tác ác. Nhân quả báo ứng nhãn tiền; hễ mình tạo nghiệp thì mình phải chịu quả báo. Hãy cố mà tránh, đừng để ta cứ tiến sâu vào cõi vô minh thì khó mà thoát ra lắm. 

Trong tất cả các cái ác, cái nào cũng xấu xa nên tránh; tuy nhiên, cái ác lớn nhất có thể đẩy ta vĩnh viễn vào con đường trầm luân là cố ý sát sanh và ăn thịt chúng sanh. Là Phật tử phải nên biết thật rành luật nhơn quả của nhà Phật. Hễ mình giết chúng sanh thì mình phải nhận lãnh quả báo bị giết lại ở tương lai. Tương tợ, hễ mình ăn thịt chúng sanh, thì mình sẽ bị chúng sanh ăn thịt lại trong tương lai. Phật tử phải nên suy đi nghĩ lại cho kỹ trước khi cố tình sát sanh hại vật. Cứ hổ tương giết hại và ăn thịt lẫn nhau, thử hỏi chúng ta sẽ được gì ngoài cái địa ngục. Xin đừng để lún quá sâu vào vô minh thì khó mà tiến lên được lắm. Như chúng ta thấy đó, súc sanh vì bản tánh hung tợn dữ dằn, giết hại lẫn nhau mà phải chịu đày đọa những cực hình, Ngay cả chuyện bị người bắt làm thịt. Một khi đã bị đọa vào súc sanh thì khó mà tiến lên lắm, cứ thế mà đi xuống thôi. Xin hãy luôn nhớ lời dạy năm xưa của Đức Từ Phụ: 

Nhất thất nhân thân, 

Vạn kiếp nan phục. 

 Nghĩa là một khi đã mất thân người rồi thì muôn kiếp khó có cơ tái hồi. Chỉ vì bị vô minh che lấp mà ta cứ mãi dong ruổi làm những chuyện ác để rồi bị đọa vào địa 

ngục hoặc vào ác đạo, súc sanh. Một khi đã đọa vào ác đạo và súc sanh thì ô hô rất khó mà khôi phục lại thân người. Con người mà biết suy nghĩ luôn thấy rằng ta không có nhiều thì giờ đâu; hãy lợi dụng từng giây, từng phút mà ta có được để mà hành trì những lời dạy dỗ của Thế Tôn cho được giải thoát rốt ráo. Nếu không được giải thoát thì ít nhất cũng phải giữ được năm giới căn bản: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu để ít nhất một khi mất thân nầy thì cũng được trở lại làm người mà tiếp tục tu. Xin hãy đừng đợi, đừng chờ cho đến lúc gần mất thân nầy, thì dù có hối hả tu cũng không còn kịp nữa. 
 
 
 
 

237. BỒ ĐỀ TÂM
 
 

Người tu lúc nào cũng nghĩ đến chuyện giải thoát và chấm dứt sanh tử, nhưng như vậy thì hãy còn hẹp hòi quá vì mình tu thì đã yên bề, còn cha mẹ, vợ con, anh em, bà con thân thuộc và cửu huyền thất tổ của mình vẫn hãy còn chìm đắm thì sao? Chúng ta cũng phải tìm cách để vớt họ ra khỏi trầm luân nữa chớ. Chính vì vậy mà Đức Phật đã ân cần dạy dỗ rằng dù được hay không được ta vẫn phải tâm nguyện là sẽ phát tâm rộng rãi để cứu độ tất cả mọi người. Cái tâm ấy Đức Phật gọi là Bồ Đề Tâm. Như vậy Bồ Đề Tâm là tâm cầu thành Phật để cứu độ chúng sanh. 

Hãy nhìn lại kiếp luân hồi của ta từ vô thỉ để thấy rằng ta có vô số cha mẹ. Kẻ thù của ta ngày hôm nay rất có thể đã từng là cha mẹ của ta ở nhiều kiếp trong quá khứ. Ngược lại, người mà ta đang thương yêu, ôm ấp, rất có thể đã từng là kẻ thù của ta từ muôn kiếp trước. Chính vì thế mà Đức Phật đã hằng khuyên nhủ những đệ tử của Ngài là một khi phát tâm tu hành, cũng nên phát tâm bồ đề mà cứu độ hết thảy chúng sanh, từ thân đến sơ, từ bạn đến thù. Hơn nữa, Mối liên hệ chằng chịt của chúng sanh thì khó mà biết được ai đã từng làm cha mẹ, hay con cái của ai lắm. Điều tốt nhất là hãy phát rộng tâm mà cứu độ hết thảy mọi người. Như thế hóa ra ta đã nguyện phát triển tình thương đến tất cả muôn loài, không phân biệt màu da chủng tộc. 

Người phát Bồ Đề Tâm nên làm những gì? 

Một khi đã phát bồ đề tâm, ta đương nhiên là con của Như Lai thì ít nhất ta cũng phải tập tành theo đức tánh của Như Lai, nghĩa là: 

Luôn tạo công đức; 

Luôn diệt trừ ác nghiệp; 

Luôn thành tựu đạo đức; 

Luôn tự mình an nhiên tự tại; và 

Giúp cho người khác được an nhiên tự tại.

Luôn nghĩ đến chúng sanh; 

Luôn tạo công đức và phát sinh trí huệ; 

Luôn kính trọng thầy tổ; 

Không bao giờ hối hận vì đã làm việc thiện. 

Không đạo đức giả dối. 

Không bao giờ nói dối, dù chỉ là điều vô hại.

Không nói lỗi của người.

Không keo kiệt, bỏn xẻn, mà 

Rộng tâm bố thí cả tài vật lẫn pháp thí. 

Việc thiện dù nhỏ cũng làm; 

Việc ác dù nhỏ cũng quyết tránh. 

Không phạm tội ngũ nghịch. 

Không ôm giữ tà kiến. 

Không làm phương hại đến người khác. 

Không làm người sơ cơ hiểu lầm về Phật pháp. 

Không tự mình phá giới, cũng

Không xúi dục người phá giới.

Luôn tinh tấn làm Phật sự. 

Luôn tinh tấn làm việc thiện;

Luôn tinh tấn học hỏi Phật pháp. 

Luôn tinh tấn cứu giúp chúng sanh. 

Luôn tìm mọi cách mang lại an lành cho người.

Không bao giờ sân hận, cũng 

Không si mê.

Không tranh tụng, cũng như không trả thù. 

Luôn nhẫn nhục. 

Người Phật tử chân chánh luôn nguyện rằng: 

Nguyện Bồ Đề Tâm phát sanh tại những nơi chưa có. 

Nguyện Bồ Đề Tâm không thoái chuyển ở những nơi đã có. 

Nguyện Bồ Đề Tâm tăng trưởng mãi mãi. 
 
 

238. PHẬT GIÁO VÀ XÃ HỘI HIỆN TẠI 
 
 

Chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh vật chất với biết bao nhiêu là phương tiện thoải mái. Tuy nhiên, bên cạnh đó, chúng ta cũng phải gánh chịu không biết bao nhiêu là tệ nạn từ trộm cướp, du đảng, giết người, sì ke, ma túy, đồng tình luyến ái... và còn nhiều thứ nữa. Có khi nào chúng ta tự hỏi xem những tệ nạn ấy từ đâu mà có? Có khi nào chúng ta chịu khó đi vào tận sào huyệt của những tệ nạn ấy chưa? Thật tình mà nói là chưa. Ngay cả nhà đương cuộc, có lẽ họ cũng biết nguyên nhân, nhưng cái biết của họ chưa gọi là đến sào huyệt. Thí dụ như giết người cướp của, thì đa số cho rằng vì nghèo mà cướp của, vì thù hằn mà giết người, chứ ít khi nào chịu đi sâu hơn nữa, vô tận cùng hang hẻm của vấn đề mà moi móc cho được lý do tại sao có tệ nạn. Một thí dụ khác, một em bé chích sì ke ma túy thì bị người ta đỗ cho là bị lôi cuốn vào thú vui rồi ghiền, chứ người ta có chịu đi xa hơn nữa để xem coi tại sao thân em phải tàn tạ đến như thế. Có thể cha mẹ em vì mãi mê kiếm tiền mà đành phó mặc em cho đám du đảng hàng xóm; cũng có thể vì sự ly dị của cha mẹ mà em bị khủng hoảng tinh thần... và còn rất nhiều cái có thể lắm. 

 Nhiều khi người ta vô tình hay cố ý làm cho xã hội vốn dĩ đã rối loạn, trở nên rối loạn hơn, đã lo sợ trở nên lo sợ hơn. Hãy nhìn vào vụ xử án hung thủ ám sát Tổng 

Thống Mỹ năm nào, thế mà họ cho là hung thủ vô tội vì tâm thần không bình thường. Làm như vậy hóa ra là cổ võ người ta khinh thường pháp luật. Nếu hung thủ không bị trừng trị thì cũng phải có biện pháp gì, chứ không nên phóng thích như vậy. Phóng thích như vậy hóa ra làm cho mọi người phập phồng lo sợ. 

Xã hội nát bét như vậy đó, thử hỏi không có tôn giáo thì nó sẽ đi về đâu? Câu trả lời sẽ là đến lúc nào đó tự chúng ta hủy diệt lấy chúng ta. Xã hội hiện tại như một con tàu lủng nát, mà tôn giáo như những người thợ vá. Vá cách nào cũng tốt hơn là không. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng những giới luật của đạo Phật là những chất keo bền bỉ vĩnh hằng. Chỉ cần nhìn ngũ giới cho một người tại gia thì chúng ta sẽ thấy rõ được một sự chuyển biến tốt đẹp rồi, chứ đừng nói chi đến hai trăm năm mươi giới của Tỳ Kheo. Nếu ai trong chúng ta cũng giữ được năm giới thì gia đình đâu có ly tán, xã hội làm gì có loạn lạc. Chúng ta sẽ nhìn thấy một thế giới trong đó không có chém giết, không có trộm cướp, không có ai làm điều tà hạnh với ai, mọi người đều nói lời chân thật, không có say sưa be bét để rồi tạo ra rối loạn trật tự. Đi xa hơn nữa, nếu ai ai cũng quyết tâm nghe theo lời Phật dạy: 

"Làm điều lành, không làm điều ác;

 giữ cho tâm được trong sạch." 

Thì xã hội nầy trong mấy chốc sẽ biến thành Tây Phương Cực Lạc. 
 
 
 
 

239. TÂM NGUYỆN CỦA NHỮNG NGƯỜI CON PHẬT
 
 

Xưa nay có lắm người tin Phật, ngày ngày vẫn tụng niệm, tuần tuần vẫn hay đi chùa lạy Phật và cúng dường Tam Bảo. Tuy nhiên, có bao nhiêu người thật sự có được cái tâm nguyện thật sự của một người con Phật? Chính vì cái thiếu sót nầy mà chúng ta thấy Phật giáo chúng ta hãy còn rời rạc. Nếu người người con Phật đều có chung một tâm nguyện thì khỏi nói ta cũng dư biết, chúng ta sẽ là một khối thuần nhứt. Còn gì tuyệt cho bằng đã mặc chung một thứ áo Như Lai, ở chung một nhà của Như Lai, mà lại được cùng mang chung một tâm nguyện của Như Lai!

Sở dĩ chúng ta không mang cùng một tâm nguyện của Như Lai là vì lắm người trong chúng ta không thông hiểu Phật lý căn bản, rồi cứ cho là mình đã biết, thậm chí 

có lắm người xưng là Phật tử mà bản chất còn điên đảo, 

tâm tánh còn cống cao ngã mạn. Đi đâu cũng coi trời không bằng cái vung, mục hạ vô nhân, cho nên cái mình biết không đến đâu mà lại cho là tất cả. Nhìn đạo Phật chỉ qua hình ảnh của những ngôi chùa ở các địa phương, e rằng có lắm khi chúng ta không phải thật sự nhìn một đạo Phật thật, mà chỉ là những biến thái của đạo Phật mà thôi. Phật giáo khi truyền qua Tàu, Nhật, Việt, Thái, Miến... đều mang những hình thái khác nhau. Do đó mà tâm nguyện của những người con Phật cũng không đồng nhất. 

Ở đây tôi chỉ xin tóm lược những điều mà Đức Thế Tôn đã hằng khuyên nhủ chúng đệ tử, về sau nầy phải tâm nguyện thế nào để phụng sự, chẳng những cho đạo pháp mà còn cho đời nữa. Cái quan trọng mà những người con Phật nên nhớ là một khi mang danh là con Phật, mọi người nên đồng tâm phát nguyện: "Lấy tâm Phật làm tâm mình. Lấy hạnh Phật làm hạnh mình. Và lấy nguyện Phật làm nguyện mình," thì sẽ không sợ gì tâm nguyện của mình không đồng nhất với tâm nguyện của những người con Phật khác. 

Vậy thì tâm Phật là tâm như thế nào?

Phàm phu đã tốn không biết bao nhiêu thì giờ để mà tranh cải về cái "Tâm" nầy. Người thì cho rằng tâm ở trong ta; kẻ thì bảo là tâm ở ngoài. Người thì nói là tâm không thực tướng; kẻ thì bảo là tâm có thực tướng. Người thì bảo là tâm sanh diệt; kẻ thì lại cho rằng tâm nầy sẽ đi theo ta đời đời kiếp kiếp... ở đây mình không bàn ai đúng, ai sai, mà chúng ta chỉ đi thẳng vào vấn đề ý nghĩa của tâm Phật, một cách ngắn, gọn và dễ hiểu thôi. 

Theo Phật giáo thì tâm Phật là Tâm Chơn Như, nghĩa là cái tâm bất sanh, bất diệt, nó to lớn bao trùm tất cả các pháp. Chính vì vọng niệm mà ta có sự phân biệt sai trái; nếu xa lìa vọng niệm rồi, thì cảnh giới sai trái cũng không còn, mà chỉ còn lại một cái Tâm Chơn Như thôi. Sở dĩ gọi tâm Phật là Chơn Như vì nó không hư ngụy; không bị thời gian làm thay đổi, hay chuyển dời. Tự hồi nào đến giờ nó vẫn như thế ở trong mọi người của chúng ta. Nó cũng giống như bầu trời tự thuở giờ, nếu không bị mây che, thì lúc nào bầu trời cũng trong vắt và cao thăm thẳm vậy. Một khi đã biết được chơn Như rồi thì ta thấy rằng ngôn ngữ, văn tự... bất quá cũng chỉ là những phân biệt, không có thật, do chúng ta đặt ra mà thôi, ngay cả chữ Chơn Như cũng thế. Đã biết như vậy rồi thì người con Phật sẽ không bao giờ chấp ở văn tự nữa, mà chỉ thầm thầm tiến tu và hành trì những gì Phật dạy để sớm được về cõi vô sanh. 

Thế nào là hạnh nguyện của những người con Phật? 

Đã nói là con Phật thì hạnh nguyện cũng phải giống hạnh nguyện của chư Phật chứ. Khi làm việc gì, cũng đều do lòng từ bi mẩn chúng mà làm, chứ không vì bất cứ một lý do nào khác. Nếu chúng ta giúp đôõ một người nào vì một lý do nào khác hơn là từ bi mẩn chúng, thì hãy coi chừng, chúng ta không phải là con Phật đấy. Nếu chúng ta biết cách tu hành cho được thoát khổ, mà không chia xẻ với mọi người, chúng ta cũng không phải là con Phật. Người con Phật thật sự là người có tâm nguyện không một mình an lạc giải thoát khi chúng sanh vẫn còn trầm luân khổ hãi. Nói như thế không có nghĩa là ai cũng nguyện như Ngài Địa Tạng Bồ Tát, chỉ ra khỏi địa ngục khi không còn một chúng sanh nào trong đó.

Nếu ta nguyện được như vậy thì càng tốt; tuy nhiên, hạnh nguyện ấy nó lớn quá, nhiều khi mình không dám nghĩ đến. Người con Phật cứ thầm thầm mà cứu độ. Thấy ai lo lắng, sợ hãi thì ta ngồi lại khuyên lơn an ủi cho người hết sợ, ấy là hạnh nguyện của Phật. Thấy ai đói khát, ta mang thực vật ra bố thí mà tưởng chừng như mình đang cúng dường chư Phật, ấy là hạnh nguyện của Phật. Thấy ai lâm nạn, ta ra tay cứu vớt, ấy là hạnh nguyện của Phật. Thấy ai không am tường một vấn đề mà ta am tường, ta bèn cố công giảng giải mà không sanh lòng khinh rẻ, ấy là hạnh nguyện của Phật.

Thấy ai bị lạc vào si mê tà kiến, ta bèn tìm cách dẫn dắt họ ra. Thấy ai cứ dong ruổi vào ác đạo, ta chỉ bày cho họ cách tu hành hướng thượng. Thấy ai tâm thần tán loạn, ta bèn chỉ cho họ cách thiền quán để cho thân tâm họ định tĩnh trở lại. Thấy ai nghi ngờ và lo sợ, hoặc giải đãi thì ta khuyên họ nên thường nghe pháp mà tiến tu, ấy là những tâm nguyện của Phật. Làm được những điều trên đây thì quả tình không hổ danh là một người con Phật thật sự. Làm được như vậy thì cho dù chưa được giải thoát ở kiếp nầy, thân tâm ta đã không thường an lạc lắm sao? Chẳng những ta an lạc, người an lạc, mà ta còn đang tạo những duyên lành cho tương lai, hoặc đời sau tu tiếp. 
 
 
 
 

240. ĐẠO LÝ CỦA PHẬT KHÓ HAY DỄ ĐẢ THÔNG? 
 
 

Đạo lý của Phật là những chân lý không thể nghĩ bàn, không dễ không khó. Phật đã giảng pháp để lưu lại cho chúng sanh đời sau nương theo mà tu hành cho được giải thoát cũng như Ngài. Nếu Ngài để lại những gì quá khó thì đời sau làm sao mà thông hiểu cho được. Như vậy ai nói rằng Phật pháp nan học là không đúng và thiếu cơ sở. Tuy nhiên, nếu nói Phật pháp thậm thâm vi diệu thì tôi hoàn toàn đồng ý. Thậm thâm ở chỗ căn cơ nào, trình độ nào cũng có thể thâm nhập kinh tạng được; còn vi diệu ở chỗ một khi đã thâm nhập kinh tạng và chịu khó hành trì thì sự lợi lạc sẽ hiển lộ. 

Như vậy, theo thiển ý, Phật pháp dễ chứ không khó học; tuy nhiên, có sống được trong đạo, có đem đạo Phật được vào trong đời sống hằng ngày hay không, đó mới là điều khó. Thí dụ như ngũ giới đó, nói thì dễ, mà thực hành có dễ không? Nói là không sát sanh, mà mình đã có hoàn toàn không sát sanh chưa? Hay vẫn ngày ngày ăn tươi nuốt sống chúng sanh? Nói là không trộm cắp, mà mình đã thực sự ngay thẳng chưa? Hay vẫn chôm chỗ nầy, chỉa chỗ kia? Nói là không tà dâm, mà mình đã thực sự diệt hết những dâm dục không chính đáng trong lòng mình chưa? Hay vẫn còn nay đào mai lý, hoặc ngày ngày vẫn dong ruổi với bướm hoa. Nói là không nói láo, mà mình đã thực sự có sao nói vậy, hay vẫn dối đầu nầy, gạt đầu kia. Cái khó của đạo Phật là ở chỗ hành trì, chứ nói thì ai mà nói chả được. Một khi đã biết được điểm then chốt nầy rồi, xin Phật tử hãy thầm thầm không nói nhiều mà hành trì nhiều. Không lý luận, biện giải mà thực hành đi rồi sẽ thấy rằng với đạo Phật, nếu lý sự viên dung thì Niết Bàn cũng gần đâu đấy. 

Thực tình mà nói, đạo Phật dành cho mọi căn cơ trình độ; căn cơ nào, trình độ nào cũng hiểu được Phật pháp. Tuy nhiên anh A sẽ hiểu không hết được nghĩa lý như chị B và như vậy thì cái hiểu nó cũng có thứ bực khác nhau, khác nhau chứ không sai về Phật lý. Thí dụ như nói về nhân quả chẳng hạn, cái hiểu của tôi khác với cái hiểu của anh, mà chỉ khác về trình độ, chứ không khác về nghĩa đâu à. Vậy xin đừng ai chấp ai rồi hàm hồ phê phán mà mang thêm ác nghiệp. Nói cho rõ ra, nếu tôi mới tập tu, trình độ nếu so với trường làng thì chưa được sơ cấp, tôi hiểu đạo lý nhân quả của nhà Phật là trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu.

Cái hiểu biết tuy là sơ cấp, nhưng dễ thương làm sao ấy vì nó chỉ thẳng vào trăng, chứ không chỉ những ông sao xa vời khó thấy. Nếu ai cũng được như vậy thì thế giới Ta Bà nầy sẽ bớt hẳn Ta Bà; nếu ai cũng hiểu được như vậy, rồi lấy câu nầy làm công thức để sống ở đời thì cuộc đời nầy quả là lý tưởng. Vì sao lý tưởng? Vì họ đã đi thẳng vào thực tế và cũng vì họ đã đem được đạo Phật vào đời sống thực hằng ngày. Hễ trồng dưa thì được dưa, trồng đậu thì được đậu. Tương tự, hễ ăn hiền ở lành, thì được lành; còn ăn ác ở ác thì bị quả báo ác. Đơn giản, dễ hiểu và không gút mắc. 

Tuy nhiên, nếu bạn đã nhuần Phật pháp hơn một chút, nói nôm na, là bạn đang ở cấp một trường làng chẳng hạn, thì bạn sẽ cho rằng đạo lý nhơn quả trong nhà Phật nó không đơn giản vậy đâu? Bạn sẽ cho rằng ừ trồng dưa thì được dưa, trồng đậu thì được đậu, nhưng Đức Phật có chỉ cho chúng ta cách trồng thứ mà mình muốn. Bạn sẽ cho rằng lập luận nhân quả không thể tránh được là phủ nhận lập trường của Phật pháp, vì nếu nhất định không tránh được, nghĩa là không thể thay đổi được thì tu hành để làm gì? Lập trường và sự hiểu biết như vậy của bạn là hoàn toàn đúng; tuy nhiên, nếu bạn đứng ở cái lớp một của bạn mà cho rằng cái hiểu của những người sơ cấp là sai thì người sai trước tiên chính là bạn.

Vậy thì bạn ơi, có ai đó hỏi bạn Phật pháp dễ hay khó, bạn nên cẩn trọng trong câu trả lời của bạn. Nếu có ai hỏi bạn điều gì đó đúng hay sai theo đạo lý của nhà Phật, bạn cũng nên rất dè dặt, chứ đừng bao giờ hàm hồ cho rằng ai đúng ai sai. Đừng bao giờ dạy đời người, mà hãy quay về dạy cho chính mình trước đã và luôn nhớ rằng đúng hay sai chỉ là những ngôn từ hạn hẹp mà phàm phu đã ước lệ để tiện dùng trong đời sống. Là người Phật tử, đừng quá chấp trước vào những thứ đó mà vô hình chung tự mình đã làm xa đi con đường đi về đất Phật của chính mình. 

06-05-2008 11:23:46

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn