- Mục Lục
- 01. Bốn Chặng Đường Tỉnh Thức
- 02. Hồng Danh
- 03. Luận Vãng Sinh
- 04. Ý Nghĩa Trai Đàn Bạt Độ
- 05. Tương Quan Giữa Thiền Và Mật
- 06. Các Đề Mục Nguyên Thủy
- 07. Thân Hành Niệm
- 08. Ba Thời Chuyển Pháp
- 09. Câu Chuyện Dòng Sông
- 10. Ý Nghĩa Quy Y Ba Chặng Đường Tu Tập
- 11. Phương Pháp Học Phật
- 12. Tiến Trình Chết & Trung Ấm
- 13. Trung Ấm Tái Sinh
- 14. Kêu Dài Một... Lạnh Hư Không
- 15. Cách Chữa Tim Tại Mỹ
NGUỒN MẠCH TÂM LINH
Thích Nữ Trí Hải
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo Hà Nội 2003
HỒNG DANH
Hồng danh là nghi thức Mật tông. Trong Mật tông vai trò bậc Thầy còn quan trọng hơn cả Tam bảo, vì nhờ Thầy mà ta biết được Ba ngôi báu, nên trước khi đảnh lễ Tam bảo ta phải đảnh lễ bậc Thầy đã đưa mình vào đạo lộ Kim cang thừa:
“Nam mô quy y Kim cang thượng sư”.
Kim cang thừa là cỗ xe Phật đạo, cỗ xe cao nhất, trực chỉ, “tức thân thành Phật”, không qua các giai đoạn. Ngay trong thân và tâm hiện tại, ta phải trực nhận Phật tính đầy đủ vô lượng công đức vô lượng trí tuệ, và đồng thời trực nhận Phật tính ấy nơi tất cả mọi người, bỏ qua những hiện tượng bất toàn của thế gian. Giây phút nào mà ta trực nhận được Phật tính nơi tự thân và nơi tha nhân, là giây phút đó bản thân và hoàn cảnh ta được chuyển hóa: cõi chúng sinh thành cõi Phật, vì trong đó chúng sinh đang thành Phật. Cho nên tiếp dến, có câu: “Con nay phát tâm không để tìm hạnh phúc trong cõi người, cõi trời, hay để làm các bậc thánh thanh văn, độc giác, hay trải qua 53 địa vị Bồ tát là những giai đoạn tạm thời. Mà con phát tâm là chỉ nhắm đến một cảnh giới duy nhất, đó là cảnh giới mà trong đó mọi người đều là Phật. Xin cho tất cả chúng sinh cùng được chứng quả vị Vô thượng bồ đề, thành Phật”.
Sau khi đã nguyện như thế rồi, hành giả phải quán tưởng tất cả vũ trụ đều là cõi Phật, tất cả chúng sinh trong đó đều là Phật, và đảnh lễ: “Con xin quay về nương tựa vô lượng chư Phật trong mười phương, cùng khắp không gian”.
Đã thấy được tất cả chúng sinh là Phật, thì cũng thấy được tất cả hiện tượng trước mắt đều là Pháp, nghĩa là chân lý giúp ta giải thoát. Cho nên hành giả đảnh lễ: “Con xin quay về nương tựa tất cả chính lý ở nơi mọi sự trong khắp không gian vô cùng tận”. Tất cả mọi sự, mọi hiện tượng trên thế gian đều là Pháp, bởi vì trong cái giả ta tìm được sự thật, nhờ cái sai ta biết được cái đúng, trong vô thường ta thấy được chân thường, trong khổ ta thấy được đâu là hạnh phúc chân thực. Đã thấy được tất cả chúng sinh là Phật, hay đúng hơn, thấy được cốt lõi Phật tính nơi tất cả chúng sinh, thì đồng thời cũng thấy được tính thanh tịnh vốn có nơi chính mình và mọi người.
Tính thanh tịnh đó làm nên hiền thánh, nên ta đảnh lễ tất cả hiền thánh tăng ở cùng khắp mười phương không gian vô tận: “Con xin quay về nương tựa tất cả các bậc hiền thánh trong không gian vô cùng tận”. Phải “quay về” là vì nếu chỉ chấp tướng bề ngoài thì ta không thể thấy tính tịnh nơi mọi người được. Khi thấy một người đang hiện tướng giận dữ tham lam, nhưng nếu ta bình tâm “quay về” cái nơi xuất phát cơn giận dữ tham lam ấy, thì ta vẫn thấy được nó vốn tịch mịch, đồng nhất với tâm Phật và tâm của tất cả mọi người. Như thế là ta “quay về nương tựa tất cả thánh hiền”.
Kế tiếp, hành giả đảnh lễ đức Phật đầy đủ mười hiệu.
1. “Như lai”
“Như” ám chỉ khía cạnh bất biến của pháp thân bất sinh diệt, “lai” ám chỉ khía cạnh tùy duyên của ứng thân có sinh diệt. Phật “đến” với chúng ta khắp mọi nơi trên cõi đời đau khổ, nhưng đồng thời Ngài vẫn “như”, vẫn luôn luôn thanh tịnh, niết bàn. “Như” là vừng trăng trên trời, “lai” là bóng trăng dưới nước, ngàn giếng nước thì có ngàn bóng trăng xuất hiện, nhưng gốc chỉ là một vừng trăng. Tâm ta như hồ nước, khi trong lắng sẽ có bóng trăng Phật xuất hiện trong đó. Như Lai là trung đạo nơi Phật: ở trong sinh tử mà không nhiễm sinh tử, ở trong Niết bàn nhưng không bỏ quên chúng sinh mà vẫn “đến” với chúng sinh, miễn rằng chúng sinh có đủ điều kiện, sẵn sàng để đón tiếp Ngài: như giếng nước phải trong lặng, vào đêm rằm không có gió thì vừng trăng mới xuất hiện tròn vẹn và trong sáng.
Trong kinh Kim Cương có ba câu giải thích danh hiệu Như Lai: Câu thứ nhất: Như lai thị chân ngữ giả, thật ngữ giả, như ngữ giả, bất cuống ngữ giả, bất dị ngữ giả (đoạn 17–theo cách phân 32 đoạn của Chiêu minh thái tứ.). Câu thứ hai: Như lai giả, tức chư pháp như nghĩa (đoạn 17). Câu thứ ba: Như lai giả, vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như lai (đoạn 29).
Câu thứ nhất ám chỉ ngữ hành của Phật: Như Lai là đấng nói lời chân, lời thật, lời như, lời không dối, lời không khác. Lời chân là lời đúng sự thật không phải bày đặt để nói, lời thật là không dối trá, lời như là trước sau như một không mâu thuẫn. Câu thứ hai: Như lai là nghĩa như của các pháp. Đây không còn nói về người như câu trên mà nói về pháp; khía cạnh như như bất biến nơi các pháp. Mọi sự vật thiên hình vạn trạng đều bao hàm trong chữ pháp và có một đặc tính chung giống nhau là vô ngã, như câu Pháp cú Chư hành vô thường, chư pháp vô ngã. Vô ngã nghĩa là không có tính cố định bất biến, chỉ do kết hợp, phân biệt đối đãi mà thành có ra một cái tên nên vô ngã cũng còn gọi là giả danh. Như cùng một chất bột nắn ra nhiều thứ bánh rồi đặt tên khác nhau. Thấy được tính duyên sinh, vô ngã nơi các pháp (cả pháp phàm như 5 uẩn 4 đại, lẫn pháp thánh như vô thượng bồ đề) cũng chính là thấy Phật vì Phật và Pháp (trong nghĩa niết bàn hay chân lý Phật chứng) cũng vô ngã.
Đoạn 17 của Kinh còn dạy tiếp để ta thấy rõ tính vô ngã của thánh pháp như sau: Không có cái phương pháp cố định nào tên là pháp (cách đạt đến) vô thượng bồ đề, tất cả pháp đều là Phật pháp. Cũng không có một pháp cố định nào Như Lai có thể nói. (Vô hữu định pháp danh a nậu đa la tam niệu tam bồ đề, diệc vô hữu định pháp Như lai khả thuyết). Người đưa đò sang sông nhờ chuyên tâm nghiền ngẫm về dòng sông mà giác ngộ nên dòng sông đối với ông ta chính là cái pháp để thành Phật. Trong khi đó không hiếm gì người nghiên cứu kinh điển rồi vì lợi danh mà bóp méo lời Phật, hoặc trích dẫn lời Phật nhưng không đúng chỗ đúng lúc đúng người thì Pháp lại thành phi pháp; chỉ là một phương tiện sinh nhai của người nói và đánh lạc hướng những người nghe thiếu suy nghĩ.
Câu thứ ba: Như lai là không từ đâu lại và cũng không đi về đâu (Như lai giả, vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ cố danh Như lai); đến đồng nghĩa với sinh ra, đi đồng nghĩa với diệt mất, Phật không đến không đi tức là bất sinh bất diệt. Thấy được bất sinh bất diệt cũng là thấy Phật vậy. Bất sinh bất diệt chính là cái Tâm bất sinh mà chiếu sáng kỳ diệu trong pháp thiền của tổ sư Bàng Khuê (Bankei).
2. “Ứng cúng”
Phật là nơi đáng cúng dường nhất, bằng những phẩm vật tối thượng trong ba cõi. Nghi lễ mật tông thường cúng tất cả vũ trụ, sơn hà đại địa, núi Tu di và biển cả cho Phật. Vì sao lại đem cúng Phật những cái không phải của mình? Vũ trụ, núi, biển, gió, trăng... tuy không phải của mình, song cũng không phải của bất cứ ai, nó do cọng nghiệp của tất cả chúng sinh (trong đó có mình) tạo nên. Do vậy vẫn có thể cúng được như thường. Lý do vì công đức của Phật quá lớn lao không thể nào nói cho xiết, dù ta có bỏ cả vô số kiếp mà nói đi nữa. Công đức ấy không có phẩm vật gì thích hợp để cúng dường, ngoài ra là cúng dường cho Ngài tất cả vũ trụ với sơn hà đại địa, núi tu di và biển cả và tất cả mọi thứ bao gồm trong đó, kể cả thân tâm ta. Cũng như những người yêu nhau tha thiết không biết cho người mình yêu cái gì cho xứng với tấm lòng ngưỡng mộ, bèn đem tặng cả mùa xuân, cả lộc non, hoa lá, đường lao xao phố chiều, đất mẹ với chim chóc bốn mùa.
“Ứng cúng” còn chỉ bậc thánh đã chứng A la hán quả. Vì chỉ có vị ấy mới xứng đáng với sự cúng dường, gọi là dùng bốn thứ cúng dường về ăn, mặc, ở, bệnh, với tư cách như chủ nhân sử dụng vật sở hữu của mình, “dùng như chủ”. Từ quả Dự lưu cho đến Bất hoàn sử dụng bốn thứ cúng dường thì gọi là “dùng như thừa tự”: những vị này giống như con thừa hưởng gia tài của cha (là Phật), khi sử dụng bốn thứ cần dùng mà thí chủ vì lòng tin Phật đã đem cúng dường. Còn lại toàn là “dùng như mang nợ” (những người tu chưa đắc quả, không chính niệm) và “dùng như ăn cướp” (những người phá giới).
3. “Chính biến tri”
Biết một cách chân chính, đúng sự thật (chính), và biết tất cả các pháp trên thế gian (biến). Nghĩa là Ngài dung thông cả tục đế lẫn chân đế. Biết tục đế là để độ chúng sinh tùy theo trình độ của họ (khế cơ). Biết chân đế là an trú trong Tính không, không thấy có ta đây là người độ và chúng sinh là kẻ được ta độ (khế lý).
4. “Minh hành túc”
Là đầy đủ trí tuệ (minh) và giới đức hay công hạnh độ sinh (hạnh).
5. “Thiện thệ”
Là vượt qua (các nhiễm ô hữu lậu) một cách khéo léo dứt khoát, một đi không trở lại.
6. “Thế gian giải”
Là hiểu rõ thế gian (cuộc đời này) một cách tường tận, nhờ hiểu rõ nên giải thoát. Có ba loại thế gian, Phật đều biết rõ: “hữu tình thế gian”, là tất cả những loài có tình thức trong pháp giới và tâm lý của chúng; “khí thế gian”, là tất cả chỗ ở của các hữu tình ấy (vũ trụ quan Phật giáo); và “chính giác thế gian” là cái thấy của Phật về vũ trụ, với con mắt bậc Giác ngộ.
7. “Vô thượng sĩ điều ngự trượng phu”
Là đấng không ai sánh bằng hay hơn được (vô thượng sĩ), vì Ngài có năng lực chế phục được những con người thông minh cang cường thuộc nam giới, hay những người có căn tính linh lợi vượt bực bất kể nam nữ.
8. “Thiên nhân sư”
Là bậc Thầy của cả chư thiên và nhân loại.
9. “Phật”
Là đấng giác ngộ, đầy đủ ba khía cạnh là tự giác giác tha và giác hành viên mãn. Hành vi khai hóa cho người khác của Phật viên mãn ở chỗ tất cả chúng sinh quay về nương tựa Phật thì đều được mong ân giáo hóa, không hạn cuộc không gian thời gian. Như ngày nay đạo Phật đã lan tràn khắp thế giới. Ở đại học Harvard nổi tiếng của Hoa kỳ có một trung tâm nghiên cứu thiền học. Tại trung tâm nước Pháp có Dordogne với những hang động tu thiền dành cho tất cả mọi người khắp thế giới đến tu, cùng với nhiều trung tâm giảng dạy Phật học và hướng dẫn tu thiền, do chính những thiền sư người Pháp đảm trách.
10. “Thế tôn”
Là đấng tôn quý nhất trên đời, không ai sánh kịp.
Đảnh lễ Tam bảo và mười danh hiệu Phật xong, hành giả kế tiếp đảnh lễ hồng danh chư Phật, từ đức Phật Phổ Quang cho đến đức Phật A Di Đà, vị Phật có thân ẩn tàng trong khắp vũ trụ, đâu đâu cũng có: “Nam mô Pháp giới tàng thân A Di Đà Phật”. Mỗi vị Phật ít nhiều đều biểu trưng cho một đức tính nơi tự thân tâm ta, cho những khả năng tiềm tàng trong chính ta. Lạy Phật là khơi dậy những khả năng tốt lành ấy đang bị che mờ vì vô minh phiền não. Bất cứ một đức Phật nào cũng đầy đủ vô lượng trí tuệ, vô lượng phước đức cho nên lạy một vị Phật cũng là lạy tất cả chư Phật, và cũng là lạy những tiềm năng quý báu đang ngủ quên trong tâm ta. Ta phủ phục mà mời chúng trỗi dậy, đừng mê ngủ nữa. Bởi chính vì ta để cho Phật tính ngủ quên mà đời ta đã trở thành một mớ hỗn mang đau khổ. Lạy đức Phật Phổ Quang, Phổ Minh cũng là lạy ánh sáng trí tuệ trong tự tâm ta. Lạy đức Phật Chiên đàn hương, ta khơi dậy trong ta hương Giới có thể bay ngược gió cùng xuôi gió. Lạy Phật Hoan hỉ tạng là ta nguyện cho tâm ta có đầy đủ đức tính quý báu như châu ngọc tích tụ, và nhờ vậy trở thành một kho tàng của sự hoan hỉ, đời ta không còn u sầu ảm đạm vì ngã chấp, não phiền.
Như vậy, lạy một vị Phật là đánh thức một đức tính đang ngủ quên trong tâm. Ta cũng có thể tha thiết thầm niệm trong lòng mỗi khi phủ phục, như sau: “Xin cho con khơi dậy được đức tính siêng năng hành thiện, làm cho tất cả mọi người thấy con đều vui vẻ” trong khi ta xướng danh hiệu: Nam mô Nhất thiết thế gian nhạo kiến thượng đại tinh tấn Phật. Hoặc “Xin cho con có sức dũng mãnh tinh tấn để diệt trừ các thói xấu khi xướng: Nam mô Đại cường tinh tấn dũng mãnh Phật. Khi niệm danh hiệu Nam mô Từ tạng Phật cũng có nghĩa là “Xin cho tâm con trở thành kho tàng thương yêu với tình yêu bình đẳng”. Khi niệm Nam mô Đại bi quang Phật là “Xin cho tâm con tỏa sáng lòng thương xót bao la đối với những người đau khổ”. Nam mô Kim cương bất hoại Phật cũng có nghĩa là , “Xin cho lòng tin Phật trong con được kiên cố không ai lay chuyển nổi, như kim cương không thể hư hoại” vân vân. Như thế là cách phối hợp tự lực và tha lực, hành trì pháp sám hối bằng cách thanh lọc thân tâm, vận chuyển tất cả tế bào trong cơ thể thành một năng lực lành mạnh, tinh khiết, để từ đấy phát triển vô lượng khả năng tất đẹp nơi chính mình.