ĐỂ HIỂU ĐẠO PHẬT
Phương Bối
VẤN ĐỀ TRI HÀNH
"Biết rồi mới làm" thì bao giờ cũng hơn "không biết mà cứ làm". Nhưng chữ "biết" này tất nhiên không phải chỉ cho một mớ kiến-thức lỏng-lẻo có tính cách lý-thuyết. Tục ngữ ta có câu "Trăm hay không bằng tay quen" thật có thể là một câu giải-thích về nghĩa Tri Hành rất thần diệu. "Trăm hay" chính là cái biết thuần lý-thuyết. "Tay quen" là cái biết do kinh-nghiệm. Cái biết thuần lý-thuyết không thể dẫn-đạo cho thực-hành một cách sáng-suốt và có hiệu-quả bằng cái biết của kinh nghiệm.
Người ta ai cũng thường hay nói "Biết rồi mới làm", nhưng ít người nhận thấy rõ rằng cái Biết đi trước cái Làm ấy phải là cái biết của kinh-nghiệm. Do đó phát sinh ra cuộc tranh biện "Tri nan hành dị" và "Tri dị hành nan", và người ta cãi nhau không ngừng. Giá họ chịu khó ngừng lại để định-nghĩa hai chữ Tri và Hành thì có lẽ họ sẽ đồng ý với nhau mà không còn tranh luận nữa.
Tôi muốn vỡ đất trồng rau cải. Nhưng tôi chưa "biết" trồng thế nào, nên tôi phải tìm học để "biết". Tôi đọc sách về nghề trồng trọt. Tôi đi thăm các vườn rau cải ở các nhà láng giềng. Tôi hỏi thăm cách thức và tôi cố ý nhìn các nhà trồng rau cải chuyên-môn, khi họ làm việc. Và cuối cùng tôi thu-thập một mớ kiến-thức. Tôi cho mớ kiến thức ấy là cái "biết" cần thiết để có thể làm nền-tảng cho cái nghề trồng rau – cái hành của tôi.
Ngỡ rằng mình sẽ bán được từng loạt rau cải giá hàng mấy chục ngàn đồng một lần như các nhà trồng tỉa chuyên-môn, nhưng ai ngờ tôi đã thất bại. Có nhiều lầm-lỗi tôi đã mắc phải. Có nhiều phương-chước hay tôi không áp dụng. Có nhiều công việc tôi tự làm theo sự suy-đoán "duy-lý" của tôi, thành thử, tôi biết cái kiến-thức mà tôi hiện đã thu-thập được chẳng qua chỉ là "một mớ hiểu biết lỏng lẻo có tính cách lý thuyết", không đủ để cho tôi thành công.
Lần thứ hai được tương đối thành công hơn lần trước. Bởi vì gia thêm vào mớ hiểu biết lỏng-lẻo trên kia, tôi đã có một ít hiểu biết bằng kinh nghiệm mà tôi vừa đạt được trong lần thực hành vừa qua. Nhưng trong lần thực hành này, tôi lại cũng đã thu thập được nhiều kinh nghiệm nữa. Thế là cái biết của tôi càng lúc càng tỏ; càng đi sâu vào thực hành thì nó càng có tính cách thực-nghiệm mà xa dần tính cách thuần lý-thuyết. Vì cái biết càng lúc càng rộng càng tỏ, nên phần thực-hành càng ngày càng có hiệu quả, càng thêm phát triển. Như thế thì tôi càng làm thì càng biết, mà càng biết thì càng làm được nhiều, rồi càng làm được nhiều thì lại càng biết thêm được rộng… Cứ như thế mãi, tri dẫn lối cho hành, hành bổ túc cho tri, để cuối cùng tri và hành đồng đi đến cứu cánh một lúc.
Bây giờ đây tôi đã có thể là một nhà trồng tỉa chuyên môn, chẳng còn bận tâm đến chuyẹân "tri, hành" rắc rối nữa. Tôi đã đạt đến kỹ-thuật tối cao của sự trồng tỉa. Và nếu tôi có viết sách, có giảng dạy cho bạn thì rồi bạn cũng chỉ có thể thâu lượm – như tôi trước kia – những "mớ hiểu biết lỏng lẻo có tính cách lý thuyết" mà thôi. Bây giờ thì đến phiên bạn, và bạn lại phải bắt đầu bước lên con đường thực nghiệm "tri, hành".
Những cái biết mà ta học được trong kinh điển cũng chỉ là "những mớ hiểu biết lỏng lẻo có tính cách lý thuyết". Ta chỉ mới nghe nói đến những chân-lý "vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh" mà thôi chứ ta đã được "thực nghiệm" những chân lý ấy đâu. Phải gắng thực nghiệm. "Hiểu đạo" không phải chỉ là nghiên cứu kinh điển. Hiểu đạo là phải trải qua một quá trình "học đạo – thấy đạo – tu đạo – chứng đạo". Chứng, tức là cái biết thực nghiệm, vượt ra ngoài những lý-luận vô ích. Nếu quay lại chuyện làm vườn thì ta có thể gọi quá trình ấy là "học cách làm vườn – thấy cách làm vườn – thực hành việc làm vườn – đạt đến nghệ thuật tối cao của sự làm vườn". Mà muốn "đạt đến" – chứng – thì ta phải trải qua bao nhiêu "tri, hành" liên tiếp.
Cho nên, "những mớ hiểu biết lỏng lẻo có tính cách lý thuyết" rất cần cho lúc ban đầu. Đó là "khăn gói" để lên đường. Đó là khởi điểm. Miễn ta đừng cho đó là cái Biết cứu-cánh thì thôi. Theo phương pháp đó mà thực hiện công cuộc thực-nghiệm tâm-linh, để diệt mê-vọng và khải phát Trí-Tuệ Viên-Mãn.
Trí-Tuệ Viên-Mãn ấy gọi là Bát-Nhã (Prajnã). Chính đó là cái Biết thực-nghiệm cao tột của kẻ đã chứng ngộ, rất khác với cái Biết của những kẻ mới khăn gói lên đường. Kinh điển của đạo Phật phần nhiều đều nhắm mục đích cung cấp cho con người những thứ tư-lương cần thiết cho cuộc thực-nghiệm và vì thế đều chứa đựng những sự chỉ bảo cặn-kẽ công phu.
Thử lấy cuốn kinh Lăng-Nghiêm để phân-tích, ta sẽ thấy toàn-bộ phân chia ra hai phần như sau đây:
Phần thứ nhất: CHÂN-LÝ-LUẬN (từ quyển 1 đến quyển 4). Phần nầy có mục-đích thuyết-minh chân-lý, chỉ-bày nhận-thức giải-thoát cho mọi người. Lại chia làm hai phần: Phần I xét về thể-tính của vạn pháp (từ quyển 1 đến quyển 3) và phần II xét về tướng trạng của vạn pháp (quyển 4).
Phần thứ hai: PHƯƠNG-PHÁP-LUẬN (từ quyển 5 đến quyển 8). Phần này có mục đích chỉ bày phương pháp để thực-nghiệm chân-lý đã trình bày ở phần trên. Lại chia ra làm bốn phần:
Phần I: nói về sự phát tâm.
Phần II: thuật lại lịch-trình tu chứng.
Phần III: nói về cách thực-hành.
Phần IV: nói về sự đề phòng và đối trị những trở lực tai hoạn.
Với một tổ chức nội-dung như thế, kinh Lăng-Nghiêm đáng được xem như là một cuốn sách chỉ-đạo cho thực-nghiệm. Không những chỉ có một cuốn kinh Lăng-Nghiêm mới là sách chỉ-đạo thực-nghiệm mà các kinh khác cũng đều tổ-chức gần giống như vậy. Phần đầu thường là phần chỉ-bày chân-lý và phần sau là phần chỉ-bày phương-pháp thực-nghiệm chân-lý ấy.
Người học Phật đầu tiên phải tìm-hiểu những điều đã được trình-bày trong các giáo điển của Phật, vì kinh điển là phương tiện giải bày chân-lý đã chứng ngộ và phương pháp thực-nghiệm thể-hiện chân-lý ấy.
Mục đích của người học Phật là:
1) Diệt trừ dục-vọng, nguyên nhân của khổ đau.
2) Đạt đến trí-tuệ để chứng-nghiệm chân-lý.
Nhưng kỳ thực, hai mục đích ấy chỉ là một . Bởi vì diệt trừ dục-vọng tức chính là đạt đến Trí-Tuệ. Sở dĩ Trí-Tuệ không phát hiện và ta không chứng nghiệm được chân-lý là vì dục vọng che lấp Tâm ta. Mà dục-vọng tức là vô minh. Càng diệt dục-vọng, Trí-Tuệ càng khai mở và khi dục-vọng tiêu diệt thì Trí-Tuệ Viên-Mãn sẽ được thực hiện.
Như ta được biết, phương pháp diệt trừ dục-vọng và khai mở Trí-Tuệ chính là Tam-Học: Giới, Định, Tuệ. Giới và Định là Hành, Tuệ là Tri. Giới Định càng vững, Tuệ càng phát hiện. Tuệ càng phát hiện thì Giới Định lại càng được tăng cường, càng được củng cố, và cứ thế, hành giả tiến đến giai đoạn chót của cuộc "tri, hành", diệt được mê vọng, chứng được chánh-giác.
Cái Tri mà đạo Phật hướng đến là cái Chánh Biến Tri – sự hiểu biết chân-chính cùng khắp – bao quát tất cả những cái "học nhi tri, sinh nhi tri, khốn nhi tri" của con người. Đến được cái Tri ấy thì chẳng còn gì mà phải Hành nữa. Cái Hành của đạo Phật hướng đến là cái Hành viên mãn của sự Tự Giác Giác Tha, một khi đã đi đến cứu-cánh rồi thì cùng với Tri là một.
Những ai muốn đạt đến chỗ cứu-cánh của Tri Hành hãy tìm học đạo Phật, rồi bắt tay vào công cuộc thực-nghiệm.