19. Thuyết Pháp Cho Ai

05 Tháng Bảy 201100:00(Xem: 15207)


CUỘC ĐỜI CỦA ĐỨC PHẬT

THE STORY OF BUDDHA
Nguyên Tác: JOHNATHAN LANDAW - Người Dịch: H. T. THÍCH TRÍ CHƠN

19 THUYẾT PHÁP CHO AI?

Tất cả vạn vật đều vui mừng vào buổi sáng huy hoàng ấy. Hoa tươi nở rộ khắp nơi, tỏa hương thơm ngào ngạt trong không gian. Chim chóc ríu rít hót ca, và mọi sinh vật đâu đâu cũng không còn sợ hãi. Những mống cầu vồng và mây ngũ sắc rực rỡ hiện ra trên bầu trời, và mọi người đều kinh ngạc khi nhìn thấy các hiện tượng kỳ lạ đó.

Đức Phật với lòng ngập tràn niềm an lạc giải thoát nhất. Tâm Ngài dứt sạch hết vô minh, phiền não và cảm thấy nguồn vui bất tận. Trải qua nhiều ngày và tuần lễ, Ngài ngồi gần cây Bồ Đề (giác ngộ) để suy tưởng về niềm vui và phúc lạc nhiệm mầu mà Ngài đã thành tựu được.

Rồi Ngài suy nghĩ: “Ta đã trải qua nhiều gian nan tu tập mới tìm ra con đường đạo chấm dứt sự khổ và trở thành một vị Phật, Ta đã tu hành khổ hạnh trong nhiều năm. Khi thấy rằng phần đông mọi người đều mê mờ và bị vô minh che lấp, ta không rõ ai là người hiểu biết được những giáo lý mà ta đã chứng ngộ. Làm sao ta có thể chỉ dạy giáo pháp ấy cho họ? Vậy tốt hơn ta nên ẩn tu một mình trong rừng cho đến mãn đời để thụ hưởng nguồn an lạc của một vị Phật”.

Nhưng rồi Ngài lại nghe tiếng nói từ nội tâm như sau: “Xin Ngài đừng quên chúng con! Chúng con là những người ở thế gian đang đau khổ. Chúng con đã mong chờ giờ phút này từ lúc Ngài mới ra đời và ngay cả trước thời gian đó. Chúng con đã hy vọng và nguyện cầu trong nhiều năm qua rằng Ngài sẽ từ bỏ cuộc đời vương giả để xuất gia hầu tìm ra con đường cứu khổ chúng sanh. Giờ đây Ngài đã chứng ngộ được giáo lý ấy, xin Ngài hãy chỉ dạy cho chúng con. Không như Ngài chúng con đang còn đau khổ”.

Nhưng từ nơi tâm của đức Phật lại dấy lên một ý tưởng khác: “Ai thực hành được giáo lý ta chỉ dạy? Ai có ý chí mạnh mẽ và đầy can đảm? Ai sẽ cố gắng hết mình và chịu đựng lâu dài?”

Rồi tiếng nói tiềm ẩn lại vang lên: “Kính bạch đức Thế Tôn hẳn đúng là tâm chúng con đã bị màn vô minh che lấp. Nhưng vẫn có những người không đến nỗi quá mê lầm. Họ có thể hiểu biết, thực hành theo giáo lý của Ngài. Vì hạnh nguyện cứu độ chúng sanh, xin Ngài từ bi chỉ dạy giáo pháp chân thật ấy cho chúng con!”.

Đức Phật mỉm cười và bảo: “Dĩ nhiên, dĩ nhiên, Ta sẽ chỉ dạy. Lý do duy nhất khiến ta đã từ bỏ cuộc đời vương giã là mong đi tìm con đường cứu khổ cho nhân loại. Nay Ta đã thành Phật, Ta sẽ làm bất cứ điều gì Ta có thể.

“Nhưng ngay cả đức Phật cũng không thể dứt trừ hết nỗi khổ cho những kẻ khác nếu họ không nỗ lực tự mình cứu độ. Con người cần phải biết ngăn ngừa bệnh tật trước khi vị bác sĩ có thể chữa lành bệnh cho họ. Cũng thế họ nên chịu khó lắng nghe giáo pháp chân thật trước khi kẻ khác có thể giúp họ. Nhưng bất cứ ai tìm đến Ta với tinh thần rộng mở sẽ nhận thấy rằng Ta luôn sẵn sàng bằng mọi cách chỉ giáo cho họ”.

Rồi đức Phật thầm nghĩ: “Ai trong số những người trên thế gian này ta nên giáo hóa trước tiên? Người nào sẵn sàng nhất?” Ngài liền tưởng nhớ đến ông A La La (Adrada) 
và Uất Đầu Lam Phất (Udraka) là hai đạo sư mà Ngài đã gặp sáu năm trước đây. “Họ là những người ta nên chỉ giáo trước, nhưng ta biết rằng nay họ đã từ trần và không còn ở thế gian này nữa”.

Đức Phật lại nhớ đến năm người bạn cùng tu khổ hạnh với Ngài ở trong rừng. Ngài tự nghĩ: “Họ sẵn sàng có thể hiểu rõ chân lý Ta sẽ thuyết giảng cho họ trước tiên”.

Ngài biết rằng Ngài sẽ gặp những người bạn này ở vườn Lộc Uyển gần thành Ba La Nại, một thánh địa thiêng liêng nhất của Ấn Độ thời cổ. Đức Phật thầm bảo: “Ta sẽ đến đó, và bắt đầu công việc giảng pháp mà Ta quyết định sẽ làm”.
 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn