12 Lục Độ Ba La Mật (Sáu Pháp Ba La Mật)

27 Tháng Ba 201100:00(Xem: 34256)

BÁT NHÃ TÂM KINH GIẢNG GIẢI
VÔ THƯỢNG NIẾT BÀN
Lê Sỹ Minh Tùng

12 LỤC ĐỘ BA LA MẬT (SÁU PHÁP BA LA MẬT)

Khi nói đến Lục độ tức là nói đến Bồ tát đạo. Mà muốn đi vào Bồ tát đạo trước hết chúng sinh phải phát Bồ-đề tâm, có nghĩa là phát nguyện để cầu Phật quả viên mãn ngỏ hầu giải thoát cho mình tức là tự độ và sau đó mới lợi lạc cho chúng sinh tức là độ tha. Bồ đề tâm đòi hỏi sự thực hành và phát triển tâm Xả, Từ và Bi để chống lại với Tham, Sân và Si. Tại sao?

Tâm Xả là tâm bình đẳng vì chúng sinh ai ai cũng đều có Phật tính như nhau. Cái Phật tính thanh tịnh nầy bị vô minh che lấp cho nên Tham-Sân-Si phát khởi mà tạo ra phiền não, khổ đau. Vì thế nếu có tâm Xả tức là không phân biệt người thân kẻ sơ thì tâm Từ, có nghĩa là lòng thương yêu mới phát triển để mang lại hạnh phúc cho con người. Một khi đặt mình vào hoàn cảnh của người khác thì chúng ta mới thông cảm được tâm trạng của họ và đây là yếu tố để phát triển tâm Bi tức là lòng bi mẫn thương xót muốn cứu giúp chúng sinh thoát khỏi cảnh khổ.

Bồ tát hạnh là độ cho chúng sinh bớt khổ nhưng muốn độ người thì trước nhất phải biết độ mình. Ngày xưa chính Đức Phật đã dày công tu hành mới trở thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác trước khi Ngài độ cho chúng sinh. Như thế sống trong thế gian thì chúng ta lấy chúng sinh làm đối tượng để tu hành vì chúng ta cũng là chúng sinh, có nghĩa là chúng ta cũng còn đau khổ và ai ai cũng mong cầu hạnh phúc.

Thêm nữa tất cả chúng sinh trong thế gian nầy dựa theo luật Duyên khởi đều có sự tương quan với nhau dù trực tiếp hay gián tiếp để nương tựa vào nhau mà sinh tồn. Vì thế Phật dạy rằng:

“Thế gian nầy chẳng nên tranh đấu với nhau bởi vì mọi người đều là một thể nhưng xưa nay con người vốn không phân biệt được nhân ngã mà thôi. Tất cả các pháp đều do nhân duyên hòa hợp mà sanh ra, chẳng có vật nào độc lập mà tồn tại. Mình và vạn vật đã nương nhau để sống còn thì việc ban bố lòng thương và ân huệ cho chúng sinh khi mới nhìn thì giống như vì người nhưng thật ra đối với chính mình thì lợi ích còn lớn hơn”.

Nói tóm lại lục độ hay lục độ ba-la-mật là một phương pháp để độ mình và độ người. Sáu hạnh ba-la-mật gồm có:

Ø Bố thí tức là cho để trừ lòng tham.

Ø Trì giới tức là giữ giới để trừ ô nhiễm.

Ø Nhẫn nhục tức là nhường nhịn để trừ giận hờn.

Ø Tinh tấn tức là sốt sắng để trừ lười biếng.

Ø Thiền định tức là chuyên chú để trừ loạn tâm.

Ø Trí tuệ tức là sáng suốt để trừ si mê. 

Trong sáu hạnh ba-la-mật trên thì Bố thí, Trì giới và Nhẫn nhục là tu Phước còn Thiền định và Trí tuệ chính là tu Huệ.

Ba-la-mật có nghĩa là toàn hảo hay vượt qua bờ bên kia tức là vượt từ bờ Mê qua bến Giác hay chuyển từ Vô minh đến Niết bàn. Nếu áp dụng năm hạnh bố thì, trì giới, nhẫn nhục tinh tấn và thiền định mà không có sự hiện diện của trí tuệ, tức là Huệ thì tất cả việc làm đó đều nằm trong tục đế có nghĩa là chỉ tạo phước thế gian mà thôi. Nó không đúng ý nghĩa của Bồ tát đạo và hạnh Ba-la-mật vì thế trí tuệ sẽ không được phát triển.

1) Bố thí: Bố thí có ba loại: tài thí là đem của cải, tiền bạc, vật chất của mình ra cho. Pháp thí là đem những chân lý của Phật để khuyên bảo người khác, tức là hướng dẫn tâm linh. Vô úy thí là đem niềm an vui làm cho kẻ khác hết lo sợ.

Đạo Phật là đạo từ bi. Chính Đức Phật vì từ bi mà xuất gia để tìm đạo cứu khổ cho chúng sinh.Vì vậy người Phật tử, khi noi theo dấu chân Phật, cũng lấy từ bi làm động tác chính cho sự tu hành của mình. Mà phương pháp mầu nhiệm nhất là bố thí ba-la-mật.

Bố thí là việc mang lại lợi ích và hạnh phúc cho con người, nhưng nếu xét kỹ theo luật nhân quả thì trên đời nầy không có cái gì mà tự nhiên có và mất mà không có nguyên nhân của nó. Nói một cách khác dựa theo luật nhân quả thì người nhận là người phải có phước vì khi nhận là họ nhận lấy cái quả dựa trên cái nhân lành mà họ đã tạo ra trong đời quá khứ. Nếu không có cái phước nầy thì họ không thể nhận được quà bố thí của người cho. Như thế thì người nhận chỉ nhận lãnh lại cái phước mà họ đã từng gieo và người bố thí là họ đang tạo phước cho mình sau nầy. Thế thì bố thí là một tiến trình của người cho và kẻ nhận chứ thật sự không có việc bố thí gì cả.

Chủ đích của bố thí không phải là để cải thiện thế gian hay là dẹp sạch nạn nghèo đói mà là để cho chúng sinh có cơ hội thực hành Bồ tát đạo. Bồ tát luôn luôn thực hành tâm xả để sẳn sàng buông bỏ những gì đang có từ tài sản, vật chất cho đến thân thể, luôn cả công đức vì hồi hướng là cách bố thí công đức. Vì thế tuệ giác Kim Cang mới có câu:

Bố thí vô tướng và Độ sanh vô ngã.

Thật vậy khi bố thí thì phải phá trừ chấp ngã, chấp pháp. Ý Phật muốn nói là khi bố thí không nên chấp mình là người bố thí ban ơn, tức là chấp ngã, còn người nhận là kẻ chịu ơn, tức là chấp nhơn và tiền tài vật chất là vật bố thí tức là chấp pháp thì tâm không sanh các phiền não ô nhiễm. Vì thế khi bố thí mà không khởi vọng tâm, chấp ngã, chấp pháp thì các phiền não Tham-Sân-Si không sanh. Mà phiền não không sanh thì con người sẽ không tạo nghiệp tức là chặt đứt dây luân hồi. Đây mới là bố thí ba-la-mật chân thật. Thêm nữa, nếu sống với tuệ giác Bát nhã thì phải coi tất cả mọi người như nhau có nghĩa là ai khổ thì giúp, ai mê thì giúp họ thức tỉnh mà tâm không mong cầu đền đáp nên việc làm được viên mãn. Còn nếu chúng ta chưa sống được với trí tuệ Bát nhã tuy có làm nhiều Phật sự hay Bố thí cùng khắp dựa trên hình tướng thì sẽ có lúc không sao tránh khỏi sự thiên chấp thân, sơ, thương, ghét…cho nên việc bố thí sẽ không được viên mãn.

Ngoài việc bố thí để giảm trừ tâm tham lam, bỏn xẻn mà đây chính là cơ hội để con người tạo phước và bồi đắp công đức vị tha cho mình. Song song với việc tạo phước, bố thí giúp chúng sinh phát triển trí tuệ bằng cách chú ý quan sát cái tâm, thiện hay bất thiện, trước khi bố thí, trong khi bố thí và sau khi bố thí. Đây là cách tư duy quán chiếu để xét lại tâm thật của mình có thay đổi khi bố thí hay không? Đó là trước khi bố thí chúng ta có so đi tính lại hay không? Khi bố thí có cầu mong đền đáp hay không? Và sau khi bố thí có hối hận hay không? Nếu chúng sanh thực hành đúng đắn câu bố thí vô tướng và độ sanh vô ngã thì chính họ đã tự tạo cho mình bao nhiêu nhân lành mãi mãi về sau. Vì thế Bố thí vừa độ cho người mà vừa độ cho mình và nó có công năng đưa mình và người từ bờ mê lầm đến bờ giác ngộ.

Có một kiếp nọ, Đức Phật thấy trên núi có một con cọp mẹ đang cõng một con cọp con đi kiếm ăn. Nhân vì trời tuyết lớn, không kiêm được mồi nên cọp mẹ lẫn cọp con đói quá cơ hồ sống không nổi. Đức Phật thấy vậy, không ngăn nổi lòng thương xót, nên tự nguyện đem thân mình bố thí cho cọp được no lòng. Trong loài dã thú, cọp là loài hung dữ nhất, vậy mà khi thấy cảnh cọp đói Đức Phật cầm lòng không được liền phát tâm bố thí bèn chạy đến trước miệng cọp để cho cọp đói vồ ăn thịt của mình.

Cũng trong một đời quá khứ khác có một con chim ưng tính bắt một con chim nhỏ. Chim nhỏ thấy Đức Phật bèn sa vào lòng cầu cứu mạng. Lúc ấy chim ưng bay đến nói với Phật:”Ông cứu nó, tức làm cho tôi chết đói. Nếu cứu một chúng sinh lại hóa thành giết hại một chúng sinh khác thì làm sao mà gọi là lòng từ bi được? “ Đức Phật nghe nói như vậy liến cắt thịt của mình cho chim ưng ăn. Nhưng khi ăn một miếng thịt chưa đủ no, nó lại muống ăn thêm thì Đức Phật đành bảo nó:” Thôi thì ngươi cứ ăn hết thịt trên thân của ta đi”. Chim ưng bèn chẳng khách sáo, mổ ăn hết thịt trên mình của Phật.

Trên đường cầu Phật đạo, Đức Phật đã có tấm lòng bố thí rộng lớn như vậy nên Ngài mới thành Phật. Còn chúng ta ngày nay tuy có bố thí chút ít mà tâm gan đã thấy xót xa bởi vì tâm vị kỷ lúc nào kiềm chế tấm lòng vị tha, quảng đại.

2) Trì giới: là cảnh giác, ngăn chận và xả bỏ những hành vi bất thiện từ Thân-Khẩu-Ý.

Ngoài việc tránh hành hung và sĩ nhục kẻ khác qua thân và khẩu thì người trì giới cũng không khơi động làm sinh khởi tâm thù hận của họ. Đó là mang lại sự vô úy và an lạc cho kẻ khác. Con người vì muốn bám víu vào thân thể và bảo vệ cái bản ngã của mình nên phát sinh tâm Tham-Sân-Si. Tuy ý tưởng Tham-Sân-Si vừa mới tác tạo trong tâm tức là chưa làm gì ai mà theo trì giới thì chúng ta đã phạm luật rồi. Vì thế trì giới chân chính là phải bỏ cho được cái Ta.

Chúng ta không nên trì giới chấp tướng vì nó chỉ có hình thức bên ngoài, còn bên trong chất đầy ô nhiễm. Chẳng hạn như trì giới vì háo thắng để được người đời khen ngợi. Trì giới với một tâm lý tự cao tự đại là cho mình hơn người và khinh dễ người phạm giới. Chẳng hạn có hai thầy tu trẻ đi trên một con đường đất lầy lội trơn trợt tới một cây cầu gỗ hẹp bắc qua một dòng suối, trong khi trời mưa tầm tả. Ở đầu cầu có một cô gái trẻ đẹp đang muốn qua cầu mà không dám đi vì sợ ngã. Thấy vậy, một trong hai ông mới bế bổng cô ta lên và đi qua cầu.

Ông thứ nhì không nói gì cho đến tối hôm đó khi hai người đã về tới chùa. Lúc đó ông nầy không dằn lòng được nữa mới hỏi:

- Mình là kẻ tu hành không được tới gần đàn bà con gái, nhất là mấy cô trẻ đẹp. Tại sao đệ lại vi phạm giới cấm như vậy?

Người thứ nhì trả lời:

- Đệ đã bỏ cô ta ở lại bên dòng suối rồi, sao huynh còn cưu mang cô ấy về đây làm chi nữa?

Người Phật tử nên trì giới không chấp tướng tức là vẹn toàn các điều răn cấm mà Đức Phật đã chỉ dạy. Không vì danh lợi, không vì háo thắng và không bị hoàn cảnh ép buộc mà làm. Những thái độ, oai nghi, hành vi và cử chỉ thiếu kiểm soát của mình cũng có thể gây ra sự phiền lòng, bực bội cho kẻ khác. Vì thế không phải chỉ là giữ năm giới luật căn bản là đủ mà thái độ hòa ái và sự quan tâm đối với những người xung quanh cũng là một hình thức trì giới vậy.

Giáo lý của Đức Phật cũng xác định một cách rõ ràng là giới hạnh là dấu hiệu của sự chứng đắc tâm thức chân thật. Vì sự trì giới luật trang nghiêm, thanh tịnh sẽ mang lại sự an vui tự tại và tâm hằng an tịnh không còn lo lắng sợ hãi. Nên nhớ trì giới có công năng vượt xa bố thí vì nếu người có tài thí, pháp thí mà không có trì giới thì không bao giờ hoàn thành Phật đạo viên mãn được bởi vì người đó vừa tạo phước mà cũng vừa tạo nghiệp. Có nghiệp là còn luân hồi sanh tử.

Ngày xưa vị Thiên Long tên là Bhuridatta có rất nhiều quyền phép. Nhân vào ngày thọ giới, Thiên Long cũng phát nguyện thọ tám giới. Một người bắt rắn thấy ông nằm bên một ổ kiến lớn với hình thù to lớn và đẹp gần giống như rắn thì người đó bắt giữ và hành hạ ông. Mặc dầu có rất nhiều thần thông có thể biến kẻ hành hạ ông thành tro bụi nhưng ông đã nhận chịu tất cả sự đau đớn và quyết tâm giữ giới thanh tịnh. Vị Long Vương Bhuridatta ấy chính là tiền thân của Phật Thích Ca đã viên mãn tu tập giới ba-la-mật vậy.

Trong tam vô lậu học thì Giới là bước đầu tiên và chính là nền móng để giúp chúng sinh đến chỗ giải thoát giác ngộ. Nếu không có giới thì vĩnh viễn sẽ không vào định được vì tâm không an và từ đó trí tuệ không bao giờ phát sinh để thấy tường tận thật tướng của vạn vật trong vũ trụ nầy. 

3) Nhẫn nhục: Đây là đức tính tốt đẹp được tán thán nhiều nhất trong hầu hết các kinh sách Phật giáo. Con người có sự bất mãn hay sung sướng là do sự đánh giá sự vật qua cái nhìn sai lầm mà cái Ta là chủ động chính. Thiếu kiên nhẫn và kém chịu đựng chính là do tâm Sân mà ra. Khi chúng sinh thấu hiểu luật nhân quả và lý duyên khởi thì họ sẽ tránh gây ra nghiệp cho mình khi nghịch cảnh đến. Nếu hành xử theo luật con người là lấy oán báo oán thì hận thù càng ngày càng chồng chất biết đến bao giờ. Khi tu hạnh nhẫn nhục là tránh gây tạo nghiệp cho mình thì chúng sinh mặc dù không trả thù báo oán mà vẫn an nhiên tự tại vì luật nhân quả sẽ trói chặt kẻ đó rồi đâu cần họ phải ra tay. Do đó muốn thực hành hạnh nhẫn nhục cho hữu hiệu chúng sinh cần cảnh giác để nhận biết sự phản ứng sinh khởi của mình khi đối diện với cảnh trái ý nghịch lòng. Đối với:

*Thân nhẫn: Con người khi đối diện với nắng mưa, đói khát, đau ốm bệnh tật hoặc bị người đánh đập hành hạ mà vẫn cam chịu, không phàn nàn hay chống cự lại tức là tu theo thân nhẫn.

*Khẩu nhẫn: Cho dù thân đã nhẫn không chống lại người khi bị hành hạ đánh đập và trước những lời nhục mạ mắng nhiếc chua cay mà miệng cũng không thốt ra những lời nguyền rủa độc ác thì đây chính là tu theo khẩu nhẫn.

*Ý nhẫn: Cái khó và quan trọng nhất là tu nhẫn trong tâm. Khi tâm hồn không còn căm hờn, oán hận thì tâm sẽ trong sáng và an nhiên tự tại để loại bỏ đi những tư tưởng hắc ám khiến con người tạo nghiệp. Vì thế kinh Hoa Nghiêm có câu:”Nhất niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai” tức là một niệm sân hận nổi lên thì trăm ngàn cửa nghiệp chướng đều mở ra.

Trong ba thứ nhẫn nầy thì ý nhẫn là khó thực hành nhất bởi vì đôi khi thân có thể chịu đựng được cực hình, nhưng miệng vẫn lẩm bẩm lời nguyền rủa. Mà miệng có nói cũng là do tư tưởng chuyển đến mà thôi. Có người tuy miệng không thốt ra lời nguyền rủa nhưng tâm thì tức giận bừng cháy cả tim gan. Thế thì con người muốn kiềm chế để tu theo hạnh nhẫn nhục viên mãn thì phải kiềm chế tư tưởng được trong lành. Có như thế thì ý nhẫn mới kiềm chế khẩu nhẫn và sau cùng họ mới thành công với thân nhẫn. Vì ý là nhân mà thân, khẩu là quả của nó. Thêm nữa người tu theo hạnh nhẫn nhục sẽ có đủ trí tuệ để áp dụng Từ-Bi-Hỷ-Xả vào trong cuộc sống. Chính trí tuệ nầy sẽ đối trị và làm tiêu tan sự bất mãn và tâm sân hận. 

Ngày xưa Đức Phật đã trải qua biết bao chông gai cực khổ trước khi Ngài chứng quả Bồ-đề. Nếu không tu theo hạnh nhẫn nhục thì làm sao Ngài chứng đắc được? Thời gian tu hành đối với phàm nhân để viên thành Phật đạo kéo dai gần như là vô tận vì thế nếu không có đức tính kiên nhẫn phi thường thì không thể nào thành công được. Các vị Bồ tát tu hạnh nhẫn nhục để tâm không bị phiền nhiễu bởi những bất trắc xảy ra trong cuộc đời. Các Ngài không phiền hà khi người khác nói những lời thô lổ, nói dối hay mắng nhiếc nhục mạ họ. Thậm chí Bồ tát vẫn kiên trì chịu đựng khi thân thể bị hành hạ, bị tra tấn và ngay cả đến cái chết các Ngài vẫn an nhiên tự tại.

Năm xưa, khi Phật còn trong thời kỳ tu tiên, Ngài đã từng làm một vị tiên nhẫn nhục ở trong rừng núi không xa thành của vua Ca Lợi là bao nhiêu. Một hôm, vua Ca Lợi đi săn ngoài thành, đem theo quân lính cùng văn võ bá quan cũng như một số cung phi, cung nga và thể nữ theo hầu. Khu vực săn bắn rất rộng lớn, vua Ca Lợi đi sâu vào núi để lùng kiếm các loài hươu nai hay hổ báo…nhưng số cung tần thì nhát gan không dám đi theo sát nhà vua. Từ xa đám cung phi thấy một người trẻ tuổi trong rừng nên động tính hiếu kỳ. Khi đến tận nơi thì họ thấy một vị thanh niên tóc dài, áo quần lam lũ và đây chỉ là một người tu đạo. Tiên nhẫn nhục bèn giảng Phật pháp cho họ nghe:

- Này các cô nương! Người đời xưa nay đều ưa cầu khoái lạc, nhưng khoái lạc cũng có thứ chân thật, thứ giả dối, có cái lâu dài và cũng có cái tạm bợ. Nhưng phần lớn mọi người đều bị mê hoặc bởi thứ khoái lạc hư giả và ngắn ngủi. Giống như đóa hoa nầy tuy hiện tại thật đẹp, nhưng không vĩnh viễn nở hoa và tỏa hương. Tuổi trẻ, sức khỏe, sắc đẹp cũng sẽ phai tàn theo năm tháng. Người cao quý là ở chỗ biết học đạo, mong được thăng hoa sinh mệnh, được kéo dài sự sống. Đó mới là việc khẩn yếu.

Khi ấy vua Ca Lợi chợt đến và nhà vua cất tiếng hỏi:

- Ngươi làm gì ở đây?

- Tôi là người tu đạo.

- Tu đạo thì đã chứng quả A-la-hán chưa?

- Chưa chứng quả A-la-hán.

- Vậy đã chứng quả Tu đà hoàn hay A-na-hàm chưa?

- Tôi chưa chứng được.

Vua Ca Lợi nói :

- Trong thế gian nầy có một số tiên nhân, hít thở khí trời và ăn trái cây để sống, nhưng họ vẫn còn lòng dục về tham và về dâm. Còn ngươi trẻ tuổi như thế, lại chưa chứng quả, vậy ngươi còn lòng dâm dục chăng?

- Tôi cũng chưa đoạn hết được.

- Ngươi chưa đoạn hết được lòng dâm dục, vậy khi trông thấy các phụ nữ này thì ngươi làm sao nhẫn được?

- Tuy tôi chưa đoạn được dâm, nhưng tôi không hề khởi tâm dâm. Tôi quán mọi sự đều vô thường và tu tập quán sát chín loại bất tịnh.

- Ngươi nói tu quán chín loại bất tịnh, đó chỉ là điều lừa dối, vậy có bằng cớ gì chứng tỏ ngươi không hề khởi tâm dâm?

- Tôi có thể nhẫn không khởi tâm dâm. Cái gì tôi cũng có thể nhẫn nhịn được.

- Tốt lắm! Để ta xẻo cái tai của ngươi coi thử ra sao?

Nói rồi, vua Ca Lợi rút kiếm ra cắt đứt tai của tiên nhẫn nhục. Các quan văn võ trông thấy vua Ca Lợi cắt tai của tiên nhẫn nhục mà người nầy không tỏ chút gì đau khổ cả nên tâu rằng:

- Đại vương nên dừng tay. Người này chính là một vị đại sĩ, là một Bồ tát. Đại vương không nên cắt thêm nữa.

- Các ông làm sao biết người này là Bồ tát?

- Khi Đại vương cắt tai y mà sắc mặt ông ta vẫn không biến đổi như chẳng có chuyện gì xảy ra.

- Làm sao biết hắn ta không đau đớn? Biết đâu lòng hắn ta rất căm hận ta, ta thử lần nữa xem sao?

Nói xong, vua Ca Lợi vung kiếm cắt luôn mũi của tiên nhẫn nhục và nói:

- Ngươi có căm hận không?

- Tôi không căm hận.

- Ngươi vẫn chưa chịu nói thật à! Để coi ngươi có thật sự nhẫn được chăng, nay ta chặt thêm tay của ngươi thì thử coi lúc đó ngươi có tâm sân hận không?

Tiên nhẫn nhục đáp:

- Không có.

- Ngươi vẫn nói là không có tâm sân hận, ta không tin. Ta không thể tin rằng trong thế gian nầy lại có kẻ bị người ta xẻo tai, cắt mũi, chặt cả hai tay mà lòng không sân hận. Đó là điều kỳ quái.

Nói xong vua Ca Lợi chặt chân của tiên nhẫn nhục rồi hỏi:

- Ngươi vẫn chẳng sân hận sao?

- Không sân hận.

Vua chặt nốt chân kia. Vậy là hai chân, hai tay, hai tai và mũi đều bị cắt. Vua lại hỏi tiếp:

- Bây giờ, ngươi có sân hận hay không?

Vị thanh niên vẫn một mực trả lời:

- Không sân hận.

Lúc bấy giờ trên tầng trời, các vị Tứ Đại Thiên Vương cả giận bảo rằng:

- Vua Ca Lợi này thật là không phải. Vị nầy là người tu hành mà người xem thường một cách quá đáng. Chúng ta là hộ pháp nên phải trừng phạt ngươi.

Sau đó các vị trời cho mưa đá xuống, rồi nổi gió làm cát đá bay mù mịt.

Vua Ca Lợi thấy vậy rất sợ hãi, biết là tai họa sắp đến liền đến trước vị tu hành năn nỉ rằng:

- Bây giờ tôi đã biết lầm lỗi, trời đã trừng phạt tôi, xin ông đừng sanh lòng oán hận tôi.

- Tôi không tức giận và cũng không sân hận ông đâu.

Vua Ca Lợi không tin thì tiên nhân nói:

- Đây là bằng chứng. Nếu thật tâm tôi không sân hận ông thì tay chân, tai, mũi tôi lập tức khôi phục lại như xưa.

Nói xong quả nhiên vua thấy tay, chân, tai, mũi của tiên mọc ra như cũ. Tiên nói:

- Đến khi nào tôi thành Phật, thì ông sẽ là người đầu tiên tôi độ cho thành đạo nghiệp.

Bởi vậy, sau khi Đức Thích Ca thành Phật thì Ngài đến vườn Lộc Uyển của xứ Ba la Nại để độ đầu tiên cho tôn giả Kiều Trần Như tức là vua Ca Lợi trong kiếp xa xưa.

Tại sao khi thân thể bị chặt đứt từng mảnh mà tiên nhân không sanh tâm sân hận? Đức Phật trả lời:

- “Trong lúc bị vua Ca Lợi cắt xẻo tai, cắt thịt ra từng mảnh thì Ta không có tướng Ngã, tướng Nhân, tướng Chúng sinh và tướng Thọ giả”

Tại sao? Bởi vì nếu còn cái Ngã thì thấy thân nầy là thật, là của Ta nên muốn bảo vệ giữ lấy cho nên nếu ai xâm phạm nó thì chắc chắn sẽ sanh lòng sân hận. Lúc đó, vì không còn Ngã cho nên Ta không hề khởi lòng sân hận. Vì không có Ngã, không có Nhân, không có Chúng sinh và Thọ giả nên đối với Ta tất cả là không thật. Nếu là không thật thì sống chết có gì phải sợ cho nên Ta không phát tâm sân hận là vậy”.

Trong Phật giáo, khi con người nhẫn nhục để được quyền cao chức trọng, mong cầu được người khen hay nhẫn nhục để tìm cơ hội trả thù thì đây là sự nhẫn nhục do dục vọng Tham-Sân-Si thúc đẩy chớ không phải là nhẫn nhục ba-la-mật. Muốn tu hạnh nhẫn nhục ba-la-mật, trước hết con người phải diệt cho được lòng sân hận, tánh kiêu mạn, tâm tham, tật đố…vì đây là phương cách trau dồi lòng Từ-Bi-Hỷ-Xả rốt ráo nhất. Một lời nói quát tháo, một cử chỉ mất tự chủ vì sự nóng giận sẽ giết chết nhân cách của con người.

Có một vị Thiền sư được ca ngợi là một người sống rất thanh bạch. Gần nơi thiền tự có một gia đình bán tạp hóa có một cô con gái rất đẹp. Một ngày kia cha mẹ cô khám phá ra là cô con gái mình có bầu. Họ giận lắm mà mắng chửi cô không tiếc lời. Thoạt tiên cô không chịu nói thủ phạm là ai, nhưng sau cùng không chịu nổi đòn vọt nữa nên cô thưa với song thân rằng người cha của cái bào thai chính là vị Thiền sư.

Hết sức giận dữ, hai người đến thiền tự tìm vị Thiền sư nầy mắng chửi đủ điều. Sau khi nghe xong, thiền sư chỉ hỏi:

- Có thật như vậy sao?

Sau khi đứa bé ra đời, nó được mang giao lại cho Thiền sư. Dù ông bị khắp vùng chê cười về việc nầy, ông vẫn lẳng lặng nhận đứa bé về nuôi dưỡng. Hàng ngày ông đi xin sữa cùng các vật dụng cần thiết từ những người hàng xóm tốt bụng và chăm sóc đứa bé thật là chu đáo.

Một năm trôi qua, cô gái phần thì thương con, phần cũng không đành lòng ngồi nhìn cảnh ngang trái nên mới thú thật với cha mẹ là đã lỡ dại với một chàng trai trong xóm.

Song thân cô gái lại vội vàng chạy lên thiền tự, nhưng lần nầy thì họ hết lời xin lỗi, giải thích tràng giang đại hải và xin bắt cháu về.

Thiền sư lẳng lặng ngồi nghe. Khi trao trả đứa bé, ông lại cũng chỉ hỏi một câu là:

- Có thật như vậy sao?

Tóm lại người tu nhẫn nhục là không oán hận, không trả thù và không muốn thấy cuộc đời là một bãi chiến trường, một lò lửa của sân hận. Chính lửa sân hận nầy có thể thiêu đốt tất cả những gì quý báu mà loài người đã xây dựng được trên thế giới nầy. Vâng! Lửa sân hận chỉ có thể bị dập tắt bằng nước nhẫn nhục ba-la-mật mà thôi.

4) Tinh tấn: Đi trên con đường tâm linh có nghĩa là lội ngược lại với giòng thường tình bởi vậy sự mỏi mệt và tâm biếng nhác là mối đe dọa rất lớn dễ làm con người thoái chí trong việc tu hành. Nếu không có tâm nhẫn nhục thì khó đạt được Bồ-đề. Còn con người không tinh tấn nổ lực thì khó lòng đến chỗ giải thoát giác ngộ. Ở đây cần chú ý rằng sự mệt mỏi có hai loại: một loại liên hệ đến sự kiệt sức thuộc cơ thể và loại kia là do tâm thức gây ra và kéo theo các yếu tố bất thiện như chán nản và buồn ngủ. Điều nầy có thể xảy ra khi chúng ta làm việc gì mà ta không thích thú. Nhiều người than phiền là khi thực hành môn ngồi thiền hay niệm Phật một cách nổ lực thì họ trở nên mệt mỏi hơn nhiều so với khi họ đọc sách báo khá lâu. Khi cái ngã cảm thấy bị đe dọa thì cái ngã ấy vốn đã bắt rễ sâu xa trong cái Vô Minh để tỏa ra một đám sương mù hắc ám dày đặc phát sinh từ tâm Si. Trái lại rất nhiều người đã dày công hành thiền hay niệm Phật cho biết rằng họ không cần ngủ nhiều như trước kia trong khi tu Tinh tấn hạnh Bồ tát ba-la-mật làm cho thân tâm hoàn toàn tự tại. Nhưng thế nào là tinh tấn ba-la-mật?

Tinh tấn ngăn ngừa các điều ác đừng sanh: Như cuộc đời chúng ta chưa hề sát hại sinh vật, nói lời dối trá, trộm cướp gian xảo… thì dĩ nhiên từ đây về sau cũng phải tinh tấn thêm lên và cố gắng giữ gìn đừng cho ác tâm sinh khởi.

Tinh tấn diệt cho mau các điều ác đã sanh: Trong quá khứ nếu chúng ta đã lỡ tạo những tội ác như tham lam trộm cướp, đam mê sắc dục, giận dữ kiêu căng…thì nay phải tinh tấn đừng cho nó tăng trưởng thêm nữa và cố gắng diệt trừ cho hết những bất thiện nầy.

Tinh tấn lảm cho các điều lành phát sanh: Con người vì tâm vị kỹ chỉ lo cho mình mà không nghĩ đến người khác thì lòng từ bi không bao giờ phát triển. Muốn phá cái bản ngã nầy thì từ nay chúng ta nên cố gắng bố thí, làm việc từ thiện xã hội để giúp đỡ kẻ tật nguyền nghèo khổ, chuyên cần nghe kinh học Phật…thì các điều lành sẽ được phát sinh.

Tinh tấn làm cho các điều lành tăng trưởng: khi đã bắt tay vào làm việc thiện thì nên cô gắng làm thêm nữa, đừng chán nản bỏ cuộc. Khi biết Phật pháp phải cố gắng thực hành để thấy được chân lý của đạo Phật. Tu hành đừng chấp vào phương tiện mà phải chú tâm vào cứu cánh là giải thoát vì thế càng tinh tấn tu tập thì càng gần với chân lý và dĩ nhiên trí tuệ càng mở rộng.

Nếu thực hành tinh tấn với dụng tâm không trong sạch như vì danh, vì lợi, vì sợ, vì kiêu căng thì không đúng với tinh tấn ba-la-mật. Tu Phật là muốn đoạn trừ phiền não và tìm lối giải thoát ra khỏi luân hồi thì tinh tấn là phải chuyên cần tu luyện với ý chí sắt đá để đạt đến cứu cánh của mình. Trong thế gian nầy càng tinh tấn thì càng thành công lớn. Chính nhà tỷ phú Bill Gates đã làm việc rất hăng say không mệt mỏi khi ông ta còn rất trẻ và ngày nay tuy là người giàu nhất thế giới mà ông ta vẫn tích cực hoạt động không ngừng. Như thế thì bí quyết để thành công là tinh tấn. Tinh tấn ví như chất dầu xăng làm cho chiếc xe chạy. Cho dù chiếc xe thật tốt, tài xế rất giỏi và con đường bằng phẳng mà nếu không có xăng thì chiếc xe vẫn nằm ỳ một chỗ. Con đường tu đạo thì cũng thế, cho dù có làu thông kinh điển mà không tinh tấn công phu tu tập thì không bao giờ được kiến tánh. Cũng ví như người ngồi trên một chiếc bè, nếu không chèo lái thì mãi mãi không bao giờ đến bờ bên kia.

Vì thấy tầm quan trọng của tinh tấn cho nên câu nói sau cùng của Đức Phật với các chúng đệ tử trước khi Ngài nhập diệt là:

“Hỡi các ngưởi thân yêu của ta! Hãy tinh tấn lên để giải thoát”.

Như thế nếu chúng sinh luyện được đức tinh tấn để chiến thắng tánh lười biếng, buông lung thì không có một trở lực nào làm chậm bước tiến trên con đường giải thoát giác ngộ.

5) Thiền định: Chữ Thiền được viết tắt từ chữ Thiền Na, tức là phiên âm từ chữ Dhyana trong Phạn Ngữ, được dịch là tư duy hay tĩnh lự. Tư duy là tu tập bằng phương pháp suy nghiệm và suy cứu về những đối tượng của tâm thức. Còn tĩnh lự là dùng tâm thể vắng lặng để thẩm sát các vấn đề đạo pháp. Nói một cách tổng quát thì thiền định là định tâm trọn vẹn vào một vấn đề gì để suy xét cho thấu lý tức là chấm dứt những suy tư rời rạc nối đuôi nhau.

Sau khi chứng ngộ dưới gốc Bồ-đề, Đức Phật Thích Ca đã thốt lên rằng:”Thật kỳ diệu thay tất cả mọi chúng sinh đều có Phật tánh, nhưng vì bị vô minh che lấp nên họ không nhận ra điều ấy”. Lời tuyên bố đầu tiên của Đức Phật chính là tinh yếu của toàn bộ giáo lý của Ngài. Đúng như thế! Mọi chúng sinh dù nam hay nữ, dù thông minh hay khờ dại, dù đẹp đẻ hay xấu xa, dù khỏe mạnh hay yếu đau cũng đều có Phật tánh như nhau. Trải qua bao nhiêu kiếp sống luân hồi, tâm thức của chúng sinh đã bị cái vỏ cứng của cái vô minh che phủ nên họ không nhận thức được cái Phật tính toàn vẹn trong sạch hoàn hảo kia nữa. Muốn giải thoát chúng ta phải quay về với cái Phật tánh đó để thấy rõ rằng bao lâu nay chúng ta đã để cho vô minh lôi cuốn mà không hề hay biết. Phương cách hữu hiệu nhất để trở về với cái Phật tánh thanh tịnh đó là tọa thiền.

Lịch sử Phật giáo đã chứng minh một cách hùng hồn rằng từ Đức Phật đến các đại đệ tử của Ngài được giác ngộ nhờ công phu tọa thiền. Tâm của Phật và tâm chúng sinh thật ra không hề khác nhau. Cái tâm nầy có thể ví như mặt nước hồ thu. Tâm của Phật thì như mặt nước yên tĩnh. Trên đó mặt trăng chân lý có thể phản chiếu một cách toàn vẹn. Trong khi tâm của chúng sinh thì giống như mặt nước đang bị các làn sóng vô minh khuấy động không thể phản chiếu gì được. Mặt trăng chân lý lúc nào cũng chiếu sáng do đó vấn đề chính của sự tu tập là làm sao để tâm của mình có thể phản chiếu rõ ràng mặt trăng chân lý mà thôi. Bây giờ nên tự hỏi cái gì đã làm khuấy động tâm của chúng ta? Phải chăng đó là các tư tưởng? Trong việc tu tập, việc đầu tiên chúng ta phải làm là đánh tan các tư tưởng lúc nào cũng muốn dấy lên nầy. Đây là điều không dễ vì trải qua bao kiếp sống vô ý thức, vọng niệm đã thành một thói quen không dễ gì mà bỏ ngay được. Tất cả mọi tư tưởng dù thanh cao hay xấu xa đều có khởi đầu và có chấm dứt.

Vì có sinh nên có diệt nhưng vì nó cứ tiếp tục nổi lên nên chúng ta cứ tưởng rằng nó thường hằng bất biến. Đó là sự nhận xét sai lầm đầu tiên. Nếu những tư tưởng nầy tiếp tục khuấy động tâm của chúng ta, chúng ta sẽ không thể phân biệt cái thật với cái giả được. Con người đã đánh giá cao các tư tưởng trừu tượng, các phân biệt của lý trí, của lý luận nhưng tất cả những cái nầy đều là sản phẩm của tư tưởng. Mà đã là sản phẩm của tư tưởng vốn vô thường có sinh có diệt thì gốc rễ của nó đã nằm ở chốn vô minh rồi. Tư tưởng chính là tâm mệnh của con người. Nó chính là nguồn gốc của sự mê hoặc và chúng ta cần phải phân biệt thật rõ ràng vai trò của tư tưởng. Lý trí vốn có tính cách nhất thời với các khái niệm cố định.

Thiền định là phương pháp làm ngưng lại và giết đi những tư tưởng nầy. Một khi các làn sóng tư tưởng khuấy động đã chấm dứt thì chúng ta sẽ nhận thấy rằng mặt trăng chân lý lúc nào cũng chiếu sáng. Giây phút nhận ra điều nầy là kiến tánh, là giác ngộ có nghĩa là hiểu rõ được bản thể chân thật của tự tánh. Khác với những ý niệm lý luận hay triết học vốn xuất phát từ tư tưởng nghĩa là có khởi đầu và có chấm dứt và có thể thay đổi theo thời gian. Sự chứng ngộ chân lý dựa trên các làn sóng tư tưởng chấm dứt nầy không thay đổi hay có thể mất được. Nó sẽ ở mãi mãi với chúng ta và từ đó chúng ta có thể sống một cách thoải mái bình an trong cái tâm trạng đầy phúc lạc thanh thản.

Còn phiền não thì sao?

Một người không thể có sự an lạc khi tâm ý bất định và đầy tạp niệm. Chúng ta hảy quan sát một kẻ đang bị say sóng trên một con thuyền vùi dập giữa phong ba. Người đó không thể bình phục được dù bên tai có văng vẳng lời người bạn nhắc nhở là khi tới bờ thì sẽ hết. Một kẻ ở trong trạng thái tâm tư bất định thì cũng như một kẻ đi thuyền trong cơn giông bão. Người đó không thể nào được giải thoát khỏi phiền não cho dù có hiểu rằng an lạc sẽ đến khi ông ta thành công trong phép tịnh tâm. Một người đi thuyền khi về tới bến thì bệnh say sóng tự nó sẽ hết. Tương tự như thế, phiền não sẽ tự nó chấm dứt khi con người đã thành công trong phép tịnh tâm vậy. Do đó nếu con người muốn an lạc thì phải thực hành phương pháp tịnh tâm.

Dựa theo Bồ tát hành thì tu tập Thiền định dẫn con người đến những kết quả mỹ mãn như sau:

·Khi tu thiền một thời gian dài lâu thì ngũ căn được tịch tịnh và chánh định sẽ phát khởi.

·Nhờ Thiền định mà tâm Từ bi được phát triển để thương yêu tất cả chúng sinh và muốn cho tất cả được an vui hạnh phúc.

· Nhờ năng lực Thiền định mà các phiền não Tham-Sân-Si không còn phát sinh nữa.

·Khi tâm đã định thì lục trần là Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp không còn lay động.

·Tìm lại an lạc thanh tịnh trong tâm hồn.

·Một khi tâm niệm đã lắng yên thì ái dục không còn phát sinh làm tâm không còn ô nhiễm.

·Điều quan trọng của kẻ tu thiền là tuy chứng được chân không nhưng không bao giờ bị rơi vào chỗ hư vô.

·Tận diệt tất cả những sự trói buộc để được phát khai trí tuệ, giải thoát và chứng ngộ Niết bàn.

6) Trí tuệ ba-la-mật: Trí tuệ là điều kiện tối hậu để thấu triệt chân lý. Trong tam vô lậu học thì Giới và Định chỉ có mục đích mở đường cho sự rèn luyện Trí tuệ. Giới có thể làm cho thân và khẩu được thanh tịnh và Định giúp tâm được an trụ, thanh tịnh và chân chính. Huệ tức là trí tuệ sẽ phát huy phần tâm linh quan trọng nhất của con người là trí năng để đạt đến cứu cánh giải thoát. Trong Phạn ngữ có rất nhiều danh từ được dịch là trí tuệ, nhưng ý nghĩa của chúng đôi khi cũng có ít nhiều sai biệt. Đó là:

* Panna là biện tướng trí tức là trí tuệ phân biệt được chân tướng vô ngã, vô thường, khổ não của hiện tượng giới.

* Patisambhida là minh giải trí tức là trí tuệ giúp phân tích và biện giải các pháp một cách minh bạch rõ ràng.

* Nana là phá tướng trí tức là trí tuệ trực nhận chân lý và phá chấp tướng của vạn hữu. Đây chính là trí tuệ của chư Phật và chư Bồ Tát bất thối.

* Bodhi hay Bồ-đề tức là trí giác ngộ. Đây là trí tuệ của các bậc huyền thông đạo lý để dứt trừ phiền não, vọng chấp.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Tám 2020(Xem: 10113)
06 Tháng Bảy 2016(Xem: 8573)
Đối nghịch, mâu thuẫn là hiện tượng thường xảy ra trong đời sống. Khi không thể giải quyết, nó đưa đến thù ghét và chiến tranh. Từ ngày có con người trên trái đất cho đến ngày nay, chiến tranh chưa bao giờ chấm dứt.
19 Tháng Năm 2016(Xem: 10411)
Bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daijokyo) xuất xứ từ thời Vua Taisho (Đại Chánh) ở Nhật Bản từ đầu thế kỷ thứ 20. Đây là một bộ Đại Tạng Kinh của Bắc truyền được tổng hợp cũng như sự giảo chánh của các nhà học giả Phật Giáo Nhật Bản lúc đương thời qua các bộ Minh Đại Tạng, Càn Long Đại Tạng v.v… Tổng cộng gồm 100 quyển, dày mỏng khác nhau, mỗi quyển độ 1.000 đến 1.500 trang khổ lớn. Cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh đã cho phiên dịch hoàn toàn sang tiếng Việt tại Đài Loan thành 203 cuốn(đã in được 93 cuốn), mỗi cuốn từ 800 đến 1.500 trang. Tổng cộng các bản dịch về Kinh, Luật, Luận của Đại Thừa không dưới 250.000 trang sách.
12 Tháng Năm 2016(Xem: 9821)
BÁT NHÃ BA LA MẬT là một trong những hệ tư tưởng của Đaị thừa Phật giáo Bắc tông. Bát Nhã Ba La Mật, Trung Hoa dịch: TRÍ TUỆ ĐÁO BỈ NGẠN. Thành ngữ đáo bỉ ngạn, chỉ cho sự viên vãn cứu kính, sự hoàn thành trọn vẹn về một lãnh vực tri thức, một công hạnh lợi tha, một sự giải thoát giác ngộ hoàn toàn..