Tôn Giả Đại Ca Diếp, Đệ Nhất Tu Khổ Hạnh(mahakàsyapa)

24 Tháng Ba 201100:00(Xem: 15069)

THANH TINH TÂM
Lê Sỹ Minh Tùng

Tôn Giả Đại Ca Diếp, Đệ Nhất Tu Khổ Hạnh(Mahakàsyapa)


Khi Đức Phật giáng sinh tại vườn Lâm Tỳ Ni gần kinh thành Ca Tỳ La Vệ thì tại làng Ma Ha Sa La Đà cách thủ đô Vương Xá của nước Ma Kiệt Đà không xa có một nhà hào phú trưởng giả dòng Bà La Môn tên Ni Câu Lư Đà Kiệt Ba. Gia đình nầy rất giàu đến nỗi tài sản của họ có thể tương đương với vua Tân Bà Sa La lúc bấy giờ và tôn giả Đại Ca Diếp đã sinh ra trong gia đình phú hộ nầy. Lúc đản sanh tôn giả thì có những điềm lành cũng giống như điềm lành lúc đản sanh Phật Đà vậy. Lúc mẫu thân tôn giả đang dạo chơi trong vườn hoa sau nhà, thì bà cảm thấy trong người mệt mỏi nên đến ngồi dưới bóng cây đại thọ Tát Bạt La (sau nầy gọi là cây Bồ Đề, có nghĩa là cây giác ngộ). Và sau đó tôn giả cất tiếng chào đời. Vì sanh dưới gốc cây nên cha mẹ đặt tên cho Ngài là Tát Bạt La Đà Na. Đại Ca Diếp tướng mạo xuất phàm không thua kém 32 tướng tốt của Đức Phật. Gia đình đại phú hào mà chỉ có một quý tử nên sự nuôi dưỡng thương yêu của cha mẹ đối với Ngài còn hơn cả những vương tôn công tử thời bấy giờ.

Khi Đại Ca Diếp lên 8 tuổi thì đã làu thông các giới điều của Bà La Môn. Sau đó Ngài lại học đến pháp tế lễ, thi họa, toán thuật, văn học, thông suốt bốn kinh Vệ đà. Cho đến xem thiên văn, đoán âm dương vận số và âm nhạc ca vũ…Do sức thông minh, không có môn nào Ngài không thấu triệt. Nhưng có một điều lạ là ngay từ lúc nhỏ Ngài đã không giống như những trẻ em khác. Đối với dục lạc thế gian thì Ngài không ưa không thích và đặc biệt là chuyện yêu thương trai gái thì Ngài chẳng màng đến, tránh thật xa. Vì thế Ngài thường tìm những nơi thanh vắng, xa lánh đám đông ồn ào náo nhiệt, để ở. Ngay cả cha mẹ khi xa cách Ngài cũng không nhớ đến. Đây quả thật là con người phi thường hiếm có trong cuộc đời bởi vì sống trong giàu sang phú quý, kẻ hầu người hạ mà cũng không màng đến. Đây chính là điểm tương đồng giữa Ngài và Đức Phật.


Người Vợ Không Chung Chăn Gối

Ngày tháng thoi đưa, chẳng mấy lúc mà giờ đây Đại Ca Diếp đã trở thành một thanh niên anh tuấn, phong lưu. Thấy tướng diện khôi ngô của con mình, cha mẹ Ngài định sẽ tìm một tiểu thư xinh đẹp để cưới cho Ngài. Khi nghe ý định đó thì Ngài vội vã từ chối:

- Đó là điều không nên vì con chỉ mong muốn duy nhất là tu đạo. Có vợ con thì sẽ trở ngại cho việc tu hành.

Từ trong gia đình phú hộ mà lại là con một thì không khi nào cha mẹ Ngài chấp thuận lời nguyện đi tu của Ngài được. Biết là không còn cách nào để chối từ, Ngài bỗng nghĩ ra một biện pháp. Số là Ngài mời được một nhà điêu khắc đến và lấy vàng để đúc thành một pho tượng mỹ nữ, tuyệt đẹp và rực rỡ. Khi hoàn tất thì Ngài đem trình pho tượng cho cha mẹ mà nói:

- Cha mẹ nhất định bảo con cưới vợ thì xin chọn cô ấy phải giống y như tượng vàng nầy bằng không con sẽ suốt đời không cưới vợ.

Thấy điều kiện con mình thật khó khăn, cha mẹ Ngài bèn theo lời của các thầy Bà La Môn thiết lập một nhà dù thật lớn và để pho tượng vàng trong đó, thờ cúng như là một nữ thần. Sau đó cho người đi rao giảng khắp thiên hạ rằng:

- Các thiếu nữ có cầu mong ước nguyện gì hãy đến cúng dường nữ thần! Các cô sẽ được toại nguyện như ý.

Cứ như thế các thầy Bà La Môn đi từ thành Vương Xá , qua sông Hằng, lần lần đến Tỳ Xá Ly. Cách thành nầy không xa có một làng nhỏ tên là Ca La Tỳ Ca. Trong làng nầy có một gia đình cũng nổi danh đại phú. Họ có một cô con gái tên Diệu Hiền, thiên tư quốc sắc, nổi tiếng mỹ nhân, nhưng thường khuê môn bất xuất.Hôm ấy nhằm hội hoa đăng, nam thanh nữ tú vui chơi dập dìu. Diệu Hiền được bạn bè rủ đến chiêm bái pho tượng vàng thần nữ. Diệu Hiền có nhan sắc hoa nhường nguyệt thẹn nên khi đến lễ nữ thần khiến lu mờ cả tượng vàng. Các thầy Bà La Môn thấy vẻ đẹp kiều diễm của nàng thì rất đổi mừng nên hỏi thăm về gia đình nàng và sau đó đến nhà song thân Diệu Hiền để trình bày ý muốn kết thân. Bên song thân của Diệu Hiền vì từng nghe danh tiếng giàu có của nhà Ca Diếp nên rất hoan hỷ hứa gã con gái.

Thủ tục đính hôn hoàn thành và chỉ còn chọn ngày lành tháng tốt để rước dâu. Ngày hôn lễ, Diệu Hiền mặc áo gấm, đeo chuổi ngọc trông đẹp như một nàng tiên. Nhưng có điều rất lạ là tân nương tuy có sắc đẹp nghiêng thành nghiêng nước mà gương mặt rất buồn như nặng mang một tâm sự u buồn.

Lễ bái trời đất xong và tiệc vừa tàn thì Ca Diếp và Diệu Hiền được đưa vào động phòng. Tuy là đôi vợ chồng mới cưới, nhưng cả hai không có một nụ cười và chẳng ai ngó tới ai. Họ chỉ ngồi nhắm mắt làm thinh, mỗi người một tâm sự triền miên. Canh một rồi đến canh hai, canh ba, canh tư, canh năm đã qua và trời gần sáng mà cả hai không nói một lời nào. Lúc ánh nắng bình minh xuyên vào phòng thì Ca Diếp mới mở lời:

- Ta xin hỏi nàng có tâm sự gì chăng?

Diệu Hiền cau mày, ngồi làm thinh.

Ca Diếp than thở:

- Có điều gì xin nàng cứ nói, chúng ta cùng thương lượng.

Diệu Hiền lại ứa nước mắt mà chẳng trả lời. Đại Ca Diếp hỏi với vẻ giận:

- Thế này là thế nào? Tại sao nàng khóc?

Ca Diếp hỏi hai ba phen, Diệu Hiền mới thở dài đáp nhỏ:

- Chàng phá hoại chí nguyện của tôi. Tôi xưa nay rất ghét ngũ dục nên muốn tu phạm hạnh thanh tịnh. Chính cha mẹ tôi bị mê hoặc bởi sự giàu sang của chàng khiến nguyện vọng của tôi bị lỡ dở.

Ca Diếp nghe nói rất mừng liền cho Diệu Hiền biết chính mình cũng rất ghét ái nhiễm và chỉ muốn tu hạnh thanh tịnh. Đây thật là nhân duyên tốt để chúng ta có thể làm theo chí nguyện của mình. Khi đã hiểu nhau rồi thì hai người cùng ước định thi hành nguyện vọng nầy. Họ kê trong phòng hai cái giường, mặc dù trên danh nghĩa là phu thê nhưng đây là cặp vợ chồng không chung chăn gối.

Câu chuyện ngủ riêng giường lọt đến tai cha mẹ Ca Diếp. Hai ông bà bèn vào phòng xem xét thì thấy hai cái giường kê hai nơi. Ông bà không hài lòng nên la rầy:

- Hai con là vợ chồng mới cưới mà trong phòng kê riêng hai cái giường thật không tốt. Ta sẽ gọi người đến dẹp bớt một cái.

Ca Diếp chẳng dám cãi lời, nhưng càng giữ vững lời hứa thì càng kiên quyết lập chí nên Ca Diếp mới nói với Diệu Hiền:

- Không lo chuyện ấy, còn một cái giường thì chúng ta thay phiên nhau ngủ. Đầu hôm đến nửa đêm thì nàng ngủ còn ta thì đi kinh hành tu niệm trong phòng. Đến gần sáng thì nàng thức, tôi ngủ, còn nàng thì đi kinh hành hoặc ngồi thiền.

Diệu Hiền rất bằng lòng với đề nghị đó, nàng nói thêm:

- Chúng ta cần phải mau mau rời khỏi căn nhà nguy hiểm này, chớ còn trong vòng ngũ dục thì nơi nào cũng có nguy cơ ẩn nấp, mê hoặc người trong chốn đọa lạc.

Ca Diếp an ủi:

- Tôi cũng nghĩ như vậy, nhưng cha mẹ vẫn còn và tôi lại là con một nên không thể bỏ đi. Nàng hãy kiên nhẫn. Tôi tin rằng lý tưởng và chí nguyện của chúng ta sẽ có ngày thực hiện được.

Hai người tuy sống trong chốn bụi trần mà tâm vui trong đạo nghiệp thanh tịnh. Họ không hề xúc phạm nhau và sống an ổn cho qua ngày tháng. Có một đêm, Diệu Hiền ngủ trên giường, Ca Diếp đang đi kinh hành trong thất thì bỗng có một con rắn độc màu đen bò ngang giường Diệu Hiền. Ca Diếp chú ý nhìn thấy cánh tay Diệu Hiền buông thỏng xuống giường cách chỗ rắn độc không xa. Ca Diếp lo lắng rủi như nàng bị rắn cắn thì làm sao? Trong lúc mườI phần cấp bách, Ca Diếp liền dùng chéo áo quấn quanh cánh tay mình rồi mới nhè nhẹ đỡ cánh tay Diệu Hiền lên trên giường. Đang ngủ ngon bỗng bị động, Diệu Hiền giựt mình choàng tỉnh. Nàng kinh sợ lật đật ngồi dậy vừa giận vừa bực mà hỏi Ca Diếp:

- Việc gì xảy ra thế? Có chuyện gì như thế này?

Sau khi nghe Ca Diếp giải thích, nàng mới yên lòng và rất cảm phục chàng. Hai người giữ mức sống thanh tịnh như vậy trong suốt 12 năm.





Đời Là Khổ Não

Có hợp ắt có phân ly và có sanh ắt có tử. Thật vậy luật vô thường của thế gian không bỏ sót một ai cả và cha mẹ của Đại Ca Diếp thì cũng không thoát ra khỏi định luật nầy. Hai ông bà thân sinh của Ca Diếp lần lượt qua đời.

Một hôm, Đại Ca Diếp đi thăm ruộng, Ngài thấy đôi bò kéo nặng nhọc và người nông phu làm việc quá vất vả. Nhưng khi Ngài nhìn kỹ thì thấy trong ruộng có những loài côn trùng bị đường cày chặt đứt, lớp chết, lớp bị thương quằn quại thật thảm thương. Càng nhìn cảnh tượng ấy thì Ngài càng chán ngán cho sự sống trên thế gian. Ngài thầm nghĩ: chỉ vì sự ăn mặc của ta mà bao nhiêu người và bao nhiêu thú vật phải chịu trăm điều khổ sở như thế sao? Không kể là người nào, không kể ăn thức ăn gì, cũng chỉ vài chén cơm. Không kể ngủ cách nào, cũng chỉ cần cái giường 6 tấc. Còn những thứ cần dùng khác chẳng qua là một sự lãng phí. Chỉ vì những thứ lãng phí xa xỉ vô dụng đó mà làm tổn hại bao nhiêu người và vật cũng như giết hại bao nhiêu sinh linh như thế. Thật là một điều quá ư bất công và không hợp lý chút nào.

Còn ở nhà thì Diệu Hiền sai gia nhân ép dầu mè nhưng trong dầu mè có nhiều con bọ nhỏ xíu đang cựa quậy lúc nhúc làm cho gia nhân bàn tán với nhau:

- Ép chết bao nhiêu con vật nhỏ bé thế nầy không biết sau nầy chịu quả báo đáng sợ thế nào?

Diệu Hiền nghe xong lập tức bảo họ ngưng ép dầu, một mình lui vào phòng, đóng cửa lại để tỉnh tọa tư duy.

Khi Đại Ca Diếp trở về nhà thấy Diệu Hiền với những sự tình ưu não như vậy thì chẳng vui chút nào. Hai người ngỏ bày tâm sự và cả hai đều thấy nỗi khổ của thế gian cũng như nỗi buồn thảm của kiếp người.

Đại Ca Diếp bèn nói với Diệu Hiền:

- Nói gì thì nói, tôi sẽ bỏ ngôi nhà nầy để đi xa tìm thầy học đạo. Ở nhà thật chẳng khác nào ở chốn lao ngục bởi bao nhiêu thứ ràng buộc làm khổ não đủ điều. Ở trong gia đình tạo nghiệp không có hồi kết thúc, tôi sẽ ra đi để tìm cho ra chơn lý của kiếp người. Tu hành trong chốn rừng núi như là lui tới trong chốn hư không, không có chút trở ngại. Tạm thời tôi đi trước tìm thầy học đạo, nàng ở nhà đợi khi nào tôi gặp bậc thầy hiền minh, tôi sẽ trở về dẫn nàng cùng xuất gia. Chúng ta sẽ đem hết tài sản cứu tế cho các người nghèo cùng cơ khổ và phần còn lại thì chia cho các gia nhân. Nàng hãy đợi, nhất định tôi sẽ mang lại tin tốt đẹp lúc trở về.

Diệu Hiền nghe xong rất kính phục chí nguyện của trượng phu cùng cảm kích mối quan tâm của Ngài. Chuyện xuất gia tu đạo này vốn là nguyện ước từ lâu của hai vợ chồng nhưng vì còn cha mẹ mà họ phải cố gắng chờ đợi qua hơn mười năm. Cung thự nguy nga, tiền bạc đầy kho đầy trắp, ruộng vườn cò bay thẳng cánh mà Ca Diếp và Diệu Hiền đều xem đó là ràng buộc, là cảnh khổ đã cột chặt con người vào biển trầm luân. Ngài đã buông xả hết bằng cách bố thí toàn bộ tài sản của mình cho kẻ khác. Hôm nay, Đại Ca Diếp có cơ hội đi xuất gia tu hành thì tâm tư rất hoan hỷ mà không thốt nên lời. 



Xuất Gia Theo Phật

Lúc bấy giờ Đại Ca Diếp đã ba mươi tuổi và theo truyền thuyết thì ngày Ngài rời xa gia đình đi tìm đạo cũng chính là ngày Đức Phật ngồi dưới cội Bồ Đề trên tòa Kim Cương vào lúc sao mai mọc để thành bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Đại Ca Diếp đi tìm sư học đạo khắp nơi, nhưng không vị thầy nào đáp ứng nguyện vọng của Ngài được. Mãi hai năm sau, trong lúc đang tìm đạo tại nước Uyên Già thì có người cho Ngài biết là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là bậc Đại Giác của thời nay và hiện tại Đức Phật đang thống lãnh những đạo sĩ nổi danh như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, ba anh em ông Ma Ha Ca Diếp và cả ngàn đồ đệ tại tịnh xá Trúc Lâm của nước Ma Kiệt Đà. Đại Ca Diếp nghe tin ấy lòng rất vui mừng nên tìm đường đến Trúc Lâm yết kiến Phật.

Khi đến Trúc Lâm tịnh xá, Ngài quyết định không trực tiếp thưa hỏi Đức Phật mà chỉ mỗi ngày theo tín chúng trong thành đến nghe pháp. Ngài thầm nghĩ nếu không phải là Phật thì không tôn bái làm thầy bởi vì nếu không gặp Phật hoặc không có tôn sư thì chính Ngài cũng có thể tu chứng được quả vị Độc Giác.

Những lời thuyết pháp vàng ngọc của Phật cộng thêm đức huệ của Đức Thế Tôn đã mở rộng tâm can của Ngài. Một hôm, sau khi nghe Phật thuyết pháp xong, Ngài trở về thành Vưong Xá. Gần cổng thành là tháp Đa Tử và cạnh đó có một cây đại thọ cành lá sum xuê, thì Ngài bàng hoàng sửng sốt khi thấy Đức Phật ngồi tĩnh tọa dưới gốc cây. Thế nầy là thế nào? Ngài tự hỏi. Vì mới lúc nãy thì còn thấy Đức Phật ngồi trên bảo tòa pháp vương ở trong tịnh xá, sao bây giờ lại gặp Ngài ở đây? Càng nhìn càng thấy Đức Phật tướng mạo oai nghiêm thần tịnh, như một tòa kim sơn. Ngài quá xúc động bèn đến đảnh lễ dưới chân Phật và thành khẩn thưa:

- Bạch Thế Tôn! Ngài là bậc đại sư của con, xin tiếp độ cho con. 

Đại Ca Diếp thọ quy y và từ nay Ngài là đệ tử của Phật. Đức Phật biết lòng tin của Ca Diếp đã chắc chắn liền bảo:

- Này Đại Ca Diếp! Ông chính thật là đệ tử của ta. Trên thế gian nầy như người nào chưa chứng quả vị chánh giác thì không dám nhận ông làm đệ tử. Ông hãy theo ta.

Đức Phật từ từ đứng dậy đi về tịnh xá Trúc Lâm và Đại Ca Diếp thì theo chân Ngài vừa cung kính vừa cảm động và vừa mừng đến rơi lệ.

Đức Phật ngoái đầu lại nhìn Đại Ca Diếp và nói:

- Ta nghe nói về ông đã lâu, ta biết thế nào rồi ông cũng đến cầu đạo với ta. Hôm nay là ngày ông được tiếp độ. Phật pháp lưu truyền về sau cần ông rất nhiều, vì chúng sanh và vì chính mình ông nên trân trọng.

Về đến tịnh xá Trúc Lâm, Đức Phật làm lễ thế độ cho Đại Ca Diếp và nói pháp Tứ Diệu Đế, thuyết mười hai nhân duyên. Với oai đức của Thế Tôn và với từ âm thân thiết của Ngài, có thể nói rằng bầu không khí chứng ngộ đã bao trùm Đại Ca Diếp. Những lời dạy quý báu của Phật chẳng khác nào như những đám mưa lớn rơi trên thửa ruộng khô khan cằn cỗi. Chỉ tám ngày sau thì Đại Ca Diếp khai ngộ trở thành A La Hán.



Cứu Độ Cho Vợ Hiền

Đại Ca Diếp xuất gia theo Phật mới đây mà đã được một năm và cũng là năm thứ ba kể từ ngày Phật thành đạo. Sau chín lần thỉnh cầu của vua Tịnh Phạn, Đức Phật nhận lời cùng các tỳ kheo từ nước Ma Kiệt Đà ở phương Nam về thăm cố hương. Cùng với các tỳ kheo trở về kinh thành Ca Tỳ La Vệ còn có Đại Ca Diếp. Sau đó Đức Phật đi lên hướng Bắc để đến tịnh xá Kỳ Viên (thiết lập bởi trưởng giả Cấp Cô độc Tu Đà La) của nước Xá Vệ. Cũng chính lần về thăm nhà nầy rất nhiều vương tôn công tử xuất gia theo Phật. Nhờ nhân duyên nầy sau đó bà kế mẫu Ma-Ha-Ba-Xa-Ba của Phật kết hợp với công chúa Da Du Đà La và rất nhiều mệnh phụ phu nhân khác để được xuất gia theo Phật. Từ đó giáo đoàn tỳ kheo ni được Đức Phật cho phép thành lập.

Khi đó Đại Ca Diếp nhớ đến lời hứa với Diệu Hiền vì trước đây người nữ không được xuất gia nên tôn giả không dám xin với Đức Phật. Bây giờ đã có giáo đoàn tỳ kheo ni và chính là lúc thực hiện lời giao kết với Diệu Hiền. Thời gian thắm thoát qua nhanh, mới đây mà Đại Ca Diếp rời nhà đi tìm đạo đã được ba bốn năm. Trong ba bốn năm ấy chẳng biết tình hình của Diệu Hiền như thế nào? Tôn giả bèn an tĩnh nhập định quan sát mới biết Diệu Hiền đang theo làm đệ tử một phái ngoại đạo bên bờ sông Hằng.

Số là từ khi tôn giả đi tìm đạo, Diệu Hiền cũng ở nhà đợi tin tức, nhưng năm tháng trôi qua vùn vụt, một năm rồi hai năm mà chẳng thấy tin tức của Đại Ca Diếp ở đâu nên nàng mới quyết định tự xuất gia chớ không đợi nữa. Chí đã định xong, nàng cho gọi người quản gia đến, bảo đem hết trang sức và y phục của mình đem phân chia cho bà con, làng xóm và gia nhân. Sau đó nàng đi đến bờ sông Hằng làm lễ bái nhóm ngoại đạo đang tụ tập tại đây làm thầy.

Làm đệ tử nhóm ngoại đạo nầy, nàng phải chịu nhiều sự lăng nhục vì dung nhan mỹ lệ của mình. Đại Ca Diếp biết nàng đang cần sự tiếp độ của mình để truyền lại chân lý nhiệm mầu của Đức Thế Tôn hầu giúp cho nàng mau giác ngộ. Tôn giả bèn nói chuyện ấy cho một vị tỳ kheo và yêu cầu đi đón Diệu Hiền thay Ngài. Vị tỳ kheo ấy bằng lòng và chẳng bao lâu đã đưa Diệu Hiền về đến.

Diệu Hiền gia nhập ni viện không lâu thì thiên hạ bàn tán xa gần cũng chỉ vì sắc đẹp của nàng. Nàng cảm thấy rất tủi hỗ, buồn bực cho số phận hồng nhan bạc mệnh. Từ đó, nàng không đi ra ngoài khất thực, cố tâm xa lìa đại chúng để tránh tiếng thị phi bất chánh.

Đại Ca Diếp biết chuyện nên Ngài xin phép Phật mỗi ngày chia bớt nửa phần thức ăn cho Diệu Hiền. Chuyện ấy lọt vào mắt cô tỳ kheo ni Thâu Lan Na Đà. Mặc dù là kẻ tu hành, nhưng cô nổi tiếng là hay thị phi bàn tán chuyện thế gian. Cô nói như phỉ báng:

- Hai người này nghe nói 12 năm ở nhà không ngủ chung giường mà bây giờ mỗi ngày thấy họ thân mật chia sớt thức ăn, tôi đoán thế nào cũng có tình ý chi đây.

Tôn giả Đại Ca Diếp nghe nói vậy nên từ đó muốn khích lệ cho Diệu Hiền mà không giúp cơm cho nàng nữa mặc dù trong tâm của vị thánh rỗng rang không có gì vướng mắc. Thật vậy, thế gian đầy thị phi ác độc, một vị thánh thanh tịnh như Đại Ca Diếp mà còn người khiêu khích đồn đãi thật ai nghe qua cũng bất bình.

Qua sự khích lệ ấy, Diệu Hiền nhận thấy mình phải tu hành nghiêm túc. Bà suốt đêm không ngủ, thành tâm sám hối và sau cùng được khai ngộ. Sau khi chứng được quả A La hán, bà nói:

- Đoạn trừ mọi ràng buộc, hoàn thành tịnh hạnh, việc đáng làm ta đã làm xong.

Về sau Phật khen ngợi bà:

- Trong chúng tỳ kheo ni, không ai có thể sánh với tỳ kheo ni Diệu Hiền về mặt túc mạng thông.

Tôn giả Đại Ca Diếp rất hoan hỷ. Đối với ân tình của thế gian, Ngài xem nó như một áng mây bay hay một cơn gió thoảng mà thôi.



Xá Lợi Phất Bị Tham Vấn

Từ đó Đại Ca Diếp được người tôn xưng là thánh giả và thân danh nổi tiếng trong tăng đoàn.

Một hôm nọ, lúc tôn giả và Xá Lợi Phất đồng tu tại núi Kỳ Xà Quật, thoạt nhiên có nhiều chúng ngoại đạo đến phỏng vấn tôn giả Xá Lợi Phất. Họ đưa ra nhiều câu hỏi như: Như Lai sau khi nhập diệt có còn sanh tử hay không? Hoặc là sau đó không có sanh tử? Hoặc là chẳng phải sanh tử cũng chẳng phải không sanh tử?

Ngoại đạo dùng lối tứ cú để hỏi vấn đề sanh tử của Đức Phật, mà tôn giả Xá Lợi Phất đã trả lời cho họ, nhưng chỉ còn vấn đề nầy là không thể nói là Như Lai ở trong tứ cú nầy. Chúng ngoại đạo không vừa lòng về lời giải đáp của tôn giả nên họ mỉa mai:

- Ông không trả lời được vấn đề nầy sao dám tự xưng là bậc thượng thủ của Phật? Nói là trí tuệ số một mà lý luận giống như trẻ con.

Ngoại đạo đàm tiếu rồi bỏ đi. Xá Lợi Phất rời chỗ tu tập của mình, băng qua đám lá rậm của rừng cây và đến thạch động tham vấn tôn giả Đại Ca Diếp.

Xá Lợi Phất đem câu hỏi của ngoại đạo thuật lại cho Đại Ca Diếp nghe và hỏi:

- Tôn giả! tại sao Đức Phật chưa từng giải đáp vấn đề ấy, đối với câu hỏi của ngoại đạo thì phải nói như thế nào?

Đại Ca Diếp liền trả lời:

- Đức Như Lai đã hết sạch ái chấp, tâm không còn phiền não, vĩnh viễn giải thoát, sự chứng ngộ của Ngài rộng lớn sâu xa, không thể dùng tứ cú của mê tình mà hỏi, cũng không dùng ngôn ngữ để đáp. Chỉ vì vấn đề ấy không nên hỏi nên Ngài không giải đáp.

Xá Lợi Phất nghe câu trả lời, thật là thích thú, cáo từ và trở về động mình để tu tập.

Đối với việc tu hành của những vị đại đệ tử của Phật, các vị thường hay chỉ dạy nhắc nhở nhau, chia sẻ cùng nhau những kiến thức mới lạ và vấn qua đáp lại để trao dồi thêm trí tuệ. Vì thế việc hai vị tôn giả trao đổi tư tưởng với nhau chẳng có gì là lạ, nhưng đối với vấn đề khúc mắc như Xá Lợi Phất nêu ra mà có thể tự mình giải đáp thì chứng tỏ sức tu đạo của Đại Ca Diếp cao xa đến mức độ nào.









Bà Lão Nghèo Sanh Về Cõi Trời

Một hôm Đức Phật và các đệ tử đang thuyết pháp ở nước Xá Vệ trong khi Đại Ca Diếp thì giáo hóa tại thành Vương Xá nước Ma Kiệt Đà. Tôn giả thường ra vào thành để bố thí phước điền. Một đặc thù của tôn giả khi đi khất thực là thường tránh đến nhà giàu mà chỉ muốn đến nhà bần cùng nghèo khổ mà thôi. Ngài nghĩ rằng tất cả chúng sinh đều đáng thương, nhưng những người nghèo khổ thì họ phải lo miếng cơm manh áo hằng ngày nên không có khả năng bố thí để làm phước điền cho ngày sau thâu nhận những cái quả báo phước đức do sự bố thí của họ. Thật vậy, nước từ bi do Ngài tưới xuống đã rưới khắp những hạng người nghèo cùng đáng thương trong xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ.

Trong thành Vương Xá, có một bà lão rất nghèo khổ. Bà chẳng những không có bà con thân thích mà đến nhà cửa cũng không. Sáng sớm, bà đi lang thang từ ngõ đông sang ngõ tây đến khi chiều tối thì ngủ vất vưỡng ở bất cứ xó hẻm nào. Trên mình bà đeo những mảnh là khô chằm vá nhau tạm che thân. Một hôm bà đang bệnh trầm trọng và nằm quỵ trên gò đất chờ chết thì lúc ấy có một gia nhân của một nhà giàu nọ đem nước cơm đi đổ. Bà lão bị đói khát hoành hành vội vơ lấy mảnh ngói bể mà hứng lớp nước bầy nhầy để uống cho đỡ đói.

Đại Ca Diếp biết bà lão kia bị bệnh nghèo đeo đẳng. Ngài đặc biệt đến thăm bà. Từ trước đến giờ chưa có ai hỏi han hoặc thăm viếng bà cả nên khi thấy tôn giả đứng trước mặt thì bà gượng nhỏm dậy nhìn kỹ mà nghĩ: té ra là một vị tỳ kheo trang nghiêm đang đi khất thực nhưng không lẽ thầy tỳ kheo nầy lại nghèo cùng hơn ta? Bà hỏi tôn giả:

- Thân tôi nghèo khổ đói khát, không nhà, không cửa, lấy cát đất, gò mã, bụi bờ làm nhà. Ngài xem tôi áo mặc không kín thân. Trong đất nước nầy không ai nghèo khổ hơn tôi. Trời ơi! Chẳng lẽ trên thế gian nầy không có người nhơn từ cúng dường cho sa môn hay sao?

Ngừng giây lát, bà nói tiếp:

- Vì sao Ngài đến hỏi tôi? Xin Ngài chỉ dạy phương pháp cứu tôi khỏi cảnh nghèo đói.

Đại Ca Diếp đáp:

- Trên thế gian nầy người tôn quý nhất, nhân từ nhất không ai bằng Đức Phật, hoặc là những ai được tắm mình trong giáo lý Phật Đà. Hôm nay tôi muốn cứu độ cho bà thóat khỏi sự bần cùng, nên mới đặc biệt đến đây khất thực. Tôi cũng nghĩ đem tài vật đến giúp bà, nhưng điều đó chỉ giúp bà khỏi khổ nhất thời, mà sau lại tăng thêm bần cùng nữa. Chi bằng bà hãy tùy ý đem bất cứ thứ gì bên người mà bố thí cho tôi, bà sẽ nhờ công đức đó, đời sau sẽ được sang trọng giàu có, hoặc được sanh lên trời để hưởng thọ sung sướng lâu dài.

Bà lão nghe tôn giả từ bi thuyết pháp như vậy rất cảm động nhưng tìm hoài không có chút gì để bố thí. Bà rất đỗi bi thương, buồn khóc thưa rằng:

- Thưa thầy sa môn vĩ đại! Lời chỉ dạy quý báu của Ngài con ghi khắc sâu xa trong tâm, nhưng con cũng biết, con là kẻ bần cùng hạ tiện, con chẳng có một chút vật thực nào để cúng dường Ngài, cũng chẳng có y phục nào để bố thí nữa.

Đại Ca Diếp đáp lời:

- Này bà lão! Đã khởi tâm bố thí thì không phải người nghèo. Người biết hỗ thẹn cũng biết mặc pháp y. Bà đã có hai món bảo bối hiếm có ấy nên chắc chắn không còn nghèo. Hãy xem những người giàu có đầy tiền của châu báu trên thế gian nầy mà không biết bố thí, không biết hổ thẹn. Đó mới thật là người ngu, là người bần cùng vậy.

Bà lão nghe lời chỉ dạy, vui mừng phấn khởi, tâm đầy hỷ lạc, đầy hy vọng về tương lai. Bà quên thân mình ô uế bưng chút nước cơm đựng trong mẻ sành đem cúng dường tôn giả. Tôn giả Đại Ca Diếp cũng cung kính tiếp nhận và để cho bà lão khỏi nghi ngờ, tôn giả đã uống cạn miếng nước cơm. Bà lão thấy thế vui mừng vô hạn. Chẳng bao lâu, bà rời bỏ cõi đời và được sanh lên cõi trời Đạo Lợi và vì do công đức cúng dường nước cơm mà bà trở thành một thiên nữ xinh đẹp. Một hôm, thiên nữ quan sát phước thiện nghiệp đời trước, nhớ đến ơn sâu của Đại Ca Diếp nên liền bay xuống cõi trần dùng thiên hoa rải cúng dường tôn giả.



Quan Sát Hoạt Động Của

Tăng đoàn

Một ngày nọ, Đức Phật bảo Đại Ca Diếp đến thành Khoáng Dã để quan sát tình hình giáo đoàn. Sáng sớm Ngài đắp y và mang bình bát vào thành oai nghiêm đi khất thực.

Đi qua một vài con đường, tôn giả phát hiện một chuyện lạ. Mỗi khi thấy tôn giả đi ngang qua nhà, dân chúng lập tức đóng cửa lại. Thấy lạ, tôn giả ra khỏi thành mà vào trong thôn làng mà khất thực thì cũng gặp cách đối xử như vậy. Ngài bắt đầu có khởi niệm nghi ngờ vì từ xưa Phật pháp ở đây rất hưng thịnh thì tại sao dân chúng lại đối với các tỳ kheo không một chút tôn kính như vậy?

Ngài bèn đến một nhà một cư sĩ hiểu biết trong thành để hỏi thăm:

- Đức Phật rời khỏi đây không bao lâu, cũng còn các tỳ kheo ở lại giáo hóa vì sao mọi người quên hẳn sự tôn kính tam bảo? Tại sao các tỳ kheo đi khất thực chẳng ai cúng dường vậy?

Cư sĩ nọ đáp:

- Tôn giả! Từ khi Đức Thế Tôn đi rồi, mấy năm trở lại đây, các tỳ kheo trong thành nầy bày ra nhiều chuyện xây cất. Mỗi người đều tự cất phòng ốc riêng cho mình mà họ nói là Đức Phật đã cho phép. Xưa nay nếu là kiến tạo giảng đường hay tịnh xá công cộng để dùng trong việc hoằng pháp, hoặc tu tập, thì ai cũng ủng hộ vì đó là việc công. Nhưng mà bây giờ các tỳ kheo đều cất nhà để an nhàn cho thân mình. Các thầy cất cốc, cất am lu bù, đến từng nhà thí chủ để kêu gọi cúng dường cửa lớn, cửa nhỏ, cột kèo, gạch ngói và mọi thứ khác…Lâu ngày tín chúng đều cảm thấy việc cung ứng nầy không có ngày chấm dứt, do đó nhân dân trong thành và ngoài thôn xóm hễ thấy các tỳ kheo đến liền lật đật đóng cửa. Ôi! Nói đến việc nầy, chúng con thật là hổ thẹn với Đức Phật.

Đại Ca Diếp nghe xong, trong tâm rất khó chịu. Tôn giả lập tức quay trở về thành Vương Xá và đem câu chuyện trên bạch với Đức Phật. Đức Thế Tôn bèn xuống thành Khoáng Dã và triệu tập hết các tỳ kheo lại. Đức Phật dạy:

- Các tỳ kheo! Chánh pháp của ta lưu truyền lâu dài đều nhờ sức thanh tịnh và cao thượng của tăng đoàn. Người đến mức vô cầu mới thanh cao. Các ông không được yêu sách chúng sanh quá nhiều, trái lại các ông phải là người cống hiến cho chúng sanh. Các ông đừng để tín chúng chê bai, xa lánh. Nhiệm vụ quan trọng của các ông là hoằng pháp độ sanh, chớ không phải là chuyện lo lắng về chỗ ăn, chỗ ở. Nếu các ông xây cất giảng đường cho tín chúng, hoặc thiết lập tịnh xá để tu chung với nhau chớ không phải xây cất cho riêng mình, thì ta mới cho phép. Còn làm nhiều tịnh thất, chùa, am lẻ tẻ, thì chỉ có một thiểu số người hưởng thọ cúng dường, đó là phân tán lực lượng tăng đoàn. Am nầy tranh với thất kia, ai cũng cho mình là ngon lành thì sẽ sanh tâm riêng tư, đố kỵ. Này các tỳ kheo! Chúng ta xuất gia là phải giải thoát mọi sự ràng buộc của thế gian để cho mình khỏi khổ và đạt được tâm thanh tịnh. Nếu chính mình không lìa khỏi phiền não, có nghĩa là tham sân si mạn còn dính chặt với chính mình thì làm sao mà độ cho người được. Tăng đoàn là tấm gương sáng cho đại chúng noi theo vì thế nếu chúng ta không trong sạch thì việc tự độ và độ sanh khó mà thành tựu. Phải tinh tấn lìa xa dục vọng nhỏ nhen của mình. Tu hành là phải buông xả tất cả bởi vì mọi thứ trên đời nầy đều là tạm bợ, giả trá mà thôi. Đừng vì lòng đố kỵ mà quên đi ý nghĩa của chữ tu hành.

Đức Phật dạy các tỳ kheo xong, trở về thành Vương Xá chỉ có tôn giả Đại Ca Diếp ở lại gầy dựng tín tâm cho dân chúng. Tôn giả không tính toán cho đời sống của riêng mình, cho nơi cư trú của mình mà chỉ lo mang niềm vui Phật pháp cho mọi người. Đợi cho tất cả đều tin tưởng và hiểu biết chơn lý của Đức Phật xong thì tôn giả mới rời thành Khoáng Dã để đi nơi khác.

Lấy cái họa của giáo đoàn làm cái họa cho mình, hoàn thành việc đáng làm rồi lui gót, không mong cầu cho mình mà chỉ làm việc vì Phật pháp. Chính cái tư cách và chí nguyện cao cả của bậc thánh thật đáng cho mọi người khâm phục.



A Nan Tặng Bình Bát

Vì lòng chân thành cho đạo pháp, nên Đại Ca Diếp rất được Đức Phật yêu mến. Nhưng trong giáo đoàn, có nhóm Lục Quần tỳ kheo cố tình tích chứa bình bát đủ loại. Bình bát thời bấy giờ có hai loại là bằng sắt thép hoặc bằng sành. Tùy địa phương sản xuất cho nên chất liệu và hình dáng mỗi thứ không giống nhau. Đại để thì có: bát thiết, bát nước Tô Ma, bát của nước Ô Già, bát màu đen, bát nước Ưu Già, bát màu đỏ đủ loại…Nhóm Lục Quần tỳ kheo thường sưu tầm các thứ bình bát tốt, đem về tàng trữ trong phòng như là một cửa tiệm đồ gốm.

Mấy ông tỳ kheo nầy từ sáng đến chiều chẳng lo tu hành gì cả mà chỉ để hết tinh thần vào việc chứa bát, ngắm bát. Vì theo giáo luật của tăng đoàn là tuyệt đối cấm tích trử vàng bạc, y phục, gạo thóc và tài sản riêng tư cho nên mấy thầy dồn hết hứng thú trong việc thâu chứa đồ cổ. Người tu hành chân chính chỉ có tam y, nhất bát mà thôi. Do đó, Đức Phật lại cấm chỉ việc chứa bát dư. Theo chế luật, nếu ai chứa bát dư thì phạm ni tát kỳ ba dật đề.

Trong lúc Phật sắp ban hành điều luật nầy, đại đức A Nan được cúng một cái bát nước Tô Ma rất quý. A Nan định đem nó tặng cho Đại Ca Diếp, nhưng tôn giả còn bận du hóa nước ngoài không có mặt trong thành Xá Vệ. Nếu y theo giới luật không được chứa bát dư thì A Nan không thể để lại mà tặng cho Đại Ca Diếp. Cuối cùng A Nan chỉ còn cách đem ý ấy mà bạch với Phật.

Phật hỏi:

- Còn mấy ngày nữa Ca Diếp mới về lại Xá Vệ?

A Nan thưa:

- Bạch Thế Tôn! Khoảng mười ngày trở lại tôn giả mới về đến.

Đức Phật triệu tập đại chúng, giảng dạy pháp đầu đà (là tu khổ hạnh) chơn chánh và khen ngợi Đại Ca Diếp vâng giữ hạnh đầu đà mà không sai phạm mảy may. Ngài dạy Lục Quần tỳ kheo nên noi theo hạnh của tôn giả mà tu tập. Và sau cùng, vì sự tình A Nan trình bày, Đức Thế tôn cho phép được chứa bát dư trong mười ngày.

Nhìn vào sự kiện nầy thì địa vị của tôn giả Đại Ca Diếp đối với tâm tưởng của Đức Thế Tôn và trong giáo đoàn rất cao vậy.



Nguyện Tu Khổ Hạnh

Đại Ca Diếp là đệ tử duy nhất của Phật thích tu theo lối khổ hạnh đầu đà. Cho dù nhiều người ân cần khuyên Ngài nên chuyển lối tu để thân được thanh thản đôi chút, nhưng Ngài cảm thấy rất thoải mái mà tu hành theo lối nầy từ khi còn nhỏ cho đến lúc già nua.

Đối với người tu khổ hạnh đầu đà thì phải giữ đủ mười hạnh:

1)Cần chọn nơi vắng vẻ.

2)Chỉ sống bằng cách khất thực.

3)Thường ở một chỗ.

4)Ngày ăn một bữa.

5)Khất thực không chọn lựa.

6)Chỉ có ba y, bình bát và tọa cụ.

7)Thường ngồi tu duy.

8)Thường tịnh tọa chỗ trống.

9)Mặc y phấn tảo.

10)Thường ở nơi gò mả.

Đối với một nhân vật như Đại Ca Diếp, không muốn đi hóa độ chúng sanh, mà chỉ thích ở riêng một mình và cuộc sống thì quá khắc khổ. Tâm từ bi của tôn giả thật đáng kính phục, nhưng việc hoằng pháp thì chưa đủ.

Trừ Đức Thế Tôn, việc biện luận với ngoại đạo và giáo hóa các tỳ kheo là việc của nhị vị tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, còn Đại Ca Diếp chỉ chuyên tâm tu đạo. Trong khoảng thời gian đức Thế Tôn còn tại thế, Đại Ca Diếp chỉ thỉnh thoảng thuyết pháp cho hàng cư sĩ tại gia mà thôi. Nhưng sau khi Phật nhập diệt, tôn giả bắt đầu thay thế Phật thống lãnh đại chúng. Sau bao năm tu dưỡng trước đây với cuộc sống lặng thinh trầm mặc để giờ nầy phát tiếng ngân lớn vang dội cả không gian.

Lúc đầu, hai tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên thường khuyên Đại Ca Diếp nên quên mình để phát tâm Bồ Đề mà ra làm việc hoằng pháp lợi sanh, tuyên dương chân lý. Đại Ca Diếp nhất quyết trả lời:

- Đối với việc hoằng dương chánh pháp, giáo hóa chúng sanh, tôi không thể làm được bởi vì tôi không quên tự ngã nên đó không phải là chuyện dễ. Dạy dỗ những bọn người không tín tâm, ác độc như thế thì tôi thật chẳng có dũng khí và sức lực. Tôi biết chỉ có thể lo tự tu cho mình, cố gắng bền bĩ trong lối tu khổ hạnh để mang lại ảnh hưởng tốt cho lớp hậu sanh mà muốn thực hành pháp môn nầy. Còn nhiệm vụ hoằng pháp lợi sanh lớn lao kia thì phải hoàn toàn trông cậy vào hai vị.

Hai vị tôn giả nghe Đại Ca Diếp nói thế, không hề thất vọng, trái lại còn tán thán:

- Tôn giả đủ khả năng thành lập pháp tràng, về phương diện ấy thật cũng rất khó khăn. Phật pháp có nhiều mặt và mỗi người có thể làm theo lý tưởng và chí nguyện của mình.

Đại Ca Diếp không thích sinh hoạt trong đoàn thể ở tịnh xá Trúc Lâm hay tịnh xá Kỳ Viên. Thậm chí tôn giả không thích hòa vui trong cảnh ấy mà tôn giả chỉ thích tịnh tọa nơi đồng trống hay nơi gò mả và vá y ở dưới gốc cây. Đối với tôn giả thì đống xương trắng hoặc mùi hôi của người chết rất hợp cho việc tu quán vô thường, thông suốt mọi nỗi khổ, thâm hiểu ý nghĩa chữ “không” và đốn ngộ về thuyết vô ngã.

Đại Ca Diếp không sợ mưa to gió lớn, không kể ngày nắng đêm sương, cho nên mặc dù tuổi đã già mà Ngài luôn luôn ở dưới gốc cây trong rừng, hoặc nơi phần mộ xương trắng ở đồng hoang. Đối với Ngài thì tu khổ hạnh đầu đà là sự yên vui, là niềm hỷ lạc và là pháp môn duy nhất để giúp Ngài đạt đến chỗ giác ngộ.





Đức Phật Chia Nửa Tòa

Niên kỷ của tôn giả càng ngày càng cao mà đối với việc tu khổ hạnh đầu đà thì càng lúc càng tinh tấn.

Một hôm, Đức Phật không nỡ nhìn thấy tôn giả tuổi tác quá cao mà cứ sống dãi nắng dầm mưa, ngày đêm phong sương như vậy nên muốn khuyên tôn giả bớt khổ hạnh.

Khi ấy bánh xe pháp dừng lại tại giảng đường Lộc Mẫu thì Đức Thế Tôn cho gọi Đại Ca Diếp. Tôn giả mặc y rách rưới, râu tóc ra dài, chầm chậm đi đến. Các tỳ kheo trẻ chưa biết tôn giả nên khi thấy hình dáng lôi thôi của Ngài đều tỏ ý khinh rẻ, thậm chí có người còn định bước tới ngăn cản không cho đến gần Thế Tôn.

Phật biết ý đại chúng, liền từ xa gọi tôn giả:

- Đại Ca Diếp! Ông đến đó ư! Ta còn chừa phân nửa tòa.Ở đây, ông hãy mau mau đến ngồi.

Các tỳ kheo trẻ tuổi nghe Phật nói, thất kinh. Họ không ngờ ông tỳ kheo già đó là tôn giả Đại Ca Diếp danh chấn tông môn. Tôn giả đảnh lễ Phật xong, lui lại vài bước và bạch:

- Bạch Thế Tôn! Con là đệ tử của Ngài, con thật chẳng dám ngồi tòa dành riêng cho Thế Tôn.

Lúc bấy giờ Đức Phật nói cho đại chúng rõ oai lực vô biên của Đại Ca Diếp cũng như công phu tu tập của tôn giả tương đồng với Thế Tôn. Nếu đời nay, tôn giả không gặp Phật thì Ngài cũng có thể tự giác ngộ và chứng quả vị La Hán Độc Giác.

Qua sự việc trên cho thấy Đức Phật rất quý trọng tôn giả đến thế nào, thậm chí đối đãi Ngài như vị thượng khách cũng như biểu lộ địa vị trọng yếu của tôn giả trong giáo đoàn.

Đức Phật khuyên tôn giả không nên tiếp tục tu khổ hạnh, hãy bỏ bớt “y” thô nặng mà nên mặc ” y “ nhẹ của thí chủ cúng dường để tịnh dưỡng tuổi già. Cho dù Đức Phật ủy lạo đến đâu, tôn giả cũng chẳng thay đổi cách tu. Tôn giả thưa với Phật:

- Bạch Thế Tôn! Hạnh đầu đà đối với con chẳng phải là khổ nhọc mà trái lại rất an lạc. Con không bị lo lắng ưu phiền về thức ăn, y phục và không màng sự đắc thất trên thế gian. Con chỉ cảm thấy một sự tự do thanh tịnh mà thôi. Đương nhiên số người phê bình lối sống của con nặng về tự độ mà không độ tha, còn như các tôn giả Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Phú Lâu Na, Ca Chiên Diên thì thay Phật làm nhiệm vụ tuyên dương chân lý, không sợ khó khăn, chẳng tiếc tánh mạng, cổ động bánh xe pháp và ủng hộ chúng sanh thấm nhuần pháp vị để cùng được pháp lạc. Về phần con, tuy không đủ nhiệt tình vì người vì pháp, nhưng con không hề quên ơn Phật và cũng vì muốn báo ơn Phật, con mới tu học khổ hạnh đầu đà. Vì chúng sinh cần cứu độ, hoàn toàn nương vào sự hoằng pháp của tăng đoàn. Các tỳ kheo có khả năng tuyên dương Phật pháp là những bậc pháp sư của tín đồ cũng cần phải kiện toàn tự thân cho chính mình thì mới có thể đảm đương công tác cao quý nầy. Còn bổn phận của tăng đoàn có được kiện toàn hay không? Dĩ nhiên là họ phải tuân theo sinh hoạt nghiêm túc của tăng đoàn để bồi dưỡng đức hạnh cho chính mình. Môn khổ hạnh đầu đà trong Phật pháp cũng là một phương pháp sinh hoạt nghiêm túc. Một khi đã quen được lối sống ấy thì mới có thể kiềm chế nổi khắc khổ, tăng thêm tính nhẫn nại và chịu sống đạm bạc để nhất tâm nhất đức vì pháp và vì chúng sinh. Bạch Thế Tôn! Con vì muốn trực tiếp củng cố tăng đoàn và gián tiếp làm lợi ích cho chúng sinh nên luôn luôn nguyện không xả bỏ khổ hạnh, xin Thế Tôn lượng thứ cho tính cách chấp trước của đệ tử.

Phật nghe xong, rất hoan hỷ. Ngài nhìn Đại Ca Diếp rồi lại nhìn các đệ tử rồi nói:

- Rất tốt! Tỳ kheo các ông có nghe lời trưởng lão Đại Ca Diếp vừa nói không? Tương lai chánh pháp của ta bị hủy diệt, không phải do thiên ma ngoại đạo phá hoại, mà vì sự hủy hoại tan nát của tăng đoàn. Đại Ca Diếp nói rất đúng, muốn hoằng dương Phật pháp để ánh sáng chân lý mãi mãi chiếu sáng trên thế gian, điều trước tiên là phải củng cố tăng đoàn. Mà muốn củng cố tăng đoàn thì tất cả tăng chúng phải sinh hoạt nghiêm túc. Chỉ có người như Đại Ca Diếp mới có thể phụ trách chủ trì chánh pháp của ta.

Phật lại tiếp:

- Này Đại Ca Diếp! Ông cứ tiến tu đạo nghiệp, ta không ép ông. Ông cứ tu theo ý nguyện của mình. Khi nào muốn gặp ta thì cứ tùy thời mà đến.

Đức Phật và Đại Ca Diếp tuy hai mà tâm là một, vì vậy thầy trò rất thông cảm nhau. Đức Phật tiếp đãi Đại Ca Diếp như thượng khách và như bằng hữu. Nhưng tôn giả không hề quên lễ nghĩa mà dùng tư cách thầy trò để đáp lại khiến cho mối tương giao sư đệ càng thêm thâm sâu và nồng hậu.

Mỗi khi nghe đến Đức Phật, Bồ Tát hay các vị A La Hán thì chúng ta đều tưởng tượng rằng các vị ấy lạnh lùng nghiêm nghị như cây khô, đá lạnh và đối với thế gian chẳng chút tình cảm nào. Nhưng thật ra các vị ấy đã biến đổi nhân tình tạp nhiễm thành một thứ tình cảm tự nhiên cao thượng mà chúng ta gọi là từ bi. Hạt giống từ bi nẩy mầm từ cây trí tuệ có sức hút mãnh liệt khiến chúng sanh có cơ hội gần gủi tiếp nhận được nhân cách cao thượng ấm áp ấy để sửa đổi tập khí của mình.

Nơi chốn rừng sâu xanh thẳm của Ấn Độ có cây Sa La trổ hoa bát ngát vào những ngày nóng bức của mùa hạ và với những đêm trăng sáng trải vàng trên vòm lá xanh, Đại Ca Diếp đã tu tập năm nầy qua tháng nọ ở nơi thanh tịnh vắng vẻ mà cái phong tư cao cả của bậc thánh vẫn còn phảng phất đâu đây.



Nhận “Y” “Bát” Của Phật

Thời gian thắm thoát qua nhanh và sắc thân tứ đại của Đức Phật cũng theo luật vô thường mà biến đổi. Vào năm 80 tuổi và sau 49 năm truyền đạo Ngài báo tin sẽ nhập diệt trong vòng ba tháng.

Cùng năm đó, trước tiên là Mục Kiền Liên tuẫn nạn, sau đến là Xá Lợi Phất về quê mà nhập diệt do đó khắp mọi nơi trong tăng đoàn phảng phất vẻ đau thương sầu thảm. Hiện tại trong tăng đoàn mà những người có thể thừa kế Đức Thế Tôn thì không còn là bao nhiêu. Đại Ca Diếp thì già nua còn lớp trẻ thì không ai sánh kịp với A Nan mặc dù ông chưa chứng được thánh quả. Vì sự lưu truyền chánh pháp và lãnh đạo tăng đoàn, Đức Thế Tôn đã sớm chú ý chọn người tiếp nối. Riêng tôn giả Đại Ca Diếp, khi ở trên hội Linh Sơn đã được Đức Thế Tôn ngầm trao chánh pháp nhãn tạng:” Niêm hoa vi tiếu” là điểm tích tối sơ của Thiền Tông. Số là ở trong hội Linh Sơn, Phật cầm cành hoa sen đưa lên mà tất cả đại chúng đều ngơ ngác không biết ý nghĩa là gì, duy chỉ có Ngài Đại Ca Diếp thì đắc ý chúm chím cười. Vì thế mới có câu:”Niêm hoa vi tiếu”. 

Phật sau đó nhìn Đại Ca Diếp dạy rằng:

- Ta có chánh Pháp nhãn tạng, Niết Bàn diệu tâm, pháp môn mầu nhiệm, chẳng lập văn tự, ngoại giáo lý truyền riêng. Nay ta giao phó cho ông. Ông khéo giữ gìn chánh Pháp nầy để truyền lại mãi mãi cho những đời sau.

Đây chính là di huấn của Đức Thế Tôn cho vị tổ thiền tông đầu tiên của Phật giáo và sau đó tôn giả A Nan là vị Tổ thiền tông thứ hai. Còn Tổ Bồ Đề Đạt Ma, người mà đã đem thiền tông đến Trung quốc vào khoảng thế kỷ thứ 5 sau Tây lịch là Tổ thứ 28.

Khi Đức Phật nhập diệt ở thành Câu Thi Na, tôn giả Đại Ca Diếp còn đang hướng dẫn 500 tỳ kheo du hóa ở nước Đặc Xoa Na Xòa ở phương Bắc. Sau khi nghe tin, tôn giả rất cảm thương và dắt toàn bộ tỳ kheo đi suốt ngày đêm về lại thành Câu Thi Na.

Trên đường đi, có người nước mắt đầm đìa, có người nằm lăn ra đất khóc than thảm thiết. Nhưng trong chúng tỳ kheo có ông Bạt Nan Đà thuộc nhóm Lục Quần tỳ kheo thì rất vui vẻ nói rằng:

- Mấy thầy cần gì phải thương cảm như vậy? Phật có nhập diệt thì chúng ta mới được tự do. Lão nhân ấy khi còn sống đã trói buộc chúng ta, quản lý chúng ta. Ông thường phàn nàn chúng ta điều nầy không tốt, điều kia không được. Ổng lải nhải đến bực mình. Bây giờ ổng nhập diệt rồi, chúng ta càng nhẹ nhỏm và thong thả chứ sao?

Không đợi Đại Ca Diếp quở trách, một tỳ kheo bước đến định đánh Bạt Nan Đà, Đại Ca Diếp vội ngăn lại và dạy rằng:

- Đức Thế Tôn vừa nhập diệt, mọi người mất nơi nương tựa nên đều buồn thương. Tại sao ông ngu si cho điều đó là việc mừng? Kỳ thật, tôn giả phải đập cho y một trận mới được.

Tuy là bậc đại thánh, nhưng giây phút bấy giờ tôn giả cũng một phen vọng tưởng cũng chỉ vì quá kính nhớ đến Đức từ phụ mà thôi. Càng kính nhớ đức Phật thì tôn giả càng đem tấm lòng sắc son của một trưởng lão mà lo lắng cho tiền đồ Phật pháp.

Lúc bấy giờ kim quan của Đức Thế Tôn an trí tại chùa Thiện Quang. Bao nhiêu đệ tử vây quanh buồn bã khóc than và chuẩn bị tưới dầu thơm và sắp củi lửa để làm lễ trà tỳ, nhưng đốt hoài mà không cháy. Mãi đến bảy ngày sau Đại Ca Diếp mới về đến thì từ trong kim quan Đức Phật ló hai chân ra. Tôn giả Đại Ca Diếp trông thấy không cầm được nước mắt, liền chắp tay đảnh lễ và thưa rằng:

- Đức Thế Tôn từ bi! Bậc cứu khổ vĩ đại. Xin Ngài an tâm chúng con xin đi theo bước chân của Ngài.

Đại Ca Diếp nói xong, Đức Phật thâu hai chân vào và lúc ấy giữa những tiếng khóc than kinh động của chúng đệ tử, Đức Phật dùng “ tam muội chân hỏa” tự trà tỳ kim thân.

Từ đây trách nhiệm lưu truyền đại pháp sẽ do tôn giả Đại Ca Diếp đảm đương.



Tam Tạng Kinh

Bốn tháng sau khi Đức Phật nhập diệt, Đại Ca Diếp, thay Phật, thống xuất tăng chúng mở hội nghị để kết tập kinh điển.

Ban đầu, Đại Ca Diếp rất băn khoăn khi phải chọn nơi tốt để kết hợp đại hội. Nếu tổ chức tại tịnh xá Trúc Lâm thì không được bởi vì tịnh xá nầy thì quá lớn nên sau cùng Ngài chọn một thạch động trong rừng nơi phía Đông Nam thành Vương Xá tên gọi là động Tất Ba La Diên.

Trong rừng núi tịch mịch và hang động rộng rãi chính là một cảnh thoát trần rất xứng đáng để quy tụ đại hội. Tất cả 500 vị A La Hán đều suy tôn các vị Đại Ca Diếp, A Nan, A Na Luật, Ưu Bà Ly và Phú Lâu Na làm bậc thượng thủ và dĩ nhiên tôn giả Đại Ca Diếp được tôn lên làm chủ tọa. Với tư cách chủ tọa, Ngài đã luận tội A Nan trước đại chúng. Oai nghiêm như Đức Phật, Ngài quở trách A Nan không chịu tu hành nên chưa chứng thánh quả. Cho dù A Nan kiêu khí ngất trời, nhưng trước mặt tôn giả cũng không dám phản kháng mà chỉ một bề nhận lỗi.

Khi Phật còn tại thế thì Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đã hoạt động trong và ngoài giáo đoàn và hai Ngài là hàng đệ tử thân tín của Đức Phật trong khi Đại Ca Diếp thì trầm mặc tu đạo và những hoạt động của tôn giả đều có giới hạn. Nhưng đến khi Đức Phật và hai vị đại đệ tử nhập diệt rồi thì Ngài mới đứng ra đảm nhiệm việc lãnh đạo giáo đoàn. Điều nầy đủ chứng tỏ công đức tu dưỡng cao sâu và lòng độ lượng rộng lớn của Ngài.

Tôn giả Đại Ca Diếp không có thần thông quảng đại, nhưng với lòng kiên nhẫn tột bực thì không có vấn đề khó khăn nào mà Ngài chẳng giải quyết một cách hài hòa. Ngài đã noi theo gương Đức Phật mà đem ánh sáng của chân lý chiếu khắp mọi nơi cũng như dùng đèn trí tuệ để quét sạch mọi u minh, phiền não và đưa chúng sinh cùng đến chỗ giác ngộ như Ngài.

Sang ngày kết tập thứ nhì, A Nan là vị đệ tử có thể nhớ đến 84,000 bài kinh nên được đề cử đọc Kinh tạng và Ưu Bà Ly là vị đệ tử thông suốt và nghiêm trì giới luật nên được đọc Luật tạng. Còn Ngài Phú Lâu Na là vị đệ tử giỏi về thuyết pháp nên được đề cử đọc Luận tạng. Ba vị thì đọc còn tất cả các vị A La Hán thì nghe và nếu câu nào không đúng với lời Đức Thế Tôn dạy thì phải sửa lại cho đúng. Đại hội kết hợp lần thứ nhất nầy cũng được xem như là đại hội kết tập pháp thân Xá Lợi của Phật.

Ngày nay chúng ta được thừa hưởng cam lộ pháp thủy của Đức Phật và chúng ta có cả một kho tàng kinh điển rộng lớn mênh mông là do lòng từ bi vô lượng và trí tuệ vô song của tôn giả Đại Ca Diếp mà ra.



Long Hoa Tam Hội

Mới ngày nào mà Đức Phật nhập diệt đã trên hai mươi năm. Càng nghĩ, Đại Ca Diếp càng nhớ lại ân sâu như trời biển của Đức Thế Tôn đã vì đời sau mà lưu truyền đại pháp. Lúc bấy giờ Đại Ca Diếp đã ngoài trăm tuổi, tuy trí tuệ sáng suốt nhưng sắc thân tứ đại thì mỏi mòn theo năm tháng. Ngài biết không còn bao lâu nữa thì sẽ nhập diệt nên cố gắng củng cố tăng đoàn và phú chúc cho người thừa kế để khỏi phụ lòng của Đức Phật.

Ngài liền đến nơi A Nan đang hoằng pháp, phó chúc pháp tạng và yêu cầu A Nan tiếp nối sứ mạng lãnh đạo tăng đoàn. Đây là một trách nhiệm rất quan trọng cho sự hưng thịnh của Phật giáo ngày sau nên ngoài A Nan ra không ai có thể đảm đương nổi.Sau đó Ngài bay lên hư không đến tám nơi có tháp thờ Xá Lợi của Phật để cúng dường lễ bái.

Tôn giả trở về thành Vương Xá, định đến cáo từ vua A Xà Thế, nhưng quân hầu bảo nhà vua còn ngủ nên Ngài bèn rời thành đến núi Kê Túc (Kukkut Apada) phía Tây Nam cách thành Vương Xá độ 8 dặm. Ngọn núi nầy có ba đỉnh cao chót vót có hình dáng như chân con gà. Phân nửa của ngọn núi trở lên là rừng cây rậm rạp, còn phân nửa của núi trở xuống có thảm cỏ trải dài. Tôn giả đến núi Kê Túc lên trên triền phía Bắc, theo lối mòn khúc khuỷu quanh co, rồi đi dần về sườn núi Tây Nam. Ở đây cảnh núi hiểm trở, có một tảng đá to choán ngay nơi lối mòn. Tôn giả bèn gõ một tích trượng, tự nhiên tảng đá mở ra như bị chém bằng đao. Lối đi được khai thông, Đại Ca Diếp tiếp tục đi tới, lại lối mòn khúc khuỷu quanh co dẫn tới đỉnh núi, day mặt về phía Đông Bắc mà đi vào chỗ ba ngọn núi. Khi đó ba đỉnh núi từ từ tách ra, mở rộng bên trong thành một nơi tọa thiền rất đẹp. Tôn giả liền đưa áo cà sa của Phật Đà cất vô đó, lấy cỏ trải tòa mà ngồi và tự nói: “ Hôm nay ta sẽ dùng sức thần để giữ gìn nhục thân nầy, dùng y phấn tảo che phủ lên mình, để đến 67 ức năm sau khi Đức Di Lặc ra đời sẽ bái kiến Ngài và trao lại “ y” “bát” của Đức Phật Thích Ca và giúp Ngài giáo hóa chúng sanh.” Nói xong, ba ngọn núi từ từ khép lại như cũ để giữ gìn và giấu kín tung tích của vị đại thánh cho đến ngàn đời. Về sau khi Đức Di Lặc xuất thế, sau tam hội Long Hoa thuyết pháp sẽ tìm đến núi Kê Túc và Ngài lấy ngón tay búng vào núi, tự nhiên ngọn núi tách ra. Bấy giờ Đại Ca Diếp lấy áo trao cho Di Lặc và Phật Di Lặc cung kính xin nhận. Xong việc, thân thể Đại Ca Diếp bay lên không trung, hiển thị các loại phép lạ thần biến, rồi hóa thành ngọn lửa thiêu thân, tiến nhập Niết Bàn. Ngày nay trên đỉnh núi có một Phật tháp, chờ đến đêm tối yên tĩnh thì từ xa nhìn thấy ánh lửa bốc cao, nhưng lên tới nơi lại chẳng có gì.

Vua A Xà Thế nghe tin tôn giả nhập diệt, rất đỗi bi thương liến lập tức đến gặp tôn giả A Nan để yêu cầu cùng đi với vua đến núi Kê Túc. Khi hai người vừa đến nơi, ba ngọn núi lại tách ra và cả hai cùng thấy tôn giả Đại Ca Diếp đang tọa nhập định trong núi mà trên thân phủ đầy hoa Mạn Đà La. Nhà vua cùng A Nan cúng dường lễ bái rồi lui ra. Ba ngọn núi tự nhiên khép lại.

Hai người ngoảnh nhìn lại ngọn núi Kê Túc xanh tươi tịch tịnh mà 67 ức năm sau, tôn giả Đại Ca Diếp đã trường kỳ giữ gìn Y, Bát của Phật Thích Ca cho đến lúc Di Lặc tôn Phật đến thăm để trao lại y bát đó cho Ngài.

Chính vì hiện tượng nầy mà cổ nhân có câu: “Tinh thần của các bậc vĩ nhân đã hòa cùng tạo hóa và thâm nhập vào chỗ chí ảo của trời đất mà sinh mạng vẫn trường tồn với thời gian vô tận. Từ đó, chúng ta có thể thấy sinh mạng của tôn giả đã vô cùng vô tận và như thế, giáo pháp của Đức Thế Tôn nói ra cũng sẽ được lưu truyền vô cùng vô tận vậy”.

Một đời của tôn giả xuất thân là con nhà giàu có mà kham nhẫn tu khổ hạnh đầu đà, được niêm hoa vi tiếu trên hội Linh Sơn để nối tiếp chánh pháp và nhiếp giữ đại pháp của Phật đến hơn trăm tuổi. Đây chính thật là một vĩ nhân và rất xứng đáng cho chúng ta noi theo mà tu tập.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Bảy 2022(Xem: 3070)
20 Tháng Năm 2022(Xem: 9666)
Phật Giáo Hướng Dẫn Thế Kỷ 21 là một tài liệu gồm 12 tham luận được trình bày tại Hội Nghị Nghiên Cứu Học Thuật Phật Giáo Quốc Tế lần thứ Tám vào các ngày 27 và 28 tháng 10 năm 1995 tại Đài Loan bởi các diễn giả thuộc nhiều thành phần của nhiều quốc gia khác nhau. Nhằm cung cấp thêm tài liệu cho những ai đã và đang thao thức cho một nền Phật Giáo Việt Nam huy hoàng rực rỡ, chúng tôi cố gắng chuyển dịch tập sách này với mỗi một ước vọng duy nhất: Đóng góp phần nhỏ vào công cuộc phục hưng Đạo Pháp, lợi lạc quần sanh.
04 Tháng Hai 2022(Xem: 3982)