Luật Nghiệp Quả Và Nhân Cách

24 Tháng Ba 201100:00(Xem: 15238)

THANH TINH TÂM
Lê Sỹ Minh Tùng

Luật Nghiệp Quả và Nhân Cách

Trong lịch sử của nhân loại, có những vĩ nhân và các bậc đại thánh mà nhân cách của họ đáng được truyền tụng ngàn đời như Đức Phật, Khổng Tử, Lão Tử, Mạnh Tử, Gandhi…Chẳng những thế, trong lịch sử của mỗi quốc gia cũng có những nhân vật xuất chúng với lòng yêu nước nồng nàn và những chiến công hiển hách lẫy lừng để giữ gìn đất nước và xây dựng quê hương. Không ai quên được một anh hùng áo vải Lam Sơn Lê Lợi, ba anh em nhà Tây Sơn Nguyễn Huệ đã phá hàng vạn quân Thanh, Đức Thánh Trần Hưng Đạo trên sông Bạch Đằng…Trong lãnh vực khoa học còn có những nhà bác học đã cống hiến cả cuộc đời cho nền văn minh tiến bộ của nhân loại với lòng kiên trì không mệt mỏi như bà Marie Curie, Pasteur, Einstein…

Mặc dù không cùng chung nòi giống và ngôn ngữ, nhưng tất cả những vĩ nhân trên toàn cầu đều là những người vừa có công lao lớn đối với nhân loại và vừa có nhân cách cao cả khả kính.

Ngoài những nhân cách siêu phàm đó, cũng có những hạng người tầm thường chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân, hành vi nham hiểm, ác độc, lừa đảo và tính tình nóng nảy, cố chấp, hẹp hòi…

Thông thường con người vì quyền lợi mà xâu xé, chém giết lẫn nhau. Một khi ác tâm đã bám sâu vào trong tiềm thức thì nó sẽ biến thành hành động xấu xa tội lỗi làm mất hết cả nhân cách. Bởi vìý là nhân mà hành động là kết quả. Thật vậy, Ý có muốn làm thì thân và khẩu mới có sự thực hiện, do đó Ý Nghiệp đã gây trong tiền kiếp thì quả báo của Thân Khẩu Nghiệp trong đời nầy. Vậy nhân cách của con người đời nầy là do Ý Nghiệp của đời trước chuyển đến mà thôi. Nói một cách khác, một nhân cách tốt thì trong tương lai của kiếp nầy hay kiếp sau chắc chắn sẽ tạo ra những hành động tốt. Những người thường nuôi dưỡng những hoài bão cao thượng, chắc chắn sẽ làm được những hành vi cao cả. Vì sự lợi ích của hành động tốt, hành vi cao cả cho nên trau dồi nhân cách là một việc làm vô cùng quan trọng cho tất cả mọi người. Tự trau dồi nhân cách cho mình cũng chưa đủ mà chúng ta cần phải giúp đỡ mọi người chung quanh xây dựng nhân cách của họ.

Chiêm ngưỡng đôi mắt từ bi của Phật, ngưỡng mộ phong thái trầm mặc của một bậc thánh sẽ gây cho chúng ta một tấm lòng từ bi, một phong thái trầm mặc ở mai sau. Vì thế, nếu chúng ta đọc nhiều về các giai thoại đạo đức của các bậc thánh, của các danh nhân thì trong tâm sẽ khởi lên sự kính ngưỡng và đây chính là nguồn gốc tạo thành nhân cách tốt đẹp cho chúng ta về sau.

Ngược lại, các tội phạm bị giam giữ lâu ngày thì họ chỉ chứng kiến vô số chuyện tội lỗi, lừa đảo và giết hại lẫn nhau. Định luật sinh tồn xác định kẻ có sức mạnh và mưu mô xảo quyệt là kẻ thắng. Hàng ngày những tay anh chị phô trương những thành tích rùng rợn của mình để cho kẻ khác nể phục. Càng thán phục mấy tay anh chị gan lì, ác độc và ích kỷ càng tạo cho họ những nhân cách ghê tởm về sau. Do đó khi hòa mình chung sống trong một môi trường tội lỗi như thế, chẳng có mấy ai sau khi mãn tù về sẽ trở thành một kẻ lương thiện. Vì thế, trại tù sẽ không bao giờ là nơi làm cho con người được thuần lương cải hóa. Chỉ có sự giáo dục chân chính mới có thể thay đổi được nhân cách và giúp cho họ hoàn lương để trở thành một người tốt. Ngày xưa Quản Trọng từng nói:”Lễ Nghĩa Liêm Sĩ là bốn giềng mối của quốc gia. Nếu bốn giềng mối không giương ra thì quốc gia tất phải diệt vong”. Rất tiếc ngày nay từ trong học đường đến xã hội, con người không còn quan tâm về triết lý chân thật nầy để có một xã hội công bình, trật tự, an vui và hạnh phúc.

Lúc còn bé, nhà của mẹ thầy Mạnh Tử ở kế một nghĩa trang nên hàng ngày thấy người than khóc, đưa đám ma thì thầy cũng mua sắm đồ vật và làm y như vậy. Khuyên can cách mấy, thầy vẫn không thay đổi, sau cùng bà mẹ quyết định bán nhà để dọn tới gần một trường học. Thấy lũ trẻ chăm chỉ học hành, thầy cũng tận tụy noi theo và về sau trở thành một nhà hiền triết rất nổi tiếng về trọng đạo lý, nhân nghĩa và khinh danh lợi của Trung Hoa. Vì thế cổ nhân nói gần mực thì đen gần đèn thì sáng quả không sai.

Nhân cách là do nghiệp tạo thành, nhưng nghiệp thì có thể thay đổi vì thế nhân cách của con người cũng theo đó mà đổi thay tùy theo môi trường sinh sống của họ. Thật ra không dễ gì một người có thể vượt qua những ngã chấp để đạt được một tâm đại bi vô lượng để giúp đỡ và thương yêu khắp mọi người. Nhưng nếu họ cố gắng kiểm soát tâm lý tham lam ích kỷ của mình để có thể nhận xét thật kỹ lưỡng tất cả mọi ý tưởng và hành động của mình có ẩn chứa một mưu tính, một sự trục lợi nào không. Nếu không thì tâm đại bi đó sẽ từ từ phát khởi trong tâm họ và đây chính là phương cách chân thật để hoán chuyển thành một nhân cách tốt đẹp hơn. Nên nhớ người có nhân cách tốt là những người có tâm hồn cao thượng, có nghĩa là việc họ làm có lợi ích cho chúng sinh chứ không phải cho riêng họ. Bỏ vị kỷ để đổi lấy vị tha là tạo thiện nghiệp và lợi ích cho chúng sinh tức là lợi ích cho chính mình sau nầy vậy. Phật dạy rằng:”Không có gì hạnh phúc bằng tâm hồn yên tịnh”. Thật vậy, khi tâm hồn không bị tham lam, sân hận, si mê chi phối thì con người sẽ sống vô cùng bình tĩnh và sáng suốt. Đây chính là hạnh phúc cao thượng nhất. Và sau đó khi được hỏi: “Con đường nào dẫn đến Niết Bàn”, Đức Phật trả lởi:”Đó là Giới, Định, Tuệ”. Tại sao? Bởi vì Tham thì phá Giới, Sân thì phá Định và Si thì có thể phá Tuệ. Còn nếu giữ được giới thì tâm sẽ an định, mà khi tâm đã được định thì trí tuệ sẽ phát sinh. Vì vậy có trí tuệ tức là thấy được Niết Bàn. 

Thời Đức Phật còn tại thế, có nhóm tu khổ hạnh có tên là Jainism và người đạo sĩ thì gọi là Nigantha. Nhóm nầy chủ trương là con người không thể phát triển đức dục và trí dục nếu chưa trả hết những hậu quả bất thiện của tiền nghiệp. Vì vậy tôn giáo nầy dạy tín đồ của họ phải thực hành khổ hạnh để sớm thoát khỏi ảnh hưởng của tội lỗi mà họ đã làm trong những kiếp quá khứ. Trong Trường Bộ Kinh có kể rằng:

Khi vị đạo sĩ Dighà đến chào hỏi Đức Thế Tôn và an tọa thì Đức Phật hỏi đạo sĩ rằng:

- Này đạo sĩ, trong đạo Nigantha thì vị giáo chủ Nàtaputta dạy có bao nhiêu loại nghiệp?

- Bạch Đức Cư Đàm, trong đạo chúng tôi, vị giáo chủ Nàtaputta không hề nói đến cái nghiệp, nhưng chỉ dạy về cái tội mà thôi.

- Vậy có bao nhiêu tội? Đức Phật hỏi:

- Bạch Ngài, tội có 3 loại: tội do thân, do khẩu và do ý.

- Trong ba tội ấy tội nào nặng hơn hết?

- Bạch Ngài, chính tội của thân nặng hơn cả.

Sau khi xác định ba lần như thế, Đạo sĩ Nìgha lại hỏi Đức Phật:

- Bạch Ngài, còn theo giáo Pháp của Ngài có mấy thứ tội?

- Này Đạo sĩ, trong giáo Pháp của Như Lai không hề nói đến cái tội, nhưng chỉ dạy về cái nghiệp mà thôi.

- Bạch Ngài, vậy có bao nhiêu thứ nghiệp?

- Nghiệp cũng có 3 loại là thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp.

- Bạch Ngài, trong ba loại nghiệp ấy loại nào quan trọng nhất.

- Này Đạo sĩ, chính Ý nghiệp là quan trọng nhất.

Đức Phật đã khẳng định rằng trong ba nghiệp thì Ý Nghiệp là quan trọng hơn cả bởi vì từ ý nghiệp mới sinh ra thân, khẩu nghiệp mà chính cái ý nghiệp đó đã sanh ra nhân cách của con người trong đời nầy. 

Con người vì do bản năng vị kỷ nên sinh ra tính đố kỵ, chia rẽ, hơn thua và luôn luôn đi tìm sự độc tôn cho mình và đè bẹp kẻ khác. Thật vậy, con người hơn thua nhau từng lời nói, các hội đoàn không tiếc lời chỉ trích nhau và ngay cả các thế lực chính trị cũng dùng mọi thủ đoạn để tiêu diệt lẫn nhau. Cái bản ngã đã sinh trưởng lớn mạnh trong chúng ta vì thế ai cũng muốn mình hơn hẳn mọi người về tài sản, địa vị và danh tiếng. Do đó cái bản ngã càng lớn thì sự ngăn cách trong xã hội càng to và con người tiếp tục phân hóa, chia rẽ để dẫn đến thù ghét lẫn nhau. Như thế nếu muốn tăng trưởng nhân cách thì con người phải đè bẹp cái bản ngã để có cuộc sống không còn bỏn xẻn và tạo cơ hội để phát huy tâm vị tha quãng đại.

Ngoài những người có nhân cách cao cả hay những kẻ có nhân cách hèn hạ thì còn có những người bị rối loạn nhân cách nghiêm trọng mà thường được gọi là điên hay bệnh tâm thần. Khi cơn điên nổi lên thì họ vô cùng hung dữ, sẵn sàng đập phá, giết hại tất cả những gì chung quanh họ. Họ nói lảm nhảm như đang nói chuyện với một kẻ vô hình nào đó và nghĩ mình như đang sống vào một thế giới ảo tưởng chỉ dành riêng cho họ mà thôi. Họ không còn giữ được sự hòa hợp bình thường với xã hội chung quanh bởi vì họ bị giao động mãnh liệt từ trong nội tâm rồi biểu lộ ra ngoài những lời nói và hành vi thiếu nhã nhặn.

Nhiều người vì mê tín quá đáng vào quỷ thần, vào đồng bóng để cầu xin được gia hộ, phát tài…hoặc có những người tham vọng quá lớn đến khi thất vọng thì có thể làm biến dị cơ chế não bộ để xuất hiện trạng thái bệnh tâm thần. Thật ra, đây chỉ là những nguyên nhân gần, còn nguyên nhân sâu xa vẫn chính là nghiệp từ quá khứ. Tại sao? Thử nghĩ khi hai người cùng mê tín mà một điên, một không. Hoặc là hai người cùng có tham vọng quyền lực giống nhau mà một người nổi điên, một người không. Tại sao tính điên chỉ xảy ra cho người nầy mà lại chừa người khác? Nguyên nhân thật sự vẫn thuộc về nghiệp từ quá khứ xa xăm mà ra.

Như thế nhân cách cần phải được xây dựng để có thể bộc lộ ra ngoài bằng những hành động đạo đức. Đức Phật cũng xác nhận là hành động bắt nguồn từ thái độ tri thức. Vì vậy một tư tưởng chân chính sẽ đưa đến một hành động đạo đức và ngược lại. Do đó Phật lại dạy:

- Sự hiện hữu của chúng ta là kết quả của những gì ta tư tưởng. Nó được xây dựng trên tư tưởng và kết tinh bằng tư tưởng. Nếu một người nói hay hành động với tư tưởng sai lầm thì khổ đau sẽ theo người ấy như bánh xe lăn theo con bò kéo xe. Nhưng nếu nói hay hành động với tư tưởng chân chính thì hạnh phúc sẽ theo người ấy như bóng theo hình.

Tư tưởng sai lầm và tư tưởng chân chính mang lại hai kết quả khác nhau. Với tư tưởng sai lầm hay bất thiện thì lúc nào cũng mang bản chất Tham, Sân, Si và ngược lại tư tưởng chân chính thì lúc nào cũng lấy Từ, Bi, Hỷ, Xả làm phương châm để hành động.

Khi con người lấy tâm vô lượng để làm lợi ích cho người khác thì tự họ đã tạo nên rất nhiều nghiệp thiện và khi nghiệp thiện nầy vừa tạo xong thì phước báu sẽ xuất hiện trong vô hình để giữ gìn cho quả báo về sau. Thế thì nghiệp nhân vừa tạo xong thì quả báo cũng đã xuất hiện rồi. Do đó người đã từng làm nhiều lợi ích cho mọi người thì nghiễm nhiên chính họ đã tạo cho mình rất nhiều phúc đức.

Vậy Phước là do làm lợi ích cho người mà có, còn Đức là cái tốt của tự tâm.

Chẳng hạn như vụ bão lụt Katrina vừa qua, một số nhà giàu vì muốn cho người khác biết đến tên tuổi của mình nên đã bố thí cho các cuộc lạc quyên cứu trợ. Vì thâm ý của họ không tốt, chỉ có mục đích cá nhân nên họ chỉ có phước mà không có đức. Ngược lại một người tu hành chân chính, giữ gìn giới cấm và tự thanh lọc nội tâm trong sáng như pha lê, nhưng quyết định ở ẩn không giao tiếp với ai, thì người đó có đức mà không có phước. Thật ra những người có nội tâm trong sạch và cao thượng thì tư tưởng trong lành của tâm luôn luôn lan tỏa trong không gian và âm thầm lây nhiễm vào tâm hồn của mọi người thì chính họ đã có phước rồi.

Cho nên nếu muốn được phước đức vẹn toàn thì khi làm việc lợi ích cho người đừng mong có sự đền đáp. Vì thế Phật dạy rằng:”Khi thi ân ta không nên cầu phước báo”. Thói thường trong thế gian là con người lúc nào cũng muốn thổi phồng cái ngã của mình càng lúc càng to như cái nhà của tôi, cái xe của tôi, cái công ty của tôi, con cái của tôi, cái thân của tôi thế nầy thế kia…Cái ngã càng lớn thì phiền não càng to vì họ quên rằng không có cái gì trên đời là thật cả bởi vì tất cả vạn hữu đều mang tánh Không hay không có tự tánh, do đó tất cả mọi hiện sinh đều là vô thường ngay cả cái thân mà họ gọi là “cái thân của tôi” cũng phải để lại khi họ ra đi. Thật vậy, người mê khi nhìn cái nhà thì cho là thật, là bền vững muôn đời, còn người hiểu được lý “Không” thì cái nhà đó chỉ là vô thường, là một cái tên mà thôi bởi vì nếu đem phân tán gạch, ngói, cây, gỗ ra thì cái nhà đâu còn nữa chớ không phải đợi đến 100 năm sau, đến lúc cái nhà hư hại tan biến thì mới biết là cái nhà không thật. Tấm thân tứ đại thì cũng thế, nếu đem tách đất, nước, gió, lửa ra từng phần thì thân nầy sẽ bị hoại bởi vì đất, nước, gió, lửa chính nó không có tự tánh, tức là vô ngã. Do đó thân của chúng ta là giả tạm không thật. Chúng ta mượn nó để dùng trong đời nầy rồi trả lại khi ra đi. Một ví dụ khác là khi nhìn trên bàn chúng ta “thấy có” một bình hoa, nếu đem bình hoa cất đi thì chúng ta “không thấy có” bình hoa nữa. Như vậy thấy bình hoa và không thấy bình hoa là cái có đối với cái không có trong không gian vật chất. Còn lý Không ở đây không có nghĩa là không có, không thấy trên cái bàn. Mặc dù chúng ta vẫn để bình hoa trên cái bàn, nhưng chính bình hoa không có tự tánh, hay không có thực chất nên nó không thực có. Vậy lý “Không” phải hiểu là không có tự tánh, không có thực chất chớ không phải là chúng không có. Mà một khi không có tự tánh thì chúng sẽ tan rã, hủy diệt theo thời gian và đó chính là vô ngã. Tóm lại, khi con người quên mình để lo cho mọi người thì mới giúp cho cái ngã mau tan vỡ. Và lúc đó họ không còn sống cho cái ngã nữa thì người đó sẽ hoàn toàn được vị tha. Đó chính là chân lý siêu việt Vô Ngã của nhà Phật.

Một ví dụ khác về lý Không là ở Hoa Kỳ hiện nay có nhiều ảo thuật gia rất nổi tiếng chẳng hạn như David Copperfield. Một trong những màn ảo thuật xuất sắc của anh ta là làm biến đi tượng nữ thần tự do ở Nữu Ước, hay làm biến mất một chiếc phản lực cơ trước mắt hàng vạn khán giả. Quý vị có nghĩ rằng tượng nữ thần hay chiếc máy bay có tàng hình được không? Dĩ nhiên là không. Cái mà ông ta thành công là làm cho chúng ta tin tưởng vào thị giác của chúng ta. Khi thấy thì chúng ta cho là có, còn không thấy thì cho là không có. Nhưng tượng nữ thần hay cái máy bay vẫn sờ sờ ở đó mà chúng ta không thấy nên nói là không có. Thế thì cái thấy hay cái không thấy có thật không? Do đó tính Không cũng thế, khi thị giác của chúng ta thấy một vật gì thì chắc chắn vật đó có thật không? Ngày nay khoa học có thế tìm thấy và đo lường đơn vị nhỏ nhất của vật chất là nguyên tử. Nhưng nếu đem thể tích của các hạch tâm chia cho thể tích của nguyên tử đó thì đáp số gần như số không. Như vậy, mọi vật thể mà chúng ta thấy bằng thị giác thì tự nó đã không có tự tánh, tức là Không. Lý Không của đạo Phật nhằm mục đích khai thị con người hiểu rõ sâu xa về sự hiện hữu của vạn vật trên đời nầy. Kẻ mê thì nghĩ rằng cái gì cũng thật, cũng chắc chắn, cũng tốt đẹp, cũng hấp dẫn nên lòng tham mới phát khởỉ để tạo tác, giữ gìn và dĩ nhiên là để tạo nghiệp, còn người thấu suốt lý không thì biết rằng tất cả mọi vật đều vô thường, tan biến, tạm bợ và không chắc thật nên dễ dàng kiềm chế lòng tham của họ. Mà hễ bớt dục vọng tức là bớt khổ, có nghĩa là càng ít tham thì càng nhiều hạnh phúc, an vui và tự tại. Người có nhân cách cao thượng hay thấp hèn cũng bởi từ tánh tham mà ra.

Như thế người đi theo chánh đạo là phải biết chu toàn đầy đủ cả phước lẫn đức. Bởi vì phước và đức luôn hỗ trợ cho nhau. Thật vậy, tâm có tốt thì việc làm thiện mới được chu đáo và lâu bền còn đức có sâu thì phước mới lớn. Vì thế khi làm việc thiện, chúng ta nên củng cố thêm chất tốt của nội tâm mình. Ngược lại, nếu có kẻ làm phước mà không có đức, tức là làm việc thiện vì mục đích vị kỷ thì chắc chắn sẽ có lúc làm ác vì tư tưởng xấu có ngày sẽ khởi ra hành động bất thiện. Do đó cái phước sẽ không thể phát triển đến vô cùng vô tận.

Vậy phước đức và công đức có khác nhau không?

Phước đức là đem tiền của, tài vật ra bố thí hoặc cúng dường cho kẻ khác, còn công đức là từ trong trí tuệ bát nhã mà có. Tiền tài có thể đem cho người khác được, nhưng trí tuệ thì phải tự tu mới có, tự luyện mới thành. Có ai đem sự thông minh của mình cho người khác được đâu? Do đó, phước đức thuộc về pháp hữu lậu, có nghĩa là còn phải vướng trong vòng luân hồi sanh tử, còn công đức thì thuộc về pháp vô lậu nên có thể giúp cho họ đến chỗ vô sanh vô diệt hoặc cõi Tây phương Cực Lạc.

Thêm nữa, trong thực tế của cuộc đời, không một ai hoàn toàn thoát khỏi những lo âu phiền muộn trừ khi chúng ta trở thành bậc toàn thiện hay bậc Thánh. Tuy nhiên, nếu chúng ta hiểu rõ được bản chất của cuộc sống để không còn phàn nàn, không còn bất mãn mà can đảm nhận lãnh những kết quả của thân khẩu nghiệp thì đau khổ không những không còn làm cho chúng ta sa đọa, mà còn giúp chúng ta tiến đến chổ Chân, Thiện, Mỹ. Có con người là có phiền não khổ đau và chính những cái phiền não khổ đau nầy là cái giá mà con người phải trả cho sự chiếm hữu cái thân ngũ uẩn nầy. Chừng nào chúng ta không còn lệ thuộc vào tấm thân tứ đại nầy nữa thì lúc ấy chúng ta mới hoàn toàn thoát ly mọi phiền muộn khổ đau. Do đó khi gặp nguy khó mà chúng ta vẫn giữ được nụ cười trên gương mặt trầm tĩnh và sáng suốt để giải quyết vấn đề mà không tỏ ra một chút bối rối lo âu thì đây chính là sự biểu lộ một nhân cách cao thượng vậy.



Tình cảm và Lý Trí

Tình cảm phát xuất từ con tim, mà đã từ con tim thì có lúc chúng ta thương, có khi chúng ta ghét, giận hờn, si mê…bởi vậy có một triết gia Tây phương nói rắng:”Con tim có những lý lẽ mà lý trí không thể nào hiểu nổi”. 

Khi một người chạy theo tiếng gọi của con tim, chẳng hạn như một chàng trai nhìn thấy một cô gái trẻ đẹp khiến lòng anh ta phát sinh một tình cảm ưu ái và muốn chiếm đoạt về mình. Thứ tình cảm ưu ái nầy phát xuất từ tâm lý vị kỷ của con người, đó là muốn thâu góp mọi thứ tốt đẹp trên thế gian. Đây chính là hệ quả của tâm lý tham lam mà thôi.

Gần đây báo chí đăng tin có một thiếu phụ rất giàu tìm cách chiếm đoạt tình cảm của một chàng đẹp trai có vợ, nhưng không thành công. Sự thất vọng đã biến bà ta từ tình yêu trở thành thù hận nên tìm cách trả thù cho hả dạ. Vậy thứ tình cảm yêu mến hay hận thù của người đàn bà nầy cũng phát sinh từ tâm lý tham lam, ích kỷ chớ không phải là thứ tình yêu chân thật.

Nói tóm lại, khi nói về tình cảm thương ghét của con người thì hễ cái gì thỏa mãn được lòng tham muốn thì sự ưa thích sẽ phát sinh, còn cái gì ngăn cản lòng tham muốn thì sự thù ghét sẽ xuất hiện. Do đó tình cảm của con người chỉ là một trò lừa dối của chấp ngã mà thôi.

Có một loại tình cảm mãnh liệt hơn các loại tình cảm khác đó là tình yêu nam nữ. Thứ tình cảm nầy khá phức tạp bởi vì nó bao gồm từ những cuộc tình cao thượng, chân chính đến những trò đùa giỡn ái tình và lợi dụng tình ái. Vậy duyên nghiệp từ quá khứ đã chi phối cho loại tình cảm nầy thế nào?

Nếu hai người quả thật có duyên nợ từ tiền kiếp thì họ sẽ yêu nhau chân thành và đi đến hôn nhân để trả xong nợ quá khứ và có thể tiếp tục gây thêm nợ cho mai sau.

Nếu không có nợ mà chỉ có duyên thì họ sẽ yêu nhau qua một giai đoạn rồi gặp trắc trở để rồi tình cảm phai nhạt dần theo năm tháng.

Còn trường hợp tình yêu đơn phương thì sao? Đó là người nầy mơ tưởng đến người kia nhưng không được đáp lại. Đối với họ thì người kia chính là mẫu người lý tưởng mà họ hằng mong ước từ sắc đẹp cho đến nhân cách. Nhưng rất tiếc vì không có duyên từ trong tiền kiếp nên họ chỉ đón nhận bao sự lạnh lùng chua chát mà thôi. 

Nếu đời nầy có một chàng trai đa tình đã dẫm lên không biết bao nhiêu cuộc đời của phụ nữ thì dĩ nhiên kiếp sau anh ta sẽ chuyển thân làm người nữ để chịu đựng sự bạc tình của người khác.

Nói thế thì tình yêu bên ngoài có thể che phủ bằng những bông hoa tươi thắm, nhưng thật ra bên trong nó được che lấp bằng những bản chất ích kỷ và hưởng thụ của con người. Thật vậy, chính cái bản năng hưởng thụ đã thúc đẩy trai gái tìm đến với nhau và cũng chính cái bản năng hưởng thụ nầy đã thúc đẩy họ làm khổ cho nhau. Trong bất cứ xã hội nào cũng có rất nhiều cặp vợ chồng gây gổ, đánh đập, giết hại lẫn nhau gây đau thương cho mình và cho con cái.

Thêm vào đó, có những vụ ngoại tình đưa đến ly dị chỉ làm khổ mọi người và tạo ra lắm nghiệp nhân không tốt cho họ về sau.

Đối với sự công bằng của luật nghiệp quả thì nếu ta chiếm vợ người thì trước sau cũng bị người đoạt vợ của ta. Còn nếu hành hạ vợ mình thì dĩ nhiên kiếp sau sẽ bị đọa làm người nữ để bị hành hạ trở lại. Kẻ muốn ly dị, bỏ rơi con cái sẽ trở thành mồ côi, hiu quạnh ở đời sau.

Vì có những đau khổ, bất hạnh trong đời sống lứa đôi nên có một triết gia Tây phương đã thốt lên rằng:”Chỉ có những triết gia chân chính mới sống hạnh phúc trong hôn nhân, nhưng tiếc thay, nếu là triết gia chân chính, họ sẽ không bao giờ lập gia đình”.

Phật dạy rằng:

- Người đời có nhiều sự ham muốn, nhưng ham muốn nữ sắc là hơn hết. Vì sắc đẹp nên sinh lòng ham mến (yêu) nên cái ham mến là hơn hết. May thay! Chỉ có một sắc đẹp, chứ có hai thì tất cả mọi người trong thiên hạ, không ai tu nổi.

Luật Nghiệp Quả không dừng lại ở đây mà còn ảnh hưởng đến những gia đình mà cha mẹ đánh đập, chửi mắng hay thù ghét con cái của mình. Thật ra đây chỉ là sự bình đẳng mà thôi vì đời trước khi còn làm cha mẹ thì nó đã đối xử tàn tệ với con cái của nó. Đến kiếp nầy duyên nghiệp đưa đẩy nó rơi vào gia đình có bậc cha mẹ tánh tình hung dữ và miệng lưỡi ác độc để trả lại những nỗi khổ mà nó đã gây ra cho người khác.

Ở Việt Nam có rất nhiều gia đình đông con mà cha mẹ lại không thương con đồng đều. Tại sao gia đình có năm, sáu đứa con mà cha mẹ chỉ thương nhất có một người? Không có gì khó hiểu cả bởi vì trong những đời trước cha mẹ hiện tại đã mang nặng ân nghĩa với đứa con đó nên bây giờ khiến cha mẹ thương yêu, cưng chìu đứa con đó hơn.

Thêm nữa, trong đời quá khứ nếu kết duyên với con cái thì đời nầy chúng ta gặp lại chúng. Nếu là phước duyên thì chúng đến để báo đền ơn nghĩa ngày xưa. Chúng quan tâm, lo lắng và giúp đỡ mọi chuyện cho cha mẹ. Chúng cố gắng học hành, trở thành người tốt để đem niềm vui cho cha mẹ. Còn nếu là ác duyên có nghĩa là chúng đến để đòi nợ, gây khổ cho cha mẹ. Cha đau mẹ yếu chúng chả cần quan tâm. Chúng chỉ thích ăn chơi trác táng, phung phí tiền bạc, tương lai đen tối và gây phiền não cho gia đình. Thay vì cố gắng tạo dựng một tương lai tốt đep cho cuộc đời của mình thì trong tâm chúng chỉ để ý đến cái gia sản to lớn của cha mẹ mà thôi.

Tóm lại, một khi tình cảm phát xuất từ con tim thì đau khổ, phiền não còn dính liền với con người bởi vì những tư tưởng đó được cấu tạo bởi lòng tham lam, ích kỷ. Vì thấy sự nguy hại của cảm tình nên Đức Phật đã dạy cảm tình là mê muội, không sáng suốt và chạy theo dục vọng để dẫn con người đến chỗ khổ đau. Muốn có cuộc sống an vui, tự tại thì con người phải quay về sống với trí tuệ chân thật của họ. Vâng, chỉ có trí tuệ sáng suốt mới có đủ công năng đưa con người vượt qua mọi đau khổ để đến được cảnh giới an vui, hạnh phúc. Sống với trí tuệ là sống với lòng vị tha của từ, bi, hỷ, xả.

Do đó nếu con người biết đem tình thương chân chính của sự hy sinh, độ lượng và vị tha vào trong cuộc sống thì tình yêu đó sẽ không còn đậm màu sắc ảm đạm của bản năng ích kỷ. Thật vậy, con người bị dục vọng thiêu đốt và màn đen vô minh che lấp. Chỉ có ánh sáng trí tuệ mới có thể dập tắt ngọn lửa ái dục cũng như xé toang màn vô minh ấy để giúp cho con người thoát ly cảnh khổ.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Bảy 2022(Xem: 2907)
20 Tháng Năm 2022(Xem: 9500)
Phật Giáo Hướng Dẫn Thế Kỷ 21 là một tài liệu gồm 12 tham luận được trình bày tại Hội Nghị Nghiên Cứu Học Thuật Phật Giáo Quốc Tế lần thứ Tám vào các ngày 27 và 28 tháng 10 năm 1995 tại Đài Loan bởi các diễn giả thuộc nhiều thành phần của nhiều quốc gia khác nhau. Nhằm cung cấp thêm tài liệu cho những ai đã và đang thao thức cho một nền Phật Giáo Việt Nam huy hoàng rực rỡ, chúng tôi cố gắng chuyển dịch tập sách này với mỗi một ước vọng duy nhất: Đóng góp phần nhỏ vào công cuộc phục hưng Đạo Pháp, lợi lạc quần sanh.
04 Tháng Hai 2022(Xem: 3810)