Luật Nghiệp Quả Và Tài Năng

24 Tháng Ba 201100:00(Xem: 16792)

THANH TINH TÂM
Lê Sỹ Minh Tùng

Luật Nghiệp Quả và Tài Năng

Trên thế giới hiện nay có trên 6 tỷ người, nhưng khoa học chứng minh rằng cấu trúc não bộ của mỗi người hoàn toàn khác nhau cho nên trí thông minh cũng không đồng đều. Trong xã hội, có người sáng suốt cũng có kẻ ngu si. Có người thích âm nhạc còn kẻ khác giỏi về kinh doanh. Đôi khi có những thần đồng siêu việt về toán học hoặc có thể nói được nhiều thứ tiếng khi mới lên 3 tuổi.

Năm 1955 hai nhà vật lý học Anh Quốc Louis Essen và Jack Parry đã phát minh ra cái đồng hồ nguyên tử đầu tiên bằng cách đo lường sự rung động của ánh sáng phát sinh từ chất nguyên tử Cesium. Cái đồng hồ nầy rất chính xác với độ sai biệt là một giây trong 300 năm.

Năm 1894 một thiếu niên rất trẻ người Ý tên là Guglielmo Marconi đã dùng làn sóng của điện từ trường để gởi những tín hiệu qua không gian và đây là sự phát minh cho cái radio đầu tiên.

Nhà Bác học Einstein đã chứng minh thuyết Tương đối vào lúc mới 25 tuổi trong khi rất nhiều khoa học gia ngày nay chưa chắc đã hiểu hết về thuyết nầy.

Vậy những nhà bác học, học giả… thì chúng ta gọi họ là những người trí thức. Như thế thì trí thức và trí tuệ khác nhau ở chỗ nào?

Theo nghĩa thông thường thì nhà bác học là người nghiên cứu, nghiền ngẫm, phân tích và phát minh thêm những sáng tạo mới cho nhân loại, còn học giả là người lượm lặt những hiểu biết của người khác. Họ thu góp những cái hay, cái đẹp, cái lạ của người rồi cho đó là kiến thức của mình. Sau cùng trí thức là do ý thức nhanh nhẹn khéo léo, so sánh phân biệt, nhận định tường tận làm cho người nghe dễ nhận dễ hiểu. Như vậy những nhà bác học, học giả hay trí thức đều nhắm vào những điều kiện vật chất để kiến tạo, vun bồi cho đời sống thêm sung túc, tốt đẹp và giàu có hơn. Nhưng tất cả việc làm của họ đều thuộc về pháp sanh diệt của thế gian mà thôi, có nghĩa là được rồi sẽ mất.

Còn chúng ta là người học Phật thì lấy trí tuệ làm gốc. Mà trí tuệ có hai loại là trí tuệ hữu lậu và trí tuệ vô lậu.

1)Trí tuệ hữu lậu chính là Văn, Tư, Tu. Văn là học những lời dạy của Phật để thấy được chân lý về sự liên quan của con người và vũ trụ. Tư là tư duy, suy nghĩ và nghiền ngẫm để thấy rõ những chân lý của Phật một cách chính xác. Còn Tu là ứng dụng, thực hành những chân lý của Phật dạy để tâm không còn ô nhiễm và dính mắc các pháp sinh diệt ở bên ngoài. Tuy nhiên trí tuệ hữu lậu vẫn còn rơi rớt trong vòng sanh tử luân hồi.

2)Trí tuệ vô lậu chính là Giới, Định, Tuệ. Giới là khuôn vàng thước ngọc giúp cho chúng ta đi đúng con đường chánh đạo. Có giới mới sanh định, có nghĩa là những ý thức lăng xăng được lắng xuống và từ định mới sanh trí tuệ. Cái trí tuệ nầy không phải do học mà có, nhưng nó chính là sự tạo thành bởi sức công phu tu tập bền vững. Trí tuệ nầy chính là trí tuệ chân thật và cũng chính là tánh giác của chúng ta. Nếu chúng ta biết sống với cái tánh giác chân thật nầy thì sẽ không còn tạo nghiệp và dĩ nhiên là sanh tử luân hồi cũng vì thế mà dừng.

Tóm lại, người thông minh trí thức ở ngoài đời là do khả năng lượm lặt của người làm của mình, nhưng không có gì thật là của mình cả. Còn người tu Phật là phải gạt bỏ tất cả những thứ bên ngoài để cho tâm được trong sáng và khi đó tánh giác sẽ hiện bày. Như vậy, nền giáo dục của thế gian là thu vào, thu vào càng nhiều thì càng thông minh trí thức, còn người tu Phật thì phải bỏ ra, càng bỏ ra thì tâm càng thanh tịnh và tánh giác mới hiện bày. Đây mới chính là trí tuệ chân thật có sẵn trong tất cả mọi người.

Tùy theo nghiệp đời trước, sự cấu trúc não bộ của mỗi người cũng khác nhau. Do đó chính nghiệp đã chi phối sự phối hợp cũng như phân chia các phân tử di truyền (gene) và các tế bào của não bộ đã dựa vào các gene nầy để phát triển. Trong hệ thống não bộ có hai loại quả báo để tạo thành tài năng của con người:

1)Đây là loại quả báo tạo thành tế bào não bộ để có một khả năng thông minh nhất định, tức là cái vốn có sẵn.

2)Loại quả báo nầy tạo thành môi trường giáo dục để chuyển hóa tư tưởng của họ trở thành người tốt hay xấu.

Nếu phối hợp hai quả báo nầy với nhau thì tài năng của một người được hình thành.

Thí dụ như có những người được phước thông minh nhưng không có phước về học vấn nên tài năng bị hạn chế. Ngược lại, có người tuy kém thông minh, nhưng được ở trong môi trường giáo dục tốt, gặp thầy giỏi, cha mẹ và anh chị chăm sóc dạy dỗ tường tận nên cũng trở thành người giỏi.

Mặc dù não bộ con người đã hình thành xong từ khi còn nằm trong bụng mẹ, có nghĩa là nghiệp quả đã quy định xong mức độ thông minh của từng người, nhưng trên thực tế thì cái thông minh của họ cũng bị thăng trầm tăng giảm tùy theo duyên nghiệp. Vào những giai đoạn phước lành xuất hiện, người đó bỗng nhiên sáng suốt lạ thường do đó trí thông minh được tăng trưởng đến cực độ khiến họ trở thành người tài giỏi. Đến khi phước đã hết thì cũng con người đó mà họ trở thành lú lẫn mờ mịt, không thể nhìn xa thấy rộng và dĩ nhiên dễ đi vào con đường thất bại.

Trường hợp điển hình là khi thời vận tốt, tức là phước đức đang đến, thì doanh gia tiên đoán trước sự thay đổi của thị trường để đầu tư thích hợp và đạt được thành công lớn. Đến khi phước đã hết, họ tiên liệu sai lầm và đầu tư không đúng chỗ thành thử bị phá sản.

Thời Tam quốc bên Trung Hoa khoảng 200 năm sau Tây lịch, Khổng Minh Gia Cát Lượng là một nhận vật siêu phàm, trí tuệ không ai sánh kịp. 

Chẳng những là một quân sư đại tài, ông còn là một anh hùng trung liệt cố giúp cho Lưu Bị phục hồi nhà Hán. Ông mưu tính như thần lại có kiệt tài giúp sức thì tại sao sáu lần ra Kỳ Sơn để đánh nhà Ngụy của Tào Tháo và Tư Mã Ý vẫn không thành đạt? Biết mạng mình sắp hết, ông lập đàn cúng sao để cầu được sống thêm 10 năm nhưng không được nên sau cùng thốt ra câu:”Mưu sự tại nhân thành sự tại thiên!”. Tại sao ông trời không chìu lòng Khổng Minh? Nhà Hán làm vua trên 400 năm thì cái phước đức do tiền nhân tạo ra đã hết. Một triều đại kéo dài như vậy thì có rất nhiều vị vua không nhân từ, tạo nhân dữ nhiều hơn nhân lành khiến lòng dân ta thán. Khi phước đức nhà Hán đã cạn thì dầu có mười Khổng Minh giúp cũng vẫn thất bại như thường. Vì thế nếu Khổng Minh có tái sinh thì nhà quân sư đại tài nầy sẽ nói lại rằng:”Lượng sự do tâm, thành sự do nghiệp” là đúng.

Khi duyên đã đến, Luật Nghiệp Quả tức thì chi phối tận trong tâm thức sâu kín của con người khiến họ dự tính hay hành động tương ứng với nghiệp mà họ đã tạo thành. Chẳng hạn khi quả báo lành xuất hiện, nó thúc đẩy tâm con người khởi ra những dự tính khôn ngoan và chính xác do đó họ nỗ lực hành động và dĩ nhiên là sẽ thành công. Ngược lại khi quả báo dữ xuất hiện, nó thúc đẩy tâm con người mưu tính chuyện trật đường rầy để họ rơi vào chỗ thất bại.

Thật vậy chính cái phước trong quá khứ xa xăm đã tạo ra những cái sáng suốt kỳ diệu trong hiện tại khiến họ suy nghĩ đúng và dĩ nhiên họ sẽ hành động đúng. Phước đức càng to thì khả năng thành công càng lớn khiến họ trở thành giàu có.

Như vậy tất cả những phước nghiệp như bố thí, cúng dường, giúp đỡ người nghèo khó, bênh vực kẻ thế cô, săn sóc người bệnh tật… đã góp phần tạo ra trí sáng suốt cho những đời sau. Nhưng nếu phước nghiệp được kết tạo liên tục lâu bền thì họ sẽ nhận được tính thông minh mãi mãi. Còn nếu phước nghiệp được tạo theo kiểu “văn nghệ” có nghĩa là lúc thích thì làm, lúc chán thì thôi, thì đời sau họ có được một trí thông minh cũng “văn nghệ”. Đó là lúc thì khôn ngoan mà cũng có khi thì khờ khạo.

Trong kinh Bổn Sanh có câu chuyện Đức Phật kể về trưởng lão Cella Panthaka. Trong những đời quá khứ, trưởng lão là một người học nhiều hiểu rộng, nhưng vì tự cao về tài trí của mình nên trưởng lão đã cười khinh bỉ một huynh đệ thiếu thông minh khiến vị đó buồn tủi mà không thể tiếp tục học tập kinh điển. Vì gây nghiệp như thế nên khi sanh vào thời Đức Phật, trưởng lão phải chịu quả báo làm người đần độn một thời gian, cho đến một bài kệ ngắn cũng không thuộc nổi. Đến khi nghiệp hết, Đức Phật dùng phương tiện khai ngộ khiến cho trưởng lão chứng được quả vị A La Hán. Như vậy, khi nghiệp liên đới không còn thì sự thông minh uyên bác phát triển mãnh liệt khiến cho trưởng lão trở thành một người biện tài thuyết pháp vô ngại làm cho đại chúng kinh ngạc thán phục vô cùng.

Chính thái độ khinh thị người dở của trưởng lão Panthaka khiến cho Ngài chuốc lấy quả báo kém tài năng. Nhưng thói đời thì con người lúc nào cũng thế, chúng ta luôn kính phục trước bậc kỳ tài và coi thường kẻ kém cỏi. Sự kính trọng bậc kỳ tài tạo ra quả báo tốt về sau, trong khi khinh thường người dở cũng tạo quả báo bất lợi cho mình. Như vậy con đường hạnh phúc viên mãn là chẳng những chúng ta luôn kính trọng người có tài mà lúc nào cũng giữ được sự thương mến với kẻ kém cỏi. Có như thế thì chắc chắn sẽ tránh được quả báo xấu về sau.

Một tính chất đặc thù khác của Luật Nghiệp Quả là con người từ những đời trước đã tạo những nghiệp nhân khác nhau cho nên quả báo họ có các năng khiếu sai biệt cho đời nay mà có người gọi là năng khiếu bẩm sinh. Đó là trường hợp có người chỉ thích âm nhạc, còn kẻ khác lại say mê về khoa học, chính trị, lịch sử hay võ thuật…Chẳng hạn như có người hiện tại rất say mê âm nhạc tức là người đó đã tạo cho mình một năng khiếu âm nhạc cho kiếp sau. Nhưng không có nghĩa là người đó có thể mang cái say mê âm nhạc sang đời sống kế tiếp. Cái say mê âm nhạc bây giờ chính là Ý Nghiệp mà họ đã tạo ra và chính cái ý nghiệp nầy sẽ tạo thành nhân cách của họ cho đời sau mà thôi. Thí dụ một vị bác sĩ hành nghề mà thiếu lòng vị tha, chỉ tìm cách làm giàu, có nghĩa là Ý Nghiệp xấu sẽ bị Quả báo nhân cách xấu, thì quả báo đời sau nghiệp y khoa họ vẫn còn đeo đuổi nhưng không còn là bác sĩ mà trở thành y tá. Ngược lại một y tá bình thường nhưng tâm hồn quảng đại, tận tình chăm sác cho bệnh nhân thì kiếp sau nghề nghiệp tăng trưởng người ấy sẽ trở thành vị bác sĩ giỏi.

Vậy tài năng của con người là sự kết tập từ vô số nghiệp nhân của tiền kiếp và tất cả chỉ được phát triển nếu họ có tâm hồn vị tha và quãng đại.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Bảy 2022(Xem: 3213)
20 Tháng Năm 2022(Xem: 9809)
Phật Giáo Hướng Dẫn Thế Kỷ 21 là một tài liệu gồm 12 tham luận được trình bày tại Hội Nghị Nghiên Cứu Học Thuật Phật Giáo Quốc Tế lần thứ Tám vào các ngày 27 và 28 tháng 10 năm 1995 tại Đài Loan bởi các diễn giả thuộc nhiều thành phần của nhiều quốc gia khác nhau. Nhằm cung cấp thêm tài liệu cho những ai đã và đang thao thức cho một nền Phật Giáo Việt Nam huy hoàng rực rỡ, chúng tôi cố gắng chuyển dịch tập sách này với mỗi một ước vọng duy nhất: Đóng góp phần nhỏ vào công cuộc phục hưng Đạo Pháp, lợi lạc quần sanh.
04 Tháng Hai 2022(Xem: 4132)