Phần Thứ Ba - Bất Bạo Động: Một Tấm Gương Để Noi Theo - 3b- Về Tương Lai Của Một Đất Nước Tây Tạng Tự Do Cuộc Đấu Tranh Cho Tự Do

05 Tháng Ba 201100:00(Xem: 16735)

VƯỢT KHỎI GIÁO ĐIỀU (BEYOND DOGMA)

Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14
Việt Dịch: Tâm Hà Lê Công Đa


VỀ TƯƠNG LAI
CỦA MỘT ĐẤT NƯỚC TÂY TẠNG TỰ DO

Thưa Đức Đạt Lai Lạt Ma, trong một bài diễn văn vào năm 1988, Ngài đã lên tiếng từ bỏ yêu sách đòi hỏi độc lập cho Tây Tạng nhằm mục đích mở rộng cánh cửa đối thoại với Trung Cộng. Có phải theo đường lối suy nghĩ của Ngài, đây là một sự từ bỏ hoàn toàn?

Như tôi đã từng phát biểu trước đây, Tây Tạng đang đối diện với hiểm họa bị diệt chủng. Thế nên chúng tôi phải làm bất cứ điều gì có thể được để cứu vớt đất nước được kế thừa một nền văn hoá thuần nhất này. Thực tế chính trị là sẽ không ai trở về để đuổi kẻ xâm lăng Trung quốc ra khỏi nước. Thái độ thực tiễn duy nhất là tìm cách giải quyết trực tiếp vấn đề với chính quyền Trung quốc. Sức mạnh của chúng tôi là công lý và sự thật. Chúng tôi không có gì để phải che dấu; chúng tôi có mọi quyền, và đủ sức chịu đựng ngoan cường để có thể gặp gỡ người anh em, chị em Trung Quốc và nói chuyện thẳng với họ.

Cuối năm 1978, nhà nước Trung Quốc ngõ ý rằng họ muốn thiết lập mối dây liên lạc với tôi. Tôi đã đáp ứng lập tức và gởi ngay một phái viên cá nhân, một người em của tôi có khả năng nói tiếng Trung Hoa lưu loát, đến gặp họ. Ông ta đã được Đặng Tiểu Bình tiếp kiến. Cuộc gặp gỡ đã kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ và Đặng Tiểu Bình cho hay là hai bên có thể thảo luận mọi vấn đề ngoại trừ chuyện độc lập hoàn toàn cho Tây Tạng, tuy nhiên đây cũng là một đề nghị rất đáng được quan tâm.

Từ đó cho đến nay, trong vòng mười bốn năm qua, toàn bộ những tiếp cận của chúng tôi đã được dựa trên căn bản của điều kiện này. Đó là lý do tại sao tôi đã không đòi hỏi sự độc lập toàn vẹn của Tây Tạng. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng tôi không có quyền đòi hỏi độc lập. Thế giới đều biết rằng Tây Tạng là một quốc gia đang bị xâm chiếm. Tôi thường cho rằng đường lối mà tôi đang theo đuổi là con đường Trung Đạo. Tuy nhiên tôi cũng đã tuyên bố rất rõ ràng trong một dự thảo được công bố tại Strasbourg rằng quyền quyết định tối hậu thuộc về nhân dân Tây Tạng.

Một số người Tây Tạng đã chỉ trích kịch liệt dự thảo này, thậm chí có người đã bảo thẳng vào mặt tôi : “Ông, vị Đạt Lai Lạt Ma đời thứ mười bốn, đã bán rẽ quyền sống của nhân dân Tây Tạng!” Thế nhưng, tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải đối diện vấn đề một cách thẳng thắn. Tây Tạng là một quốc gia bị bao quanh bởi đất liền, muốn đến được biển phải trông cậy vào quốc gia láng giềng. Với tình huống như hiện nay, tốt hơn, và thực tế hơn là ta nên cố gắng đi đến một giải pháp như thế nào đó với Trung Quốc.

Một phần của lãnh thổ Tây Tạng đã được tái phân bố vào một số tỉnh của Trung Quốc. Ngài nghĩ như thế nào về vấn đề biên giới của một Tây Tạng tự trị?

Biên giới giữa Tây Tạng và Trung Quốc đã được vẽ ra một cách rõ ràng vào thế kỷ thứ bảy. Bây giờ thì Trung Quốc đang cố gắng sử dụng đủ mọi luận chứng lịch sử liên hệ đến thế kỷ thứ mười ba, thế kỷ thứ bảy... để biện minh cho việc làm của họ. Giả dụ như nếu tôi chấp nhận điều kiện tiên quyết mà ông Đặng Tiểu Bình nêu ra, tôi nghĩ là tôi có đủ mọi quyền để thảo luận tiếp những vấn đề còn lại. Thế nên tôi đã bảo họ rằng nếu chính phủ Trung Quốc đã công nhận sự hiệ n hữu của đủ mọi loại mệnh danh là khu vực, vùng và ngay cả quận huyện mà Trung Quốc đã từng gọi đó là các khu vực, vùng, quận huyện của sắc tộc thiểu số Tây Tạng, thì tại sao không gộp chung chúng lại với nhau thành một thực thể duy nhất?

Như vậy có phải là đơn giản và dễ dàng cho việc gìn giữ, bảo tồn nền văn hóa và bản sắc của Tây Tạng hay không? Vào thế kỷ thứ tám, dưới triều đại của quốc vương Trisong Detsen và quốc vương Tri Ralpachen, biên giới giữa Trung Quốc và Tây Tạng đã được phân ranh ghi dấu rõ ràng từ tỉnh Vân Nam của Trung Quốc cho đến tỉnh Amdo của Tây Tạng ở phía Bắc. Có những ghi dấu được khắc trên các trụ bia, trên đá. Cụ thể ở tỉnh Vân Nam thì được khắc trên đá. Những ghi dấu này đã xác định biên giới thực sự giữa Trung Quốc và Tây Tạng, và đó không phải là điều chúng tôi dựng đứng lên mà là thực tế lịch sử.

Những chế độ độc tài chuyên chế nói chung, và Cộng sản nói riêng, bất hạnh thay, thường có khuynh hướng xuyên tạc lịch sử bằng cách viết lại lịch sử. Tôi đã nhận thấy điều này rất rõ trong thời gian lưu trú khoảng sáu tháng tại Trung Quốc từ năm 1954 đến 1955. Trong dịp này, tôi đã có cơ hội thăm viếng Mãn Châu, mà Trung Quốc gọi là Tumbe, và các khu vực trong vùng Hreang và Hắc Long Giang. Tại đây, trong một viện bảo tàng kỷ niệm vụ tàn sát của Nhật Bản, tôi đã thấy họ giải thích rằng Nhật Bản chỉ đầu hàng sau khi quân đội Sô Viết đánh tan lực lượng chủ lực của Nhật Bản, quân đội Quang -tuong, tại Mãn Châu.

Thời gian này tôi đang ở thủ đô Lhasa và hầu như đã biết hết tất cả mọi chuyện thực sự xảy ra lúc đó -mà thực tế là, Nhật Bản chỉ đầu hàng sau khi hai quả bom nguyên tử rơi xuống Trường Kỳ và Quảng Đảo, sau đó thì Nga Sô mới tuyên chiến với Nhật Bản. Trung Cộng đã vẽ ra chuyện là Nhật Bản chỉ đầu hàng sau khi lực lượng chủ lực tinh nhuệ của họ hoàn toàn bị Hồng quân tiêu diệt tại Mãn Châu. Đó là một thí dụ cụ thể về chuyện xuyên tạc lịch sử.

Ngài cũng thường tuyên bố rằng có ý muốn đạt đến một sự tổng hợp giữa Phật giáo và Mác-xít. Thưa Ngài, chủ nghĩa Mác-xít có gì hấp dẫn đối với Ngài?

Trong số các lý thuyết kinh tế hiện đại, hệ thống kinh tế Mác-xít được xây dựng trên căn bản của những nguyên tắc đạo đức, trong khi chủ nghĩa tư bản chỉ thuần tuý quan tâm đến vấn đề lợi nhuận. Chủ nghĩa Mác-xít đặt trọng tâm vào việc phân bố tài sản một cách đồng đều và bình đẳng trong việc sử dụng các phương tiện sản xuất. Đồng thời chủ nghĩa này cũng lưu tâm đến số phận của giới lao động -tức là đại đa số quần chúng- cũng như của những người thuộc đáy tầng xã hội, đang cần được giúp đỡ, chủ nghĩa Mác-xít cũng chú ý đến những nạn nhân của thiểu số bị bóc lột. Bỡi những lý do trên, hệ thống kinh tế này có vẻ như công bằng và có sức thu hút đối với tôi. Gần đây tôi cũng đã được đọc một bài viết trên báo chí trong đó Đức Giáo Hoàng cũng đã vạch ra một vài khía cạnh tích cực của chủ nghĩa Mác-xít.

Qua sự sụp đổ của một số chế độ cộng sản, trước tiên tôi cho rằng các quốc gia như Liên Bang Sô Viết cũ, hoặc Trung Hoa, thậm chí cả Việt Nam không phải là những quốc gia theo chủ nghĩa Mác thật sự, bởi lẽ họ chỉ quan tâm đến quyền lợi hẹp hòi của quốc gia mình hơn là quyền lợi của Lao Động Quốc Tế; đó là lý do tại sao luôn luôn có những tranh chấp giữa họ với nhau, cụ thể như giữa Trung Quốc và Nga Sô hoặc giữa Trung Quốc và Việt Nam. Nếu những chế độ này thật sự được xây dựng trên căn bản những nguyên lý của chủ nghĩa Mác, những sự xung đột đó sẽ chẳng bao giờ xảy ra.

Tôi nghĩ rằng điểm sai lầm chủ yếu của các chế độ cộng sản là họ quá đặt nặng vào việc thủ tiêu giai cấp chủ nhân, chủ trương đấu tranh giai cấp, và điều này đã khuyến khích con người giảm thiểu lòng từ, tăng trưởng thù hận. Cho dù mục tiêu cơ bản của họ có thể là lý tưởng phục vụ đa số quần chúng, thế nhưng khi họ cố gắng thực hiện điều đó, tất cả mọi năng lực của họ đã bị chệch hướng và biến thành những hoạt động phá hoại. Một khi cuộc cách mạng đã hoàn tất, giai cấp chủ nhân đã bị tiêu diệt thì rồi cũng chẳng còn gì sót lại cho dân chúng; đến lúc này cả nước trở nên nghèo đói và bất hạnh thay điều này làm người ta tưởng rằng mục tiêu cơ bản của người cộng sản là bần cùng hoá nhân dân. Một cách tóm tắt, điểm tiêu cực chính của các chế độ này là được xây dựng trên căn bản hận thù, không có chút gì từ ái.

Sự sụp đổ của chế độ này tại Sô Viết cũ theo tôi không phải là sự thất bại của chủ nghĩa Mác mà là sự thất bại của chế độ độc tài toàn trị. Bởi lẽ này, tôi vẫn tự xem mình như là một người nửa Phật giáo, nửa Mác-xít.

Ngài đã lên tiếng kêu gọi cho hồi hương tất cả những người Trung quốc đang sinh sống tại Tây Tạng. Như thế, một nước Tây Tạng dân chủ, cởi mở trong tương lai có chỗ đứng nào cho những người này không?

Tôi nghĩ là chúng ta cần nên phân biệt những nhóm người Trung Quốc khác nhau hiện đang sinh sống tại Tây Tạng. Có những người đã đến định cư tại đây từ năm 1949; tiếp theo là những người tự động hoặc được đưa đến theo kế hoạch của nhà nước Trung Quốc; và cuối cùng là những người tìm đến Tây Tạng, thường là do ý nguyện cá nhân của họ, kể từ khi cái được gọi là “chính sách kinh tế tự do” ra đời. Chúng ta cũng cần nên phân biệt những người Trung Quốc biết nói tiếng Tây Tạng và kính trọng nền văn hoá Tây Tạng -bởi vì nói cho cùng, tín ngưỡng Phật giáo không xa lạ gì đối với họ- và những người chạy đến Tây Tạng với mục đích chính là làm giàu chứ không phải tìm kiếm nguồn mạch tâm linh phong phú tại đây.

Như thế, đối với những người kính ngưỡng đời sống tinh thần của Tây Tạng, sự hiện diện của họ là điều hữu ích. Nếu thành phần này không đông đảo tôi nghĩ là không có lý do gì để không thể làm việc với nhau và tìm ra một giải pháp cho họ tiếp tục sinh sống tại Tây Tạng. Thế nhưng đối với tất cả những người cho rằng người Tây Tạng là lạc hậu, dã man, dơ dáy và hôi hám (người Tây Tạng chúng tôi cũng cho là người Tàu hôi hám như vậy, vì họ ăn quá nhiều tỏi), thì tốt hơn hết là họ nên hồi hương. Tại sao họ phải sống ở những nơi dơ dáy làm gì?
 

 

CUỘC ĐẤU TRANH CHO TỰ DO

Thưa Đức Đạt Lai Lạt Ma, trong cuộc đấu tranh nhằm giải phóng Tây Tạng, có phải là Ngài tuyệt đối chống lại phương thức bạo động, hoặc ít ra theo Ngài bất bạo động là con đường tốt nhất để đạt đến mục tiêu tối hậu?

Vâng, tôi tuyệt đối chống lại phương thức bạo động. Những năm trở lại đây, trong nhiều dịp người ta hỏi tôi rằng tôi sẽ làm gì nếu một số người Tây Tạng vì tuyệt vọng có thể trở thành bạo động, tôi luôn luôn trả lời rằng nếu trường hợp như vậy xảy ra, tôi sẽ không còn một lựa chọn nào khác hơn là từ chức và đứng qua một bên. Tôi có lý do để tin tưởng vào đường lối bất bạo động; và đó không phải là một niềm tin mù quáng. Trước tiên tôi tin rằng bản tánh của con người là thiện lương và từ ái. Thế nên vì lợi ích của chính chúng ta, phải khuyến khích bản tánh này, và tạo cơ hội cho nó phát triển, nẩy nở trong mỗi con người. Ngược lại, nếu chúng ta đi vào con đường bạo động thì chẳng khác gì chúng ta đã làm che lấp mặt tích cực của bản tánh con người, ngăn cản không cho nó phát triển.

Đệ Nhất Thế Chiến chấm dứt với sự thảm bại của Đức Quốc, sự thảm bại này đã gây nên những hội chứng bi thảm cho người dân Đức, và đó chính là những hạt giống ươm mầm cho trận Đệ Nhị Thế Chiến. Trong bất cứ tình huống nào, một khi bạo động thắng thế, người ta sẽ không còn kiểm soát được tình cảm. Đây là một điều rất nguy hiểm và chắc chắn là nó sẽ dẫn đến những thảm kịch. Đó chính là những gì đang xảy ra tại Bosnia hiện nay. Phương thức bạo động chỉ tạo ra thêm những vấn nạn mới.

Trong trường hợp của chúng tôi, điều quan trọng nhất là những người Tây Tạng và những anh chị em Trung Quốc trên thực tế luôn luôn vẫn là những người láng giềng thân hữu và tình cảm đó cần phải được duy trì. Thế cho nên giải pháp duy nhất cho Tây Tạng tương lai là học cách sống hoà thuận với những người láng giềng của mình. Giải pháp đó phải được xây dựng trên căn bản quyền lợi hổ tương của hai nước. Do lựa chọn con đường bất bạo động, những người Trung Quốc trong cũng như ngoài nước đã tỏ ra thiện cảm và quan tâm đến lý tưởng đấu tranh của chúng tôi; nhiều người đã thẳng thắn phát biểu rằng họ rất tán trợ đường lối tranh đấu đó.

Như vậy thì Ngài cũng không chấp nhận cả việc cầm vũ khí chống lại Hitler?

Tôi không chắc. Chúng ta cần phải đi vào chi tiết. Vào thời điểm mà chủ nghĩa Quốc xã bám rễ và bắt đầu phát huy sức mạnh, uy thế, nếu tôi ở vào thời điểm bấy giờ tôi sẽ vận dụng mọi nỗ lực cá nhân của mình để tìm cách ngăn chặn.

Cách đây không bao lâu, lúc còn ở Ba Lan tôi có dịp thăm viếng trại tập trung Auschwitz, nơi mà hàng ngàn người dân vô tội đã bị Đức quốc xã thủ tiêu. Tôi dừng lại trong giây lát trước phòng hơi ngạt và khi nhìn thấy cái lò thiêu xác, tôi đã không dấu được nỗi ngậm ngùi. Càng đau buồn hơn khi tôi đứng trước cả một núi giày và tóc của nạn nhân. Trong cái đống giày đó tôi nhìn thấy một đôi giày nhỏ, một đôi giày đã bị thủng được vá lại, chắc là của một đứa bé nghèo. Tôi tự hỏi mình tại sao họ lại nỡ tâm tàn sát những người dân vô tội này? Tại sao? 

Hãy tưởng tượng rằng trong thời điểm này, một bên là một nhúm nhỏ lính mật vụ xung phong SS Đức canh gác, còn một bên là một khối lượng đông đảo những người Do Thái, Pháp, Ba Lan đang bị cầm tù. Giả dụ rằng nếu lúc đó ta có đủ điều kiện trong tay, chỉ cần loại trừ vài người lính SS này, thì hàng ngàn người sẽ được giải phóng, tự do, phải không? Nếu lúc đó tôi có vũ khí trên tay, và tôi biết chắc chuyện như vậy sẽ xảy ra... Tôi phải làm sao đây, thật là khó nói. Mà thôi, đó chỉ là chuyện giả tưởng, cũng chẳng có ích lợi gì để nhắc lại. Tuy nhiên tôi tin rằng nếu bạn ở trong hoàn cảnh đó, chắc là bạn cũng sẽ đứng về phía với tôi.

Thưa Đức Đạt Lai Lạt Ma, có thể có nguy cơ những thông điệp mà Ngài muốn rao truyền đến chúng tôi đã bị làm sai lạc đi bởi các hệ thống truyền thông bao quanh Ngài?

Tôi không nghĩ thế. Dĩ nhiên cũng có lúc một số câu, lời nói của tôi đã bị xuyên tạc, thế nhưng nói chung phía truyền thông đã dành cho tôi mọi sự thiện cảm và những đáp ứng của họ rất tích cực.
Tôi rất ngưỡng mộ tinh thần nghề nghiệp của giới báo chí và tôn trọng quyền được chỏ mũi của họ vào công việc của người khác, bởi vì tôi nghĩ rằng họ làm như thế không ngoài mục đích phơi bày ra những vụ xấu xa tai tiếng và ngăn ngừa sự nhũng nhiễu lạm quyền.

Có nhiều người rất thông minh và sở trường trong nghệ thuật dấu diếm các việc làm bất chính. Bạn có thể tìm thấy điều này trong giới chính khách cũng như thương gia và thỉnh thoảng ngay cả trong địa hạt tôn giáo, hoặc trong giới giáo sư đại học không chừng, ai mà biết được! Đây là kết quả của sự thiếu vắng ý thức kỹ luật, đạo đức của một số người có một vị trí quan trọng trong xã hội. Giới truyền thông báo chí rất tinh tường nhạy bén, có nghĩa là họ có khả năng khám phá ra những tình huống như vậy, và tôi nghĩ đây là một khía cạnh khá tích cực, bởi vì nếu một người được coi là lương thiện, tất cả mọi biểu hiện của họ cần phải nên trung thực. Nếu có sự sai khác nào giữa hai khía cạnh này, cá nhân đó không thể là người đáng tin cậy, họ chỉ tìm đủ mọi cách để dối gạt kẻ khác. Thế nên tôi tin rằng giới báo chí truyền thông đã hoạt động rất tích cực trên mặt phơi bày sự thực này.

Ngài có nghĩ rằng chính phủ Pháp rất đạo đức giả khi đã không tiếp đón Ngài một cách chính thức, cũng như đã không đối đầu một cách thẳng thắn rõ ràng với Trung Cộng về vấn đề Tây Tạng?

Tôi không nghĩ là người ta nên lên án một chính phủ vì những việc như thế. Hãy lấy người Tây Tạng của chúng tôi làm một thí dụ: Họ muốn rất nhiều, thế nhưng một số người khác đang gánh vác trách nhiệm như chúng tôi, phải dựa vào rất nhiều yếu tố để xem xét cân nhắc một vấn đề. Một chính phủ cũng thế, những hành động của họ đều phải dựa trên tình huống thực tại. Tôi không thể cáo buộc một quốc gia trên căn bản cá nhân, thế nhưng tôi lên án nền chính trị quốc tế một cách tổng quát: Có một cái gì đó rất trục trặc trong đường lối, chính sách toàn cầu.

Những người mang tinh thần thực tiễn chính trị luôn luôn cho rằng không có chỗ đứng cho yếu tố đạo đức trong chính trị. Đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm, bởi vì như một hệ quả, một số các quốc gia nhược tiểu sẽ phải gánh chịu những khổ nạn mà trong đó, những thành phần yếu kém, bất hạnh nhất sẽ gánh chịu nhiều đau khổ nhất. Cuối cùng với những chính sách như thế, các đại cường về lâu về dài cũng không tránh khỏi bị công kích từ mọi phía.

Tôi xin được cống hiến cùng qúy vị một kinh nghiệm cá nhân. Vài năm trước đây tôi có dịp viếng thăm Mạc Tư Khoa, ngay sau cuộc cách mạng Tháng Tám. Sau đó khi rời AÂu Châu trở lại Ấn Độ, tôi gặp một viên chức người Phi Châu cùng đi chung một chuyến bay. Khi dừng lại ở Tân Đề Li, chúng tôi đã chuyện trò tán gẫu với nhau trong giây lát, và tôi đã chia xẻ những cảm nghĩ của tôi với ông ta về những biến cố vừa xảy ra tại Mạc Tư Khoa. Tôi cho biết rằng mình đã rất hài lòng khi chứng kiến tình huống hiện nay giữa hai siêu cường nguyên tử đã thay đổi, ít nhất là trong một thời gian tới con người sẽ không còn lo sợ bởi hiểm họa của một cuộc chiến tranh nguyên tử. Tôi nghĩ là ông ta cùng chia xẻ những cảm nghĩ như thế. Nhưng thực tế khác hẵn với điều tôi chờ đợi.

Vị quan chức Phi Châu này giải thích với tôi rằng, trước và trong thời gian Chiến Tranh Lạnh, các quốc gia của Thế Giới Thứ Ba còn có chỗ đứng để vận động, gây ảnh hưởng và có thể biết được những cái mà họ trông chờ thu hoạch được. Nay thì những tụ điểm liên hệ đã biến mất nhường chỗ cho một giai đoạn cực kỳ bất ổn mà họ phải đương đầu. Tự nhiên tôi cảm thấy một mối thiện cảm sâu xa đối với ông ta. Tôi luận ra rằng, tất cả đều giống nhau, khối độc tài Đông Âu tự gọi mình là “những-người-yêu-hòa-bình” nhưng trong thực tế đã sử dụng phần lớn ngân sách của họ cho việc chế tạo vũ khí, và khi làm như thế họ đã hy sinh phúc lợi của dân tộc họ. 

Các quốc gia Tây phương, dĩ nhiên không phải là không có sai lầm, nhưng may mắn được sống dưới chế độ dân chủ mà óc sáng tạo của con người có cơ hội và điều kiện phát triển một cách toàn diện, đã đưa đến những phát kiến quan trọng trong các lãnh vực kinh tế, giáo dục, khoa học. Dĩ nhiên chúng ta cũng đã chứng kiến những tiến bộ khoa học lớn lao của Liên Bang Sô Viết cũ, nhưng những thành tựu của họ thường liên hệ với những hoạt động quân sự.

Thực tế cho thấy thế giới bây giờ đã trở nên an toàn hơn. Tuy nhiên đối với các quốc gia Thế Giới Thứ Ba, có phải hình ảnh của Tây phương, cụ thể là Mỹ là hình ảnh biểu trưng của những gì được gọi là dân chủ, tự do, của phẩm giá con người? Không, không hoàn toàn như thế. Tại sao? Tại vì họ bị chế ngự bởi tinh thần chính trị chỉ biết phục vụ cho lợi ích của chính mình, nền chính trị của những nhà chính khách chuyên nghiệp.

Nếu những nguyên tắc đạo lý được tôn trọng trong chính sách đối ngoại, sẽ không bao giờ có những vấn nạn như thế xảy ra. Đây là điều sai lầm lớn lao cần phải được sửa chữa. Tôi thường phát biểu với các người bạn Hoa Kỳ rằng: Bây giờ thì quý vị đã là một siêu cường duy nhất, sự thay đổi tùy thuộc ở qúy vị; qúy vị nên quay về với những nguyên tắc của các nhà chính khách vĩ đại trong lịch sử Hoa Kỳ như Jefferson hoặc Lincoln, những người biết tôn trọng những giá trị của tự do và dân chủ, cũng như đã chiến đấu để bảo vệ những giá trị đó.

Để kết luận, một chính khách có cần thiết được hướng dẫn bởi lòng từ bi?

Vâng. Tôi nghĩ như thế. Nhưng phải là lòng từ bi thông minh, được soi sáng bởi trí tuệ.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Bảy 2022(Xem: 3069)
20 Tháng Năm 2022(Xem: 9665)
Phật Giáo Hướng Dẫn Thế Kỷ 21 là một tài liệu gồm 12 tham luận được trình bày tại Hội Nghị Nghiên Cứu Học Thuật Phật Giáo Quốc Tế lần thứ Tám vào các ngày 27 và 28 tháng 10 năm 1995 tại Đài Loan bởi các diễn giả thuộc nhiều thành phần của nhiều quốc gia khác nhau. Nhằm cung cấp thêm tài liệu cho những ai đã và đang thao thức cho một nền Phật Giáo Việt Nam huy hoàng rực rỡ, chúng tôi cố gắng chuyển dịch tập sách này với mỗi một ước vọng duy nhất: Đóng góp phần nhỏ vào công cuộc phục hưng Đạo Pháp, lợi lạc quần sanh.
04 Tháng Hai 2022(Xem: 3980)