- Mục Lục
- Lời Người Dịch
- Lời Nói Đầu
- Phần Thứ Nhất - Những Quán Tưởng Về Tân Thiên Niên Kỷ - 1a- Những Suy Nghĩ Về Xã Hội Hiện Tại Và Tương Lai Cuả Thế Giới
- Phần Thứ Nhất- Những Quán Tưởng Về Tân Thiên Niên Kỷ - 1b- Những Vấn Đề Nêu Ra Và Những Câu Trả Lời
- Phần Thứ Nhất - Những Quán Tưởng Về Tân Thiên Niên Kỷ - 1c - Khát Vọng Hòa Bình
- Phần Thứ Nhất - Những Quán Tưởng Về Tân Thiên Niên Kỷ - 1d- Cây Hòa Bình - Nhân Loại Và Thiên Nhiên
- Phần Thứ Nhất - Những Quán Tưởng Về Tân Thiên Niên Kỷ - 1e- Phụng Sự Nhân Loại
- Phần Thứ Hai - Tâm Linh Và Chính Trị - 2a- Từ Bi
- Phần Thứ Hai - Tâm Linh Và Chính Trị - 2b- Đạo Đức Và Xã Hội
- Phần Thứ Hai - Tâm Linh Và Chính Trị - 2c- Nhân Quyền Và Bất Bạo Động
- Phần Thứ Hai - Tâm Linh Và Chính Trị - 2d- Nghĩa Vụ Của Tôn Giáo
- Phần Thứ Ba - Bất Bạo Động: Một Tấm Gương Để Noi Theo - 3a- Bất Bạo Động: Một Tấm Gương Để Theo
- Phần Thứ Ba - Bất Bạo Động: Một Tấm Gương Để Noi Theo - 3a- Tây Tạng Giữa Hai Giòng Nước: Kháng Chiến Và Bất Bạo Động Đang Và Sẽ Mãi Mãi Là Người Tây Tạng
- Phần Thứ Ba - Bất Bạo Động: Một Tấm Gương Để Noi Theo - 3b- Về Tương Lai Của Một Đất Nước Tây Tạng Tự Do Cuộc Đấu Tranh Cho Tự Do
- Phần Thứ Ba - Bất Bạo Động: Một Tấm Gương Để Noi Theo - 3c- Cộng Đồng Thế Giới
- Phần Thứ Ba - Bất Bạo Động: Một Tấm Gương Để Noi Theo - 3d- Nhân Quyền - Cuộc Gặp Gỡ Với Hội Ân Xá Quốc Tế
- Phần Thứ Ba - Bất Bạo Động: Một Tấm Gương Để Noi Theo - 3e- Ngôn Đế: Lời Cầu Nguyện Của Đức Đạt Lai Lạt Ma Đời Thứ 14
- Phần Thứ Tư Vượt Qua Giáo Điều - 4a- Lời Nói Đi Đôi Với Việc Làm
- Phần Thứ Tư Vượt Qua Giáo Điều - 4b- Một Cảm Quan Chung Cho Các Tôn Giáo Khác Biệt
- Phần Thứ Tư Vượt Qua Giáo Điều - 4b -Tôn Giáo Vì Hạnh Phúc Con Người
- Phần Thứ Tư Vượt Qua Giáo Điều - 4c- Một Ý Thức Trách Nhiệm Phổ Quát - Nhân Cuộc Thăm Viếng Lộ Đức
- Phần Thứ Tư Vượt Qua Giáo Điều - 4d- Sự Giải Phóng Con Người
- Phần Thứ Năm - Duyên Khởi Và Tánh Không - 5a- Duyên Khởi: Khoa Học, Tánh Và Thức
- Phần Thứ Năm - Duyên Khởi Và Tánh Không - 5b- Sắc Tướng Và Thức Tướng
- Phần Thứ Năm - Duyên Khởi Và Tánh Không - 5c- Thực Tại Và Ảo Ảnh
VƯỢT KHỎI GIÁO ĐIỀU (BEYOND DOGMA)
Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14
Việt Dịch: Tâm Hà Lê Công Đa
VÀ BẤT BẠO ĐỘNG
Hôm nay chúng ta nói chuyện về nhân quyềnvà bất bạo động. Cá nhân tôi thành thật mà nói không xem việc thực hành bất bạo động là một hành động duy nhất để chống lại bạo động. Đối với tôi, bất bạo động chỉ xứng đáng được coi là chủ nghĩa hoà bình bất bạo động khi nó được xây dựng trên lòng nhân ái và vị tha. Vấn đề nhân quyền cũng thế.
Xa lìa khổ đau và an hưởng hạnh phúc là nỗi khát vọng chung của tất cả mọi con người. Khi kinh nghiệm bản thân cho ta những khả năng để hiểu được rằng ta không cô đơn trong ước vọng xa lánh khổ đau và được sống hạnh phúc, lúc đó ta sẽ có đủ năng lực để phát triển lòng từ bi, tức là ước nguyện được thấy mọi người giải thoát khỏi đau khổ. Đồng thời ta cũng sẽ học được ý nghĩa của thương yêu, tức là ước nguyện được thấy mọi người tìm được hạnh phúc. Những khái niệm căn bản này có thể tạo cho ta mối quan tâm và chú trọng đặc biệt hơn về nhân quyền. Thế cho nên tôi nghĩ rằng tôn trọng nhân quyền và thực thi bất bạo động có mối liên hệ mật thiết với yêu thương và từ bi.
Theo thiển ý của tôi, phẩm chất của lòng vị tha này là cơ bản. Không những nó cần thiết cho việc thiết lập mối quan hệ tốt đẹp giữa các tôn giáo trên thế giới, mà còn ươm đầy cuộc sống đời thường của ta với an lạc và hạnh phúc. Thế nên thảo luận về những chủ đề này, tôi nghĩ là mình có thể bắt đầu bằng cách nói về lòng yêu thương.
Xin được trở lại với đề tài ban đầu. Không cần biết đến chủng tộc, học vấn, tôn giáo, mức sống của chúng ta như thế nào, chúng ta đều bình đẳng khi mới sinh ra -chúng ta đều là những con người và đều có chung ước vọng bẩm sinh là xa lánh khổ đau và tìm kiếm hạnh phúc. Hơn thế nữa, con người đều có quyền được sinh ra để sống hạnh phúc và giải phóng khỏi mọi khổ đau. Tuy nhiên trong thực tế, mặc dù mọi người đều chia xẻ ước vọng này một cách đồng đều, bản chất của xã hội cho thấy có người lại được hưởng nhiều lợi quyền hơn kẻ khác và thông thường kẻ nghèo thường hay bị thiệt thòi, lợi dụng. Dù đứng trên quan điểm đạo đức hay thực dụng, đây là một sai lầm lớn lao. Thực tế cho thấy trong bất kỳ xã hội nào hễ càng bất công bao nhiêu thì càng có nhiều người khốn khó bấy nhiêu, những vấn nạn xã hội sẽ có cơ bùng nổ và xã hội đó chắc chắn sẽ ngày càng bệnh hoạn hơn.
Để bắt đầu, điều quan trọng là bạn phải thấu hiểu được rằng hạnh phúc của chính cá nhân bạn liên quan đến người khác biết chừng nào. Con người tự bản chất là một sinh vật xã hội và hạnh phúc của mỗi chúng ta đều tùy thuộc vào kẻ khác. Trong một xã hội mà phúc lợi của mọi người đều được đảm bảo và một bối cảnh tốt đẹp được xây đắp, dĩ nhiên sự lương hảo của mỗi cá nhân cũng sẽ được triển khai. Không bao giờ có chuyện hạnh phúc của mỗi cá nhân hoàn toàn độc lập với kẻ khác; thế nên nếu chúng ta đảm bảo được phúc lợi cho tha nhân, có nghĩa là cùng một lúc chúng ta đang bắt tay tạo dựng nên những hoàn cảnh tốt đẹp cho phúc lợi của chính cá nhân mình.
Mỗi cá nhân thường cảm thấy mình hạnh phúc nhất, thư giản nhất khi họ có thể chia xẻ được niềm hạnh phúc và sự tin cậy với kẻ khác, đó là bản tánh chung của con người. Chúng ta cần sự nâng đỡ của đồng loại và mong muốn có nhiều bạn bè. Mỗi khi chúng ta có dịp được cười đùa với nhau, ta vui hưởng niềm sảng khoái chung. Cá nhân tôi luôn luôn thích thú mỗi lần gặp bạn bè cho dù họ có mang lại lợi ích cho tôi hay không. Thực tế cho thấy cười chính là liều thuốc bổ, mang lại cho ta niềm thư giản một cách tự nhiên.
Tuy nhiên nếu chúng ta chỉ chú trọng đến mình, chỉ nghĩ đến cá nhân mình, đến phúc lợi của riêng mình, luôn bác khước, khai thác, và lợi dụng kẻ khác, với cung cách cư xử đó ta tự cắt lìa mình với thế giới bên ngoài và điều đó sẽ làm cho chúng ta mất hạnh phúc. Như vậy, một điều hiển nhiên là càng quan tâm đến tha nhân, lo lắng cho phúc lợi của họ bao nhiêu, ta sẽ càng có thêm nhiều bạn bè và cảm thấy được đối xử ân cần, nồng hậu bấy nhiêu.
Trong số những bạn bè của ta không phải là không có những người chỉ đến với ta do tiền bạc và địa vị mà ta có, họ không phải là những bằng hữu chân thực mà thật ra là bạn của túi tiền, thế lực của ta. Một điều chắc chắn là bao lâu mà ta còn tiền bạc và thế lực họ sẽ còn quanh quẩn bên cạnh ta, thế nhưng một lúc nào đó khi ta rơi vào tình trạng suy sụp, họ sẽ biến mất như một chiếc cầu vồng, chứng tỏ rằng họ không phải là những người bạn trung thành, đáng tin cậy. Đến khi ta cần họ, chạy đi kiếm hoặc tìm cách gọi điện thoại cho họ, những kẻ được gọi là bạn bè này bỗng dưng biến mất tiêu không biết ở phương trời nào! May mắn lắm nếu được họ trả lời điện thoại thì cũng chỉ là những lời ngắn gọn, nhát gừng!
Để có được bạn bè chân thực và được họ thật tình thương mến, ta cũng phải thương mến và bày tỏ mối thiện cảm của ta đối với họ. Trong trường hợp này, ta sẽ có được vô số bằng hữu chân tình.
Nếu chúng ta bày tỏ lòng nhân ái đối với tha nhân, đặc biệt chiếu cố đến những kẻ bất hạnh cũng như những người mà quyền sống không được tôn trọng, chính ta sẽ tạo dựng cho mình nền tảng của hạnh phúc và thái độ sống đúng đắn có giá trị.
Hãy lấy trường hợp của cá nhân tôi, những kinh nghiệm bản thân mà tôi đã trải qua làm một thí dụ. Tôi là một người dân mất nước, và đáng buồn hơn, dân tộc tôi đang phải sống trong cảnh thống khổ. Tây Tạng đang bị tàn phá. Tôi đang phải đối diện với những trạng huống kinh khủng cũng như đã từng kinh qua những kinh nghiệm bi thảm. Tuy nhiên xin cảm ơn bằng hữu và những tấm lòng ưu ái mà họ dành cho tôi, nhờ đó tôi vẫn có thể tiếp tục cuộc sống bình thường.
Tôi nghĩ rằng bất bạo động có nhiều cấp độ khác nhau. Ngay cả được che dấu bởi động lực đen tối và một tâm hồn đạo đức giả, gian dối và ác độc, một người vẫn có thể nói ra được những lời dịu ngọt, dễ thương cũng như biểu lộ những cử chỉ thân thiện, như biếu tặng quà cáp chẳng hạn. Hành động này chỉ bất bạo động ở ngoài mặt; trong thực tế đây là một hành động đầy ác tâm. Trái lại, do sự thúc đẩy bởi ý hướng muốn giúp đỡ tha nhân, hoặc vạch cho người khác thấy những lỗi lầm của họ, có thể ta có những ngôn ngữ hoặc hành động xem ra cộc cằn thô lỗ, nhưng tận trong thâm tâm, đó là một hành vi bất bạo động.
Thế cho nên chính động cơ thúc đẩy ở đàng sau mới quyết định tính cách bạo động hay bất bạo động của một hành động. Thái độ bất bạo động được thúc đẩy bởi thiện ý dù được thể hiện ra hành động hay bằng lời nói cũng đều mang lại lợi ích. Thế nhưng khuyến khích, thúc đẩy tinh thần bất bạo động và hành động bất bạo động cũng chưa đủ để loại trừ bạo động. Trên tất cả, ta phải khích lệ mọi người tự mình nuôi dưỡng lòng thương yêu và trìu mến đối với tha nhân.
Trong thời đại này quả là một điều cần thiết để tạo dựng nên một bầu khí hoà điệu và đoàn kết hơn giữa các tôn giáo khác nhau trên thế giới. Đã có quá nhiều yêu tố làm phân cách xã hội chúng ta: giàu nghèo, khuynh hướng chính trị, v.v... Tôn giáo vì thế có mặt để giúp con người học cách biết tự chế hơn, làm tiết giảm tinh thần chấp trước và đối kháng cũng như giúp đỡ họ tìm kiếm sự an bình. Thế nên nếu tôn giáo trở thành một cái cớ để gây thêm chấp trước, hận thù,hoặc tranh dành bè phái thì quả là một thảm trạng đáng buồn.
Dĩ nhiên mỗi tôn giáo đều có những bản sắc đặc biệt riêng. Trên bình diện siêu hình có thể còn có những khác biệt lớn lao hơn giữa các tôn giáo. Tựu trung tôn giáo có thể được phân ra làm hai nhóm chính: Một số tôn giáo gắn chặt vào niềm tin về một đấng Thượng Đế Sáng Tạo và phần còn lại thì không tin như thế. Đứng trên quan điểm triết học, đây là một sự khác biệt lớn lao. Tuy nhiên, tất cả các tôn giáo chính đều đồng ý với nhau về sự quan trọng của lòng thương yêu, nhẫn nhục và khoan thứ. Mặc dù mỗi tôn giáo có thể trình bày bản chất xác thực của tình thương yêu đó một cách khác nhau, tất cả đều khẳng định sự cần thiết của tình thương yêu và nhân ái, tất cả đều khuyên dạy tín đồ của mình nuôi dưỡng những tình cảm tốt đẹp này bằng nhiều cách khác nhau. Như thế đã có một căn bản tương đồng rất có ý nghĩa giữa các tôn giáo trên thế giới.
Thực tế cho thấy một trong những cỗi nguồn chính của sự hoà điệu giữa các tôn giáo là tính cách phổ quát của những lời dạy về tình thương yêu; chúng ta càng sớm nhận ra mục đích của tình thương yêu đó và bản chất qúy giá của nó chừng nào, ta sẽ càng cảm thấy kính trọng hơn các tôn giáo khác chừng nấy.
Trong cuộc sống hàng ngày, hạnh phúc tùy thuộc lớn lao vào trạng thái tâm hồn của chúng ta. Những ngày mà tâm hồn ta thư thái yên tĩnh sẽ là những ngày rất hạnh phúc. Trái lại những ngày ta mất đi niềm thanh thản, ta sẽ cảm thấy bất hạnh. Điều đó thật quá rõ ràng.
Bây giờ vấn đề đặt ra là mục tiêu của đời sống là gì? Tôi luôn cho rằng đó là hạnh phúc. Tại sao? Bởi vì ngay cả những người đang chấp nhận một cuộc sống tu hành, cũng không ngoài mục đích đi tìm kiếm hạnh phúc. Họ coi tôn giáo như là phương cách tốt nhất để đạt đến hạnh phúc cho nên đã chọn lựa theo đuổi một hành trình tâm linh như thế . Cũng vậy, một người chấp nhận làm việc trong địa hạt kinh tế (hay bất cứ lãnh vực nào khác) bởi vì họ nghĩ rằng đó là cách thế tốt đẹp nhất, hữu hiệu nhất để hoàn tất đời mình.
Cho dù ta không thể biết chắc chắn những gì xảy ra trong tương lai, hầu như mọi người đều tin rằng mọi chuyện rồi sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Mặc cho bao nhiêu vấn nạn mà ta phải đương đầu trong suốt cuộc đời, ta vẫn tiếp tục hy vọng rằng mọi việc sẽ êm xuôi trong tương lai. Cái ngày mà chúng ta ngưng hy vọng, chúng ta có nguy cơ rơi vào trạng thái tuyệt vọng hoặc đi đến chỗ tự vẫn. Đó là lý do tại sao tôi cho rằng sự kiếm tìm hạnh phúc đã mang lại ý nghĩa cho đời người.
Có người quan niệm hạnh phúc trong tầm phụ thuộc của vật chất hay những yếu tố bên ngoài; chẳng hạn như xem giàu có và quyền lực là những chỉ dấu của hạnh phúc. Quả thật sống trong tiện nghi vật chất, được kề cận bên cạnh bạn bè và gia đình, vui thú với tiếng tăm danh vọng và những cuộc đàm luận hay ho, đều là những yếu tố góp phần tạo nên hạnh phúc cho ta. Tuy nhiên nếu xem những yếu tố này là gốc rễ chính của hạnh phúc, thì tất cả những ai đang thụ hưởng giàu sang, danh vọng, được bao quanh bởi một bầu khí dễ chịu phải là người đang sống hạnh phúc. Thực tế không phải là như thế! Điều này cho thấy mặc dù những điều kiện thuận lợi này có thể góp phần tạo nên hạnh phúc cho ta, chúng không phải là những nguyên nhân cơ bản, không thể không có.
Ta không cần biết đến chuyện con người đang hưởng thụ những tiện nghi vật chất đầy đủ hay không, nếu tâm hồn họ an bình, thư giản và cảm thấy hài lòng với chính mình, họ là những người đang sống trong hạnh phúc; và ngược lại. Như thế, một điều rất rõ ràng sự an bình nội tâm là cỗi nguồn của hạnh phúc. Chúng ta có thể nhận thấy điều này trong cuộc sống đời thường. Có những ngày tâm hồn chúng ta cảm thấy thư thái, hạnh phúc, cho dù bất chợt gặp phải khó khăn hay trở thành nạn nhân của một chuyện rủi ro, ta vẫn chấp nhận chúng một cách dễ dàng không mảy may khó chịu. Thế nhưng trong những ngày mà tâm hồn ta buồn lo, xao động, dù chỉ một chuyện không đáng kể xảy ra cũng gây nên những khủng hoảng lớn khiến ta vô cùng bực bội.
Một cách tổng quát, thoạt nhìn vào các xã hội phát triển Tây phương với tất cả những tiện nghi của đời sống hiện đại được cung ứng mà kết quả tạo nên một cuộc sống tuyệt vời về mọi mặt. Thế nhưng nếu bạn có thì giờ để đàm luận riêng tư với những cư dân của các xã hội này, bạn sẽ thấy tâm hồn của họ bị ô nhiễm bởi những tư tưởng hoài nghi, nhận thức sai lầm, những âu lo, ganh ghét và tranh chấp tị hiềm.
Như vậy làm thế nào để chúng ta có thể phục hồi được sự an lạc của cái tâm mình? Bằng ma túy hay rượu chè chăng? Chắc chắn là không rồi! Còn nếu mang chuyện này đi than phiền với một vị y sĩ, như chúng ta thường làm đối với những bệnh hoạn thể chất: “Bác sĩ à, tôi đang lâm bệnh tinh thần, xin bác sĩ tìm cách chữa trị cho tôi!” Chắc chắn là vị bác sĩ sẽ trả lời bằng cách lắc đầu, cho biết là ông ta sẽ không làm gì được và chỉ cho ta đi chỗ khác. Một cách tóm tắt, hạnh phúc là cái mà chúng ta chỉ có thể tạo dựng lên từ chính bên trong nội tâm mình. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để chúng ta thực hiện được việc này? Đâu là con đường tốt nhất để đạt đến hạnh phúc?
Để trả lời những câu hỏi này xin hãy lấy những kinh nghiệm của cá nhân tôi làm một thí dụ. Một số đông bạn bè và bản thân tôi đều đi đến một kết luận chung: Chúng ta càng phát triển tình thương yêu, trìu mến đến tha nhân, lòng khao khát phụng sự họ bao nhiêu, ta càng cảm thấy tâm hồn của mình an lạc bấy nhiêu. Khi chúng ta có ý nguyện giúp đỡ tha nhân, những thái độ cư xử của ta đối với họ sẽ tích cực hơn. Khi tâm ta không còn ganh tỵ, ta sẽ thấy không cần thiết phải dấu diếm họ bất cứ chuyện gì. Với sự hiện diện của họ, chúng ta cảm thấy là mình sẽ bớt dè dặt và tâm hồn cởi mở hơn. Ngược lại, trong quan hệ đối xử với kẻ khác nếu thâm tâm ta luôn nuôi dưỡng những ý tưởng độc hại của ganh tỵ và dối trá, tự nhiên là chúng ta sẽ bị ngăn cách và cô lập, chúng ta sẽ luôn luôn là kẻ đứng ở ngoại biên của mọi vấn đề.
Khi chúng ta có ý hướng giúp đỡ tha nhân, mối quan hệ giữa ta với họ sẽ trở nên thoải mái dễ dàng hơn. Ngược lại, chúng ta sẽ vẫn luôn nhút nhát, lưỡng lự và ở trong trạng thái cảnh giác cao độ mỗi khi tiếp cận tha nhân. Khi tâm ta muốn giúp đỡ kẻ khác, ta sẽ bớt đi nỗi sợ hãi và lo âu. Khi tâm ta mang ý hướng tốt đẹp, ta sẽ cảm thấy tự tin và mạnh mẽ hơn. Bằng cách này, chúng ta sẽ học để nhận ra được lòng nhân ái qúy giá như thế nào, có giá trị đối với ta ra sao. Và bây giờ, vấn đề là làm thế nào để phát khởi lòng nhân ái?
Tất cả mọi người -ở trong bất kỳ tình huống nào- đều có khả năng tự nhiên phát khởi lòng từ bi ở trong tâm mình. Từ ngày chúng ta cất tiếng khóc chào đời, uống bầu sữa mẹ, lòng từ bi này đã bắt đầu lớn dậy ở trong ta. Đây chính là biểu trưng của tình thương yêu, trìu mến. Nếu đứa trẻ cảm thấy không gần gũi với người mẹ, nó sẽ không chịu bú sữa; cũng thế nếu người mẹ không có tình yêu thương trìu mến vô bờ đối với đứa con, bầu sữa của bà sẽ cạn nguồn. Tôi cho rằng những hành động của buổi đầu đời này đã thiết định nên nền tảng của toàn bộ cuộc sống chúng ta.
Mọi người cũng đồng ý rằng một đứa trẻ được trưởng thành trong một bầu khí gia đình đầy ắp thươgn yêu, trìu mến nó sẽ có cơ may tự cảm thấy mãn nguyện, học hành giỏi dang và có một cuộc sống hạnh phúc; trong khi đó một đứa trẻ mà tuổi ấu thơ thiếu tình thương mến luôn xao lảng trong chuyện học hành. Bởi vì chúng thiếu những hổ trợ tình cảm cần thiết trong tuổi trưởng thành, tất cả đều có khuynh hướng tạo nên những vấn nạn rắc rối trong suốt cuộc đời.
Đến giây phút cuối của cuộc đời, trước giờ lâm tử, kẻ sắp chết phải bỏ lại tất cả những người yêu dấu nhất. Thế nhưng y sẽ rất sung sướng nếu có một người bạn thân kề cận bên cạnh dù y biết rằng điều đó không mang lại một mục đích gì cả. Bởi lẽ đó, tôi cho rằng từ lúc sinh ra cho đến lúc nhắm mắt, trong suốt cuộc đời ta, nhu cầu cho và nhận tình cảm thương yêu trìu mến là nhu cầu căn bản của con người.
Ta biết rằng tình trạng tâm hồn của chúng ta có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và chức năng của các tế bào cấu thành thể xác của chúng ta. Cụ thể như khi tâm hồn chúng ta thư giản, thoải mái, hệ thống tuần hoàn sẽ họat động một cách bình thường; các bộ phận sẽ làm việc tốt đẹp và khó bị lão hoá. Ngược lại, nếu chúng ta sống trong lo âu phiền muộn, giận dữ , sự căng thẳng tâm lý này sẽ tác động lên các hệ thống điều hòa cơ thể mà kết quả là chúng ta sẽ bị bệnh cao huyết áp. Cơ thể của những người này cũng mau chóng già cỗi. Một tâm hồn khủng hoảng chẳng giúp ích gì cho sức khoẻ của thể xác, trong khi đó một tâm hồn thư giản sẽ trợ lực cho cơ thể một cách toàn hảo.
Một khi đã nhận thức được những lợi điểm của lòng nhân ái, chúng ta cũng nên tìm cách để tu dưỡng nó. Đồng thời nếu ta nhìn thấy được sự độc hại gây ra bởi những tình cảm đối nghịch với lòng nhân ái, chẳng hạn như giận dữ, ganh tỵ và đặc biệt là lòng hận thù, ta cũng phải tìm cách loại bỏ và ngăn ngừa không để chúng trở thành một phần trong bản tánh của ta.
Con người thường yêu bạn ghét thù. Thế nhưng kẻ thùlà gì? Phải chăng kẻ thù là người tìm mọi cách để hảm hại ta, thể xác, tài sản, gia đình, bằng hữu ta, nói tóm lại là những gì mang đến cho ta hạnh phúc? Chúng ta có thể coi tài sản, danh vọng, bạn bè, thân quyến của ta, v.v... là nguồn gốc thường tình của hạnh phúc, và như vậy bất cứ ai làm thiệt hại những gốc nguồn này, thói thường được coi là kẻ thù.
Nhưng ta cũng đã biết rằng gốc nguồn chính của hạnh phúc là sự an bình nội tâm. Những ai đã tu tập để phát triển được sự an bình này, những ai đã có một vài kinh nghiệm tu chứng sẽ không dễ dàng bị phiền nhiễu bởi loại kẻ thù thông thường này. Tuy nhiên, hận thù, ác tâm, và ganh tỵ sẽ huỷ diệt ngay lập tức trạng thái yên tĩnh tâm hồn này. Kẻ thù đích thực của ta, như vậy không ai khác hơn là ác tâm. Kẻ thù ngoại tại có thể là kẻ thù thực sự của ta ở một giai đoạn nhất định, nhưng một điều mà ai cũng có thể thấy, trong một tương lai nào đó thay vì hảm hại ta có thể họ lại quay trở thành những người bạn giúp đỡ ta. Thế nhưng những kẻ thù nội tại vẫn luôn luôn là những kẻ thù -suốt từ đầu, giữa chừng, cho đến cuối; nó không bao giờ mang đến lợi ích gì cho ta cả. Bởi thế thật là một điều hoàn toàn vô lý và đầy mâu thuẫn khi một đằng thì ta chạy đi tìm hạnh phúc, còn đằng khác thì ta mở cửa cho lòngï đố kỵ và độc ác vào trú ngụ trong tâm ta, những tên thủ phạm chính đang tìm cách diệt trừ hạnh phúc của ta.
Làm thế nào để chúng ta có thể tiêu diệt được kẻ thù này, tức là cái mà ta gọi là hận thù? Phương thuốc đánh thẳng vào sự thù ghét là lòng nhẫn nhục, là sự thực hành hạnh nhẫn nhục. Những lúc mà chúng ta cảm thấy bất ổn, bị giày vò bởi những khổ đau tinh thần là lúc mà ta thường sinh ra phản ứng thù ghét. Như vậy muốn thoát khỏi tâm trạng thù ghét chúng ta phải sống và cư xử như thế nào đó để không còn mang lấy những khổ đau tinh thần. Chúng ta phải làm tất cả mọi chuyện có thể được để xa lìa khổ đau; khổ đau phải được ngăn ngừa.
Thế cho nên một điều rất quan trọng là việc chuyển hóa hoàn cảnh, tốt hay xấu, thành một cơ hội để cải thiện chúng. Khi một điều bất hạnh xảy đến với ta mà ta không ngờ tới, như bệnh hoạn chẳng hạn, nếu chúng ta chỉ biết nghĩ đến mình, nỗi khó khăn sẽ trở nên to lớn bội phần và chúng ta coi đây là chuyện có vẻ như hoàn toàn bất công đối với ta. Thế nhưng nếu chúng ta nghĩ đến tha nhân, đến những vấn nạn của họ, dù chỉ trong một khoảnh khắc, chúng ta sẽ thấy rằng tình huống của mình không có gì là đặc biệt.
Ý niệm về cái gì cấu thành vấn nạn là một ý niệm hoàn toàn tương đối. Trong nỗi khó khăn ta vẫn có thể tìm thấy những khía cạnh tích cực. Cùng một lúc, một cảnh huống nào đó có thể được xem là bi đát quá sức chịu đựng của con người nhưng cũng có thể được xem là mang đến nhiều phúc lợi. Tất cả đều tùy thuộc vào cách nhìn vấn đề của chúng ta. Nhưng cho dù trường hợp nào đi nữa, ta phải xem rằng mọi chuyện không bắt đầu có vẻ như vượt khỏi sức chịu đựng của ta. Khi đối đầu với vấn nạn, nếu ta nhìn chúng qúa gần, ta sẽ không thấy gì cả và chúng sẽ xuất hiện không đúng nguyên vẹn như thực tế; điều này khiến chúng trở thành có vẻ như khó chịu đựng nổi đối với ta. Tuy nhiên nếu chúng ta chịu khó lùi lại, chúng ta sẽ có khả năng thẩm định chúng và rồi vấn nạn sẽ không còn trầm trọng như ta tưởng.
Để có thể hiểu thấu đáo những hậu quả tai hại của việc từ khước tha nhân cũng như những phúc lợi do lòngï quan tâm đến người khác mang lại, điều tốt nhất là ta phải biết dừng lại và quán chiếu trong từng giây phút theo cách thức sau đây. Chúng ta hãy bước ra khỏi cái tôi của mình, đóng vai một quan sát viên ngoại cuộc hay, thí dụ như, là một thành phần thứ ba đối với một nhóm người đang có nhu cầu cần giúp đỡ; trong một thí dụ khác, quán chiếu đến cái tôi thường nhật, cái tôi thông thường đó -như một người nào khác, một người hoàn toàn vị kỷ, chỉ biết nghĩ đến mình mà chẳng quan tâm đến ai khác. Trong khi tự quán sát mình như vậy ta sẽ lần hồi thấy một cách rõ ràng hơn những tai hại của thói vị kỷ và tâm ta sẽ tự động hướng về những người đang có nhu cầu cần giúp đỡ lúc nào không hay.
Nếu thực tập suy nghĩ theo cách này, ta sẽ tự động bắt đầu hiểu biết hơn về những hệ quả tiêu cực của thói quen chỉ biết nghĩ đến mình cũng như những phúc lợi của việc quan tâm đến kẻ khác. Nó sẽ giúp ta giảm thiểu được mãnh lực lôi cuốn của chấp trước và thù ghét để từ đó phát triển tình thương yêu và lòng quan tâm đến tha nhân. Hãy cảm tạ phương pháp tu tập này, sự chuyển hóa sẽ dần dần diễn biến trong ta. Tuy nhiên chúng ta phải cẩn thận -đừng bao giờ mong chờ sự chuyển biến sẽ xảy ra trong nháy mắt, như khi ta dang tay bật một ngọn đèn! Hãy luôn nhớ rằng, điều quan trọng là ta cần phải có thời gian để có thể tu tập một cách chậm rãi và tiệm tiến.
Tôi tin rằng đi theo con đường này để phát triển tình thương yêu và lòng từ bi cũng như tiết giảm giận dữ, đố kỵ là một hoạt động tâm linh phổ quát không cần phải đòi hỏi vào bất cứ niềm tin tôn giáo nào. Đối với tôi, quả là điều lầm lẫn khi tin rằng lòng nhân ái là sản phẩm đặc quyền của tôn giáo vì như thế sẽ có người không thèm đếm xỉa đến nó nếu họ không thích thú đến khía cạnh tâm linh. Mọi người đều có quyền có tín ngưỡng hay không có tín ngưỡng, thế nhưng bao lâu mà chúng ta vẫn còn tìm kiếm hạnh phúc và tiếp tục sống trong xã hội này, tình thương yêu và trìu mến là điều không thể thiếu.
Để kết luận, tôi xin được nói rằng gốc rễ căn bản của việc tôn trọng nhân quyền và bất bạo động là lòng yêu thương , nhân ái đối với tha nhân.
Phải chăng bạo động là một vấn đề thuộc về con người? Là bản năng, bản tánh? Lúc nào thì một người được quyền bạo động -trong trường hợp nào thì được coi là sức mạnh?
Dĩ nhiên bạo động là một phần của bản tánh con người, thế nhưng bản tánh này có nhiều mặt khác nhau và tôi không tin rằng bạo động là một trong những lãnh vực quan trọng đáng kể. Lúc mới sinh ra hầu như ta u mê trước mọi chuyện, nhưng rồi theo năm tháng nhờ được học tập ta bớt dần ngu dốt. Như vậy là ta đã thay đổi tình huống ban đầu. Cũng thế, ta được sinh ra với các thói xấu như thù ghét, hung hăng gây hấn, nhưng do tập luyện ta vẫn có thể và phải thay đổi được chúng.
Câu hỏi của qúy vị đặt ra là trong trường hợp nào sự bạo động được biện minh. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng đầu tiên là ta cần phải phân biệt được sự giận dữ và thù hận. Có thể có lúc giận dữ mang khía cạnh tích cực, hữu ích trong trường hợp nó mang lại một đáp ứng nhanh chóng. Tuy nhiên nói chung tôi cho rằng giận dữ là một dấu hiệu của sự yếu đuối; lòng khoan thứ mới là dấu hiệu của sức mạnh.
Thế nào là tha thứ?
Lòng tha thứ? Đây là một tình cảm qúy báu, quan trọng vô cùng! Tuy nhiên điều này không có nghĩa là bạn nhắm mắt lại và quên đi những điều xấu ác mà người ta gây ra cho bạn; bạn phải ghi nhớ chúng. Thế nhưng do thương yêu và kính trọng tha nhân cũng như các lý do khác đã ngăn cản bản không trả đủa lại những hành vi xấu ác đó. Đây mới là điều quan trọng.
Thưa Ngài, trẻ em Tây Tạng hiện nay vẫn còn tiếp tục theo đuổi việc học tập giáo lý Phật giáo hay không?
Có những người vẫn tiếp tục theo đuổi nhưng có người không. Tất cả đều tùy thuộc lớn lao vào khung cảnh gia đình mà chúng sinh sống.
Ngài có nghĩ rằng ở một mức độ nào đó thì một người Cơ Đốc cũng giống như một người Phật tử mà thôi?
Vâng, có thể như thế. Có rất nhiều điều mà những người Phật tử có thể học hỏi từ những kinh nghiệm của các anh chị em Cơ Đốc giáo. Gần đây trong một dịp viếng thăm một tu viện Thiên chúa giáo, tôi khám phá một điều là những tu sĩ ở đây có rất nhiều điểm tương đồng với Phật tử Tây Tạng. Một vài khía cạnh như sống nghèo khổ và tri túc chẳng hạn, tôi nghĩ rằng những tu sĩ này còn tỏ ra hơn hẵn các tăng sĩ Tây Tạng chúng tôi, một số có thể đang có một đời sống khá tiện nghi.
Nếu những tăng sĩ Tây Tạng có thể học hỏi được một vài điều từ các tu sĩ Cơ Đốc, những người Cơ Đốc giáo cũng có thể học được từ những người bạn Tây Tạng về kỹ thuật phát triển lòng từ, tình thương yêu, công phu nhất-điểm thiền định, cũng như để cải thiện lòng vị tha. Về những lãnh vực vừa nói, cũng chẳng có gì khó khăn khi vay mượn những kỹ thuật đặc biệt này của Phật giáo, như một số những người bạn Cơ Đốc của chúng tôi đang làm. Khi các tôn giáo khác biệt cùng ngồi lại với nhau, sẽ có rất nhiều điều người ta có thể học hỏi lẫn nhau.
Ngài có nghĩ rằng chủ trương bất bạo động của Ngài có thể dẫn đến sự diệt chủng nhân dân Tây Tạng?
Bất bạo động về lâu về dài vẫn là phương pháp đấu tranh tốt nhất, sâu sắc nhất. Cụ thể là do lựa chọn đường lối này mà càng ngày chính nghĩa của TâyTạng càng được đông đảo nhân dân Trung quốc ủng hộ.
Thưa Đức Đạt Lai Lạt Ma, Ngài có những lời khuyên nào cho giới cư sĩ để họ có thể tiến bộ trong tu tập nhằm phát triển lòng từ và nhân ái?
Điều trước tiên là ta phải nhận thức được khả năng vô lượng ở trong ta. Trong Phật giáo chúng tôi gọi đó là Phật tánh hiện hữu trong mỗi cá nhân. Nhưng cho dù không bước vào lãnh vực này, đã là con người, chúng ta đều có một số tình cảm nhất định, chẳng hạn như lòng quyết tâm hoặc trí thông minh; sự kết hợp của hai yếu tố này sẽtạo nên những cống hiến đáng kể. Điều quan trọng là chúng ta nên liên kết trí thông minh của mình với thiện ý. Không có trí thông minh chúng ta không thể hoàn tất bất cứ việc gì. Không có thiện ý chúng ta sẽ không biết được việc hành xử trí thông minh của mình sẽ mang lại xây dựng hay hủy diệt. Đó là lý do tại sao điều quan trọng nhất là chúng ta cần phải có thiện tâm, và đừng quên rằng những phẩm chất này là một phần trong bản tánh cơ bản của con người.