Phần Thứ Nhất - Những Quán Tưởng Về Tân Thiên Niên Kỷ - 1d- Cây Hòa Bình - Nhân Loại Và Thiên Nhiên

05 Tháng Ba 201100:00(Xem: 18223)

VƯỢT KHỎI GIÁO ĐIỀU (BEYOND DOGMA)

Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14
Việt Dịch: Tâm Hà Lê Công Đa


CÂY HÒA BÌNH

Cho tất cả những cư dân của đất nước trù phú với cảnh quan tươi đẹp này - Tôi nguyện cầu cho quý vị và quê hương của quý vị được luôn hạnh phúc, giàu mạnh, và nhân ái.
 -Từ quyển sổ lưu niệm của làng Marzens,
 Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ Mười Bốn.

Thật là một điều hân hạnh cho tôi được có mặt cùng với qúy vị trong buổi chiều hôm nay để cùng nhau ươm trồng cây hoà bình này. Tôi được đến sinh hoạït cùng cộng đồng này trong một vài ngày nhằm giới thiệu đến qúy vị một vài nét căn bản của triết học Phật Giáo. Vùng quê ở đây gắn bó với thiên nhiên thật là êm đềm và dễ chịu, không khí của nó rất thích hợp cho loại tu học của chúng ta. Được dịp tản bộ quanh đây và gặp gỡ một vài cư dân địa phương, tôi nhận thấy khuôn mặt của họ đều rạng rỡ những nụ cười khiến tôi có cảm giác như được gặp lại những bạn bè quen thuộc cũ.Thành thật cảm ơn mối cảm tình nồng hậu đó.

Tôi nghĩ rằng sống trong một ngôi làng nhỏ, cái cảm giác của cuộc sống cộng đồng có phần nào sống động hơn là sống trong một thành phố lớn, nơi mà con người thường bị chìm ngập vào đám đông. Tôi luôn luôn nghĩ rằng cái cảm giác được sống gần gũi với đồng loại trong mối thương yêu nồng đượm là một trong những đặc tính thiết yếu nhất của thân phận con người. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng khi mà phần tâm linh của chúng ta luôn hướng về điều nhân đức, về khía cạnh tích cực của mọi vấn đề, về lòng yêu thương đồng loại, chúng ta phần nào đã tìm ra cho mình phương cách tốt nhất để giải quyết mọi vấn nạn.

Khi đối đầu với những vấn nạn nhân sinh, biện pháp giải quyết bằng võ lực sẽ không bao giờ mang lại những kết quả lâu dài. Đó là lý do giải thích tại sao tôi thường hay đề cập đến tầm mức quan trọng của tình tương thân tương ái giữa những con người cũng như ý thức về tinh thần trách nhiệm trong đời sống cộng đồng. Những khái niệm về cộng đồng và lòng nhân ái chính là nền tảng của nền hoà bình ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Nó được bắt nguồn trong mỗi cá nhân từ thuở ban sơ và tích lũy dần qua cuộc sống của cộng đồng nhân loại, cho nên đó phải là mối quan tâm của tất cả chúng ta.

Tôi được biết rằng đây là một mảnh đất phì nhiêu màu mỡ và khu vực này luôn luôn có một đời sống sung túc, phồn thịnh. Tôi sẽ luôn nguyện cầu cho sự phồn thịnh này luôn bền vững và mọi cư dân tiếp tục có một cuộc sống tươi vui, thanh bình và hạnh phúc. Hy vọng rằng những nguyện vọng của qúy vị luôn thành tựu tốt đẹp và hoà bình sẽ ngự trị giữa mọi con người. Đối với cái cây mà chúng ta vừa mới ươm trồng đây, tôi sẽ nhờ bạn bè thân hữu luôn đến thăm chừng nó và báo cho tôi biết nó đã tăng trưởng đến mức nào.

NHÂN LOẠI VÀ THIÊN NHIÊN

ÁN MA NI BÁT DI HỒNG! Sáu chữ của câu thần chú này có mục đích giải trừ mọi khổ nạn của sáu loại chúng sanh đang trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi. Khái niệm này đưa ta đến mối nhận thức một cách tự nhiên rằng khổ đau và hạnh phúc của con người cùng với điều kiện môi sinh của thế giới mà ta đang sống đều liên hệ mật thiết với nhau. Rất cảm ơn nhã ý của qúy vị đã mời tôi đến ngôi trường Đại học này, tuy còn non trẻ nhưng cũng đã rất nổi tiếng. Tôi rất hân hạnh được có maàu7841?t tại đây hôm nay và biết thêm được một điều rằng nơi đây từng là một căn cứ quân sự đã được cải biến để trở thành một trung tâm của kiến thức và học vấn.

Môi sinh và bảo vệ môi sinh là những vấn đề mang tầm mức quan trọng hiện nay. Đây không phải là vấn đề thuần túy về luân lý hay đạo đức mà là chuyện sinh tử của chúng ta. Mối quan tâm của tôi đối với những vấn đề liên quan đến môi sinh không phải là kết quả của một sự nghiên cứu lâu dài trên lãnh vực này mà thật ra là một chuyện khá ngẫu nhiên. Như qúy vị biết, tại Tây Tạng đi đến đâu qúy vị cũng có thể uống nước một cách thoải mái. Còn tại Ấn Độ và một số nơi khác, người ta phải phân biệt giữa nước uống được và các loại nước khác. Đó là lý do tại sao tôi lại ngạc nhiên khi thấy người ta đề cập đến chuyện môi sinh cũng như tại sao tôi lại bày tỏ mối quan tâm của mình về lãnh vực này. Sau khi tham khảo ý kiến với một số nhà chuyên môn, qủa thật tôi thấy rằng đây là một vấn đề khá hệ trọng nếu không nói là nghiêm trọng.

Những tai họa gây ra bởi chiến tranh thường xảy ra trước mắt và rất dễ thấy. Trong khi đó sự tàn phá liên quan đến lãnh vực môi sinh thường diễn ra một cách chậm chạp hơn. Không thể nhận thấy được từ lúc ban đầu, nó từ từ tăng trưởng cho đến khi người ta nhận ra được thì mọi chuyện thường là đã quá muộn màng. Bởi thế tôi rất hân hoan và tràn trề hy vọng khi thấy rằng lãnh vực môi sinh nay đã trở thành một mối quan tâm đối với tất cả mọi người. Với trí óc thông minh và đầy tham vọng -cũng là một phần của bản chất con người- đôi lúc chúng ta vô tình hay cố ý chạy theo những hoạt động có thể gây nên những tổn hại về lâu về dài. Tuy nhiên nếu được kiểm soát đúng mức, cũng với trí thông minh đó, nó có thể giúp ta tìm ra những phương thức để giải quyết mọi vấn nạn.

Đó cũng là lý do mà tôi cảm thấy rằng thật quả là một điều quan trọng nếu chúng ta được thúc đẩy bởi lòng từ bi, biết đặt mình vào bối cảnh khổ đau của đồng loại cũng như thấy được những hệ quả tiêu cực về lâu về dài. Một cách tổng quát, nếu con người được thúc đẩy bởi lòng nhân ái, họ sẽ càng trở nên tự tin và quyết tâm hơn. Tôi tin chắc rằng sự quyết tâm này là cơ bản nếu được đi đôi với trí tuệ hoặc óc thông minh; sức mạnh nội tâm và lòng can đảm chính là những yếu tố cần thiết giúp ta vượt qua mọi chướng ngại trong đời sống. Cũng vậy, tất cả mọi vấn nạn liên quan đến khoa học kỹ thuật, dân số, kinh tế một khi đã phát sinh trên quy mô toàn cầu cần phải được trình bày, thông tin đầy đủ đến với mọi người.

Bằng cách cho người ta thấy mối quan tâm về những hiểm họa cũng như nhận thức được yêu cầu cấp thiết cần phải tìm ra những giải pháp, chúng ta dễ dàng tập trung năng lực của mình vào việc kiếm tìm những biện pháp giải quyết thỏa đáng. Một học viện chuyên nghiên cứu về môi sinh một cách khoa học sẽ cung cấp cho chúng ta những dữ kiện đầy đủ chất lượng để có thể đánh giá sự tiến triển và xuống cấp của lãnh vực môi sinh. Bằng cách tiếp cận một cách khoa học, với sự hổ trợ của ngành truyền thông, đó là căn bản của vấn đề.

Mối quan tâm của chúng ta về lãnh vực môi sinh dĩ nhiên là sẽ không hạn chế một cách cục bộ vào khu vực của mình, biên giới của quốc gia mình. Đây là vấn đề mà tất cả mọi người sinh sống trên thế giới này đều phải quan tâm. Quả là một điều cần thiết nếu mọi người đều nhận thức được điều này để cùng bắt tay nhau đối đầu với vấn nạn. Theo thiển ý của tôi, nếu thế hệ trẻ được rao truyền ý thức về những vấn đề môi trường ngay từ thuở còn thơ, những mối quan tâm này sẽ là một phần của kho kiến thức được lưu trữ lại trong suốt đời người.

Một trong những vấn nạn lớn lao nhất mà lãnh vực môi sinh phải đương đầu, đó là nền kinh tế hiện đại. Dĩ nhiên không thể chối cãi được rằng nền kinh tế cần phải được phát triển, tuy nhiên nếu chúng ta chỉ thuần tuý nghĩ đến chuyện lợi nhuận tất sẽ không tránh khỏi được những tai hại. Đồng ý rằng chúng ta có quyền tận dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, thế nhưng đừng quên mối hiểm họa là chúng ta sẽ làm khô kiệt nó nếu khai thác quá mức. Một số nhà chuyên gia còn đi xa hơn khi tuyên bố rằng chúng ta phải thay đổi kiểu cách sống Tây phương.

Tôi không biết điều này có hiện thực hay không, nhưng một điều chắc chắn rằng trong thế giới này mọi sự mọi việc đều tương quan ràng buộc với nhau. Thế cho nên điều quan trọng nhất là nên tìm một con đường trung đạo thay vì cực đoan.

Thưa Ngài, trong xã hội Tây phương, làm thế nào để có thể hoà hợp giữa tiến bộ khoa học với mối quan tâm của chúng ta liên quan đến việc bảo vệ môi trường? Một cách cụ thể, Ngài có tin rằng nhân loại và thiên nhiên không thể tách rời, hoặc ngược lại, Ngài nghĩ như thế nào nếu chúng ta tưởng tượng rằng thế giới này sẽ như thế nào nếu vắng bóng con người?

Theo vũ trụ quan của Phật giáo, ngay tại thời điểm ban sơ của vũ trụ không có con người. Cũng thế, đến một thời điểm tương lai nào đó, xã hội loài người sẽ biến mất trong khi vũ trụ sẽ còn tồn tại trong một thời gian. Có thể lúc đó chúng ta sẽ có thái bình vĩnh viễn trên mặt địa cầu -ai mà biết được! Theo tôi, chìa khóa của vấn đề là, như tôi đã nhiều lần phát biểu, mối liên hệ giữa khoa học kỹ thuật và việc bảo vệ môi sinh. Tôi được biết rằng hiện nay rất nhiều cơ xưởng được xây dựng có khả năng giảm thiểu được vấn đề ô nhiễm.

Chẳng hạn như lúc còn ở Stockholm, một số thân hữu cho tôi biết rằng các loại cá đã biến mất trên dòng sông chảy qua thành phố này trước đây nay đã bắt đầu thấy xuất hiện trở lại và nước sông đã trở nên tinh khiết hơn, và điều này không có nghĩa là các cơ xưởng trong vùng phải bị dẹp tiệm. Thí dụ này cho thấy là chúng ta có thể có những giải pháp để hạn chế sự ô nhiễm môi sinh mà không cần phải làm đình trệ nền kỹ nghệ. Dĩ nhiên tôi không phải là người hiểu biết kinh nghiệm trên lãnh vực này, xin nhường lại cho các chuyên gia để họ tìm ra những giải pháp thích đáng.

Thưa Ngài, có phải đến lúc chúng ta nên hổ trợ cho một chính sách nông nghiệp phù hợp với một số tập quán đặc biệt của các quốc gia đang phát triển nhằm giữ vững và khuyến khích việc bảo tồn một số thói quen có tính truyền thống trong lãnh vực thực phẩm ăn uống, thay vì chúng ta cứ luôn áp đặt quan điểm Tây phương vào các hoạt động nông nghiệp?

Vâng, trong những trường hợp như thế, vấn đề quan trọng là phải làm sao thích nghi vào từng tình huống, điều kiện cuả mỗi nơi. Việc sử dụng các sản phẩm hoá chất như phân bón, thuốc sát trùng chẳng qua chỉ là những nhu cầu tạm bợ nhằm nâng cao sản lượng và phòng ngừa sự tàn phá mùa màng, thế nhưng nó đã gây ra những hậu quả rất tiêu cực, đó là tệ trạng ô nhiễm môi sinh. Tại một số quốc gia bị hăm dọa bởi nạn đói hoặc đối đầu với những khó khăn gây ra bởi tình trạng nhân mãn, ta có thể can thiệp vào nếu cần.

Những khó khăn này trên thực tế thường là hậu qủa do việc người ta quá chú trọng vào ngân sách quốc phòng thay vì nông nghiệp. Còn những nơi mà những khó khăn do hậu quả thiên nhiên gây ra như hạn hán, hoặc đất đai cằn cỗi khiến dân chúng phải sống cơ cực vì thiếu thốn thực phẩm, ta không thể không tận dụng mọi phương tiện có thể có được nhằm nâng cao sản lượng của đất đai. Trong một số trường hợp khác, nếu điều kiện và hoàn cảnh cho phép, tốt hơn là ta cứ giữ lại các hình thức canh tác theo truyền thống, điều đó phần nào nói lên được lòng kính trọng và ý hướng bảo tồn thiên nhiên của chúng ta.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Bảy 2022(Xem: 2907)
20 Tháng Năm 2022(Xem: 9500)
Phật Giáo Hướng Dẫn Thế Kỷ 21 là một tài liệu gồm 12 tham luận được trình bày tại Hội Nghị Nghiên Cứu Học Thuật Phật Giáo Quốc Tế lần thứ Tám vào các ngày 27 và 28 tháng 10 năm 1995 tại Đài Loan bởi các diễn giả thuộc nhiều thành phần của nhiều quốc gia khác nhau. Nhằm cung cấp thêm tài liệu cho những ai đã và đang thao thức cho một nền Phật Giáo Việt Nam huy hoàng rực rỡ, chúng tôi cố gắng chuyển dịch tập sách này với mỗi một ước vọng duy nhất: Đóng góp phần nhỏ vào công cuộc phục hưng Đạo Pháp, lợi lạc quần sanh.
04 Tháng Hai 2022(Xem: 3810)