Phần Thứ Nhất - Những Quán Tưởng Về Tân Thiên Niên Kỷ - 1c - Khát Vọng Hòa Bình

05 Tháng Ba 201100:00(Xem: 17229)

VƯỢT KHỎI GIÁO ĐIỀU (BEYOND DOGMA)

Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14
Việt Dịch: Tâm Hà Lê Công Đa


KHÁT VỌNG HÒA BÌNH

Bây giờ xin nói đến hòa bình. Hoà bình là một vấn đề quan trọng. May mắn thay, con người nói chung đều có khuynh hướng yêu chuộng hòa bình thay vì chiến tranh đẫm máu cho nên ta có khả năng giảm thiểu bạo động để tạo dựng nên một xã hội hoà điệu, an bình, đầy tình người cho dù có đôi lúc bản chất tốt đẹp của chúng ta đã không chế ngự được những tình cảm nông nổi. Có hai phương thức để đạt tới mục tiêu này: chiến lược ngắn hạn và dài hạn.

Về mặt ngắn hạn, tôi nghĩ rằng qúy vị đã có những phương cách hữu hiệu để đối phó với các vấn nạn hiện đại như vấn đề bạo động chẳng hạn. Thế nên những ý kiến của tôi có thể chẳng giúp đỡ được qúy vị bao nhiêu.

Về một chiến lược dài hạn, nghĩa là nói về tương lai, tôi quan niệm rằng giáo dục phải là yếu tố hàng đầu qua đó đầu óc thông minh của con người nên được điều hướng vào một hướng đi đúng đắn. Thật là một điều hữu ích nếu ta chịu khó nhìn kỹ vào những thất bại của nền giáo dục hiện đại. Một thí dụ hiển nhiên là có nhiều quốc gia đã cố ý nuôi dưỡng những tình cảm tiêu cực như thù hận các quốc gia láng giềng chẳng hạn. Thế nhưng thực tế hiện nay cho thấy nhân loại không thể sống còn nếu không có sự hợp tác chân thành của quốc tế. Những khái niệm như “nước tôi”, “nước anh,” “đạo tôi,” “đạo anh” vì thế ngày càng trở nên không mấy quan trọng. Ngược lại chúng ta cần phải khẳng định một sự thực rằng tha nhân cũng có phẩm giá đáng tôn trọng như chính chúng ta. Đấy chính là nhân loại! Đây cũng là lý do tại sao chúng ta cần phải tái thẩm định lại hệ thống giáo dục của chúng ta.

Bây giờ xin nói đến lãnh vực truyền thông. Tôi rất kính trọng bộ môn này và rất thích cái lối ưa xen vào công chuyện của người khác của nó. Một số nhân vật quan trọng không phải là lúc nào cũng lương thiện, đàng hoàng. Thế nên qủa là điều tối cần thiết khi chúng ta có bộ phận truyền thông để lưu tâm theo dỏi họ. Ký giả ai cũng biết là rất thính mũi và thường là họ làm việc rất hữu hiệu. Tuy nhiên mặt khác, tôi không khỏi cảm thấy phiền khi thấy họ cứ hay đào sâu vào những khía cạnh tiêu cực làm cho tâm hồn con người dễ bị chán nãn, ngã lòng.

Theo tôi nên có sự cân đối trong vấn đề mà ký giả chọn lựa để tường trình. Họ thường phơi bày cho ta thấy quá nhiều trạng huống bất hạnh, mà với thiện tâm và bản chất nhân ái của con người như tôi đã từng đề cập, ta dư khả năng cũng như tiềm năng để thay đổi chúng. Bản chất này phải là nguồn cội của tư duy chúng ta và là nền tảng của bất cứ sự phát triển nào. Mỗi khi tự thấy mình mâu thuẩn với một vài người tôi thường phát biểu: “ Bỏ qua một bên những điều không tốt lành trên báo chí, hãy nhìn vào hàng triệu người trẻ, già, bệnh hoạn đang được giúp đỡ ta không không thể không cảm ơn lòng từ ái hay thiện ý của con người; những tình cảm tích cực cũng hoạt động song hành cùng với tiêu cực.”

Do thiếu giao lưu, kinh nghiệm cá nhân của tôi cho thấy tôn giáo đôi lúc cũng là nguồn gốc của nhiều vấn nạn. Một khi mà chúng ta xây dựng được những quan hệ tốt, tầm nhìn của chúng ta sẽ rộng mở hơn. Từ đó chúng ta khám phá ra rằng chúng ta có thể làm việc với nhau trên một số căn bản chung cũng như chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau. Bằng cách này, tôi tin rằng mối tương kính sẽ được phát triển và những xung đột về tôn giáo chắc chắn sẽ giảm thiểu.

Bây giờ chúng ta nói tiếp đến những khó khăn gây ra bởi các chính khách, những nhà lãnh đạo quốc gia. Dĩ nhiên khi đối đầu với các nhà độc tài, những chế độ chuyên chế ta khó mà nói trước được những gì sẽ xảy ra; đây là những trường hợp đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên đối với những chính khách trong các quốc gia dân chủ, qủa là một điều tốt khi ta thấy họ vận dụng phần lớn trí tuệ của mình vào việc phục vụ kẻ khác. Thế nhưng khi mùa bầu cử gần đến, phần trí tuệ còn lại đó của họ được đặt để vào bàn tay của các cử tri, điều này chẳng giúp ích gì cả mà còn tạo nên một trạng thái mất quân bình. Như vậy thì làm thế nào để cải thiện phẩm chất của các chính khách? Tôi thật tình không biết.

Tất cả những yếu tố trọng yếu này cần nên được khảo sát thật nghiêm túc, sâu sắc về lâu về dài khi người ta quan tâm đến nhân loại như một thể thống nhất. Mỗi chúng ta là một thành phần của đại gia đình nhân loại đó cho dù chúng ta có những quá trình đào tạo, bối cảnh xã hội khác nhau. Không cần biết anh là giáo viên, nhà kinh tế, chính khách, luật sư, thành phần tăng lữ, thương gia, hay là “kẻ bụi đời,” tất cả đều phải chia xẻ một phần trách nhiệm cũng như vận dụng tất cả mọi khả năng của mình để mang lại một khung cảnh hoà đồng tuyệt diệu cho thế giới mà chúng ta đang sống.

Vào thời buổi mà một số các chế độ độc tài chuyên chế đang sụp đổ, những sự kiện não lòng xảy ra như ở Bosnia, Châu Phi nhắc nhở chúng ta một điều cần thiết là phải làm thế nào để ngăn ngừa những tình trạng như thế xảy ra trong tương lai. Người ta đang nói nhiều đến “trật tự thế giới mới”. Thật khó mà thay đổi một cấu trúc xã hội đã được xây dựng lâu đời. Thế nhưng bây giờ thì cấu trúc xã hội cũ đang trền đường sụp đổ, mở đường cho một thời điểm với những thay đổi lớn lao. Tuy nhiên khi mà người ta không biết mình phải làm gì, người ta lại càng thêm lo âu bối rối. Nhưng cho dù trường hợp nào xảy ra đi nữa, tất cả đều tùy thuộc vào các chính phủ biết nắm lấy các cơ hội.

Vẫn còn một số khó khăn trong việc tài giảm vũ khí nguyên tử. Bao lâu mà loại vũ khí này còn tồn tại, thảm họa vẫn có thể xảy ra cho nhân loại bởi vì số phận của chúng ta luôn luôn bị đặt vào trong tay của một thiểu số người vô trách nhiệm. Hơn thế nữa với việc giải trừ quân bị, chúng ta có thể giới hạn được những thiệt hại mỗi khi xung đột nổ bùng. Phần tôi, tôi vẫn luôn lên tiếng cổ võ cho sự giải trừ quân bị ngay chính trong tâm hồn của mỗi con người bằng cách giảm bớt lòng thù hận, tăng trưởng tinh thần từ bi.

Dĩ nhiên là chúng ta cũng không thể không quan tâm đến lãnh vực hạn chế sinh sản. Sự cách biệt giữa Nam và Bắc cũng là đầu mối của nhiều vấn nạn. Một số chuyên gia cho biết là nếu các quốc gia phía Nam đạt đến một mức sống tương đương như các quốc gia phía Bắc, lúc đó những tài nguyên của thế giới sẽ cạn nguồn. Lại thêm một tình huống nan giải khác.

Để kết luận, chúng ta có thể tự hỏi là tư duy của con người được thay đổi như thế nào.

Một lần nữa, điều này hoàn toàn tùy thuộc vào cố gắng, nỗ lực của mỗi cá nhân. Nhân đây tôi cũng xin phép được lưu ý cộng đồng nhân loại, đặc biệt là tất cả những ai hiện đang hoạt động tích cực trong các tổ chức xã hội, rằng: Điều căn bản vẫn là tâm ý của con người. Chúng ta có thể hoàn tất mọi công tác khó khăn nếu chúng ta có quyết tâm. Chúng ta sẽ chẳng đạt được điều gì cả, cho dù là những việc dễ dàng nhất, nếu chúng ta luôn luôn có thái độ bi quan yếm thế. Theo kinh nghiệm cá nhân của tôi, tin tưởng và quyết tâm là hai yếu tố quan trọng để thành công.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Bảy 2022(Xem: 3069)
20 Tháng Năm 2022(Xem: 9665)
Phật Giáo Hướng Dẫn Thế Kỷ 21 là một tài liệu gồm 12 tham luận được trình bày tại Hội Nghị Nghiên Cứu Học Thuật Phật Giáo Quốc Tế lần thứ Tám vào các ngày 27 và 28 tháng 10 năm 1995 tại Đài Loan bởi các diễn giả thuộc nhiều thành phần của nhiều quốc gia khác nhau. Nhằm cung cấp thêm tài liệu cho những ai đã và đang thao thức cho một nền Phật Giáo Việt Nam huy hoàng rực rỡ, chúng tôi cố gắng chuyển dịch tập sách này với mỗi một ước vọng duy nhất: Đóng góp phần nhỏ vào công cuộc phục hưng Đạo Pháp, lợi lạc quần sanh.
04 Tháng Hai 2022(Xem: 3980)