Hành Hương-phần 5: Nalanda

30 Tháng Mười Một 201000:00(Xem: 15226)

HÀNH HƯƠNG
Phạm Doãn


Đại học Nalanda

Nālandā (Hindi: नालंदा) là tên của một trường đại học xưa cổ tại tiểu bang Bihar, India. Nalanda nằm cách thủ phủ Patna của Bihar 55 dặm về phía đông nam., là trung tâm giáo dục của Phật giáo vào năm 427 đến 1197 sau công nguyên. Nó được coi là đại học lớn đầu tiên như lịch sử còn biết được. Một vài phần của Nalanda được xây dựng bởi hoàng đế Mauryan là Asoka (ví dụ như Tháp Sariputta); một phần do hoàng đế Tamil là Rajaraja Chola. Đế chế Gupta cũng góp một phần vào việc xây cất các tu viện.

Nalanda rất gần Rajgir (thành Vương Xá ngày xưa). Khách viếng thăm Naladan hôm nay cũng rất đông. Đủ mọi phương tiện được dùng để di chuyển đến Nalanda. Từ các xe bus, xe auto đời mới đến các xe auto cổ lỗ xỉ, và bạn có thể còn thấy rất nhiều xe ngựa tại vùng đất này.

to-nalanda-4to-nalanda-3to-nalanda-2to-nalanda-1to-nalanda-5

Theo các sử gia, Nalanda phồn thịnh vào giữa những năm 427 và 1197 sau công nguyên, chủ yếu dưới sự giám sát của những vị vua theo Phật giáo như Harsha và các vị vua của đế chế Pandyan và đế chế Pala. Sự hình thành của Nalanda chính xác vào thời điểm nào thì chưa được xác định. Căn cứ theo tiểu sử của Long Thọ (Nagajuna) sinh năm 150 sau công nguyên, xuất gia năm 7 tuổi tại Nalanda, thì đại học Nalanda phải có vào thế kỉ thứ hai hoặc ít ra tại nơi đây đã từng là một tu viện rất lớn. Phế tích của đại học Nalanda chiếm diện tích khoảng 14 hectares. Viện đại học này xây hoàn toàn bằng gạch đỏ. Vào thời hưng thịnh, Nalanda có khoảng 10 ngàn tu sĩ học viên và 2 ngàn giáo sư. Nalanda đã cuốn hút các học giả và học viên khắp nơi trên thế giới như Trung quốc, Hy Lạp, Ba Tư, Đại Hàn, Nhật bản, Tây Tạng v.v….Vào thời của Mañjuśrīmitra, chương trình dạy ở Nalanda bao gồm hầu hết các lĩnh vực Phật giáo, Ấn giáo, tâm linh, thế tục, trong nước và ngoài nước. Đại học Nalanda dạy đủ các môn khoa học, thiên văn, luận lý, y học để ứng dụng vào siêu hình học, triết học Samkhya [1], kiến thức yoga, kinh Veda, kinh Phật giáo. Ngoài ra học viên cũng được học các triết lý từ các nước ngoài Ấn Độ.

Năm 1193 Nalanda bị phá hủy bởi đoàn quân Thổ Nhĩ Kì do tướng Bakhtiya Khilji cầm đầu. Các học giả coi đây là thời điểm mốc đánh dấu chính thức sự suy tàn của đạo Phật tại Ấn Độ. Sử gia BaTư Minhaj trong tài liệu the Tabaquat-l-Nasiri mô tả rằng có đến hằng ngàn tu sĩ Phật giáo đã bị thiêu sống và hàng ngàn người khác bị chặt đầu, khi Khilji nổ lực nhổ tận gốc Phật giáo để ươm trồng Đạo Hồi giáo (Islam)tại đây bằng sức mạnh thanh kiếm! Các thư viện kinh sách đã cháy trong nhiều tháng. Khói đã làm tối đen các ngọn đồi thấp chung quanh Nalanda.Viện trưởng cuối cùng của Nalanda là Shakyashribhadra năm 1204 đã chạy trốn về Tây Tạng theo lời mời của dịch giả Tây TạngTropu Lotsawa. Tại Tây Tạng ông đã truyền thừa dòng tu Mulasarvativadin.

Sự hủy diệt các tu viện, chùa tháp, trung tâm giáo dục tại Nalanda và toàn bộ vùng Bắc Ấn của đạo quân Islam đã diệt chết các tư tưởng bác học của người Ấn về toán học, thiên văn, luyện kim và cơ thể học. [2]

Vào cuối thế kỉ 19, nhà khảo cổ Alexandar Cunningham tìm ra dâú tích Nalanda tại ngôi làng Baragaon. Các cuộc khai quật sau đó được các nhà khảo cổ Ấn Độ tiến hành vào đầu thế kỉ 20 khoảng 1915-1937 và gần đây nhất là giữa những năm 1974-1982.

nalanda-1

Cổng vào khu di tích Nalanda

nalanda-2

Rất nhiều người Ấn đến đây với niềm tự hào!

nalanda-4

Khung cảnh yên bình, rất rộng và rất đẹp

nalanda-5

Theo hương dẫn viên người Ấn nói, Nalanda thời kì hoàng kim có diện tích rất rộng, nếu kể cả khuôn viên bao bọc chung quanh các công trình xây cất, thì nó có chiều dài 10km và chiều rộng 5 km!

nalanda-16

Bây giờ tất cả còn lại chỉ là một nền gạch và các mảng tường phế tích!

nalanda-17

Các dạng phòng ốc được phục dựng theo mẫu nguyên thủy ngày xưa.

nalanda-19nalanda-18

nalanda-20

Khoảng sân này được biết xưa kia được dùng làm giảng đường chính của đại học Nalanda.

nalanda-6

Bảng hướng dẫn viết:

“Lịch sử Nalanda gợi nhớ lại quá khứ, thời kì của Ngài Mahavira và Đức Phật Gautama trong thế kỉ thứ 6 trước công nguyên. Nó cũng là nơi sanh và nơi Níp bàn của Sariputta, người học trò nổi tiếng của Đức Phật. Nalanda trở nên nổi tiếng vào thế kỉ thứ 5 sau công nguyên như một tu viện và học viện về các nghệ thuật phương Đông và giáo dục Phật giáo. Nalanda lôi cuốn rất nhiều học viên từ phương xa trong đó có Trung quốc. Trong một thiên hà đầy sao sáng đó có những cái tên như : Nagajuna (Long Thọ), Aryadeva, Vasubandhu (Thế Thân), Dharmapala (Hộ Pháp), Suvishnu, Asanga (Vô Trước), Silabhara, Dharmakirti, Shantaraksita và các nhà chiêm bái trung quốc nổi tiếng như Huyền Trang và Pháp Hiển. Huyền Trang và Pháp Hiển đã mô tả chi tiết tất cả các tu viện và thánh tích của Nalanda cũng như tiểu sử của các tu sĩ tại đây……………

Quan trọng hơn cả những kiến trúc được tìm thấy tại Nalanda, công cuộc khai quật đã phát hiện nhiều tượng và hình điêu khắc trên đá, đồng, chất đúc khuôn (stucco). Ngoài các tượng điêu khắc thuộc Phật giáo là các Phật (Buddha) trong nhiều tư thế, Avalokitesvara (Quán Âm), Majusri (Văn Thù), Tara, Prajnaparamita, Marichi, Jambhala, v.v..Một số hình ảnh hoàn toàn thuộc về các thần của Bà la môn giáo như Vishnu, Shiva, Pavarti, Mahishasur-Mardini, Ganesha, Surya v.v…”

Đọc bảng hướng dẫn trên, khách tham quan nhận ra ngay vai trò của Đại học Nalanda trong nền văn hóa Ấn Độ và cũng hình dung ra phần nào hướng phát triển của Phật giáo Đại thừa khi nó được dạy và học chung với các tôn giáo phát tích từ Vệ Đà. Khi đại học Nalanda hình thành (sớm nhất là vào thế kỉ thứ hai) thì đạo Phật dạy bởi Đức Phật Gautama đã chìm vào quá khứ khoảng 500 năm và không còn được phổ biến nữa. Tại Nalanda có lẽ có đầy đủ tam tạng kinh điển của Đạo Phật nguyên Thủy nhưng chỉ là tài liệu cho các học giả tham chiếu. Đại học Nalanda chính là cái nôi của Phật giáo Đại Thừa và là nơi hình thành các đỉnh cao trong triết lý Đại thừa. Long Thọ, Huyền Trang, Vô Trước Thế Thân…đã học và dạy tại đây. Tôi cũng không ngờ ngay cả đại sư Naropa cũng học và dạy “Sáu pháp Naropa” tại đây. Có thể nói toàn bộ nền văn minh Ấn Đô đã được sưu tầm, nghiên cứu và giảng dạy tại Nalanda trong khoảng một ngàn năm.

Tư tưởng Phật giáo đại thừa xuất hiện vào khoảng thế kỉ thứ 1 sau công nguyên, nghĩa là chỉ trước khi có đại học Nalanda chừng một thế kỉ. Chính Nalanda đã đào tạo hàng trăm luận sư nổi tiếng của Phật giáo đại thừa: Vô trước, Thế Thân, Trần na, Hộ Pháp, Giới Hiền (Duy Thức luận), Long Thọ, Tịch Thiên (Trung Quán Luận) v.v… Nalanda là trường đại học có cách tổ chức và nội dung giảng dạy không thua gì một trường đại học lớn ngày nay! Ngoài 18 bộ phái Phật giáo được dạy tại đây, Nalanda còn dạy kinh Vệ Đà, loại triết học lúc nào cũng được coi là chính thống tại Ấn Độ. Các loại tượng và hình ảnh điêu khắc thuộc Bà La Môn giáo khai quật được tại Nalanda cho thấy Nalanda không chỉ là nơi đào tạo của riêng các tu sĩ Phật giáo mà còn là nơi đào tạo các chuyên gia về các tôn giáo khác. Có lẽ các triều đại vua ủng hộ Nalanda mong muốn trường đại học này phải là trung tâm truyền dạy tất cả kiến thức và văn hóa của Ấn Độ. Riêng về lãnh vực tôn giáo, Nalanda đã tạo cơ hội cho các tôn giáo và bộ phái có mặt trên đất Ấn cũng như các nước ngoài Ấn Độ tiếp xúc với nhau. Có thể vì thế trong suốt thời kì phát triển của Nalanda đã có một sự biến tướng và pha trộn các triết lý khác nhau, và đương nhiên triết lý nguyên thủy của Phật giáo cũng bị biến đổi. Đại trí độ luận (mahaprajnaparamitasastra) của ngài Long Thọ, được viết dưới dạng những câu hỏi-đáp, đã giải thích lại tất cả những khái niệm của Phật giáo theo nhãn quan của Phật giáo Đại thừa. Có một điều rất ngạc nhiên là cách Long Thọ giải thích hiện tượng nhập thai của người nam và người nữ trong Đại Trí Độ luận, nghe giống như huyền thoại về Oedip và Electra của Hy Lạp [3]. Phải chăng tư tưởng Hy Lạp đã cũng từng đến Nalanda vào thời Long Thọ?

Đền thờ XÁ LỢI PHẤT (Sariputta)

Trước đây Nalanda là một khu vực sầm uất. Khi Đức Phật còn tại thế ngài thường lui tới Nalanda. Mahavira, giáo chủ đạo Jain, cũng có mười bốn mùa an cư tại đây. Nalanda cũng chính là quê hương của Ngài Xá Lợi Phất, một để tử được Đức Phật rất yêu quí. Ngài Xá Lợi Phất đã nhập diệt tại đây và về sau đền thờ của Ngài được vua Asoka xây cất.

nalanda-10

Đền thờ Sariputta lúc Cunningham tìm thấy năm 1861 chỉ là một mô đất không có hình dạng gì đặc biệt.

nalanda-11

Sau khi khai quật, các nhà khảo cổ thấy lộ ra kiến trúc của một đến thờ.

nalanda-8

Dưa trên các tư liệu, người ta đã hình dung và phác họa đền thờ Sariputta có nguyên mẫu hình như trên.

nalanda-14

Và ngày nay trong khuôn viên Nalanda, khách viếng nhìn thấy trên thực địa một phần đền thờ Sariputta như ảnh trên.

Chú thích:

[1] http://encyclopedia.thefreedictionary.com/Samkhya

[2] http://en.wikipedia.org/wiki/Nalanda

[3] Đại Trí Độ luận (Mahaprajnaparamitasastra) tập 1, trang 172-173, Thích Thiện Siêu dịch Hán ra tiếng Việt

(Nguồn: http://vn.360plus.yahoo.com/phamdoan52)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Giêng 2018(Xem: 5547)
16 Tháng Mười 2015(Xem: 7447)
Đất nước Indonesia nổi tiếng với ngôi đền thờ Phật giáo độc đáo nhất thế giới, Borobudur (hay còn gọi là Candi Borobudur theo tiếng địa phương), nhưng đất nước này hiện vẫn còn ẩn giấu một ngôi đền thờ Phật tuyệt đẹp khác đang chìm dưới đáy biển. Vẻ nguy nga tráng lệ và trang nghiêm của di tích đền thờ Phật này không hề thua kém gì so với Borobudur, đủ để làm rung động cả thế giới.
10 Tháng Tám 2015(Xem: 5886)
Một bài phóng sự của nữ ký giả Nathalie Lamoureux về Lâm-tì-ni (Lumbini), khu vườn nơi đản sinh của Đức Phật, đã được đăng tải và đưa lên trang mạng của tạp chí hàng tuần Le Point của Pháp số ngày 21 tháng 7 năm 2015.
09 Tháng Mười Một 2014(Xem: 11791)
Một kế hoạch cuối cùng để biến khu vực ở miền nam Nepal thành một trung tâm toàn cầu cho hòa bình và một trung tâm tu học Phật giáo đã được công bố gần đây. Theo đề nghị của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hàn Quốc dự kiến vốn đầu tư gần 800 triệu USD. Phát triển mới nhất từ khi các nhà khảo cổ phát hiện ra di tích của những gì được cho là ngôi chùa Phật giáo đầu tiên nằm trong ngôi đền Maya Devi chính này.
21 Tháng Mười 2014(Xem: 8013)
Trong lịch sử tôn giáo của nhân loại rất hiếm có bậc lãnh đạo tinh thần - qua lời nói, hành động và khả năng thiện xảo - làm tăng động lực và tạo một chuyển hướng mới cho tôn giáo, Đức Phật là một khuôn mặt hiếm hoi trong các bậc này. Đó là điểm mà nhà thần học Thiên Chúa giáo Romano Guardini đã mô tả Ngài với lòng tôn kinh: "Ngài tạo nên điều kỳ bí.
01 Tháng Chín 2013(Xem: 132430)
Ngồi dưới gốc cây Bồ đề mà trước kia là cây Vô ưu, tôi tin mãnh liệt rằng Ngài đã được hạ sinh tại nơi đây như một con người bình thường, không có gì là thần bí như huyền thoại trong một số kinh sách từng mô tả. Điều này cũng có thể hiểu rằng việc sinh ra bình thường nhằm bác bỏ quan điểm truyền thống sai lầm đã ăn sâu trong tín ngưỡng người Ấn Độ bấy giờ là mọi chúng sinh đều do Phạm thiên, thần chủ của Bà La Môn sinh ra.