Iv. Lời Dạy Của Thân Loan - Lời Dạy Của "Hòa Ngữ Thánh Giáo"

10 Tháng Mười Một 201000:00(Xem: 13783)


TỊNH ĐỘ TÔNG NHẬT BẢN

Nguyên tác: Kakehashi Jitsuen - Việt dịch: Thích Như Điển
Chùa Viên Giác Hannover Đức quốc

I.3 LỜI DẠY CỦA HÒA NGỮ THÁNH GIÁO

I.3.1 Pháp Tánh, Pháp Thân Và Phương Tiện Pháp Thân

Đức Phật có hai loại Pháp Thân. Một là Pháp Tánh Pháp Thân và hai là Phương Tiện Pháp Thân.

(Lược bớt phần giải thích theo lối văn Hán-Nhật)

Đức Phật A Di Đà có hai loại Pháp Thân đó là: Pháp Tánh Pháp Thân và Phương Tiện Pháp Thân. Pháp Tánh Pháp Thân vượt lên trên thức phân biệt để trở thành Vô Phân Biệt Trí, không thể so sánh, khó có thể rõ biết hình dạng và màu sắc, cũng không thể phân biệt rõ biết. Ở đây, không thể dùng ngôn từ diễn tả sự giác ngộ ấy. Lãnh vực giác ngộ nầy là “Vạn Vật Nhứt Như” chỉ cho Pháp Tánh Pháp Thân.

Hơn nữa, với lòng đại bi, Phật A Di Đà dùng phương tiện Pháp Thân cứu độ, mà cứu độ chúng sanh có thể nhận được biết đầu tiên Tỳ Kheo Pháp Tạng phát ra 48 lời nguyện vượt trên mọi suy nghĩ con người. (Duy Tín Sao Văn Ý – Chơn Tông Thánh Giáo Toàn Thơ – trang 630).

Giải thích:

I.3.1.1 Pháp Tánh Pháp Thân
Đàm Loan cho rằng Phật A Di Đà có hai loại Pháp Thân, đó là: Pháp Tánh Pháp Thân và Phương Tiện Pháp Thân. Phật Giáo lấy con người làm trung tâm nhận thức nên phân ra hai loại đó là thế giới Hư Cấu và thế giới Chân Thật. Còn Trí vô phân biệt là đạo giác ngộ vượt trên những ngôn ngữ sai biệt, thiện - ác, giận - thương, sanh - tử và tự - tha v.v…, những nhận thức phân biệt của con người, nhận thấy tất cả mọi vật đều như chính nó.

Như vậy, có thể nói đây là Pháp tánh, sự tồn tại bổn tánh nhứt như (pháp, cũng là Niết Bàn tịch tịnh, hoàn toàn vắng lặng và không còn phiền não nữa, cũng biểu hiện các tánh: Nhứt Như, Thật Tướng, Pháp Tánh, Niết Bàn v.v… mà theo Thân Loan ý nghĩa của những thuật từ trên giống nhau, đều chỉ cho lãnh vực hoàn toàn vượt khỏi phân biệt.

Dĩ nhiên, trí giác ngộ và chân như là một, hoàn toàn không khác. Ở đây cũng có thể nói là nguồn gốc của trí giác ngộ là trí vô phân biệt. Như vậy hầu như giáo pháp cũng chỉ có một, có thể gọi chung là Pháp Tánh Pháp Thân cũng được. Pháp Tánh ấy chính là Pháp Thân vậy.

Pháp Tánh Pháp Thân vốn “không màu sắc, không hình tướng, không phân biệt và không ngôn ngữ”. là lãnh vực Vô Phân Biệt Trí, hoàn toàn vượt khỏi mọi đối đãi có tính cách nhị nguyên.

I.3.1.2 Phương Tiện Pháp Thân 
Ở đây, một khi đã liễu đạt trí vô phân biệt, ai dựa vào tự mình cho là chân thật là kẻ sống không chân thật. Bởi vì, như chư Phật không có phân biệt tự - tha cho nên điều hẳn nhiên chúng ta, những kẻ sống một cách khổ não mê lầm sẽ được cảm thông và được chư Phật cứu độ. Chư Phật đem tâm đại từ tiếp dẫn và dựa vào lý chân như, thiết lập phương pháp hóa độ kỳ diệu để tiếp dẫn mọi người. Phương pháp nầy còn gọi là Vô Phân Biệt Hậu Đắc Trí[112]. Hoạt động trí tuệ ấy được xem là những phương tiện được thiếp lập, bằng phương pháp cứu độ rất cụ thể.

Tiếng gốc của thuật từ “phương tiện” là Upaya. Chữ nầy có nghĩa là “từ từ đến gần” chúng sanh, cũng có nghĩa là từ từ đến gần quả vị Phật. Bằng phương tiện thiện xảo thuyết pháp giáo hóa chúng sanh, đức Phật vừa mở cửa giác ngộ cho chúng sanh mê muội từ từ đến gần, vừa từ từ đến gần địa vị giác ngộ của chư Phật. Đức Phật dùng trí tuệ và lòng từ bi thiết lập phương pháp kỳ diệu cứu độ chúng sanh, phương pháp ấy còn gọi là “phương tiện thiện xảo”.

Trong chữ Phương Tiện Pháp Thân, chữ Phương tiện nghĩa là phương tiện lấy từ bi làm thiện xảo. Trong “Luận Chú” Đàm Loan gọi Phương Tiện là “chánh trực” và “ngoại kỷ”. Chánh trực nghĩa là bình đẳng, không thiên vị trở thành một, Bình đẳng lân mẫn với mọi người. Ngoại kỷ nghĩa là loại bỏ, chỉ dùng tâm đại bi cứu độ tất cả chúng sanh.

I.3.1.3 Nói Về Phương Tiện
Phương Tiện (Upaya) khiến cho ta chú ý về cách dùng phương tiện thiện xảo. Ví dụ, người nghe lời giáo huấn và tu hành theo lời giáo huấn từ từ đến quả vị giác ngộ là phương tiện. Việc tu hành là phương tiện nên cũng có thể nói tu hành phương tiện.

Hơn nữa, giáo lý Phật Đà nói về việc cứu độ chúng sanh có sự phân biệt giữa giáo huấn phương tiện và giáo huấn chân thật. Cũng có thể nói khác, bổn ý của Phật là dành giáo huấn chân thật cho chúng sanh. Nhưng bởi con người chưa thành thục, không thể thọ nhận chân ý cao siêu của Phật Đà, Phật phải dùng phương tiện giáo huấn trong mọi trường hợp. Đây chính là giả định có tính cách phương tiện, mà trong giáo dục phương diện giáo dục cũng đã được dùng đến. Nhưng cuối cùng phải loại bỏ tất cả để trở về với ý chính của Phật. Phương diện giáo dục gọi là quyền giả phương tiện để dạy dỗ có tính cách giai đoạn vậy.

Như vậy, dựa vào Nhứt Như để tồn tại, nhưng trước khổ đau, con người không nhận ra được. Tuy nhiên, Nhứt Như vẫn là Nhứt Như, bởi vì bản chất của sự vật là Nhứt Như bình đẳng. Liễu ngộ bản chất Nhứt Như cộng với tâm đại bi Nhứt Như, Phật vượt qua hạn định của ngôn ngữ, kêu gọi, cứu độ chúng sanh, cũng nhờ đó mà chúng sanh được giác ngộ. Việc nầy gọi là Phương Tiện Pháp Thân. Pháp Thân cũng chính là danh hiệu bổn nguyện của Phật A Di Đà, qua lời gọi mời mong muốn chúng ta đến gần với Ngài.
 

I.3.2 Lắng Nghe Danh Hiệu

Lắng nghe là nghe bổn nguyện và khi nghe không còn tâm nghi nữa.

(Lược bớt phần giải thích theo lối văn Hán-Nhật)

Nghe danh hiệu nghĩa là trở về tánh nghe để nghe bổn nguyện. Chữ “nghe” nghĩa là nghe bổn nguyện với tâm không nghi ngờ; nên gọi là nghe. Hơn nữa, nghe nghĩa là dùng lời nói để biểu hiện đặc sắc của lòng tin về bổn nguyện. (Nhứt Niệm Đa Niệm Văn Ý. Thánh Điển – trong 678).

Giải thích:

I.3.2.1 Sự Nghe Như Thật
Trong quyển hạ kinh “ Đại Thừa Vô Lượng Thọ” nói về sự hoàn thành nguyện thứ 18, có câu văn rằng: “Khi nghe được danh hiệu tín tâm hoan hỷ, cho dù chỉ một niệm”. Vấn đề đặt ra ở đây là “khi nghe danh hiệu”.

Nguyện thứ 17 cũng nói về nguyện thành tựu của chư Phật khi nói về danh hiệu của Đức Phật A Di Đà; và đã đặc biệt ngợi khen ý nghĩa thù thắng khi nghe đến bổn nguyện cứu độ vạn người bình đẳng.

Thế nhưng “nghe danh hiệu” ở đây vừa là cách nghe vừa là thật nghe danh hiệu ấy. Khi nghe Danh hiệu mà không chú tâm, cái nghe ấy gọi là không như thật. Chữ “nghe” trong nguyện thứ 18 cho là “nghe danh hiệu ấy” là nghe không suy tính và lãnh thọ danh hiệu như thật, sự nghe ấy chính là “Không sanh lòng nghi khi nghe bổn nguyện”.

“Không sanh lòng nghi khi nghe bổn nguyện ” nghĩa là tín tâm mà nghe bổn nguyện “danh hiệu khi nghe”. Đây không phải chỉ dùng lỗ tai nghe, cũng không phải là nghe trong sự phân biệt, nghi ngờ, mà nghe và thọ trì không nghi ngờ danh hiệu ấy. Ở đây giải thích rằng sự nghe ấy phải qua niềm tin.

I.3.2.2 Nghe Chẳng Như Thật
Đơn cử ở nguyện thứ 20 nói về việc nghe chẳng như thật rằng: “Mười phương chúng sanh khi nghe đến danh hiệu Ta và nhớ về nước của ta, là trồng được gốc của công đức và nếu muốn sanh về nước Ta nên chí tâm hồi hướng”[113]. Sự nghe trong nguyện thứ 20 nghĩa là đối với danh hiệu có nhiều công đức. Với tâm tỉnh lặng, ai xưng niệm từ nhỏ đến lớn, dần dần trở thành công đức lớn lao. Cho rằng ta vãng sanh khi nghe ấy là sự sai lầm về cái nghe. Giống vậy cũng cùng việc nghe về danh hiệu của Đức Phật A Di Đà, nhưng với lòng đại bi, Phật A Di Đà dùng lời kêu gọi cứu độ, khiến chúng ta nương vào cách nghe danh hiệu một cách chân thật. Ngược lại, không nghe danh hiệu qua lời nói, mà tự đo lường lý luận của mình là hiểu sai. Điều nầy, Thân Loan nói nơi mục “nghi về bổn nguyện”.

Như vậy, tự lực cố gắng và nghe với tâm nghi ngờ gọi là nghe chẳng như thật. Thật là uổng phí! so với bổn nguyện tha lực về việc nghe danh hiệu. Xưng niệm nhằm tích chứa công đức, nguyện được vãng sanh là nghe không như thật. Niệm Phật bằng tự lực của chính mình là tu hành bất như thật.

I.3.2.3 Nghe Tức Tin
Nói cách khác, câu văn ở nguyện thứ 18 rằng: “khi nghe danh hiệu nầy”. Chữ “nghe” ở đây nghĩa là “khi tụng danh hiệu Ta (Nam Mô), tất nhiên sẽ được cứu độ (Phật A Di Đà)”. Đó là việc quy ngưỡng về bổn nguyện. Khi nghe, không so đo tính toán, không nghi ngờ, gọi là nghe chân thật. “Tín Văn Loại” giải thích về sự nghe như sau:

Kinh Điển cho biết “nghe” nghĩa là chúng sanh đối với Phật, nguyện khi nghe không khởi tâm nghi chính là sự nghe[114].

“Phát nguyện sanh khởi bổn mạt” là Bồ Tát Pháp Tạng phát khởi thệ nguyện từ tâm đại bi, bình đẳng cứu độ tất cả chúng sanh dù lành - dữ, hiền – ngu, và nguyện ấy trở thành bổn nguyện tha lực của Đức Phật A Di Đà cứu độ tất cả chúng sanh. Vì vậy, chúng sanh nên giao phó (phú thác) cho bổn nguyện lực của Như Lai, chắc chắn nhờ bổn nguyện ấy sẽ được cứu độ. Như thế, Như Lai cứu độ không tính toán, tất cả những ai nhớ đến danh hiệu bổn nguyện “Nam Mô A Di Đà Phật”. Việc nầy được giảng giải rõ ràng hơn trong “Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ”.

Đồng thời, Như Lai không phân biệt khi nghe danh hiệu “tất cả đều được cứu”, chúng sanh phải không nghi ngờ lúc nghe. Đây mới chính là nghe chân thật, gọi là “Văn Tức Tín”[115]. Nghe được gọi là nghe chân thật chính là nương tựa vào lòng tin như thế.

I.3.2.4 Tin Tức Nghe
Tiếp theo “hơn nữa nghe trở thành lòng tin”. Sự nghe nầy ở nguyện thứ 18 giải thích như biểu hiện đặc sắc về tín tâm đối với tha lực. Hơn nữa, niềm tin nơi bổn nguyện tha lực chính là sự thọ nhận khi nghe danh hiệu không so đo. Niềm tin khi nghe bổn nguyện hay nói khác là lòng tin nơi bổn nguyện được giải thích một cách rõ ràng không phải sự suy nghĩ đóng khung bởi chính mình về lòng tin, mà lòng tin ấy quy ngưỡng về: “xưng danh hiệu ta, tất nhiên ta sẽ cứu độ”.

Khi nghe danh hiệu với tín tâm không so sánh là biểu thị đặc thù của tín tâm về bổn nguyện cũng chính là: “Tín tức Văn”[116]. Niềm tin ấy là sự nghe lời dạy của Như Lai, chứ thật ra không có gì khác hơn cả.

Từ trước đến nay, nói về lòng tin tức nói về hình thức ảnh hiện nơi tâm ta về danh hiệu. Ảnh hiện ấy nghĩa như những chữ phía dưới được chạm nổi có hình tượng và in trên giấy, mà Kagai Senmyo viết như sau:

Nếu viết chữ bên trái thì chữ bên phải sẽ được cứu.

Ngoài ra, được trợ lực bởi niềm tin.

Khi nghe “Niệm danh hiệu Ta tất nhiên được cứu độ (Nam Mô A Di Đà Phật)” không cần so đo suy nghĩ, “chắc chắn yêu cầu được cứu độ (Nam Mô A Di Đà Phật)” bởi vì niềm tin ấy như là ấn hiện, mà tồn tại của niềm tin về bổn nguyện lực hồi hướng, như trước đã nói “Ngoài cái sắc lệnh ra không cần giải thích”. Nói khác hơn Nam Mô A Di Đà Phật chính là sắc lệnh kêu gọi của bổn nguyện hội tụ lại trong niềm tin và đầy đủ tất cả.

I.3.3 Lòng Tin Là Gì?

Lòng tin chính là sự lắng nghe lời thệ nguyện của Như Lai với tâm không nghi hoặc.

(Lược bớt phần giải thích theo lối văn Hán-Nhật)

Quyển hạ Kinh Vô Lượng Thọ đề cập về câu văn của lời nguyện thứ 18 nói rằng: “Tín tâm hoan hỷ cho đến một niệm”. Tín tâm ở đây có nghĩa là khi nghe đến bổn nguyện của Như Lai, không có tâm nghi ngờ gì cả. (Nhứt Niệm Đa Niệm Ý – Thánh Điển – trang 678).

Giải thích:

I.3.3.1 Ngôn Ngữ Của Lòng Tin
Thân Loan định nghĩa tín tâm là “tâm không nghi ngờ về bổn nguyện”, nói cách khác là không có tâm nghi. Giống như thế trong “Tín Văn Loại” giải thích rất rõ về chữ và nghĩa của các pháp, gọi là: “Không nghi tầm bậy, chỉ một lòng tin tưởng” mà phải thật sự vui vẻ, tin tưởng nơi bổn nguyện thành tựu. Cả tín tâm và tín nhạo tiếng Phạn gọi là Purasada, cũng được dịch là lòng tin thanh tịnh, tịnh hóa tâm. Thông thường, tùy theo tiếp nhận lý giải thích lời dạy của Phật một cách chánh đáng, tâm ta trở nên thanh tịnh, trong tâm ấy niềm tin được hình thành.

Nhưng Thân Loan cho rằng: “Không nghi tầm bậy gọi là tín nhạo”. “Nghi” còn gọi là “nghi cái” nghi ngờ, che lấp, chỉ cho phiền não, chỉ cho chân lý bị che khuất, đặc biệt chỉ cho tâm nghi bổn nguyện cứu độ, chỉ cho bổn nguyện cứu độ bị che khuất. Chữ “cái” có nghĩa là “đậy lên, phủ lên cái gì đó”. Tâm nghi ngờ bổn nguyện, giống như ly nước bị đậy, làm cho nguyện lực không thể đến với tâm bị so đo tính toán che khuất. Điều đó được dạy rằng:

“Nghi ngờ che khuất trạng thái niềm tin giữa Như Lai và chúng ta”.

Như vậy tín tâm nơi lời nguyện thứ 18 là trạng thái “tâm không có nghi ngờ về bổn nguyện”. Bổn nguyện ấy là pháp chân thật[117]. Được vậy, tín tâm sẽ tỏ thông, hồi hướng đến Như Lai. Thật vậy, tín tâm chính là phần trên của tâm được mở rộng, không phải do tưởng tượng, mà xuất phát từ lòng đại bi Như Lai mong ta sanh về Tịnh Độ. Nhờ giáo lý bổn nguyện đi sâu vào tâm thức, từ đó ảnh hiện lên trí tuệ, con đường Tịnh Độ và Niết Bàn.

I.3.3.2 Đo Lường về Tự Lực
Thân Loan cho rằng sở dĩ nghi ngờ bổn nguyện vì “đo lường tự lực”. Đo lường nghĩa là: “phân biệt, phán đoán” hoặc “chính mình suy nghĩ về mình như thế như thế!” cũng gọi “xử trí cho thích nghi”. Với Thân Loan đo lường theo cách dùng thông thường là xử trí một cách thích nghi. Hơn nữa như nói “đo lường về Như Lai” dùng chữ nầy với ý nghĩa có tính khẳng định. Từ kẻ phàm phu cho đến Bồ Tát Di Lặc “chẳng có ai là đo lường về bổn nguyện bất tư nghì nầy cả”. Mà “tất cả đều lìa sự đo lường”. Đây chính là cách phân chia để sử dụng ba loại phủ định như trên.

“Nghi ngờ về bổn nguyện” đồng nghĩa với “tính toán về sự gặp gỡ”. Trong trường hợp không nói sự đo lường nằm ở ý thứ ba theo cách lý giải thông thường sanh và tử, thiện và ác…, là những sự phân biệt lý giải cố hữu. Thật ra, thiện ác không còn, tất cả chúng sanh đều được cứu độ một cách bình đẳng. Cho nên nói: “hãy sanh về Tịnh Độ” vượt lên khỏi suy nghĩ của con người và lời dạy của bổn nguyện. Còn suy nghĩ của mình, phê phán, xử trí cho thích nghi v.v.. tất cả đều là đo lường của tự lực. Còn bổn nguyện bất khả tư nghì không còn nghi ngờ xuất hiện vây quanh cũng như không còn những sự giải thích riêng lẽ về tự lực của mình, đây chính là cái nghi bị che đậy lên hay nói đây là nghi hoặc.

Thông thường theo Phật Giáo, nghi nghĩa là năng lực phán đoán về sự vật không đích xác, còn do dự và suy nghĩ không quyết định, cũng là ý nghĩa phán đoán của con người chưa đầy đủ. Thế nhưng, nghi hoặc bổn nguyện biểu hiện trạng huống vô hiệu về năng lực phán đoán, năng lực lý giải của con người. Nghi hoặc bổn nguyện nếu nói theo lối thông thường, là sai ngay từ ban đầu. Ngược lại nghi ngờ là niềm tin. Người không có tín tâm đương nhiên bị người đời phê phán không có niềm tin. Nói chung, Phật Giáo cho rằng đây là sự sai trái nhất thuộc về lãnh vực niềm tin vậy.

I.3.3.3 Tâm Mệnh Chung và Thân Mệnh Chung
Nghe lời thệ nguyện bất khả tư nghì như thế, không cần dùng đến năng lực của chính mình để phê phán và suy nghĩ nữa, hãy dùng tâm trống rỗng thọ nhận, quy ngưỡng về bổn nguyện của Phật A Di Đà, mà Thân Loan gọi là không nghi ngờ nữa, hoặc cho là lìa khỏi sự tính toán. Trước bổn nguyện của Phật A Di Đà, chúng ta tự mình xả bỏ tất cả những hý luận, lý giải, mà sự xả bỏ ấy nghĩa là chỉ nghĩ về bổn nguyện mà thôi. Với ý nghĩa ấy, hơn một lần chính mình đi tìm tâm mình khi chết, mà bằng tự lực đơn độc, con đường thoát khổ vẫn không mở ra.

Trong phần đầu của tác phẩm “Ngu Ngốc Sao” Thân Loan cho rằng: “Tín nhận bổn nguyện, trước khi lâm chung (lược bớt) niệm danh hiệu, sẽ được vãng sanh, ngay tức khắc được sanh về”[118]. Phút lâm chung, tin tưởng và thọ nhận bổn nguyện nghĩa là đo lường sự chết. Còn tức đắc vãng sanh và hậu niệm tức sanh nghĩa là được Như Lai dùng bổn nguyện tha lực hộ niệm và chiếu ánh quang minh nhiếp thủ bất xả. Thế thì thành Phật là đương nhiên và sẽ nhập vào Chánh-định Tụ[119] sống một đời sống mới của Như Lai.

Dựa theo ý đó, trong “Tối Yếu Sao”[120] Giác Như cho rằng phải lìa khỏi sự tính toán của tự lực gọi là “tâm mệnh chung”. Khi lâm chung xả bỏ uế thân. Đây gọi là “thân mệnh chung”. Trong một ý nghĩa nào đó về tôn giáo còn gọi là sự chết là tâm mệnh chung, bởi vì lúc ấy chúng ta nhập vào lãnh vực Chánh định Tụ và có một cuộc sống mới khác[121].

I.3.3.4 Quy Ngưỡng Về
Nghe sắc mệnh lời gọi bổn nguyện nầy, tâm không nghi ngờ và cũng không tính toán, một lòng tùy thuận quy ngưỡng và nhờ lòng tin, tâm biểu hiện tùy thuận, như Thiện Đạo trong “Tín Văn Loại”, có “Lời Ví Dụ Về Nhị Hà Bạch Đạo” và “bây giờ tùy thuận tin theo ý của hai Ngài”. Niềm tin là sự thuận tin theo cũng có nghĩa là tùy thuận. Nếu đi theo con đường nầy, theo lời chỉ dạy của Đức Thích Ca, con đường sẽ dẫn đến sự mời gọi của Phật A Di Đà, không tính toán mà tùy thuận. Nam Mô A Di Đà Phật chính là con đường trắng của nguyện lực dẫn chúng ta trở về với niềm tin.

Trong: “Tôn Hiệu Chơn Tượng Minh Văn” Thân Loan cho rằng: “hãy trở về với sắc mệnh của Như Lai” rõ ràng là sự tùy thuận không so đo và quy mệnh đúng nghĩa về lời dạy của Như Lai. Nguyên ngữ của chữ tín tâm là Purada. Còn chữ quy mệnh là Namu. Nguyên thủy hai chữ nầy riêng biệt, nhưng theo Thân Loan cả hai đều “quy ngưỡng về Đức Như Lai”, mà Thân Loan dùng hai từ nầy cùng một ý nghĩa giống nhau.

I.3.3.5 Sự Yêu Cầu
Hơn nữa, đôi khi Thân Loan dùng chữ tín tâm theo văn Nhật Ngữ, là yêu cầu, mong muốn. Đầu tiên “Duy Tín Sao Văn Ý” cho niềm tin là “mong muốn nơi bổn nguyện tha lực và lìa khỏi tự lực”. Ở đó, tín tâm là xả bỏ mọi toan tính của tự lực và nương nhờ vào (yêu cầu đến) bổn nguyện tha lực. Hơn nữa, “Hành Văn Loại” giải thích ý nghĩa sáu chữ là trở về. Chữ “quy thuyết giả” là trở nên, mong muốn quay về, cũng có nghĩa là toan tính, đo lường. Theo “Bổn Nguyện Chiêu Hoán Sắc Mệnh” niềm tin là sự biểu hiện trạng thái giao phó trọn vẹn thân ta.

Chữ “yêu cầu” theo từ điển hiện thời định nghĩa là “từ đó làm thành, làm cho, tạo niềm tin, nương thân vào đó, khẩn nguyện”. Theo cách dùng của Thân Loan, trong trường hợp nầy hầu như không có nghĩa khẩn nguyện. Có thể ông ta dùng theo cách hướng về và giao trọn vẹn, cũng có thể là giao thân mạng nầy hết cho Như Lai, hay là với ta không có Phật trí nên cầu xin cái bất tư nghì của Phật trí, hoặc là xả bỏ tâm yêu cầu, vì nơi tự thân tích chứa nhiều căn lành phước đức; hay cũng có nghĩa là yêu cầu nương nhờ về bổn nguyện lực. Dẫu Thân Loan có so sánh ý nghĩa của tôn giáo đi chăng nữa, sự cứu độ của Như Lai theo lời nguyện cầu ấy, rõ ràng không phải là tín tâm.

Chỉ có như thế sao? Pháp Nhiên cũng đã tin như vậy. Nhưng Thân Loan chắc chắn dùng chữ yêu cầu theo chữ Hán nghĩa là “bằng”, nghĩa là nương tựa, nhờ cậy, cho nên nói: “nhờ cậy, nương tựa vào hoằng thệ của Đại Bi”. Ngoài chữ nầy ra, không có chữ nào khác có thể thay thế cho đủ nghĩa hơn. Chữ bằng nghĩa là người ấy ở trạng thái không thể rời khỏi được mà phải cần nương tựa, như “xin nương tựa vào đó, giao hết thân mệnh cho đó, giao trọn vẹn”, mà ý nghĩa khẩn nguyện hoàn toàn không dùng đến. Trong khi đó, Liên Như cho rằng tín tâm là “mong mỏi nơi Phật A Di Đà”, cũng là cách dùng chữ theo lối cũ mà thôi.

I.3.3.6 Niềm Tin Là Sự Chân Thật
Hơn nữa, Thân Loan cho rằng niềm tin là chân thật. Phần đầu của “Tín Văn Loại” giải thích rằng “Tín có nghĩa là trở thành chơn, trở thành thật”. Nguyên ngữ, theo tiếng Trung Hoa, là lìa nói dối, hư ngụy gọi là chơn. Chơn có nghĩa là thật. Tín được hiểu là chân thật. Với Thân Loan, niềm tin thường liên hệ chặt chẽ với chân thật. Chân thật của Như Lai là Trí Tuệ. Nếu niềm tin không đồng nghĩa như thật không phải là niềm tin. Nguyên thủy chữ tín nghĩa là chơn chánh.

Nói khác hơn, theo Thân Loan tín tâm nghĩa là “nương vào bổn nguyện tha lực”, mà bổn nguyện ấy chính là sự chân thật, tuyệt hảo vậy. Không nghi ngờ gì nữa để nương tựa và thiết lập niềm tin nơi ấy.

“Đạo Hiệu Chơn Tượng Minh Văn” giải thích nguyện thứ 18 phần chí tâm tín nhạo rằng “Chí tâm làm cho chân thật mà sự chân thật ấy là sự gần gũi Đức Như Lai, để chí tâm trở thành chân thật, bởi vì chúng sanh dẫy đầy phiền não không có tâm chân thật, không có tâm thanh tịnh, chỉ có những ác trược, tà kiến. Tín nhạo nghĩa là tiến đến bổn nguyện chân thật của Như Lai, không khác, có niềm tin sâu sắc, không nghi ngờ là tín nhạo”[122]. Đây chính là sự biểu hiện của tâm vậy.

I.3.4 Hiện Sanh Chánh Định Tụ

Người có tín tâm chân thật, sẽ được nhiếp thủ bất xả và ở vào ngôi Chánh Định Tụ.

(Lược bớt phần giải thích theo lối văn Hán-Nhật)

Kẻ có lòng tin chân thật, được nương cậy vào bổn nguyện tha lực của Đức Phật A Di Đà, được lợi ích nhiếp thủ bất xả chắc chắn sẽ thành Phật và ở vào ngôi Chánh Đinh Tụ. Hơn nữa, khi lâm chung chờ đợi được đón về. Với niềm tin ấy, quyết định sẽ được vãng sanh. Ngoài ra lúc lâm chung sẽ được đón rước là điều cảm nhận được, chứ không cần thiết là một nghi thức phải có khi lâm chung. (Thân Loan Thánh Nhơn Ngự Tiêu Tức – Thánh Điển – trang 735).

Giải thích:

I.3.4.1 Nói Về Nghiệp Lúc Lâm Chung
Qua lời dạy của Thân Loan, có một chỗ đáng lưu ý là với những ai không nghi và tin tưởng nơi bổn nguyện, được lợi ích liền đó, được nhiếp thủ bất xả. Niềm tin lúc bình thường là vãng sanh thành Phật, thân nầy nhứt định trở thành Hiện Sanh Chánh Định Tụ thuyết và dùng năng lực ấy để thuyết pháp. Điều nầy từ xưa đã là suy nghĩ bình thường của giáo lý Tịnh Độ. Khi lâm chung nhất định được tiếp dẫn vãng sanh là phủ định tư tưởng đặc thù của thuyết hoán chuyển.

Thân Loan, những người bình thường theo Tịnh Độ Giáo và hầu như tất cả môn hạ của Pháp Nhiên đều tin chắc rằng được vãng sanh ngay trong đời nầy và rất ít người tin thuyết về “Hiện Sanh Bất Thoái”[123], bởi vì không ai cho rằng trong đời nầy quyết định vãng sanh thành Phật, chứng vào ngôi vị Chánh Định Tụ. Những người ấy tin nương vào tự lực niệm Phật, xác định chỉ thực hành như thế mới có thể được.

Như vậy giữa cả hai điều tin tưởng ấy, điều nào là đáng tin hơn? Đây là điều mà con người để niềm tin của mình ở bên ngoài công kích và bẻ cong niềm tin. Hoặc tự mình tạo tội, bị dao động trước việc tin tưởng chính xác kia, hoặc có trường hợp bị bệnh, nhưng không tin nên không niệm Phật. Trong cuộc sống giới hạn nầy, khó nói được làm thể nào để có thể bất thoái chuyển, cho nên đến khi lâm chung như vết dầu loan không gián đoạn phải niệm Phật, nhờ không mất chánh niệm lúc lâm chung vì luôn luôn niệm Phật, cuối cùng cảm nhận ánh sáng của Như Lai chiếu đến nghinh tiếp và nghĩ rằng đây là vãng sanh nhưng vẫn phải mang theo nhơn nghiệp của mình, gọi là thuyết “Lâm Chung Nghiệp Thành” vậy.

Đối với thuyết “Lâm Chung Nghiệp Thành” nầy, Thân Loan cho rằng thuyết “Hiện Sanh Chánh Định Tụ” hơn, vì không chờ lúc lâm chung mà với niềm tin lúc bình sanh cũng có thể quyết định vãng sanh, do cái nghiệp vẫn còn làm nhơn. Đây là chủ trương của Giác Như và Trưởng Nam, Tồn Giác gọi là thuyết “Bình Sanh Nghiệp Thành”.

I.3.4.2 Chánh Định Tụ Nghĩa Là Gì?
Có nhiều ý nghĩa giải thích về Chánh Đinh Tụ. Căn cứ theo Thân Loan, từng bộ phận được giác ngộ lý Chân Như và khai mở Trí Tuệ Vô Lậu, vượt khỏi Tam Giới[124], đoạn trừ hết tất cả mê hoặc phiền não thương ghét, chứng địa vị Sơ Địa trở lên của Bồ Tát, gọi là những bậc Thánh, với chân lý là bậc Chánh Trí[125], quyết định thành Phật, làm bạn với các bậc Thánh, nhập vào Chánh Định Tụ nghĩa là đã vãng sanh về Tịnh Độ. Thật khó mà thực hiện trong một đời được!

Thế nhưng, khi nói về tín tâm của các hành giả ở vào ngôi vị Chánh Định Tụ, Thân Loan cho rằng ngay cả những kẻ phàm phu hay vừa vào hàng Thánh cũng có thể thành tựu vì nương vào ân đức Phật, bởi vì giống như “lửa phiền não thiêu đốt, nhưng lửa ấy sẽ tiêu đi”. Như vậy, Thân Loan khẳng định rằng trong ngôi Chánh Định Tụ vẫn có những phàm phu như thường, bởi vì phàm phu lấy tín tâm để hồi hướng đến Như Lai, tâm Phật ấy ở vào vị trí trí tuệ vô lậu. Nhờ lòng tin bổn nguyện mà kẻ ấy khi chết dầu ngu si hay còn phàm phu đầy phiền não vẫn có cơ duyên ở vào ngôi Chánh Định Tụ và Vô Lậu Trí, nhờ thọ nhận ân đức Phật. Kẻ phàm phu ấy cũng đồng là bậc Thánh, vì nương vào ân đức vậy.

I.3.4.3 Sự Lợi Ích của Nhiếp Thủ Bất Xả
Một lần nữa nói về Chánh Định Tụ, Thân Loan lại chủ trương rằng ai có niềm tin hiện đời được lợi ích. Đơn cử kẻ có niềm tin được lợi ích bằng nhiếp thủ bất xả rằng: “Ai chân thật tín tâm sẽ được nhiếp thủ bất xả, sẽ ở ngôi Chánh Định Tụ” mà điều nầy thỉnh thoảng vẫn được nhắc đi nhắc lại.

Lợi ích của nhiếp thủ bất xả là với tâm vượn lên, tin tưởng bổn nguyện niệm Phật vãng sanh, liền lúc ấy Như Lai dùng ánh quang minh chiếu đến nhiếp thủ và hộ niệm, nhờ vậy được lợi ích nhiếp thủ. Thân Loan cho việc nầy là “nắm chặt lấy người, không hề buông bỏ”. Đối với hành giả có tín tâm, thấy không bị bỏ rơi và quyết định khi lâm chung trong một niệm, tiếp tục giữ gìn và chắc chắn nhờ tín tâm như thế quyết định không thoái chuyển. Vãng sanh thành Phật là cái nhơn, mà với niềm tin không thoái chuyển ấy, kẻ có niềm tin sẽ ở vào nơi bất thoái chuyển, nhập vào Chánh Định Tụ.

I.3.4.4 Trật Tự Của Như Lai
Những chúng sanh niệm Phật được nhiếp thủ bởi ánh quang minh và lòng từ bi trí tuệ của Phật A Di Đà nghĩa là cội nguồn căn bản của trí tuệ từ bi của Như Lai rất trật tự. Những kẻ với phiền não dẫy đầy vẫn là phàm phu và ở dưới trật tự của Như Lai, nghĩa là tồn tại của mỗi cá thể phải được đặt đúng vị trí. Hay nói khác hơn, với lòng từ bi trí tuệ của Phật A Di Đà, vô minh và phiền não đóng lại. Nhưng nếu sống trong đời sống không có ý nghĩa, không có phương hướng, chúng ta trở nên hổn loạn, vô trật tự. Do vậy, phải cần có ý nghĩa mới về cách sống ấy, đó chính là việc khai mở cảnh giới, an trụ có trật tự trong lãnh vực tinh thần. Biến hổn tạp thành trật tự chính là cứu độ. Với ý nghĩa đó, Phật A Di Đà là chỗ nương tựa chân thật và có trật tự tuyệt đối. Như vậy, giáo hóa chúng sanh trong mười phương niệm Phật nghĩa là chỉ (dạy) cho họ một tinh thần mới về trật tự, mà Như Lai che chở trong trật tự của Như Lai vậy. Đây chính là hình ảnh của Phật A Di Đà “Tận Thập Phương Vô Ngại Quang Như Lai”.

Chúng sanh trong mười phương theo ánh sáng và lời nói chân thật ấy được vãng sanh Tịnh Độ (vãng tướng). Nếu chân thật đến vô cùng, nguyện lực của hoại tướng biến khắp mười phương thế giới. Hoặc hình ảnh của Đức Phật, hoặc kẻ sẽ thành Bồ Tát, được nghe lời dạy từ thiên biến vạn hóa, từ đó tạo ra một phương hướng mới cho những chúng sanh vẫn còn hổn tạp bởi vô minh, phiền não. Với lòng từ bi trí tuệ, Như Lai tạo cho họ một đời sống mới có trật tự. Đây chính là sự giáo dục cho những hành giả thuộc về vãng tướng, cũng gọi là hoại tướng.

Những hành giả có tín tâm mà thân vẫn đầy dẫy phiền não được Đức Phật A Di Đà dùng ánh sáng nhiếp thủ và quyết định thành Phật chính là hình ảnh nhiếp thủ vĩ đại trong trật tự của Tận Thập Phương Vô Ngại Quang Như Lai. Trong sự giác ngộ cũng có trật tự, đây chính là ý nghĩa của tồn tại của mỗi người qua phương hướng của Như Lai, mà Thân Loan gọi là “Lợi ích không lường của Chánh Định Tụ”.

I.3.4.5 Vào Trong Chúng Hội
Trong “Tịnh Độ Luận” và “Luận Chú” Thân Loan nói về những hành giả niệm Phật, gọi họ là những người trong đời “đang nhập chúng đại hội”. Chúng đại hội là những thính chúng ở Tịnh Độ, tề tựu tại giảng đường lớn, nghe Phật A Di Đà thuyết pháp. Trong “Chánh Tín Kệ” gọi là “nếu quy nhập về công đức đại bảo hải, chắc chắn bao gồm trong chúng hội”. Công đức đại bảo hải là thế giới bổn nguyện, mà gởi thân vào đó là những người đang sanh và được ngồi nghe Phật A Di Đà thuyết pháp cho đại chúng. Tuy rằng, còn là phàm phu dẫy đầy phiền não, nhưng nhờ sự hộ trì phóng ánh quang minh chiếu dọi nhiếp thủ của Phật A Di Đà, hành giả vẫn luôn luôn tiếp tục được nghe lời chỉ dẫn cũng như gọi mời thuộc về bổn nguyện của Phật A Di Đà, ngay bây giờ được Phật A Di Đà rước vào chỗ ngồi. Đây là điều có thể, mặc dầu vẫn còn ở nơi uế độ vừa vãng sanh, nhưng vẫn có thể nhập vào trong đại chúng của Tịnh Độ nghe pháp.

I.3.5 Giống Như Đức Như Lai

Đồng với Phật Di Lặc và người đã nhập Chánh Định Tụ ngang hàng với Như Lai

(Lược bớt phần chú thích theo lối Hán-Nhật).

Bồ Tát Di Lặc sẽ thành Phật, có nhơn hạnh viên mãn, gần địa vị của Phật. Ngài cũng là Bồ Tát Đẳng giác, có Đức hoàn toàn giống như Phật. Là một vị Phật trong tương lai, Ngài có hiệu là Di Lặc. Ở đây, những hành giả có niềm tin, với nhơn thành Phật đầy đủ, chắc chắn sẽ thành Phật như địa vị của Phật Di Lặc. Hành giả tín tâm đang ở vào vị trí Chánh Định Tụ và giống với các vị Đẳng giác Bồ Tát, được gọi là “giống như Như Lai”.

Hành giả tin tưởng Tịnh Độ cho đến khi chết, những phiền não dày mỏng được hộ niệm, tuy vẫn còn tiếp tục với thân phàm phu dẫy đầy ác nghiệp đã tạo; nhưng Đức Như Lai dùng trí tuệ từ bi chở che cho những người có niềm tin ấy, cho nên tâm họ giống với tâm Như Lai. Ngoài ra, nên biết rằng tín tâm của hành giả ấy là “những người giống với Như Lai”. (Thân Loan Thánh Nhơn Ngự Tiêu Tức – Thánh Điển – trang 758).

Giải thích:

I.3.5.1 Giống Như Đức Di Lặc
Thân Loan cho rằng những chúng sanh niệm Phật nhờ vào ân đức Trí Tuệ của Như Lai, có được niềm tin như Kim Cang, tạo nhân thành Phật, như Bồ Tát ở địa vị Nhất Sanh Bổ Xứ. Nhất Sanh Bổ Xứ có nghĩa là hết đời bây giờ rồi, sẽ thành Phật ở đời sau, mà địa vị ấy gọi là Bồ Tát ở giai đoạn cuối cùng trước khi thành Phật. Điển hình Bồ Tát Di Lặc, vị kế tục Phật Thích Ca, cho nên gọi là Nhất Sanh Bổ Xứ hay Bổ Xứ Di Lặc, mà danh hiệu thường được gọi dành cho vị Phật tương lai nầy là Phật Di Lặc. Hành giả tín tâm kia cùng đồng với địa vị của Đức Di Lặc vậy.

Bây giờ, Bồ Tát Di Lặc vẫn còn ở cõi Trời Đẩu Suất sẽ thành Phật sau một đời, gồm năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn năm nữa.[126] Như vậy, những chúng sanh niệm Phật chỉ cần một đời nữa thôi sau khi mạng chung sẽ trở thành Phật. Sự thành Phật nầy so với Đức Di Lặc Bồ Tát còn nhanh hơn nữa. “Chánh Tượng Mạt Hòa Tán” có thơ rằng:

 Năm sáu ức bảy ngàn năm

 Bồ Tát Di Lặc ra đời

 Ai tín tâm đầy đủ

 Lúc ấy thành giác ngộ[127]. 

Thật là sự tường thuật từ đáy lòng vậy!
 

I.3.5.2 Đẳng Và Đồng
Thân Loan cho rằng nơi đến của những hành giả tín tâm giống với địa vị Bồ Tát Di Lặc, nhưng không thể nói chắc là giống với Như Lai. Trong Phật Giáo, thường hay dùng chữ đẳng và chữ đồng với những trường hợp có ý nghĩa giống nhau. Chữ đẳng nghĩa là có khác biệt, điển hình như Đẳng giác, khi nói đến Phật. Trường hợp Đẳng Giác hay Đẳng Chánh Giác nghĩa là “theo chân lý, người bình đẳng với vạn vật”. Trong trường hợp nầy, đẳng và bình đẳng lại giống nhau, song trường hợp ngôi vị tối cao của Bồ Tát, Đẳng Giác và Chánh Đẳng Giác nghĩa là: “Đức của bậc Chánh Giác (quả vị) là Phật Đà hoàn toàn giống như Bồ Tát (nhơn vị)”. Chữ đẳng nghĩa là hoàn toàn giống. Song khi biểu thị hành vi của Bồ Tát, có sự phân biệt rõ ràng Đẳng Giác là địa vị tối cao của Bồ Tát; còn Diệu Giác là địa vị của Phật Đà.

I.3.5.3 Như Lai và Sự Bình Đẳng
Những người niệm Phật được gọi giống địa vị Đẳng giác của Bồ Tát Di Lặc và cũng gọi giống Như Lai, nhưng chắc chắn là không đồng với Như Lai. Người niệm Phật một khi nhơn viên mãn, chỉ thành tựu nhơn vị tối cao của Bồ Tát mà thôi, đó là Đẳng Giác, Bồ Tát Nhứt Sanh Bổ Xứ. Dẫu sao, đó chỉ là nhơn ban đầu, chứ không phải là quả vị Phật.

Ai hoàn thành công đức xưng danh hiệu Phật đi nữa, nhưng vẫn còn phiền não vô minh sót lại làm sao được chấp nhận là Phật. Chúng ta những người dẫy đầy phiền não, sống trong cuộc đời nầy vốn là phàm phu, may mắn biết niệm Phật, được Phật cứu độ, nhưng vẫn không phải là người cứu độ được. Bất cứ giá nào, cũng niệm Phật, quy ngưỡng, tán dương công đức của Phật cho nên với ý nghĩa đó, khi ta niệm danh hiệu Phật, biết rõ giáo huấn nghiêm khắc của Thân Loan về lập trường của người cứu độ[128].

Người niệm Phật được Như Lai nâng lên cao, mặc dầu vẫn là còn phàm phu dẫy đầy phiền não, chắc chắn thân nầy sẽ được vãng sanh với sự giúp đỡ che chở của trí tuệ Như Lai. Công đức trí tuệ ấy có thể được gọi là công đức Phật, không sai chút nào. Thế nhưng, người niệm Phật là nhơn thành Phật, được đưa lên cao, nhờ công đức của Phật. Ví dụ như hạt giống đậu nành kết quả thu hoạch được từ năm trước nhưng lại là nhơn của việc gieo hạt vào đất trong năm nay. Nếu không gieo đậu nành, không thu được đậu nành. Nếu không có nhơn từ bi và trí tuệ của Phật Đà, chắc rằng ta không thành Phật được. Người niệm Phật nhờ quả công đức của Như Lai tạo ra nhơn thành Phật cho mình về sau.

I.3.5.4 Trở Thành Bậc Trang Nghiêm
Nếu không phải là Phật, sẽ không cho ta trí tuệ Phật, bởi vì không phải là người phàm phu, cho nên Phật trụ trong Tịnh Độ Niết Bàn, chỗ trang nghiêm tốt đẹp nhất, thực hiện lời hứa dành cho các Bồ Tát Nhứt Sanh Bổ Xứ. “Quán Kinh” dùng hoa Phân Đà Lợi (hoa sen trắng) làm từ hình tượng dùng để tán dương công đức của Phật, còn tán dương người niệm Phật, ngài Thiện Đạo gọi là chơn Phật Tử. Trong “Thân Loan Thánh Nhơn Ngự Tiêu Tức”[129] Thân Loan tán dương người niệm Phật một cách tương đối, bằng kệ tôn kính rằng: “đó là những kẻ đồng hành, không nghèo khó”. Lại còn cho rằng: “chính là những kẻ đồng minh với tấm lòng rộng mở, trong cuộc đời nầy có người rõ biết như thế”. Như vậy đồng hành không phải là người bị khinh miệt, mà chính là người bạn đạo trở nên thân thiết khi tu học.

I.3.6 Trừ Những Kẻ Ngũ Nghịch Hủy Báng Chánh Pháp

Nghi ngờ với người mang tội ngũ nghịch và nặng nhất là sự hủy báng chánh pháp.

(Lược bớt phần giải thích theo lối Hán - Nhật)

Phần sau của lời nguyện thứ 18 viết rằng“chỉ trừ kẻ tạo tội ngũ nghịch và người hủy báng Chánh pháp, không cứu được". Ở đây thấy chữ “duy trừ” có nghĩa là “chỉ trừ” và nghi ngờ kẻ tạo tội ngũ nghịch và kẻ hủy báng Chánh pháp. Bởi vì đây là những tội rất nặng. Như vậy, tội ngũ nghịch và hủy báng là những trọng tội phải biết rõ. Nhưng nếu chính mình thừa nhận tội của mình làm, có sự hồi tâm sẽ được cứu độ vì tất cả chúng sanh trong mười phương thế giới đều được cứu độ, không bỏ sót một người nào cả. (Tôn Hiệu Chơn Tượng Minh Văn – Thánh Điển – trang 644).

Giải thích:

I.3.6.1 Tội Ngũ Nghịch
Thiện Đạo cho rằng câu văn trong lời nguyện thứ 18 là câu văn gò ép, bởi vì ai có niềm tin niệm Phật tất nhiên sẽ được đón về Tịnh Độ, tại sao loại trừ những kẻ tạo tội ngũ nghịch và những kẻ hủy báng Chánh pháp, như vậy có sự giới hạn trong việc vãng sanh. Tội ngũ nghịch là năm loại tội phản nghịch có ác ý như: giết cha, giết mẹ, giết A La Hán, có ác ý làm thân Phật ra máu và phá hòa hợp Tăng. Như thế, ân nghĩa sâu xa nhất trong đời mà ta không quên là cha và mẹ mà còn phản nghịch, bội ân đúng là tội nghịch. Còn A La Hán, Phật và Tăng Đoàn là chỗ dựa an lạc vĩnh viễn cho mình, không chỉ riêng mình mà tất cả mọi người ai ai cũng tôn kính tha thiết quý trọng, nhưng lại có ác ý muốn giết, làm bị thương và phá hòa hợp. Do vậy, dù là mạt sát mình hay người khác cũng phạm tội phản nghịch, nói gọn là nghịch tội.

Nếu ai phạm vào tội ngũ nghịch tức là tự tay mình cắt đứt lấy mạng sống mình và chính mình phá hoại tâm của mình cho nên vĩnh viễn không được an ổn. Theo kinh luận, những ai phạm tội ngũ nghịch nghĩa là phải đọa lạc vào vô gián địa ngục[130] bị treo chúc đầu xuống và chân ngược lên. Tự mình đi tìm cầu an ổn mà cũng tự mình có những hành động phá hoại an ổn ấy.

I.3.6.2 Phỉ Báng Chánh Pháp
Hủy báng Chánh pháp có nghĩa là hủy báng Phật-pháp. Phủ định tính cách chân lý. Thân Loan nói rằng: “Phủ nhận Phật; phủ nhận giáo lý cao siêu của Phật; phủ nhận những người vâng theo lời dạy của Phật, sống thực hành con đường Bồ Tát đạo; phủ nhận cách sống của Bồ Tát theo chơn lý, gọi là hủy báng”. So với tội ngũ nghịch, tội phủ nhận Chánh pháp thuộc về tội báng pháp nặng hơn.

Đức Phật được dịch là người giác ngộ, bậc Chánh Giác. Chính tự mình tỏ ngộ, giúp những người mê muội giác ngộ chân thật. Liễu ngộ chơn lý chân chánh, vượt khỏi sanh tử, cũng như chỉ rõ cho con người biết về sự sống, chết[131]. Những lời dạy của Phật gọi là Phật-pháp. Cả hàng vạn người tùy theo từng hoàn cảnh tự - tha, thực hiện giáo lý chơn chánh được an lạc. Bồ Tát có nghĩa là những vị tuân theo lời dạy của Phật, tu hành theo con đường Bồ Tát đầy thiết thực và thực tiễn, mà đại diện cho thực tiển ấy là những Bồ Tát gồm đủ bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ[132], sáu pháp Ba La Mật, điển hình về những phương pháp thực tiển. Đây chính là nội dung tu hành của Bồ Tát Pháp Tạng, trong “Đại Kinh” có nói rõ, mà Phật Thích Ca tán dương công hạnh ấy, song ai hủy báng pháp nầy là những người phủ định pháp của Bồ Tát.

Những kẻ hủy báng Chánh pháp không những chỉ là những người tự mình làm mất đạo lý, mà mê hoặc ngày càng dày hơn, căn bản tâm chơn chánh của con người bị đoạt mất, nghĩa là người đánh mất căn bản đạo lý. Đánh mất căn bản đạo lý, không còn hiểu biết thế nào là sống đúng tư cách của một con người, phá hoại thế quân bình của tay lái, đứt thắng xe khi có nguy cơ tuột dốc. Chấp ngã làm cho mình bị tuột dốc khó quay trở lại, đồng thời làm cho những kẻ khác phá hoại tự - tha trên con đường đang bước tới.

Như vậy, tội ngũ nghịch là trọng tội, trời không dung, đất không tha, nặng nhất chính là tội hủy báng Chánh pháp, Đàm Loan nói như thế. Thật ra, chẳng còn gì và chẳng có gì để nói nữa, bởi vì đối với những lời dạy về đạo lý như thế mà không còn cảm nhận quả là phủ định đạo lý, dường như cảm giác đã bị tê liệt, kiến giải đã trở thành cực đoan trong quan niệm đúng - sai rồi. Đó là tội ngũ nghịch. Như vậy những ai tạo tội hủy báng Chánh pháp và tội ngũ nghịch sẽ sống cô độc trong thế giới không có Phật-pháp, cho nên không biết nguyện sanh về Tịnh Độ, không nhận được cứu độ của Chư Phật. Nghĩa chữ “ngoại trừ” rõ như vậy.

I.3.6.3 Nếu Hồi Tâm Sẽ Được Vãng Sanh
Cũng trong giới hạn của lời nguyện thứ 18 nói rằng: “Chỉ trừ những người tạo tội ngũ nghịch và kẻ hủy báng Chánh pháp không cứu được”. Đây chính là ý nghĩa trọng đại mà Phật muốn nhấn mạnh, như Thân Loan đã cho thấy. Chữ trừ nầy có nghĩa là “Phật chê trách kẻ tạo tội ngũ nghịch và hủy báng Chánh pháp là một tội trọng chăng? Nên rõ biết điều nầy”.

Đành rằng kẻ hủy báng Chánh pháp, tạo tội ngũ nghịch là kẻ hoàn toàn phi đạo và ác hạnh, nhất là những người hủy báng Phật Giáo, nhưng phải xem ngoại lệ đối với những kẻ tin lời nói của chính mình là đúng, chỉ phạm vào một loại xác tín khác, vì họ biết phạm vào tội nặng, bởi vì “ngoại trừ” chỉ cho khi thay đổi ý thức, tội kia vẫn được Phật A Di Đà cứu độ.

Như vậy, chính mình ý thức về tội ngũ nghịch và nhận biết tội là người nhận rõ giáo lý Phật Đà, nhờ Phật-pháp từ từ chuyển hóa bên trong, nhận thức tội lỗi sâu xa của chính mình. Người biết hổ thẹn, dẫu tội lỗi có tràn đầy đi chăng nữa, một khi đích thân người ấy chuyển hóa tội chướng cũng được Phật A Di Đà dùng bổn nguyện đại bi mà cứu độ. Ngài Thiện Đạo cho rằng việc nầy là “do nguyện lực của Phật, tội ngũ nghịch và thập ác sẽ mất hẳn, ngay cả Nhứt Xiển Đề[133], biết hồi tâm được vãng sanh”. Việc nầy Thân Loan cho rằng: “Nguời phạm hai tội nặng ấy, khi đã biết hồi tâm, sẽ được thừa nhận như tất cả chúng sanh trong mười phương, chắc chắn sẽ được vãng sanh”.

Cứu độ người xấu ác chỉ khi việc ác được người tạo ác chấp nhận, biết hổ thẹn sâu xa về tội lỗi của mình và chính mình vướng vào, xả bỏ tâm tự lực, hồi tâm biết rằng mình sẽ được bổn nguyện Phật che chở. Có một giá trị nhất định đối với trường hợp hồi tâm ấy chỉ khi con người chấp nhận lời dạy của Như Lai, để chuyển đổi mình. Cứu độ chỉ là tạo ra một giá trị mới thiết lập một nhân sinh quan mới thôi.

Thân Loan nghiêm khắc lột trần chữ “ngoại trừ” trong nguyện thứ 18 nầy và đả phá tâm kiêu mạn của chúng ta. Dẫu có tội chướng nhưng mình có sự hồi tâm, sẽ nhận được cứu độ, một sự cứu độ kỳ diệu từ bàn tay của Phật A Di Đà, để xác nhận có sự hồi tâm.

I.3.7 Thang Thuốc của Đức Phật A Di Đà 

Mỗi lần tam độc[134] nhích một chút, chỉ có thuốc của A Di Đà mới cứu chữa thân tâm nầy được.

(Lược bớt phần chú thích theo lối Hán - Nhật)

Trước hết, từ xa xưa chưa biết lời thệ nguyện của Phật A Di Đà, chẳng niệm danh hiệu Ngài, cho nên chúng ta bị phiền não vùi dập qua nhiều năm tháng. Phật Thích Ca và Phật A Di Đà dùng phương tiện tiếp dẫn hộ niệm, nay chúng ta mới bắt đầu nghe được lời nguyện của Phật A Di Đà từ chính bản thân mình.

Vì say sưa nên đánh mất bản tâm, càng ngày độc tố càng thấm sâu vào thân thể, không ai để ý tới. Từ trước vì vô minh che lấp, cho nên chúng ta hiểu sai sự thật. Tham dục, sân nhuế và ngu si là ba chất độc mà vẫn ham thích. Bắt đầu từ đây nghe lời thệ nguyện của Phật, chúng ta sẽ tỉnh ngộ từng phần, từng phần. Sau cơn say ấy, chúng ta sẽ lưu tâm từng chút, từng chút về những suy nghĩ đã qua mà nương dựa vào sự thật. Nên biết rõ phiền não tam độc phải được giảm thiểu và không còn luyến lưu chúng nữa, phải thích thú với việc niệm Phật là một diệu dược, theo bổn nguyện của Đức Phật A Di Đà; việc cần thiết là luôn luôn phải xưng tụng ngay nơi mỗi tự thân của mình. (Thân Loan Thánh Nhơn Ngự Tiêu Tức[135] – Thánh Điển – trang 738).

Giải thích:

I.3.7.1 Tạo Ác Vô Ngại
Trang thơ ấy Thân Loan viết ngày 24 tháng 2 năm Kiến Trường thứ 4, lúc đã 80 tuổi khi Ngài nhận được bức chân dung mà môn đồ ở Thường Lục gởi tặng. Lúc ấy, trong số những người niệm Phật ở Thường Lục có dị nghị về việc “tạo ác vô ngại”. Có nhiều người nổi loạn vì quá hoang mang lo ngại. “Tạo ác vô ngại” nghĩa là “suy nghĩ về tạo ác như thế nhưng không bị trở ngại”, một chủ trương có tính cách phản luân lý, phản lại xã hội của môn phái lúc bấy giờ. Bởi vì, Phật A Di Đà cứu độ tất cả những người ác, tạo ra chướng ngại nếu họ biết quy ngưỡng về. Như vậy, chúng ta phải suy nghĩ ra sao và sống như thế nào về sự răn cấm việc ác và thực hành điều thiện?

Đó là sự nghi ngờ tự lực của hành giả về cứu độ vô ngại của Đức A Di Đà. Với chúng ta cho đến khi chết vẫn còn mang theo những phiền não của phàm phu, chẳng có việc nào hoàn toàn thiện, phải ngăn chận việc ác, phải tạo ra việc thiện như thế nào, để nhờ tha lực được nhiếp thọ. Như thế chẳng phải là một thái độ sao?

Trước tiên, đối trước tấm lòng từ bi của Phật A Di Đà, chúng ta có nhiều mong ước nhưng trong tự ngã vẫn còn tà kiến, lo sợ cho nên Pháp Nhiên nói rằng: “Kẻ tạo ác tự thân vẫn có thể niệm Phật. Thật ra, nếu không có chất liệu tạo ác, không ham muốn niệm Phật, tâm trở nên rỗng tuếch”[136]. Với chúng ta, những chúng sanh phàm phu đầy phiền não, tiếp xúc ác duyên, phạm ác nghiệp, sống khổ đau, mình và người đắm chìm trong khổ não. Do vậy Đức Như Lai phát nguyện cứu độ những kẻ phàm phu ngu ngốc, chỉ cho một con đường chân thật đã được chọn lựa đó là niệm Phật. Ai nhận ra được con người ngu ác nầy, tự xấu hổ và dành hết khả năng của mình, tinh tấn đi theo con đường thênh thanh rộng được được chở che bởi Bổn Nguyện Niệm Phật của Như Lai. Thật là cảm động trước hình ảnh Đức Như Lai với bổn nguyện đại bi dang bàn tay ấm áp mà tiếp độ, nuôi dưỡng chúng sanh niệm Phật. Chính nhờ niệm Phật, mọi ác nghiệp sẽ tiêu tan. Thế nhưng cũng có người quan niệm sai lầm rằng niệm Phật chính là những hành động để cho an tâm về những ác nghiệp ấy. Đây chính là một nổi buồn, mà Pháp Nhiên đã thốt lên như vậy.

I.3.7.2 Niệm Phật Chẳng Phải là cái Bùa để được miễn Tội
Bổn nguyện niệm Phật chính là xưng danh hiệu để tội lỗi được tiêu trừ, chẳng phải là cái bùa để miễn tội. Thường thì theo như lời nguyện thứ 18, được trình bày ngoại trừ những kẻ phạm tội ngũ nghịch và tội hủy báng Chánh pháp, tất cả đều được cứu độ, nghĩa là Đức Như Lai loại những người phạm tội ngũ nghịch và tội hủy báng Chánh pháp, bởi vì đối với chúng ta đó là tội nặng. Việc đó cho thấy Đức Như Lai nghiêm khắc chỉ trích lối sống tội lỗi, nhưng nếu xấu hổ khi biết rõ tội và hồi tâm, bước lên con đường Phật Đạo, đây chính là giai đoạn thoát chết sống lại[137]. Con đường Phật Đạo tuyệt vời từ lâu chúng ta quên bẳng cho nên gây ra những tội nghiệp của kẻ phàm phu, song lúc nhận chân rõ ràng tội lỗi ấy, khởi niềm tin Phật pháp một cách chân thành, chúng ta là một người Phật Tử chơn chánh đầy đủ từ bi trí tuệ của Như Lai. Từ đó phải nói rằng: “Suy nghĩ việc ác là điều chấn động”, chứ không phải tư tưởng cũng như hành động của việc tạo ác vô ngại.

Tóm lại, “Dẫu cho có thuốc nhưng vẫn uống độc dược” là chuyện của những người ngu, Thân Loan nói như thế. Cũng giống vậy trong “Ngự Tiêu Tức” có nói: “Người say càng uống càng say, chẳng giảm chút nào. Giống vậy, càng uống thuốc độc, độc hại càng gia tăng. Tuy rằng có thuốc bổ, nhưng vẫn cứ muốn uống chất độc, bệnh càng ngày càng nặng. Do vậy, ai niệm đến danh hiệu của Phật một cách lâu dài, chắc chắn đời sau sáng sủa hơn và thân nầy sẽ được che chở”.

Ở đây nói rằng: “Có thuốc hay” nhưng vẫn dùng chất độc. Chất độc sinh ra não phiền nhưng nào có hay biết, làm tổn hại đến mình và người, vì chất độc ấy làm cho thân đau đớn và nếu biết thuốc hay, phải chân thành cảm ơn món thuốc hay đó. Hãy cẩn thận với chất độc, đừng đụng đến, chỉ một ly thôi, giới cấm cũng không cho phép.

I.3.7.3 Luân Lý Tánh của Người Niệm Phật
Ai có lòng tin nơi bổn nguyện và niệm Phật phải chân thành cảm niệm tâm đại bi của Phật A Di Đà, bởi vì Ngài đã đánh thức chúng ta thức tỉnh biết tàm quý và ra khỏi ngu si. Tâm Đại Bi Phật là nguyên động lực chân thành cảm tạ và tàm quý xấu hổ. Đáp ứng tâm đại bi Như Lai, chúng ta cẩn trọng với năng lực giới hạn của mình và bắt đầu đời sống mới. Từ đó, luân lý của người Niệm Phật được phát sinh, như Thân Loan nói trong “Ngự Tiêu Tức” rằng:

“Ai có niềm tin tha thiết với Phật, sẽ được lưu chuyển cả thân nầy. Ai có lòng tin chân thành gần gũi, người ấy được Phật A Di Đà quý thương. Tấm lòng chân thật từ ban sơ ấy sẽ rộng mở, tăng trưởng. Được che chở dưới bóng mát từ bi, cuộc đời có ý nghĩa hơn, được Phật Thích Ca và Phật A Di Đà khơi động niềm tin vãng sanh. Chắc chắn giác ngộ sẽ không còn xa nữa, nếu chí tâm tin tưởng và niệm Phật”.

Trước hết, những người mới nghe bổn nguyện niệm Phật, tự thân mình để ý những tội lỗi, nghi ngờ cứu độ, cũng như người được cứu độ, bởi vì vốn còn là phàm phu, dẫu có ngưỡng vọng bổn nguyện mong được cứu độ, nhưng phiền não còn dẫy đầy cho nên không thể nhận rõ tâm nầy là thiện hay ác, chỉ tin lời và chấp nhận Phật dạy sẽ được cứu độ mà thôi.

Thế nhưng “những ai có lòng tin chân thành với bổn nguyện Phật, lo sợ phiền não của mình ngày càng dày hơn và buồn cho nghiệp ác tiếp diễn mãi mãi lôi kéo thân nầy, tuy nhiên tin tưởng bổn nguyện Phật A Di Đà một cách chân thành và hoan hỷ niệm danh hiệu Ngài, tâm sẽ thuần thục. Trước khi nghe bổn nguyện, có thể suy nghĩ tâm phiền não vẫn y nguyên, không làm thiện, không an với những việc ác, sau khi nghe bổn nguyện, xả bỏ tâm ấy, xa lìa cuộc sống yếu đuối nầy và lấy tâm để minh chứng. Hơn nữa, tin rằng lúc vãng sanh sẽ có Phật Thích Ca và Phật A Di Đà khuyên bảo, tâm chân thật khởi lên. Sau khi tâm chân thật khởi lên, bất cứ việc gì từ xa xưa như thế nào đi chăng nữa vẫn thành tựu như thường”. Như vậy có rất nhiều đổi thay trong tình trạng tinh thần trước khi nghe Bổn Nguyện, nhờ bổn nguyện mà tinh thần những người Niệm Phật chuyển biến nhiều hơn. Có thể nói rằng thay đổi ngay từ những sai sót căn bản ban đầu.

Suy nghĩ qua tự ngã của chúng ta trong cuộc sống thường nhật luôn có tính cách chủ quan, và chi phối tất cả. Thật đáng buồn tâm con người chỉ thấy rõ khi được yêu hay khi bị giận. Người niệm Phật có tâm xấu hổ, nhờ tâm đại bi đại trí của Như Lai, tự chuyển đổi tâm mình cho chân chánh. Với Đức Như Lai, tất cả đều là những người Phật Tử quan trọng, bình đẳng dưới cái nhìn của Ngài. Từ phương diện ấy, tất cả chúng ta đều là huynh đệ, là đồng minh với nhau. Ngoài ra nếu ai lấy tự ngã làm chuẩn mực, sớm muộn gì cũng sẽ ý thức xa rời phiền não. Dùng tâm của Như Lai, nhìn sự vật sẽ nỗ lực hơn với phương pháp sống ấy, mà Thân Loan dạy ở trong “Ngự Tiêu Tức” rằng:

“Ai có lòng tin niệm Phật, cầu vãng sanh phải mở rộng tấm lòng cùng với những người bạn dốc lòng niệm Phật, cuộc sống nầy có ý nghĩa nhiều hơn”[138].

Người niệm Phật phải tha thiết tìm cầu và thật ấn tượng.

I.3.8 Pháp Tự Nhiên Như Thế

Điều tự nhiên là những lời nói vốn tự nhiên.

(Lược bớt phần bình chú theo lối Hán - Nhật)

“Tự nhiên”[139] có nghĩa là những động tĩnh từ xa xưa cứ như vậy mà biểu hiện qua lời nói[140]. Sự cứu độ chúng sanh của Phật A Di Đà rất gần gũi. Không phải chờ chúng sanh cầu nguyện mới khởi tâm, mà chính Như Lai tự khởi tâm vậy. Phật A Di Đà dùng bổn nguyện tha lực tiếp dẫn người cầu nguyện về Tịnh Độ là việc tự nhiên. Còn chúng ta, những hành giả niệm Phật dù tốt hay xấu, không cần biết, cứ nghe một cách tự nhiên như vậy. (Thân Loan Thánh Nhơn Ngự Tiêu Tức – Thánh Điển – trang 768).

Giải thích:

I.3.8.1 Chương Nói về Pháp Nhĩ Tự Nhiên
Chương Pháp ngữ nói về “Pháp Nhĩ Tự Nhiên” thuộc điều thứ 14 trong “Thân Loan Thánh Nhơn Ngự Tiêu Tức” và điều thứ 15 trong “Mạt Đăng Sao” chép rằng: “Căn cứ bản “Hiển Trí Thơ Tả” lưu truyền từ chùa Tổ Chuyên Tu thuộc phái Takada của Chơn Ngôn. Vào tháng 12 năm Chánh Gia[141] thứ 2, Hiển Trí ở Shimotsuke No Kuni Takada lên Kinh Đô (Kyoto) đến chỗ ở của Thiện Pháp[142] tại đường Tâm Điều Phú Tiểu, tình cờ gặp Thân Loan được nghe pháp ngữ trực tiếp, nên Hiển Trí tự ghi lại.

Lúc ấy, Thân Loan đã 86 tuổi. Những câu hỏi của Hiển Trí được trả lời bằng những pháp ngữ rành mạch. Bản của Hiển Trí giống như nguyên bản ghi là chương “Tự Nhiên Pháp Nhĩ” cũng như phần sau của “Tam Thiếp Hòa Tán” thuộc bản của “Văn Minh” đã sao lục lại. Thế nhưng ở đây ghi rằng: “Đây là bút tích của Thân Loan lúc 88 tuổi”. Cũng có thể đây là nét bút pháp ngữ cuối đời vì Thân Loan đã 88 tuổi.

Căn cứ theo hai bản của Hiển Trí và của Văn Minh, đầu tiên đều có giải thích “Hoạch Đắc Danh Hiệu” tiếp theo giải thích chữ “Tự Nhiên”. Theo tìm hiểu của Hiển Trí “Hoạch Đắc Danh Hiệu Tự Nhiên”; hoặc “Hoạch Đắc Danh Hiệu Tự Nhiên Pháp Nhĩ” là những chữ dường như đã có trước đó. Thế nhưng không rõ những từ ấy xuất xứ từ đâu. Bản “Mạt Đăng Sao” giải thích rằng: “Hoạch Đắc Danh Hiệu” là tỉnh lượt một phần. Rồi giải thích nội dung phần “Tự Nhiên Pháp Nhĩ” cũng không có gì thay đổi mấy. Thế nhưng về chữ nghĩa có mất mát ít nhiều. Vì đây là hình thức mà các môn đệ đã nhận được phần viết tay của Thầy mình. Không những chỉ có thế, khi về già Thân Loan có những lời pháp, được xem như những châu ngọc đáng giữ gìn hơn.

I.3.8.2 Tự Chính Là Như Nhiên
Chữ “tự nhiên” nguyên thủy ở Trung Hoa, Lão Trang thường hay thích dùng, ví dụ như Lão Tử cho rằng: “Đạo chính là pháp tự nhiên”. Trang Tử thì gọi rằng: “Thuận theo tự nhiên của mọi vật để dung chứa cái không, để trị thiên hạ”. Không cần thêm bàn tay con người vào, nguyên thỉ của sự vật vốn như vậy. Khi Phật Giáo du nhập vào Trung Hoa, mượn thuật từ nầy để dùng với những thuật từ Chân Như, Niết Bàn, vốn biểu hiện sự vượt ra và thoát khỏi mọi trói buộc, nhưng lại thuộc lãnh vực Vô Phân Biệt Trí. Hơn nữa “tự nhiên” nghĩa là ngôn ngữ biểu hiện vượt lên trên mọi suy nghĩ phân biệt của con người, có tính cách tuyệt đối chân thật.

Phần nửa sau chương “Tự Nhiên Pháp Nhĩ” có nói: “Gọi Vô Thượng Phật là không hình tướng, không hình dạng, chỉ tự nhiên như vậy”. Vô Thượng Phật có nghĩa là Vô Phân Biệt Trí, hoàn thành và đối lập với lý nhị nguyên, giác ngộ cao tột. Với chúng ta, với suy nghĩ lấy chủ thể làm trung tâm, cho nên có hư vọng phân biệt và vẻ vời ra, thực tế không có hình tướng. Ta và người; sanh và tử; thiện và ác; tịnh và uế v.v.., là những hình thức hạn định, phải vượt lên khỏi hình thức ấy, đó mới chính là cảnh giới của Vô Thượng Phật, mà việc nầy đã có từ thưở ban sơ, cũng còn gọi là Chân Như[143]. Lại cũng nói là Pháp Nhĩ hay còn gọi là Pháp Nhĩ Đạo Lý. Đây là cách dùng những danh từ chuyên môn Phật học. Pháp, tự nó là như vậy, nên gọi là Pháp Nhĩ. Hầu như tất cả mọi sự mọi vật trên đời, nguyên thỉ của nó vốn là như vậy, tồn tại với lý tánh cố hữu của vạn vật. Đồng thời, Tự Nhiên cũng như Pháp Nhĩ, dẫu cho gọi cách nào đi chăng nữa, con người phải vượt qua khỏi sự đo lường ấy, để đi vào thế giới chân thật mà ngôn ngữ biểu đạt rằng: “tự chính là như nhiên” và “pháp ấy là như vậy”[144].

I.3.8.3 Nên Rõ Biết về Tự Nhiên
Thân Loan gọi lãnh vực của tự nhiên là Vô Thượng Phật hoặc Vô Thượng Niết Bàn, mà Phật A Di Đà thị hiện hình dáng là Phật để cho chúng ta thấy. Tiếp theo câu văn phần trước gọi là “Không hình thức, đầu tiên chỉ nguyện với Phật rồi nghe được. Phật A Di Đà là tự nhiên như thế”. Theo Thân Loan, đó là một thế giới chân thật, dựa vào chân thật ấy, chúng ta được tỏ ngộ và tuyệt nhiên không có gì khác hơn.

Vì vậy, lãnh vực kỳ diệu được biểu hiện vượt lên khỏi phạm vi của ngôn ngữ. Cảnh giới Tịnh Độ của Phật A Di Đà được biểu hiện qua hình thức vi diệu vượt lên trên mọi hình thức bình thường của thế giới. Sự cứu độ hàng vạn người, một cách không phân biệt, khi được nghe danh hiệu, vượt lên trên mọi suy tính đo lường của con người, đó là sanh tử nhứt như, oán thân bình đẳng, cũng còn gọi là tự nhiên, chân như. Qua các hoạt động, chúng ta biết những biểu hiện trên. Riêng chúng ta, những chúng sanh chỉ cần niệm Phật, sẽ được Phật duỗi tay tiếp dẫn về thế giới kỳ diệu khác. Việc nầy Thân Loan gọi là tự nhiên của bổn nguyện lực, qua những việc làm như thế.

I.3.8.4 Từ Tự Đến Nhiên
Để rõ biết điều nầy, Thân Loan giải thích về sự tự nhiên. Hơn nữa, chữ “tự” là bổn nguyện của Phật A Di Đà hiển hiện. Không phải dùng để chỉ cho việc thiết lập cứu độ đối với những hành giả như chúng ta. Chữ “nhiên” nghĩa là tin tưởng vào bổn nguyện, niệm Phật vãng sanh, việc nầy cũng không phải vì hành giả, mà chính tự nơi bổn nguyện của Như Lai thành tựu như vậy; nên gọi đây là sự tự nhiên.

Điều đó giống như chữ “Pháp Nhĩ” bên trên đã đề cập. Pháp của “Pháp Nhĩ” là cứu độ hàng vạn người sanh về Tịnh Độ, gọi là pháp tắc bổn nguyện. Cứ như thế niệm Phật sẽ được thành Phật; nên gọi là “Pháp Nhĩ”[145]. Như vậy, Pháp Nhĩ là hoạt động về thệ nguyện của Như Lai, biểu thị pháp tắc cứu độ những hành giả niệm Phật, không ngoại trừ một ai. Tùy theo bổn nguyện lực và công đức của mình cứu độ cả vạn người được biểu hiện rõ. Điều nầy được Pháp Nhiên gọi là “Đến với tha lực thì sự không nghĩa ấy chính là nghĩa”. Ý nầy không khác với ý trên mấy. Khi tiếp nhận bổn nguyện tha lực, chúng ta, kẻ nghe pháp không cần so đo (không có nghĩa) là một đạo lý chơn chánh (ấy là nghĩa) vậy ư?

Tùy theo bổn nguyện lực của Phật A Di Đà, ta giao phó mình cho bổn nguyện Phật A Di Đà tiếp dẫn về Tịnh Độ, cho nên dẫu cho có thiện hay ác đi chăng nữa, các hành giả không cần suy tính, cứ để tự nhiên như vậy, khi ta được nghe như thế. Đó chính là điều nghe từ Pháp Nhiên.

Pháp Nhiên dùng lời dạy ấy để nói rằng: “Đây là đạo lý của Pháp Nhĩ”, còn là điều được truyền lại. Còn tự nhiên Pháp Nhĩ không thấy xuất hiện trong những văn hiến khác.

Như vậy, đây là lãnh vực không còn sự phán đoán, vừa vượt lên trên cả lý trí toan tính của con người, vừa vượt lên khỏi lãnh vực phê phán có tính cách luân lý về thiện ác nữa. “Thiện cũng không tính mà ác cũng không lo”. Chúng ta sẽ được bao dung trong trạng thái yên ổn, được ở yên như thế trong một thế giới tha lực bất tư nghì, mà Thân Loan gọi đây là “Tự Nhiên Pháp Nhĩ”. Đây chính là biểu hiện khái niệm của giáo nghĩa bổn nguyện lực hồi hướng.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn