Cuốn 32

17 Tháng Bảy 201000:00(Xem: 11811)

LUẬN ĐẠI TRÍ ĐỘ TẬP II
(Mahàprajnàparamitàsatra) - Tác giả: Nàgàrjuna (Bồ Tát Long Thọ)
Dịch Phạn ra Hán: Cưu Ma La Thập - Dịch Việt: Thích Thiện Siêu 
Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam Ấn hành 1997
Nhà xuất bản TP. Hồ Chí Minh 1998

Cuốn 32

Chương 44

Giải Thích: Nghĩa Bốn Duyên

Kinh: Bồ-tát ma-ha-tát muốn biết nhân duyên, thứ đệ duyên, duyên duyên, tăng thượng duyên của các pháp, nên học Bát-nhã ba-la-mật.

Luận: Hết thảy pháp hữu vi đều từ bốn duyên sanh, đó là: nhân duyên, thứ đệ duyên, duyên duyên, tăng thượng duyên.

Nhân duyên: tương ưng nhân, cọng sanh nhân, tự chủng nhân, biến nhân, báo nhân. Năm nhân ấy gọi là nhân duyên.

Lại nữa, hết thảy pháp hữu vi, cũng gọi là nhân duyên.

Thứ đệ duyên (duyên thứ lớp): trừ tâm tâm số pháp quá khứ, hiện tại và tối hậu của A-la-hán, các tâm tâm số pháp quá khứ, hiện tại khác đều có thể làm thứ đệ duyên; ấy gọi là thứ đệ duyên.

Duyên duyên, tăng thượng duyên: là tất cả pháp.

Lại nữa, Bồ-tát muốn biết tướng riêng tướng chung của bốn duyên, nên học Bát-nhã ba-la-mật.

Hỏi: Như trong Bát-nhã ba-la-mật, bốn duyên đều không thể có được, vì cớ sao? Vì nếu trong nhân trước đã có quả, việc ấy không đúng; trong nhân trước không có quả, cũng không đúng. Nếu trước có quả, thời không cần nhân; nếu trước không quả mà vẫn có, thời cũng có thể từ không nhân mà sanh.

Lại nữa, thấy quả từ nhân sanh, nên gọi là nhân, nếu trước không quả, làm sao gọi là nhân.

Lại nữa, nếu quả từ nhân sanh, quả tức thuộc nhân, nhân không tự tại, lại thuộc nhân khác. Nếu nhân không tự tại sao nói quả chỉ từ nhân ấy sanh. Do các việc như vậy, nên biết không có nhân duyên.

Lại, tâm tâm số pháp quá khứ đều đã diệt, không tạo tác được gì, làm sao có thể làm thứ đệ duyên. Hiện tại có tâm thời không thứ đệ, nếu làm thứ đệ cho tâm sắp sanh trong đời vị lai, thời tâm vị lai chưa có, làm sao cùng làm thứ đệ, như vậy thời không thứ đệ duyên.

Nếu như hết thảy pháp vô tướng, vô duyên, cớ sao nói duyên duyên?

Nếu hết thảy pháp không thuộc gì, không nương gì, tất cả đều bình đẳng, cớ sao nói tăng thượng duyên?

Như vậy bốn duyên đều không thể có được, cớ sao nói: muốn biết bốn duyên nên học Bát-nhã ba-la-mật?

Đáp: Ông không biết tướng Bát-nhã ba-la-mật, vì vậy nên nói trong Bát-nhã ba-la-mật, bốn duyên đều không thể có được. Bát-nhã ba-la-mật đối với hết thảy pháp không bỏ, không phá, rốt ráo thanh tịnh, không các hý luận; như Phật nói có bốn duyên, chỉ vì người thiếu trí, chấp trước nơi bốn duyên mà sanh tà luận. Vì để phá chấp trước ấy, nên nói các pháp thật không, không phá hoại gì, như tâm pháp do nhân duyên nội xứ ngoại xứ (sáu căn sáu trần – N.D) hòa hợp sanh, tâm ấy như huyễn như mộng, hư dối không có tánh nhất định. Tâm số pháp cũng như vậy, tâm số pháp cọng sanh với tâm ấy là thọ, tưởng, tư... Tâm số pháp ấy với tâm đồng tướng, đồng duyên, nên gọi là tương ưng. Tâm lấy tâm số pháp tương ưng làm nhân, tâm số pháp lấy tâm tương ưng làm nhân, ấy gọi là tương ưng nhân.

Tương ưng nhân: ví như người thân hữu tri thức hòa hợp nhau làm thành sự.

Cọng sanh nhân: hết thảy pháp hữu vi, đều có cọng sanh nhân. Vì cọng sanh nên giúp đỡ nhau; ví như anh em đồng sanh, nên giúp đỡ lẫn nhau.

Tự chủng nhân: hạt giống thiện quá khứ là nhân của thiện pháp trong đời hiện tại, vị lai; hạt giống thiện quá khứ, hiện tại là nhân của thiện pháp trong đời vị lai. Bất thiện vô ký cũng như vậy. Như vậy hết thảy pháp, đều có cái nhân hạt giống của chính mình.

Biến nhân: kiết sử do thấy và tu Khổ đế, Tập đế mà được đoạn trừ là nhân của hết thảy pháp cấu nhiễm; ấy là biến nhân.

Báo nhân: do nhân duyên hành nghiệp nên thọ quả báo thiện ác, ấy là báo nhân. Năm nhân ấy gọi là nhân duyên.

Tâm tâm số pháp thứ lớp nối nhau không xen hở, nên gọi là thứ đệ duyên (tức đẳng vô gián duyên).

Tâm tâm số pháp duyên theo sáu trần phát sanh, nên gọi là duyên duyên.

Khi các pháp sanh, không làm chướng ngại nhau; ấy là vô chướng duyên (tức tăng thượng duyên).

Lại nữa, tâm tâm số pháp từ bốn duyên sanh; vô tưởng, diệt tận định từ ba duyên sanh, trừ duyên duyên; các tâm bất tương ưng hành khác và sắc, từ hai duyên sanh, trừ thứ đệ duyên và duyên duyên.

Các pháp hữu vi tánh yếu kém, nên không có pháp nào từ một duyên sanh.

Tâm tâm số pháp do quả báo sanh thì từ năm nhân sanh, vô phú vô ký, vì chẳng phải pháp ô cấu nên trừ biến nhân. Các phiền não cũng từ năm nhân sanh, trừ báo nhân, vì cớ sao? Vì các phiền não là hữu phú; còn báo là vô phú (vô ký) nên trừ báo nhân. Sắc do quả báo sanh và tâm bất tương ưng hành từ bốn nhân sanh; vì nó chẳng chẳng phải tâm tâm số pháp nên trừ tương ưng nhân; vì nó là pháp vô phú vô ký, nên trừ biến nhân. Sắc nhiễm ô và các tâm bất tương ưng hành cũng từ bốn nhân sanh. Vì nó chẳng phải tâm tâm số pháp nên trừ tương ưng nhân; và vì nó cấu nhiễm nên trừ báo nhân. Các tâm tâm số pháp khác, trừ vô lậu tâm ban đầu, đều từ bốn nhân sanh, trừ báo nhân, biến nhân, vì cớ sao? Vì chẳng phải vô ký nên trừ báo nhân, và vì chẳng phải ô cấu nên trừ biến nhân. Các pháp bất tương ưng khác là sắc và tâm bất tương ưng hành, nếu có tự chủng nhân thời từ ba nhân sanh, trừ tương ưng nhân, báo nhân, biến nhân. Nếu không có tự chủng nhân thời từ hai nhân sanh, là cọng sanh nhân va vô chướng nhân. Tâm tâm số pháp vô lậu ban đầu, từ ba nhân sanh, là tương ưng nhân, cọng sanh nhân, vô chướng nhân. Sắc và các tâm bất tương ưng hành trong tâm vô lậu ban đầu ấy, từ hai nhân sanh, là cọng sanh nhân và vô chướng nhân. Không một pháp nào từ một nhân sanh, hoặc từ sáu nhân sanh; ấy gọi là bốn duyên.

Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật quán bốn duyên như vậy, tâm không vướng mắc; tuy phân biệt pháp ấy, mà biết nó không, đều như huyễn hóa; trong huyễn hóa tuy có các sai biệt, người trí quán nó, biết không có thật, chỉ dối gạt con mắt. Vì phân biệt biết pháp người phàm phu đều là người điên đảo hư dối mà không thật, nên có bốn duyên. Như vậy thế nào là thật? Pháp hiền thánh nhân từ pháp phàm phu sanh, nên cũng không thật; như đã nói trong chương 18 không.

Bồ-tát ở trong Bát-nhã ba-la-mật, không có một pháp có tánh nhất định khả thủ nên không thể phá. Vì chúng sanh chấp trước vào không pháp do nhân duyên sanh nên gọi là có thể phá; ví như trẻ con thấy trăng trong nước, tâm sanh ưa đắm, muốn lấy mà không thê lấy được, tâm lại ưu não. Người trí dạy rằng: tuy có thể mắt thấy, mà không thể tay lấy, đây chỉ phá cái có thể lấy, không phá cái có thể thấy. Bồ-tát quán biết các pháp từ bốn duyên sanh, mà không chấp thủ tướng nhất định trong bốn duyên. Bốn duyên hòa hợp sanh như trong nước, tuy là hư dối không có gì, nhưng phải từ trăng và nước làm nhân duyên sanh, chứ không từ duyên khác có được. Các pháp cũng như vậy, mỗi mỗi tự do nhân duyên sanh, không có thật nhất định. Vì vậy nên nói: Bồ-tát muốn như thật biết tướng nhân duyên, thứ đệ duyên, duyên duyên, tăng thượng duyên, nên học Bát-nhã ba-la-mật.

Hỏi: Nếu muốn biết rộng nghĩa bốn duyên, nên học A-tỳ-đàm, cớ sao trong đây nói muốn biết nghĩa bốn duyên, nên học Bát-nhã ba-la-mật?

Đáp: Nghĩa bốn duyên trong A-tỳ-đàm kẻ sơ học như nắm được chỗ thật của nó, lại tìm vào sâu hơn mà bị rơi trong tà kiến; như trước đã nói trong đoạn nghĩa phá bốn duyên.

Lại nữa, sở nhân của các pháp là nhân nơi bốn duyên, bốn duyên lại nhân nơi cái gì? Nếu có nhân thời vô cùng, nếu không nhân thời vô thỉ, nếu vô thỉ thời vô nhân; nếu vậy thời hết thảy pháp đều nên phải vô nhân! Nếu có thỉ, thỉ thời không có sở nhân. Nếu không sở nhân mà có, thời không đợi nhân duyên. Nếu vậy thời hết thảy pháp cũng không đợi nhân duyên mà có.

Lại nữa, các pháp từ nhân duyên sanh có hai thứ: hoặc trong nhân duyên trước đã có, thời không đợi nhân duyên mà sanh, thời chẳng phải nhân duyên; hoặc trong nhân duyên trước không có, thời không có mỗi mỗi nhân duyên. Vì hý luận bốn duyên, nên có các lỗi như vậy, còn như Bát-nhã ba-la-mật là không, bất khả đắc, thời không có các lỗi như vậy; như người thế gian mắt, tai thấy sanh, già, bệnh, chết, ấy thời là có, mà tìm kỹ tướng nó thời không thể có được. Vì vậy nên trong Bát-nhã ba-la-mật, chỉ trừ tà kiến mà không phá bốn duyên.

Cho nên nói: muốn biết bốn duyên, nên học Bát-nhã ba-la-mật.

Kinh: Muốn biết các pháp như, pháp tánh, thật tế, nên học Bát-nhã ba-la-mật. Này Xá-lợi-phất, Bồ-tát ma-ha-tát nên như vậy trụ trong Bát-nhã ba-la-mật.

Luận: Các pháp Như có hai: 1. Mỗi mỗi tướng. 2. Thật tướng.

Mỗi mỗi tướng là như đất tướng cứng, nước tướng ướt, lửa tướng nóng, gió tướng động. Như vậy phân biệt các pháp đều tự có tướng riêng.

Thật tướng, nơi mỗi tướng ấy phân biệt tìm thật thể không thể có được, không thể phá, không các quấy lỗi. Như trong đoạn Tự tướng không đã nói: đất nếu thật là tướng cứng, cớ sao keo, sáp... khi gặp lửa thì bỏ tự tánh nó (ở đây chữ tướng, tánh đồng nghĩa – N.D); người có thần thông vào đất như nước? Lại phân tán cây, đá, thời mất tướng cứng? Lại phá đất để làm thành vi trần, lấy phương hướng phá vi trần, cuối cùng quay về không, cũng mất tướng cứng? Như vậy suy tìm tướng đất không thể có được. Nếu không thể có được, vậy nó thật đều không, “không” là thật tướng của đất. Tất cả tướng riêng đều cũng như vậy; ấy gọi là Như.

Pháp tánh: như trước nó mỗi mỗi pháp không, không có phẩm trật sai khác, ấy là như: đồng là một không, ấy là pháp tánh.

Pháp tánh ấy cũng có hai: 1. Dùng tâm không chấp trước phân biệt các pháp, tự có tánh riêng. 2. Gọi là vô lượng pháp, đó là thật tướng các pháp. Như kinh Trì Tâm nói: pháp tánh vô lượng, hàng Thanh văn tuy đắc pháp tánh, vì trí có lượng nên không thể nói vô lượng; như người tuy đi đến biển lớn, vì đồ đựng nhỏ nên không thể lấy vô lượng nước, ấy là pháp tánh.

Thật tế: Lấy pháp tánh làm chỗ thật chứng, nên gọi là tế. Lại như A-la-hán gọi là trú nơi thật tế.

Hỏi: Như, pháp tánh, thật tế, ba sự là một hay là khác? Nếu một cớ sao nói ba, nếu ba thời nay nên phân biệt nói?

Đáp: Ba ấy đều là tên khác của thật tướng các pháp, vì cớ sao? Vì phàm phu vô trí, đối hết thảy pháp khởi tâm tà quán cho là thường, lạc, tịnh, thật, ngã... còn đệ tử Phật quán đúng như bổn tướng các pháp, khi ấy không thấy thường, ấy gọi là vô thường; không thấy vui, ấy gọi là khổ; không thấy tịnh, ấy gọi là bất tịnh; không thấy thật, ấy gọi là không; không thấy ngã ấy gọi là vô ngã. Nếu không thấy thường mà lại thấy lại thấy vô thường, ấy là vọng kiến; thấy khổ, không, vô ngã, bất tịnh cũng như vậy, ấy gọi là như. Như là đúng như bổn tướng, không thể phá hoại. Vì vậy nên Phật nói ba pháp là pháp ấn, đó là hết thảy pháp hữu vi vô thường ấn, hết thảy pháp vô ngã ấn, Niết-bàn tịch diệt ấn.

Hỏi: Ba pháp ấn ấy, trong Bát-nhã ba-la-mật, đều phá hoại hết, như Phật bảo Tu-bồ-đề: nếu Bồ-tát ma-ha-tát quán sắc thường, là không thực hành Bát-nhã ba-la-mật; quán sắc vô thường là không thực hành Bát-nhã ba-la-mật. Quán khổ, lạc, ngã, vô ngã, tịch diệt, phi tịch diệt cũng như vậy, như vậy cớ sao gọi là pháp ấn?

Đáp: Hai Kinh đều là Phật dạy. Như trong kinh Bát-nhã ba-la-mật, rõ ràng nói thật tướng các pháp. Người có điên đảo chấp trước thường, nên bỏ thường kiến mà không chấp trước tướng vô thường, ấy gọi là pháp ấn; chứ không phải bỏ thường chấp trước vô thường, cho là pháp ấn được. Ngã, cho đến tịch diệt cũng như vậy. Trong Bát-nhã ba-la-mật phá cái kiến chấp vô thường... chứ không phải phá cái không lãnh thọ không chấp trước. Được các pháp Như rồi, thời vào pháp tánh, diệt các quán niệm, không sanh dị tín, tánh nó tự như vậy; ví như trẻ con thấy trăng trong nước, vào nước để tìm, tìm không được liền sầu. Người trí nói: tánh nó tự như vậy, chớ ưu sầu, khéo vào pháp tánh ấy là thật tế.

Hỏi: Trong giáo pháp Thanh văn cớ sao không nói là như, pháp tánh, thật tế; mà trong giáo pháp Đại thừa nơi nơi đều nói?

Đáp: Trong giáo pháp Thanh văn cũng có chỗ nói, chỉ ít thôi. Như trong kinh Tạp A-hàm nói: có một Tỳ-kheo hỏi Phật: mười hai nhân duyên là Phật làm hay người khác làm? Phật bảo Tỳ-kheo: Ta không làm mười hai nhân duyên, cũng chẳng phải người khác làm. Có Phật không Phật, các pháp như, pháp tướng, pháp vị thường có, đó là cái này có nên cái kia có; cái này sanh nên cái kia sanh; như vô minh làm nhân duyên nên có các hành; các hành làm nhân duyên nên có thức; cho đến già chết làm nhân duyên nên có ưu, bi, khổ, não. Cái này không nên cái kia không; cái này diệt nên cái kia diệt; như vô minh diệt nên các hành diệt, các hành diệt nên thức diệt; cho đến già chết diệt nên ưu, bi, khổ, não diệt. Pháp sanh diệt như vậy, có Phật không Phật, vẫn thường như vậy, ấy là chỗ nói Như.

Lại như kinh Xá-lợi-phất sư tử hống trong Tạp A-hàm nói: Phật hỏi Xá-lợi-phất một cú nghĩa, ba lần hỏi ba lần không thể đáp. Phật khai thị cho Xá-lợi-phất chút ít rồi vào tịnh thất. Xá-lợi-phất nhóm các Tỳ-kheo, nói với các Tỳ-kheo rằng: Phật chưa khai thị đầu mối sự việc cho tôi, nên tôi không thể đáp liền. Nay tôi đối pháp ấy, qua bảy ngày bảy đêm diễn nói việc ấy không cùng tận.

Lại có một Tỳ-kheo bạch Phật: sau khi Phật vào tịnh thất, Xá-lợi-phật cất tiếng rống sư tử mà tự tán thán.

Phật bảo Tỳ-kheo: Xá-lợi-phất nói thật không hư dối, vì cớ sao? Vì Xá-lợi-phất khéo thông đạt pháp tánh.

Trong giáo pháp Thanh văn, quán tướng sanh diệt các pháp, ấy là như; diệt hết thảy các quán niệm, được thật tướng các pháp; ấy là chỗ nói Pháp tánh.

Hỏi: Chỗ ấy chỉ nói như, pháp tánh, còn chỗ nào nói thật tế?

Đáp: Hai việc ấy vì có nhân duyên khởi nên nói, còn thật tế không nhân duyên nên không nói thật tế.

Hỏi: Thật tế tức là Niết-bàn, vì Niết-bàn mà Phật nói mười hai bộ kinh, cớ sao nói không nhân duyên?

Đáp: Niết-bàn co nhiều tên gọi, hoặc gọi là ly, hoặc gọi là diệu, hoặc gọi là xuất, như vậy là nói thật tế, chỉ không nói tên gọi, nên nói là không nhân duyên.

Lại nữa, các pháp Như là, như các pháp khi chưa sanh; khi sanh cũng như vậy; sanh rồi qua đi, hiện tại cũng như vậy. Các pháp ba đời bình đẳng, ấy gọi là Như.

Hỏi: Nếu pháp chưa sanh gọi là chưa có, pháp sanh hiện tại thời có pháp, sử dụng được; nhân pháp hiện tại có tướng sự dụng mà truy nhớ việc đã qua, ấy gọi là quá khứ. Ba đời khác nhau, không nên như thật làm một, cớ sao nói ba đời bình đẳng, ấy gọi là Như?

Đáp: Trong thật tướng các pháp, ba đời bình đẳng một không khác, như trong phẩm Như của kinh Bát-nhã ba-la-mật nói: quá khứ như, vị lai như, hiện tại như, như lai như, nhất như không có khác.

Lại nữa, trong phần luận nghị ở trước đã phá pháp sanh. Nếu không sanh thời vị lai, hiện tại cũng không sanh, cớ sao không bình đẳng!

Lại đời quá khứ không đầu, đời vị lai không cuối, đời hiện tại không an trụ, vì vậy nên ba đời bình đẳng gọi là Như. Thực hành như ấy rồi vào trong pháp tánh vô lượng.

Pháp tánh: Pháp là Niết-bàn, không thể phá hoại, không thể hý luận. Phật tánh là hạt giống trong chính, như trong đá vàng có kim tánh, trong đá trắng có ngân tánh. Như vậy trong hết thảy pháp thế gian đều có tánh Niết-bàn. Chư Phật hiền thánh lấy trí tuệ, phương tiện, trì giới, thiền định, giáo hóa dẫn đạo, khiến được Niết-bàn pháp tánh ấy. Người lợi căn biết ngay các pháp ấy đều là pháp tánh, ví như người có thần thông có thể biến ngói đá thành vàng, còn người độn căn, phải phương tiện phân biệt tìm cầu, mới được pháp tánh, ví như đúc hàn đá vậy sau được vàng.

Lại nữa, như tánh nước chảy xuống, nên dồn về biển, hợp làm một vị. Các pháp cũng như vậy, hết thảy tướng chung tướng riêng đều quy về pháp tánh, đồng làm một tướng, gọi là pháp tánh; như Kim cương ở đỉnh núi, dần dần xoi xuống đến mé đất Kim cương, đến tự tánh mới ngừng. Các pháp cũng như vậy; dùng trí tuệ phân biệt truy tìm đã đến trong Như, từ Như vào tự tánh, như vốn chưa từng sanh, dứt các hý luận, gọi là Pháp tánh; lại như trâu nghé quanh quẩn kêu la, gặp được mẹ mới thôi. Các pháp cũng như vậy, đủ thứ sai khác, lấy bỏ không đồng, được đến tự tánh mới ngừng, không còn chỗ đến nữa; ấy gọi là Pháp tánh.

Thật tế: như trước nói, pháp tánh gọi là thật, chỗ vào đến gọi là tế.

Lại nữa, mỗi mỗi pháp có chín thứ: 1. Có tự thể. 2. Mỗi mỗi có pháp: như mắt, tai tuy đồng do bốn đại đạo thành, nhưng chỉ mắt nhìn thấy mà tai không có công hiệu; lại như lửa lấy nóng làm pháp, mà không thể thấm ướt. 3. Các pháp đều có lực, như lửa lấy sự đốt cháy làm lực; nước lấy sự thấm ướt làm lực. 4. Các pháp đều tự có nhân. 5. Các pháp đều tự có duyên. 6. Các pháp đều tự có quả. 7. Các pháp đều tự có tánh. 8. Các pháp đều có giới hạng trở ngại. 9. Các pháp đều có phương tiện khai thông. Các pháp khi sanh, thể và pháp khác có chín việc. Biết pháp ấy mỗi mỗi có đầy đủ thể và pháp; ấy gọi là thế gian hạ như. Biết chín pháp ấy cuối cùng quy về biến dị tận diệt; ấy gọi là trung như; ví như thân này từ bất tịnh sanh ra, tuy tắm rửa trang sức, cuối cùng quy về bất tịnh. Biết pháp ấy chẳng phải có chẳng phải không, chẳng phải sanh, chẳng phải diệt, dứt các quán pháp, rốt ráo thanh tịnh; ấy gọi là thượng như.

Lại nữa, có người nói trong chín sự ấy có pháp, ấy gọi là như, ví như pháp của đất cứng và nặng, pháp của nước lạnh và ướt, pháp của lửa nóng và chiếu sáng, pháp của gió nhẹ và động, pháp của tâm hiểu và biết. Các pháp như vậy gọi là như; như trong Kinh nói: có Phật không Phật, thì như, pháp tướng, pháp vị vẫn thường trú thế gian, nghĩa là vô minh làm nhân duyên cho các hành, thường như bổn pháp.

Pháp tánh là tánh trong chín pháp.

Thật tế là được quả chứng trong chín pháp.

Lại nữa, các pháp thật tướng, thường trú không lay động, chúng sanh vì các phiền não vô minh... nên đối với thật tướng thay đổi quanh co, chư Phật, hiền thánh dùng nhiều phương tiện thuyết pháp, phá các phiền não vô minh... khiến chúng sanh trở lại ngộ được thật tánh, như bổn nguyên không khác, ấy gọi là Như.

Thật tánh hợp cùng vô minh cho nên biến đổi, mà không thanh tịnh, nếu trừ bỏ vô minh, được thật tánh nó, ấy gọi là pháp tánh thanh tịnh.

Thật tế là vào trong pháp tánh, biết pháp tánh vô lượng vô biên, rất là vi diệu, không còn pháp nào hơn pháp tánh, ra ngoài pháp tánh. Tâm đầy đủ không còn cầu gì khác, thời liền tác chứng; ví như đi đường, ngày ngày dẫn bước không ngừng nghỉ, đến chỗ cần đến, không còn tâm muốn đi nữa. Hành giả trú ở thật tế, cũng lại như vậy; như A-la-hán, Bích-chi Phật trú ở thật tế, giả sử lại có hằng sa chư Phật vì họ thuyết pháp, cũng không thể làm tăng tấn thêm, lại không còn sanh vào ba cõi.

Nếu Bồ-tát vào pháp tánh ấy, xa biết thật tế, hoặc chưa đầy đủ sáu Ba-la-mật, mà giáo hóa chúng sanh, bấy giờ nếu đắc chứng thì trở ngại việc thành Phật đạo. Nên khi ấy Bồ-tát dùng lực đại bi tinh tấn, trở lại tu các hạnh.

Lại nữa, biết trong thật tướng các pháp không có pháp thường, không có pháp lạc, không có pháp ngã, không có pháp thật, cũng bỏ các pháp quán. Như vậy hết thảy pháp quán đều diệt, ấy là chư pháp thật như Niết-bàn. Bất sanh bất diệt, như vốn chưa hề sanh; ví như nước là tướng lạnh, nhờ lửa trở nên nóng; nếu lửa tắt nóng hết, trở lại lạnh như trước. Dùng các pháp quán như nước được lửa, nếu dứt các pháp quán như lửa tắt nước lạnh; ấy gọi là Như. Như thật thường trú, vì cớ sao? Vì các pháp tánh tự như vậy, ví như hết thảy sắc pháp đều có phần không, trong các pháp đều có tánh Niết-bàn, ấy gọi là pháp tánh. Các pháp phương tiện để được Niết-bàn cũng gọi là pháp tánh. Nếu khi được chứng, thời Như, Pháp tánh trở thành Thật tế.

Lại nữa, pháp tánh là vô lượng vô biên, chẳng phải tâm tâm số pháp lường được; ấy gọi là pháp tánh. Thâm diệu cùng cực nơi đây; ấy gọi là chơn tế.

Kinh: Lại nữa, này Xá-lợi-phất, Bồ-tát ma-ha-tát muốn đếm biết số vi trần các núi đại địa trong ba ngàn đại thiên thế giới, nên học Bát-nhã ba-la-mật. Bồ-tát ma-ha-tát muốn chẻ một sợi lông làm trăm phần, muốn lấy một phần lông cất lên hết nước của ao hồ, sông ngòi, biển lớn trong ba ngàn đại thiên thế giới mà không quấy động thủy tánh, nên học Bát-nhã ba-la-mật. Trong ba ngàn đại thiên thế giới, lửa cũng bốc cháy trong một lúc; giống như lửa cháy lúc kiếp tận, Bồ-tát ma-ha-tát muốn thổi một hơi làm cho tắt hết, nên học Bát-nhã ba-la-mật. Trong ba ngàn đại thiên thế giới, gió lớn nổi lên, muốn thổi tan ba ngàn đại thiên thế giới, gió lớn nổi lên, muốn thổi tan ba ngàn đại thiên thế giới và các núi Tu-di, như xô cỏ mục, Bồ-tát ma-ha-tát muốn lấy một ngón tay ngăn sức gió ấy không cho nổi dậy, nên học Bát-nhã ba-la-mật.

Luận. Hỏi: Sao Phật không tán thán công đức lục độ của các Bồ-tát, mà lại tán thán đại lực này?

Đáp: Chúng sanh có hai hạng: một hạng ưa thiện pháp, một hạng ưa quả báo thiện pháp. Vì hạng ưa thiện pháp nên tán thán các công đức; vì hạng ưa quả báo thiện pháp nên tán thán lực đại thần thông.

Lại nữa, có người nói, tên bốn đại, nó thật cũng vô lượng vô biên, thường có ở đời nên không thể làm di động hết để lường nó nhiều ít. Người ta tuy có tạo dựng thành quách điện đài, dùng nó rất ít, mà sự rộng lớn của đất, chở nuôi muôn vật, rất là bền chắc. Vì vậy nên Phật dạy đối với vi trần các núi Tu-di và đất trong ba ngàn đại thiên thế giới, đều muốn biết hết số lượng của nó; và đối với nghiệp nhân duyên mỗi mỗi chúng sanh, có phần trong mỗi mỗi vi trần, Bồ-tát muốn biết nó nhiều ít, nên học Bát-nhã ba-la-mật.

Hỏi: Vi trần của một cục đá cục đất còn khó đếm được, huống chi số vi trần của đất và các núi trong ba ngàn đại thiên thế giới. Điều ấy không thể tin?

Đáp: Trí tuệ của Thanh văn, Bích-chi Phật còn không thể biết, huống chi phàm phu. Việc ấy là việc chư Phật đại Bồ-tát biết. Như kinh Pháp Hoa nói: ví như đất và các núi của ba ngàn đại thiên thế giới, nghiền thành vi trần, qua ngàn thế giới phương đông thả một bụi trần, như vậy qua mỗi ngàn thế giới lại thả một bụi trần, như vậy thả hết các vi trần của ba ngàn đại thiên thế giới. Phật bảo Tỳ-kheo: số thế giới vi trần ấy có thể toán số trù lượng biết được chăng? Các Tỳ-kheo thưa: không thể biết được. Phật dạy: các nước có thể dính bụi không dính bụi ấy đều nghiền hết làm bụi. Phật Đại Thông Tuệ từ khi ra đời đến nay, kiếp số cũng như vậy. Số vi trần của vô lượng hằng sa thế giới như vậy, chư Phật và đại Bồ-tát đều biết hết, huống gì một hằng sa thế giới.

Lại nữa, vô lượng là theo tâm người mà nói. Như nước đại hải gọi là vô lượng, sâu tám vạn do tuần (mỗi do tuần độ mười sáu dặm) nhưng chúa A-tu-la La-hầu thân lớn, lường nó nhiều ít còn chẳng cho là khó.

Hỏi: Tại sao thực hành Bát-nhã ba-la-mật được trí tuệ ấy?

Đáp: Người thực hành Bát-nhã ba-la-mật, dứt các phiền não và tà kiến hý luận, vào thiền định thâm sâu của Bồ-tát, niệm trí thanh tịnh tăng rộng, nên có thể phân biệt vi trần các sắc, biết số lượng của nó.

Lại nữa, chư Phật và đại Bồ-tát, được vô ngại giải thoát, nên quá hơn việc ấy, còn không cho là khó, huống gì từng ấy.

Lại nữa, có người cho đất là cứng chắc, tâm không hình chất đều là hư vọng, vì vậy nên Phật dạy tâm lực rất lớn. Thực hành Bát-nhã ba-la-mật nên nghiền nát đại địa làm vi trần, vì đất có sắc, hương, vị, xúc nặng nề nên tự không động tác được, nước thiếu hương nên động tác hơn đất, lửa thiếu hương và vị nên động tác hơn nước, gió thiếu sắc, hương và vị nên động tác hơn lửa; tâm không có bốn thứ sắc, hương, vị, xúc, nên sức động tác lớn.

Lại tâm vì có nhiều phiền não kiết sử trói buộc nên làm cho tâm lực vi thiểu. Thiện tâm hữu lậu tuy không phiền não, nhưng vì tâm chấp thủ tướng các pháp, nên lực nó cũng ít. Tâm vô lậu của nhị thừa, tuy không chấp thủ tướng, mà vì trí tuệ có hạn lượng và đến khi ra khỏi tâm vô lậu đạo, sáu căn theo thế tục phân biệt, trở lại chấp thủ tướng các pháp, nên không phát huy hết tâm lực. Chư Phật và đại Bồ-tát trí tuệ vô lượng vô biên, thường thiền định, không phân biệt thế gian và Niết-bàn. Thật tướng các pháp, nó thật không khác, chỉ trí có hơn kém. Người thực hành Bát-nhã ba-la-mật, rốt ráo thanh tịnh, không có gì quái ngại, trong một niệm có thể đếm số vi trần đại địa và các núi trong ba ngàn đại thiên thế giới mười phương số như hằng hà sa, huống gì mỗi một hằng hà sa thế giới trong mười phương.

Lại nữa, nếu lìa Bát-nhã ba-la-mật, tuy được thần thông mà không thể biết như trên. Vì vậy nói muốn được đại thần lực, nên học Bát-nhã ba-la-mật.

Lại có người nói: trong hết thảy các vật, nước là lớn nhất, vì cớ sao? Vì bốn phía đại địa đều có nước. Nếu hộ thế thiên chủ không tiết độ trời mưa, lại không có ngọc làm tiêu nước thời trời đất bị trôi chìm. Lại nhờ nước mà chúng sanh số phi chúng sanh số đều được sanh trưởng. Do vậy, đủ biết nước là lớn nhất. Vì vậy Phật dạy Bồ-tát muốn biết giọt nước nhiều ít, phân tán từng giọt từng giọt làm cho vô lực, nên học Bát-nhã ba-la-mật.

Lại có người nói: lửa là lớn nhất, vì cớ sao? Vì không có hương và vị. Lại vì chỗ nước rất nhiều, mà lửa có thể làm khô, lực của hỏa đại, hay đốt cháy vạn vật, hay soi chỗ tối, vì vậy nên biết lửa là rất lớn. Thế nên Phật dạy Bồ-tát muốn thổi tắt hỏa đại, nên học Bát-nhã ba-la-mật.

Hỏi: Lửa nhơn gió mà cháy bừng, cớ sao diệt nhau?

Đáp: Tuy nhân nhau, mà quá lắm thì diệt nhau.

Hỏi: Nếu như vậy, lửa nhiều vô lượng, miệng thổi, gió rất ít, làm sao diệt được?

Đáp: Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, nhân thiền định được thần thông có thể biến thân làm cho lớn, gió trong miệng cũng lớn, cho nên thổi diệt được. Lại do thần lực, nên gió ít có thể làm tắt, ví như Kim cương nhỏ có thể phá núi lớn. Vì vậy chư thiên, người đời thấy thần lực ấy, thảy đều kính phục.

Lại nữa, Bồ-tát cho rằng lửa làm hại rộng lớn, vì thương chúng sanh nên đem thần lực diệt tắt.

Lại vì ba ngàn đại thiên thế giới thành lập rất khó, Bồ-tát do lực phước đức trí tuệ nên ngăn được nó.

Lại có người nói: trong bốn đại, sức gió rất lớn, vì không có sắc, hương, vị, tướng lay động rất lớn, vì cớ sao? Ví như hư không vô biên, gió cũng vô biên, mọi sự sanh, nuôi, thành, bại đều do nơi gió, thế của gió lớn xô nát các núi ba ngàn đại thiên thế giới. Vì vậy Phật dạy muốn lấy một ngón tay ngăn sức gió kia, nên học Bát-nhã ba-la-mật. Vì sao? Vì thật tướng Bát-nhã ba-la-mật, vô lượng vô biên, làm cho sức ngón tay mạnh như vậy.

Kinh: Bồ-tát ma-ha-tát muốn ngồi kiết-già-phu một chỗ mà biến khắp hư không trong ba ngàn đại thiên thế giới, nên học Bát-nhã ba-la-mật.

Luận. Hỏi: Bồ-tát vì nhân duyên gì nên ngồi kiết- già-phu như vậy?

Đáp: Vì Phạm thiên vương chủ của ba ngàn thế giới, sanh tâm tà kiến cho mình là lớn, thấy Bồ-tát ngồi kiết-già-phu biến khắp hư không, thời dứt tâm kiêu mạn ấy.

Lại trong lực thần thông, phương tiện khéo léo nên một có thể làm nhiều, nhiều làm một; nhỏ làm lớn, lớn làm nhỏ, cũng muốn thị hiện việc hy hữu khó có, nên ngồi khắp hư không; cũng vì ngăn các quỷ thần long vương não loạn chúng sanh nên ngồi khắp hư không. Làm cho chúng sanh an ổn; như anh em long vương Nan-đà-bà-nan-đà muốn phá thánh Xá-bà-đề, mưa xuống các binh khí, rắn độc. Khi ấy Mục-liên ngồi thẳng, khắp hư không, biến các vật độc hại thành hoa hương, anh lạc.

Vì vậy nên nói, Bồ-tát ma-ha-tát muốn ngồi kiết-già phu một chỗ, mà biến khắp hư không trong ba ngàn đại thiên thế giới, nên học Bát-nhã ba-la-mật.

Kinh: Bồ-tát ma-ha-tát muốn lấy một sợi lông cất các núi Tu-di trong ba ngàn đại thiên thế giới ném qua vô lượng vô số thế giới Phật ở phương khác, mà không quấy nhiễu chúng sanh, nên học Bát-nhã ba-la-mật.

Luận. Hỏi: Bồ-tát cớ sao cất núi Tu-di và các núi ném qua vô lượng thế giới ở phương khác?

Đáp: Không hẳn có cất lên, đây chỉ nói rõ lực của Bố-tát có thể cất lên vậy thôi.

Lại nữa, các Bồ-tát vì biết Phật sẽ thuyết pháp nên trang nghiêm ba ngàn đại thiên thế giới, dẹp trừ các núi làm cho đất bằng phẳng, như trong kinh Pháp Hoa nói: Phật muốn nhóm các hóa Phật, nên trước tiên sửa bằng đại địa, cũng muốn hiện ra việc hy hữu, để cho chúng sanh thấy, vì cớ sao? Vì một núi Tu-di cao tám vạn bốn ngàn do tuần, nếu cất lên một núi đã là hy hữu, huống gì cất lên trăm ức núi Tu-di trong ba ngàn đại thiên thế giới. Nếu lấy một sợi lông cất lên trăm ức núi Tu-di trong ba ngàn đại thiên thế giới còn khó, huống gì lấy đầu một sợi lông, ném trăm ức núi Tu-di qua vô lượng vô số thế giới. Chúng sanh thấy việc hy hữu của Bồ-tát, đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, suy nghĩ rằng: Bồ-tát ấy chưa thành Phật đạo, mà thần lực còn như vậy huống gì thành Phật, vì vậy nên nói như thế.

Kinh: Muốn đem một phần ăn cúng dường khắp chư Phật và Tăng số như cát sông Hằng ở mỗi phương trong mười phương thế giới, nên học Bát-nhã ba-la-mật. Muốn đem một chiếc áo, hương hoa, anh lạc, hương bột, hương xoa, hương đốt, đèn đuốc, tràng phan, lọng hoa... cúng dường chư Phật và Tăng, nên học Bát-nhã ba-la-mật.

Hỏi: Bồ-tát dùng một phần ăn cúng dường một đức Phật và Tăng còn là một việc khó, huống gì chư Phật và Tăng nhiều như cát sông Hằng trong mười phương?

Đáp: Công đức cúng dường ở tâm không ở sự. Nếu Bồ-tát dùng một phần ăn với đại tâm là cúng dường khắp mười phương chư Phật và Tăng; cũng không vì xa gần làm ngăn ngại, cho nên chư Phật đều thấy, đều thọ nhận.

Hỏi: Chư Phật vì có nhất thiết trí, nên đều thấy đều thọ nhận, còn Tăng không có nhất thiết trí làm sao thấy được, làm sao thọ nhận được?

Đáp: Tăng tuy không thấy không biết, mà sự cúng dường kia, người thí được phước, ví như có người sai sứ cúng dường người kia, người kia tuy không được, mà người này đã được phước bố thí. Như Từ tâm tam-muội, đối với chúng sanh tuy không cho gì, mà người hành trí tứ tâm được công đức vô lượng.

Lại nữa, các Bồ-tát thành tựu vô lượng vô tận công đức, nên dùng một phần ăn cúng dường mười phương chư Phật và Tăng thảy đều đầy đủ; mà cũng không hết, ví như suối vọt nước ra mà không khô kiệt. Như Văn-thù-thi-lỵ dùng một bát đựng hoàn hoan hỷ, cúng dường 84.000 Tăng, thảy đều no đủ mà cũng không hết.

Lại nữa, Bồ-tát ở đây dùng một bát đồ ăn cúng dường mười phương chư Phật, mà trước mười phương chư Phật, đồ ăn uống hiện ra đầy đủ, ví như quỷ thần được đồ ăn vào một miệng mà xuất ra ngàn vạn bội.

Lại nữa, Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật, được vô lượng môn thiền định, và vô lượng môn trí tuệ phương tiện, vì vậy nên không việc gì không làm được; vì Bát-nhã ba-la-mật vô ngại, nên tâm Bồ-tát làm gì cũng vô ngại. Bồ-tát hay cúng dường mười phương ngàn vạn ức chư Phật và Tăng số như cát sông Hằng, huống gì như một hằng hà sa, cúng y phục, hoa hương, anh lạc, hương bột, hương xoa, hương đốt, đèn đuốc, tràng phan, lọng hoa... cũng như vậy.

Kinh: Lại nữa, này Xá-lợi-phất, Bồ-tát ma-ha-tát muốn làm cho chúng sanh trong hằng hà sa thế giới ở mỗi phương trong mười phương, đều đầy đủ giới hạnh, tam-muội, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, khiến chứng được quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả A-la-hán, cho đến khiến chứng được Vô dư Niết-bàn, nên học Bát-nhã ba-la-mật.

Luận. Nghĩa năm pháp uẩn (giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến – N.D) như trước nói. Quả vị Tu-đà-hoàn có hai: 1. Phật nói dứt ba kiết, chứng được vô vi. Lại như trong A-tỳ-đàm nói, dứt 88 kiết, chứng được quả vô vi, Tu-đà-hoàn. 2. Hạng người tín hành, pháp hành, trú trong đạo tỷ trí (cũng gọi là đạo loại trí – N.D) chứng được quả vị Tu-đà-hoàn.

Lại nữa, Tu-đà là dòng, tức tám thánh đạo phần. Hoàn (Ban-na) là vào, vào dòng tám thánh đạo phần đưa vào Niết-bàn; ấy gọi là bước đầu quán thật tướng các pháp, được vào phần vô lượng pháp tánh, rơi vào trong số thánh nhân.

Tư-đà là một, Hàm là lại. Người này ở đây chết, sanh lên cõi trời, từ cõi trời còn trở lại cõi Dục một lần nữa là được hết các khổ.

A-na là chẳng, Hàm là lại, ấy là tướng không trở lại. Người này chết ở cõi Dục, sanh lên cõi Sắc cõi Vô sắc, ở tại đây dứt hết các lậu hoặc, không còn sanh trở lại cõi Dục.

Hỏi: A-na-hàm dứt tại đời này hay tại thân trung ấm, cũng không sanh cõi Sắc, cõi Vô sắc, cớ sao gọi là A-na-hàm?

Đáp: A-na-hàm phần nhiều sanh trong cõi Sắc, cõi Vô sắc, còn dứt tại đời này thì ít, vì ít phải theo nhiều. Dứt tại thân trung ấm cũng từ cõi Dục sanh lên cõi Sắc, thấy thân sau đáng sợ, liền thủ chứng Niết-bàn. Vì vậy nên nhân nơi nhiều mà gọi tên.

A-la-hán vì dứt hết tất cả phiền não nên xứng đáng thọ nhận sự cúng dường của hết thảy trời, rồng, quỷ thần. A-la-hán có chín hạng: thối pháp, không thối pháp, tử pháp, hộ pháp, trú pháp, thắng tấn pháp, chẳng hoại pháp, tuệ giải thoát, cọng giải thoát A-la-hán. Nghĩa của chín hạng này như trước đã nói. Và tám bội xả, tám thắng xứ, mười nhất thiết xứ, diệt tận định. Vô tránh tam-muội, nguyện trí... là các công đức thù diệu của A-la-hán, và chứng được vô dư Niết-bàn.

Vô dư Niết-bàn: A-la-hán xả bỏ thân năm uẩn này không còn trở lại tiếp nối thọ thân năm uẩn sau, dứt vĩnh viễn các khổ của thân tâm. Ba đạo quả sau, nói như đạo quả đầu.

Kinh: Lại nữa, này Xá-lợi-phất, Bồ-tát ma-ha-tát khi thực hành bố thí theo Bát-nhã ba-la-mật, nên phân biệt rằng: bố thí như vậy được quả báo lớn, bố thí như vậy được sanh vào dòng lớn Sát-lợi, dòng lớn Bà-la-môn, đại gia cư sĩ; bố thí như vậy, được sanh cõi trời Tứ thiên vương, cõi trời Ba mươi ba, trời Dạ-ma, trời Đâu-suất-đà, trời Hóa lạc, trời Tha hóa tự tại. Nhân bố thí ấy được vào Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, Vô biên không xứ, Vô biên thức xứ, Vô sở hữu xứ, Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ. Nhân bố thí ấy, có thể phát sanh tám thánh đạo phần; nhân bố thí ấy, có thể chứng được Tu-đà-hoàn đạo, cho đến Phật đạo, nên học Bát-nhã ba-la-mật.

Luận. Bồ-tát ma-ha-tát biết thật tướng các pháp không lấy không bỏ, không có gì phá hoại, hành Bát-nhã ba-la-mật bất khả đắc, đem tâm đại bi, trở lại tu phước hạnh. Cánh cửa đầu của phước hạnh, trước tiên là bố thí. Bố thí thực hành Bát-nhã ba-la-mật, trí tuệ minh lợi, phân biệt phước bố thí; vật thí tuy đồng, mà phước đức nhiều ít là tùy tâm hơn kém. Như Xá-lợi-phất lấy một bát cơm dâng Phật, Phật liền đem cho chó mà hỏi Xá-lợi-phất: ông thí cơm cho Ta, Ta lấy cơm cho chó, ai được phước nhiều?

Xá-lợi-phất đáp: như con hiểu nghĩa Phật pháp, thì Phật thí cho chó được phước nhiều.

Xá-lợi-phất là bậc trí tuệ tối thượng trong hết thảy người, và Phật phước điền là bậc nhất mà không bằng thí cho chó là ruộng xấu mà lại được phước nhiều. Vì vậy nên biết phước lớn từ tâm sanh, chứ không từ ruộng: như Xá-lợi-phất gấp ngàn vạn ức chẳng bằng kịp tâm Phật.

Hỏi: Như ông nói ruộng phước tốt thời được phước nhiều, mà sao Xá-lợi-phất cúng thí cho Phật lại không được phước nhiều?

Đáp: Ruộng tốt tuy được phước nhiều mà không bằng tâm tốt, vì cớ sao? Vì tâm là nội chủ, ruộng là vật ngoài. Hoặc có khi phước bố thí cốt ở ruộng phước, như A-la-hán Ức-nhĩ, xưa lấy một cành hoa cúng nơi tháp Phật, mà trong 91 kiếp ở cõi trời hưởng lạc, sức phước đức còn lại chứng được A-la-hán. Lại như vua A-dục lúc trẻ nhỏ lấy đất cúng Phật, khi được làm vua cõi Diêm-phù-đề (Ấn Độ) lại dựng 80.000 tháp, tối hậu được đạo. Vật thí rất hèn mà tâm tiểu nhi thanh tịnh và chỉ do ruộng phước tốt mà được quả báo lớn, nên biết đó là phước lớn từ ruộng tốt sanh. Nếu là phước lớn trên hết, thì phải đủ ba việc là tâm, vật thí, ruộng phước đều tốt, như trong phẩm đầu của kinh Bát-nhã ba-la-mật nói: Phật lấy hoa đẹp rải trên mười phương Phật.

Lại nữa, như đem tâm Bát-nhã ba-la-mật mà bố thí, vì không chấp trước nên được quả báo lớn.

Lại nữa, vì Niết-bàn mà bố thí cũng được quả báo lớn. Vì tâm đại bi thương độ chúng sanh mà bố thí, cũng được quả báo lớn.

Lại nữa, quả báo lớn là như trong đây nói, là được sanh vào nhà Sát-lợi cho đến được thành Phật.

Hỏi: Tại sao bố thí lại được sanh vào nhà Sát-lợi cho đến được thành Phật?

Đáp: Nếu có người nhờ bố thí, trì giới, thì được giàu sang trong cõi người cõi trời, như có người chí tâm bố thí, trì giới nên được sanh vào nhà Sát-lợi. Nhà Sát-lợi là vua và đại thần; nếu ưa đắm kinh sách trí tuệ không não hại chúng sanh mà bố thí, trì giới thì sanh vào nhà Bà-la-môn; nếu bố thí trì giới ít, mà ưa đắm cái vui thế gian, thì sanh vào nhà cư sĩ. Cư sĩ là tiểu nhân mà giàu lớn. Nếu bố thí, trì giới thanh tịnh hơn chút ít, chán sợ gia nghiệp, ưa vui nghe pháp, cúng dường người lành, thì được sanh cõi trời Tứ thiên vương, vì cớ sao? Vì ở cõi này tâm cầu muốn gì đều có được; thường thấy ở trong đó các thánh hiền, thiện nhân, sanh tâm cúng dường, vì gần chỗ tu phước. Nếu bố thí, trì giới thanh tịnh, cúng dường cha mẹ và bậc tôn quý, tâm muốn cầu hơn nhiều, thì được sanh lên cõi trời Ba mươi ba. Nếu bố thí, trì giới thanh tịnh và ưa học hỏi, tâm ý nhu hòa thì được sanh cõi trời Dạ-ma. Nếu bố thí, trì giới thanh tịnh, làm cho hai việc này càng cao hơn, ưa vui nghe nhiều, phân biệt tốt xấu, ưa vui Niết-bàn, tâm say đắm công đức thì được sanh cõi trời Đâu-suất. Nếu bố thí và có thâm tâm trì giới, nghe nhiều, ưa vui học vấn, tự lực sinh hoạt, thì được sanh cõi trời Hóa-lạc. Nếu khi bố thí, trì giới thanh tịnh càng sâu, ưa vui nghe nhiều, tâm quý mình nhiều, không thể tự làm khổ, theo người khác tìm vui, thì được sanh cõi trời Hóa-tự-tại. Ở đây người khác suy nghĩ, phương tiện siêng năng hóa làm nữ sắc, năm dục, tự tại đoạt lấy cho mình, ví như người dân tự khổ thân tạo tác, người khác dùng sức mạnh đoạt lấy.

Lại nữa, trong khi bố thí do nguyện lực nên sanh cõi trời; như trong Kinh nói: có người tu bố thí, trì giới chút ít không biết thiền định, người ấy nghe có trời Tứ thiên vương, tâm thường chí nguyện đến đó. Phật nói người ấy mạng chung được sanh cõi trời Tứ thiên vương, chắc có lẽ ấy; cho đến sanh cõi trời Tha hóa tự tại cũng như vậy.

Lại nữa, có người bố thí, trì giới, trong khi tu bố thí tâm được an vui, nếu thí nhiều thì vui cũng nhiều. Suy nghĩ như vậy, bỏ năm dục, trừ năm triền cái, vào Sơ thiền, cho đến vào cõi trời Phi hữu tưởng phi vô tưởng cũng như vậy. Nghĩa của bốn thiền, bốn vô sắc định như trước nói.

Lại nữa, có người bố thí cho Phật và đệ tử Phật, theo đó được nghe giảng đạo pháp, người này nhân sự bố thí đó tâm được nhu nhuyến, trí tuệ minh lợi, tức phát sanh tám thánh đạo phần, đứt ba kiết (thân, kiến, giới cấm thủ, nghi – N.D) chứng được quả Tu-đà-hoàn; cho đến chứng Phật đạo cũng như vậy.

Nhân sự bố thí được nghe thuyết pháp ấy, bèn phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Lại nữa, người chưa lìa dục mà bố thí, được sanh làm người giàu sang và sanh cõi trời Lục dục. Nếu lìa dục mà bố thí thì được sanh cõi trời Phạm Thế cho đến cõi trời Quảng Quả. Nếu tâm lìa sắc mà bố thí thì được sanh cõi trời Vô sắc. Vì cầu Niết-bàn lìa ba cõi mà bố thí thì được quả Thanh văn. Khi bố thí, chán ghét ồn ào, ưa vui nhàn tịnh, ưa trí tuệ sâu xa, thì được đạo quả Bích-chi Phật. Khi bố thí, khởi tâm đại bi muốn độ chúng sanh, có trí tuệ thanh tịnh rốt ráo sâu xa bậc nhất, thì được thành Phật đạo.

Kinh: Lại nữa, này Xá-lợi-phất, Bồ-tát ma-ha-tát khi tu hành bố thí Bát-nhã ba-la-mật, do lực của tuệ phương tiện nên có thể đầy đủ Thí ba-la-mật, Giới ba-la-mật, Nhẫn nhục ba-la-mật, Tinh tấn ba-la-mật, Thiền ba-la-mật, Bát-nhã ba-la-mật.

Xá-lợi-phất bạch Phật rằng: bạch Thế Tôn, Bồ-tát ma-ha-tát làm sao khi bố thí do lực của tuệ phương tiện nên đầy đủ Thí ba-la-mật cho đến Bát-nhã ba-la-mật?

Phật bảo Xá-lợi-phất: vì tướng người thí, người nhận và tài vật đều không thể có được, nên có thể đầy đủ Thí ba-la-mật vì tướng tội không tội, không thể có được nên đầy đủ Giới ba-la-mật; vì tâm không động nên đầy đủ Nhẫn ba-la-mật; vì thân tâm tinh tấn không giải đãi nên đầy đủ Tinh tấn ba-la-mật; vì không loạn, không ưa đắm nên đầy đủ Thiền ba-la-mật; vì biết tướng hết thảy pháp không thể có được, nên đầy đủ Bát-nhã ba-la-mật.

Luận. Nghĩa chữ đầy đủ trước đã nói rộng. Tuệ phương tiện trong đây nói chính là ba sự không thể có được vậy (ba sự là người thí, người nhận, vật tài – N.D).

Hỏi: Tuệ phương tiện là có thể thành tựu việc ấy, không gì phá hoại, cũng không gì tạo tác, song nay phá cả ba sự ấy, thì lẽ đáng đọa vào đoạn diệt, cớ sao nói đó là tuệ phương tiện?

Đáp: Có hai thứ không thể có được: 1. Được, không thể có được (đắc bất khả đắc). 2. Không được, không thể có được (bất đắc bất khả đắc). Được không thể có được, là đọa vào đoạn diệt; nếu không được không thể có được ấy là tuệ phương tiện, không đọa vào đoạn diệt. Nếu bố thí không có tuệ phương tiện thời chấp thủ tướng ba sự; nếu cho ba sự không, thời chấp thủ vô tướng. Có tuệ phương tiện thời từ xưa lại đây không thấy tướng ba sự, vì vậy tuệ phương tiện không đọa vào có và không.

Lại nữa, khi bố thí phá hoại các phiền não, ấy gọi là tuệ phương tiện.

Lại nữa, đối với hết thảy chúng sanh, khởi tâm đại bi bố thí, ấy gọi là tuệ phương tiện.

Lại nữa, trong vô lượng đời quá khứ vị lai tu phước đức bố thí, đều hồi hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng gọi là tuệ phương tiện.

Lại nữa, đối với công đức của ba đời mười phương Phật và đệ tử Phật, đều ức niệm tùy hỷ bố thí và hồi hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, ấy gọi là tuệ phương tiện.

Các lực như vậy, là nghĩa của tuệ phương tiện. Cho đến Bát-nhã ba-la-mật tuệ phương tiện cũng như vậy.

Kinh: Lại nữa, này Xá-lợi-phất, Bồ-tát ma-ha-tát muốn được công đức của chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại, nên học Bát-nhã ba-la-mật.

Luận. Hỏi: Công đức Phật quá khứ đã diệt, công đức Phật vị lai chưa có, công đức Phật hiện tại không thể có được. Lại công đức của Phật ba đời đều không thể có được, cớ sao nói muốn được công đức Phật ba đời, nên học Bát-nhã ba-la-mật?

Đáp: Không phải nói muốn được công đức của Phật ba đời, mà nói tự muốn được công đức như Phật ba đời không giảm thiểu, vì cớ sao? Vì công đức của tất cả Phật đều bình đẳng, không nhiều không ít.

Hỏi: Nếu như vậy, cớ sao nói đức Phật A-di-đà sống lâu vô lượng, ánh sáng chiếu ngàn vạn ức do tuần, vô lượng kiếp độ chúng sanh?

Đáp: Thế giới chư Phật có nhiều thứ, có thế giới tịnh, có thế giới bất tịnh, có thế giới lẫn lộn, như phẩm kinh Cõi trời Ba mươi ba nói: Phật An-cư ở cõi trời Ba mươi ba, giờ Tự-tứ đến, mà bốn chúng lâu không thấy Phật, lo buồn không vui, sai Mục-liên bạch Phật rằng: bạch Thế Tôn! Cớ sao bỏ chúng sanh ở đây mà lên ở cõi trời kia?

Bấy giờ Phật bảo Mục-liên: ông hãy xem ba ngàn thế giới. Mục-liên nhờ Phật lực liền thấy các đức Phật; hoặc vì chúng sanh nói pháp, hoặc ngồi thiền, hoặc đi khất thực, thi tác các Phật sự như vậy. Mục-liên liền năm vóc gieo sát đất. Lúc ấy núi Tu-di cao ngất động mạnh, chư thiên đều rất sợ hãi, Mục-liên khóc rơi lệ, cúi đầu bạch Phật: Phật có tâm đại bi, không bỏ hết thảy, làm các việc như vậy hóa độ chúng sanh.

Phật bảo Mục-liên: điều ông thấy rất ít, quá chỗ thấy của ông về phương đông có quốc độ, đất thuần bằng hoàng kim, đệ tử Phật ở cõi kia đều là A-la-hán, đủ sáu thông không chướng ngại. Lại quá khỏi đó, phương đông có quốc độ, đất thuần bằng bạch kim, đệ tử Phật ở cõi kia đều học đạo Bích-chi Phật. Lại quá cõi đó, phương đông có quốc độ đất thuần bằng bạch ngân; đệ tử Phật kia đều học Bích-chi Phật đạo. Lại quá cõi đó, phương đông có nước thuần bảy báu, đất kia thường có ánh sáng vô lượng, đệ tử đức Phật kia hóa độ thuần là các Bồ-tát, đều được các môn tam-muội, các đà-la-ni, ở địa vị bất thối chuyển. Mục-liên nên biết, các Phật kia đều là thân ta. Như vậy vô lượng thế giới nhiều như cát sông Hằng ở phương đông, có thế giới trang nghiêm, có thế giới không trang nghiêm, đều là nơi thân Ta làm Phật sự; như phương Đông; các phương Nam, Tây, Bắc; bốn góc, trên dưới cũng như vậy.

Vì vậy nên biết Thích-ca Văn Phật còn có thế giới thanh tịnh như thế giới Phật A-di-đà. Phật A-di-đà cũng có thế giới nghiêm tịnh va chẳng nghiêm tịnh như thế giới của Thích-ca-văn Phật.

Chư Phật đại bi, thấu suốt xương tủy, không kể thế giới tốt xấu, chỉ tùy căn cơ đáng độ mà giáo hóa, như mẹ lành thương con, dẫu con bị chìm hầm xí, cũng siêng tìm cách cứu vớt, không cho là xấu bẩn.

(Hết cuốn 32 theo bản Hán)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn