Quyển V

22 Tháng Năm 201000:00(Xem: 15376)

TÂY TẠNG TỰ - BÌNH DƯƠNG
KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG

Người dịch : THUBTEN OSALL LAMA - NHẪN TẾ THIỀN SƯ
THÀNH HỘI PHẬT GIÁO TP. HỒ CHÍ MINH - Phật lịch : 2541 - 1997

QUYỂN V
CHƯƠNG II : NƯƠNG CHỖ NGỘ MÀ TU

Mục Một : Nêu Ra Cái Căn Để Chỉ Chỗ Mê

Xin khai thị cách cởi nút
Mười phương Như Lai đồng một lời chỉ thị.
Sáu căn là đầu nút sanh tử và niết bàn
Thấy rõ tánh của mối nút để tức thời giải thoát
Kệ tụng
Mục Hai : Cột Khăn Để Chỉ Mối Nút Và Cách Mở Nút

Cột nút
Cách mở nút
Mục Ba : Hỏi Đại Chúng Về Viên Thông

Viên thông về thanh trần
Viên thông về sắc trần 
Viên thông về hương trần
Viên thông về vị trần
Viên thông về pháp trần
Viên thông về nhãn căn
Viên thông về tỷ căn
Viên thông về thiệt căn
Viên thông về thân căn
Viên thông về ý căn
Viên thông về nhãn thức
Viên thông về nhĩ thức
Viên thông về tỷ thức
Viên thông về thiệt thức
Viên thông về thân thức
Viên thông về ý thức
Viên thông về hỏa đại
Viên thông về địa đại
Viên thông về thủy đại
Viên thông về phong đại
Viên thông về không đại
Viên thông về thức đại
Viên thông về kiến đại

QUYỂN V

CHƯƠNG II
NƯƠNG CHỖ NGỘ MÀ TU

MỤC MỘT :
NÊU RA CÁI CĂN ĐỂ CHỈ CHỖ MÊ

I. XIN KHAI THỊ CÁCH CỞI NÚT

Kinh : Ông Anan bạch Phật rằng : “Thưa Thế Tôn, tuy Như Lai đã dạy Nghĩa Quyết Định Thứ Hai, nhưng nay tôi xem những người mở nút trong thế gian, nếu không biết đầu mối của nút ở đâu, thì tôi tin là người ấy rốt cuộc không thể mở được. Thưa Thế Tôn, tôi và hàng Thanh Văn Hữu Học trong hội cũng giống như vậy. Từ vô thủy đến nay, chúng tôi cũng với các thứ Vô Minh cùng sanh cùng diệt. Tuy được căn lành đa văn như thế này, mang tiếng là xuất gia nhưng cũng như người sốt rét cách nhật ! Xin nguyện Đức Đại Từ thương xót kẻ chìm đắm mà chỉ bày cho, giờ đây chính nơi thân tâm thế nào là nút, do đâu mà mở ? Cũng khiến cho chúng sanh khổ nạn đời vị lai được khỏi luân hồi, không rớt vào ba cõi”.

Nói lời ấy rồi, Ông Anan và cả đại chúng năm vóc gieo xuống đất, khóc lóc thành khẩn, mong chờ lời khai thị vô thượng của Như Lai. 

Thông rằng : Đoạn trước, Ông Phú Lâu Na đã hỏi : “Hết thảy chúng sanh, do đâu mà có vọng khiến tự mình che khuất tánh Diệu Minh, mà chịu sự chìm đắm ?” Ở đây Ông Anan hỏi : “Giờ đây, chính nơi thân tâm, thế nào là nút, thế nào là mở ?” Đó là đều muốn đi đến cùng cực cái vọng căn, nghiên cứu nhỏ nhiệm cái vô minh câu sanh, mới biết đầu gốc thắt nút mà phá trừ đi vậy. 
Đoạn trước, đáp rằng : “Biết rõ cái Mê là không có nguyên nhân, thì cái Vọng cũng không có chỗ nào nương dựa. Còn không có chỗ sanh ra, muốn diệt dứt chỗ nào ?” Ở đây thì đáp : “Tướng Phần và Kiến Phần không có tự tánh, cũng như các nhánh lau gác lên nhau. Xét cái tánh giao nhau đó, thì không và có đều là chẳng phải”. 

Trước nói, “Tánh điên tự hết, hết tức Bồ Đề”. Đây nói, “Thấy biết mà không có thấy biết, đó chính là Niết Bàn”. Trước sau suốt thông như một. Chỉ là ở trước thuộc về Kiến Đạo, biết Vọng tức là Giác, Giác tức Bồ Đề. Còn đây là phần Tu Đạo, lìa cái Thấy tức là Không, Không tức là Niết Bàn. 
Nút là sự trói buộc nơi Căn Trần do mê, nên chìm sâu sanh tử. Mở là sự thoát khỏi Căn Trần do ngộ, nên thấy biết cái Diệu Thường. Đây là theo căn Tai mà nghe ngược trở lại, thoát khỏi sự dính kết mà quay về bên trong, nhiếp phục tâm bám nắm, nhập Tri Kiến Phật, thuộc về công phu tu tập, nên gọi là Nghĩa Thứ Hai.

Có nhà sư hỏi Tổ Thạch Đầu : “Như thế nào là Giải Thoát ?”
Tổ Đầu nói : “Ai trói buộc ông ?”
Hỏi : “Như thế nào là Tịnh Độ ?”
Tổ Đầu nói : “Ai làm dơ ông ?”
Hỏi : “Như thế nào là Niết Bàn ?”
Tổ Đầu nói : “Ai đem sanh tử lại cho ông ?”
Nếu nơi đây mà được liền cái chỗ an lạc, thì còn hướng chi đến cái đệ nhị đầu mà làm kế sanh nhai !


II. MƯỜI PHƯƠNG NHƯ LAI ĐỒNG MỘT LỜI CHỈ THỊ : 
SÁU CĂN LÀ ĐẦU NÚT SANH TỬ VÀ NIẾT BÀN

Kinh : Bấy giờ, Thế Tôn thương xót Ông Anan và hàng Hữu Học trong hội, và cũng vì tất cả chúng sanh đời vị lai mà tạo cái nhân xuất thế, làm cái đạo nhãn tương lai. Ngài lấy tay sáng ngời xoa đỉnh đầu Ông Anan. Tức thời, trong khắp các thế gian của Chư Phật mười phương rung động sáu cách. Các Đức Như Lai nhiều như vi trần trụ các thế giới, mỗi Ngài đều có ánh sáng báu từ đỉnh đầu phóng ra. Các hào quang đó cùng lúc từ các cõi kia đến rừng Kỳ Đà, chiếu soi đỉnh đầu Như Lai. Tất cả đại chúng liền được cái chưa từng có.
Trong lúc đó, Ông Anan và cả đại chúng đều nghe các Đức Như Lai nhiều như vi trần trong mười phương, vô số miệng khác nhau đều dùng một lời, dạy Ông Anan : “Lành thay, Anan! Ông muốn biết cái câu sanh vô minh, khiến ông lưu chuyển, cái căn mối nút sanh tử. Đó chính là sáu Căn của ông, chứ chẳng phải vật gì khác! Ông lại muốn biết Bồ Đề Vô Thượng, khiến chóng chứng Tánh Diệu Thường an lạc, giải thoát, tịch tịnh thì cũng chính là sáu Căn của ông, chứ chẳng phải vật gì khác”.
Ông Anan tuy nghe pháp âm như thế, tâm còn chưa rõ, cúi đầu bạch Phật : “Làm sao cái khiến cho tôi luân hồi sanh tử hoặc an lạc diệu thường cũng chính là sáu Căn, chứ không phải vật nào khác ?”

Thông rằng : Trước kia, Ông Anan có nói “Tâm tôi nào chỉ cúng dường Như Lai, mà cho đến ứng khắp hằng sa quốc độ, phụng sự Chư Phật và các thiện tri thức, phát tâm đại dũng mãnh làm tất cả những sự việc khó làm, là đều dùng tâm này. Cho dù hủy báng pháp mà vĩnh viễn lui sụt thiện căn, cũng là do cái tâm này”.

Tâm đã không hai như thế, thì sáu Căn cũng không hai, cớ sao lại sáng ở nơi kia mà tối ở đây ư ? Chỉ là sáu Căn này đấy thôi. Thuận theo đó mà xuất ra, thế là trái với Giác hợp với Trần : liền vào ngay dòng sanh tử. Nghịch lại mà nhập vào, trái với Trần hợp với Giác : tức là ở trong cái chẳng sanh diệt. Giống như sấp tay, ngửa tay ! Xưa nay Như Lai không hề nói khác !
Thiền sư Bàn Am Thành thượng đường nói : 

“Một niệm tâm thanh tịnh
Phật ở Ma Vương điện
Một niệm tâm ác sanh
Ma Vương vào Phật điện”.

Thiền sư Hoài nói rằng : “Chỉ như thế mà tin lấy. Đó gọi là chân dẫm lên Thật Địa mà đi, rốt là không có pháp nào khác, cũng không có đạo lý nào khác. Lão tăng bày thẳng ra như thế, chỉ sợ rằng các ông thấy thỏ thả ưng, khắc thuyền tìm kiếm ! Sao vậy ? Thần lành, quỷ ác thì chủ nhân có trí đều không lãnh thọ”.

Nhưng thiền sư Đại Mai Thường nghe tiếng kêu của con sóc cánh, bèn nói : “Tức là vật ấy, chẳng phải vật nào khác. Tất cả các ông hãy khéo tự hộ trì”. 

Nói xong, thị tịch.
Thiền sư Vĩnh Minh Thọ ca ngợi rằng :

“Sư khi mới đắc Đạo
Thì, tức Tâm là Phật
Sau rốt dạy đồ chúng
Vật ấy, không vật khác
Cùng tột nguồn vạn pháp
Thấu đến xương ngàn Thánh
Chân vốn chẳng đổi dời
Ngại gì chuyện còn, mất”. 

Tin được rằng Ngài Đại Mai cùng tiếng kêu của con sóc cánh không khác, thì còn có sanh tử Niết Bàn nào khác nhau ư ?


II. THẤY RÕ TÁNH CỦA MỐI NÚT ĐỂ TỨC THỜI GIẢI THOÁT

Kinh : Phật bảo Ông Anan : “Căn, Trần cùng nguồn. Trói mở không hai. Tánh của Thức là hư vọng, cũng như hoa đốm giữa hư không. Anan, do cái Trần mà phát ra cái biết, nhân cái Căn mà có cái Tướng. Cả Tướng Phần và Kiến Phần đều không có tự tánh, giống như các nhánh lau gác lên nhau.

Thông rằng : Căn thuộc về Kiến Phần, Trần thuộc Tướng Phần. Chỉ đều do một niệm vô minh làm dính kín tánh trong lặng mà phát khởi, nên gọi là đồng nguồn. Chỉ ở nơi đầu nguồn mà xem thấy, thì Kiến Phần và Tướng Phần chưa thành hình, lúc ấy Căn, Trần ở đâu mà có ? 

Từ lúc Căn hợp với Trần mà trôi xuôi thì gọi là buộc. Từ lúc Căn ngược với Trần mà trở về nguồn, thì gọi là mở. Cái trói chính là sáu Căn, chứ không phải vật gì khác. Cái mở cũng là sáu Căn, chứ không còn vật gì khác. Thể vốn không hai vậy. Trong cái Thể không hai này mà soi xét, thì trói buộc chẳng là dơ, cởi mở chẳng là sạch. Nơi Thể không hai đó, chưa từng có thêm bớt, đó là Căn, Trần vốn đồng nguồn vậy, ai thấy là khác được ? Trói, mở vốn không hai, ai thấy được là hai ? 

Sở dĩ phân biệt chia tách, là do cái Thức vậy. Thức này hư vọng mà phân biệt, cũng như dụi mắt mà vọng thấy có không-hoa. Vốn nào có Căn, Trần lại vọng thấy Căn, Trần. Vốn nào có trói, mở mà vọng thấy trói, mở. Biết rõ cái Thức này, có cũng như do dụi mắt, bèn chuyển Thức về nguồn, thì con mắt trong sáng, nên chóng chứng an lạc giải thoát, Tịch Tịnh Diệu Thường. Chẳng phải ở nơi Căn mà quay lại, nhưng ở nơi Thức mà chuyển. Sao gọi là Thức hư vọng giống như hoa đốm ? Chẳng phải bảo là lìa cái Thức tánh hư vọng mà riêng có cái gọi là Tịch Tịnh Diệu Thường đâu. Chỉ cần tin cái Thức là hư vọng, thì Diệu Thường ở ngay nơi Thức. Chỉ cần tin hoa đốm không tự tánh, thì con mắt sáng trong ở ngay tại không-hoa.

Bởi thế, do Trần mà phát ra Thức, chứ Thức chẳng tự sanh. Nhân Căn mà có Tướng, chứ Tướng không tự có. Ba cái Căn, Trần, Thức giao nhau mà lập, mà hợp, như lau gác lên nhau, vốn không tự tánh. Cho tánh giao nhau là có thật, thì khi chưa giao nhau sao lại không có ?
Cho tánh giao nhau là không có, thì khi đã gác lên nhau, làm sao lại có ? Đã chẳng phải là tánh Không, lại chẳng phải là tánh Có, nên nói là không có tánh. Tướng Phần và Kiến Phần, cả hai đều không có tự tánh, hiện thể bèn là vô sanh. Cho nên, biết rằng trong cái Căn mối nút sanh tử tự sẵn đủ Tịch Tịnh Diệu Thường vậy. Thế, chẳng đủ để tin rằng trói buộc hay cởi mở là không hai sao ?

Tổ Thạch Đầu dạy chúng rằng : “Pháp môn của ta, Phật trước truyền thọ, chẳng luận thiền định, tinh tấn, độc chỉ thấu đạt Tri Kiến của Phật. Tức Tâm là Phật. Tâm, Phật, chúng sanh, Bồ Đề, phiền não : tên khác mà một thể. Các ông phải biết, cái Tự Kỷ tâm linh, thể lìa thường đoạn, tánh nó chẳng dơ sạch, lặng tròn đủ như nhiên. Phàm Thánh đồng đều, ứng dụng khắp cả, lìa tâm, ý, thức. Ba cõi, sáu đường, duy tự tâm hiện. Trăng dưới nước, bóng trong gương, nào có sanh, diệt ? Các ông mà biết được nó thì có chỗ nào mà chẳng đầy đủ ?”

Đây là Đệ Nhất Nghĩa Tối Thượng vậy. 

Chỗ nói, “Bồ Đề, phiền não, khác tên mà một thể”, chẳng phải là “Căn, Trần đồng nguồn” ư ? Chỗ nói, “Thể lìa đoạn thường, tánh nó chẳng dơ sạch”, chẳng phải là chỗ nói “Trói mở không hai” đấy sao ? Chỗ nói, “Ba cõi sáu đường, duy tự tâm hiện; trăng trong nước, bóng trong gương, nào có sanh diệt”, chẳng phải là chỗ “Tướng Phần, Kiến Phần không có tánh, cũng như hình cây lau gác nhau” đấy sao ? Hình lau gác nhau, hoa đốm giữa hư không, cũng không có sanh diệt. Thế nên biết rằng Thức tánh là hư vọng, bèn An Lạc Giải Thoát đó. 

Kinh : “Thế nên, giờ đây chính nơi Thấy Biết mà lập ra Tướng có Thấy Biết, đó là cội gốc Vô Minh. Chính nơi Thấy Biết mà chẳng có Tướng Thấy Biết, đó là Niết Bàn chân tịnh, vô lậu. Làm sao trong ấy lại còn có vật gì khác !”
Khi ấy, Thế Tôn muốn lập lại nghĩa này mà nói bài kệ :

Thông rằng : “Trong thấy biết mà lập ra tướng thấy biết”, nghĩa là “Nhân cái Minh mà lập ra cái Sở”. Do đó, biết rằng cái căn bản Vô Minh, cái gốc của sự thắt nút, cái căn mối nút sanh tử chính là cái Thức vậy, mà chẳng phải chỉ là Căn. Thấy biết mà không có tướng thấy biết, tức là “Thấy do lìa cái thấy, Thấy ấy là siêu việt”. Thế nên, phải biết rằng giải thoát khỏi cái thấy biết đó là cái quả vô lậu, đó là Tịch Tịnh Diệu Thường, là chuyển Thức thành Trí vậy, chứ cũng chẳng phải chỉ là Căn. Bởi thế, trong bài kệ ở sau tụng rằng “Thức A Đà Na vi tế” hiển bày đầy đủ Căn và Thức không hai.

Thiền sư Thùy Lộc An thường đọc kỹ càng chỗ này : “Tri Kiến lập Tri, tức Vô Minh bổn. Tri Kiến Vô Kiến, ấy tức là Niết Bàn”. Rỗng nhiên khai ngộ, thường đọc tụng luôn. 
Học trò bảo rằng : “Nên lấy bốn chữ làm câu !” 
Ngài nói : “Đây là chỗ ngộ của ta, không thể chuyển đổi !” 
Thời ấy gọi Ngài là An Lăng Nghiêm. 
Khi thị tịch, đọc kệ rằng : 

“Chẳng thể đầu non mang lại được
Há từ Kê Túc(01) truyền mai sau
Từ xưa Hiền Thánh đều như thế
Há nay đặt chuyện với ông đâu ?”.

Phó chúc xong, tự mình bước vào trong hòm, nằm nghiêng bên hữu. 

Trải qua ba ngày, đệ tử mở quan tài khóc lóc, bèn trỗi dậy lên tòa thuyết pháp, quở trách răn dạy : “Còn mở nắp hòm của ta thì không phải là đệ tử của ta”. 

Rồi bước vào trong hòm đi luôn.
Nếu chẳng được vô lậu chân tịnh, làm sao đến đi tự do như thế ?


IV. KỆ TỤNG

Kinh : 

(Trong) Chân Tánh, hữu vi (là) không 
Duyên sanh nên Như Huyễn
Vô vi, không khởi diệt
Chẳng thật, như Không-hoa

Thông rằng : Hữu vi tùy theo duyên mà khởi diệt, đó là Pháp Sanh Diệt. Vô Vi không có chuyện khởi diệt, đó là Pháp Niết Bàn. Trong Chân Tánh vốn không có Tướng Sanh Tử hay Niết Bàn. Nút buộc do đâu mà khởi ? Cởi mở từ đâu mà có tên ? Thế nên, Hữu Vi là Như Huyễn, Vô Vi cũng là dụi mắt mà sanh, cả hai đều hư vọng. Ở đây, là tụng Căn và Trần đồng nguồn, trói và mở không hai. Ở trong chỗ đồng nguồn, không hai, thì thấy được hữu vô đều là hư vọng. 

Tổ Bách Trượng nói : “Phật là người không cầu, tìm cầu tức là trái. Lý là Lý không cầu, hễ cầu là mất. Nếu bám lấy sự không cầu, thế cũng lại giống với có cầu. Nếu bám lấy Vô Vi, thì đó cũng lại là Hữu Vi. Nên kinh Kim Cang nói : “Chẳng nắm giữ nơi pháp, chẳng nắm giữ cái chẳng phải là pháp, chẳng nắm giữ cái không phải là chẳng phải pháp”. 

Ngài lại nói : “Chỗ đắc pháp của Như Lai, Pháp ấy không thật, cũng không hư. Chỉ suốt một đời tâm như gỗ đá, chẳng bị Ấm, Giới, Nhập, Ngũ Dục, Bát Phong chìm đắm, thì cái nhân sanh tử đoạn trừ, đi hay ở đều tự do, không bị tất cả nhân quả hữu lậu móc níu. Lúc ấy mới lấy sự không trói buộc làm nhân mà đồng sự lợi ích cho người. Lấy tâm không trụ trước mà ứng với hết thảy vật. Dùng cái Huệ Vô Ngại mà cởi mở tất cả trói buộc, nên cũng nói là theo bệnh cho thuốc”.
Ở đây, Tổ Bách Trượng chỉ thẳng cái Chân Tánh chẳng sa vào hữu vi, đều chỉ bày phương tiện giải thoát, đó là chỗ nói “Phát minh tức thành giải thoát vậy”.

Kinh : 

Nói Vọng để hiển Chơn
Vọng, Chơn đều là vọng
Còn không (phải) Chơn, Phi Chơn
Lấy đâu Kiến, Sở Kiến ?

Thông rằng : Các pháp Hữu Vi duyên theo Căn Trần mà sanh, nên gọi là hư vọng. Còn pháp Vô Vi thoát khỏi Căn và Trần, lìa tướng khởi và diệt, cớ sao lại gọi là chẳng thật như hoa đốm ? Nói sanh diệt là Vọng là để hiển cái Chân của Niết Bàn, mà đã nói có Chân để đối với Vọng, thì Chân cũng thành Vọng, nên nói cả hai thứ đều Vọng. Vì sao thế ? Vì có cái Chân để đắc vậy. Như ở trong Chân Tánh, thì Chân với chẳng phải Chân đều bất khả đắc. Tức là Chân mà chẳng phải Chân, tức là Tánh mà không Tánh, còn làm sao có được cái Căn năng kiến và cái Cảnh sở kiến ư ?

Thấy là Có, là cái thấy huyễn. Thấy là Không, cũng là dụi mắt sanh ra. Phàm là có thấy, liền rơi vào nơi chốn, cho nên thấy có Niết Bàn để thành, tức là hư vọng đó vậy. Cái gọi là Chân, vốn nào có hư vọng, huống là cái chẳng phải Chân hay chẳng Chân, trong ấy Chân còn không thể có, thì Vọng từ đâu mà sanh ?

Có nhà sư hỏi Tổ Hoàng Bá : “Vọng hay chướng ngại tự tâm, chưa rõ nay lấy gì để bỏ Vọng ?”
Tổ nói : “Khởi lên cái Vọng để bỏ Vọng cũng thành ra Vọng. Vọng vốn không gốc, chỉ nhân phân biệt mà có. Ông chỉ nơi hai đầu phàm Thánh chớ khởi suy lường, nhớ nghĩ, thì tự nhiên không có Vọng. Lại toan tính đuổi bỏ nó là thế nào ? Tuyệt chẳng có được một mảy tơ nương bám, thì gọi là buông bỏ cả hai tay, ắt hiện thành Phật”.

Nhà sư hỏi rằng : “Đã không có chỗ nương bám, thì lấy gì trao truyền ?”

Tổ nói : “Lấy tâm truyền tâm”.

Nhà sư hỏi : “Nếu lấy tâm trao truyền, sao lại nói tâm cũng là không ?”

Tổ Bá nói : “Không đắc một pháp gọi là truyền Tâm. Nếu ngộ Tâm này, liền thật không thấy Tâm, không thấy Pháp”.

Nhà sư hỏi : “Nếu không có Tâm, không có Pháp, làm sao gọi là truyền ?”

Tổ Bá nói : “Ông nghe nói truyền Tâm, bèn cho là có thể đắc. Bởi thế, Tổ Sư dạy :

“Khi nhận được Tâm Tánh
Mới là chẳng nghĩ bàn
Rõ ràng không chỗ đắc
Khi đắc chẳng nói tri”.

Chỗ này mà muốn dạy tỏ hiểu, làm sao được ! Một chữ Tri còn chẳng tự mang lấy, mới có thể nói là Chân.

Kinh : 

Ở giữa, không thật tánh
Nên giống lau gác nhau
Buộc, mở đồng một nhân
Thánh phàm không hai lối
Hãy xem tánh giao nhau
Có, Không đều chẳng phải
Mê lầm là Vô Minh
Phát minh liền Giải Thoát

Thông rằng : Ở giữa là ở giữa Năng Kiến và Sở Kiến. Do Trần mà phát ra cái Biết, thì cái Biết ấy là Thức, thuộc về Năng Kiến. Nhân Căn mà có Tướng, Tướng là Trần, thuộc về Sở Kiến. Ba cái Căn, Trần, Thức này nương nhau mà có, vốn không có thật tánh, cũng như cây lau gác nhau, nương nhau mà đứng, nguyên không có tự tánh. Thử xem cái tánh của lau gác nhau, nếu cho là không thì khi nương nhau lại tựa hồ như có. Nếu cho là có, thì khi nương nhau lại vốn là không. Chẳng phải là có chẳng phải là không, đó là không có tánh. Buộc đó, cũng là sáu Căn này mà chẳng phải có chỗ bớt đi; mở đó, cũng là sáu Căn này mà cũng chẳng có chỗ tăng thêm, lấy đâu mà gọi mở ra là Thánh, buộc lại là phàm ư ?

Vì chẳng thấu cái ý chỉ vô sanh, một niệm tự mình không biết, trong thì thấy có Năng Kiến, ngoài thì thấy có Sở Kiến, nên bị Căn Trần ràng buộc, không còn cái vốn liếng tự do. Cái mê mờ đó tức là cội gốc Vô Minh, cái chỗ cột buộc do đó mà khởi sanh vậy. Nếu như thật thấy được chỗ không có tánh, mà thoát khỏi sự dính kín, phát ra cái sáng chói vốn có của mình, khi ấy thì ánh sáng không theo Căn và thấy chẳng cần mượn Duyên. Sáu Căn dùng thay nhau, siêu việt các hình tướng thế gian. Đó là cái nhân của “Phát minh liền giải thoát”, là cái do đó mà có tên là cởi mở vậy.

Cột nút là câu sanh Vô Minh, cái Căn mối nút sanh tử, nên là phàm phu, đó là do sáu Căn này chứ không phải vật gì khác. Cởi mở chóng chứng an lạc, tịch tịnh diệu thường, gọi là Thánh Nhân, đó cũng do sáu Căn này, nào có vật gì khác ! Đồng sáu Căn này, đâu có hai đường. Kia thì ràng buộc nơi hữu vi, giống như tánh Có của cây lau gác nhau, mà tánh thật ra chưa từng có. Nọ thì ràng buộc nơi vô vi, giống như tánh Không của cây lau gác nhau, mà tánh thực ra chưa từng không. Thấu đạt cái chẳng phải có, chẳng phải không này, cái thấy không phàm không Thánh, mới có thể nói đến Chân Tánh vậy.

Có nhà sư hỏi Tổ Hoàng Bá : “Vốn đã là Phật, sao có bốn loại sanh, sáu đường, đủ thứ hình tướng chẳng đồng ?”

Tổ Hoàng Bá nói : “Chư Phật thể vốn tròn đủ, nào có tăng giảm. Trôi vào sáu đường, chốn chốn đều tròn đủ. Trong muôn loài ấy, mỗi mỗi đều là Phật. Thí như một cục thủy ngân, phân tán các nơi, mỗi hột đều tròn đủ. Như khi chẳng chia, chỉ là một khối. Đó là một tức tất cả, tất cả là một. Đủ thứ hình tướng ví như nhà cửa. Bỏ “nhà” của lừa, vào “nhà” của người; bỏ thân người để đến thân của Chư Thiên; cho đến “nhà” của Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát và Phật, đều là do chỗ nắm, bỏ của ông mà có ra khác biệt. Tánh vốn xưa nay nào có khác biệt ?”

Rốt ráo thay lời nói này ! Ở ngay đây mà phát sáng được, thì có thể khiến hạng bạc địa phàm phu bước vào Thánh vị.

Kinh :

Mở nút theo thứ lớp
Sáu mở, một cũng mất
Nơi Căn, chọn Viên Thông
Vào dòng, thành Chánh Giác !

Thông rằng : “Phát minh liền giải thoát”, đây là Đốn Môn, sao còn có lời nói “Mở nút theo thứ lớp” ? 

Đốn mà chẳng bỏ Tiệm nên mới là pháp môn Viên Đốn vậy. Nếu là người đại căn, đại khí, một ngộ liền đến Phật địa, còn mượn gì đến tu chứng. Kế đó là hạng mà không gì bằng là chọn Nhĩ Căn Viên Thông, một Căn trở về nguồn thì sáu Căn liền giải thoát. Trước là tiêu mất sáu Căn, kế đó mất luôn cái Một. Đó là Pháp Môn của Đức Quán Thế Âm, nhập vào Dòng, mất cái Sở, rốt ráo tịch diệt hiện tiền mà thành Chánh Giác. Ngay trong Đốn Môn, có đại ngộ tiểu ngộ, kể không xiết, đâu phải không từng có thứ lớp ?

Xưa, thiền sư Quán Khê Nhàn ban đầu tham vấn Tổ Lâm Tế. 
Tổ Lâm Tế nắm đứng Ngài hồi lâu. 
Ngài nói : “Lãnh hội vậy”. 
Tổ Lâm Tế buông ra nói : “Tha cho ông một gậy đó”.
Sau, thiền sư Quán Khê trụ núi, mới dạy chúng rằng : “Ta gặp Tổ Lâm Tế, không có ngôn ngữ gì, mà cho đến nay no mãi chẳng đói !”
Sau, Ngài đến Tổ Mạt Sơn, trước tự giao ước rằng : “Tương đương thì ở, còn không thì lật ngược thiền sàng”. 
Khi vào nhà giảng, Tổ sai thị giả hỏi : “Thượng Tọa đến thăm núi, hay vì Phật Pháp mà đến ?”
Ngài đáp : “Vì Phật Pháp mà đến”.
Tổ Sơn bèn lên tòa giảng, Ngài Quán Khê vẫn chẳng làm lễ.
Tổ Sơn hỏi : “Hôm nay rời chỗ nào ?”
Ngài đáp : “Lộ Khẩu(02)”.
Tổ Sơn nói : “Sao chẳng che lại đi !”
Ngài Khê không có lời đáp.
Tổ Mạt Sơn thay thế nói rằng : “Sao đến trong ấy được !”
Ngài Quán Khê mới lễ bái, rồi hỏi : “Như sao là Mạt Sơn ?”
Tổ Sơn nói : “Chẳng lộ đỉnh”.
Ngài Khê hỏi : “Như sao là chủ của Mạt Sơn ?”
Tổ Sơn nói : “Chẳng phải tướng nam nữ”.
Ngài Khê hỏi : “Sao chẳng biến hóa đi ?”
Tổ Sơn nói : “Chẳng là Thần, chẳng là Quỷ, biến cái gì ?”
Ngài Quán Khê chịu phục, làm người giữ vườn ba năm. 
Tổ Lâm Tế tha cho Ngài một gậy, đến đây mới liên tục. 

Sau, Ngài nói : “Tôi ở chỗ Lâm Tế, được một lần thoát, tôi ở chỗ Mạt Sơn được một lần thoát”. Ngài lại nói : “Mười phương không tường vách, bốn mặt cũng không cửa. Bày trần trụi, sáng rực rỡ, không thể nắm !”

Ngài Thiên Đồng nêu ra rằng : “Ngài Quán Khê nói như thế, thì thử nói ở chỗ Lâm Tế được hay ở chỗ Mạt Sơn được ? Mặc dầu một mũi tên mà hai con chim. Nhưng có lúc chạy đi, có lúc ngồi lại. Làm sao cho hợp ? Tóm lại, mở ra đều ở ta, cầm đến, ném đi nào do ai khác ?”
Ở chỗ này mà thấu suốt được, mới mất cái Một, lúc ấy mới gọi là Chân Giải Thoát !

Kinh : 

Thức Đà Na vi tế
Tập khí thành dòng xiết
Sợ lầm Chân, Phi Chân
Ta thường chẳng khai diễn

Thông rằng : Sáu Căn chẳng có thể làm phàm, làm Thánh, mà cái làm chủ là Thức vậy. Sáu Thức đã tiêu mất, mà cái Ngã Kiến vẫn còn, đó là cảnh giới của Thức Thứ Bảy. Sáu mở, Một mất, là trở về biển Như Lai Tạng, đó là cảnh giới của Thức Thứ Tám. 

Ngài Mã Minh dạy : “Y vào Như Lai Tạng, có cái tâm sanh diệt hòa hợp với cái chẳng sanh diệt, chẳng phải là một, chẳng phải khác, gọi là Thức A Lại Da”. Thức này rất là vi tế, ngậm chứa chủng tử làm tập khí, chẳng biết được chỗ ẩn núp của nó. Tích chứa sanh ra sóng Thức thành dòng chảy xiết, mà chẳng biết được chỗ sanh của nó. Thế nên gọi là vi tế. Vì y vào cái chẳng sanh diệt, nên gọi là Như Lai Tạng xuất triền(03), tợ hồ như là Chân vậy. Vì y vào tâm sanh diệt, nên gọi là Như Lai Tạng tại triền(04), hình như chẳng phải Chân vậy. Nhưng Chân và chẳng phải Chân, đều là cái Thức ấy, cho nên khó mà phân biệt. Gọi đó là Chân, thì sợ rằng nhận giặc làm con ! Mà gọi đó chẳng phải Chân, thì e rằng nhận con cho là giặc. Do vậy, Đức Thế Tôn chẳng khinh xuất mà bàn đến vậy”.

Nếu có thể chuyển Thức Thứ Tám thành Đại Viên Cảnh Trí, chẳng phải Chân, chẳng phải không Chân, mới có thể nói đến Chân Như, Phật Tánh, Vô Thượng Bồ Đề vậy. Sau này không rõ được Tánh Tông, đó chỉ vì không thấu đáo Tướng Tông, lấy cái Ngã Kiến trong Thức Thứ Bảy mà cho là Phật Tánh, lấy cái tướng sanh diệt trong từng sát-na của Thức Thứ Tám làm Chân Như, nên gọi là “Mập mờ Phật Tánh, lầm lạc Chân Như”. Nhận định chỗ đứng yên không chao động cho là cứu cánh, thế là một chưa tiêu mất vậy.

Có nhà sư hỏi Tổ Trường Sa Sầm : “Thức Thứ Sáu, Thứ Bảy và Thứ Tám, rốt ráo không có tự thể, thì sao lại nói là chuyển Thức Thứ Tám thành Đại Viên Cảnh Trí ?”
Tổ Sa chỉ dạy bằng bài kệ :

“Bảy “sanh” y một “diệt”
Một “diệt” giữ bảy “sanh”
Một diệt, diệt cũng diệt
Sáu, bảy rốt không động”.
(Thất sanh y nhất diệt
Nhất diệt trì thất sanh
Nhất diệt, diệt diệc diệt
Thất lục vĩnh vô thiên).

Do đây mà xem, thì không những “Sáu mở, Một mất”, mà lại còn “Bảy mở, Một mất”. Vi diệu thay, vi diệu thay !

Kinh : 

Tự tâm nắm(05) tự tâm 
Chẳng huyễn, thành pháp huyễn
Không giữ : không “chẳng huyễn”
“Chẳng huyễn” còn không sanh
Pháp huyễn làm sao lập ?

Thông rằng : “Trong Chân Tánh, hữu vi là không. Do Duyên sanh nên như Huyễn”. Chân Tánh vốn là Không, sao lại có Huyễn sanh ra ? Do vì Thức Thứ Tám, trong thì duyên với Chân Như, ngoài sanh ra các pháp hữu vi, nên là như Huyễn vậy. Kinh Giải Thâm Mật nói “A Lại Da Thức rất vi tế. Hết thảy chủng tử như dòng xiết. Ta chẳng khai diễn với phàm ngu. E họ phân biệt chấp làm Ngã”.

Đây là tự tâm chấp lấy tự tâm, chính là tự phân biệt mà chấp làm cái Ngã. Một khi đã chấp làm Ngã, thì ở trong cái chẳng phải huyễn lại sanh khởi pháp huyễn. Tánh trong lặng do đó mà phân, nút buộc do đó mà bắt đầu. Từ đó sáu Căn đuổi theo sáu Trần mà thành luân chuyển. Chẳng chấp lấy làm Ngã, thì cái chẳng-phải-huyễn còn không có, huống là cái huyễn do đâu mà lập ? Lặng trong hợp vào lặng trong, đồng nguồn không hai, do đó mà sáu Căn thanh tịnh cùng mất đi cái Một vậy. Sáu Căn thuộc về huyễn, cái Một thuộc về chẳng-phải-huyễn. Một và Sáu đều tiêu mất, nên nói “Chẳng huyễn còn không sanh, Pháp huyễn làm sao lập ?” Đây là sự chuyển Thức thành Trí, ở giữa khoảng nắm lấy và chẳng nắm lấy vậy.

Kinh Lăng Già nói “Phân biệt là Thức, vô phân biệt là Trí. Sanh diệt là Thức, Chẳng sanh diệt là Trí”. Chỉ không phân biệt thì đó là Chân Tánh bất sanh diệt. Do thế mà không bị Thức Ấm che chướng”.

Nhà sư hỏi Tổ Hoàng Bá : “Ngài Văn Thù cầm kiếm ở trước Đức Cù Đàm là thế nào ?”
Tổ Hoàng Bá nói : “Năm trăm vị Bồ Tát đắc Túc Mạng Trí, thấy nghiệp chướng đời quá khứ. 

Năm trăm ấy là Ngũ Ấm của ông sanh ra đó. Bởi thấy cái nghiệp chướng túc mạng này, nên cầu Phật, cầu Niết Bàn Bồ Tát. Do đó, Ngài Văn Thù dùng Kiếm Trí Giải giết cái tâm có thấy Phật này vậy. Nên mới nói, “Ông khéo giết””.

Nhà sư hỏi : “Cái gì là kiếm ?”
Tổ Bá nói : “Tâm Giải Thoát là kiếm”.
Nhà sư hỏi : “Tâm Giải Thoát đã là kiếm, dứt lìa cái tâm có thấy Phật, thì như cái hay dứt lìa cái tâm có thấy, làm sao trừ nó được ?”

Tổ Bá nói : “Lại dùng cái Trí vô phân biệt của ông mà dứt lìa cái tâm có thấy phân biệt này”.
Nhà sư hỏi : “Như khởi ra cái tâm có thấy, có cầu Phật thì lấy kiếm Vô Phân Biệt Trí mà đoạn dứt; thế còn cái kiếm Trí ấy thì sao ?”

Tổ Bá nói : “Nếu thật là Trí vô phân biệt giết được cái thấy có, thấy không, thì Trí vô phân biệt ấy cũng bất khả đắc”.

Nhà sư hỏi : “Không thể lấy Trí lại đoạn Trí, không thể dùng gươm để đoạn kiếm sao ?”

Tổ bá nói : “Kiếm tự hại kiếm, kiếm kiếm hại nhau, tức là kiếm cũng bất khả đắc. Trí lại tự hại Trí, Trí Trí hại nhau, tức là Trí cũng bất khả đắc. Mẹ con chôn nhau, cũng là như thế”.

Các luận bàn vi diệu này, không những ở chỗ Nắm lấy không được phép ló đầu, mà ngay chỗ Chẳng nắm lấy cũng không có dấu vết. Nhỏ nhiệm càng nhỏ nhiệm thay ? Cần thấu rõ như thế, mới có thể nói tới việc chuyển Thức Thứ Tám thành Đại Viên Cảnh Trí.

Kinh : 

Đó là Diệu Liên Hoa
Bảo Giác Kim Cương Vương
Như huyễn Tam Ma Đề
Gẩy móng (tay) vượt Vô Học
Đây là pháp Vô Thượng
Một đường đến Niết Bàn
Của mười phương Chư Phật

Thông rằng : Ban đầu, Ông Anan nói rằng từ vô thủy đến nay cùng với các thứ Vô Minh cùng sanh cùng diệt, không thể hàng phục được sắc nạn của Cô Ma Đăng Già, mới ân cần cầu xin cái phương tiện đầu tiên là Xa Ma Tha, Tam Ma và Thiền Na để đắc thành Bồ Đề của mười phương Như Lai. Nay, mười phương Như Lai khác miệng đồng một lời rằng : “Ông muốn biết cái câu sanh Vô Minh khiến ông lưu chuyển, cái căn mối nút sanh tử đó, chính là sáu Căn của ông, không phải vật gì khác. Ông lại muốn biết cái Bồ Đề Vô Thượng khiến ông chóng chứng an lạc giải thoát, tịch tịnh diệu thường, thì cũng là sáu Căn của ông chứ không phải vật gì khác”. Như thí dụ ở trước về băng và nước. Nước đông lại thành băng, đâu có vật gì khác để làm thành băng ? Băng tan thành nước, đâu có vật gì khác để làm ra nước ? 

Sáu cái làm môi giới cho giặc, tự cướp của báu nhà mình, đó là sáu Căn này vậy. Sáu mở Một mất, liền thành Chánh Giác, cũng là sáu Căn này vậy. Tức Vọng tức Chân, tức Chân tức Vọng, trong ấy có diệu ngộ. Một chữ Diệu rất khó dùng ngôn ngữ để hình dung, phải chuyển Thức thành Trí. Tương ưng với Tánh Giác Diệu Minh, Bổn Giác Minh Diệu mới có thể nói đến Bồ Đề Vô Thượng. Ví như hoa sen, mọc ra từ bùn mà chẳng dơ nhiễm. Hoa sen thường còn vậy, huống là hoa Ưu Đàm, khác hẳn tướng thế gian, gọi là hoa ứng điềm lành, để chỉ cho sự phát minh một con đường tối thượng. Nhập chỗ thấy biết của Phật mới lãnh nhận nổi.

Bảo Giác Kim Cương Vương, tức là Sơ Càn Tuệ Địa trong Tâm Kim Cương vậy. Kim Cương có thể phá hủy tất cả. Hàng Thập Địa đều gọi là Tâm Kim Cương, cũng vì là phá hủy cái “Địa” trước, tức cái gọi là gươm Huệ vậy. Một khi cái Giác này hiện ra, thì không những Vô Minh từ vô thủy diệt ngay, mà cái Phật Kiến, Bồ Tát Kiến cũng không có chỗ nào ló đầu ra nữa.

Tam Ma Đề là Chánh Định. Nói là như huyễn vì như người huyễn đang làm mà vốn không có chỗ nào làm. Tức là Tịch mà Chiếu, tức là Chiếu mà Tịch, quên Tình bặt Thức, không thể nghĩ bàn, tức là chỗ gọi là Kim Cương Tam Muội, văn, huân, tu vậy. Các pháp Xa Ma Tha, Tam Ma, Thiền Na nhiệm mầu này, độc chỉ bởi một phen ngộ. Một khi ngộ liền đến Phật địa, nên trong khoảng khảy móng tay mà vượt hàng Vô Học Nhị Thừa. Hàng Vô Học còn rơi vào công phu tu tập, còn chấp nơi Vô Kiến. Cái Chân Tánh này hiện tiền, thì hữu, vô đều lìa hết, vượt lên một lần là vào thẳng, chẳng còn mượn công phu thứ bậc, là Đốn Môn vậy. Như Thái Tử còn ở trong thai, đã quý hiển hơn hàng quan, hay như chim Tần Đà trong trứng, tiếng đã vượt hơn các loài chim. Há các loại thiền định, quán hạnh tầm thường có thể so sánh sao ? Nên nói “Pháp không gì sánh này chóng chứng Tịch Thường vậy”.

Nhà sư hỏi Tổ Càn Phong : “Một đường vào Niết Bàn của mười phương Chư Phật, chưa rõ đầu đường ở chỗ nào ?”

Tổ Phong lấy cây gậy vạch một nét, bảo : “Ở trong ấy”.

Nhà sư xin Tổ Vân Môn chỉ thêm. 

Tổ Môn cầm cây quạt đưa lên nói : “Cây quạt nhảy tót lên tầng Trời Thứ Ba Mươi Ba, xây đắp các lỗ mũi của Đế Thích. Đánh con cá Lý Ngư ở biển Đông một gậy, mưa như cầm chậu đổ ! Hiểu chăng ? Hiểu chăng ?”

Tổ Hoàng Nam nói : “Càn Phong một phen chỉ đường, giúp đỡ kẻ sơ cơ. Vân Môn thông suốt chỗ biến hoá, nên khiến người sau không mỏi mệt !”

Ngài Trúc Am tụng rằng : “Càn Phong khỏi dùng sự chỉ bày. Vân Môn thôi đánh đồ vặt vãnh. Tự nhiên con Lý Ngư ở biển Đông xây đắp lỗ mũi của Đế Thích”.

Ngài Thiên Đồng tụng rằng :

“Vào tay phương thuốc để cứu đời
“Hương hoàn hồn” muốn cứu nguy ngay
Một mai toát mồ hôi khắp hết
Mới tin ai chẳng tiếc lông mày”.

Đây là việc gì mà há nên nói lý giải thoát khiến người vào được ? Cần phải tự mình khai ngộ thấu suốt mới được cái kỳ diệu.


MỤC HAI :
CỘT KHĂN ĐỂ CHỈ MỐI NÚT
VÀ CÁCH MỞ NÚT

I. CỘT NÚT

Kinh : Khi ấy, Ông Anan và cả đại chúng nghe lời dạy từ bi vô thượng của Phật, kệ tụng cốt tủy, diệu lý trong suốt, mắt tâm mở tỏ, tán thán là Pháp chưa từng có.

Ông Anan chấp tay đảnh lễ, bạch Phật : “Nay tôi nghe Phật mở lòng đại bi dạy cho những câu Pháp về tánh chân thật thanh tịnh diệu thường, nhưng tâm còn chưa rõ thứ lớp mở nút của việc “Sáu mở một mất”. Xin Phật rủ lòng đại bi thương xót hội này cùng với đời sau, bố thí cho pháp âm, để rửa sạch những cấu nhiễm nặng nề của chúng tôi”.

Liền khi ấy, Đức Như Lai nơi sư tử tòa, sửa áo Niết Bàn Tăng, vén áo Tăng Già Lê, dựa ghế thất bảo, đưa tay lên ghế, lấy cái khăn hoa do Trời Dạ Ma dâng cúng, rồi ở trước đại chúng, cột thành một nút, đưa cho Ông Anan xem và bảo rằng : “Cái này gọi là gì ?”
Ông Anan và đại chúng đều bạch Phật rằng : “Cái ấy gọi là nút”.

Lúc ấy, Như Lai lại cột khăn hoa thành một nút nữa và hỏi Ông Anan : “Cái này gọi là gì ?”
Ông Anan và đại chúng lại bạch Phật rằng: “Cái ấy cũng gọi là nút”.

Phật tuần tự cột khăn hoa như vậy, tất cả sáu nút. Mỗi khi cột xong một nút, đều lấy cái nút vừa cột xong trong tay, đưa hỏi Ông Anan : “Cái này gọi là cái gì ?” Ông Anan và đại chúng cũng tuần tự đáp lại Phật : “Cái ấy gọi là nút”.

Phật bảo Ông Anan : “Khi Ta mới cột khăn thì ông gọi là nút. Cái khăn hoa này trước đây chỉ có một cái, cớ sao lần thứ hai, lần thứ ba, các ông cũng gọi là nút ?”

Ông Anan bạch Phật rằng : “Thưa Thế Tôn, cái khăn hoa thêu dệt quý báu này vốn chỉ một thể. Nhưng theo ý tôi nghĩ, Như Lai cột một lần, thì được gọi là một nút, nếu cột trăm lần, thì rốt phải gọi là trăm nút; huống gì cái khăn này chỉ có sáu nút, chẳng lên đến bảy, cũng không dừng ở năm. Sao Đức Như Lai chỉ cho cái đầu tiên là nút, còn cái thứ hai, thứ ba thì không gọi là nút ?”

Phật bảo Ông Anan : “Cái khăn hoa báu này, ông biết nó vốn chỉ có một cái, đến khi Ta cột sáu lần thì ông gọi là có sáu nút. Ông xét kỹ xem, thể của khăn là đồng, nhân vì cột mà có ra khác. Ý ông thế nào ? Cột nút đầu tiên thì gọi là nút thứ nhất, như vậy cho đến cột lần thứ sáu thì gọi là nút thứ sáu. Nay Ta muốn gọi nút thứ sáu là nút thứ nhất, được không ?”

- Bạch Thế Tôn, không. Cả sáu nút mà còn, thì cái gọi là thứ sáu nhất định không phải là cái thứ nhất. Cho dù tôi có biện giải suốt đời cũng không làm sao cho sáu nút đổi tên được”.

Phật bảo : “Thế đấy, sáu nút không đồng nhau. Xét theo bản nhân thì do một cái khăn tạo ra, nhưng rốt cuộc không thể làm cho sáu nút lẫn lộn với nhau. Sáu Căn của ông cũng là như thế. Trong chỗ rốt ráo đồng nhau, sanh ra rốt ráo khác nhau”.

Phật bảo Ông Anan : “Chắc là ông không muốn thành ra sáu nút, và trông mong chỉ thành một thể, thì phải làm sao ?”

Ông Anan thưa : “Nếu còn những nút này thì sự phải trái nổi lên, trong đó tự sanh ra nào là nút này không phải nút kia, nút kia không phải là nút này. Nếu giờ đây, Như Lai cởi bỏ tất cả, thì nút chẳng sanh ra, ắt là không có đây, kia. Như thế còn không có cái gọi là một, thì lấy đâu có sáu ?”

Phật dạy : “Sáu mở, một mất cũng như vậy đó. Do từ vô thủy, tâm ông cuồng loạn, mà cái thấy-biết vọng phát ra. Vọng phát chẳng ngừng, nên cái thấy mệt mỏi phát sanh trần tướng. Ví như mắt mỏi thì có hoa đốm. Trong Tánh trong lặng sáng suốt, không đâu mà lăng xăng sanh khởi tất cả thế gian, núi sông, đất đai, sanh tử, Niết Bàn... hết thảy đều là những tướng hoa đốm điên đảo mê dại cả”.

Thông rằng : Vốn y nơi một Tinh Minh mà chia ra thành sáu cái hòa hợp, trước đã nói rõ rồi, sao lại có ví dụ này ? 

Ở đoạn trước thì do các Trần sáng, tối, động, tĩnh... làm dính che Tánh trong lặng mà phát khởi ra sáu căn, từ ngoài vào trong, cho nên chỉ cần chẳng theo các tướng sáng, tối, động, tĩnh... thì thoát khỏi sự che dính, ẩn phục vào trong, liền phát ra cái sáng chói vốn có, thì được sáu Căn dùng thay nhau. Đó là ngược dòng mà toàn nhất, để chế phục cái bên ngoài vậy.

Nay đây thì do tâm cuồng loạn, cái thấy mệt mỏi phát ra trần tướng, là từ trong ra ngoài. Nên trừ được cái Căn cột buộc thì trần tướng tự diệt mất. Ban đầu đắc Nhân Không, cho đến đắc Vô Sanh Nhẫn. Đây là mở tan tâm bị cột trói, để viên dung cái bên trong vậy. Trong Tánh lặng trong sáng suốt, không do đâu mà sanh khởi lăng xăng. Cái Mê vốn chẳng có nguyên nhân, gốc gác gì; nhân nơi cái Minh lập nên cái Sở. Cái Thấy Biết vọng phát ra này, là nguyên do của sự phát sanh mối nút. Cái trong lặng bỗng xoay ra có hư vọng sanh diệt. Sanh diệt ấy mà đã diệt, đó là tịch diệt hiện tiền. Sáu cái dùng này chẳng hiện hành, đó là nghĩa mở tan vậy.

Còn bị cột, thì nghe chẳng ngoài tiếng; thấy chẳng vượt sắc. Nút này chẳng phải nút kia, nút kia chẳng phải nút này. Như mắt mệt mỏi thấy riêng hoa đốm. Đến khi cởi mở được, thì cái Sáu đã tiêu, cái Một cũng mất. Cái Một còn không có tên gì để gọi, huống là thành sáu sao ? Như mắt trong sáng, vốn tự không có hoa đốm. Nên cột đó, thì gọi là sanh tử, mà chẳng hề tổn giảm. Mở đó, gọi là Niết Bàn, mà chẳng hề thêm lên. Như hoa đốm khi không mà khởi, diệt ; hư không có chỗ nào thêm bớt ? Thế nên, biết sanh tử là điên đảo thì sáu liền được mở. Biết Niết Bàn là hoa đốm, thì cái Một liền tiêu vong. Ngược dòng toàn vẹn Một, cái Một dường chưa mất, đến khi Một cũng mất thì tâm trói buộc liền mở thoát.

Nhà sư hỏi thiền sư Phong Huyệt Chiểu : “Một tức Sáu, Sáu tức Một. Một và Sáu đều mất thì như thế nào ?”

Tổ Duyệt nói : “Một mũi tên bắn hai chim”.
Hỏi : “Ý chỉ thế nào ?”
Tổ Duyệt nói : “Thân mất, dấu tiêu”.
Ông Tú Tài Trương Chuyết ra mắt Tổ Thạch Sương. 
Tổ Sương hỏi : “Tên gì ?”
Ông Chuyết đáp : “Họ Trương, tên Chuyết(06)”.
Tổ Sương nói : “Tìm cái khéo còn chẳng được thay, cái vụng từ đâu mà lại ?”
Ông Trương Chuyết ngay dưới lời nói khế ngộ, bèn trình kệ :

“Sáng trưng lặng chiếu khắp hà sa
Phàm Thánh sinh linh chung một nhà
Một niệm chẳng sanh : toàn thể hiện
Sáu căn vừa động bị mây mờ
Đoạn trừ vọng tưởng, càng thêm bệnh
Hướng tới Chân Như, ấy cũng tà
Tùy thuận duyên đời, không chướng ngại
Niết Bàn, sanh tử thảy không hoa”.

(Quang minh tịch chiếu biến hà sa
Phàm thánh hàm linh cọng nhất gia
Nhất niệm bất sanh toàn thể hiện
Lục Căn tài động bị vân già
Đoạn trừ vọng tưởng trùng tăng bệnh
Thú hướng Chân Như diệc thị tà
Tùy thuận thế duyên vô quái ngại
Niết Bàn, sanh tử đẳng không hoa).

Như Ông Chuyết, quả là thâm đắc ý chỉ “Sáu mở Một tiêu”. Nào do thứ lớp mà đến đó sao ?


II. CÁCH MỞ NÚT

Kinh : Ông Anan thưa : “Cái bệnh mệt mỏi kia giống như cái nút, làm sao cởi bỏ ?”
Đức Như Lai dùng tay cầm cái khăn có cột nút, kéo riêng mối bên trái rồi hỏi Ông Anan : “Như thế này mở được không ?”

Thưa Thế Tôn, không thể.

Đức Thế Tôn lại dùng tay kéo mối bên phải rồi hỏi Ông Anan : “Như thế này mở được không ?”

-Thưa Thế Tôn, không thể.

Phật bảo Ông Anan : “Nay Ta lấy tay kéo mối bên phải, bên trái mà rốt cuộc chẳng mở được, vậy ông dùng cách nào mà mở ra ?”

Ông Anan thưa với Phật rằng : “Thưa Thế Tôn, phải ở ngay nơi trung tâm của nút, thì mở ra ngay”.

Phật bảo Ông Anan : “Đúng thế, đúng thế ! Nếu muốn hết cái nút, thì phải ở ngay nơi tâm của mối nút.

Thông rằng : Các nhà chú giải xưa nói : kéo mối bên trái, bên phải là dụ cho sự nương y vào hai bên không, có, nên không thể mở nút. Nên cần phải ở trong Viên Quán, nơi Căn không sanh phân biệt, nơi Cảnh không sanh bám nắm, thì nút mở ra. Phàm đợi Quán rồi mới mở ra được, thế vẫn chỉ là kéo mối phải, mối trái mà thôi, nơi chỗ tâm của mối nút có ăn nhằm gì ? Chẳng như lời lẽ của nhà Thiền rất kín đáo nhiệm mầu vậy.

Tổ Thọ Thánh nói : “Nửa tháng trước dùng móc, nửa tháng sau dùng chùy”.

Nhà sư bèn hỏi : “Hiện ngay đang giữa tháng thì thế nào ?”

Tổ Thánh nói : “Trâu đất đạp vỡ trăng trên đầm trong”.

Ngài Thiên Đồng nêu ra : “Hai đầu đều có chỗ dùng, ấy là Thọ Thánh ! Liền quên công sức, có ai để đắc ? Tha đi ấy : đổi làm khách quý. Nắm đứng lại : Chẳng còn dấu vết. Còn có đắc gì chăng ? Đêm khuya ngọc nữ vất bỏ gấm dệt nơi nhà Tây !

Lại Tổ Vân Môn dạy chúng rằng : “Ngày Mười Lăm về trước thì chẳng hỏi, ngày Mười Lăm về sau, thử nói một câu xem ?”

Rồi Ngài tự nói : “Ngày nào cũng là ngày tốt”.

Ngài Thiên Đồng nêu ra rằng : “Người tuổi Dần bổn mạng. Người tuổi Thân tương xung !”

Tổ Thạch Môn Thông nói : “Ngày Mười Lăm về trước, Chư Phật sanh. Ngày Mười Lăm trở về sau, Chư Phật diệt. Ngày Mười Lăm về trước Chư Phật sanh, ông không được lìa cái Trong Ấy của ta. Nếu lìa cái Trong Ấy, ta lấy móc móc ông. Ngày Mười Lăm về sau chư Phật diệt, ông không được trụ cái Trong Ấy của ta. Nếu trụ cái Trong Ấy của ta, ta lấy dùi dùi ông. Thử nói hiện nay ngày Mười Lăm, dùng móc là phải hay dùng dùi là phải ?” 
Rồi tụng rằng :

“Hiện ngay ngày Mười Lăm
Móc dùi đồng thời dứt
Vừa định hỏi thế nào
Quay đầu (mặt) trời lại mọc”.

Tổ Vân Môn thì chẳng thế : “Ngày Mười Lăm về trước, Chư Phật vốn chẳng từng sanh. Ngày Mười Lăm về sau, Chư Phật vốn chưa từng diệt. Ngày Mười Lăm về trước, nếu ông lìa cái Trong Ấy của ta, ta cũng chẳng dùng móc móc ông. Cứ thế vác ngang cây trụ trượng, dẫm nát đôi giày cỏ. Ngày Mười Lăm về sau, nếu ông trụ nơi Trong Ấy của ta, ta cũng chẳng lấy dùi dùi ông. Cứ việc bẻ gãy cây trụ trượng, treo cao đãy bát. Thử hỏi ngay ngày Mười Lăm, phải làm sao ?” 

Bèn nói : “Trước, sau ngày Mười Lăm. Móc dùi dùng làm gì ? Sáng nay ngày Mười Lăm. Đúng lúc dùng dùi, móc ! Nhưng dùng làm sao đây ?”

Rắn chết giữa đường, đừng đập đánh
Giỏ không đáy ấy, đựng mang về.

Nếu nơi cái tắc này mà được ra manh mối, thì cái tâm buộc trói bấy lâu tức thời mở thoát.

Kinh : “Anan, Ta thuyết Phật Pháp, từ nhân duyên sanh, chẳng phải giữ lấy các tướng hòa hợp thô phù của thế gian. Như Lai phát minh các pháp thế gian và xuất thế gian, đều biết rõ cái Bổn Nhân của chúng, theo duyên gì mà có ra. Như vậy cho đến một giọt mưa ở ngoài hằng sa thế giới cũng biết số mục. Hiện trước mặt đủ thứ : cây tùng thẳng, con hộc trắng, con quạ đen đều rõ nguyên do.

Thông rằng : Phật biết pháp thế gian và xuất thế gian đều do nơi tâm. Tùy theo nhiễm duyên thì có ra chín cõi. Tùy theo tịnh duyên thì có được Phật Giới. Cái nhân duyên này mà hiểu được thì cho đến hằng sa giọt mưa cùng các thứ hiện tiền Nhân gì, Duyên gì đều biết nguyên do. Phật có hai Trí : Quyền Trí và Thật Trí. Thật Trí thì rõ Lý; Quyền trí thì soi chiếu Sự Vật. Thế nên, biết được các thứ nguyên do là do Quyền Trí soi chiếu sự vật vậy. Pháp Thân Như Lai tròn đầy toàn khắp, không có một vật nào ở ngoài Pháp Thân, vậy có gì mà Như Lai không biết ư ?

Tổ Động Sơn thượng đường nói : “Bảo sơn tăng này nói gì thì được ? Cổ tức kim, kim tức cổ. Vì thế kinh Lăng Nghiêm nói “Cây tùng thẳng, cây gai cong, con hộc trắng, con quạ đen”. Có biết không ? Tuy nhiên như thế, chưa chắc là cây tùng cứ một mực thẳng, cây gai một mực cong, con hộc thì cứ trắng, con quạ thì cứ đen. Động Sơn này nói : “Trong ấy cũng có cây tùng cong, cũng có cây gai thẳng, cũng có con hộc đen, cũng có con quạ trắng”. Đứng lâu rồi, trân trọng !”
Hãy nói xem, Động Sơn chuyển Lăng Nghiêm hay bị Lăng Nghiêm chuyển ? Rốt cuộc làm sao hiểu lời nói đó ?

Kinh : “Thế nên, Anan, tùy nơi tâm ông mà chọn lựa trong sáu Căn. Nếu trừ được cái nút của Căn, thì Trần Tướng tự diệt, các Vọng tiêu mất, còn đợi cái Chân nào nữa ?
“Anan, nay Ta lại hỏi ông : Cái khăn hoa này hiện có sáu nút, có thể cũng một lúc mở ra tất cả để trừ hết được không ?”

- Thưa Thế Tôn, không. Những nút ấy vốn theo thứ lớp cột lại mà sanh, thì nay cũng phải theo thứ lớp mà mở. Sáu nút ấy tuy là đồng thể, nhưng cột lại không đồng thời, thì khi cởi nút, làm sao cùng một lúc mà trừ hết được ?

Phật dạy : “Cởi trừ sáu Căn cũng như vậy. Căn ấy khi mới mở, thì trước hết được Nhân Không, đến khi Tánh Không tròn sáng thì giải thoát được Pháp Chấp. Giải thoát khỏi Pháp Chấp rồi, thì cả hai Nhân Không và Pháp Không đều chẳng sanh. Đó gọi là Bồ Tát do Tam Ma Địa mà đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn”.

Thông rằng : “Một Căn đã trở lại nguồn, sáu Căn thành giải thoát”, thật rõ ràng như thí dụ này. Mê thì sáu Căn cùng cột nút, ngộ thì sáu Căn dùng thay nhau, có thứ lớp gì đâu ? Chỉ vì mê lại càng tích chứa thêm mê, mà có từ tinh tế đến thô phù; ngộ thì càng ngộ, mà từ thô phù đến tinh tế. Chẳng phải là không có thứ lớp, nhưng chẳng phải nhổ thoát một Căn rồi các Căn kia theo thứ tự nhổ thoát theo. Lời Phật viên dung, vốn nào có vướng mắc. Như gọi là nút thứ nhất, thì nút thứ hai, thứ ba cũng đồng là nút mà không thể gọi là nút thứ nhất được. Tên thì khác nhau mà đồng là nút, thì cái thứ nhất là cái thứ sáu, cái thứ sáu là cái thứ nhất.

Người ta sanh ra, từ trong thai cho đến khi đầy đủ hình thể, sáu Căn chẳng phải không có trước sau. Đến khi mười tám giới đã thành, thì Căn có cái viên thông, cái chẳng viên thông. Theo cái viên thông, dư sức chứng Đạo một ngày. Chẳng theo cái viên thông, trăm kiếp tu Đạo chẳng đủ. Ngày và kiếp khác xa nhau, thì sáu Căn có cái nhanh, chậm chẳng đồng. Thế nên, Căn có cái dễ nhổ dứt, có cái khó nhổ dứt. 

Khổng Tử nói “Sáu mươi tuổi thì lỗ tai tùy thuận”, đó là nhĩ căn đã chuyển hóa rồi vậy. Lại nói, “Bảy mươi tuổi tùy theo tâm, mà chỗ muốn không ra ngoài khuôn phép”, đó là ý căn đã chuyển hóa rồi, cũng có ít nhiều thứ lớp.

Cái cột nút này chẳng tích chứa trong một ngày, thì cởi mở cũng không phải trong khoảng khắc mà trừ được. Ban đầu, được Nhân Không, cho đến đắc Vô Sanh Nhẫn, tức là thứ lớp Vào dòng mất cái Sở, để ám chỉ Xoay lại cái nghe là Viên Thông Đệ Nhất, chờ Ông Anan tự chọn đó. Nhân Không là phá cái giả danh của năm Ấm, nghĩa là đoạn được Kiến Hoặc vậy. Pháp Không là phá cái thật pháp của năm Ấm, nghĩa là đoạn được Tư Hoặc. Cho đến phá cái pháp trong sạch là Niết Bàn, thì vĩnh viễn đoạn dứt căn bản Vô Minh. Cả hai cái không ấy chẳng sanh, tức là Tánh Không bình đẳng. Cái Sở Không đã dứt thì cái Năng Không cũng diệt, Cảnh và Trí đều tiêu mất, Năng và Sở đều tịch diệt, đó tức là cái Định Thủ Lăng Nghiêm, “Diệu Trạm Tổng Trì Bất Động Tôn” vậy. Thế nên nói là đắc Vô Sanh Nhẫn.

Nhà sư hỏi Tổ Bách Trượng : “Như thế nào là pháp yếu Đốn Ngộ của Đại Thừa ?”

Tổ Bá Trượng nói : “Các ông trước dứt hết các duyên, ngừng thôi muôn sự. Thiện cùng chẳng thiện, thế gian cùng xuất thế gian, hết thảy các pháp đều không nhớ nghĩ, đều không dính líu. Buông bỏ thân tâm, bèn được tự tại. Tâm như gỗ đá, không có chỗ biện biệt. Tâm không chỗ động. Tâm Địa nếu Không, mặt trời Trí Huệ tự hiện. Cũng như mây tan thì mặt trời hiện ra vậy. Chỉ hết tất cả bám níu, Tham, Sân, Yêu, Giữ, thì các Vọng Tình sạch dơ đều dứt, trước năm Dục, Bát Phong chẳng động, chẳng bị Thấy, Nghe, Hay, Biết buộc ràng, thế là tự nhiên đầy đủ thần thông diệu dụng, đó là người Giải Thoát. Trước hết thảy cảnh, tâm không tịnh hay loạn, chẳng thu nhiếp, chẳng tán loạn, suốt qua tất cả thanh sắc, không có chỗ vướng ngăn, gọi là Đạo Nhơn. Thiện ác, phải trái đều chẳng vận dụng. Chẳng lấy mà cũng chẳng bỏ tất cả pháp, gọi là người Đại Thừa. Chẳng bị tất cả thiện ác, có không, dơ sạch, hữu vi vô vi, thế và xuất thế, phước đức trí huệ buộc ràng, thế gọi là Phật Huệ. Phải trái, tốt xấu, điều đúng điều sai, hết thảy thức tình thấy biết dứt sạch, không gì trói buộc được, chốn chốn đều tự tại an nhiên, gọi là Bồ Tát Sơ Phát Tâm, tiện bề chứng Phật Địa”.

Tổ Bách Trượng lời lẽ nói ra thầm hợp với ý chỉ của kinh. Chẳng phải là người đại giải thoát làm sao có được lời giải thoát này ?


MỤC BA :
HỎI ĐẠI CHÚNG VỀ VIÊN THÔNG

 

Kinh : Ông Anan và cả đại chúng nhờ Phật chỉ dạy, Trí Huệ viên thông, được không nghi lầm, cùng lúc chấp tay đảnh lễ chân Phật, thưa: “Ngày nay chúng tôi thân tâm sáng suốt, vui thích mà được không ngăn ngại. Mặc dầu tỏ ngộ được nghĩa Một và Sáu mất hết, mà còn chưa rõ cội gốc viên thông. Thưa Thế Tôn, chúng tôi phiêu linh bơ vơ nhiều kiếp, may đâu lại được dự vào dòng giống của Phật, như đứa con mất sữa, bỗng nhiên gặp được mẹ hiền. Nếu nhân nơi đây mà được thành Đạo, thì chỗ được mật ngôn đồng với nguồn tỏ ngộ, mà cùng với lúc chưa nghe không có sai khác. Xin Phật rủ lòng Đại Bi ban cho chúng tôi Pháp bí mật trang nghiêm, thành tựu sự chỉ bày tối hậu của Như Lai”.
Nói xong lời ấy, năm vóc gieo xuống đất, lui ẩn vào trong tâm cơ sâu nhiệm, mong Phật tâm truyền.

Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo khắp các vị Đại Bồ Tát và các vị lậu tận Đại A La Hán trong hội rằng : “Các ông là những vị Bồ Tát và A La Hán sanh trong Phật Pháp mà đắc thành Vô Học. Nay Ta hỏi các ông : Trong lúc ban đầu phát tâm, trong mười tám giới, ngộ được viên thông ở giới nào, và do phương tiện gì mà vào Tam Ma Địa ?”

Thông rằng : Chỉ bày cái Huệ Giác Viên Thông, tức ở trước là Sáu mở Một tiêu cho đến đắc Vô Sanh Nhẫn. Do Sáu mở mà thân suốt thông vô ngại. Do Một tiêu mà tâm vô ngại. Tuy chưa đến chỗ sáu căn thanh tịnh, nhưng Nhổ Một Sáu tiêu, Sáu tiêu Một mất nên đã sáng suốt không còn nghi lầm. Có điều chưa rõ gốc Căn Viên Thông ở đâu. Căn nào là Viên Thông nhất ? Theo Căn nào mà nhập để chứng Viên Thông ?

Theo Căn Viên Thông mà chứng Quả Viên Thông, với Anan thì nhân chỗ này mà thành Đạo, với Như Lai thì đó là sự khai thị tối hậu, nên Ông Anan mới xin Phật mật trao cho pháp sâu nhiệm trang nghiêm.

Nếu luận về Căn Viên Thông, thì trước đã bày rõ rằng mười phương Như Lai ở nơi mười tám giới mỗi mỗi tu hành đều đắc viên mãn Bồ Đề Vô Thượng, trong đó không có hơn kém. Nay lại bảo khắp các vị Bồ Tát và A La Hán lúc mới đầu phát tâm ngộ Viên Thông ở giới nào, do phương tiện gì mà vào Tam Ma Địa ? So sánh Căn Viên Thông, còn tự có thể nói được. Đến phương tiện ngộ nhập thì mỗi người tự biết, tự chứng, há lời nói có thể đến được ư ? Lời nói không thể đến, thì chỉ có thể tâm truyền.

Căn cứ vào sự cầu xin của Ông Anan, là mong Phật tâm truyền, chứ không lấy lời mà nói, còn Ông Anan cũng lấy tâm mà nhận lãnh, chứ không phải lấy sự nghe mà nghe. Không lấy lời nói mà truyền, đó là mật ngôn. Không lấy sự nghe mà nghe, đó là cội nguồn tỏ ngộ. Cho nên được mật ngôn của Phật, thì đồng với cội nguồn tỏ ngộ, nên tuy có nghe mà cũng như chưa nghe. Nghe mà chẳng nghe, đó là thực nghe. Bởi thế mới “Lui ẩn vào trong tâm cơ sâu nhiệm, mà mong đắc vậy”. 

Giả sử, Phật có thể ban cho, Ông Anan có thể đắc, thế chẳng phải là Mật. Lấy đó mà chứng Viên Thông, thì chẳng phải là Viên Thông vậy. Ngộ là do tự ngộ, há ai có thể đưa cho mình ư ?

Thiền sư Bàn Sơn Tích thượng đường nói : “Một đường hướng thượng, ngàn Thánh chẳng truyền. Người học mệt nhọc hình hài, như vượn bắt bóng !”
Bóng mà bắt được, thì cái Bí Mật Trang Nghiêm mới truyền được ! 
Tiết Độ Sứ Kinh Nam là Thành Nhuế, vào cúng dường Ngài Vân Cư, hỏi rằng : “Đức Thế Tôn có Mật Ngữ, Ngài Ca Diếp chẳng che giấu là thế nào ?”
Tổ Ứng gọi : “Thượng Thơ !”
Ông Nhuế ứng tiếng : “Dạ !”
Tổ Ứng nói : “Hội chăng ?”
Ông Nhuế nói : “Không hiểu”.
Tổ Ứng nói : “Nếu ông không hiểu, thì Thế Tôn có Mật Ngữ. Nếu ông mà hiểu, thì Ngài Ca Diếp chẳng che giấu !”

Thế nên biết chuyện này, chẳng tự ngộ suốt thì không thể được.


I. VIÊN THÔNG VỀ THANH TRẦN

Kinh : Nhóm Ông Kiều Trần Na năm vị Tỳ Kheo, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, thưa rằng : “Ở Lộc Uyển và ở Kế Viên, chúng tôi được nhìn thấy Như Lai khi mới thành Đạo. Chúng tôi do Âm Thanh của Phật mà tỏ ngộ Tứ Đế. Phật hỏi trong hàng Tỳ Kheo, thì trước tiên tôi thưa là hiểu. Thế Tôn ấn chứng cho tôi tên A Nhã Đa (Hiểu), là Âm Thanh nhiệm mầu toàn vẹn. Tôi ở nơi Âm Thanh, đắc A La Hán. 
“Phật hỏi về Viên Thông, như chỗ tu chứng của tôi, thì Âm Thanh là trên hết”.

Thông rằng : Ông Kiều Trần Na ban đầu ngộ hai chữ Khách Trần, đã được đặt tên là Giải. Ở nơi Âm Thanh của Phật tỏ ngộ pháp Tứ Đế. Đức Phật ban đầu ở vườn Lộc Uyển chuyển ba pháp luân Tứ Đế. Một là, Tướng Chuyển. Hai là, Khuyên Tu Chuyển. Ba là, Chứng Chuyển.

Một là, Tướng Chuyển : chỉ bày cái tướng trạng, đây là Khổ, đây là Khổ Tập, đây là Khổ Diệt, đây là Đạo Khổ Diệt. 

Hai là, Khuyên Tu : khiến nên tu, nên biết cái Khổ, nên biết Khổ Tập... nên biết Đạo. 

Ba là, Chứng Minh : đưa mình ra chứng minh cho chân lý ấy. Khổ ta đã biết, chẳng cần trở lại biết, cho đến Đạo ta đã tu, không cần tu lại nữa.

Tỏ ngộ Tứ Đế thì chỉ mới cởi bỏ được cái pháp sanh diệt, đó là tỏ ngộ nơi hai chữ Khách Trần, nhân đó đắc A La Hán. Há bảo rằng Âm Thanh đều là sanh diệt, mà ta chẳng sanh diệt theo sao ? Âm Thanh đều là Khách Trần, mà ta chẳng phải là Khách Trần sao ? Nhưng nói cái Âm Thanh nhiệm mầu, ẩn mật tròn vẹn, thì cái ẩn mật tròn vẹn ấy lại ở nơi Âm Thanh vậy. Há cho Âm Thanh là sanh diệt, mà nó là chẳng phải sanh diệt đấy chứ ! Cho Âm Thanh là Khách Trần, mà nó thật là chẳng phải Khách Trần đấy chứ ! Cái ngộ này là chỉ có Ông Kiều Trần Na tự biết, đâu nói với ai được, nên mới gọi là Mật. Chỗ Chứng của ông là ở Âm Thanh, nên lấy Âm Thanh làm Viên Thông vậy.

Thiền sư Hương Nghiêm Trí Nhàn lúc ở với Tổ Bách Trượng, tâm trí thông minh, mà tham thiền chẳng được. 

Đến khi Tổ Bách Trượng tịch, bèn đến tham học với Tổ Quy Sơn. 

Tổ Quy Sơn nói : “Ta nghe ông ở chỗ Tiên Sư Bách Trượng, hễ hỏi một thì đáp mười, hỏi mười đáp trăm. Cái thông minh lanh lợi đó là cái ý thức vọng tưởng của căn bản sanh tử. Giờ đây, khi cha mẹ chưa sanh ra, hãy nói một câu xem !”

Trí Nhàn bị hỏi, lập tức ngẩn ngơ.

Bèn trở về liêu phòng, lấy hết sách vở từng đọc qua, tìm từ đầu chí cuối một câu để trả lời mà không thể nào có. Bèn tự than rằng “Bánh vẽ chẳng làm cho hết đói !” Mấy lần cầu xin Tổ Quy Sơn nói vỡ ra cho.

Tổ Sơn nói : “Nếu ta nói cho ông, ngày sau ông sẽ chửi ta. Cái ta nói ra đó là cái của ta, nào có ăn nhằm gì đến ông !”

Trí Nhàn bèn đem hết sách vở đã đọc ra đốt sạch, nói : “Đời này chẳng có học Phật Pháp ! Cứ làm hoài một ông tăng cơm cháo khỏi nhọc mệt tâm thần ư ?” 

Rồi khóc mà từ giã Tổ Quy Sơn. 

Đến Nam Dương, thấy di tích của Huệ Trung Quốc Sư bèn dừng ở đó. 

Một hôm đang giãy cỏ, tình cờ một miếng ngói văng chạm cây tre thành tiếng, bỗng nhiên tỉnh ngộ. Vội vàng trở vào tắm gội, hướng về núi Quy Sơn đảnh lễ, ngợi ca rằng : “Hòa Thượng từ bi, ơn hơn cha mẹ. Lúc ấy vì tôi nói ra, thì làm sao có được chuyện ngày nay”. 

Rồi làm bài tụng :

“Một chạm, mất sở tri
Nào còn mượn tu trì
Động thân, bày lối cổ
Chẳng rơi (vào) cơ lặng im
Nơi nơi không dấu vết
Oai nghi ngoài sắc thanh
Mười phương người đạt Đạo
Đều nói : “Thượng Thượng căn”.

Tổ Quy Sơn nghe được, bảo với Ngài Ngưỡng Sơn: “Tay ấy thấu suốt rồi”. 

Ngưỡng Sơn nói : “Đây là cái tâm cơ ý thức sách vở mà thành, để con đích thân tự khám nghiệm đã !”

Rồi Ngài Ngưỡng Sơn gặp Ngài Trí Nhàn, hỏi : “Hòa Thượng khen ngợi sư đệ phát minh được đại sự, ông hãy nói ra xem !”

Ngài Trí Nhàn lại đọc bài tụng trước kia. 

Ngưỡng Sơn nói : “Đây là sự kết tụ ghi nhớ mà thành. Nếu là chánh ngộ, thử nói ra cái khác đi !”
Ngài Trí Nhàn bèn tụng :

“Năm xưa nghèo, chưa thật nghèo
Năm nay nghèo, mới thật nghèo
Năm xưa nghèo không đất cắm dùi
Năm nay nghèo dùi cũng không có !”.

Ngưỡng Sơn nói : “Như Lai Thiền thì cho là ông hiểu, còn Tổ Sư Thiền(07) thì chưa mơ màng thấy !”
Ngài Trí Nhàn lại tụng :

“Tôi có một Cơ
Chớp mắt thấy Nó
Vậy bằng chẳng hiểu
Hãy gọi Sa Di !”.

Ngài Ngưỡng Sơn báo lại cho Tổ Quy Sơn : “Mừng cho Nhàn sư đệ đã hội Tổ Sư Thiền”.

Tổ Huyền Giác nói : “Hãy nói xem Như Lai Thiền và Tổ Sư Thiền phân hay chẳng phân ?”
Tổ Trường Khánh Lăng nói : “Cùng lúc thong dong”.

Có nhà sư hỏi Hòa Thượng Diệp Huyện Tỉnh về công án “Cây Bách trước sân” của Tổ Triệu Châu.

Hòa Thượng nói : “Ta không từ nan mà nói với ông, nhưng liệu ông có tin không ?”

Nhà sư nói : “Lời của Hòa Thượng đáng kính trọng, đâu dám không tin !”

Hòa Thượng nói : “Ông có nghe tiếng giọt mưa trước mái nhà chăng ?”

Nhà sư hoát nhiên mở tỏ, bất giác la lên : “Chao ôi !”

Ngài bảo : “Ông thấy đạo lý gì ?”

Nhà sư dùng kệ đáp :

“Giọt mưa đầu mái
Rõ ràng rành rẽ !
Phá nát Càn Khôn
Ngay đó tâm dứt”.

Như chỗ chứng của Ngài Trí Nhàn và nhà sư trên đây, cũng lấy Âm Thanh là hơn hết vậy. 


II. VIÊN THÔNG VỀ SẮC TRẦN

Kinh : Ông Ưu Ba Ni Sa Đà liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, thưa rằng : “Tôi cũng được thấy Phật trong lúc mới thành Đạo. Tôi quán Tướng Bất Tịnh, sanh lòng nhàm chán lìa bỏ rốt ráo, ngộ tánh của các Sắc, từ Tướng Bất Tịnh đến Tướng Xương Trắng và vi trần, chung cuộc về hư không, cả hai, Không và Sắc, đều Không, thành Đạo Vô Học. Đức Như Lai ấn chứng cho tôi cái tên Ni Sa Đà (Trần Tánh Không). Cái Sắc Tướng của Trần đã hết, thì Sắc nhiệm mầu toàn vẹn. Tôi do Sắc Tướng mà đắc A La Hán. 
“Phật hỏi về Viên Thông, như chỗ chứng của tôi, thì Sắc Trần hơn cả”.

Thông rằng : Ông Ưu Ba Ni Sa Đà ham Sắc Trần nên Phật dạy dùng Quán Bất Tịnh để đối trị. Cái Sắc tuy là dễ ưa nhưng vì bất tịnh mà có thể sanh nhàm chán tột bậc, huống gì là các Tướng Xương Trắng, vi trần sau khi chết đi.

Một là sình chướng; hai là máu mủ hôi thối; ba là đổi sắc; bốn là bầm xanh; năm là giòi bọ đục khoét, rã rời; bảy là trơ xương; tám là thiêu đốt; chín là tất cả thế gian không giữ được. Đó là chín Pháp Quán Tưởng. Khi chín Pháp Quán này thành tựu, Sắc Tánh rốt ráo quy về Không. Không mà không có chỗ Không, thế là Sắc và Không đều Không, đắc Trí Huệ Giải Thoát, thành Đạo Vô Học. Cái Sắc Trần đã hết sạch, thì cái Sắc mầu nhiệm ẩn mật vẹn toàn. Há lìa ngoài Sắc Trần mà riêng có cái gọi là Diệu Sắc sao ? Há không cái Sắc Tướng mà cho cái năng không ấy là Diệu Sắc ư ? Há Sắc Tướng có sanh diệt, còn Sắc Tánh không sanh diệt mà cho là Diệu Sắc ư ? Phải chăng tâm không tham trước, thì tất cả Sắc đều là Diệu Sắc ?

Chỗ Ngộ này của Ông Ni Sa Đà thật khó lấy lời lẽ mà thuật bày, chỉ có thể gọi là Diệu, là Mật, là Viên thôi vậy.

Xưa, có bảy hiền nữ đi chơi trong rừng, nơi bỏ thây ma. 
Một cô chỉ xác chết nói : “Thây thì ở đó, người ở chốn nào ?” 
Một cô nói : “Sao ? Sao ?” 
Các cô quán kỹ, mỗi người đều khế ngộ.
Cảm đến Trời Đế Thích rãi hoa và nói : “Nguyện các chị Thần Nữ cần dùng cái chi, tôi sẽ suốt đời cung cấp”.
Các cô nói : “Chúng tôi thì tứ sự(08) và bảy báu(09) đều có đủ, chỉ cần ba vật. Thứ nhất là cần một cây không rễ. Thứ hai là một mảnh đất không có âm dương. Thứ ba là một hang núi kêu không dội tiếng”.
Đế Thích nói : “Hết thảy món cần dùng, tôi đều có. Còn ba vật ấy tôi thật không thể có”.
Các cô nói : “Nếu Ngài không có các thứ ấy, thì làm sao giúp người ?”
Đế Thích ngỡ ngàng, bèn cùng các cô đến thưa với Phật. 
Phật nói : “Này Kiền Thi Ca, các đệ tử Đại A La Hán của ta chẳng hiểu được nghĩa ấy. Chỉ có các Đại Bồ Tát mới hiểu nghĩa ấy”.
Đây cũng là Quán Tướng Bất Tịnh mà chứng vậy.
Lại như Ngài Linh Vân nhân thấy hoa đào mà ngộ Đạo, bèn có bài tụng :

“Ba chục năm nay tìm kiếm-khách
Bao lần lá rụng lại đâm cành
Từ lần thấy được đào hoa đó
Đến mãi ngày nay chẳng muốn nghi”.

Trình chỗ ngộ với Tổ Quy Sơn. 
Tổ dạy : “Theo duyên mà nhập, vĩnh viễn chẳng lui sụt mất mát, ông hãy khéo hộ trì”.
Ngài Huyền Sa nói : “Đích đáng thì thật đích đáng, nhưng dám chắc Lão Huynh chưa thấu suốt trong đó !” 

Ngài Linh Vân nói : “Sư Huynh suốt được chưa ?”
Ngài Giác Phạm tụng rằng :

“Người(10) thấy một lần không thấy lại
Cành cành trắng đỏ, thấy đâu hoa
Chẳng chịu khách trên thuyền câu cá
Hóa ra trên đất cứu ngư, sò”.

Ngài Đầu Tử tụng rằng :

“Trước núi đào sanh, vườn cũ xuân
Hoa ngập cành hồng, tỉnh lại thân
Chỗ chứng, thôi ông đừng phụ lực
Vẻ cười tuy mở, ý sanh sân
Khói tỏa liễu xanh, oanh thả giọng
Mưa xoi nham thạch, dựa xóm không
Mặt trời lố dạng, không tin tức
Ngựa gỗ hý vang quá Hán, Tần”.

Theo chỗ thấy của Ngài Linh Vân, cũng lấy Sắc làm tột bực.


III. VIÊN THÔNG VỀ HƯƠNG TRẦN

Kinh : Ông Hương Nghiêm đồng tử liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, bạch rằng : “Tôi nghe Như Lai dạy tôi quán sát chân chánh các tướng hữu vi. Khi ấy tôi từ giã Phật, đầu hôm về tĩnh tọa trong nhà thanh trai, thấy các vị Tỳ Kheo đốt hương trầm thủy, hơi hương vắng lặng bay vào trong mũi tôi. Tôi quán hơi hương ấy, chẳng phải là cây, chẳng phải là không, chẳng phải khói, chẳng phải lửa, bay đi không dính vào đâu, bay đến không từ nơi đâu. Do đó mà cái ý tiêu tan, phát minh Vô Lậu. Như Lai ấn chứng cho tôi cái hiệu là Hương Nghiêm. Cái Hương Trần vừa diệt, thì cái Diệu Hương bí nhiệm toàn vẹn. Tôi do cái hương trang nghiêm ấy đắc A La Hán.

“Phật hỏi về Viên Thông, như chỗ chứng của tôi, thì Hương Trần là hơn cả”.

Thông rằng : “Phàm là có Tướng, thảy đều hư vọng. Thấy các Tướng chẳng phải Tướng, đó là thấy Như Lai. Như Lai ấy, là nghĩa Như của tất cả các pháp. Đến không từ đâu, đi không về đâu, thì gọi là Như Lai”. Đó là ý chỉ của Kinh Kim Cang Bát Nhã.

Ông Hương Nghiêm được nghe lời dạy này, hằng tự đế quán. Tình cờ gặp mùi hương, bèn đấy phát minh, “Hương này là vắng lặng, vào trong mũi tôi, chẳng phải khói, chẳng phải lửa, chẳng phải cây, chẳng phải không, chẳng phải tự tướng, chẳng phải tha tướng, chẳng phải cọng tướng, chẳng phải vô nhân tướng, bay đi không dính vào đâu, bay đến không từ nơi đâu, vốn tự vô sanh”. Cái thấy này chính là cái thấy “Các Tướng chẳng phải Tướng, liền thấy Như Lai”. Thế nên đắc Vô Lậu.

Phàm phu chẳng được Vô Lậu vì Ý Căn chưa tiêu vậy. Ý Căn mà chưa tiêu nên bám lấy Hữu Vi. Một khi bám lấy Hữu Vi, liền lọt vào sanh diệt. Ý Căn tiêu liền chứng Vô Vi. Vô Vi là không sanh diệt. Thế nên Hương Trần thì chợt sanh chợt diệt, mà cái Diệu Hương kia thì nào có chuyện diệt sanh. Chỗ tỏ ngộ của Ông Hương Nghiêm thì cả thảy phân giải đều chẳng được. Thế nên nói là Mật, là Viên, chỉ có tự chứng biết thôi vậy.

Xưa, Thái Sử Hoàng Sơn Cốc nhân bởi Ngài Viên Thông Tú phấn khích nên đến chỗ Tổ Hối Đường xin chỉ chỗ “Nhậm lẹ”.

Tổ Hối Đường(11) nói : “Như Đức Khổng Tử nói, “Các ngươi cho ta là che giấu ư ? Ta không có chỗ nào giấu giếm !” Thế thì Thái Sử lý luận làm sao ?”
Thái Sử định đáp, Tổ Đường liền nói : “Chẳng phải, chẳng phải”.
Thái Sử mờ mịt chẳng cùng. 
Một hôm, cùng Tổ Hối Đường đang đi dạo núi, khi ấy cây nham quế nở thơm đầy.
Tổ nói : “Có nghe thấy hương hoa nham quế không ?”
Ông đáp : “Dạ, có”.
Tổ nói : “Ta không có chỗ nào giấu giếm vậy”.

Thái Sử tiêu tan nghi ngờ, làm lễ mà thưa : “Hòa Thượng, tâm lão bà từ bi quá tha thiết !”
Tổ cười đáp : “Chỉ mong ông đến được nhà thôi”.
Lại có vị ni sư ngộ Đạo làm bài kệ :

“Suốt buổi tìm Xuân chẳng thấy Xuân
Giày rơm dẫm khắp mấy non mây
Về đây cười nắm hoa mai ngửi
Xuân ở đầu cành đã trọn phần”.

Chỗ chứng của vị ni sư này và Ông Sơn Cốc cũng lấy Diệu Hương là hơn cả.


IV. VIÊN THÔNG VỀ VỊ TRẦN

Kinh : Hai vị Pháp Vương Tử Dược Vương, Dược Thượng cùng với năm trăm vị Phạm Thiên trong hội, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, thưa rằng : “Từ vô thủy lâu xa, chúng tôi làm thầy thuốc cho đời, trong miệng thường nếm cỏ cây, kim thạch của thế giới Ta Bà này, số mục lên đến mười vạn tám ngàn, như thế biết tất cả các vị đắng, chua, mặn, lạt, ngọt, cay... cùng các vị biến đổi do các vị kia hòa hợp mà sanh ra, nào lạnh, nào nóng, có độc hay không độc đều biết khắp cả. Được thừa sự các Đức Như Lai, rõ biết tánh của Vị Trần, chẳng phải không, chẳng phải có, chẳng phải tức là thân tâm, chẳng phải lìa thân tâm. Do phân biệt được tánh của mùi vị, do đó mà khai ngộ. Được Phật Như Lai ấn chứng cho anh em chúng tôi danh hiệu là Dược Vương, Dược Thượng Bồ Tát, nay ở trong hội này làm Pháp Vương Tử. Chúng tôi nhân Vị Trần mà giác tỏ, lên bậc Bồ Tát. 
“Phật hỏi về Viên Thông, như chỗ chứng của chúng tôi, thì do Vị Trần là hơn cả”.

Thông rằng : Từ vô thủy kiếp đến nay làm thầy thuốc cho đời, chỉ có thể biết các Vị, đủ để trị bệnh mà thôi. Đến khi phụng sự Như Lai mới biết Tánh của mùi vị, không hay có, đều chẳng phải, không phải Tức, không phải Lìa. Phàm đều chẳng phải không hay có, chẳng Tức chẳng Lìa, đó là cái thể vốn như thế của Tâm Mầu Nhiệm tròn sáng trong Như Lai Tạng vậy. Do Vị Trần mà khai ngộ, giác tỏ Tự Tánh, nên vào địa vị Bồ Tát. Chỗ gọi là Giác đó, nghĩa là trong Như Lai Tạng, Tánh của vị là Chân Không, Tánh Không là Chân Vị, thanh tịnh bản nhiên, toàn khắp pháp giới. Tức Vị là Giác, tức Giác là Vị, cái ngộ này thật khó nói cho người vậy.

Ngài Đại Ngu(12) từ giã Tổ Quy Tông. 
Tổ hỏi : “Đi đến chỗ nào ?”
Đáp : “Đi các nơi học Ngũ Vị Thiền(13)”.
Tổ Quy Tông nói : “Các nơi có Ngũ Vị Thiền, ta trong ấy chỉ có một Vị”.
Hỏi : “Thế nào là Một Vị Thiền(14) ?”
Tổ bèn đánh. 
Ngài Đại Ngu nói : “Hiểu vậy, hiểu vậy !”
Tổ nói : “Nói đi, nói đi !”
Ngài Đại Ngu định mở lời, Tổ lại đánh.
Sau, có nhà sư đến Tổ Hoàng Bá kể lại chuyện trên. 

Tổ thượng đường nói : “Đại sư Mã Tổ có được tám mươi bốn vị Thiện Trí Thức, vậy mà hỏi ai nấy cái chỗ đại tiện đầy đất, thì chỉ có Quy Tông là được chút ít”.

Chỉ có Tổ Hoàng Bá tỏ biết sâu xa cái Thiền Một Vị nên cùng Tổ Quy Tông thấy mặt nhau. Sau này, Tổ Hoàng Bá dùng cái cơ Thiền này để bắt Lâm Tế. Ngài Tế không khế ngộ được, bèn chỉ sang Tổ Đại Ngu. Gặp Tổ Đại Ngu, Lâm Tế kể lại nhân duyên ba lần bị đánh cho.

Tổ Ngu nói : “Hoàng Bá giúp ông trừ hết nỗi khốn khó, lại ở trong ấy mà hỏi có lỗi với không lỗi”.
Ngài Lâm Tế ngay nơi lời nói đại ngộ, bèn nói : “Té ra Phật Pháp của Hoàng Bá cũng chẳng có gì !”

Tổ Ngu nắm đứng lại hỏi : “Nói mau, nói mau !”

Ngài Lâm Tế thoi ba thoi vào sườn Tổ Đại Ngu.

Tổ thả ra, nói : “Thầy ông là Hoàng Bá, chẳng can dự gì đến ta”.

Tổ Ngu vừa muốn thi triển cái gia phong của Quy Tông, thì đã bị Lâm Tế đoạt mất, thế mới biết chỗ thấy của Lâm Tế vượt trước một bậc vậy.

Thiền sư Long Hưng Pháp Cư đã lớn tuổi mới gặp Tổ Hoàng Long và được ấn khả. 

Ngài thượng đường nói : “Việc này cũng như thầy thuốc xem bệnh, hiện thời vả chăng tạp độc đầy bụng chưa dễ chữa trị. Vậy phải cho thuốc để chữa sự chóng mặt tối tăm do bệnh gây ra, rồi sau mới hết được. Còn cứ theo ý mình mà uống thuốc, thì chỉ thêm cuồng loạn, tăng thêm nặng mà thôi. Thế mà mong hết bệnh chẳng phải là lầm ư ? Cỏ trước pháp đường đã mọc dày, mà trong lòng không hổ thẹn !”

Ở nơi các tắc trên mà thông hội được, thì chẳng những biết được mùi vị ấy, mà còn có thể trị bệnh cho người.


V. VIÊN THÔNG VỀ XÚC TRẦN

Kinh : Ông Bạt Đà Bà La cùng mười sáu vị Khai Sĩ đồng bạn liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, bạch rằng : “Xưa kia, chúng tôi ở nơi Đức Phật Oai Âm Vương, nghe pháp mà xuất gia. Vào giờ tắm của các tăng, tôi theo thứ lớp vào phòng tắm, bỗng ngộ được Tánh Nước : đã chẳng rửa bụi, cũng chẳng rửa thân, khoảng giữa an nhiên, đắc Vô Sở Hữu. Chỗ học xưa không quên, cho đến ngày nay theo Phật xuất gia, được quả Vô Học. Đức Phật xưa ấy gọi tôi tên là Bạt Đà Bà La. Cái Diệu Xúc khai mở rõ ràng, thành bậc Phật Tử Trụ. 
“Phật hỏi về Viên Thông, theo như chỗ chứng của tôi, thì do Xúc Trần là hơn cả”.

Thông rằng : Ngài Tuyết Đậu nêu ra việc xưa rằng : “Có mười sáu vị Khai Sĩ(15) gặp giờ các tăng tắm, theo thứ tự vào phòng tắm, bỗng ngộ tánh nước. Các vị Thiền Đức hiểu làm sao ?” Các vị ấy nói : “Cái Diệu Xúc khai mở rõ ràng, thành bậc Phật Tử Trụ(16). Cũng cần xuyên thủng bảy lỗ tám hang(17) mới được”. 
Tụng rằng :

“Xong việc ông tăng thật rảnh rang
Trên giường thẳng cẳng duỗi chân nằm
Trong mộng từng thuyết Viên Thông Ngộ
Rửa nước thơm xong, nhè mặt khạc”.

Cái này đã thành công án, về sau các vị Lão Túc cùng nó phát minh rất nhiều.
Thiều Quốc Sư ban đầu ra mắt Tổ Long Nha, hỏi rằng : “Trời không che, đất không chở, lý ấy thế nào?”

Đáp : “Đạo thì hợp như thế”.

Phàm trải qua mười bảy lần thưa hỏi, Tổ chỉ đáp như vậy. Ngài lại xin dạy bảo, Tổ nói : “Đạo ấy về sau ông tự hiểu”.

Về sau, ở núi Thông Huyền, Ngài Thiều đang tắm, bỗng tỉnh ngộ chuyện trước, bèn đầy đủ oai nghi, hướng về chỗ Tổ Long Nha làm lễ, rồi nói : “Lúc ấy mà nói cho tôi, thì hôm nay nhất định phải bị mắng”.

Sau, Ngài đến tham học Tổ Pháp Nhãn. 

Có nhà sư hỏi Tổ Pháp Nhãn : “Như thế nào là một giọt nước Tào Khê ?”

Tổ Nhãn nói : “Là Tào Khê một giọt nước”.

Nhà sư ngơ ngẩn lui ra. 

Ngài đang ngồi một bên hoát nhiên khai ngộ, cái nghi vướng bấy lâu như băng tan rã. Đến đây mới được suốt bảy lỗ, tám hang. 

Ngài làm bài kệ :

“Thông Huyền chót đảnh
Chẳng phải nhân gian
Ngoài Tâm không Pháp
Ngập mắt núi xanh”.

Tổ Pháp Nhãn nghe qua, nói rằng : “Một bài kệ này, khá khởi lên Tông của ta”.

Hòa Thượng Thạch Thê nhân có thị giả mời đi tắm, bèn hỏi : “Đã chẳng rửa bụi, cũng chẳng rửa thân, ông làm thế nào ?”

Thị giả đáp : “Hòa Thượng đi trước, rồi tôi đem thuốc tạo-giác(18) lại sau”.

Hòa Thượng cười ha hả, cơ hồ bị thị giả một phen nhổ nước miếng qua mặt !

Có nhà sư hỏi thiền sư Thiên U Cái : “Có một cái Viện tên là Vô Cấu Tịnh Quang Thiền Viện, sửa thành nhà tắm. Có người hỏi : “Đã là Vô Cấu Tịnh Quang, vì sao lại làm nhà tắm ?” Tôi không đáp được”.
Ngài Thiên Cái đáp thay rằng :

“Ba Thu đêm trăng sáng
Việc gì lại họp nhau”.

Ngài Đơn Hà lại tụng rằng :

“Tuy là đáp tận ý sâu xa
Khổ nỗi đem ra chẳng được gần
Muốn hiểu “xưa nay vô cấu” ấy
Phải vào trong nước gặp trưởng nhân”.

Con gái của Ông Long Đồ Phạm Tuân, từng được Tổ Tử Tâm ấn khả ở Kim Lăng, lập ra một nhà tắm, nơi cửa yết tấm bảng rằng : “Một vật cũng không, tẩy rửa cái gì ? Mảy bụi nếu có, khởi từ đâu lại ? Nói được một câu cho ra nghĩa lý, mới được vào nhà này mà tắm. 

“Cổ Linh chỉ mới biết lau lưng ! Khai Sĩ nào từng rõ Tánh ! Muốn chứng Ly Cấu Địa, thì phải suốt thân chẳng nhiễm. Hết thảy đều bảo nước để rửa sạch cái dơ, nào hay nước cũng là trần (bụi). Dầu cho cả nước và dơ chóng trừ, đến đây cũng cần rửa sạch hết !”

Sau này cô xuất gia làm ni cô tên là Duy Cửu.

Các vị tôn túc trong mộng nói mộng, mỗi mỗi chỉ ra cái “Diệu Xúc rõ bày”, có thể cùng mười sáu vị Khai Sĩ cùng tham.


VI. VIÊN THÔNG VỀ PHÁP TRẦN

Kinh : Ông Ma Ha Ca Diếp và Tỳ Kheo Ni Tử Kim Quang v.v... liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, thưa rằng : “Trong kiếp xưa ở cõi này có Phật ra đời, tên là Nhật Nguyệt Đăng, tôi được thân cận, nghe pháp, tu học. Sau khi Phật diệt độ, chúng tôi cúng dường Xá Lợi, thắp đèn sáng mãi; lại lấy vàng sắc tía đắp thếp hình tượng Phật. Từ đó đến nay, đời đời kiếp kiếp, thân thể thường toàn vẹn sáng ngời như vàng thắm. Nhóm Tỳ Kheo Ni Tử Quang này tức là quyến thuộc của tôi lúc đó, cũng đồng một thời phát tâm như tôi. Tôi quán sát sáu Trần của thế gian thay đổi biến hoại, chỉ dùng pháp Không Tịch, tu Định Diệt Tận, thân tâm mới có thể trải qua trăm nghìn kiếp như thời gian khảy móng tay. Tôi do cái Pháp Không mà thành A La Hán. Đức Thế Tôn bảo tôi tu hạnh đầu đà bậc nhất. Pháp nhiệm mầu mở sáng, các lậu đều tiêu diệt.
“Phật hỏi về Viên Thông, như chỗ chứng của tôi, thì do Pháp Trần là hơn cả”.

Thông rằng : Trước có nói các bậc Diệt Tận Định đắc bậc Thanh Văn Tịch Diệt, duy Ngài Đại Ca Diếp, ý thức diệt đã lâu, mà hiểu biết đều tròn vẹn, chẳng nhờ tâm niệm. Ngài ngộ được các pháp là Không Tịch mà thành A La Hán. Sáu Trần như sanh, là ở trong Không mà sanh; sáu Trần như diệt, về nơi Không mà diệt. Trần có sanh diệt, Tánh Không chẳng hoại. Trừ sạch Pháp Trần, đó là Pháp Không. Cái Ý chẳng duyên ra pháp, được không sanh diệt. Nên có thể vượt qua trăm ngàn kiếp như khảy móng tay. Cho đến nay, Ngài Ca Diếp vẫn giữ áo cà sa vàng của Phật, nhập định trong núi Kê Túc, chờ Đức Di Lặc hạ sanh mà trao lại, đó là sự linh nghiệm vậy.

Tỳ Kheo Ni Tử Kim Quang kiếp xưa là một cô gái nghèo. Thuở ấy, Ngài Ca Diếp làm người thợ đúc. Cô lấy vàng nhờ người thợ đúc thếp vàng mặt Phật, nguyện đời đời kiếp kiếp làm vợ chồng không tình ân ái. Cảm ứng được chín mươi mốt kiếp sanh cõi trời, thân thường toàn vẹn vàng chói. Nay gặp Phật xuất gia, quả nhiên thỏa được nguyện xưa.

Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác tinh thâm hết ba tạng kinh điển, rành Thiên Thai Chỉ Quán, pháp môn viên diệu. Trong cả bốn oai nghi thường sáng rõ pháp thiền quán. Sau, nhân thiền sư Khê Lãng khuyến khích, cùng thiền sư Đông Dương Sách đến Tào Khê. Mới vừa đến, đi quanh Tổ ba vòng, rồi chống trượng đứng yên.

Tổ nói : “Phàm là Sa Môn, đầy đủ ba ngàn oai nghi, tám vạn tế hạnh. Đại Đức từ phương nào lại, mà tỏ ra quá nhiều ngã mạn ?”

Huyền Giác nói : “Việc sanh tử là lớn lao, cái vô thường rất nhanh chóng !”
Tổ nói : “Sao chẳng hội cái Vô Sanh, tỏ suốt cái không chóng ?”
Huyền Giác nói : “Thể tức Vô Sanh, rõ vốn không chóng.”
Tổ nói : “Y vậy”.
Khi ấy đại chúng đều kinh ngạc. Ngài Huyền Giác mới đầy đủ oai nghi làm lễ Tổ, chốc lát từ giã.
Tổ nói : “Về gấp thế sao ?”
Huyền Giác nói : “Vốn tự chẳng động, nào có sự gấp ư ?”
Tổ nói : “Ai biết là chẳng động ?”
Huyền Giác nói : “Đó là Ngài tự sanh phân biệt”.
Tổ nói : “Ông thật là được cái ý chỉ Vô Sanh”.
Huyền Giác nói : “Vô Sanh mà có ý ư ?”
Tổ nói : “Không có ý thì ai phân biệt ?”
Huyền Giác nói : “Phân biệt cũng chẳng phải ý”.
Tổ khen ngợi : “Hay lắm, hay lắm, ít ra hãy ở lại một đêm”.
Thời ấy gọi Ngài là “Một Đêm Giác”.

Chỗ này, nếu chẳng diệt Ý Căn từ lâu, đắc Vô Sanh Nhẫn, thì đâu có thể ứng đáp như âm vang dội theo tiếng vậy được. Từ Ngài Kiều Trần Na đến đây là sáu vị Thánh. Nói là Diệu Âm, Diệu Sắc, Diệu Hương, Diệu Xúc, đều gọi là Diệu, vì không ràng buộc nơi Trần vậy. Đây chính là do sáu Trần mà chứng viên thông.


VII. VIÊN THÔNG VỀ NHÃN CĂN

Kinh : Ông A Na Luật Đà liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, thưa rằng : “Tôi lúc mới xuất gia, thường thích ngủ nên Phật la tôi là loài súc sanh. Tôi nghe Phật mắng, khóc lóc tự trách, suốt bảy ngày không ngủ, hư cả hai con mắt.
“Đức Thế Tôn dạy tôi tu pháp Lạc Kính Chiếu Minh Kim Cương Tam Muội. Tôi chẳng do con mắt, xem thấy mười phương rỗng suốt rõ ràng như xem trái cây trong bàn tay. Như Lai ấn chứng cho tôi, thành A La Hán. 
“Phật hỏi Viên Thông, như chỗ chứng của tôi, thì xoay cái Thấy trở về Bản Tánh, đó là Thứ Nhất”.

Thông rằng : Ông A Na Luật Đà là con Vua Bạch Phạn(19), với Phật là anh em chú bác. Trong đời quá khứ dâng cho một vị Bích Chi Phật một bữa cơm, cảm ứng được chín mươi mốt kiếp có cái Vui Như Ý. Phật thường la rằng “Ôi, ôi, sao lại ngủ. Như loài ốc, loài sò ngủ một giấc cả ngàn năm, chẳng nghe tên hiệu của Phật”. Từ đó, ông cố gắng đến mù cả mắt, bèn được một nửa phần Thiên Nhãn.

Đại Trí Luận nói “Thiên Nhãn của Ông A Na Luật do tứ Đại tạo sắc, thanh tịnh được một nửa. Thiên Nhãn của Phật cũng là tứ Đại tạo sắc mà thanh tịnh khắp cả”.

Cái Tam Muội Lạc Kiến Chiếu Minh Kim Cang là pháp môn xoay cái Thấy trở về nguồn Tánh. Minh thuộc Sở, Chiếu thuộc Năng. Trong chỗ Minh, cái Chiếu thường soi tỏ. Trong chỗ Chiếu, cái Thấy thấy suốt. Chiếu từ đâu mà lại ? Thấy từ đâu khởi ra ? Cho đến chỗ thấy mà không có chỗ thấy, chiếu soi mà không có chỗ chiếu soi, liền được Kim Cương Tam Muội. Đó là Thể của cái Chiếu, Nguồn của cái Thấy vậy. Kim Cương phá nát tất cả, Thấy và Chiếu đều tiêu vong, ấy là Tam Muội Chánh Định, tức là cái Bản Thể Tịch Chiếu vậy. Vui theo cái quán chiếu này, nghĩa là xoay cái Thấy trở về nguồn Tánh. Cho đến được Thiên Nhãn, thì cũng chẳng phải chỗ luận bàn đến được.

Ngài Đức Sơn khi mới đến Tổ Long Đàm, tuốt vào pháp đường, nói : “Lâu nay vang tiếng Đầm Rồng (Long Đàm), nay đến nơi, đầm lại chẳng thấy, mà rồng cũng chẳng hiện”.

Tổ Đàm tiến lên, nói : “Ông đã đích thân đến Long Đàm (Đầm Rồng). Căn cứ vào cơ duyên lúc mới đến này thì đáng nhận y bát của Long Đàm”.

Một buổi tối, đang đứng hầu Tổ. 

Tổ Long Đàm nói : “Khuya rồi sao chẳng về nghỉ?” 

Đức Sơn chỉnh tề bước ra rồi trở lui, nói : “Ngoài tối lắm”. 

Tổ Đàm đốt cây đuốc giấy đưa cho Ngài Đức Sơn, Ngài định cầm lấy, Tổ Đàm liền thổi tắt. Đức Sơn hoát nhiên đại ngộ, bèn lễ bái.

Tổ hỏi : “Ông thấy cái gì ?”

Ngài Sơn nói : “Từ nay trở đi, không còn nghi cái đầu lưỡi của Lão Hòa Thượng trong thiên hạ nữa”.

Hôm sau, Tổ Long Đàm lên tòa giảng, nói với đại chúng : “Trong đây có một gã răng như đao kiếm, miệng như chậu máu, một gậy đánh cho chẳng quay đầu, mai kia hướng lên đỉnh núi cô cao, lập đạo ta ở đó”.

Đức Sơn đem bộ Sớ Sao kinh Kim Cương, Ngài đã viết từ trước, chất trước pháp đường, cầm cây đuốc mà nói rằng : “Có cùng tột các lý lẽ diệu huyền cũng như một mảy lông để giữa thái hư ! Thấu suốt hết các mấu chốt của đời cũng nhưng một giọt nước rơi vào biển cả !”
Rồi đốt sạch, làm lễ từ giã Tổ mà ra đi.

Như cái pháp nhãn mà Ngài Đức Sơn đắc, so với Ông A Na Luật Đà nhiều ít giống nhau.
Tổ Lâm Tế lúc sắp tịch, nói bài kệ :

“Theo dòng không dứt, hơi đâu hỏi tại sao
Chân chiếu vô biên, lấy chi nói ta-người 
Cái lìa tướng, lìa danh kia, người chẳng nhận
Kiếm bén đứt lông, dùng rồi phải gấp mài”.

Tổ lại nói với đại chúng : “Sau khi ta diệt độ, không được diệt mất Chánh Pháp Nhãn Tạng của ta”.

Ngài Tam Thánh bước ra, thưa : “Sao dám diệt mất Chánh Pháp Nhãn Tạng của Hòa Thượng !”
Tổ Tế nói : “Về sau, có người hỏi, ông nói thế nào với họ ?”

Ngài Thánh liền hét.

Tổ nói : “Ai biết Chánh Pháp Nhãn Tạng của ta, hướng về con lừa mù ấy mà diệt mất”.
Ngài Thiên Đồng tụng rằng :

“Nửa đêm y bát truyền Huệ Năng
Rối loạn Hoàng Mai, bảy trăm tăng
Một chi Lâm Tế, Chánh Pháp Nhãn 
Lừa mù diệt mất, người đắc đâu ?
Tâm Tâm ấn nhau
Tổ Tổ truyền đăng
Khỏa bằng núi, biển
Biến hóa đại bàng
Chỉ danh ngôn ấy khó suy lường
Đều là thủ đoạn thoát bay lên !”.

Đến chỗ này thì Chánh Pháp Nhãn Tạng còn lại diệt mất, huống gì là Thiên Nhãn kia ?


VIII. VIÊN THÔNG VỀ TỶ CĂN

Kinh : Ông Châu Lợi Bàn Đặc Ca liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, thưa rằng : “Tôi thiếu tụng trì, không có tánh đa văn. Ban đầu gặp Phật, nghe pháp xuất gia, ghi nhớ một câu kệ của Như Lai trong một trăm ngày, thì nhớ trước quên sau, nhớ sau quên trước. Phật thương tôi ngu muội, dạy tôi an cư, đều hòa hơi thở ra vào. Tôi quán hơi thở, cùng tột sự nhỏ nhiệm của các tướng sanh, trụ, dị, diệt, các hành trong từng sát na, thì tâm hoát nhiên được Đại Vô Ngại, cho đến các lậu đều sạch hết, thành A La Hán. Trước pháp tọa của Phật, được ấn chứng thành quả Vô Học. 
“Phật hỏi tôi về Viên Thông, như chỗ chứng của tôi, thì xoay hơi thở theo về Không, đó là Thứ Nhất”.

Thông rằng : Đây là vị Tỳ Kheo đọc thuộc lòng chữ “Chữu” là cái chổi vậy. Đời quá khứ là pháp sư mà bỏn sẻn Pháp, nên bị quả báo ngu độn. Tuy ít đa văn, nhưng ít bị tán loạn, nên có thể điều tức mà thấu nhập. Sự thô tế của hơi thở là do tâm sanh diệt. Tâm dần dần ngừng nên hơi thở từ từ vi tế. Tâm và hơi thở nương lẫn nhau, mà đến cùng tột các tướng sanh, trụ, dị, diệt, các tướng rất vi tế của các hành trong khoảng sát na, thì hơi thở tức là không hơi thở, tâm là vô tâm. Trong khoảng sát na, thấu nhập Kim Cang Càn Huệ Địa, nên được hoát nhiên Vô Ngại. Cảnh giới Ngộ này, thì ngôn ngữ, nghĩ suy không thể đến được.

Xưa, Thượng Thơ Mạc Tương khi làm quan xứ Tây Thục, ra mắt thiền sư Nam Đường Tỉnh, hỏi chỗ tâm yếu. Tổ bảo hãy hướng về chỗ tốt mà tỉnh thức. Vừa bước vào cầu tiêu, bỗng nghe mùi hôi, vội lấy tay bịt mũi, bèn chợt tỉnh ngộ. Liền trình bài kệ :

“Xưa ngay cốt cách thích phong lưu
Cười cho ai đó hướng ngoài cầu
Muôn sai ngàn khác, không đâu kiếm
Đắc cái xưa nay ở mũi đầu”.

Tổ Nam Đường đáp rằng :

“Một pháp vừa thông, pháp pháp Như
Dọc ngang diệu dụng còn tìm đâu
Rắn xanh khỏi hộp, quân ma nép
Bích nhãn Hồ Tăng cười gật đầu”.

Đây cũng là xoay hơi thở theo về Không, mà bỗng nhiên chứng nhập. Có thể cùng thầy Tỳ Kheo tụng chữ “Chổi” thấy mặt nhau !


IX. VIÊN THÔNG VỀ THIỆT CĂN

Kinh : Ông Kiều Phạm Bát Đề liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, thưa rằng : “Tôi mắc khẩu nghiệp, trong kiếp quá khứ coi thường, giỡn cợt Sa Môn nên đời đời kiếp kiếp mắc tật nhai lại như trâu. Như Lai chỉ dạy tôi pháp môn “Nhất Vị Thanh Tịnh Tâm Địa”, tôi diệt được tâm thức, vào Tam Ma Địa. Quán biết cái Vị không phải thân thể, không phải món vật, liền đó được vượt thoát các lậu của thế gian, trong thoát hết thân tâm, ngoài mất tan thế giới, xa lìa ba cõi như chim xổ lồng, rời hết dơ nhiễm, tiêu mất trần tướng, Pháp Nhãn thanh tịnh, thành A La Hán. Như Lai ấn chứng cho tôi thành đạo Vô Học. 
“Phật hỏi về Viên Thông, như chỗ chứng của tôi thì trả cái Vị, xoay cái Biết về gốc Tánh, đó là Thứ Nhất”.

Thông rằng : Ông Kiều Phạm Bát Đề lưỡi khác người mà biết Mùi Vị. Do có tật nhai lại như trâu, mà trâu là loài vật, chỉ biết cây cỏ mà thôi, nay hình dáng cái lưỡi như trâu, mà phân biệt rõ được các vị, là do nơi cái gốc của lưỡi. Quán xét mùi vị, xoay lại cái Biết, thì Vị có nhiều thứ mà cái Biết này không hai. Cái Biết này lúc chưa xoay lại, thì tâm thức chưa diệt, đó là hữu lậu. Xoay cái Biết về Không, biết mà không có chỗ biết, nên là vô lậu. Cái Biết này chẳng do Căn sanh nên không phải Thân, không do Cảnh mà có, nên không phải Vật. Không phải Thân nên trong thoát hết thân tâm; không phải Vật, nên ngoài mất tan thế giới. Do vậy, lìa tâm dơ nhiễm, tiêu mất ngoại trần, được Ý Sanh Thân, thường ở cõi trời, được người, trời cúng dường. Phật vì muốn xóa đi nghiệp nhạo báng nên cho Ngài xâu chuỗi ngọc, dạy niệm Phật, gọi là pháp môn “Nhất Vị Thanh Tịnh Tâm Địa”. Từ vô thủy đến nay, các nghiệp do căn lưỡi tạo ra, lập tức thanh tịnh, do đó được Tâm tịch diệt, vào định bình đẳng, bèn nếm mùi Đạo vậy.

Ngài Ngưỡng Sơn đem trái cây cho Tổ Quy Sơn. 
Tổ nhận lấy, hỏi : “Ở đâu mà có vậy ?”
Ngài Ngưỡng Sơn nói : “Trong vườn nhà”.
Tổ Quy Sơn nói : “Đã ăn chưa ?”
Đáp : “Chưa dám nếm, trước dâng lên Hòa Thượng”.
Tổ nói : “Là ai đó ?”
Ngài Ngưỡng Sơn nói : “Là Huệ Tịch”.
Tổ nói : “Đã là ông đó, sao lại bảo ta nếm trước?”
Ngài Ngưỡng nói : “Hòa Thượng thì nếm ngàn nếm vạn”.
Tổ Quy Sơn bèn ăn mà nói : “Còn chua chát”.
Ngài Ngưỡng nói : “Chua chát vẫn là tự biết”.
Tổ Quy Sơn không nói gì.
Lại Tổ Huyền Sa cùng Ông Vi Giám Quân đang ăn trái cây. 
Ông Vi hỏi : “Như thế nào là dùng hàng ngày mà chẳng biết ?”
Tổ Sa cầm trái cây đưa lên, nói : “Ăn đi”.
Ông Vi ăn trái cây xong, lại hỏi nữa.
Tổ Sa nói : “Chỉ cái ấy là dùng hàng ngày mà chẳng biết !”
Ngài Ngưỡng Sơn nói Tự biết. Ngài Huyền Sa nói Chẳng biết. Đó là, Biết mà chẳng Biết, chẳng Biết mà Biết. “Trả Mùi Vị, xoay cái Biết về gốc Tánh”, là phải thấy như thế, biết như thế, mới gọi là Pháp Nhãn Thanh Tịnh.


X. VIÊN THÔNG VỀ THÂN CĂN

Kinh : Ông Tất Lăng Già Bà Ta liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật rồi thưa rằng: “Lúc ban đầu mới phát tâm theo Phật vào Đạo, thường nghe Như Lai dạy về những việc không thể vui được trong thế gian. Đang khi khất thực trong thành, giữa đường, tâm suy nghĩ về pháp môn Phật dạy; thình lình bị gai độc đâm chân, toàn thân đau đớn. Tâm niệm tôi có biết sự đau đớn ấy; tuy biết đau đớn mà cũng biết cái tâm thanh tịnh không có cái đau và cái biết đau. Tôi lại suy nghĩ, vậy thì chỉ một thân lại có hai cái biết. Nhiếp tâm chẳng bao lâu thân tâm bỗng nhiên rỗng không, trong khoảng hai mươi mốt ngày, các lậu đều tiêu hết, thành quả A La Hán, được Phật ấn chứng là bậc Vô Học. 
“Phật hỏi về Viên Thông, như chỗ chứng của tôi thì thuần một Giác Tánh, tan mất cái thân, đó là Thứ Nhất”.

Thông rằng : Ông Tất Lăng Già Bà Ta gọi thần sông là “con Tì(20)”. Vì trong các đời trước có thói quen quí tộc, hiện tại không thể bỏ quên thân thể. Nên khi gai độc đâm vào chân, toàn thân đau đớn bèn tỉnh nhập. 

Tuy có cái Biết để biết cái đau, nhưng cái Biết là Tâm Thanh Tịnh, lìa ngoài Năng và Sở, sự đau đớn không thể đến được. Đau là cái bị biết, thì cái Biết có thể biết nó. Còn cái Biết là cái Hay Biết, thì cái đau không thể làm nó đau. Một cái có sự đau, một cái không đau. Đã biết có đau lại biết không đau, thế thì một thân lại có hai cái Biết sao ? 

Cái Biết duy chỉ Một cái Chân, biết đau tức là Vọng. Do đó, nhiếp tâm niệm : ngoài quên mất thân thể, chỗ biết đều biến mất; trong quên mất tâm, cái Hay Biết cũng tan. Thân và tâm bỗng nhiên rỗng không, liền chứng Vô Học. Chỉ còn một cái Giác Thanh Tịnh, nên gọi là thuần một Giác Tánh. Ở trong cái Thuần Giác, thì Năng và Sở đều xa lìa. Thế mới tan mất cái thân, thân đã tan biến, thì thoát khỏi lập tức các việc không thể vui thích của thế gian.

Xưa, Đức Tứ Tổ Ưu Bà Cúc Đa có gặp một người bám trước Thân Kiến xin cứu độ.

Tổ nói : “Cầu pháp cứu độ thì phải tin lời ta, chẳng trái lời ta dạy”.

Người ấy nói : “Đã đến cầu Thầy, thì phải nghe lời răn dạy”.

Tổ bèn biến ra một bờ núi hiểm trở, trên chót có nhô ra một cây cao. Tổ dạy người ấy trèo lên cây. Lại ở dưới cây, hóa ra một cái hố lớn, sâu rộng ngàn tầm. Tổ dạy buông chân, người ấy tuân lời, buông hai chân ra. Dạy buông một tay, người ấy thả một tay. Lại dạy thả tay kia, người ấy đáp rằng : “Nếu thả luôn tay kia thì rớt xuống hố chết mất”. 

Tổ nói : “Trước đã cam kết là tuân lời dạy, nay sao trái với ta !” 

Khi ấy, người kia sự thương thân liền diệt, thả tay rơi xuống, thì chẳng thấy cây, thấy hố đâu cả. Liền chứng đạo quả.

Ngài Huyền Sa ban đầu muốn đi khắp nơi tìm hỏi thiện tri thức. Quảy gói ra khỏi núi, ngón chân bị vấp chảy máu, đau nhức. 

Ngài than : “Thân này chẳng phải có, đau từ đâu đến ?” 
Bèn trở về Tổ Tuyết Phong.
Tổ Tuyết Phong hỏi : “Cái gì là Huyền Sa Sư Bị đầu đà ?”
Ngài nói : “Trọn đời chẳng dám dối gạt người”.

Lại một ngày nọ, Tổ kêu lại hỏi : “Bị đầu đà sao chẳng đi khắp nơi mà học hỏi ?”
Ngài nói : “Đạt Ma chẳng đến Đông Độ, Nhị Tổ chẳng qua Tây Thiên”.
Tổ ưng nhận.

Ngài Vân Môn mới đầu ra mắt Tổ Mục Châu. Tổ Châu vừa thấy, liền đóng cửa. Ngài Vân Môn bèn gõ cửa.

Tổ Châu hỏi : “Ai ?”
Ngài đáp : “Tôi đây”.
Tổ nói : “Làm gì thế ?”
Mục Châu nói : “Việc mình chưa rõ, xin thầy chỉ bày”.
Tổ Châu mở cửa, nhìn một cái, liền đóng lại. Cứ vậy, liên tiếp gõ cửa ba ngày. Đến ngày thứ ba, Tổ Châu mở cửa, Vân Môn bèn sấn vào. Tổ Châu nắm đứng lại, hét : “Nói, nói !” 
Vân Môn suy nghĩ, thì Tổ Châu bèn xô ra, nói : “Cái đồ vô dụng hết xài !” 
Rồi đóng sập cửa, làm kẹt một chân của Vân Môn. Vân Môn liền triệt ngộ. 
Tổ chỉ qua tham vấn Tuyết Phong.

Như hai ngài Huyền Sa, Vân Môn cũng là sự trở lại của Tất Lăng Già Bà Ta vậy ! Còn mình đây cũng bị đau chân mà tập khí chẳng chịu trừ.


XI. VIÊN THÔNG VỀ Ý CĂN

Kinh : Ông Tu Bồ Đề liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, thưa rằng : “Tôi từ mênh mông kiếp đến nay, tâm được vô ngại, tự nhớ thọ sanh, kiếp số nhiều như cát sông Hằng. Lúc còn trong thai mẹ đã biết Tánh Không Tịch, như thế cho đến cả mười phương đều rỗng không và cũng khiến chúng sanh chứng đắc Tánh Không. Nhờ Như Lai phát minh Tánh Giác là Chân Không, Tánh Không tròn sáng, đắc A La Hán, tức thời nhập vào Biển Không quý báu sáng ngời của Như Lai, đồng Phật Tri Kiến, được ấn chứng thành Vô Học. Tánh Không Giải Thoát, tôi là đầu hết. 
“Phật hỏi về Viên Thông, như chỗ chứng của tôi, các Tướng nhập vào Phi Tướng, Phi và Sở Phi đều hết, xoay các pháp về Không, đó là Thứ Nhất”.

Thông rằng : Ông Tu Bồ Đề từ mênh mông số kiếp đến nay rõ được Tánh Không, nhưng chỉ biết ngả theo cái Không mà thôi. Nhờ Phật phát minh Tánh Giác là Chân Không, mới biết cái Không sanh trong Đại Giác cũng như một bọt nước sanh trong biển lớn, thế nên nói là cái Biển Không quý báu sáng ngời. Ngả qua cái Không thì chẳng toàn vẹn. Chân Không là toàn vẹn. Ngả về cái Không thì chưa giải thoát. Chân Không tức Giải Thoát. Chẳng đốn nhập Chân Không, thì còn ở trong cái Thấy của Nhị Thừa, chưa đồng với cái Thấy Biết của Phật vậy.

Các Tướng nhập vào Phi Tướng, ban đầu chỉ là cái Không đơn thuần, nghĩa là làm Không các Tướng. Cái Phi và Sở Phi đã mất hết, kế đó dùng cái không Không, tức là không luôn cái Không Tướng. Ban đầu là xoay các Tướng về Không, rồi xoay các Pháp về Không. Tướng Nhân, Tướng Pháp đều Không, nên trở vào trong Biển Không quý báu sáng ngời, như ngồi yên trong núi mà thấy Pháp Thân Như Lai. Phật cũng nói “Ông Tu Bồ Đề thấy trước Pháp Thân của Ta”. Đây là một chỗ để nghiệm ra là đồng với cái thấy biết của Phật.

Nhà sư tên Trí Thường ra mắt Đức Lục Tổ. 

Tổ hỏi rằng : “Ông từ đâu đến đây, muốn cầu chuyện gì ?”

Đáp rằng : “Thưa, gần đây tôi đến Hồng Châu, núi Bạch Phong, lạy ra mắt Hòa Thượng Đại Thông, được chỉ dạy cái nghĩa thấy Tánh thành Phật, mà chưa giải quyết nổi nghi ngờ. Từ xa đến đây làm lễ, mong Hòa Thượng chỉ bày”.

Tổ nói rằng : “Vị kia nói gì, ông thử thuật lại xem”.

Đáp rằng : “Trí Thường này đi đến đó, trải qua ba tháng mà chưa được dạy bảo. Vì thiết tha với pháp, nên một đêm một mình vào phương trượng cầu hỏi :

“Như sao là Bản Tâm, Bản Tánh của tôi ?” 
“Ngài Đại Thông bèn nói : “Ông có thấy hư không chăng ?” 
“Đáp : “Dạ, thấy”. 
“Hỏi : “Ông thấy hư không có tướng dạng gì không ?” 
“Đáp : “Hư không vô hình, nào có tướng mạo gì”. 

“Ngài Đại Thông nói : “Ông hãy thấy Bản Tánh cũng như hư không, rốt ráo không có một vật để thấy, gọi là Chánh Kiến. Không một vật để biết, gọi là thật biết. Không có xanh, vàng, dài, ngắn. Chỉ thấy cái Bổn Nguyên Thanh Tịnh, cái Giác Thể tròn đầy sáng suốt, thì gọi là thấy Tánh thành Phật, cũng gọi là cái Thấy Biết của Như Lai”. Kẻ học Đạo này tuy nghe dạy như vậy mà chưa rõ hiểu chắc chắn, xin Hòa Thượng chỉ dạy”.

Tổ nói : “Chỗ dạy của vị ấy vẫn còn nằm trong tri kiến, nên khiến ông chưa rõ, nay ta chỉ cho ông bài kệ :

“Chẳng thấy một pháp, là còn cái không thấy
Thật như mây nổi che mặt trời
Chẳng biết một pháp, là giữ cái không biết
Lại như thái hư sanh điện chớp
Cái thấy biết ấy vừa khởi lên
Nhận lầm, bao giờ hiểu phương tiện
Ông trong nhất niệm tự biết lấy Chẳng Phải(21)
Thì cái linh quang chính mình thường rõ hiện”.

Trí Thường nghe kệ xong, tâm ý rỗng nhiên, bèn trình bài kệ :

“Không đâu, khởi thấy biết 
Bám tướng, tìm Bồ Đề
Tình còn một niệm “Ngộ”
Sao thoát khỏi xưa mê
Tự Tánh Giác nguyên thể
Theo chiếu uổng trôi lăn
Chẳng vào Tổ Sư thất
Mờ mịt chạy hai đầu”.

Thế có thể nói là “Nhất niệm biết Chẳng Phải” thì Cái Chẳng Phải (Phi) và cái Chỗ Chẳng Phải (Sở Phi) đều dứt hết. Từ Ông A Na Luật Đà đến đây là năm vị Thánh, nói là xoay cái Thấy, quay hơi thở trở về, đem cái mùi vị trở lại, xoay cái pháp về nguồn, đều là ngược dòng về Một. Đó là do sáu Căn mà chứng viên thông vậy. Cái xoay ngược cái Nghe của Đức Quan Âm kể riêng ra với chỗ này, vì là cực quả của Viên Thông, gần với địa vị Phật, nên để sau chót.


XII. VIÊN THÔNG VỀ NHÃN THỨC

Kinh : Ông Xá Lợi Phất liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, thưa rằng : “Tôi nhiều kiếp đến nay, cái Thấy từ Tâm được trong sạch. Như thế mà thọ sanh, kiếp số nhiều như cát sông Hằng. Các pháp thế gian và xuất thế gian, thảy thảy biến hóa, trong một cái Thấy đều thông suốt, được không chướng ngại. Tôi ở giữa đường gặp Ca Diếp Ba, anh em hợp ý nhau, nói Pháp Nhân Duyên, ngộ được cái Tâm không bờ cõi, theo Phật xuất gia. Tánh Giác hằng thấy tròn đầy sáng ngời, được Đại Vô Úy, thành A La Hán, làm Trưởng Tử của Phật, từ miệng Phật mà sanh, do pháp mà hóa sanh. 
“Phật hỏi về Viên Thông, như chỗ chứng của tôi, thì cái Thấy của Tâm phát sáng, sáng tột cái Thấy Biết, đó là Thứ Nhất”.

Thông rằng : Ông Xá Lợi Phất lúc còn trong bụng mẹ, thì bà mẹ biện luận sáng láng hơn người cậu. Ông Cậu bảo : “Thằng bé này sanh ra, trí huệ không ai địch nổi”. Rồi sang Nam Ấn học pháp, không rãnh thời giờ để cắt móng tay, đó là Tỳ Kheo Trường Trảo(22).

Lúc chín tuổi, Ngài Xá Lợi Phất đã biện luận khuất phục mọi người, vua trong nước rất quý trọng. Ngài làm bạn với Ông Mục Kiền Liên, kết ước với nhau, hễ được mùi vị cam lồ của chánh pháp thì cũng hưởng với nhau. 

Mục Kiền Liên giữa đường gặp Tỳ Kheo Mã Thắng, hỏi : “Thầy của ông thuyết pháp gì ?” 

Mã Thắng đáp : “Các pháp theo duyên sanh, các pháp theo duyên diệt; Thầy ta, Đại Sa Môn, thường y như thế thuyết”. 

Ông Mục Kiền Liên tỏ sáng, chứng Sơ Quả; vội qua báo cho Xá Lợi Phất, nghe xong Xá Lợi Phất cũng chứng Sơ Quả. 

Cả hai ông cùng đến ra mắt Phật. Từ xa trông thấy hai người, Phật bảo với đại chúng : “Đó là hai đại đệ tử của Ta, một người Trí Huệ Đệ Nhất, một người Thần Thông Đệ Nhất”. 

Ngài Xá Lợi Phất, cái Thấy của Tâm rất sáng lẹ, theo Phật xuất gia, bảy ngày thông suốt hết Phật Pháp, trong mười lăm ngày đắc A La Hán, nên gọi là Trí Huệ Đệ Nhất, làm Trưởng Tử của Phật. Cái Thấy của Tâm không thuộc về Căn hay Thức, nên có thể bên trong phát ra sáng ngời, sáng khắp cái Thấy Biết, Tánh Giác của cái Thấy tròn đầy sáng rỡ, được Đại Vô Úy. Cái Thấy chưa sáng suốt thì có nghi, có sợ, còn Ngài Xá Lợi Phất chín tuổi nghị luận đã đắc Vô Úy, đến đây lại thông đạt hết Phật Pháp, mới gọi là Đại Vô Úy.

Thiền sư Trường Khánh Lăng ban đầu ra mắt Tổ Tuyết Phong, hỏi : “Một con đường từ xưa các Thánh truyền thụ, xin thầy chỉ bày cho”. Tổ Phong im lặng hồi lâu. Ngài bèn lễ mà lui ra. Tổ Phong bèn mỉm cười.

Ngài đi qua lại Tổ Tuyết Phong và Huyền Sa như vậy trong suốt hai mươi năm, ngồi thiền rách hết bảy cái bồ đoàn, mà chẳng rõ được chuyện ấy. Một ngày kia, cuốn bức sáo lên, hốt nhiên đại ngộ, bèn làm bài tụng :

“Đã lầm to, đã lầm to !
Cuốn bức sáo lên thấy thiên hạ
Có người nào hỏi, ấy Tông gì
Cầm cây phất tử nhằm miệng đánh”.

Tổ Tuyết Phong nói với Tổ Huyền Sa : “Ông ấy tỏ suốt rồi vậy”. 

Huyền Sa nói : “Chưa chắc. Đây là do ý thức thuật lại thôi, phải cần xét lại mới được”.
Đến tối, các sư đến làm lễ, Tổ nói với Ngài Khánh Lăng : “Đầu Đà Bị chưa chịu ông, nếu thật ngộ, trước chúng hãy nói ra đi !” 
Ngài Lăng lại làm bài tụng :

“Ở trong muôn tượng lộ riêng thân
Chỉ người tự nhận ấy mới gần
Ngày xưa lầm lạc tìm đường đến
Ngày nay trong lửa thấy ra băng”.

Tổ Phong quay sang nói với Tổ Huyền Sa : “Không thể là sự trước thuật của ý thức đâu !”
Ôi, thấy ra băng trong lửa, là một cái nhìn thông suốt, được không chướng ngại. Thiền sư Lăng khá gọi là có mắt vậy.


XIII. VIÊN THÔNG VỀ NHĨ THỨC

Kinh : Ngài Phổ Hiền Bồ Tát từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, thưa rằng : “Tôi đã từng làm Pháp Vương Tử cho các Đức Như Lai như số cát sông Hằng. Mười phương Như Lai dạy các đệ tử có căn cơ Bồ Tát tu Hạnh Phổ Hiền, là do tôi mà đặt tên. 
“Thưa Thế Tôn, tôi dùng cái Nghe của Tâm mà phân biệt tất cả thấy biết của chúng sanh. Nếu ở phương nào khác, cách ngoài hằng sa thế giới, có một chúng sanh trong tâm phát khởi Hạnh Phổ Hiền, thì liền ngay khi ấy, tôi cỡi voi sáu ngà, phân thân thành trăm, ngàn đến chỗ người ấy. Dầu cho người ấy nghiệp chướng còn sâu dày, chưa thấy tôi được, tôi cũng âm thầm xoa đầu, ủng hộ an ủi khiến cho người ấy được thành tựu. 
“Phật hỏi về Viên Thông, tôi nói chỗ Bản Nhân của tôi là phát sáng cái Nghe của Tâm, tự tại mà phân biệt, đó là Thứ Nhất”.

Thông rằng : Hạnh khắp pháp giới là Phổ, địa vị gần với Phật gọi là Hiền. Đức Phổ Hiền đã chứng quả vị, nói lại cái Bản Nhân của mình là từ cái Nghe của Tâm phát sáng, mọi phân biệt đều tự tại. Tận khắp pháp giới rỗng rang như hư không, không đâu mà Tâm chẳng nghe đến. Biết rành người tu Hạnh Phổ Hiền mà ủng hộ cho, ấy là trong sự biết rành đó; có một loại Tam Muội Tự Tại, chẳng có một mảy tơ tạo tác, là do đã chứng Pháp Thân, nên đầy khắp pháp giới, nơi nào vừa khởi niệm, nơi đó có ngay hạnh nguyện. Đó là Đức và Dụng vô ngại : Thể là Dụng, Dụng là Thể, nên gọi là Tự Tại. 

Đức Quán Âm theo Căn Tai mà xoay lại cái Nghe, nên được Tịch Diệt Hiện Tiền. Đức Phổ Hiền theo Nhĩ Thức mà phát sáng, nên được Tự Tại trong phân biệt. Nói là Hiện Tiền thì chưa từng chẳng phân biệt. Nói là Tự Tại, thì chưa từng không tịch diệt. Chỗ chứng của hai vị Thánh thật không có chỗ hơn kém.

Ngài Đàm Dực ban đầu vào Lư Sơn theo học Ngài Viễn Công. Sau trở về Hội Kê, ở núi Tần Vọng, tụng kinh Pháp Hoa. Trải qua mười hai năm, cảm Đức Bồ Tát Phổ Hiền hóa thân người nữ, mặc áo quần màu, xách lồng tre, một con heo trắng và hai củ tỏi, đến trước Ngài, nói : “Thiếp vào núi hái rau quyết, mặt trời đã xế, sói cọp tung hoành, trở về thì khó sống, xin ở nhờ một đêm”. Ngài hết sức từ chối, mà người con gái kêu khóc không thôi, bèn bảo nghỉ ở giường cỏ. Nửa đêm cô kêu la đau bụng, xin Ngài xoa bóp giùm. Ngài từ chối vì giữ Giới, không được chạm tay. Cô gái càng kêu la quá lắm. Ngài mới lấy cây tích trượng quấn vải vào rồi ở xa mà xoa cho. 
Sáng hôm sau, cô gái hóa áo quần thành mây lành, heo biến thành voi trắng, hai củ tỏi biến thành hai bông sen, bay lên không mà bảo rằng : “Ta là Bồ Tát Phổ Hiền, đến để thử ông đó”. 
Quan Thái Thú ở đấy là Mạnh Nghi, tâu lên vua, vua ra lệnh xây chùa Pháp Hoa. Chuyện này cũng giống chuyện Đức Quan Âm thử Ngài Ngô Đạo Tử.

Việc phân thân thị hiện, xoa đầu an ủi thì không kể xiết. Ở Trung Hoa như thế, thì ngoài hằng sa thế giới cũng có thể biết là như vậy.

Có nhà sư hỏi Tổ Trường Sa : “Vì sao đồng tử Thiện Tài đi dạo thế giới trong thân Bồ Tát Phổ Hiền suốt vô lượng kiếp mà không khắp hết ?”

Tổ Sa nói : “Ông từ vô lượng kiếp đến nay dạo chơi được khắp hết chăng ?”
Hỏi : “Như sao là Thân Phổ Hiền ?”
Tổ Sa nói : “Ở trong Hàm Nguyên điện, lại chạy kiếm Trường An !”
Lại có nhà sư từ giã Tổ Đại Tùy. 
Tổ hỏi : “Đi đâu thế ?”
Nhà sư đáp : “Đến núi Nga Mi, làm lễ Đức Phổ Hiền”.
Tổ Tùy dựng đứng cây phất tử, nói : “Văn Thù, Phổ Hiền chỉ tại trong này !”
Nhà sư vẽ một vòng tròn, ném về sau lưng.
Tổ Tùy nói : “Thị giả ! Đem thêm trà cho vị sư này !”
Ngài Thiên Đồng tụng rằng :

“Biết pháp thì sợ
Khinh địch thì mất
Trong nước phân sữa
Phải là ngỗng chúa !”.


XIV. VIÊN THÔNG VỀ TỶ THỨC

Kinh : Ông Tôn Đà La Nan Đà liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, thưa rằng : “Lúc tôi mới xuất gia, theo Phật vào Đạo, tuy đầy đủ Giới Luật, mà trong Tam Ma Địa thì tâm thường tán động, chưa được Vô Lậu. Thế Tôn dạy tôi và Ông Câu Hy La quán đầu mũi trắng. Lúc bắt đầu tu quán ấy trải qua ba lần bảy ngày, thấy hơi thở trong mũi ra vào như khói. Thân tâm bên trong sáng rỡ, rỗng suốt vẹn khắp thế giới, khắp hết thành rỗng không, sáng sạch, như ngọc lưu ly. Tướng khói lần lần hết mất, hơi thở hóa thành trắng. Tâm khai ngộ, các lậu hết sạch thì các hơi thở ra vào hóa thành hào quang, soi khắp mười phương thế giới, đắc A La Hán. Thế Tôn thọ ký cho tôi sẽ đắc Bồ Đề. 
“Phật hỏi về Viên Thông, tôi dùng sự tiêu mất hơi thở, yên lặng lâu thì phát ra sáng suốt, sáng suốt tròn khắp thì diệt hết các lậu, đó là Thứ Nhất”.

Thông rằng : Ông Nan Đà là em ruột của Phật, rất thương vợ nên tâm thường tán động. Phật dùng nhiều phương tiện điều phục cho mà đắc quả. Trước điều khiển hơi thở là y nơi Căn, từ thô vào tế, từ tế vào Không, đó là xoay lại các Căn. Cách quán lỗ mũi trắng này là y nơi Thức. Hơi thở ban đầu như khói, kế hóa thành trắng, sau cùng thành quang minh, đó là phát từ Thức. Hơi thở trong mũi, sao lại thành khói ? Hơi thở do gió và lửa khởi ra, làm động cái phiền não trược, nên hình dạng như khói. Đến khi tịnh quán phát sáng, thân tâm rỗng suốt, phiền não trược dần dần tiêu, nên hơi thở nơi mũi hóa thành trắng. Tâm khai ngộ, hết sạch các Lậu, không còn phiền não, cái sáng suốt bên trong phát chiếu ra, thì thấy thế giới như ngọc lưu ly, thế hơi thở chẳng hóa thành quang minh ư ? Hai thứ này, các Đạo Gia dưỡng sanh cho là bí truyền; còn nếu nơi Căn Viên Thông mà chứng được, thì há chẳng phải là hột giống Phật ư ?

Xưa, Ngài Bách Trượng đang đi cùng Tổ Mã Tổ, thì thấy một bầy vịt trời bay qua.
Tổ nói : “Cái gì thế ?”
Ngài Trượng nói : “Vịt trời”.
Tổ nói : “Đi đâu rồi ?”
Ngài Trượng nói : “Bay qua rồi”.
Tổ bèn nắm mũi Bách Trượng kéo mạnh, Ngài đau quá la lên.
Tổ nói : “Còn nói bay qua nữa thôi ?”
Ngài Bách Trượng liền tỉnh ngộ, về liêu thị giả, tấm tức khóc lớn. 
Vị thị giả khác hỏi : “Ông nhớ cha mẹ ư ?”
Đáp : “Không”.
Hỏi : “Bị người mắng chăng ?”
Đáp : “Không”.
Hỏi : “Thế chuyện gì khóc ?”
Đáp : “Lỗ mũi tôi bị đại sư vặn đau quá mà chẳng thấu triệt”.
Hỏi : “Có nhân duyên gì chẳng khế hợp được ?”
Đáp : “Ông đi hỏi lấy đại sư đi !”
Vị thị giả ấy đi hỏi Mã Tổ : “Thị giả Hoài Hải Bách Trượng có nhân duyên gì không khế hợp, đang kêu khóc ở trong phòng, xin Hòa Thượng nói cho con!”
Đại sư nói : “Đó là hắn hiểu vậy, ông hãy tự mình hỏi lấy hắn ta xem”.
Vị ấy về phòng nói với Bách Trượng : “Hòa Thượng nói ông hiểu rồi, bảo tôi về tự hỏi ông ?” 
Bách Trượng ha hả cười lớn.
Vị thị giả nói : “Vừa mới khóc, sao giờ lại cười ?”
Bách Trượng nói : “Hồi nãy khóc, bây giờ cười !”
Vị thị giả chẳng hiểu sao cả.
Hôm sau, Mã Tổ lên tòa giảng, đại chúng vừa nhóm họp, thì Bách Trượng bước ra cuốn chiếu. Tổ bèn xuống tòa. Bách Trượng đi theo đến phương trượng. Tổ nói : “Hồi nãy ta chưa hề mở lời, tại sao ông lại cuốn chiếu ?”
Bách Trượng nói : “Hôm qua bị Hòa Thượng vặn lỗ mũi đau quá !”
Tổ nói : “Hôm qua ông lưu tâm chỗ nào ?”
Bách Trượng nói : “Lỗ mũi hôm nay lại không đau”.
Tổ nói : “Ông thật biết rõ chuyện hôm qua”.
Ngài Bách Trượng làm lễ rồi lui ra.
Ngài Tuyết Đậu tụng rằng :

“Con vịt trời, biết sao đây ?
Mã Tổ vừa thấy, nói cùng nhau
Nói hết núi mây, trăng biển, tình
Như xưa, chẳng hội, liền bay mất
Muốn bay chăng ? 
Nắm đứng lại
Nói, nói !”

Lại có người nói được, thì phải như Bách Trượng lỗ mũi đau mà chẳng thấu triệt, mới được quang minh chiếu mười phương thế giới, đốn chứng Viên Thông.


XV. VIÊN THÔNG VỀ THIỆT THỨC

Kinh : Ông Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tử liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, thưa rằng : “Tôi từ bao kiếp đến nay, biện tài vô ngại, tuyên thuyết Khổ, Không, thấu suốt Thật Tướng. Như thế cho đến các Pháp Môn Bí Mật của hằng sa Như Lai, tôi đều ở trong chúng khai thị một cách vi diệu, được Vô Sở Úy. Đức Thế Tôn biết tôi có đại biện tài, nên dạy tôi tuyên dương bằng Pháp Luân Âm Thanh. Tôi ở trước Phật, giúp Phật chuyển Pháp Luân, nhân phát lên tiếng rống Sư Tử, thành A La Hán. Thế Tôn ấn chứng cho tôi thuyết pháp hơn hết thảy. 
“Phật hỏi về Viên Thông, tôi dùng Pháp Âm hàng phục tà ma ngoại đạo, tiêu diệt các Lậu, đó là Thứ Nhất”.

Thông rằng : Đây là lấy Thiệt Căn tuyên dương chỗ toàn vẹn một ngàn hai trăm công đức, nên chẳng dùng sự nếm Vị để hiển bày Thiệt Thức. Rõ biết cái Khổ không có Khổ Tướng, cái Không không có Không Tướng, gọi là hiểu thấu sâu xa Thật Tướng. Ngay nơi Khổ, Không mà thuyết Thật Tướng, đó là pháp môn bí mật. Khai thị một cách vi diệu, rỗng suốt đến nguồn Pháp, nên được Vô Úy. Phật dùng ba Pháp Luân “Thân, Khẩu, Ý” mà ứng vật không vướng mắc. Ông Phú Lâu Na chỉ dùng Pháp Luân Âm Thanh mà thành A La Hán. Trong thì tiêu diệt các lậu, mật chứng Thật Tướng; ngoài thì rộng nói Pháp bí mật, hàng phục tà ma ngoại đạo. Biện tài vô ngại, là người Thuyết Pháp Số Một, đều do Thiệt Thức mà được Viên Thông vậy.

Tọa chủ Lượng ra mắt Ngài Mã Tổ. Tổ nói : “Nghe nói tọa chủ giảng Kinh, Luận thông suốt lắm, có phải không ?”
Thầy Lượng nói : “Dạ, không dám”.
Tổ nói : “Lấy cái gì giảng ?”
Thầy Lượng nói : “Lấy tâm giảng”.
Tổ nói : “Tâm như tay thợ đàn giỏi, Ý như con hát hòa theo, làm sao giảng được kinh ?”
Thầy Lượng cãi lại rằng : “Tâm đã chẳng giảng được, chẳng lẽ hư không giảng được sao ?”
Tổ nói : “Vậy mà hư không giảng được !”
Thầy Lượng không chịu, bèn bỏ đi ra. 
Vừa xuống thềm, Ngài Mã Tổ gọi lớn : “Tọa Chủ!”
Thầy Lượng quay đầu lại, hoát nhiên đại ngộ. Bèn lễ bái. 
Tổ nói : “Cái ông thầy độn căn này, lễ bái làm gì !”
Thầy Lượng về chùa, nói với thính chúng rằng : “Tôi giảng kinh không ai bì kịp, thế mà hôm nay bị đại sư Mã Tổ hỏi cho một câu, tất cả công phu trước giờ đều như băng rã tiêu tan”.
Bèn vào núi Tây Sơn, không còn dấu vết. 
Há chẳng tiêu diệt các lậu hay sao ?

Thiền sư Bàn Am Thành nói trước đại chúng : “Này các nhân giả ! Hãy biết nay tôi hét lên một tiếng, có thể thấu đáo cả ngũ giáo”.

Im lặng một lúc, rồi hét lớn một tiếng mà hỏi : “Có nghe không ?”

Đại chúng đáp : “Có nghe”.

Thiền sư nói : “Nay các ông có nghe một tiếng hét này, thế là Có, tức là vào Tiểu Thừa Giáo”.
Rồi hỏi tiếp : “Giờ các ông có nghe không ?”

Đáp : “Không nghe”.

Thiền sư nói : “Giờ các ông không nghe, thì một tiếng hét này là Không, đó là vào Đại Thừa Thủy Giáo. Khi tôi mới hét, các ông đã bảo rằng Có; hét xong âm thanh tiêu mất, các ông lại nói rằng Không. Nhưng nói không, nghĩa là trước kia là có; nói rằng có, thì bây giờ là không. Thế là Chẳng Có, Chẳng Không, đó là vào Đại Thừa Chung Giáo. Khi tôi có hét, có chẳng phải là có, nhân nơi không mà có. Khi không hét, không chẳng phải là không, nhân nơi có mà không. Ấy là Tức Có Tức Không, là vào Đốn Giáo. Tôi ở nơi một tiếng hét, chẳng khởi ra cái Dụng của tiếng hét, thì Có và Không chẳng lập, ngộ và giải đều mất. Khi nói Có, mảy lông chẳng lập. Khi nói Không, rộng khắp hư không. Tức một tiếng hét này, tức là trăm ngàn vạn ức tiếng hét. Trăm ngàn vạn ức tiếng hét tức là một tiếng hét này. Đó là vào Viên Giáo”.

Các lời biện luận ghê gớm này, người nghe đều phải khuất phục, há chẳng hàng phục được ma oán ư?


XVI. VIÊN THÔNG VỀ THÂN THỨC

Kinh : Ông Ưu Bà Ly liền từ chỗ ngời đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, thưa rằng : “Chính tôi được theo Phật vượt thành xuất gia, được chính mình thấy Phật sáu năm khổ hạnh chuyên cần. Đích thân thấy Như Lai hàng phục các ma, chế ngự ngoại đạo, giải thoát các lậu tham dục của thế gian. Nhờ Phật dạy cho Giới Luật, như thế cho đến ba ngàn oai nghi, tám muôn Tế Hạnh, các Tánh Nghiệp và Giá Nghiệp đều thanh tịnh, thân tâm tịch nhiên, thành A La Hán. Tôi là cái mẫu mực trong chúng của Như Lai. Phật ấn chứng cho tôi giữ Giới thân tâm hơn cả trong chúng. 

“Phật hỏi về Viên Thông, tôi do lấy việc giữ gìn cái Thân, mà Thân được tự tại; lần đến giữ gìn cái Tâm, mà Tâm được thông suốt; rồi sau cả thảy Thân Tâm đều thông suốt, nhạy bén, đó là Thứ Nhất”.

Thông rằng : Đức Như Lai sáu năm cần khổ, những cái gì ngoại đạo không làm nổi, Ngài đều làm hết. Thế nên có thể chế phục các ngoại đạo, lại giải thoát các lậu tham dục của thế gian, mà tà ma không thể quấy phá. Tức là các thứ binh khí của chúng đều hóa thành hoa sen, nên các ma chịu phục. Đều là do Thân giữ Giới Hạnh, ba ngàn tám vạn không đâu chẳng tròn đủ, bởi thế tà ma ngoại đạo chắp tay thán phục. Đi, đứng, nằm, ngồi, mỗi thứ có hai trăm năm chục, đối với ba tụ Tịnh Giới thành ra ba ngàn, lại lấy ba ngàn phối hợp với ba cái của Thân(23), bốn cái của Miệng(24) là bảy chi thành ra hai vạn một ngàn. Lại phối hợp với bốn phần phiền não, thành tám vạn bốn ngàn. Phật chế định Luật này là Giới Hạnh của Sa Môn, khiến cho Thân Tâm đều thanh tịnh. Bốn lỗi lầm dơ đục như Sát, Đạo, Dâm, Vọng thì tánh của chúng vốn là tội, không đợi phải ngăn cấm, phạm liền thành nghiệp, nên gọi là Tánh Nghiệp. Còn lại thì nhân có phạm mới ngăn cấm. Trước khi chế định mà phạm thì không tội, nên gọi là Giá Nghiệp. Hai nghiệp đều trừ sạch liền được Không Tịch.

Ban đầu dùng sự giữ gìn Thân, thì Thân được tự tại, ấy gọi là Tánh Nghiệp thanh tịnh. Lần đến giữ gìn Tâm, thì Tâm được thông suốt, ấy gọi là Giá Nghiệp thanh tịnh. Giữ gìn Thân rồi đến Tâm, Tâm là cái Thân của Thức, cái Thức về Thân đã diệt, nên Chân Trí hiện bày trước mắt. Giới trong sạch là Trí Huệ, bèn được Đạo Đệ Nhất. Đó là Ông Ưu Bà Ly giữ Giới số một, làm mẫu mực trong chúng vậy. Cho đến khi cả thảy Thân Tâm đều thông suốt, nhạy bén là vào chỗ Ngộ vậy, há đợi giữ gìn riêng Thân ư ?

Tôn giả Bà Tu Bàn Đầu(25) thường ngày ăn chỉ một bữa, không nằm, sáu thời lễ Phật, trong sạch không dục, làm chỗ nương về của chúng. 

Tổ Thứ Hai Mươi là Ngài Tôn Giả Xà Dạ Đa muốn độ cho Ngài, trước hết hỏi chúng kia rằng : “Vị đầu đà Biến Hành này hay tu Phạm Hạnh, có thể đắc Phật Đạo không ?”

Đại chúng nói : “Thầy chúng tôi tinh tấn, sao lại không thể ?”

Tổ nói : “Thầy các của cùng với Đạo cách xa vậy. Giả sử có khổ hạnh trải qua nhiều kiếp như bụi cũng là cái gốc hư vọng đó”.

Đại chúng nói : “Tôn giả chứa nhóm được đức hạnh gì mà xét bàn thầy chúng tôi ?”

Tổ nói : “Ta chẳng cầu Đạo, cũng chẳng điên đảo. Ta chẳng lễ Phật, cũng chẳng khinh mạn. Ta chẳng ngồi hoài, cũng chẳng giải đãi. Ta chẳng ăn một bữa, cũng chẳng ăn lộn xộn. Ta chẳng tri túc, mà cũng chẳng tham dục. Tâm không có chỗ mong cầu, gọi đó là Đạo”.

Khi ấy. Ngài Biến Hành nghe xong, Trí Vô Lậu liền phát, hoan hỉ ca ngợi.

Tổ lại nói với đại chúng ấy rằng : “Hiểu lời ta chăng ? Ta sở dĩ làm thế, vì tâm cầu Đạo của người ấy tha thiết. Phàm là dây đàn căng thì đứt nên ta chẳng tán thưởng mà khiến giúp người trụ nơi chỗ An Lạc, vào Trí Huệ Chư Phật”. 

Tổ lại nói với Ngài Biến Hành : “Ta vừa rồi ở trước chúng mà ức hiếp ông, trong lòng ông không buồn chứ ?”

Ngài Biến Hành nói : “Tôi nhớ lại bảy kiếp trước, sanh ở nước Thường An Lạc, thầy là Trí Giả Nguyệt Tịnh thọ ký cho tôi chẳng bao lâu sẽ chứng quả Tư Đà Hàm. Lúc ấy có Bồ Tát Đại Quang Minh ra đời. Tôi vì đã già nên chống gậy lạy ra mắt. 

“Thầy la rằng : “Trọng con khinh cha, sao lại thô lậu thế ?” 

“Khi ấy, tôi tự cho là không có lỗi, xin thầy dạy cho”. 

“Thầy nói : “Ông làm lễ Bồ Tát Đại Quang Minh, lại để cây gậy dựa vào mặt Phật vẽ trên vách. Vì lỗi coi thường này mà mất quả thứ hai”. 

“Tôi tự ăn năn là từ xưa đến nay, nghe lời dữ thì như gió như vang, huống hồ nay được uống nước cam lồ vô thượng mà lại sanh buồn phiền ư ? Xin Ngài rủ lòng đại từ, chỉ dạy Diệu Đạo cho”.

Tổ nói : “Ông trồng các Đức đã lâu, sẽ kế vị Tông ta”. 
Bèn phó chúc bài pháp kệ :

“Dưới lời hợp Vô Sanh
Đồng với pháp giới tánh
Nếu tỏ hiểu như thế
Thông suốt hết Sự, Lý”.

Đây là Tổ Thứ Hai Mươi Mốt.

Ôi, chẳng tu Phạm Hạnh mà mong được Vô Thượng Bồ Đề, thì xưa giờ chưa hề nghe vậy. 


XVII. VIÊN THÔNG VỀ Ý THỨC

Kinh : Ông Đại Mục Kiền Liên liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, thưa rằng : “Ban đầu tôi giữa đường khất thực thì gặp ba anh em họ Ca Diếp Ba là các Ông Ưu Lâu Tần Loa, Già Gia và Na Đề, tuyên nói thâm nghĩa Nhân Duyên của Như Lai, tôi liền phát tâm, được rất thông suốt. Như Lai ban cho tôi áo cà sa đắp thân, râu tóc tự rụng. Tôi ngao du mười phương, được không chướng ngại, Thần Thông hiển phát, được chúng cho là hơn cả, thành A La Hán. Không chỉ Thế Tôn, mà mười phương Như Lai đều khen sức Thần Thông của tôi là tròn sáng trong sạch, Tự Tại Vô Úy. 
“Phật hỏi về Viên Thông, tôi do xoay về Bản Tánh Trong Lặng, ánh sáng của Tâm mở phát, như lắng nước đục lâu thành trong sáng, đó là Thứ Nhất”.

Thông rằng : Con người không thể tròn sáng, trong sạch là do ý thức trôi lạc theo trần, do đó tâm bị cái hình sử dụng, chẳng phải là cái thần sử dụng. Nếu thức không trôi lăn mà quay về Bản Tánh Diệu Trạm, thì như lắng nước đục, lâu ngày trong sáng, ánh sáng của Tâm mở phát, thần thông tự tại, cái ý thức được không-ngăn ngại. Trong Lục Thông, chỉ có Lậu Tận Thông là nội chứng, còn năm cái kia đều thuộc về sự dùng bên ngoài. Kinh Viên Giác nói : “Như Huyễn Tam Muội, như mầm dần tăng trưởng”. Thế nên tích tập lâu ngày, mới thật trong sáng.

Nhà sư Bảo Chí, ban đầu chỉ tập định, định lâu ngày bỗng nhiên được thần thông.

Thiền sư Đặng Ẩn Phong, mùa Đông ở núi Hành Nhạc, mùa Hạ ở núi Thanh Lương. Trong năm Nguyên Hòa, Ngô Nguyên Tế khởi binh, chống lại triều đình. Quân triều đình cùng giặc giao tranh không phân thắng bại. Thiền sư nói : “Ta phải đi giải bỏ hoạn nạn này”. Bèn ném cây gậy lên không, bay thân qua đến. Tướng sĩ hai bên ngước lên xem, sự việc hợp với giấc mộng báo trước, tâm tranh đấu mất ngay. 

Sư đã hiện thần thông lạ lùng, e làm mê lầm đại chúng, bèn vào núi Ngũ Đài, trước động Kim Cương, trước khi thị tịch, dạy chúng rằng : “Người ở các nơi khi thị tịch, ngồi mà chết, nằm mà chết, ta đều thấy cả, còn có ai đứng mà chết chưa ?”

Đại chúng đáp : “Dạ, có”.

Ngài nói : “Còn có ai đứng ngược đầu chưa ?”

Đại chúng nói : “Dạ, chưa từng thấy”.

Thiền sư Phong bèn đứng ngược đầu mà hóa, áo quần vẫn xuôi theo thân mình. Khi chúng khiêng đi làm lễ hỏa táng, vẫn sừng sững chẳng động. Người xem xa gần thấy vậy, lạ lùng khen ngợi không dứt. 

Ngài có một người em gái làm ni cô, khi ấy cũng ở đấy, bèn tát tai mà la rằng : “Lão huynh khi sống thì chẳng theo pháp luật, lúc chết lại hoa mắt lừa người !” 

Rồi lấy tay xô ngã ầm xuống.

Cho nên thần thông là quả vị, mà người sáng mắt cũng chẳng màng.

Tổ Ngưỡng Sơn lên tòa giảng, có nhà sư Ấn từ trên không bay đến. Tổ Ngưỡng Sơn nói : “Mới vừa rời chỗ nào ?”

Đáp : “Ấn Độ”.
Tổ nói : “Rời đó khi nào ?”
Đáp : “Hồi sáng nay”.
Tổ nói : “Sao chậm quá vậy !”
Đáp : “Còn vui chơi non nước”.

Tổ nói : “Du hý thần thông thì chẳng phải không có. Nhưng đối với Phật Pháp, Xà Lê phải cần lão tăng mới được”. 

Đáp rằng : “Định qua Đông Độ làm lễ Đức Văn Thù, lại gặp Tiểu Thích Ca”.

Rồi lấy ra kinh điển Phạn bằng lá bối đưa cho Tổ Ngưỡng Sơn, rồi nương không trung mà đi.
Tổ Ngưỡng Sơn dạy chúng rằng : “Ta nay hướng về các ông mà nói chuyện phía Thánh. Hãy chớ đem tâm mà níu, đậu. Chỉ hướng vào cái Biển Tánh chính mình, như Phật mà tu. Chẳng cần đến Tam Minh và Lục Thông. Vì sao thế ? Vì đó là chuyện ngọn ngành rốt chót của Thánh. Như nay chỉ cốt rõ Tâm, đạt gốc, hễ đạt gốc thì lo gì cái ngọn, mai kia sẽ tự đầy đủ hết trong ấy. Nếu chưa đạt cái gốc, dầu cho đem vọng tình mà học cái việc ấy cũng không được. Các ông há chẳng thấy Hòa Thượng Quy Sơn nói : Tình phàm Thánh hết, thể lộ Chân Thường, Sự Lý không hai, tức Như Như Phật”.

Đây là con đường Chánh Pháp tròn sáng, trong sạch vậy. Từ Ngài Xá Lợi Phất đến đây, nói rằng : “Cái Thấy của Tâm, cái nghe của Tâm, ánh sáng của Tâm, đó là chẳng do căn, chẳng do cảnh, thoát hết căn trần, rốt ráo không tập khí mê lầm. Đây là do sáu Thức mà chứng Viên Thông vậy.


XVIII. VIÊN THÔNG VỀ HỎA ĐẠI

Kinh : Ông Ô Sô Sắt Ma ở trước Đức Phật, chấp tay đảnh lễ dưới chân Phật, thưa rằng : “Tôi thường nhớ, trước kia trong kiếp xa xôi, tánh khí nhiều tham dục. Có Phật ra đời, hiệu là Không Vương dạy rằng : “Người đa dâm thành đống lửa hồng”. Ngài dạy tôi quán khắp các khí nóng, lạnh nơi trăm vóc tứ chi. Tôi quán như thế mà thần quang lặng đứng ở trong, hóa cái tâm thức đa dâm thành lửa Trí Huệ. Từ ấy, các Đức Phật đều gọi tôi tên là Hỏa Đầu. Tôi dùng sức Hỏa Quang Tam Muội mà thành A La Hán. Tâm phát đại nguyện khi các Đức Phật thành đạo, tôi làm lực sĩ ở bên Phật mà dẹp phục tà ma quấy phá. 
“Phật hỏi về Viên Thông, tôi quán sát các hơi ấm nơi thân tâm, lưu thông không ngại, các lậu đã tiêu, sanh ra ngọn lửa Đại Trí quý báu, chứng Vô Thượng Giác, đó là Thứ Nhất”.

Thông rằng : Trong đoạn trước, về bảy Đại, nói Tánh lửa là Chân Không, Tánh Không là Chân Lửa, bản nhiên thanh tịnh, toàn khắp Pháp Giới. Vì Hỏa Quang Tam Muội vốn sẵn đủ cái lực không thể nghĩ bàn, nên Ông Hỏa Đà Kim Cang mới dùng cái Thần Quang lắng đọng, hóa cái tâm đa dâm thành ra ngọn lửa Trí Huệ. Chánh ở nơi chỗ bắt đầu động của Chân Hỏa mà phản bổn hoàn nguyên, quay về thanh tịnh, thành ra Trí Huệ. Người đa dâm thì hơi nóng bức bách phát ra, sống thì làm lửa dục, chết thì làm lửa nghiệp. Nghiệp lực lừng mạnh, thành đống lửa lớn. 
Bồ Tát Di Lặc nói : “Trai gái qua lại với nhau, đôi bên giao hợp, cái bất tịnh chảy ra. Chư Thiên cõi Dục Giới, tuy hành dâm dục, không có cái bất tịnh này, nhưng ở căn môn có hơi gió xuất ra, thì hơi nóng bức bèn hết. Các Trời ở cõi Tứ Thiên Vương, khi giao hợp thì cái nóng bức bèn hết. Như cõi Tứ thiên Vương, cõi Trời Thứ Ba Mươi Ba là Đao Lợi Thiên cũng thế. Cõi Trời Phần Thiên thì ôm lấy nhau, cái nóng bức liền hết. Cõi Trời Tri Túc, chỉ cần nắm tay nhau, cái nóng bức liền hết. Cõi Trời Hóa Lạc thì nhìn nhau mà cười thì cái nóng bức liền hết”. 

Đó há chẳng phải là lòng dục càng giảm thì cái chốn ở càng cao ư ?
Cô Ma Đăng Già lòng Dâm tiêu tan hết, liền chứng Quả Thứ Ba. Ông Hỏa Đầu Kim Cang các Lậu đã tiêu, chứng Vô Thượng Giác, thì có gì lạ đâu ?
Ngài Quy Sơn đang đứng hầu Tổ Bách Trượng. 
Tổ Trượng hỏi : “Ai đó ?”
Ngài Quy Sơn nói : “Dạ, tôi”.
Tổ Trượng nói : “Ông bới trong lò xem có lửa không ?”
Ngài Quy bới, rồi nói : “Không có lửa”.
Tổ Trượng đứng lên, tự mình bới sâu xuống được chút lửa, đưa ra cho xem và nói : “Ông nói là không, thế cái gì đây ?”
Quy Sơn do đó phát ngộ, làm lễ tạ ơn và trình chỗ hiểu.

Tổ nói : “Đây mới là đường rẽ tạm thời thôi. Kinh nói rằng : “Muốn rõ nghĩa Phật Tánh phải xem thời tiết nhân duyên”. Thời tiết đã đến thì như mê bỗng ngộ, như quên bỗng nhớ, mới biết cái vật ấy của ta chẳng do người mà được. Bởi thế Tổ Sư nói : “Ngộ rồi đồng chưa ngộ, không tâm cũng không pháp”. Chỉ cái Tâm không phàm Thánh hư vọng là cái Tâm Pháp Bổn Lai, vốn tự sẵn đủ. Ông nay đã thế, hãy khéo hộ trì”.

Ngày hôm sau, Ngài cùng Tổ Bách Trượng vào núi làm việc.
Tổ Trượng nói : “Đem được lửa đến không ?”
Ngài Quy Sơn nói : “Đem đến được”.
Tổ nói : “Ở đâu, nào ?”
Ngài Quy Sơn bèn cầm lên một cành củi, thổi hai cái, đưa cho Tổ Trượng.
Tổ nói : “Như con trùng địch với cái cây”.
Ngài Diệu Hỉ nói : “Nếu Tổ Bách Trượng không có lời nói sau, thì sẽ bị thầy Điển Tòa khinh lắm”.

Đây cũng là do Hỏa Đại mà lên Vô Thượng Giác vậy. Há phải quán sát cái khí nóng lạnh trong thân mới chứng Viên Thông ư ?


XIX. VIÊN THÔNG VỀ ĐỊA ĐẠI

Kinh : Ngài Trì Địa Bồ Tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, thưa rằng : “Tôi nhớ xưa kia, khi Đức Phật Phổ Quang xuất hiện giữa đời, tôi làm Tỳ Kheo, thường ở nơi các nẻo đường bến đò, chỗ đất hiểm trở eo hẹp không đúng quy tắc, có thể làm hư hại ngựa xe, tôi đều đắp bằng. Hoặc làm cầu cống, hoặc gánh đất cát, siêng năng khó nhọc như thế trải qua vô lượng Phật xuất hiện ra đời. Hoặc có chúng sanh ở nơi chợ búa, cần người mang đồ vật thì tôi tình nguyện mang hộ đến nơi, để đồ xuống là đi ngay, không lấy tiền thuê.

“Khi Đức Phật Tỳ Xá Phù ra đời, thế gian phần nhiều đói kém, tôi cõng giúp người không kể gần xa, chỉ lấy một đồng tiền. Hoặc có xe bò bị lún sình lầy, tôi dùng thần lực đẩy giúp bánh xe, gỡ khỏi khổ não. Vị vua trong nước thời ấy thiết trai thỉnh Phật, lúc ấy tôi sửa sang đường đất bằng phẳng chờ Phật đi qua. Đức Phật Tỳ Xá xoa đảnh đầu tôi mà nói : “Hãy bình đẳng nơi Tâm Địa, tức đất đai thế giới, tất cả đều bình”. Tâm tôi liền khai ngộ, thấy vi trần nơi thân thể cùng với vi trần tạo thành thế giới đều bình đẳng không sai biệt. Tự tánh của vi trần không xát chạm nhau, cho đến các thứ đao binh cũng không chỗ nào đụng chạm. Tôi ở trong Pháp Tánh ngộ Vô Sanh Nhẫn, thành A La Hán. Hồi tâm về, nay vào trong địa vị Bồ Tát, nghe các Đức Như Lai bày chỗ Tri Kiến Diệu Liên Hoa của Phật, thì tôi chứng minh trước tiên mà làm vị Thượng Thủ.

“Phật hỏi về Viên Thông, tôi do chánh quán hai thứ Trần nơi căn thân và nơi thế giới đều bình đẳng không sai biệt, vốn là Như Lai Tạng mà hư vọng phát ra trần tướng. Trần tướng tiêu tan, Trí Huệ liền tròn sáng, thành Đạo Vô Thượng, đó là Thứ Nhất”.

Thông rằng : Các pháp bình đẳng, nào có cao thấp. Tâm Địa nếu bình đẳng, phân biệt chẳng sanh thì chẳng thấy mọi tướng đây kia, cao thấp, tức tất cả đều bình. Bồ Tát Trì Địa do đây mà ngộ nhập Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh. Tánh Sắc Chân Không, Tánh Không Chân Sắc, tự tánh của vi trần không xát chạm nhau, vốn tự bình đẳng, vốn tự Vô Sanh vậy. Vi trần này đây bên trong là Thân Trần, do vi trần tích tập; ngoài là Giới Trần, cũng do vi trần tích tụ. Vi trần ấy nguyên là không tự tánh, chỉ có trong hư vọng. Hiện là chốn hư vọng, tức ngay chỗ Vô Sanh, đó là Diệu Chân Như Tánh.

Cái Sắc Thân này của ta, chính là Diệu Chân Như Tánh. Tức cái Cõi Sắc này cũng là Diệu Chân Như Tánh. Tánh vốn không hai, Sắc Trần nào có sai biệt. Đã không sai biệt, thì cho đến đao binh cũng không có chỗ nào để đụng chạm. Ngộ Pháp Tánh ấy thì xúc chạm vốn chẳng sanh ra, xúc tức là không xúc, đó là Vô Sanh Nhẫn, vào Tri Kiến Phật. Nhập Tri Kiến Phật thì gọi là Trí, tức là Sắc Trần vốn chẳng phải Sắc Trần, thế nên Trần tự tiêu tan. Đó là chẳng lìa Sắc Trần mà thấu đạt Trí Huệ, thì Trí Huệ tròn đầy. Trí Huệ tròn khắp mới tự chứng sáng suốt được cái pháp Liên Hoa mầu nhiệm mà thành Vô Thượng Giác.

Tổ Quy Sơn một hôm chỉ đám ruộng hỏi Ngài Ngưỡng Sơn : “Mẫu ruộng kia, phải đầu kia cao đầu này thấp ?”
Ngài Ngưỡng Sơn nói : “Lại là đầu kia cao, đầu này thấp !”
Tổ nói : “Ông không tin, đứng ở giữa mà nhìn hai đầu xem”.
Ngài Ngưỡng Sơn nói : “Chẳng cần phải đứng giữa, mà cũng không trụ hai đầu”.
Tổ Quy Sơn nói : “Nếu thế thì đổ nước vào xem, nước hay làm bằng phẳng vật”.
Ngài Ngưỡng nói : “Nước cũng vô định, xứ cao bằng cao, xứ thấp bằng thấp !”
Tổ Quy Sơn bèn thôi.

Như hai cha con Quy, Ngưỡng hai bên chẳng lập, mà Trung Đạo cũng chẳng thèm ở, thế có thể nói là khéo bình Tâm Địa, nên tất cả đều bình.

Có Hòa Thượng Đả Địa(26), lãnh được ý chỉ của Giang Tây Mã Tổ, thường che giấu chỗ sáng suốt. Phàm có người tu học đến hỏi, thì chỉ lấy cây gậy đánh xuống đất mà chỉ bày. Thời ấy gọi Ngài là Đả Địa Hòa Thượng. Hôm nọ, bị nhà sư kia dấu mất cây gậy, rồi mới hỏi. Ngài chỉ hả miệng ra mà thôi. 

Nhà sư hỏi học trò của Ngài : “Hòa Thượng thường ngày có người hỏi liền đánh xuống đất, ý chỉ thế nào ?”

Người học trò liền lấy một miếng củi trong bếp bỏ vào nồi.

Chẳng thấu suốt hết “Trần tiêu Trí tròn đầy”, đắc Vô Sanh Nhẫn thì chẳng có thể hiểu được ý chỉ này. 


XX. VIÊN THÔNG VỀ THỦY ĐẠI

Kinh : Ngài Nguyệt Quang Đồng Tử liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, thưa rằng : “Tôi nhớ hằng sa kiếp về trước, có Đức Phật ra đời, hiệu là Thủy Thiên, dạy hàng Bồ Tát tu tập pháp quán về nước, để vào Tam Ma Địa. Quán ở trong thân, tánh nước không gì ngăn ngại : ban đầu từ nước mắt, nước mũi, cho đến tất cả các thứ tân, dịch, tinh, huyết, đại tiểu tiện, xoay vần trong thân, đồng một Tánh Nước. Thấy nước trong thân cùng nước các hương thủy của các cõi Phật ở ngoài thế giới đều bình đẳng không sai biệt.

“Khi ấy, tôi mới thành tựu Pháp Quán này, chỉ mới thấy nước, chưa được không thân. Lúc đó, đang làm Tỳ Kheo, ngồi thiền trong phòng, tôi có người học trò lén nhòm cửa sổ thấy trong phòng chỉ toàn nước trong, đầy khắp cả phòng ngoài ra không thấy gì khác. Nhỏ dại không biết, lấy một miếng ngói ném vào trong nước, chạm vào nước phát ra tiếng, ngó quanh rồi bỏ đi. 

“Sau, tôi xuất định liền cảm thấy đau tim, cũng như Ông Xá Lợi Phất bị quỷ Vi Hại đập. Tôi tự suy nghĩ : Nay đã đắc quả A La Hán, duyên bệnh đã lìa từ lâu, vì sao hôm nay bỗng sanh đau tim, chẳng lẽ lại bị lui sụt ?

“Khi ấy, đồng tử vừa đến, nói cho tôi nghe sự việc trước. Tôi mới bảo rằng : “Khi ngươi lại thấy nước, hãy mở cửa vào trong nước, lấy miếng ngói ấy ra”. Đồng tử vâng lời. 

“Tôi lại nhập Định, đồng tử lại thấy nước với miếng ngói rõ ràng, bèn mở cửa lấy ra. 

“Sau khi xuất định, thân thể tôi lại như cũ.

“Tôi đã gặp vô lượng Phật, như thế cho đến Đức Sơn Hải Tự Tại Thông Vương Như Lai mới được mất sạch thân, cùng với các biển hương thủy của mười phương thế giới đồng một tánh Chân Không, không hai, không khác. Nay ở nơi Đức Như Lai, được tên là Đồng Chân, dự hội Bồ Tát. 

“Phật hỏi về Viên Thông, tôi do quán thấy Tánh Nuớc, một vị suốt thông, đắc Vô Sanh Nhẫn, tròn đủ Bồ Đề, đó là Thứ Nhất”.

Thông rằng : Mặt trăng là Thủy Tinh vậy. Tánh nước tròn sáng, nên hiệu là Nguyệt Quang. Mới đầu hết, tu tập quán về nước, quán sát tánh nước không gì ngăn ngại. Tinh huyết bên trong, biển các cõi nước bên ngoài, hình tướng của nước tuy khác, nhưng Tánh Nước không ngăn ngại. Vì chẳng ngăn ngại nhau, nên mới tựu thành pháp quán này thì chỉ thấy nước, đây là cái Định Mười Biến Xứ vậy. Nhập định thì có, xuất định thì không. Mười Biến Xứ là : Xanh, Vàng, Đỏ, Trắng, Đất, Nước, Lửa, Gió, Không, Thức. Như quán tưởng màu xanh thì tất cả chỗ đều xanh. Cái quả của định này tùy tâm biến hiện. Định Hỏa Quang cũng vậy, tuy được Định này, nhưng Căn Bản Vô Minh vẫn còn, nên chưa hết nhân duyên của bệnh, chưa mất được thân, vẫn còn Ngã Kiến, tức đó là Căn Bản Vô Minh.

Chỉ thấy là nước, hết thảy đều là nước, nên miếng ngói ném vào cũng hóa thành nước. Ngài Xá Lợi Phất nhập định ở bờ sông Hằng, bị quỷ Vi Hại đánh, khi xuất định thấy đầu đau. Phật dạy : “Ông mà không có Định Lực thì thân thể tan nát rồi”. Vi Hại là tên của Vua quỷ Dạ Xoa, có oán thù đời trước với Ông Xá Lợi Phất.

“Phù Tràng Vương Sát”, thì theo kinh Hoa Nghiêm, trong biển Hoa Tạng có một hoa sen lớn, trong hoa sen ấy có các biển Hương Thủy. Mỗi một biển Hương Thủy là chủng tử của thế giới cõi Phật. Thế giới Hoa Tạng ở trong biển Hương Thủy nên gọi là Phù Tràng Vương Sát. Mười hai lớp Hoa Tạng xếp cao như cây phướn (tràng). Cao hơn hết nên gọi là Vua (Vương).

Ngài Nguyệt Quang mới chứng Pháp Thân, mới được mất đi cái thân biến dịch, cùng với các biển Hương Thủy đồng Tánh Chân Không. Trong Như Lai Tạng, Tánh Thủy là Chân Không, Tánh Không là Chân Thủy, bản nhiên thanh tịnh, toàn khắp pháp giới, một vị suốt thông, cùng mất luôn cái tướng chẳng ngăn ngại nhau. Đây là y theo Thủy Đại mà chứng Viên Thông, gặp vô lượng Phật, mới thành tựu được. Há dễ nói sao ?

Ngài Động Sơn từ giã Tổ Vân Nham. 
Khi sắp đi, Ngài hỏi : “Trăm năm sau, bỗng có người hỏi : “Có được chút ít cái Chân Thật của thầy không ?” Thì trả lời thế nào ?”
Tổ Nham im lặng hồi lâu, nói : “Chỉ thế đó”.
Ngài Động Sơn trầm ngâm. 
Tổ nói : “Này Xà Lê Giới, nhận lãnh việc ấy, rất cần thẩm xét tinh tế”.
Ngài còn nghi ngờ. 
Sau này nhân đi qua giòng nước thấy bóng mình mà đại ngộ, có bài kệ rằng :

“Rất kỵ nơi khác tìm
Càng xa mình lắm lắm
Ta nay tự mình qua
Chốn chốn đều gặp Nó
Nó nay chính là ta
Ta nay chẳng là Nó
Cần phải hiểu như thế
Mới khế hợp Như Như”.

Ngài Động Sơn đến đây mới được mất thân, tánh đồng Chân Không, không hai, không khác.
Hòa Thượng Thuyền Tử khi sắp từ giã bạn đồng học là Ngài Đạo Ngô, nói với Ngài Đạo Ngô rằng : “Sau này có vị Tòa Chủ giảng kinh lanh lợi thì chỉ đến, nhé !”

Ngài Đạo Ngô đến Kinh Khẩu, gặp lúc Ngài Giáp Sơn thượng đường có vị tăng hỏi : “Như sao là Pháp Thân ?”

Ngài Giáp Sơn nói : “Pháp Thân không có tướng”.
Hỏi : “Như sao là Pháp Nhãn ?”
Ngài Sơn đáp : “Pháp Nhãn không có vết”.
Đạo Ngô bất giác bật cười. 
Ngài Giáp Sơn bèn xuống tòa hỏi Đạo Ngô : “Vừa rồi đáp lại vị tăng, chắc có chỗ không đúng, khiến Thượng Tọa bật cười, mong Thượng Tọa chẳng tiếc từ bi dạy cho”. 
Đạo Ngô nói : “Hòa Thượng bậc nhất ra đời mà chưa có thầy, hãy đến Hoa Đình tham học Thuyền Tử Hòa Thượng đi”. 
Hỏi rằng : “Hỏi thăm có được chăng ?” 
Đạo Ngộ nói : “Người ấy trên thì không miếng ngói che đầu, dưới thì không chút đất để cắm dùi !”

Giáp Sơn bèn thay y phục đến thẳng Hoa Đình. 
Ngài Thuyền Tử vừa thấy, bèn hỏi : “Đại Đức trụ chùa nào ?”
Đáp : “Chùa tức chẳng trụ, trụ tức chẳng giống”.
Hỏi : “Chẳng giống thì chẳng giống cái gì ?”
Đáp : “Chẳng phải là pháp trước mắt”.
Hỏi : “Vậy học được cái gì ?”
Đáp : “Chẳng phải chỗ đến của tai mắt”.

Nói rằng : “Một câu hợp đầu ngữ, muôn kiếp đóng cọc lừa. Khám phá xong rồi vậy !”
Ngài Thuyền Tử lại nói : “Thả nhợ xuống ngàn thước, ý chỉ tại đầm sâu, ngoài lưỡi câu ba tấc, sao ông không nói ?”

Giáp Sơn định mở miệng, Ngài liền dùng cây sào đánh rớt xuống nước. Vừa leo lên thuyền, lại hét : “Nói, nói !” Giáp Sơn định mở miệng, lại đánh. Giáp Sơn bỗng nhiên đại ngộ, bèn gật đầu ba cái.

Ngài Thuyền Tử nói : “Sợi nhợ đầu cần theo ông giỡn, chẳng phạm sóng trong ý tự riêng. Chút ít đó là nối thầy vậy”.

Giáp Sơn bèn hỏi : “Quăng nhợ, thả câu, ý thầy thế nào ?”

Đáp : “Nhợ thả nước trong, nào định ý hữu vô”.

Giáp Sơn nói : “Lời mang huyền diệu mà không lộ(27), đầu lưỡi luận đàm mà chẳng đàm”.
Ngài Thuyền Tử nói : “Câu hết sóng trên sông, cá vảy vàng mới gặp”.

Giáp Sơn bèn bịt tai.

Ngài Thuyền Tử nói : “Như thế, như thế. Quả nhiên gã Tòa Chủ lanh lợi !”

Bèn phó chúc rằng : “Ông về sau, chỗ ẩn thân cần không dấu vết, chỗ không dấu vết chớ ẩn thân. Ta hai mươi năm ở Dược Sơn chỉ rõ biết việc này. Ông nay đã được, về sau chẳng được nương dừng phố xá, xóm làng; chỉ hướng về núi sâu, bên cái bừa lớn, tìm lấy một người, nửa người, tiếp tục chớ để dứt mất”.

Ngài Giáp Sơn từ giã ra đi, cứ luôn ngó trở lại. 

Ngài Thuyền tử bèn gọi : “Xà Lê, Xà Lê !” 

Giáp Sơn quay đầu. 

Thuyền Tử dựng mái chèo lên, nói : “Ông sắp nói là có từ biệt”. 
Rồi lật thuyền xuống nuớc mà lìa đời.

Sau này, ở Hoa Đình, có am chủ Tánh Không gởi thơ cho thiền sư Tuyết Đậu Trì, viết : “Tôi sắp thủy táng đó”. 

Sau đó, Ngài Tuyết Đậu Trì đến nơi, thấy vị này vẫn hãy còn, bèn làm bài kệ bỡn rằng : “Thương thay lão Tánh Không. Quyết muốn nuôi cá trạnh. Đi chẳng dẫn Tánh đi. Chỉ lo nói với người”. 

Ngài Tánh Không cười, rằng : “Đợi Huynh đến chứng minh đó !” 

Rồi báo với đại chúng. 
Đại chúng họp lại, Ngài dạy pháp yếu rồi đọc bài kệ :

“Ngồi chết, đứng mất
Chẳng bằng thủy táng !
Một, đỡ củi lửa
Hai, đỡ đào mồ
Buông tay là đi
Ngại gì, khoái sướng
Ai bạn tri âm ?
Hòa Thượng Thuyền Tử !
Ai kế nghiệp quý trăm ngàn năm ?
Một khúc ngư ca ít người xướng”.

Bèn ngồi trong một cái ảng, xuôi dòng trôi xuống. Chúng đều chạy theo cho đến cửa biển nhìn theo muốn mút mắt. Sư lấy cái gàu tát nước mà trở lại, chúng che mắt xem, nước không vào chút nào. Rồi Ngài lại theo dòng mà đi, xướng lên rằng : 

“Năm nay Thuyền Tử về cố hương
Chốn không tung tích, diệu không lường
Chân phong riêng gởi tri âm đó
Tiêu sắt thổi ngang, chốn hợp tan”.

Tiếng tiêu vang vọng giữa khoảng trời xanh mênh mông trong chốc lát, rồi thấy Ngài quăng ống tiêu lên không mà mất.

Đây quả là một vị lưu thông(28), đắc Vô Sanh Nhẫn vậy.

Có nhà sư hỏi Tổ Vân Môn : “Phật Pháp như bóng trăng trong nước, có thật chăng ?”
Tổ Môn nói : “Sóng xanh không đường thấu đến”.
Hỏi : “Hòa Thượng từ đâu mà vào được ?”
Tổ Môn nói : “Lời hỏi ấy từ đâu đến ?”
Hỏi : “Chính ngay lúc ấy thì như thế nào ?”
Tổ Môn nói : “Trùng điệp lối quan sơn”.
Cần phải đến gặp Thuyền Tử mới được !


XXI. VIÊN THÔNG VỀ PHONG ĐẠI

Kinh : Ngài Lưu Ly Quang Pháp Vương Tử liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, thưa rằng : “Tôi nhớ hằng sa kiếp về trước, có Phật ra đời hiệu là Vô Lượng Thanh, khai thị Tánh Bổn Giác Diệu Minh cho hàng Bồ Tát, và dạy quán thế giới và thân chúng sanh này đều là do sức gió của vọng duyên chuyển biến ra. Tôi lúc bấy giờ quán sự an lập của không gian, quán sự trôi chuyển của thời gian, quán cái ngừng, cái động của thân, quán cái động niệm của tâm thức, các cái động đều không hai, bình đẳng không sai biệt. Khi ấy, tôi giác ngộ rằng cái Tánh của các động này đến không từ đâu, đi không đến đâu. Tất cả chúng sanh điên đảo trong mười phương nhiều như vi trần đồng một hư vọng. Như vậy cho đến tất cả chúng sanh trong một tam thiên đại thiên thế giới, như hàng trăm con muỗi mòng nhốt trong một đồ vật vo ve kêu loạn ở trong gang tấc, rối rít ồn ào.
“Tôi gặp Phật chưa bao lâu thì được Vô Sanh Nhẫn. Khi ấy, tâm khai mở, mới thấy cõi Phật Bất Động ở phương Đông; làm vị Pháp Vương Tử thừa sự mười phương Phật, thân tâm phát ánh sáng, rỗng suốt không ngại. 
“Phật hỏi về Viên Thông, tôi do quán sát sức lay động như gió vốn không chỗ nương, ngộ Bồ Đề Tâm, vào Tam Ma Địa, hợp cùng một Diệu Tâm của mười phương Chư Phật, được nối tiếp nhau truyền dạy, đó là Thứ Nhất”.

Thông rằng : Phương Đông có Lưu Ly Quang Như Lai, Hạnh Nguyện cũng như Phật Di Đà không khác. Vị Pháp Vương Tử cũng như Đức Quan Âm, Thế Chí vậy.

Sao là quán sát sức lay động như gió không chỗ nương mà vào Tam Ma Địa ?”

Tánh gió là động, do động mà có tiếng nên Phật Vô Lượng Thanh chỉ dạy hàng Bồ Tát quán các chúng sanh của thế giới này cũng như hàng trăm con muỗi mòng nhốt trong một đồ vật, vo ve kêu loạn, đều là gió Vọng Duyên chuyển biến ra. Cái động của gió thì rất vi tế, mà sức của gió thì rất lớn, đầy khắp pháp giới. Cái động và dừng của thân, cái động niệm của tâm thì gần mà có thể thấy. Còn cái chuyển đổi của không gian, cái trôi chảy của thời gian thì xa xôi nên khó thấy. Dầu khó thấy hay dễ thấy, đều là cái Động này. Tánh của cái Động này đến không từ đâu, đi không đến đâu, toàn khắp thế gian, không có nơi chốn. Vì không nơi chốn, nên vốn không sanh diệt. Vì không sanh diệt, vốn tự chẳng động. Ở chỗ ấy mà quán sát, đắc Vô Sanh Nhẫn, tức là ngộ Bồ Đề, vào Tam Ma Địa vậy. Đây là trong cái Động có Tánh Chẳng Động, chẳng phải là lìa ngoài cái Động mà có riêng cái gọi là Chẳng Động.

Phương Đông thuộc Chấn. Chấn là Động. Phương Đông có cõi Phật Bất Động, tức là động mà tĩnh, đây là ý chỉ của Bổn Giác Diệu Minh vậy. Tánh Giác Diệu Minh vốn tự chẳng động. Bổn Giác Minh Diệu là động mà chẳng động. Nói tóm lại, tất cả chỉ là một Tánh Diệu Chân Như. Mười phương Chư Phật cùng một Diệu Tâm này. Nếu lìa động để cầu tĩnh, tức là chẳng phải Diệu vậy. Cái Bổn Giác cứng bền như kim cương trong sáng, Phong và Kim xát nhau, nên ánh sáng như lưu ly, rỗng suốt không ngại. Truyền một Diệu Tâm, thì không những tự chứng Viên Thông mà còn khiến chúng sanh trong thế giới, hễ có Tánh Động này đều chứng suốt một Viên Thông vậy. 
Sa di Cao ban đầu ra mắt Tổ Dược Sơn.

Tổ Dược Sơn hỏi : “Ở đâu đến ?
Đáp : “Nam Nhạc đến”.
Tổ hỏi : “Đi đến đâu ?”
Đáp : “Đến Giang Lăng thọ giới”.
Tổ hỏi : “Thọ giới để làm gì ?”
Đáp : “Để khỏi sanh tử”.
Tổ nói : “Có một người chẳng thọ giới, cũng chẳng có sanh tử để khỏi, ông có biết chăng ?”
Sa di Cao ngay dưới lời nói, đại ngộ mà nói : “Như thế thì Giới của Phật nào có dùng !”
Tổ Sơn nói : “Sa Di này còn quảy môi răng đấy”. 
Thầy Cao lễ bái rồi lui ra. 
Ngài Đạo Ngô đến đứng hầu, Tổ Dược Sơn nói : “Vừa rồi có anh Sa Di què giò, có được chút ít hơi hám”.
Đạo Ngô nói : “Chưa thể tin hoàn toàn, cần khám nghiệm mới được”.
Đến tối, Tổ Dược Sơn thượng đường gọi rằng : “Sa Di mới đến hồi sáng đâu rồi ?”
Thầy Cao bước ra khỏi chúng, đứng.
Tổ Dược Sơn hỏi : “Ta nghe Trường An rất náo nhiệt, ông có biết chăng ?”
Thầy Cao nói : “Nước con hằng yên ổn”.
Tổ hân hoan hỏi : “Chú do xem kinh mà được hay do hỏi Pháp mà được ?”
Thầy Cao nói : “Chẳng do xem kinh được hay do hỏi Pháp được”.
Tổ Sơn nói : “Vậy có người chẳng xem kinh, chẳng hỏi Pháp, vì sao chẳng được ?”
Thầy Cao nói : “Không nói chẳng được, chính vì kẻ kia chẳng chịu nhận lãnh”.
Tổ Sơn quay lại nhìn Đạo Ngô. 
Ngài Vân Nham thì nói : “Chẳng tin Đạo !”
Ngài Đầu Tử tụng rằng :

“Hưng vong mây đến với mây đi
Y không quốc độ, bặt trần ai
Đỉnh Tu Di ấy, cây không rễ
Chẳng đợi gió xuân, hoa tự khai”.

Như chỗ thấy của Sa Di, thật là thấy cõi Phật Bất Động ở phương Đông, chẳng bị sức gió vọng duyên chuyển đổi vậy.

Ngài Ma Cốc chống tích trượng đến Ngài Chương Kính, đi quanh thiền sàng ba vòng, dộng tích trượng một cái, ngang nhiên mà đứng.

Tổ Kính nói : “Phải, phải”.

Ngài lại đến Nam Tuyền, đi quanh thiền sàng ba vòng, dộng tích trượng một cái, ngang nhiên mà đứng.

Tổ Tuyền nói : “Chẳng phải, chẳng phải”.

Ngài Ma Cốc nói : “Ngài Chương Kính nói “Phải”, Hòa Thượng vì sao nói “Chẳng Phải” ?”
Tổ Tuyền nói : “Chương Kính thì phải, chính ông chẳng phải”.
Đây là sức gió chuyển, rốt cuộc hư hoại.
Ngài Thiên Đồng tụng rằng :

“Chính ông chẳng phải
Kìa xem cuốn, mở
Tợ trải, tợ co
Khó anh, khó em
Thả ra : kia đã đến thời
Nắm lại : ta nào lạ chỗ
Trượng vàng một dộng, thái cô(29) nêu
Thiền sàng ba vòng, nhàn du hý
Tùng lâm rối rắm, thị phi sanh
Tưởng tượng, trước sọ khô thấy quỷ”.

Ngài Tuyết Đậu tụng rằng :

“Đây lầm, kia lầm !
Rất kỵ nắm bỏ
Bốn biển sóng bằng
Trăm sông đổ lại
Ý cổ cao xa mười hai cửa
Cửa cửa đường hoang, luống tiêu điều
Chẳng tiêu điều
Thiền giả khéo cầu “Không-bệnh thuốc”.

Nếu biết cái thuốc “Không-bệnh”, thì thị phi ở chốn tùng lâm nào có sanh ra, tự chẳng gió nào chuyển được. 


XXII. VIÊN THÔNG VỀ KHÔNG ĐẠI

Kinh : Bồ Tát Hư Không Tạng liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật mà thưa rằng : “Tôi cùng Đức Như Lai chứng được Thân Vô Biên nơi Phật Định Quang. Lúc ấy, tay tôi cầm bốn hạt bảo châu lớn soi sáng mười phương cõi Phật số như vi trần đều hóa thành hư không. Lại nơi tự tâm, hiện gương tròn lớn, trong ấy phóng ra mười thứ hào quang vi diệu quý báu, tràn khắp mười phương, cùng tột bờ cõi hư không. Các cõi Phật đều vào trong gương “Đại Viên Cảnh” ấy, nhập vào thân tôi. Thân đồng hư không chẳng có gì ngăn ngại, thân lại khéo vào vi trần quốc độ rộng làm Phật sự, được Đại Tùy Thuận. Đại thần lực này là do tôi chánh quán bốn Đại không chỗ nương, vọng tưởng sanh diệt và hư không không hai, cõi Phật vốn đồng. Do phát minh được tánh đồng, đắc Vô Sanh Nhẫn.
“Phật hỏi về Viên Thông, tôi do quan sát Hư Không vô biên, vào Tam Ma Địa, diệu lực tròn sáng, đó là Thứ Nhất”.

Thông rằng : Bồ Tát Hư Không Tạng đã cùng Như Lai ở nơi Phật Định Quang, chứng đắc Ba Thân, Bốn Trí. Trong ba Thân, thì chỉ trọng Pháp Thân, nên nói “Đắc Thân Vô Biên”. Bốn Trí thì chỉ trọng Đại Viên Cảnh Trí, nên nói “Lại ở nơi Tâm, hiện gương tròn lớn”. 

Pháp Thân vô biên, hư không không ranh giới, vì sao lại có thể cùng với bốn Đại chẳng hề ngăn ngại nhau ? Bởi do đế quán bốn Đại không chỗ nương, Tánh Sắc là Không, nên bốn Đại là thanh tịnh, giống như ngọc báu. Dùng sức quán chiếu, soi sáng mười phương hóa thành hư không. Tức bốn Đại là hư không, hư không là Pháp Thân, có gì ngăn ngại ! Vốn là một Đại Viên Cảnh Trí, vì sao phóng ra mười thứ ánh sáng ? Ấy là do tu hành mười thứ Ba La Mật, tròn đầy vi diệu vậy.

Gồm hết trong gương tự tại phát hiện, tràn khắp mười phương, cùng tột bờ mé hư không. Chỉ một cái gương thu nhiếp hết, thì gương ấy là Thân, và Thân tức là gương vậy. Ba Thân tức là bốn Trí, bốn Trí đó là ba Thân. Thân, Trí dung hợp nhau, Tâm và Cảnh đều chuyển hoá, nên nói “Các cõi Phật đều nhập vào trong gương, hòa vào thân tôi”. Ánh sáng và bóng ảnh giao nhập lẫn nhau, không thể phân biệt. Vì Thân là Trí, nên đồng hư không, chẳng ngăn ngại nhau. Vì Trí là Thân, nên khéo vào các cõi nước; rộng làm Phật sự, thuyết pháp Tam Thừa, được Đại Tùy Thuận. Thấy Vọng Tưởng Sanh Diệt tức là Hư Không, Hư Không và Vọng Tưởng Sanh Diệt không hai. Thấy cõi nước tức là Phật Tánh, Phật Tánh và cõi nước không khác. Lý chẳng ngại Sự, Sự chẳng ngại Lý. Ở trong Tánh Đồng mà phát minh được, đắc Vô Sanh Nhẫn, chứng Hư Không Vô Biên Thân, diệu lực tròn sáng, thân và cõi nước nhập vào nhau, đó là chỉ chứng “Lý Sự Vô Ngại Pháp Giới”.

Nếu gương-gương chiếu nhập lẫn nhau, trùng trùng lưới báu, một tức tất cả, tất cả tức một, mới là “Sự Sự Vô ngại Pháp Giới”. Chỉ Như Lai chứng, nên Ngài Bồ Tát Hư Không Tạng còn ở trong hàng đệ tử vậy. Đó là vì còn mắc vướng trong Hư Không Vô Biên Xứ, còn Thân để đắc vậy.
Tổ Hoàng Bá nói : “Chân Pháp Thân Phật giống như Hư Không. Đây là tỷ dụ Pháp Thân tức Hư Không, Hư Không tức Pháp Thân. Người-thường nói rằng Pháp Thân cùng khắp Hư Không, trong Hư Không hàm chứa Pháp Thân mà chẳng biết rằng Pháp Thân tức Hư Không, Hư Không tức Pháp Thân đó vậy. Nếu nói nhất định có Hư Không thì Hư Không chẳng phải là Pháp Thân. 
Nếu nói nhất định có Pháp Thân, thì Pháp Thân chẳng phải là Hư Không. Chỉ đừng khởi ra cái hiểu biết về Hư Không, thì Hư Không tức Pháp Thân. Chỉ không khởi ra cái hiểu biết về Pháp Thân, thì Pháp Thân tức Hư Không. Hư Không và Pháp Thân không có tướng khác nhau. Sanh Tử và Niết Bàn không khác tướng. Lìa tất cả tướng, tức đó là Phật”.

Như lời nói của Tổ Hoàng Bá đây, thật là thấy rõ cái Thân Vô Biên của Hư Không Tạng Bồ Tát vậy.

Tổ Tào Sơn hỏi Thượng Tọa Đức : “Chân Pháp Thân Phật, giống như Hư Không, ứng vật hiện hình, như trăng trong nước, làm sao nói cái đạo lý ứng hiện đó ?”

Thầy Đức nói : “Như lừa dòm giếng”.

Tổ Sơn : “Nói thì quá lắm, mà chỉ nói được tám tướng(30) !”

Thầy Đức nói : “Hòa Thượng thì thế nào ?”

Tổ Sơn nói : “Như giếng dòm lừa”.

Ngài Thiên Đồng tụng rằng :

“Lừa dòm giếng, giếng dòm lừa
Trí gồm khắp, không gì ngoài
Tràn đầy, thanh tĩnh có thừa
Sau cùi chỏ ai phân ấn
Trong nhà chẳng chứa sách, thơ
Khung cửi nào quản chuyện thoi đưa
Màu sắc dọc ngang ý tự khác !”.

Rõ chỗ này thì có thể biết “Khéo vào cõi nước”, như giếng dòm lừa. Vốn tự chẳng sanh, thì hợp với Hư Không !


XXIII. VIÊN THÔNG VỀ THỨC ĐẠI

Kinh : Đức Di Lặc Bồ Tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, thưa rằng : “Tôi nhớ vi trần kiếp về trước, có Đức Phật ra đời tên là Nhật Nguyệt Đăng Minh, tôi được xuất gia theo Đức Phật ấy, nhưng tâm còn trọng danh đời, thích giao du với hàng vọng tộc. Lúc ấy, Đức Thế Tôn dạy tôi tu tập định Duy Tâm Thức vào Tam Ma Địa. Trải nhiều kiếp đến nay, dùng Tam Muội ấy phụng sự hằng sa Phật, cái tâm cầu danh đời diệt hết không còn. Đến khi Đức Phật Nhiên Đăng ra đời, tôi mới đắc thành “Vô Thượng Diệu Viên Thức Tâm Tam Muội”. Cho đến tận hư không các cõi nước của Như Lai dơ, sạch, có, không, đều là sự biến hóa hiện ra của tâm tôi. Thưa Thế Tôn, tôi thấu rõ Duy Tâm Thức như thế, nơi Thức Tánh lưu xuất vô lượng Như Lai. Nay được thọ ký, kế tiếp làm Phật. 
“Phật hỏi về Viên Thông, tôi do đế quán mười phương đều Duy Thức, thức tâm tròn sáng, chứng nhập Viên Thành Thật Tánh, xa lìa Y Tha Khởi Tánh và Biến Kế Chấp Tánh, đắc Vô Sanh Nhẫn, đó là Thứ Nhất”.

Thông rằng : “Tôi do đế quán mười phương Duy Thức”. Hai chữ Duy Thức ý vị thật sâu xa. Chữ Duy che mất cái cảnh đang có, chữ Thức rút về Tâm Không. Lại nữa, Thức để nói tất cả mọi sự hiện bày, Duy để nói che hết. Hiện bày tất cả ấy, là nói tất cả hữu tình đều có tám Thức, sáu vị Tâm Sở, cùng hai Kiến Phần và Tướng Phần được biến hiện ra, đều là sai biệt nhau, cùng với cái Lý Không để hiển bày Chân Như, tất cả các pháp như vậy đều chẳng rời Thức, cho nên dùng chữ Thức để hiển bày tất cả vậy. Che hết là vì hạng phàm phu chấp rằng lìa ngoài Tâm Thức thật có các pháp, nên dùng chữ Duy, để che hết cái Kiến của phàm phu vậy. 
Thức Tâm tròn sáng, chứng nhập Viên Thành Thật Tánh là do ban đầu tu tập định Duy Tâm Thức, đến chỗ thành tựu Vô Thượng Diệu Viên Thức Tâm Tam Muội, đã chuyển Thức thành Trí, nên nói là nhập vào Viên Thành Thật Tánh. Khi chưa chuyển được Thức, ban đầu bị cảnh trói buộc, đó là thô hoặc(31), gọi là Biến Kế Chấp. Kế đó là bị pháp trói buộc, đó là tế hoặc(32), gọi là Y Tha Khởi.

“Tâm trọng danh đời, ưa giao du với hàng vọng tộc”, đó là tướng dạng của Biến Kế Chấp. “Cái Tâm cầu danh đời diệt hết không còn”, đó là tướng dạng của Y Tha Chấp vậy. Cho đến “Thấu rõ Duy tâm thức như thế, nơi Thức Tánh lưu xuất vô lượng Như Lai” là tướng dạng của Viên Thành Thật Tánh vậy.

Kinh Giải Thâm Mật nói : “Biến Kế Chấp là như người nhặm mắt; Y Tha Khởi là như hiện ra xanh, vàng; Viên Thành Thật là như mắt trong sáng”.

Luận Bảo Trượng nói, “Như người thấy vật động đậy cho là rắn, nhưng khi nhìn kỹ thấy là sợi dây, thì cái tâm nghi là rắn không phải đoạn trừ mà tự hết. Đó là lìa Biến Kế Chấp. Nhưng dây vẫn còn. Lại xem kỹ lưỡng nó mà nói “Chẳng phải dây mà là sợi gai”; liền cái tâm chấp là dây lại chẳng đoạn trừ mà tự hết. Đó là lìa Y Tha Khởi Chấp”. 

Sợi gai và dây vốn là một, có bện lại gọi là dây, không bện gọi là gai, là để dụ cho Tánh và Thức vốn là Một. Có trói buộc thì gọi là Thức, không trói buộc gọi là Tánh. Đến chỗ rõ thấy Duy Thức thì ngoài Thức không có Tánh; Thức đó là Tánh. Tức Đệ Bát Thức là Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh vậy. 

Đã lìa Y Tha Khởi cùng Biến Kế Chấp, ắt tiêu tan chủng tử sanh diệt, mà y theo cái Chân Tánh chẳng sanh, chẳng diệt, nên đắc Vô Sanh Nhẫn. Đó là tất cả cõi nước dơ sạch, có không đều là chỗ biến hiện của Tâm. Ta chẳng phân biệt, thì hiện đây là tịch diệt, ngay nơi Tướng Phần chứng Vô Sanh Nhẫn.

“Thức Tánh lưu xuất vô lượng Như Lai”, ấy là Lý tức Pháp Thân, Trí tức Báo Thân, Hạnh tức Hóa Thân. Trí tức Văn Thù, Hạnh tức Phổ Hiền, Bi tức Quán Thế Âm, đều từ Nhất Tâm lưu xuất. Ta không có sự phân biệt, thì hiện đây là tịch diệt, ngay nơi Kiến Phần chứng Vô Sanh Nhẫn.
Ngài Pháp Nhãn tụng rằng :

“Ba cõi Duy Tâm
Mắt thanh, tai sắc
Sắc chẳng đến tai
Thanh nào chạm mắt !
Mắt sắc, tai thanh
Vạn pháp thành khác
Muôn pháp chẳng duyên
Nào quán như huyễn ?
Đất đai sông núi
Chi bền, chi biến ?”.

Tổ Pháp Nhãn, thức tâm tròn sáng, mới nói được lời tròn vẹn này. 

Tổ Bàn Sơn dạy rằng : “Ba cõi không pháp, nơi nào cầu tâm ? Bốn Đại vốn không, Phật nương đâu trụ ? Trăng sao chẳng động, lặng đứng không ngần. Đối mặt trình nhau, còn chuyện gì nữa !”
Ngài Tuyết Đậu tụng rằng :

“Ba cõi không pháp
Nơi nào cầu tâm ?
Mây trắng làm lọng
Nước chảy làm đàn
Một khúc, hai khúc, không người hiểu
Đêm mưa ao vắng, nước thu trong”.

Có nhà sư hỏi Tổ Thạch Sương : “Muôn cửa đều đóng thì chẳng hỏi, muôn cửa đều mở thì thấy nào ?”

Tổ Sương nói : “Chuyện trong nhà thì thế nào ?”

Nhà sư không đáp được. Trải qua nửa năm, mới nói được rằng : “Không người tiếp được y”.

Tổ Sương nói : “Nói thì nói cho lắm, mà chỉ nói được tám tướng”.

Nhà sư nói : “Hòa Thượng thì thế nào ?”

Tổ Sương nói : “Không người biết được y !”

Ngài Đầu Tử tụng rằng :

“Điện xưa cao ngất trăng phủ tùng
Sương ngưng, tuyết lộ, nói không cùng
Đối sao, nằm ngắm, nhà ngàn núi
Phật, Tổ không nhân, biết HẮN chân !”.

Bồ Tát Di Lặc tu tập định Duy Tâm Thức, vào Tam Ma Địa. Nay Tổ Bàn Sơn lại nói : “Nơi nào cầu tâm ?” Tổ Thạch Sương thì nói : “Không người biết được y !” Hai chuyển ngữ này, đợi đời sau hạ sanh. Bổ Xứ thành Phật sẽ trùng trùng khai diễn.

XXIV. VIÊN THÔNG VỀ KIẾN ĐẠI

Kinh : Ngài Đại Thế Chí Pháp Vương Tử cùng với năm mươi hai vị Bồ Tát đồng tu liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, thưa rằng : “Tôi nhớ hằng sa kiếp trước, có Đức Phật ra đời, hiệu Vô Lượng Quang. Thuở ấy, mười hai vị Như Lai kế nhau thành Phật trong một kiếp. Đức Phật sau cùng, hiệu là Siêu Nhật Nguyệt Quang, Ngài dạy tôi pháp Niệm Phật Tam Muội. Ví như có người, một bên thì chuyên nhớ, một bên thì chuyên quên thì hai người ấy, dầu gặp cũng như không gặp, dầu thấy cũng là không thấy. Nếu cả hai người đều nhớ nhau, hai bên nhớ mãi, khắc sâu và tâm niệm, như thế từ đời này qua đời khác, như hình với bóng, chẳng hề xa cách nhau, mười phương Như Lai thương tưởng chúng sanh như mẹ nhớ con, nếu con trốn tránh tuy nhớ cũng chẳng được gì. Con mà nhớ mẹ, như mẹ nhớ con, thì đời đời mẹ con không hề ngăn cách. Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật, niệm Phật thì hiện giờ hay mai sau nhất định thấy Phật, cách Phật không xa. Chẳng nhờ phương tiện, tâm tự khai ngộ, như người ướp hương, thân có mùi thơm. Đây gọi là Hương Quang Trang Nghiêm. Nhân Địa Căn Bản của tôi là dùng Tâm niệm Phật, vào Vô Sanh Nhẫn. Nay tôi ở cõi này tiếp dẫn người niệm Phật về nơi Tịnh Độ. 

“Phật hỏi về Viên Thông, tôi không riêng lựa chọn mà nhiếp trọn cả sáu Căn, tịnh niệm nối tiếp nhau, đắc Tam Ma Địa. Đó là Thứ Nhất”.

Thông rằng : Quán kinh nói, “Dùng ánh sáng Trí Huệ, chiếu khắp tất cả. Nay rời ba đường, được Vô Thượng Lực, gọi là Đại Thế Chí”. Bạn đồng tu có năm mươi hai vị Bồ Tát cũng đủ để chứng nghiệm chuyện vãng sanh Tịnh Độ là dễ thành tựu. Phàm người niệm Phật không được trong khoảnh khắc như gảy móng tay mà thấy Phật, chỉ vì niệm năm Dục thế gian, đó là niệm trói buộc. Còn tịnh niệm kế tiếp nhau, như con nhớ mẹ, thì ngay hiện giờ hay về sau nhất định thấy Phật. Miệng niệm tâm nhớ, tai mắt chuyên nhất, mỗi mỗi oai nghi, đều nhiếp trọn cả sáu Căn, nhất tâm không loạn. Trong chánh định như thế, chắc chắn thấy được Phật, cách Phật không xa, ánh sáng Trí Huệ rực rỡ, chẳng mượn tu hành mà tự thành khai ngộ, như người xông ướp hương, chẳng mong thơm mà tự thơm. Đây là nguyện lực của Phật A Di Đà nhiệm mầu không thể nghĩ bàn vậy.

Ngài Đại Thế Chí đã dùng Tâm niệm Phật mà đắc Vô Sanh Nhẫn. Lại tiếp dẫn người niệm Phật về Tịnh Độ, thì tự giác giác tha đầy đủ Hạnh Bồ Tát chân thật.

Sáu Căn đều thuộc về Kiến Phần. Ở đây chú trọng về sự thấy Phật, nên dùng Kiến Đại để mà thu nhiếp. Kiến Đại sao lại để sau Thức Đại ? Bởi vì trước phải chuyển Thức Thứ Tám để chứng Hậu Đắc Trí rồi sau chuyển năm Thức trước. Đã chuyển Thức thành Trí, sanh về Tịnh Độ của Phật là cái quả cùng cực, cớ sao ở sau lại còn pháp môn Xoay Lại Cái Nghe của Đức Quan Âm ? Phàm cái chỗ quý báu của chuyện vãng sanh Tịnh Độ, chứng Viên Thông thì không phải chẳng những tự cho mình mà thôi, mà là độ thoát chúng sanh. Ắt như ba mươi hai Ứng Thân, chốn chốn nơi nơi đều là Tịnh Độ, đều chứng Viên Thông, thì sau mới tròn đủ quả Phật vậy.

Thiền sư Vĩnh Minh Thọ, thuở nhỏ tụng kinh Pháp Hoa, năm Hạnh(33) đầy đủ trong sáu tuần lễ. Sau tham học với Thiều quốc sư, phát rõ tâm yếu, đến ngọn núi Thiên Thai của Ngài Trí Giả tu định trong chín tuần(34), chim chóc làm tổ trên áo. Ngài làm hai cái thăm, khấn bói : một là, một đời thiền định; hai là, tụng kinh, muôn thiện trang nghiêm Tịnh Độ. Rồi chí thành cầu nguyện, bảy lần đều rút được tụng kinh, muôn thiện. Bèn chuyên tu Tịnh Nghiệp. Tụng kinh ba năm, trong lúc thiền quán, thấy Đức Quan Âm rót cam lồ vào miệng, bèn được biện tài. 

Vua Trung Ý thỉnh Ngài trụ trì chùa Linh Ẩn, hai năm sau sang chùa Vĩnh Minh. Khóa biểu mỗi ngày có một trăm lẽ tám việc, không hề gián đoạn. Học giả đến tham học thì Ngài chỉ Tâm làm tông chỉ, lấy Ngộ làm phép tắc. Mỗi đêm lại sang nơi khác để tu hành niệm Phật. 

Vua Trung Ý than rằng : “Từ xưa đến nay, chưa có ai chuyên tâm tha thiết cầu sanh Tây Phương cho bằng !” 

Bèn làm điện Tây Phương Hương Nghiêm để Ngài hoàn thành chí nguyện. Đệ tử đến một ngàn bảy trăm người. Ngài thường cùng đại chúng thọ Giới Bồ Tát, thí thực cho quỷ thần, hàng ngày phóng sanh đều hồi hướng trang nghiêm Tịnh Độ. Làm trăm pho sách, nhan đề là Tông Cảnh Lục, lại viết các quyển Vạn Thiện Đồng Quy và Chỉ Về Tịnh Độ.

Sau khi Ngài diệt độ, tháp ở trong núi, có một nhà sư từ Lâm Xuyên đến nói : “Khi tôi bệnh nặng, chết xuống cõi u minh, được thả về. Tôi thấy trong điện Diêm Vương có tượng một vị tăng, Diêm Vương tự thân đảnh lễ, tôi hỏi : “Tượng ấy là ai ?” 

“Vị Chủ-Lại nói rằng : “Đó là thiền sư Thọ ở Chẩm Châu. Nghe rằng Ngài đã vãng sanh bậc thượng phẩm ở Tây Phương. Diêm Vương kính trọng Ngài nên lễ bái”.

Ông Dương Kiệt, tự là Thứ Công, phu nhân Kinh Châu cũng trong mộng thấy Ông Kiệt ngồi trên đài hoa sen, tiêu dao tự tại. Trước kia ông Dương Kiệt thấy mặt trời như cái mâm vọt lên, có điều tỏ ngộ, làm bài kệ rằng :

“Trai lớn thì cưới vợ
Gái lớn thì lấy chồng
Hỏi công phu : nhàn lắm !
Lại nói lời Vô Sanh”.

Rất nên cùng Ông Bàng cư sĩ thẩm tra !
Khi ông sắp từ biệt cõi đời, có bài kệ :

“Không chi để mến
Không chi để bỏ !
Trong khoảng thái hư
Ờ, à, thế, đó !
Từ an tới an
Tây Phương Cực Lạc”.

Đó là Ngài Vĩnh Minh Thọ và Ông Dương Kiệt đều sanh về Tịnh Độ, sáng tỏ pháp Niệm Phật Tam Muội, như con nhớ mẹ.

Tổ Động Sơn có nói : “Đối với Đạo thì chớ đi, còn quay về thì nghịch lại với cha”.
Có nhà sư hỏi Tổ Tào Sơn : “Con quay về với cha, sao cha chẳng thèm nhìn đến ?”
Tổ Sơn nói : “Lý hợp như thế đấy !”
Nhà sư hỏi : “Thế thì ân tình cha con ở đâu ?”
Tổ Sơn nói : “Thế mới thành ân tình cha con”.
Nhà sư hỏi : “Thế nào là ân tình cha con ?”
Tổ Sơn nói : “Đao búa chặt chẳng rời”.

Ngài Thiên Đồng nêu ra rằng : “Rèm biếc buông rồi, lệnh vua chưa xuống. Màn hoa đã khép, thấy nghe khó thông ! Động nhằm đầu lông, trăng lên song cửa. Im dời một bước, hạc ra lồng bạc. Có biết chăng ? Thoát thân một sắc, không lưu bóng. Chẳng tọa đồng phong, lạc đại công”.
Lại có nhà sư hỏi Tổ Hộ Quốc : “Như thế nào là cha mẹ xưa nay ?”
Tổ Quốc nói : “Ấy đầu chẳng bạc”.
Nhà sư hỏi : “Lấy gì phụng hiến ?”
Tổ Quốc nói : “Ân cần không cơm gạo, trong nhà chẳng hỏi thân”.
Ngài Đơn Hà tụng rằng :

“Ra cửa khắp đời không tri kỷ
Vào nhà ngập mắt : chẳng ai thân
Nhà không đêm lạnh, không gì có
Trời xanh, trăng sáng : cũng bạn gần”.

Hai tắc trên thật rõ ràng Tự Tánh Di Đà, Duy Tâm Tịnh Độ, phải thấy như thế mới là cái Thấy chân chánh.

Xưa, có vị ni cô ra mắt Tổ Vân Nham.
Tổ Nham hỏi : “Cha cô còn không ?”
Ni cơ nói : “Dạ, còn”.
Tổ Nham hỏi : “Tuổi bao nhiêu ?”
Ni cô nói : “Sáu mươi lăm”.
Tổ Nham nói : “Cô có người cha chẳng phải sáu mươi lăm tuổi, cô biết hay chăng ?”
Ni cô nói : “Chẳng phải là cái như-vậy-đến ư ?”
Tổ Nham nói : “Cái như-vậy-đến vẫn còn là con cháu”.
Ngài Động sơn nói : “Dù được cái chẳng-như-vậy-đến cũng là con cháu !”
Ô hô ! Cha mẹ xưa nay đâu có dễ thấy ! Nên thấy được cha mẹ xưa nay thì thấy Tự Tánh Di Đà mà Thiền Tịnh viên dung, đều thuộc về cảnh giới không thể nghĩ bàn vậy.

01 Núi Kê Túc, nơi Đức Ca Diếp, vị được Đức Thích Ca truyền chánh pháp nhãn tạng làm vị Tổ đầu tiên của Thiền Tông, ngồi nhập định chờ Đức Phật Di Lặc tương lai. 
02 Lộ bày cái miệng. 
03 Ra khỏi trói buộc. 
04 Còn trong trói buộc. 
05 Giữ. 
06 Vụng về. 
07 Đời nhà Đường, Tổ Ngưỡng Sơn lập ra đề mục Tổ Sư Thiền trước tiên. Gọi chỗ tâm ấn của Tổ Đạt Ma truyền lại là Tổ Sư Thiền, cái pháp thiền tột mức riêng truyền ngoài giáo pháp. Gọi Như Lai Thiền chỉ cái ý tu chưa đến chỗ minh tâm kiến tánh. 
08 Y phục, ngọa cụ, y dược, ẩm thực. 
09 Vàng, bạc, ngọc, châu, san hô, hổ phách, mã não. 
10 Linh Vân. 
11 Tổ Hối Đường Bửu Giác thiền sư, tên là Tổ Tâm, đời Tống, tại Huỳnh Long Sơn. Nối kế pháp của Tổ Huỳnh Long Nam thiền sư. 
12 Tổ Cao An, tự Đại Ngu, tự hiệu Đại Ngu Sơn. Nối pháp Tổ Qui Tông. Tổ Qui Tông nối pháp Đức Mã Tổ. 
13 Năm loại Thiền : ngoại đạo, phàm phu, Tiểu Thừa, Đại Thừa, Tối Thượng Thừa. 
14 Nhứt vị thiền. Là phép thiền mau tỏ ngộ, mau thấm vào (tức đốn ngộ, đốn nhập). 
15 Bọn Ông Hiền Hộ, 16 Cư Sĩ Bồ Tát. 
16 Chỗ dựa nương của Phật Tử. 
17 Nghiã là lời nói rối rắm, vu vơ. Các thành ngữ đồng nghiã khác như: thất linh bát lạc, thất thượng bát lạc. 
18 Giống xà phòng, dùng để tắm. 
19 Em Vua Tịnh Phạn. 
20 Tì: đầy tớ gái. 
Ông Trưởng Lão Tất Lăng Già Bà Ta hay sợ đau mắt; ông đi khất thực thường phải qua sông Hằng. Đến bờ sông, khảy móng tay rồi nói: “Tớ gái nhỏ, ngừng lại, đừng cho chảy”. Nuớc liền rẽ hai cho ông đi qua. 
Bà Thần sông Hằng đến nơi Phật bạch rằng: “Đệ tử Phật, Ông Tất Lăng Già Bà Ta, thường hay mắng tôi là : Tớ gái nhỏ, ngưng lại, đừng cho chảy”. 
Đức Phật dạy Ông Tất Lăng Già Bà Ta xin lỗi, ăn năn với Bà Thần sông Hằng. 
Ông Tất Lăng Già Bà Ta liền chấp tay, nói với Bà Thần sông: “Cô tớ gái nhỏ, nay ăn năn xin lỗi cô”. 
Đại chúng cười rộ. Nói rằng sao xin lỗi mà lại còn mắng vậy. 
Đức Phật dạy Bà Thần sông Hằng: “Bà thấy Ông Tất Lăng Già Bà Ta chấp tay ăn năn xin lỗi chăng ? Ăn năn xin lỗi không có kiêu căng, nhưng còn lời nói. Nên biết chẳng phải hung dữ. Người này năm trăm đời đến nay thường đầu thai vào nhà Bà La Môn. Hằng ỷ mình sang, khinh hèn người khác, là chỗ thói quen xưa nay. Chỉ miệng nói mà thôi, lòng không có kiêu ỷ. Các vị A La Hán cũng y như vậy: tuy dứt lìa các sự ràng buộc, sui khiến sai biểu, nhưng dường còn thừa thói cũ”. 
21 Tự tri Phi. 
22 Móng Tay Dài. 
23 Sát, Đạo, Dâm. 
24 Vọng Ngôn, Lưỡng Thiệt, Ác Khẩu, Ỷ Ngữ. 
25 Dịch là Biến Hành. 
26 Đánh Đất. 
27 Đường. 
28 Nhất vị lưu thông. 
29 Thái : lớn; cô : độc trọi. 
30 Thành Đạo. 
31 Lầm lạc to lớn. 
32 Lầm lạc nhỏ nhiệm. 
33 Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Chỉ Quán. 
34 Tuần : muời ngày. 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Tám 2020(Xem: 8868)
06 Tháng Bảy 2016(Xem: 8000)
Đối nghịch, mâu thuẫn là hiện tượng thường xảy ra trong đời sống. Khi không thể giải quyết, nó đưa đến thù ghét và chiến tranh. Từ ngày có con người trên trái đất cho đến ngày nay, chiến tranh chưa bao giờ chấm dứt.
19 Tháng Năm 2016(Xem: 9569)
Bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daijokyo) xuất xứ từ thời Vua Taisho (Đại Chánh) ở Nhật Bản từ đầu thế kỷ thứ 20. Đây là một bộ Đại Tạng Kinh của Bắc truyền được tổng hợp cũng như sự giảo chánh của các nhà học giả Phật Giáo Nhật Bản lúc đương thời qua các bộ Minh Đại Tạng, Càn Long Đại Tạng v.v… Tổng cộng gồm 100 quyển, dày mỏng khác nhau, mỗi quyển độ 1.000 đến 1.500 trang khổ lớn. Cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh đã cho phiên dịch hoàn toàn sang tiếng Việt tại Đài Loan thành 203 cuốn(đã in được 93 cuốn), mỗi cuốn từ 800 đến 1.500 trang. Tổng cộng các bản dịch về Kinh, Luật, Luận của Đại Thừa không dưới 250.000 trang sách.
12 Tháng Năm 2016(Xem: 9122)
BÁT NHÃ BA LA MẬT là một trong những hệ tư tưởng của Đaị thừa Phật giáo Bắc tông. Bát Nhã Ba La Mật, Trung Hoa dịch: TRÍ TUỆ ĐÁO BỈ NGẠN. Thành ngữ đáo bỉ ngạn, chỉ cho sự viên vãn cứu kính, sự hoàn thành trọn vẹn về một lãnh vực tri thức, một công hạnh lợi tha, một sự giải thoát giác ngộ hoàn toàn..