Một cõi đi về của Trịnh Công Sơn

24 Tháng Mười Hai 201504:04(Xem: 7867)

THỬ GIẢI MÃ “MỘT CÕI ĐI VỀ” CỦA TRỊNH CÔNG SƠN

Minh Tuệ Đỗ Minh

 1.

Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt.
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về .


Trinh-Cong-SonMột Cõi Đi Về là một ca khúc cao sâu chiều kích tâm linh của Trịnh Công Sơn, cũng là tác phẩm Ông tâm đắc nhất trong sự nghiệp âm nhạc của mình.  

Một Cõi Đi Về được hiểu nhiều cách khác nhau, phổ biến nhất là Cõi Chết, theo nghĩa của “sinh ký tử quy”, sống gửi thác về”. Một ý nghĩa khác là “kiếp nhân sinh”, cũng giống như “trăm năm trong cõi người ta” của Nguyễn Du vậy. Trong bài tản mạn này, xin được có thêm một góc nhìn mới về “cõi” này: cốt lõi thực sự của tâm (phục bổn hoàn nguyên) hay bộ mặt thanh tịnh của tâm (bản lai diện mục), và nói theo cách riêng của Trịnh là “vẻ nguyên vẹn” của cội nguồn tâm hay “trở về với Phật tính trong cõi riêng của mình”.

Đoạn nhạc đầu tiên này có thể gọi là một bài thơ Thiền về bờ giác, bến mê, rất Trịnh. Ý tứ không lạ nhưng trở nên sống động qua cách biểu đạt mới mẻ của riêng Ông. Kinh Phật và thơ Thiền Việt Nam cũng có những bài kệ, bài thơ chuyển tải ý “đi đâu loanh quanh” hay “lang thang” này rất hay. Dù “loanh quanh” và “lang thang” hơi khác nhau, nhưng ý nghĩa chung là muốn nói về bước chân không định hướng.

Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách,
Nhựt viễn gia hương vạn lý trình
(Trần Nhân Tông)
Lang thang làm khách phong trần mãi,
Ngày cách quê hương muôn dặm trình
(Thích Thanh Từ dịch).

Hay Phật trước khi Giác Ngộ cũng là một người lang thang, nhưng là lang thang đi tìm nhà, không giống như hầu hết chúng ta, tuy lang thang nhưng không tha thiết với chuyện trở về “quê quán tôi xưa”.

Lang thang bao kiếp sống Ta tìm nhưng chẳng gặp,
Người xây dựng nhà này, Khổ thay, phải tái sanh.
(Kinh Pháp Cú, câu 153)

Trịnh là một người hiểu sâu triết lý Phật Giáo nên những vấn đề như Sinh Tử Luân Hồi đều được Ông nhắc đến.

Không có đâu em này Không có cái chết đầu tiên
Và có đâu bao giờ Đâu có cái chết sau cùng
(Ngẫu Nhiên)

Vòng sinh tử “loanh quanh”, vô thủy vô chung dẫn dắt chúng sanh lăn trôi bất tận khi chưa thực sự về đến “một cõi đi về”.

Kìa còn biết bao người Dìu dặt tới quanh đây
(Ngẫu Nhiên)

Ánh sáng của “đôi vầng nhật nguyệt” luôn “rọi suốt trăm năm” trong mỗi trái tim người nhưng không phải ai cũng nhận ra được. Trong truyện cổ Phật Giáo, có sự tích người ăn xin vẫn mãi xin ăn, không biết được trong nhà mình có cả một kho báu. Dựa trên giai điệu của bài Một Cõi Đi Về, xin đươc hát tếu như thế này  “Bao nhiêu năm rồi còn mãi đi xin, trong khi nơi kho muôn ngàn vàng ngọc”.

Về góc độ tự sự, bốn câu đầu tiên này như một suy niệm sâu sắc về thân phận con người và cách nhìn của một thiền nhân về con đường thoát ra khỏi thân phận đó. Như một lời trách nhắc nhẹ nhàng, Trịnh tự trách mình thôi, nhắc mình thôi nhưng ai nghe cũng thấm! Những lời này cũng từng xuất hiện nhiều trong khung trời mênh mông của Trịnh, khi thấp thoáng, khi rõ ràng như ”Trăng ơi trăng rất tệ, mày đi nhớ chóng về” (Biết đâu nguồn cội) hay “Thôi về đi đường trần đâu có gì” (Phôi pha). Không phải là thân phận phù du cát bụi của kiếp người như ở đoạn sau, tàn xuân tàn hạ, mà là nỗi niềm bế tắc “loanh quanh”, “chạy vòng quanh”, “kiến bò quanh đĩa”, lòng vòng không có đường ra, đầy bi kịch phủ kín, bít lấp như “mây che trên đầu” này của hữu hạn trăm năm.

Ở đây, có sự tương phản giữa hai màu sắc nghịch nhau, màu trầm tối “mỏi mệt” than van trên những bước chân không hướng và màu sáng tỏa của “nhật nguyệt” mở hướng, chiếu “nắng trên vai”. Ánh nắng ấy hiện hữu “rọi suốt”, lúc nào cũng có mặt mà sao ta lại “hững hờ” với “chôn quê nhà” đến vậy. “Nhật nguyệt í a trên cao” ấy là gì? “Cõi đi về” ấy là gì? Vẫn còn nhiều điều để nói.

2.

Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt   
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về.

“Đôi vầng nhật nguyệt” hay “một cõi đi về” đều là những hình ảnh tượng trưng cho chân lý. Trong rất nhiều ca khúc của Trịnh, hình ảnh này cũng xuất hiện với nhiều tên gọi khác như “nguồn cội” (Biết đâu nguồn cội), “hư vô”, “chân như” (Giọt lệ thiên thu), “mái nhà” (Lời thiên thu gọi), “quê quán xưa” (Bên đời hiu quạnh), “địa đàng” (Dấu chân địa đàng), “vô vi” (Nguyệt ca), “thiên thu” hay “ngàn năm” (Ru mãi ngàn năm) .v..v…

Làm sao để thấy được “đôi vầng nhật nguyệt” này? Trong đạo học phương Đông có câu “ngón tay chỉ trăng”, muốn thấy được chân lý (mặt trăng) phải nương theo hướng chỉ của ngôn từ (ngón tay), khi thấy chân lý rồi thì đừng nhìn ngón tay nữa. Chân lý vốn không lời, là chân kinh không chữ như  Nguyễn Du đã từng nói “Chung tri vô tự thị chân kinh” (cuối cùng mới biết rằng chân kinh là không chữ). Và “chân kinh vô tự” cũng chính là “chân tâm vô niệm”. Như vậy, muốn thấy “nhật nguyệt” hay “chân tâm” cần phải nương vào “ngón tay”, “bản đồ”, “chiếc bè” hay “nhịp cầu” của kinh điển. Đây là lý do tại sao những người tha thiết với chân lý (truth-seeker) thường tìm đến với tôn giáo.

Với Trịnh, chúng ta cũng thấy nơi Ông một tấm lòng nhiệt tâm của một người khao khát muốn trở về với “mái nhà Phật tính” của chính mình: “Có những ngày tháng tôi đã bỏ mình vào một cõi tịch lặng vô ngôn để thử nhìn lại rõ mình hơn” hay “Hãy biến mình vào hư vô, vào hư vô của chính mình, vào hư vô của sự vật, vì trong hư không đó mình sẽ tìm thấy được mình và sự vật ở vẻ nguyên vẹn của nó." “Hư vô” là điều Phật cũng đã nói từ ngàn xưa: “Hãy nhìn đời trống không, thần chết không thấy được”.

 Khi về lại được với “cõi tịch lặng vô ngôn” hay “hư vô, hư không” đó chính là  “trở về với Phật tính trong cõi riêng mình. Đó là quê hương, là chiếc ngai Phật. Tôi ngồi, Phật sẽ tràn ngập tôi và tôi sẽ tràn ngập Phật”.

Hãy cùng nghe thêm một câu nói rất hay của Ông.

"Có kẻ đứng trước bao la mà không thấy được bao la. Có kẻ ở buổi bình minh, nghe tiếng chim hót đã chạm mặt với cõi vô lượng. Biết được vô lượng là cùng lúc đến với vô biên. Cái vô biên nằm đâu đó trên cánh vạc chở hoàng hôn về núi mỗi chiều."

Và chắc không khó để nhận ra bóng dáng của chân lý qua những từ như vô lượng, vô biên. Vô lượng là chiều bao la của không gian và vô biên là chiều mênh mông của tĩnh lặng.

Chiều kích vô lượng, vô biên ấy của chân lý, ví như ngọc báu, cũng có sẵn trong mỗi người chúng ta: “Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch” (Trong nhà có ngọc không cần tìm kiếm nơi nào khác cả, thơ Trần Nhân Tông) hay “You wander from room to room, hunting for the diamond necklace, that is already around your neck” (câu này của Rumi, nhà thơ đạo sĩ Hồi Giáo, thế kỷ 13, tạm dịch : Chuỗi ngọc trên cổ rồi Tại sao lại không thấy Tìm phòng này phòng nọ Lòng vòng mỏi mệt thay).

Chân lý là gì? Chân lý ở đâu? Làm sao để nhận ra chân lý? Xin được nói thêm trong phần tiếp theo.

3.

Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa.
Mưa bay trong ta bay từng hạt nhỏ
Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ
Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà.

Về mưa, Trịnh cũng viết nhiều bài hay như Mưa Hồng với “Này em đã khóc chiều mưa đỉnh cao, còn gì nữa đâu sương mù đã lâu”, hay Diễm Xưa với “Mưa vẫn mưa bay cho đời biển động, làm sao em nhớ những vết chim di”, rồi Chìm Dưới Cơn Mưa với “Chìm dưới cơn mưa và chìm dưới đêm khuya, trời đất bao la còn chìm đắm trong ta”. Phải chăng mưa là một dạng “thời tiết” của cuộc đời, khi dịu mát, lúc lạnh băng?

Trong đoạn hai này của  Một Cõi Đi Về, cũng “mưa” nhưng là “mưa nơi này” và “mưa nơi xa”. Nghe mưa ở đây, hiện tại, lại nhớ về mưa nơi nào thuộc tương lai hay quá khứ? “Từng hạt nhỏ” là những suy tưởng trong tâm thức “mưa bay”? Chính những tiếng mưa vang vang mãi “trong ta” đã ngăn trở con đường “hội ngộ” với “vô biên” của “chốn quê nhà”?

“Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ”? “Trăm năm” là một kiếp người. Trăm năm này “tử” đến trăm năm khác “sinh”, trở đi trở lại trong vòng luân hồi “vô biên”, bất tận? Ý này cũng hợp lý nhưng chỉ nói đến thực trạng “không biết nhà để về” của một người lang thang.

Nếu sắp xếp lại để thành “Trăm năm chưa từng hội ngộ (với) vô biên” thì chiều kích “vô biên” của Đạo được “mở” rõ ràng hơn, như đã từng giải bình trong những phần trước, và người viết nghĩ đây chính là ý mà Trịnh muốn gởi gắm.

Còn nếu hiểu “Trăm năm vô biên” là sự vô biên của tuổi thọ đời người vốn vỏn vẹn “ba vạn sáu ngàn ngày là mấy” thì quả là vô lý. Quãng thời gian ngắn ngủi ấy không thể nói là vô biên, vô hạn được, sớm muộn gì thì cũng như “vết mực”, phải chấp nhận số phận “xóa bỏ không hay” thôi!

Trong thơ nhạc, do âm điệu, do giới hạn của câu chữ nên làm thế nào chỉ trong bao nhiêu nốt ấy, bao nhiêu chữ ấy, nhạc sỹ, thi nhân có thể chuyển được ý sâu là một điều không đơn giản. Đó là “nỗi khổ từng chữ, từng nốt” và cũng là yếu tố để quyết định tài năng!

Bài đăng trước có đề cập đến chiều kích vô biên, vô lượng của chân lý, giờ đây xin được bàn thêm.

Chân lý là gì? Là sự thật (truth). Sự thật thì có sự thật tuyệt đối (absolute truth) và sự thật tương đối (relative truth). Sự thật tuyệt đối là sự thật không bị chi phối bởi thời gian, vĩnh hằng, không thay đổi, không bị hoại diệt vì không có tuổi thọ. Sự thật tương đối là sự thật có tuổi thọ, chỉ tồn tại trong một thời gian nào đó (trăm năm, ngàn năm, triệu năm,…) rồi cũng phải chịu sự chi phối của định luật vô thường, sinh diệt, đổi thay, biến hoại.

Ở đây, tuy không dùng tính từ “đúng” khi nói đến chân lý, nhưng ý nghĩa “không bao giờ sai” vì “không bao giờ mất” cũng đã được hàm chứa. (“Đúng sai” là câu chuyện dài của loài người chẳng bao giờ kết thúc; sự thăng hoa, sự tuột dốc, nước mắt, máu xương, đã đổ quá nhiều như sông, như núi cũng từ hai chữ “đúng sai” này.)

Nếu thật ngắn gọn thì có thể nói thế này : Chân lý tuyệt đối là “cái-không-có-gì”, còn “chân lý tương đối” là “cái-có-gì”. “Cái không có gì” đó chính là “không gian” (space) và “cái có gì” là “vật thể” (objects). Vật thể là những gì có hình, có tướng, nổi lên, hiện ra, có thể biết được qua các giác quan, nhìn được, nghe được, ngửi được, nếm được, sờ mó được, suy nghĩ được. Còn không gian thì ẩn, chìm, vô hình, vô tướng, vượt ra ngoài sự hạn hẹp của ngôn từ nên chỉ có một cách duy nhất là “feel” thôi, cảm nhận trực tiếp bằng “trực giác” thôi.

Chân lý còn có một khái niệm khác đồng nghĩa là “thực tại” (reality). Đời sống của chúng ta nếu chỉ “nghiêng” về “thực tại tương đối” (relative reality) thì chắc chắn sẽ “ngả” vì thiếu sự quân bình, thiếu sự nâng đỡ của “thực tại tuyệt đối” (absolute reality). Đây cũng là một thảm trạng chung cho nhân loại.

Thế thì chân lý ở đâu? Câu trả lời là “Chân lý ở khắp mọi nơi” (God ,Truth, is everywhere), cũng giống như không gian vậy. Không gian bên ngoài là vũ trụ vô biên, dung chứa những tinh tú. Không gian bên trong là vũ trụ của tâm, dung chứa suy nghĩ, cảm xúc. Đại khái thế, không thể nói dài một sớm một chiều được, phải từ từ thôi.

Dầu chúng ta không thể nói được về không gian “không có gì”, nhưng có thể mượn những hình ảnh của “có gì” để nói về nó. Trên mỗi trang giấy, có phải nằm phía dưới những con chữ là nền trắng? Trên hư không, có phải ẩn sau những đám mây là màu xanh của bầu trời? Phía dưới dòng xe cộ, có phải là sự bất động của con đường? Có phải bất cứ ở đâu và khi nào, bao trùm chúng ta cũng là không gian và sự tĩnh lặng (cặp này luôn đi chung với nhau, không tách rời)?

 Phải chăng khi biết chú ý thêm chiều “tĩnh” của “cái-không-có-gì” giữa những chiều “động” của “cái-có-gì”, cách nhìn đời, cách cảm nhận cuộc sống sẽ được trọn vẹn hơn, nhất là nghe lại nhạc Trịnh? “Đôi chân ta đi sông còn ở lại”, “Núi đứng quanh năm, đất muôn đời nằm, riêng ta rộn ràng”, “đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời”, “ôi áo xưa lồng lộng đã xô dạt trời chiều’,…rất nhiều những bức tranh có sự qua lại, linh động, trọn vẹn “âm dương”,”động tĩnh” như thế này.

4.

Trong khi ta về lại nhớ ta đi
Đi lên non cao đi về biển rộng
Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng
Ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì.
Hôm nay ta say ôm đời ngủ muộn
Để sớm mai đây lại tiếc xuân thì.

“Trong khi ta về lại nhớ ta đi” là một câu nhạc của Trịnh có độ rung chấn không nhỏ, ai cũng thấy mình trong đó, hình như tình huống nào cũng “vận dụng sáng tạo” được. Sự ngập ngừng trên mỗi bước chân, sự dùng dằng giữa “Đường trần đâu có gì” và “Tiếng nói nhu mì của quê quán tôi xưa”, sự giằng co giữa “chén rượu cay một đời tôi uống hoài” và “vầng trăng quê cũ”. Ra đi thì lúc nào cũng nghe vang vang “Trăng ơi trăng rất tệ mày đi nhớ chóng về”, lâu lâu về nhà thì nghe thì thầm “Lòng thật bình yên mà sao buồn thế”.

“Trong khi ta về lại nhớ ta đi” cũng không khác “trong khi ta đi lại nhớ ta về”. Đây là tình cảnh “Đi về lận đận Tình đôi ngập ngừng” trong  Tiến Thoái Lưỡng Nan sau này.

“Đi lên non cao đi về biển rộng”? Những ai có tu thiền đều thích câu này. Tập cho tâm an trú trong hiện tại nhưng “tâm viên ý mã” lúc nào cũng kéo ta “lên non cao” của quá khứ, “về biển rộng” của tương lai. “Vọng tưởng điên đảo” luôn luôn muốn đi đó đi đây “ta bà thế giới”, “ngoạn thủy du sơn”.

Về mặt từ ngữ, “Đi lên non cao đi về biển rộng” cũng có thể cảm nhận theo hai cách. Cách thứ nhất có thể đặt “non cao” cùng hướng với “biển rộng” chỉ con đường hướng ra ngoài sơn thủy, theo cách này thì “về” cũng là “đi”. Cách thứ hai, bẻ ngoặt hướng đối lập thì “non cao” chỉ bên ngoài, còn “biển rộng” chỉ bên trong. Nếu so sánh thuần về độ lớn thì rõ ràng biển rộng lớn hơn, chiếm ba phần tư quả đất, “quê nhà” rộng như biển bao giờ cũng bao la thanh bình hơn gấp nhiều lần mây nắng non cao, và hai chữ “về” trong hai câu “trong khi ta về” và “đi về biển rộng” đều chỉ một chuyển động cùng chiều.

Giữa hai chọn lựa “đi” “làm con sông cho tháng ngày trôi” và “về” “chốn thiên đường không có tháng ngày trôi” thì phần thắng luôn luôn cho nơi có tháng ngày. Dầu đôi khi thấy “Tôi như người bỗng lênh đênh giữa đời” (Ở trọ) nhưng “Dầu thật lệ rơi lòng không buồn mấy” (Bên đời hiu quạnh). Đây là một nét rất đẹp của Trịnh, đẹp vì thật, đẹp vì tin vào sự chọn lựa của mình, dầu biết rõ rằng trong quyết định “rong chơi giữa đời” vẫn không hoàn hảo. Nét ngay thẳng của “đại nhân” nằm chính chỗ này.

“Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng”? “Nhân gian chưa từng độ lượng” thì ý rõ rồi, nhưng còn “đôi tay nhân gian”? “Đôi tay” của “nhân gian” hay lấy “đôi tay” mình để ôm cả “nhân gian”? Ý thứ nhất là một cách nhìn đời, ý thứ hai có trái tim mình trong cuộc đời đó.

“Người ôm lấy muôn loài” (Ngẫu nhiên) hay “Sông có đôi tay, đôi tay thật dài, ôm quanh tình người” (Giọt lệ thiên thu) cũng đã từng có cái “ôm” theo ý thứ hai này.

Trong phần trước đã bàn về cái hữu hạn, hữu lượng tương đối của “nhân gian”. Dù “đường trần không có gì” (Phôi pha) nhưng lại là chốn “trần gian có xót xa” (Đóa hoa vô thường), và chốn ấy rất “cần một trái tim” (Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui) và “cần có một tấm lòng” (Để gió cuốn đi).

Người ôm lấy muôn loài
Nằm trong tiếng bi ai
(Ngẫu nhiên)

 Đường đời vốn thế, lấy “đôi tay” mình mà “ôm” thì giống như “ôm lòng đêm”, cuối cùng cũng “Ôi phù du từng tuổi xuân đã già đời người như gió qua” (Phôi pha) và “Đôi tay vẫn còn ôm mịt mùng” (Tình xót xa vừa) mà thôi. Làm sao có hạnh phúc thực sự giữa chốn “chưa từng độ lượng” ấy được.

Và “suốt xuân thì” chỉ thấy “ngọn gió hoang vu” nhưng vẫn “yêu quá đời này”, dẫu rằng nhiều khi “dấu lệ”.

Đoạn cuối này còn hai câu mang nỗi buồn cũng đậm, nhưng thôi, cứ để hương linh ông bây giờ “ôm thiên đường ngủ muộn”, “tiếc xuân thì” chỉ còn lúc vướng víu với nhân gian.

5.

Mây che trên đầu và nắng trên vai    
Đôi chân ta đi sông còn ở lại
Con Tinh yêu thương vô tình chợt gọi  
Lại thấy trong ta hiện bóng con người.

Qua bốn câu nhạc này, chúng ta có thể thấy được lý do tại sao đưa đến sự giằng co giữa hai lực kéo Đi và Về trên con đường “lênh đênh giữa đời” của Trịnh. Là một con người bình thường vì trái tim cũng đập theo nhịp đời như bao người, nhưng cũng khác thường nhờ sức nâng của đôi cánh tâm linh đã đẩy ông bay lên khỏi một phần những tầm thường trong vòng tục lụy thế gian.

Có người nói rằng nếu Trịnh Công Sơn không bị níu lại bởi sợi dây ràng buộc của đời thường thì rất có thể Ông sẽ trở thành một thánh thi sĩ như Tagore của Ấn Độ hay Rumi của Ba Tư. Hai nhà thơ rất được tôn kính, những lời minh triết xưa của họ thường được nhắc đến trong cộng đồng tâm linh trên toàn thế giới, đặc biệt ở phương Tây.

Hơn ai hết, Trịnh cũng biết được giới hạn của mình, điều này có lẽ không khó nhận qua những lời ca Ông viết “Đởi tôi trót dại tự làm khô héo tôi đây” (Chiếc là thu phai). Và cũng chính biết rõ mình như thế đã làm tăng thêm giá trị của ông: một người sống giữa đời, dù có buồn có khổ, nhưng vẫn sống hết lòng bằng trái tim đạo, đầy thương yêu.

“Mây che trên đầu và nắng trên vai”? Ánh sáng “chân như” chiếu “rọi suốt trăm năm” nhưng chỉ xuống được phần vai, phần đầu vì bị mây che không tới được. Hệ lụy nhân gian làm ánh sáng không trọn vẹn, toàn phần. Trong kinh Phật, hình ảnh “trăng thoát khỏi mây” thường dùng để nói đến kinh nghiệm chứng ngộ được sự thật, thấy được “bản lai diện mục” (bộ mặt xưa nay) của chính mình. Bộ mặt này qua ca từ của Trịnh là “quê quán xưa”, “vầng nhật nguyệt”, v.v.. mà chúng ta đã từng nói đến.

“Đôi chân ta đi sông còn ở lại”? Dòng sông xuất hiện rất nhiều trong di sản ca khúc của Ông, mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Đẹp và lạ như tranh trong “con sông là thuyền mây xa là buồm”, “Những dòng sông nối đôi tay liền với biển khơi” (Bốn mùa thay lá), trầm ngâm triết lý như “Ngồi bên dòng sông nhớ đời mình, một trăm năm sau mãi ngủ yên” (Lời của dòng sông)… Nhưng trong Một Cõi Đi Về, với một chủ đề xuyên suốt chặt chẽ, thì có lẽ ý nghĩa “cội nguồn” là hợp lý nhất.

Về chiều sâu tâm thức, phải chăng “đôi chân ta đi” là “động”, vọng tưởng, vọng tâm … “sông còn ở lại” là “tĩnh”, là cội nguồn, là chân tâm, minh tâm…Có “cái biết” sáng tỏ, im lắng đang “thấy” những bước chân đi? Có thể “hát chế” thành “Tâm kia (giả) đang đi, Tâm này (thực) ở lại” được không?

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng có một câu nói về ý này nhưng dùng hình ảnh “mái nhà” thay vì “sông”:

"Rứt bỏ mái nhà để ra đi cũng như phụ rẫy một tình yêu. Mái nhà ở lại hoàn toàn vô tội. Mái nhà vẫn chờ cửa để đón người trở về nhưng người ra đi thì không bao giờ kéo được mái nhà về với mình nữa. Có được một mái nhà riêng trong lúc sống là một hạnh phúc. Nhất là mái nhà ấy là hình ảnh của chính mình."

        Mái nhà cũng như sông vẫn ở lại đó, êm đềm yên lặng, chờ đợi “trăng lãng du” trở về mà sao đôi chân mãi cứ ra đi?

Lý do đây: Con tinh yêu thương! Dù Trịnh có lần giải thích lý do ông dùng chữ “yêu tinh” là vì ở Huế, người thân hay mắng yêu mấy cô gái nhỏ, xinh đẹp, nghịch ngợm là “đồ yêu tinh”. Nhưng cách giải thích này chỉ hé mở một phần, phần lớn còn lại chính là Ông muốn ám chỉ “tình yêu nam nữ” hay rộng hơn là dục vọng hay khát ái của con người. Điều này cũng đã được hát lên trong Giọt Lệ Thiên Thu: “Nắng quái yêu ma, lung linh thành trì, lung linh cửa nhà”. Yêu ma hay yêu tinh thì cũng là “yêu”. Đang “rong chơi giữa đời”, quanh mình toàn là người bình thường, yêu xuống yêu lên, nếu nói trắng ra, sao tránh khỏi phiền lòng thiên hạ! Hơn nữa, mình đâu phải thầy tu mà “hạ giá” điều mà mọi người xem trọng, ngay cả mình cũng chưa thoát được ngọt đắng của nó kia mà.

Tình yêu vẫy gọi, tình bạn, tình đời, đủ thứ tình. Dù biết “Sống có đôi chân, đôi chân mệt nhoài, một đời tới lui” (Giọt lệ thiên thu) nhưng bên tai vẫn có tiếng loáng thoáng “chợt gọi vô tình” của “con người hiện bóng”. Lại ra đi, chán. Lại đi về, buồn.  

6.

Đường chạy vòng quanh, một vòng tiều tụy 

 “Vòng quanh” “tiều tụy” cũng giống như “loanh quanh mỏi mệt”. Thử thay đổi một chút thành “chạy quanh đường vòng”, nghe cũng hay hay. “Chạy quanh”, tốc độ nhanh hơn, mạnh hơn “đi đâu loanh quanh”. “Tiều tụy” cho ta cảm giác héo, hốc hác hơn “mỏi mệt” rất nhiều, mỏi mệt chỉ đổ mồ hôi còn tiều tụy rất rõ sự hết “pin”, mỏi mòn nhựa sống.

 “Đường vòng” gợi đến sự cong cong, một đường cong khép kín, tịt lối thoát, bí lối ra. “Kiến bò quanh đĩa” hay “cái vòng danh lợi cong cong, kẻ hòng thoát khỏi người mong bước vào” là những câu rất Việt không lạ. Bi kịch của thân phận người bị bao vây bởi “cái vòng” này, phải nói là “mê hồn trận” cho thêm phần kịch tính. Danh lợi ở đây chỉ là một phần ý nghĩa của “cỏ non”, “cỏ lạ” trong bài hát này.

Xin nói thêm tí về danh lợi , sẽ bàn tiếp “cỏ” sau. Nghe hai từ này, thông thường ta hay nghĩ đến sự thăng quan tiến chức, bổng cao lộc lớn, chức trọng quyền cao Nhưng trong thực tế, nếu quay ngược nhìn kỹ lại mình, sẽ cảm được ý nghĩa rộng gần hơn của câu này, cũng dành cho mọi chúng ta. Danh là tiếng thơm, tiếng tốt, ai chẳng thích được khen. Lợi liên quan đến tiền, ai chẳng muốn mình có tiền, càng nhiều càng tốt, lòng ham muốn chẳng bao giờ khiêm tốn cả. Và như thế, cứ đi loanh quanh, cứ chạy vòng vòng, miệt mài đuổi bắt, khó dừng nên không mệt mỏi, không tiều tụy mới là chuyện đáng ngạc nhiên.

Trong triết lý Phật Giáo, vòng luân hồi sanh tử được giải thích bằng Thập Nhị Nhân Duyên, một “đường vòng” mà trong đó chúng sanh vẫn “chạy”, chạy tới chạy lui, chạy lên chạy xuống. Vòng này khởi đầu bằng Vô Minh, sau đó là Hành, Thức, Lục Nhập, Xúc, Thọ, Ái, v.v.. Bởi Vô Minh nên bị Tham Sân Si dẫn dắt, lăn trôi, chìm đắm mãi giữa “tiều tụy” của khổ đau.

Theo ý này thì chắc không “quá đáng” khi hát “chế” hai câu đầu: “Bao nhiêu kiếp rồi còn mãi ra đi Lăn trôi loanh quanh luân hồi mỏi mệt”.

Và muốn thoát ra khỏi “đường vòng” này cần phải thấy được Minh, ánh sáng của “đôi vầng nhật nguyệt” (Trong tiếng Hán, khi ghép Nhật và Nguyệt sẽ thành Minh).

2

                                  7.

Một bờ cỏ non một bờ mộng mị ngày qua.

“Cỏ” cũng là một từ đẹp trong vườn Trịnh, chỉ phận người như “Ta thấy em trong tiền kiếp như cọng buồn cỏ khô” (Rừng xưa đã khép), “Sống chết mong manh như thân cỏ hèn mọc đầy núi non” (Giọt lệ thiên thu). Ý này cũng có trong Kinh Thánh: “Đời sống con người chẳng qua như cỏ, như bông hoa nở giữa cánh đồng, một cơn gió thoảng đủ làm nó mất đi, nơi nó mọc sẽ không còn mang vết tích”.

 Nhưng trong Một Cõi Đi Về, ý nghĩa của “cỏ non” chỉ “cám dỗ của thế gian” nếu nói theo Ki-tô, hay “quyến rũ của dục lạc” nếu nói theo Phật thì hợp lý hơn vì nó giải thích được lý do tại sao lại “đi quanh, chạy vòng” để phải bị đuối.

Cám dỗ gì? Quyến rũ gì? Mắt đi tìm hình ảnh đẹp, tai đi tìm tiếng hay, mũi đi tìm mùi thơm, lưỡi đi tìm vị ngon, thân đi tìm sự xúc chạm êm ái, ý đi tìm suy tưởng mới. Mà phải “non”, “tươi”, “lạ” mới thỏa mãn hài lòng. Có bao nhiêu người hiểu được rằng đây chỉ là “mộng mị” phù du ? Ngày hôm qua đẹp, hay, thơm, ngon, mới lạ, êm ái biết bao, sao hôm nay tất cả bay đâu mất rồi. Lại khát nữa, lại đi tiếp, laị chạy tiếp. Và như thế, ngày qua… ngày qua…

Còn “bờ”, hãy nghe lại câu nói của Trịnh.

"Bờ bến của một cuộc tình cũng không phải hẹp đâu. Có biết bao nhiêu kẻ đã bị dìm chết giữa giòng để mãi mãi không đến được bờ bên kia. Kẻ đã đến được bờ bên kia rồi, khi quay nhìn lại sẽ thấy rất rõ, sẽ nhận thức được mọi thất vọng, khổ đau đã qua đều là giả tạo, phù phiếm. Và bỗng nhiên một nụ cười thanh thản bỗng nở ra. Một khi đã qua được bờ bên kia rồi tất cả sẽ thấy lòng mình tràn ngập một nỗi hân hoan lạ thường và từ đó cái nguồn cội của khổ đau không còn lừa gạt ta được nữa..."

Câu này ý tứ sâu, không đi vào ở đây, trích dẫn để hình dung rõ hơn triết lý Phật về bờ mê, bến giác đã ảnh hưởng thế nào đến tư tưởng của Trịnh thôi. Như vậy, là có bờ bên này và bờ bên kia. Bến bờ này cũng có mặt trong nhiều câu hát: “Như bờ xa nước cạn đã chìm vào cơn mưa” (Tình nhớ) hay “Bờ xa cỏ dại vô thường nhớ em” (Em đi bỏ lại con đường)…Bờ xa bên kia thì không mộng mị như bờ gần bên này, bờ bên kia là bờ giác, bờ bên này là bờ mê. Bờ bên này cỏ non nhiều nên giả tạo, phù phiếm, bờ bên kia chỉ có nụ cười thanh thản và nỗi hân hoan.

8.

Từng lời tà dương là lời mộ địa   
Từng lời bể sông nghe ra từ độ suối khe.

Hai câu này là một ý với “Dưới vành nôi mọc từng nấm mộ” (Cỏ xót xa đưa) hay rõ hơn là “Cụm rừng nào lá xác xơ cây, từ vực sâu nghe lời mời đã dậy, ôi cát bụi phận này ,vết mực nào xóa bỏ không hay” (Cát bụi). Đây là lời cảnh báo của vị thiên sứ hầu như chẳng ai muốn nghe dù trước sau cũng phải đối diện : Thần Chết.

Tà dương là ánh mặt trời sắp lặn, mộ địa là nấm mồ. Tà dương mộ địa, từ Hán Việt, dùng trong câu này quả rất hay, Ông là người yêu ca dao, yêu tiếng Việt, chúng ta khi nghe Trịnh đều yêu thêm tiếng nước mình. Thỉnh thoảng trong túi có móc ra vài từ không thuần Việt nhưng đặt chữ nào xuống là đắc chữ đó, như “tiến thoái lưỡng man”. Không phải làm khó người nghe mà chỉ với ý làm tăng thêm độ sâu của bài hát.

Nếu “nắng vàng” xuất hiện lung linh buồn, thanh thoát nhẹ thì  “tà dương” gợi lên một không gian cổ điển u trầm, làm ta không thể không nhớ đến “Trải bao thỏ lặn ác tà” và “Bóng tà như giục cơn buồn” của Nguyễn Du, “Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà” của Bà Huyện Thanh Quan, hay độc đáo linh động của Tản Đà với "Cỏ vàng cây đỏ bóng tà tà dương". Lời tà dương của Trịnh nặng trầm hơn vì bên cạnh là âm hưởng lạnh lạnh của mộ địa.

“Từng lời bể sông nghe ra từ độ suối khe”? Lại gặp lại dòng sông, lần này tiếng hát của sông vang vọng lên, một bên là biển, một bên suối khe, đây là hình ảnh “Những dòng sông nối đôi tay liền với biển khơi” trong Bốn Mùa Thay Lá. Từ nơi bắt đầu của một dòng chảy đầu nguồn là khe, hòa vào suối, nhập vào sông, cuối cùng ra biển cả. Một sự khởi đầu của “vành nôi” chào đời và kết thúc của “nấm mộ” ngủ yên.

Nếu ví đời người như một cuốn sách 36.000 trang, mỗi trang được lật qua là thêm một trang tiến gần về chương cuối. Cũng vậy, mỗi lần hoàng hôn rơi….

9.

Lời nào của cây, lời nào cỏ lạ   
Một chiều ngồi say một đời thật nhẹ, ngày qua.
Vừa tàn mùa xuân, rồi tàn mùa hạ  
Một ngày đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa.

“Cây” là cây của sự sống (tree of life) như đã từng gặp trong Cỏ Xót Xa Đưa: “Trên đời người trổ nhánh hoang vu, trên ngày đi mọc cành lá mù”. Cây mang tính gốc rễ vững chắc, từ đó cành, nhánh, lá vươn ra. Cành, nhánh có thể là những liên hệ bên ngoài của ta trong cuộc đời, cũng có thể là suy nghĩ, cảm xúc bên trong nội tâm.

Nhưng nếu theo ý này thì không chặt lắm khi “cây” đi cùng với “cỏ lạ”. Cỏ lạ chỉ “lạc thú trần gian” khi ta đi loanh quanh, chạy vòng quanh như đã nói trong bài trước thì “cây” phải mang nghĩa ngược lại thì ý mới sống động. Theo hướng tâm linh này thì cây giác ngộ (tree of enlightenment) hợp lý hơn vì bản thân cây này cũng đã hàm chứa ý nghĩa “đôi vầng nhật nguyệt” trong sáng, có hoan lạc, bình an thật sự, chứ không giả tạm, nhất thời như “lạc thú” của “cỏ lạ” hời hợt, chóng tàn.

“Một chiều ngồi say”? Say "cây" hay say "cỏ"? Câu này là một cách nói khác của “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”, say vì yêu bông hoa, nụ cười, yêu nắng đầy, mưa tới … (chắc là cũng có rượu). Yêu ngất ngây nhẹ nhàng tất nhiên sẽ hưởng được nguồn vui của “một đời thật nhẹ”, cứ “ngồi thong dong trao đến mọi loài chút tình tôi”. Nếu không biết "say" chắc chắn sẽ là "một đời thật nặng... ngày qua"

Thời gian trôi, tháng ngày trôi, mặt trời lên rồi xuống, nắng đến rồi phai, tàn xuân, tàn hạ. Rồi sẽ đến khúc cuối đời, nghe tiếng lộc cộc chậm buồn tiếng chân ngựa về để đón đưa. Một lần nữa hình ảnh “ngựa” lại xuất hiện, không xa vắng như “nhớ ngựa thồ ngoại ô xa vắng” trong Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên, không say buồn như “Một ngày như mọi ngày, giọng buồn lên tiếp nối, một ngày như mọi ngày, xe ngựa về ngủ say” trong Một Ngày Như Mọi Ngày.

“Chân ngựa về chốn xa” là văng vẳng tiếng của chuyến xe thổ mộ đưa quan tài về đất trả lại cho cát bụi. Thổ là đất, mộ là mồ, thổ mộ là nấm mồ đất. Mộ địa âm buồn bên ánh tà dương.

10.

 Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về

Một lần nữa, hãy đọc lại những tâm sự Trịnh đã để lại “Có những ngày tháng tôi đã bỏ mình vào một cõi tịch lặng vô ngôn để thử nhìn lại rõ mình hơn, nhưng vô vọng”. Ông đã thao thức nhiều trên con đường tìm lại “bản chất chân thực” (real nature) của mình. Đó cũng là thao thức chung cho những ai muốn thoát khỏi cảnh phù du, tạm bợ của hạn hẹp nhân gian.

Ông biết rằng có một cái gì cao cả hơn, an bình hơn nằm sâu bên dưới tâm thức bình thường, tĩnh lặng tựa đáy đai dương bao la:

“Và tôi đã tìm đến với thế giới của im lặng và hội họa. Ở đây, tôi đã bắt gặp một mảng đời của mình bấy lâu nay vẫn còn bị che dấu. Chính ở trong cõi màu sắc này, tôi đã chạm vào được cái chìa khóa để mở dần những cánh cửa vô thức của bản thân mình.”

 “Mảng đời của mình vẫn còn bị che dấu” được gọi là “một cõi đi về” mà ông đang khát khao tìm kiếm. Chạm được “chìa khóa”, thấp thoáng “cánh cửa” nhưng chiều sâu “vô thức của bản thân” thì “bó tay”, “vô vọng”. Cánh cửa “vô lượng, vô biên” hé chút chợt sầm đóng lại, rồi lại tiếp tục tới lui với đôi cánh là đà bay lượn giữa đời lênh đênh.

Dù vậy, ông vẫn tự nhủ “Hãy biết đi tìm, nhẫn nhục tìm kiếm sẽ có ngày thấy được. Dù ở đâu. Từ trong một hạt bụi đến cõi trời bao la. Từ cái sờ mó được đến cõi vô hình”. Nghe câu này, chúng ta không thể không nhớ một câu trong Kinh Thánh “hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho” (Matthew 7:7).

Phải chăng “cõi đi về” mà Trịnh muốn tìm, muốn hỏi, muốn gõ ấy chính là “cõi trời bao la” và “cõi vô hình” như ông đã nói? Những tự sự sâu kín “tự mình biết riêng mình Và ta biết riêng ta” ám ảnh Trịnh suốt một đời về “nguồn cội”. Những “giọt lệ long lanh” cùng “nụ cười đắng ngọt” đã làm rung động chúng ta qua những câu chữ, nét nhạc. Lúc bay bổng vui tươi. Lúc trầm lắng sâu buồn.

Nghìn dâu cố quận muôn trùng nhớ em
(Em đi bỏ lại con đường)
Rồi một lần kia khăn gói đi xa
Tưởng rằng được quên thương nhớ nơi quê nhà
(Bên đời hiu quạnh)

Tấm lòng hướng về “vầng nhật nguyệt” mà đôi khi được gọi là  “bờ xa” cũng lung linh trong nhiều tình khúc: “Ôi áo xưa lồng lộng, đã xô dạt trời chiều, như bờ xa nước cạn, đã chìm vào cơn mưa” (Tình nhớ). Chúng ta cũng hình dung thấy “bờ xa bên kia” đôi khi nhạt mờ khuất bóng. Sương khói cuộc đời không thể đưa ông qua bờ với nước cạn lòng sông.

Xem thêm bài thuyết giảng của TT. Thích Bửu Chánh:




 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 4458)
10 Tháng Năm 2019(Xem: 5395)
04 Tháng Giêng 2019(Xem: 7406)
28 Tháng Mười Một 2018(Xem: 6504)
30 Tháng Mười 2018(Xem: 6939)
24 Tháng Mười 2018(Xem: 7509)
27 Tháng Tám 2018(Xem: 5951)