VĂN HÓA PHẬT GIÁO MIỀN NAM: CHÙA TÔN THẠNH. Phấn tảo Y lang sao lục.
LGT. Đầu năm Ất Dậu, nhân dịp mang tro cốt của ông thân tôi về Việt nam tìm nơi ký tự, tôi được thiện duyên đến Chùa Tôn Thạnh đảnh lễ Sư Ông trụ trì Thích thượng Đạt hạ Đồng, rồi được trao tặng một tập sách nhỏ, tựa: Chùa Tôn Thạnh, do nữ sĩ Trần Hồng Liên biên soạn, sở Văn hóa-Thông tin Long an ấn hành năm 2002. Nhận thấy đây là tài liệu về một di tích lịch sử văn hóa Phật giáo miền Nam quý hiếm nhưng hiện chưa được phổ biến rộng rãi, nên chúng tôi mạn phép tác giả giới thiệu nội dung sách này thêm một vài nhận định cá nhân đến độc giả, hầu góp phần bảo tồn và xiển dương những công trình hoằng hóa Phật Pháp của liệt vị tổ sư. Phật Pháp vô lượng vô biên, con người thì hạn cuộc, cho nên vì chùa được tạo dựng tại miền Nam, nơi được khai khẩn từ khoảng thế kỷ 18-19 trở về sau, kể như còn quá mới đối với nền văn hóa miền Bắc và miền Trung cổ đại, cho nên chúng tôi phải phân biệt và liệt kê đây thuộc về Lịch sử Văn hóa Phật giáo miền Nam (Phấn tảo Y lang).
CHÙA TÔN THẠNH
Lịch sử thành lập:
Chùa Tôn Thạnh ngày nay thuộc ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, tổng Phước Điền, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Theo lịch sử, Tổ Viên Ngộ (khoảng năm 1808) là thiền sư khai sơn chùa, nơi mà tác phẩm Lục Vân Tiên được hoàn chỉnh trong thời gian cụ Đồ Nguyễn Đình Chiểu lưu trú tại đây.
Sách Đại Nam nhất thống chí chép về chùa Tôn Thạnh và đại sư Viên Ngộ như sau: “Chùa Tôn Thạnh ở địa phận xã Thanh Ba, huyện Phước Lộc, do tăng Ngộ lập năm Gia Long thứ 7 (1808) ... Ông đến xã Thanh Ba cất chùa Lan Nhã, rường cột tráng lệ, vàng son huy hoàng...”
Truyền thuyết dân gian kể rằng vào năm 1808, có một vị tăng trước tu tại chùa Vĩnh Quang, gần chợ Cần Giuộc, đến xã Thanh Ba cất một ngôi chùa đặt tên là Lan Nhã (còn đọc là Lan Nhược), rộng rãi khang trang, tráng lệ cổ kính. Chùa thiết lễ lạc thành vào năm 1813, như thế đã trãi qua hai trăm năm lịch sử. Về sau chùa cải danh lại thành Tôn Thạnh, hay Tông Thạnh, có nghĩa tông phong được thạnh hưng mãi mãi. Qua thời gian, chùa được nhiều lần trùng tu; hiện tại vẫn được Hòa thượng trụ trì Thích thượng Đạt hạ Đồng tiếp tục trùng tu kể từ khi đại sư trú xứ nơi đây vào năm 1958.
Con đường dài nền đất dẫn vào chùa đi qua cổng lớn đề tên “Chùa Tôn Thạnh” được dựng vào năm 1960; một bên đường là các hàng bạch đàn sừng sững, bên kia có những hàng bông bụp đỏ duyên dáng, khiến du khách nghe lòng thanh thoát bỏ trút đàng sau những ồn ào của phố thị để bước vào một phong cảnh thôn quê êm đềm mộc mạc. Vào trong khuôn chùa, đất rộng khoang khoát, chánh điện trang nghiêm, tượng bồ tát Quán Âm từ bi che chở; hậu đường, thiền đường tăng, thiền đường ni, đâu đâu cũng đều rộng rãi khang trang.
Lễ Phật, bái trụ trì, trai tăng xong, du khách còn được hướng dẫn tham quan bia tưởng niệm Cụ Đồ Nguyễn Đình Chiểu được dựng bên phía phải lối vào chùa năm 1973, sau thêm bia mới dựng vào năm 1998, ca ngợi công đức vì dân vì nước của nhà chí sĩ vừa là thi hào của nền văn chương Việt nam. Cùng năm này, 1998, chùa Tôn Thạnh được công nhận là một di tích lịch sử văn hóa của dân tộc.
Mặt trước chánh điện được xây dựng đơn giản, với hàng chữ Tôn Thạnh tự, có hoa văn cánh sen trang trí. Bốn hàng cột xi măng trước điện tạc hai cặp câu đối, đối rất chỉnh và phát huy trọn vẹn ý nghĩa sự hiện diện và sinh hoạt tâm linh của chùa.
Một cặp viết về ý nghĩa tên chùa:
“TÔN giáo kế truyền, Phật Pháp lưu hành, chúc nguyện tam thiên quốc thới;
THẠNH hưng tương tục, tăng đồ xướng tụng, kỳ cầu bá vạn dân khương.”
Một cặp đề xướng giáo lý căn bản của đạo Phật:
“Phật vô lượng, Pháp vô biên, vô ngã vô nhân vô phiền não;
Độ hữu duyên, cứu hữu nạn, hữu nhân hữu quả hữu bồ đề.”
Toàn chùa còn có 19 cặp câu đối khác, được phân bố rãi rác khắp nơi; cặp xưa nhất cũng mang tên chùa, treo hai bên Phật điện:
“TÔN tích Như Lai, kiến thiết pháp minh, đản nguyện dân an quốc thới
THẠNH hưng Tam Bảo, sùng tu diệu điển, chỉ kỳ võ thuận phong điều.”
Ngoài ra còn có 18 cặp đối khác là do Hòa thượng thượng Đạt hạ Pháp , viện chủ chùa Pháp Quang đề tặng vào năm 1994.
Vườn chùa phía trái là ngọn tháp 3 tầng của đại sư Viên Ngộ, tổ khai sơn chùa, được xây vào năm 1846, là năm đại sư viên tịch, và được trùng tu năm 1959. Tháp hình lục giác, biểu trưng cho lục độ, mỗi cạnh phía trên chạm nổi một chữ, khắc thành 6 chữ “Nam Mô A Di Đà Phật”; tầng cuối của tháp chạm hàng chữ Hán, ghi rằng:
“Sùng kiến, Tôn Thạnh đường thượng, tự Lâm Tế chánh tông tam thập cữu thế, húy Tánh Thành, thượng Viên hạ Ngộ đại lão thiền sư chi linh tọa vị”.
Dịch nghĩa:
“Kính cẩn xây dựng, nơi linh toạ của Đại lão thiền sư thượng Viên hạ Ngộ, húy Tánh Thành, thuộc đời thứ 39 dòng Lâm Tế chánh tông, trụ trì chùa Tôn Thạnh.”
“Đài Trí tuệ thành không, ánh đèn hòa theo ánh mây xa tán;
Hoa Ưu đàm tàn tạ, tiếng kinh đuổi theo tiếng gió mưa tiêu.”
Đây là một câu đối đượm mùi triết lý tánh không của triết học Phật Pháp. Nào là trí tuệ siêu việt đối với hoa Ưu đàm hiếm quý, nhưng mà trí tuệ là thấy được thực thể các pháp thì cũng biết chúng chỉ là không; hoa ưu đàm dầu hiếm quý ngàn năm mới hé nở một lần rốt lại rồi ngàn năm sau cũng sẽ tàn tạ; cho nên sắc cũng đó mà không cũng là đó. Ánh đèn dầu leo lét trong chánh điện hòa theo áng mây bàng bạc trên cao, tiếng kinh tụng buổi xế chiều vang vọng theo tiếng mưa lách tách trong những tàu chuối xa xa, tạo thành một bức tranh vừa thực tế vừa mơ hồ như áng mây bay, lồng trong âm thanh vừa rả rít của gió mưa hiu hắt vừa trầm dịu như tiếng kinh cầu, diễn tả toàn diện căn bản một triết lý cao siêu huyền ẩn qua buổi công phu chiều vừa sống động lại vừa buồn thiu.
Vế sau của cặp đối này, bốn chữ đầu, “Ưu đàm hoa tạ” (Hoa Ưu đàm tàn tạ), cũng cần phải được nhắc qua. Phật tử đến chùa lễ Phật thường hay cúng những loại hoa đẹp có hương như hoa sen, cúc đại đóa, vạn thọ, v.v., mỗi lần cắm hoa vào bình hay đến lễ bái trên chánh điện đều ngắm nghía trầm trồ màu sắc hương thơm của chúng. Chỉ là chiêm ngưỡng mê thích hương sắc của hoa thôi cho nên thật sự đã quên mất ý nghĩa khi dâng hoa cúng Phật. Bài tụng của các sư Nam tông về hoa như sau:
Hoa tươi đẹp sẽ tàn
Thân giả hợp sẽ tan
Nguyện tu mau chứng đắc
Quả chân thường giải thoát
(Puppham milàyàti yathà idam me
Kàyo tathà yàti vinàsabhàvam)
Thật sự mà nói, tụng thì tụng vậy, nhưng có ai dám để hoa héo tàn trên bàn Phật hoặc vừa tụng kinh vừa chiêm nghiệm về vô thường, về thân giả tạm để mà tinh tấn tu hành cầu đạt chân thường, giải thoát không? Hoa Ưu đàm trong những kinh Phật được xem là loại hiếm quý nhất, cả ngàn năm mới xuất hiện một lần và nở rất lâu; thế nhưng lâu cách mấy, như núi cao như sông dài rồi cũng có ngày phải là “biển dâu” mà thôi. Tác giả hai câu đối này phải là một thiền sư đã tự thân giác ngộ và thực chứng một kinh nghiệm tâm linh về nguyên lý vô thường, căn bản triết lý thâm sâu của nhà Phật, mà hàng hàng lớp lớp hành giả đã trãi qua và đạt đến từ ngàn năm nay.
Đại sư Viên Ngộ (1786-1846) :
Đại sư Viên Ngộ thế danh Nguyễn Chất, con ông Nguyễn Ngọc Bình và bà Trà thị Huệ, người làng Thanh Ba, huyện Phước Lộc, nay thuộc xã Mỹ Lộc, huyện Cầnn Giuộc, tỉnh Long An.
Theo Đại Nam nhất thống chí, thuở nhỏ đại sư theo Nho học, khi 20 tuổi xuất gia dưới đời Gia Long thứ 5 (1806). Buổi đầu đại sư thọ giáo với hòa thượng chùa Vĩnh Quang, một ngôi chùa gần chợ Cần Giuộc, được đặt pháp danh là Viên Ngộ, huý Tánh Thành, thuộc đời 39 phái Lâm Tế, dòng Liễu Quán. Hiện không có tài liệu gì viết về hòa thượng này, cũng như sự truyền thừa của dòng Liễu Quán từ miền Trung vào Nam.
Trong khi tu học tại chùa Vĩnh Quang, đại sư rất quan tâm đến cuộc sống của dân làng chung quanh, bấy giờ vẫn còn là vùng đất vừa mới khai khẩn, còn nhiều hoang vu. Cho nên đại sư bèn khởi xướng việc khai phá đường làng, đấp thành một con đường dài 200 trượng đi về hướng nam đến phường Tích Đức, và một đường dài 250 trượng đi về hướng tây đến phường Hòa Thuận, chặt gai dọn cỏ cho người qua lại khỏi vất vả vì bùn lầy, vì nạn hùm beo thường xuyên lui tới làm hại dân làng. Do lòng từ bi thương xót chúng sanh như thế, đại sư được dân làng thương mến, quen miện gọi là Tăng Ngộ.
Trong thời gian khai hoang hai con đường làng, đại sư vẫn không chậm trể trên đường tu niệm, không ngừng học hỏi nghiên cứu kinh điển nhà Phật. Vào năm 1808, thọ giới cụ túc xong, đại sư xin phép thầy trở về nguyên quán xã Thanh Ba, cất chùa độ sanh, đặt tên Lan Nhã; người dân quanh vùng thường gọi là chùa Ông Ngộ.
Đại sư là một người con có hiếu. Khi cha thọ bịnh, ngài đã phát nguyện trường tọa suốt mười năm để cầu cho cha khỏi bịnh và tăng thêm tuổi thọ. Năm 1820, nạn dịch hoành hành, đại sư bèn phát nguyện từ đây chung thân tịch cốc, tụng kinh mật niệm cho toàn dân được thoát cơn dịch bịnh. Đến năm 1846, đại sư lại tịch thủy, trong 49 ngày thì viên tịch, tăng lạp 40 năm, trụ thế 60 tuổi.
Mười ba năm sau, vào năm Kỷ Mùi (1859) Cụ Đồ Nguyễn Đình Chiểu đã chọn ngôi chùa này làm nơi trú xứ cho đến 1862, vừa dạy học, chẩn bịnh cho dân nghèo, nhuận sắc hay trước tác những tác phẩm danh tiếng trong văn đàn Việt nam, đồng thời tham gia nghĩa quân chống thực dân Pháp.
Cụ Đồ Nguyễn Đình Chiểu:
Bia di tích về Cụ Nguyễn Đình Chiểu (Ảnh: Báo Mới)
Buổi lễ trao bằng công nhận chùa Tôn Thạnh là một di tích lịch sử cần được bảo vệ, vào ngày 1-7-1998, cũng là buổi lễ kỷ niệm 176 năm sinh của Nguyễn Đình Chiểu, thường được dân gian gọi một cách thân thương là Cụ Đồ Chiểu, với sự tham dự của một số nhà thơ, nhà báo và văn nghệ sĩ quy tụ về “mái chùa che chở hồn dân tộc” này để ngâm, đọc một số thơ tưởng nhớ và ca tụng công đức của Cụ, không chỉ là một nhà thơ yêu nước, mà còn là một lương y tận tâm và là một chiến sĩ dũng cảm nữa.
Cuộc đời và sự nghiệp của Cụ Đồ Chiểu đã được nhiều sách vở nói đến; trong lễ kỷ niệm này sở Văn hóa thông tin Long An cũng phát hành quyển Sưu tập về Nguyễn Đình Chiểu của nhà thơ Châu Anh Phụng.
Cụ Nguyễn Đình Chiểu đã chọn chùa Tôn Thạnh để tạm trú một thời gian, từ 1859 đến 1862, mở trường dạy học và bốc thuốc chữa bịnh cho dân nghèo, do đó mà được gọi thân thương là Cụ Đồ Chiểu. Dưới mái chùa Tôn Thạnh, cụ đã sáng tác áng văn bất hủ Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc mà qua đấy, cho thấy Cụ đã tiếp nhận ảnh hưởng thâm sâu về triết lý cứu độ của nhà Phật. Các sử gia chỉ ghi rằng Cụ đến chùa Tôn Thạnh mở trường dạy học chỉ là để che mắt thực dân Pháp, dùng chùa làm tấm bình phong, để giữ vai trò cố vấn tham mưu cho nghĩa quân Trương Công Định. Tuy nhiên qua bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc cho thấy chắc chắn là Cụ đã có những tham gia tích cực vào toàn bộ sinh hoạt tâm linh và tín ngưỡng của chùa. Và chính trong bài Văn tế này, Cụ đã nhắc đến nơi Cụ tạm dung với một tấm lòng nhớ ơn đậm đà tha thiết:
“Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, Tấm lòng son gởi lại bóng trăng rằm.”
Cũng trong thời gian này, Cụ Đồ đã nhuận sắc tác phẩm Lục Vân Tiên, cũng bất hủ và được dịch sang Pháp văn, và hoàn chỉnh thi phẩm Dương Từ Hà Mậu dài 3448 câu. Công cuộc bốc thuốc trị bịnh cho dân quê đã đưa đến kết quả là quyển Ngư Tiều Y Thuật Vấn Đáp, nói lên một công trình trọn đời hy sinh vì dân vì nước của Cụ trong lãnh vực y dược. Tóm lại, có thể nói tất cả các tác phẩm lớn của Cụ Đồ Chiểu đều được hoàn thành – hoặc sáng tác hoặc nhuận sắc – trong thời gian Cụ trú xứ tại chùa Tôn Thạnh để đưa chùa lên một địa vị vô đẳng trong lịch sử hoằng hoá của Phật giáo Việt nam miền nam. Cũng vì vậy mà mối quan hệ trong cuộc sống tâm linh của Cụ Đồ đối với chùa Tôn Thạnh là một sử kiện được truyền tụng và kính cẩn nhắc nhở gắn bó không thể xa rời nhau.
Cụ Đồ Nguyễn Đình Chiểu là đứa con văn võ song toàn trung liệt yêu nước mà chùa Tôn Thạnh đã một thời cống hiến cho lịch sử chống xâm lăng dựng đất nước phát huy văn hóa dân tộc trong lịch sử Việt nam.
Nghệ thuật Phật giáo Việt nam:
Chùa Tôn Thạnh lại còn cống hiến một đặc thái mà xưa nay những ai quan tâm về Phật giáo Việt nam hầu như không hề để ý đến. Đó là nghệ thuật tạc các tôn tượng thờ trong chùa. Chánh điện chùa nào cũng thờ Phật tượng là lý đương nhiên; nhưng hầu hết các tượng tạc hay tranh vẻ đều mang ảnh hưởng nghệ thuật Trung hoa, từ khuôn mặt đến đường nét, y phục, v.v. Những tôn tượng được thờ phượng tại chùa Tôn Thạnh, trái lại, có một đặc điểm là mang sắc thái của khuôn mặt Việt nam, những khuôn mặt thật mộc mạc, hiền từ, an vui, gần giống như trẻ thơ, chứ không đài các, uyển chuyển, ẩn dụ như các tôn tượng Trung hoa.
Chánh điện chùa Tôn Thạnh thờ tôn tượng Phật Thích Ca, Phật A Di Đà, các vị Bồ tát, thập bát La hán, ông thiện ông ác, v.v. như những ngôi chùa làng khác, không gì đáng kể. Tuy nhiên, tượng Địa Tạng vương bồ tát thì lại có nhiều điểm đặc biệt. Đây là pho tượng đồng được đúc vào thời đại sư Viên Ngộ trụ trì tại đây, như thế có lịch sử trên hai trăm năm. Tương truyền khi đúc tượng lần đầu, bên sau tượng còn một khe hở, nên phải đúc lại. Lần này, đại sư Viên Ngộ bèn chặt một ngón tay cho vào nồi đồng, nên tượng được đúc viên mãn. Tượng bồ tát cao 110 cm, tư thế ngồi trên lưng đề thính, hai chân đặt xuống đất, tay phải kiết ấn cứu độ, tay trái lật ngữa phía trước bụng, gương mặt phụ nữ, trẻ trung, vui tươi, đường nét giống người Việt miền Bắc. Về tư thế ngồi và kết ấn, đáng lý đây là phải tượng Bồ tát Quán Âm theo nghệ thuật Trung hoa; tuy nhiên có lẽ vì trên đầu đội mão tỳ lư, lại không có tượng Phật Di Đà nhỏ để phân biệt, cho nên được xem là tượng bồ tát Địa Tạng.
Hai tượng bồ tát Quán Âm, một bằng đồng và một bằng đất nung, đều hao hao giống nhau. Gương mặt là một phụ nữ trung niên, mặt tròn, tóc búi cao, có hình Phật Di Đà trên đỉnh đầu, ngồi theo tư thế kiết già, hai tay để trên đùi, như đang trong thiền định. Tư thế này ít thấy hay đúng hơn là chưa hề thấy trong nghệ thuật Phật giáo Trung hoa. Theo nghệ thuật Trung hoa, tượng phổ biến nhất là Quán Âm tống tử thường hay đứng bồng một đứa trẻ, có Thiện Tài Long Nữ hai bên, hoặc tượng Quán Âm tay cầm tịnh bình tay cầm nhành dương liễu để cam lộ sái tâm, tầm thanh cứu khổ; lại còn có tượng Quán Âm tự tại ngồi thỏng chân xuống đất, Quán Âm tỉ trúc, Quán Âm thuỷ nguyệt, v.v. trong rất nhiều tư thế uyển chuyển khác nhau. Duy chỉ tượng Quán Âm theo tư thế nhập định tại chùa Tôn Thạnh là lần đầu tiên được biết đến.
Các tôn tượng thập bát La Hán đặt hai bên bàn thờ chánh, bằng đất nung, đều ngồi trong nhiều tư thế thoải mái, an nhiên, hoặc kiết già hay bắt chân chữ ngũ, hoặc cả hai tay đưa lên, hoặc một tay đặt trên đầu gối, gương mặt rất trẻ, tươi vui, hiền từ, mộc mạc, miệng mỉm cười dịu dàng, không có những nét lẫm liệt, dữ dằn, dọa nạt, trừng mắt, hay một vài cách đứng hùng vĩ của các tượng tạc theo nghệ thuật Ấn độ.
Nhìn chung, từ tượng Quán Âm, Điạ Tạng, đến các tượng La Hán, đều là một nghệ thuật độc đáo của Phật giáo Việt nam. Và đây cũng là một khía cạnh cần được lưu tâm đến, với những nghiên cứu và thẩm định nghiêm túc để làm phong phú thêm cho nội dung nghệ thuật Phật giáo Việt nam, một lãnh vực còn nhiều mời gọi.
Về tên chùa, thật ra, không biết bao giờ, chùa Lan Nhã theo trong sử ký Đại Nam nhất thống chí được đổi tên là Tôn Thạnh, nhưng có thể là vào lúc hòa thượng Thích Liễu Thiền (1885-1956) được thỉnh về trụ trì nơi đây vào năm Ất Hợi (1935), nguyên là đệ tử thừa tự của đại sư Hiển Kỳ (1868-1936). Đại sư Hiển Kỳ đắc pháp với tổ Trác Tam Đế Nhàn (1858-1932) tại chùa Quán Tông, huyện Cẩm, Hương Cảng, thuộc Thiên Thai tông Trung hoa. Như thế, đại sư Hiển Kỳ, quê tại Rạch Quau, Cần Giuộc, tuy trọn đời hoằng pháp tại Trung hoa, nhưng đã trùng khai tông Thiên Thai Giáo Quán, còn gọi là tông Pháp Hoa, tại Việt nam vào đầu thế kỷ 20; do đó được sùng kính như là sơ tổ của tông Pháp Hoa đương đại. Hòa thượng Thích Liễu Thiền là người đầu tiên thuộc tông Thiên Thai Giáo Quán trụ trì tại đây cho nên có thể là vị đã cải danh chùa Lan Nhã thành chùa Tôn Thạnh, hay Tông Thạnh, với ý nguyện mong cầu tông phong được thạnh hưng mãi mãi. Do vậy, chùa Tôn Thạnh qua dòng lịch sử chính là tổ đình của tông Thiên Thai Giáo Quán này.
Đại sư Hiển Kỳ (1863-1936):
Đại lão Hòa thượng Thích Hiển Kỳ, húy Nhiên Công, thế danh Trần Quốc Lương, sanh năm Quí Hợi (1863), tại Rạch Quau, huyện Cần Giuộc, bấy giờ thuộc tỉnh Gia Định, nay là tỉnh Long An.
Thời niên thiếu, đại sư theo các vị lão sư người Trung Hoa tu đạo Minh Sư (đạo Tiên) tại Sàigòn, Chợ lớn. Sau đó theo họ đến Hồng kông ở tại chùa Thanh Sơn, tiếp tục tu theo đạo Tiên. Lần hồi các vị lão sư liễu đạo. Đại sư được thừa kế trụ trì chùa Thanh Sơn và là trưởng môn phái đạo Minh Sư.
Ngoài việc tu tập luyện khí dưỡng thần, đại sư cũng thường đọc tụng nghiên cứu kinh Phật. Sau một thời gian, đại sư nhận ra rằng quả vị cứu cánh của đạo Tiên không đưa đến giải thoát lục đạo luân hồi, chỉ có đạo Phật mới dứt mọi sanh tử, diệt tận phiền não, cao siêu, huyền diệu. Do đó, sau nhiều lần đắn đo suy nghĩ, đại sư bèn đến chùa Quán Tông, huyện Cẩm, Hương Cảng, đảnh lễ Tổ Trác Tam Đế Nhàn xin quy y Phật Pháp Tăng và thọ cụ túc giới, được ban cho pháp danh Nhiên Công, pháp hiệu Hiển Kỳ, thuộc đời thứ 20 theo pháp kệ của tổ Bá Tòng Chân Giác (sống vào năm Gia Tỉnh thứ 43, tây lịch 1564).
Bài kệ Pháp danh theo tổ Bá Tòng Chân Giác, vốn là tổ thứ 29 kể từ Đại sư Trí Khải, như sau:
Chân truyền chánh thọ
Linh nhạc tâm tông
Nhất thừa đốn quán
Ấn định cổ kim
Niệm khởi tịch nhiên
Tu tánh lãng chiếu
Như thị trí đức
....
Và bài kệ Pháp hiệu như sau:
Đại giáo diễn dịch
Tổ đạo đức hoằng
Lập định chỉ yếu
Năng sở dẫn đồng
Công thành đế hiển
Liễu đạo tắc an
Vạn tượng hải hiện
....
Từ đây, đại sư ngày đêm tinh tu tam quán yếu chỉ của tông môn, được Tổ Đế Nhàn ngợi khen và ấn khả.
Tổ Trác Tam Đế Nhàn thọ cụ túc giới tại chùa Quốc Thanh, núi Thiên Thai, vào năm Tân Tỵ (1881), lúc được 24 tuổi. Năm Bính Tuất (1886), đại sư đắc pháp với tổ Thụy Dung và được truyền thừa làm tổ đời thứ 19 của tông Thiên Thai Pháp Hoa. Trọn đời tổ cống hiến rất lớn trong việc hoằng dương nghĩa học của tông môn. Bấy giờ Phật giáo đang trong thời suy vi. Tổ cùng các đại sư danh tiếng đương thời như Thái Hư, Ấn Quang hợp cùng các cư sĩ trí giả như Tưởng Duy Kiều, Lương Khải Siêu... nhiệt tâm truyền bá chấn hưng đạo Phật. Cuộc chấn hưng này ảnh hưởng rất lớn đến các nước lân bang như Triều Tiên, Tích Lan, Ấn độ, v.v.; nhất là tại Việt Nam, phong trào chấn hưng Phật giáo thời Phật học đường Lưỡng Xuyên các thập niên 20-40 của thế kỷ qua là một chứng sử nghiêm trọng, trong đó công đức đóng góp của đại sư Liễu Thiền phải là đáng kể, tuy rằng hiện chưa có tài liệu nào viết nhiều về ngài.
Đại sư Hiển Kỳ, không những đã quay về quy y Tam Bảo, mà lại còn được cơ duyên đắc pháp với Tổ Đế Nhàn, một khuôn mặt lớn của Phật giáo Trung hoa cận đại, ngang hàng với các đại sư lừng danh như Hư Vân, Thái Hư, Ấn Quang, v.v. Năm Mậu Thìn 1928, đại sư được thỉnh làm Đàn đầu Hoà thượng trong đại giới đàn tại Hương cảng; đại sư Kỷ Tu làm Yết ma A-xà-lê và đại sư Phật Khả làm Giáo thọ A-xà-lê. Tại đàn này, có 2 vị tăng và 1 vị ni người Việt nam xuất gia thọ cụ túc giới.
Năm Quí Dậu 1933, đại sư Hiển Kỳ được cung thỉnh làm Đàn đầu Hòa thượng trong phương tiện giới đàn tại chùa Thanh Sơn; đại sư Phật Thọ làm Giáo thọ A-xà-lê, đại sư Tâm Sự làm Yết ma A-xà-lê; đàn tràng suốt 7 ngày đêm. Trong giới đàn này, có 3 vị tăng người Việt nam thọ đại giới.
Năm Ất Hợi, 1935, đại sư lại được cung thỉnh làm Yết ma A-xà-lê tại đại giới đàn chùa Bửu Lâm, núi Phụng Hoàng; đại sư Kỷ Tu làm Đàn đầu Hòa thượng, đại sư Phật Khả làm Giáo thọ A-xà-lê. Một vị tăng người Việt nam thọ cụ túc giới tại giới đàn này.
Ngày 4 tháng 3 năm Bính Tý (26-3-1936), đại sư Hiển Kỳ an nhiên thị tịch tại chùa Thanh Sơn, trụ thế 74 năm. Đệ tử của đại sư rất nhiều tại Hương cảng. Riêng có 7 vị đại đệ tử người Việt nam, thọ cụ túc giới tại ba đại giới đàn kể trên, và phục truyền tông Thiên Thai Giáo Quán vào Việt nam, được kể như sau:
1. Hòa thượng Thích Liễu Đàn huý Tu Tất
2. Hòa thượng Thích Liễu Học huý Tu Thành
3. Hòa thượng Thích Liễu Thiền huý Tu Trì
4. Hòa thượng Thích Liễu Lạc huý Tu Tịnh
5. Hòa thượng Thích Liễu Chứng huý Tu Quán
7. Hòa thượng Thích Liễu Tức huý Tu Nhiên
7. Ni trưởng Thích nữ Liễu Tường huý Tu Hảo.
Gọi là phục truyền vì Thiên Thai là một tông lớn, ngang hàng với Thiền và Tịnh độ, do Tổ Trí Khải đại sư (538-597) xiển dương từ thế kỷ thứ 6 tại Trung hoa. Sự liên hệ chặt chẻ và ảnh hưởng sâu đậm về mặt văn hóa và Phật giáo giữa Trung hoa và Việt nam không cần phải viết thêm ở đây, tuy nhiên, do vì sự liên hệ và ảnh hưởng này mà chúng tôi chắc chắn là tông Thiên Thai phải được truyền vào Việt nam vào khoảng từ thời Sơ Tổ Đại sư Trí Khải, tức thế kỷ thứ 6, về sau, chứ không phải đợi đến 13 hay 14 thế kỷ sau, mới có mặt một cách khiêm nhượng tại Việt nam vào thời các đệ tử của đại sư Thích Hiển Kỳ.
Dữ kiện tác phẩm Thiền Uyển Tập Anh được tìm thấy vào năm 1932 và sau đó không còn khám phá nào khác, cho nên được tôn sùng là tài liệu quí báu và duy nhất, đã bóp méo hay làm mờ đi những sắc thái sinh hoạt khác trong lịch sử Phật giáo Việt nam. Nếu chúng ta có can đảm đọc lại Thiền Uyển Tập Anh một cách nghiêm túc, với đôi mắt phóng khoáng cởi mở và một bộ óc thẩm bình vô tư có phương pháp học giả, có thể chúng ta sẽ khám phá được rất nhiều những tông phái khác đã bị ánh hào quang của Thiền che mờ đi, khiến cho khuôn hình Phật giáo Việt nam trong lịch sử chỉ còn bện có một màu sắc duy nhất treo trên tường như một bức tranh vô hoạt mà thôi.
Đại sư Liễu Thiền (1885-1956)
Đại sư Thích Liễu Thiền húy Tu Trì, thế danh Nguyễn văn Do, sanh năm Ất Dậu (1885) đời vua Hàm Nghi năm thứ I. Lớn lên, đại sư theo Nho học và làu thông tứ thơ, ngũ kinh. Bản tánh lễ độ, khiêm tốn, rất có hiếu với cha mẹ. Trong một trận lụt lớn tàn phá các tỉnh miền Nam, người thiếu niên tên Do này nhìn thấy một thây người chết trôi, sình chương, bị tôm cá tranh nhau rút rỉa, một thảm cảnh khiến ông động tâm, phát nguyện ăn chay trường và nuôi chí xuất gia học đạo. Trước tiên ông theo học đạo Minh Sư, luyện tinh hóa khí, luyện khí hóa thần, luyện thần hoàn hư, lần hồi được đắc đạo tiên.
Vào năm Qúy Dậu (1933), ông cùng hai huynh đệ sang Trung hoa đăng đàn thọ cụ túc giới cùng đại sư Hiển Kỳ tại chùa Thanh Sơn, được ban pháp danh Tu Trì, pháp hiệu Liễu Thiền, thuộc đời thứ 21 tông Thiên Thai Giáo Quán. Đầu năm Ất Hợi (1935), đại sư Liễu Thiền được cung thỉnh làm trụ trì chùa Tôn Thạnh. Cùng trong năm này, đại sư khai đại giới đàn truyền giới pháp cho 300 vị tăg ni và vài trăm cư sĩ tại gia thọ tam quy ngũ giới và bồ tát giới. Đây là giới đàn long trọng, trang nghiêm nhất trong mấy thập niên qua tại Việt nam. Từ đó, hàng năm vào ngày vía khánh đản bồ tát Quán Âm, ngày 19 tháng 2, đại sư đều tổ chức đại giới đàn để tiếp dẫn hậu duệ. Đại sư phát nguyện tụng kinh Pháp Hoa và Kim Cang mỗi ngày 3 thời. Hàng năm đều mở hạ, giảng kinh luật cho đại chúng. Đại sư từng được thỉnh làm chứng minh đạo sư của Liên Hải Phật học đường, Ấn Quang Phậât học đường, hội Lưỡng Xuyên Phật học, Giáo hội Tăng già Việt nam và hội Phật học Nam Việt. Đại sư viên tịch vào năm Bính Thân (1956), thọ 72 tuổi, tăng lạp 24 năm. Đệ tử là Hòa thượng Thích Đạt Đồng tiếp nối trụ trì chùa Tôn Thạnh từ đấy cho đến ngày nay.
Trước kia, cũng đã có một vài vị tăng đến trụ trì chùa Tôn Thạnh, thuộc nhiều dòng phái khác nhau. Đại sư Liễu Thiền là vị đầu tiên thuộc tông Thiên Thai Giáo Quán được cung thỉnh về đây trụ trì vào năm 1935. Qua những sinh hoạt của đại sư, có thể là đại sư đã đổi tên chùa Lan Nhã thành chùa Tôn Thạnh vào năm này, với mục đích là nguyện cầu cho tông môn Thiên Thai Giáo Quán được hưng thạnh mãi mãi.
Một vài cảm khái:
Như đã kể về sự gắn bó giữa Cụ Đồ Chiểu với chùa Tôn Thạnh, cho nên ngoài những câu đối tuyệt diệu đã được ghi khắc trên những cột chùa nêu trên, còn có những đóng góp bằng thi văn hiện đại của những du khách đến viếng thăm chùa, nhìn một bên là tháp tổ của bậc cao tăng siêu thoát một bên là mộ bia của vị chí sĩ hào hùng, ai cũng không thể không để lại một vài cảm khái:
Một buổi bình minh viếng cửa thiền
Kìa chùa Tôn Thạnh cảnh linh thiêng
Bia nêu Đồ Chiểu danh hùng dũng
Tháp lộng Sư Ông tích diệu huyền
Bão tố không nao lòng chí sĩ
Nắng mưa nào nghẽn bước thần tiên
Cả hai đạo đức người ca tụng
Sử sách tuyên dương bậc thánh hiền
***
Sử sách tuyên dương bậc thánh hiền
Đây chùa Ông Ngộ cảnh thần tiên
Bia son đậm nét ngời tên tuổi
Tháp đá lừng danh rạng mối giềng
Gió quyện hồn linh còn phảng phất
Mưa hòa khí hậu vẫn triền miên
Cao tăng dật sĩ vì non nước
Điển tích ngàn năm tạc cửa thiền.
Đăng Chiêu (Gò Công)
***
Nhân lễ Vu Lan viếng cửa Già (* Già lam: tự viện, chùa)
Đây chùa Tôn Thạnh ấp Thanh Ba
Bên bia Chí sĩ vàng in nét
Bên tháp Cao tăng đá dựng tòa
Chiến đấu, Cụ Đồ danh chói rạng
Hoằng dương, Sư Ngộ đức truyền xa
Thiền môn một cảnh hai di tích
Luyến khách tao nhân mắt Biện Hoà.
Thanh An kính bút (07.09.79)
(* Ngọc Biện Hòa cần người biết giá trị).
***
Theo khói hương xưa thoảng ngát trầm
Trở về Tôn Thạnh cõi chân tâm
Tháp chùa Sư Ngộ niềm thương kính
Bia đá Cụ Đồ tiếng nghĩa nhân
Sáng nẽo hoằng dương ngời chánh pháp
Rạng danh chí sĩ đẹp thi lâm
Cảnh thiêng lấp lánh quê Cần Giuộc
Như mặt trời lên giữa bụi trần.
Đoàn Yên Linh (18-2 Nhâm Dần) 1998
***
Di tích Thanh Ba hẳn chốn này
Thỏa lòng mặc khách khắp đông tây
Lời thơ chí sĩ nung hồn nước
Đạo hạnh danh tăng rạng thức mây
Trăng chiếu văn bia gương sáng tỏ
Khói lồng bảo tháp đức cao dầy
Tháng hai-mười tám – chùa Tôn Thạnh
Ba nén tâm hương tưởng niệm Thầy.
Châu Anh Phụng (trích báo Giác Ngộ số 55, ngày 1-4-1993)
Từ sử tích Đại sư Hiển Kỳ trùng truyền tông Thiên Thai Giáo Quán vào Việt nam cho đến những thành quả mà thế hệ đương đại đã gặt hái, chắc chắn là tâm nguyện của Đại sư Liễu Thiền mong cầu cho Tông môn luôn được hưng Thạnh nay đã thành đạt một cách vẻ vang. Những đứa con xưa nay từng lạc loài không biết cội nguồn tông phái là gì, nay đã có thể quay về nhận tổ quy tông, nối thừa pháp kệ.
Phấn tảo Y lang.
(viết xong ngày Rằm tháng Giêng năm Bính Tuất, 12/02/06)
Phụ chú: bài cậy đăng để cúng dường Giác linh Sư Ơng cố Hịa Thượng Thích thượng Đạt hạ Đồng đã viên tịch lúc 16 giờ 45 phút ngày 11 tháng 9 năm Ất Mùi tại Tổ đình Tơng Thạnh, Cần Giuộc; nhập tháp 10 giờ ngày 16/09/Ất Mùi. Chân thành tạ ơn.
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.